Bản án về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép số 416/2022/HSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 416/2022/HSPT NGÀY 17/06/2022 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC Ở LẠI VIỆT NAM TRÁI PHÉP

Ngày 17 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 1036/2021/TLPT – HS ngày 12 tháng 11 năm 2021 đối với bị cáo Thân C phạm tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2021/HSST ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BG.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Thân C; giới tính: nữ; sinh ngày 01 tháng 02 năm 1995; nơi ĐKHKTT: thôn A, xã K, huyện T, thành phố HP; nơi ở: ngã ba F1, xã M, huyện V, tỉnh L; nghề nghiệp: lao động tự do; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 12/12; con ông Thân N; con bà Ngô G; chồng Lê H, sinh năm 1990 (đang ly thân); con: có 02 người con, lớn nhất 06 tuổi, nhỏ nhất 18 tháng tuổi; tiền án, tiền sự: chưa có; bị cáo tại ngoại, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, chưa được xuất cảnh; có mặt.

Luật sư bào chữa theo yêu cầu của bị cáo: Ông D T, Luật sư Văn phòng Luật sư D T, Đoàn Luật sư thành phố HN; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không triệu tập tham gia phiên toà:

1. Bà Lê L, sinh năm 1954; địa chỉ: thôn Đ, xã ĐT, huyện YT, tỉnh BG.

2. Chị Ngô G, sinh năm 1975; địa chỉ: ngã ba F1, xã M, huyện V, tỉnh L.

3. Chị Đỗ H, sinh năm 1987; địa chỉ: ki ốt số 18, chợ mới MĐ 2, tổ dân phố MĐ 2, thị trấn N2, huyện VY, tỉnh BG.

- Người làm chứng, không triệu tập tham gia phiên toà: Bà Nguyễn Thị L, anh Nguyễn X, anh Ngô ĐT, anh Nghiêm Q, anh Nguyễn P, anh Chu H, chị Hà H2, anh Ngô ĐH, chị Thân Q.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đầu năm 2019, C mua bán hàng đông lạnh (chân gà, lòng lợn...) để bán sang Trung Quốc. Thông qua việc buôn bán, C biết nói tiếng Trung Quốc và quen một người đàn ông Trung Quốc tên thường gọi là “LT” (còn có tên gọi khác là “Ông chủ” hoặc “Lão Đại”) kinh doanh hàng đông lạnh ở khu vực biên giới, đường mòn cửa khẩu AA, huyện V, tỉnh L (khu vực CT). C và “LT” nhiều lần mua bán, giao dịch hàng đông lạnh và thường xuyên liên lạc với nhau qua phần mềm Wechat (phần mềm của Trung Quốc).

Sáng ngày 27/7/2020, “LT” liên lạc với C qua phần mềm Wechat nói có 06 người Trung Quốc, được “LT” bố trí người đưa sang Việt Nam qua biên giới tỉnh L để sau đó vào thành phố HCM. “LT” nhờ C liên hệ xe ôtô đón những người này ở ngã tư MS, thành phố L để đưa họ ra HN đón xe vào thành phố HCM, hứa trả công 200NDT/01 người (theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo, thời điểm từ ngày 23/7/2020 đến 29/7/2020: 01NDT = 3.315,53 đồng tiền Việt Nam; 200NDT = 663.106 đồng tiền Việt Nam). Trưa ngày 27/7/2020 "LT" gọi điện cho C nói nhóm người Trung Quốc chưa qua được biên giới sang Việt Nam, khi nào sang được sẽ thông báo để C đón; tối cùng ngày, C gọi cho "LT" hỏi thì được trả lời hiện chưa sang được, khi nào sang được tỉnh L sẽ gọi cho C để bảo lái xe đón. Lúc này C biết nhóm người Trung Quốc được "LT" tổ chức vượt biên trái phép sang Việt Nam qua đường mòn nên mới bị chậm như vậy; hơn nữa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền của địa phương, C biết thời điểm đó dịch Covid -19 đang bùng phát trở lại tại một số địa phương Việt Nam nên việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bị hạn chế; nếu nhập cảnh vào Việt Nam thì phải thực hiện khai báo y tế và phải cách ly tập trung 14 ngày (BL 682, 683). Mặc dù biết nhóm người Trung Quốc được "LT" tổ chức vượt biên trái phép sang Việt Nam nhưng do được hứa hẹn sẽ trả công 200 NDT/01 người, mặt khác do muốn tạo niềm tin để giữ mối quan hệ buôn bán sau này nên C đồng ý. Sau đó, C gọi điện qua Wechat với anh Chu H, sinh 1993 ở thôn BĐ 2, xã GC, huyện CL, tỉnh L thuê đón 06 người Trung Quốc nhưng anh H không đồng ý (BL 468); C gọi điện (qua Wechat) thông báo cho "LT" không thuê được xe thì được “LT” cho số điện thoại của một người lái xe khác để C liên hệ thuê xe chở 06 người Trung Quốc, tiền công do “LT” có trách nhiệm chi trả.

Khoảng 03 giờ ngày 28/7/2020, “LT” gọi điện cho C qua Wechat thông báo đã đưa 06 người Trung Quốc gồm 04 nam 02 nữ sang Việt Nam, bảo C gọi xe đến đón. C gọi điện thông báo cho lái xe đến ngã tư MS, thành phố L đón 06 người Trung Quốc chở ra khu vực cầu T2, thành phố HN và nhờ liên hệ thuê xe đưa họ vào Miền Nam. Khoảng 08 đến 09 giờ cùng ngày, lái xe gọi điện cho C thông báo đã liên hệ thuê được xe 07 chỗ đưa 06 người Trung Quốc vào thành phố HCM, tiền công khoảng 07 đến 08 triệu/01 người. Do thấy giá cao, C gọi điện cho “LT” thông báo thì “LT” không đồng ý và nhờ C bố trí chỗ ở tạm cho 06 người Trung Quốc rồi thuê xe đưa họ vào thành phố HCM sau. C gọi điện cho lái xe bảo đưa 06 người Trung Quốc về bến xe khách BG, sau đó C gọi điện cho em gái là Thân Q, sinh năm 1998 ở tổ dân phố HA, phường ĐM2, thành phố BG nhờ đón 06 người Trung Quốc và tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ tạm cho họ, C nhắn số điện thoại của lái xe cho chị Q và số điện thoại của Q cho lái xe để liên lạc. Chị Q nói chỉ giúp được một lúc buổi trưa vì chiều còn đi làm công ty; khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, chị Q đến bến xe BG gặp lái xe đưa 06 người Trung Quốc đến phòng trọ của chị Hồ H5, sinh 1991 là bạn làm cùng công ty ở khu tập thể Công ty điện lực BG, ngõ 20, tổ 9, đường K1, phường Trần N, thành phố BG (Q có chìa khóa phòng trọ) để nhóm người Trung Quốc nghỉ rồi đi mua cơm cho họ ăn (BL 425, 470, 488, 493, 494).

Sau khi nhờ Q đón nhóm người Trung Quốc, C gọi điện cho anh Vi D, sinh năm 1980 ở thôn TM, xã PX, huyện CL, tỉnh L là lái xe tắc xi ở thành phố L để xin số điện thoại xe khách vào thành phố HCM. Anh D cho C số điện thoại của anh Nguyễn P, sinh năm 1977 ở thôn TN, xã XT, huyện AT, tỉnh HY. Sau đó C gọi điện cho anh P thuê chở 06 người Trung Quốc vào thành phố HCM, anh P đồng ý chở số người này với giá 3.000.000 đồng/01 người và bảo C đưa 06 người T Quốc ra khu vực cầu T2, HN để anh P đón đưa vào thành phố HCM (BL 458, 466).

Khoảng 13 giờ ngày 28/7/2020, C gọi điện cho anh Nguyễn X, sinh năm 1974 ở xã TĐ, huyện YP, tỉnh BN là lái xe tắc xi nhờ anh X đến thành phố BG gặp chị Q để đón 06 người Trung Quốc ra khu vực cầu T2 đón xe vào thành phố HCM, anh X đồng ý chở với giá 800.000 đồng. C nhắn số điện thoại của anh X cho chị Q và số điện thoại của chị Q cho anh X để liên lạc. C chuyển khoản số tiền 2.300.000 đồng cho chị Q để trả tiền cho anh X. Khoảng 14 giờ cùng ngày, anh X đến thành phố BG gặp chị Q đón 06 người Trung Quốc chở ra khu vực Cầu T2, HN để đón xe vào thành phố HCM nhưng không được. Sau đó C gọi điện bảo anh X chở 06 người Trung Quốc quay lại bến xe khách BG trả tiền công 800.000 đồng, anh X đồng ý. Khi đến thành phố BG, anh X gọi điện cho chị Q ra đón và trả số tiền 800.000 đồng (Chị Q đã được C gọi điện thoại nhờ ra đón và trả tiền cho anh X). Trả tiền xong, chị Q gọi điện thông báo cho C biết rồi quay về công ty làm việc (BL 426, 488).

Tiếp đó C gọi điện cho anh Ngô ĐT, sinh năm 1988 ở thôn QB, xã QC, huyện VY là cậu họ thuê lái xe chở 06 người Trung Quốc vào Miền Nam nhưng anh ĐT không đồng ý. C gọi điện cho người lái xe lúc đầu chở 06 người Trung Quốc từ thành phố L nói không đưa 06 người Trung Quốc đi thành phố HCM được và nhờ tìm thuê nhà nghỉ cho 06 người Trung Quốc. Sau đó người lái xe gọi điện báo cho C biết đã liên hệ được nhà nghỉ ở khu vực U2, huyện VY với giá 700.000đ/01 phòng, C đồng ý. C gọi điện cho anh X bảo đưa 06 người Trung Quốc đến khu vực ngã tư U2 để thuê nhà nghỉ, C nhắn số điện thoại của anh X cho người lái xe và số điện thoại của người lái xe cho anh X để liên hệ đưa đến nhà nghỉ. Khi anh X đưa 06 người Trung Quốc đến nhà nghỉ thì chủ nhà nghỉ kiểm tra thấy nhóm người Trung Quốc không có giấy tờ nên từ chối không cho thuê phòng (BL 426, 434, 437).

Do không đưa được 06 người Trung Quốc đi vào thành phố HCM, thuê nhà nghỉ cũng không được, C gọi điện cho chị Đỗ H, sinh năm 1987 ở thôn K4, xã ĐL, huyện HH, hiện đang thuê kiốt số 18, chợ mới MĐ 2, thị trấn N2, huyện VY (là bạn quen từ trước) nói: C có mấy người bạn Trung Quốc đang làm ở khu công nghiệp U2, đã hết hạn visa từ tháng 02/2020, do sợ Công an kiểm tra nên nhờ chị H bố trí chỗ ở cho họ vài ngày rồi C bố trí xe đưa họ đi vào Miền Nam; chị H đồng ý. C nhắn cho anh X số điện thoại của chị H để liên lạc đón 06 người T Quốc. Chị H đến khu vực T9, xã VT, huyện VY gặp anh X đón 06 người Trung Quốc và trả tiền xe giúp C cho anh X 500.000 đồng. Chị H đón 06 người Trung Quốc đưa đi ăn tối rồi thuê xe tắc xi đưa họ về quán do chị H thuê trước đó ở phố L8, thôn K4, xã ĐL, huyện HH để ở (chị H thuê ngôi nhà này để mở quán lẩu nướng nhưng do dịch bệnh không bán được hàng nên đóng cửa). Sáng ngày 29/7/2020, C đón xe ô tô khách từ L đến khu công nghiệp VT hẹn chị H đến đón rồi cùng đi đến chỗ ở của 06 người Trung Quốc ở tại xã ĐL, huyện HH. Buổi tối cùng ngày, C gọi điện cho anh Nguyễn P thì được anh P cho biết sáng ngày hôm sau 30/7/2020 sẽ chở khách vào thành phố HCM. C nhờ anh P chở 02 người đàn ông Trung Quốc vào thành phố HCM trước, vì C thấy 02 người này có ngoại hình khác với người Việt Nam, trong đó có 1 người cao khoảng 2m và to béo dễ bị cơ quan chức năng chú ý. C gọi điện cho chị H nhờ gọi hộ 1 xe tắc xi để sáng hôm sau đi. Chị H liên hệ với một người lái xe tắc xi (không xác định được tên, địa chỉ) khoảng 03 giờ sáng ngày 30/7/2020 đón C và 02 người đàn ông Trung Quốc ra khu vực ngã ba TX, thị trấn LB, huyện KĐ, tỉnh HY để đi xe của anh P vào thành phố HCM; C đưa tiền cho 02 người T Quốc để trả tiền xe; sau đó C đón xe ô tô khách về nhà ở L (BL 457, 463, 625, 628).

Trưa ngày 31/7/2020, C đón xe ô tô khách đến nhà chị H và ngủ qua đêm tại đây. Tối hôm đó C gọi điện cho anh P hỏi xe vào thành phố HCM, anh P bảo C sáng ngày hôm sau đến trung tâm huyện YM, tỉnh HY có xe đón. C nhờ chị H gọi hộ 01 xe tắc xi đón 04 người Trung Quốc vào sáng ngày 01/8/2020, chị H gọi điện cho anh Nghiêm Q, sinh năm 1980, ở xã ĐL, huyện HH thuê xe đồng thời cho C số điện thoại của anh T để liên lạc. Sáng ngày 01/8/2020, anh T lái xe đón C và 04 người Trung Quốc (gồm 02 nam, 02 nữ) đến khu vực huyện YM, tỉnh HY. C gọi điện cho anh P thì được trả lời phải đợi để bố trí xe đến đón. Đợi đến khoảng 13 giờ cùng ngày vẫn chưa có xe đón nên C bảo anh T lái xe đưa C và 04 người Trung Quốc quay về tỉnh BG. Trên đường về thì C nhận được điện thoại của bà Lê L, sinh năm 1954 ở ở thôn Đ, xã ĐT, huyện YT là bà ngoại của C hỏi có về ăn giỗ ông ngoại vào ngày hôm sau không. C nói hiện đang đón xe ô tô khách cho 04 người Trung Quốc vào Miền Nam nhưng không được và hỏi bà L cho 04 người Trung Quốc về nhà ở vài ngày, bà L đồng ý. Đến chiều ngày 01/8/2020 anh T chở C và 04 người Trung Quốc về đến nhà bà L, C trả tiền xe hết 2.000.000 đồng (BL 404, 406, 441, 445). 04 người Trung Quốc được bà L bố trí cho ở tại ngôi nhà cấp 4 gần nhà bà L, là nhà của anh Ngô ĐH sinh năm 1982 con trai bà L nhưng vợ chồng anh ĐH đi làm ăn xa không có người ở; hàng ngày, C nấu cơm cho nhóm người Trung Quốc ăn. Đến khoảng 11 giờ ngày 03/8/2020, Công an huyện YT cùng Công an xã ĐT kiểm tra phát hiện 04 người Trung Quốc lưu trú tại nhà bà Lê L, không có giấy tờ hợp pháp nên lập biên bản làm thủ tục đưa Thân C và 04 người Trung Quốc đi cách ly tập tập trung để phòng chống dịch bệnh Covid - 19 và báo cáo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh để gải quyết theo thẩm quyền (BL 248, 398, 406, 410, 473).

Kết quả điều tra, xác định 06 người T Quốc có họ tên và địa chỉ như sau:

1. Yang F, sinh ngày 11/02/1988, hộ chiếu số: EG9259376, chỗ ở: Thôn LN, thôn TC, xã NT, huyện NX, tỉnh GT, Trung Quốc.

2. Ma Wei Hg, sinh ngày 16/10/1981, hộ chiếu số: G5676019, chỗ ở: Số 09, đường NH, phường HA, quận KB, thành phố S, tỉnh QĐ, Trung Quốc.

3. Lin Ming H1 (Lâm Minh H), sinh ngày 17/01/1986, chỗ ở: Số 42, thôn HC, thị trấn TB, huyện AK, tỉnh PK, Trung Quốc (lúc đầu khai tên là Wang Ping).

4. Lin Feng Lg (Lâm Phượng Linh), sinh 10/6/2001, chỗ ở: Số 70, KT, thị trấn TB, huyện AK, tỉnh PK, Trung Quốc (lúc đầu khai tên là Lin Xi).

5. Qi. Zj, sinh ngày 08/9/1993, số hộ chiếu: EH2931100, chỗ ở: SHK, ĐL, LN, QT, Trung Quốc.

6. Wang Shg, sinh ngày 10/2/1994, số hộ chiếu: G48632097, chỗ ở: SHK, ĐL, LN, QT, Trung Quốc.

02 người đàn ông Trung Quốc được C đưa đến ngã ba TX, thị trấn LB, huyện KĐ, tỉnh HY sáng ngày 30/7/2020 để đi xe của anh Nguyễn P vào Bến xe MĐ, thành phố HCM là Qi. Zj và Wang Shg; anh P khai đã thu tiền của mỗi người là 750.000 đồng. Khi đến bến xe MĐ, Công an phường 26, quận BT1, thành phố HCM phát hiện là người Trung Quốc nên đã làm thủ tục đưa họ đi cách ly tập trung huyện CC. Phòng An ninh đối ngoại, Công an thành phố HCM đã lập Biên bản vi phạm hành chính về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định”. Ngày 11/9/2020 Công an thành phố HCM ra Quyết định xử phạt bằng hình thức trục xuất theo thủ tục hành chính đối với 02 người Trung Quốc trên; ngày 14/9/2020, đã phối hợp với Công an tỉnh LC và các cơ quan chức năng trục xuất về Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế LC (BL 191, 205, 206, 216, 217).

Quá trình điều tra vụ án, cả 06 người Trung Quốc nêu trên đều khai: Thông qua ứng dụng Wechat họ thuê người đưa vượt biên trái phép vào Việt Nam để vào thành phố HCM với mục đích du lịch; tìm hiểu thị trường để làm ăn buôn bán. Đêm ngày 27/7/2020, cả 06 người Trung Quốc tập kết tại điểm vượt biên, khu vực cửa khẩu AĐ, được một người đàn ông chột 01 mắt, không rõ tên, tuổi, địa chỉ nói tiếng Việt Nam đưa vượt biên theo đường mòn sang Việt Nam. Sau đó được xe ô tô đưa, đón như diễn trình nêu trên (BL 200 – 203, 505 – 507, 510, 511, 541, 544, 545, 547).

Thân C khai biết rõ 06 người Trung Quốc do “LT” bố trí vượt biên trái phép vào Việt Nam, nhờ C giúp thuê xe cho họ đi vào thành phố HCM và hứa trả công 200NDT/01 người. Khi không đưa được nhóm người Trung Quốc đi vào thành phố HCM như dự định, C đều thông báo cho “LT” bằng tin nhắn thoại qua phần mềm Wechat biết; “LT” bảo C ứng tiền ra thanh toán, sau đó sẽ trả cho C đầy đủ và không để C thiệt. Do được hứa trả tiền và muốn giữ mối quan hệ làm ăn buôn bán sau này nên C đồng ý tìm chỗ ăn, nghỉ cho nhóm người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép (BL 650 – 656, 679 – 683, 696 – 699).

Cơ quan điều tra đã cho Thân C nhận dạng qua ảnh 06 người Trung Quốc; cho anh Nghiêm Q và 04 người Trung Quốc là Ma Wei Hg, Yang F, Lin Ming H1 và Lin Feng Lg nhận dạng qua ảnh Thân C. Kết quả C nhận dạng đúng ảnh 06 người Trung Quốc; anh T và 04 người Trung Quốc nhận dạng đúng ảnh của Thân C (BL 545, 533, 572, 603, 620).

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2021/HS-ST ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BG đã quyết định:

Áp dụng điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 348; điểm n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự 2015; xử phạt bị cáo Thân C 05 (năm) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 17/8/2020 đến ngày 23/8/2020. Về hình phạt bổ sung: Phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, xử lý vật chứng, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/8/2021, bị cáo Thân C làm đơn kháng cáo với nội dung: Xin giảm nhẹ hình phạt với lý do bị cáo phạm tội do nhận thức pháp luật bị hạn chế, vai trò phạm tội chỉ là người thực hành, phạm tội với lỗi vô ý; chứng cứ kết luận bị cáo được hứa hẹn trả tiền công không có, chưa đảm bảo khách quan; bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết phạm tội do hạn chế khả năng nhận thức nhưng chưa được áp dụng; mức hình phạt 05 năm tù là nặng và đề nghị miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin miễn hình phạt tiền.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo phát biểu ý kiến: Bị cáo C không phải là người chủ mưu đưa người vào Việt Nam trái phép; bị cáo vì mối quan hệ quen biết với người đàn ông Trung Quốc, do muốn giữ mối làm ăn nên đồng ý giúp, phạm tội do vô ý. Bị cáo phạm tội do nhận thức pháp luật kém, không hiểu biết, lúc đầu không nghĩ việc đưa 06 người Trung Quốc đi là phạm tội; bị cáo phạm tội lần đầu và với vai trò đồng phạm giúp sức; phạm tội không phải do vì động cơ vụ lợi; hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng ly thân, đang nuôi 02 con còn nhỏ. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm điểm l khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, xử phạt bị cáo từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù và áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo hưởng án treo; miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền cho bị cáo.

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

+ Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo là hợp lệ theo quy định của pháp luật nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

+ Về nội dung: Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bị cáo đang ly thân chồng và phải nuôi 02 con nhỏ. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt cho bị cáo từ 09 đến 12 tháng và miễn hình phạt tiền cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tội danh: Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Thân C thừa nhận Toà án cấp sơ thẩm xử phạt về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” là đúng, không oan.

Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, đã có đủ căn cứ kết luận: Bị cáo làm nghề buôn bán hàng hoá đông lạnh sang Trung Quốc nên quen biết một người đàn ông Trung Quốc tên thường gọi là "LT". Ngày 28/7/2020, "LT" tổ chức cho 06 người Trung Quốc gồm: Ma Wei Hg, Yang F, Lin Ming H1 và Lin Feng Lg, Qi. Zj và Wang Shg vượt biên trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường mòn sang tỉnh L và nhờ C giúp thuê xe đưa những người này vào thành phố HCM và hứa trả công 200NDT/01 người (BL 650 – 656, 679 – 683, 696 – 699). Bị cáo biết rõ những người Trung Quốc trên vượt biên trái phép, không có giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn đồng ý giúp. Do không đưa được 06 người Trung Quốc vào thành phố HCM như dự kiến, C nhờ chị Đỗ H đưa 06 người trên về ở tại phố L8, thôn K4, xã ĐL, huyện HH. Ngày 30/7/2020, C liên hệ xe đưa 02 người Trung Quốc là Qi. Zj và Wang Shg vào thành phố HCM trước; còn 04 người gồm Ma Wei Hg, Yang F, Lin Ming H1 và Lin Feng Lg ở lại đến ngày 01/8/2020 thì bị cáo đưa về ở nhờ nhà bà ngoại là Lê L ở thôn Đ, xã ĐT, huyện YT, tỉnh BG; đến ngày 03/8/2020, Công an huyện YT, tỉnh BG kiểm tra, phát hiện. Hành vi đưa 06 người Trung Quốc trên từ L về HN với mục đích đi vào thành phố HCM của Thân C có đủ các yếu tố cấu thành tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Do đó, bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” với tình tiết định khung hình phạt tại điểm c khoản 2 Điều 348 Bộ luật Hình sự là có căn cứ pháp luật.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:

Vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực quản lý cư trú đối với người nước ngoài ở Việt Nam; gây mất trật tự, trị an xã hội. Việc bị cáo tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng làm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm khác và nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Vì lợi ích cá nhân, bị cáo đã tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép có thể để lại những hệ lụy khó lường, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch Covid - 19 nên cần xử phạt nghiêm minh.

Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng phạm tội với vai trò giúp sức, là người thực hành; lỗi do vô ý; bị cáo phạm tội không vì mục đích vụ lợi, khi xét xử không có mặt “LT” và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên không làm rõ được nội dung này. Hội đồng xét xử xét thấy, quá trình điều tra bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình; căn cứ lời khai của bị cáo, lời khai của những người Trung Quốc được C giúp ở lại Việt Nam, lời khai của những người làm chứng, có căn cứ kết luận C là người đã đưa 06 người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép theo sự nhờ vả của người đàn ông Trung Quốc có tên theo bị cáo khai là “LT” và được hứa hẹn trả tiền công đúng như bản án sơ thẩm đã nhận định là khách quan, đúng pháp luật. Đối với “LT”, bị cáo khai là người nhờ C đưa 06 người Trung Quốc ở lại Việt Nam nhưng không khai rõ được họ tên, địa chỉ, lý lịch đầy đủ nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để tiến hành các hoạt động tố tụng điều tra, làm rõ.

Bị cáo kháng cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo là người được học văn hoá hết lớp 12/12 (bị cáo khai chỉ học hết lớp 9/12), có đầy đủ khả năng nhận thức, không có tài liệu thể hiện bị cáo là người bị nhược điểm về thể chất, tinh thần làm hạn chế khả năng nhận thức nên không có căn cứ chấp nhận.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, xử phạt bị cáo từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù và cho bị cáo hưởng án treo; Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, mức hình phạt bản án sơ thẩm đã quyết định là đầu khung hình phạt bị truy tố, xét xử; tại cấp phúc thẩm bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới; mức hình phạt Luật sư đề nghị áp dụng đối với bị cáo là quá nhẹ, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận.

Đối với kháng cáo của bị cáo và ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền; Hội đồng xét xử xét thấy bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền là đảm bảo tính giáo dục và răn đe đối với bị cáo và có tác dụng phòng ngừa tội phạm chung nên không chấp nhận.

[3] Với các nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy bản án sơ thẩm đã đánh giá tính chất, hành vi phạm tội; các tình tiết về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo mức hình phạt 05 năm tù là phù hợp, đảm bảo mục đích của hình phạt là giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm chung. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ giảm nhẹ gì mới nên không có căn cứ chấp nhận các nội dung kháng cáo của bị cáo; ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo và không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thân C, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2021/HS-ST ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BG về phần hình phạt đối với bị cáo Thân C như sau:

Áp dụng điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 348; điểm n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự 2015; xử phạt: Thân C 05 (năm) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ từ ngày 17/8/2020 đến ngày 23/8/2020. Về hình phạt bổ sung: Phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).

2. Án phí: Bị cáo Thân C phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

610
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép số 416/2022/HSPT

Số hiệu:416/2022/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:17/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về