TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 82/2022/HS-PT NGÀY 22/03/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Vào ngày 22 tháng 3 năm 2022 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 45/2022/TLPT-HS ngày 26 tháng 01 năm 2022 đối với bị cáo: Phạm Thị N về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 79/2021/HS-ST ngày 22-12-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Bị cáo có kháng cáo:
Phạm Thị N. Sinh ngày 23/3/1963 tại Hải Phòng. Nơi đăng ký NKTT: Làng K, xã H, huyện C, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 07/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Đức T (đã chết) và bà Vũ Thị S (đã chết); bị cáo có chồng là Lê Đình C, có 05 người con, lớn nhất sinh năm 1984, nhỏ nhất sinh năm 1991; tiền án: không, tiền sự: không; Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Thị N làm tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng K, xã H, huyện C, tỉnh Gia Lai nên N nắm bắt được chính sách của Nhà nước, điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng C sách xã hội tỉnh Gia Lai - Phòng giao dịch huyện C (NHCSXH huyện C). Theo N khai, do chồng của N là ông Lê Đình C nói N đưa tiền để đi làm ăn và N cần tiền để trả lãi các khoản vay tại Ngân hàng X Nam Gia Lai, Ngân hàng Y Bank Gia Lai, sử dụng cho chi tiêu cá nhân. Để có tiền, N đã nảy sinh ý định lợi dụng vào lòng tin và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một số người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương nên đã đến gặp một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thuyết phục họ đứng tên vay vốn tại NHCSXH huyện C rồi cho N vay lại. N hứa trả tiền lãi hàng tháng và trả tiền gốc khi đúng hạn đồng thời hứa cho các hộ cho N vay tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng, mọi thủ tục vay vốn thì N đứng ra làm, người vay chỉ cần ký hoặc điểm chỉ trong hồ sơ. Trường hợp nào chưa có CMND, Hộ khẩu thì N dẫn họ đi làm và tự bỏ tiền chi phí làm cho họ để đảm bảo đủ thủ tục hồ sơ vay vốn. Do được N thuyết phục và hứa hẹn như trên nên trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2018, có 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn K, xã H, huyện C tin tưởng là thật đã đứng tên vay vốn tại NHCSXH huyện C rồi đưa cho N và bị N chiếm đoạt cụ thể như sau:
1. Hộ ông Đinh Y: N dẫn Đinh Y đi làm hộ khẩu, làm thủ tục để Đinh Y vay Ngân hàng 10.000.000 đồng, thời hạn trả 30/9/2019. Sau khi nhận 10.000.000 đồng từ Đinh Y, N cho lại 500.000 đồng.
2. Hộ ông Đinh H: N làm thủ tục hồ sơ để Đinh H vay Ngân hàng 10.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 30/9/2019. Sau khi vay Đinh H đưa lại cho N mượn 10.000.000 đồng.
3. Hộ bà R Găn: N dẫn R Găn đi làm CMND, sau đó làm hồ sơ thủ tục để R Găn vay Ngân hàng 40.000.000 đồng, thời hạn trả ngày 06/12/2019. Sau khi vay được tiền, Găn đưa hết cho N mượn và được N cho lại 2.000.000 đồng.
4. Hộ bà Siu V: N làm thủ tục hồ sơ để Siu V vay Ngân hàng 40.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 06/3/2020. Sau khi vay được tiền, V đưa hết 40.000.000 đồng cho N và được N cho lại 2.000.000 đồng.
5. Hộ bà Siu K: N dẫn Siu K đi làm CMND, làm thủ tục để vay Ngân hàng 40.000.000 đồng, thời hạn vay đến ngày 30/8/2020. Sau khi vay tiền, Siu K đưa hết 40.000.000 đồng cho N, N cho lại Siu K 2.000.000 đồng.
6. Hộ ông Đinh S: N làm hồ sơ thủ tục để Đinh S vay Ngân hàng 40.000.000 đồng, thời hạn trả ngày 28/9/2020. sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, Đinh S đưa lại toàn bộ cho N vay và được N cho lại 2.000.000 đồng.
7. Hộ bà Kpă P: N dẫn Kpă P đi làm CMND rồi làm hồ sơ thủ tục để Kpă P vay Ngân hàng 40.000.000 đồng, thời hạn trả ngày 06/11/2020. Sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, Kpă P đưa lại hết cho N mượn và được nga cho 2.000.000 đồng.
8. Hộ bà R Blêng: N làm hồ sơ thủ tục để Blêng vay Ngân hàng 20.000.000 đồng, thời hạn trả ngày 14/12/2020. Sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, Blêng đưa hết cho N mượn và N cho lại 1.000.000 đồng.
9. Hộ bà Siu L: N làm thủ tục hồ sơ để Siu L vay Ngân hàng 30.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 06/7/2021. Sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, L đưa hết cho N mượn vào N cho lại 2.000.000 đồng.
10. Hộ bà Kpă M: N làm thủ tục hồ sơ để Kpă M vay Ngân hàng 30.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 06/3/2020. Sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, M đưa hết cho N mượn vào N cho lại 2.000.000 đồng.
11. Hộ bà Rmah B: N làm hồ sơ thủ tục cho Rmah B vay Ngân hàng 30.000.000 đồng, thời hạn trả ngày 18/10/2021. Sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, B đưa hết cho N mượn và được N cho lại 500.000 đồng.
12. Hộ bà Siu Đ: N làm hồ sơ thủ tục để Siu Đ vay Ngân hàng 40.000.000 đồng, thời hạn trả ngày 27/12/2021. Sau khi nhận tiền từ Ngân hàng, Đ đưa hết cho N mượn và được N cho lại 2.000.000 đồng.
Tổng cộng N đã nhận của 12 trường hợp nói trên với tổng số tiền là 370.000.000 đồng và N cho lại 18 triệu đồng. Số tiền còn lại 352.000.000 đồng, N khai đã sử dụng đóng lãi hàng tháng cho NHCSXH C để tránh bị phát hiện, dùng trả lãi cho các khoản vay tại Ngân hàng X, Ngân hàng YBank, đưa chồng làm ăn và tiêu xài cá nhân hết. Đến tháng 3/2019, NHCSXH C kiểm tra phát phát hiện các hộ dân nói trên đã không sử dụng vốn vay đúng mục đích nên đã mời các hộ dân nói trên cùng Phạm Thị N làm việc và yêu cầu N trả lại tiền cho các hộ dân để thu hồi vốn vay nhưng N không hợp tác. Tháng 7/2019, Phạm Thị N bỏ trốn khỏi địa phương để tránh nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, các hộ dân cho N vay mượn đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của N.
Đến tháng 5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai phát hiện Phạm Thị N đang làm tạp vụ nhà bếp tại Công ty Nakashima ở quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Qua làm việc, Phạm Thị N đã khai nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt số tiền của 12 hộ dân tại làng K, xã H, huyện C nói trên.
Về trách nhiện dân sự, trong quá trình điều tra, Phạm Thị N đã tự nguyện trả hết tiền gốc và tiền lãi phát sinh đối với khoản vay của 06 hộ dân gồm Đinh Y, Đinh H, Kpă P, Kpă M, R Găn, Siu L với số tiền gốc 158.000.000 đồng và 26.536.230 đồng tiền lãi và được các hộ dân này đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt. 06 hộ còn lại gồm: Siu V, Siu K, Đinh S, R Blêng, Rmah B và Siu Đ yêu cầu Phạm Thị N phải trả lại số tiền gốc đã chiếm đoạt để trả lại ngân hàng và phải chịu trách nhiệm trả khoản tiền lãi phát sinh.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 79/2021/HS-ST ngày 22-12-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định 1. Về tội danh:
Tuyên bố bị cáo Phạm Thị N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
2. Về điều luật áp dụng và hình phạt:
- Áp dụng vào điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 54 Bộ luật Hình sự Xử phạt bị cáo Phạm Thị N 05 (năm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra bản án còn quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 31-12-2021, bị cáo Phạm Thị N có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, xem xét quan điểm của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, bị cáo Phạm Thị N khai nhận hành vi phạm tội và thừa nhận Toà án cấp sơ thẩm xử bị cáo là đúng hành vi và tội danh mà bị cáo đã thực hiện, chỉ giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm hình phạt.
[2] Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà phù hợp với các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận như sau:
Lợi dụng bản thân là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn làng K, xã H, huyện C biết rõ đối tượng ưu tiên, trình tự, thủ tục cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội; tài sản của vợ chồng đã thế chấp hết vay ngân hàng, thu nhập không ổn định, không có khả năng trả nợ nên để có tiền phục vụ cho nhu cầu của bản thân Phạm Thị N đã tìm đến các hộ nghèo, cận nghèo của làng, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết nói họ đứng tên vay, thiếu thủ tục nào N sẽ dẫn đi làm giúp khi vay được tiền thì cho N vay lại, tiền gốc và lãi N trả sẽ trả khi đến hạn và cho mỗi hộ từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Vì tin tưởng lời nói của N nên từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2018 có 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vay Ngân hàng chính sách với tổng số tiền 370.000.000 đồng để cho N vay lại. Trong đó, N đã cho lại 12 hộ này 18.000.000 đồng, số tiền còn lại N chiếm đoạt sử dụng tiêu xài cá nhân rồi bỏ trốn.
Do đó, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” theo điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
[3] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, bị cáo lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào dân tộc thiểu số, là những đối tượng được vay vốn với lãi xuất ưu đãi để phát triển kinh tế, đứng ra xác lập các hợp đồng vay để lấy tiền đó cho bị cáo vay lại và bị cáo chiếm đoạt tiền.
Hành vi đó không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an trên địa bàn. Khi xét xử sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, như: bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho 12 bị hại, các bị hại đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Từ đó đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự xử bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt truy tố. Trong đơn kháng cáo bị cáo cho rằng đã tham gia phục vụ trong quân đội ở mặt trận phía Bắc năm 1979, đây là quá trình nhân thân tốt của bị cáo chứ không phải là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên kháng cáo không được chấp nhận.
Từ phân tích nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng bản án sơ thẩm đã xử có căn cứ và đúng pháp luật, hình phạt áp dụng đối với bị cáo là phù hợp với tính chất hành vi, hậu quả của vụ án và nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng. Kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo không có cơ sở nên không được chấp nhận, Cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo.
Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí phúc thẩm hình sự theo quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 31/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Toà án.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thị N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Áp dụng vào điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 54 Bộ luật Hình sự Xử phạt bị cáo Phạm Thị N 05 (năm) năm tù, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Về án phí hình sự phúc thẩm: Buộc bị cáo Phạm Thị N phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 82/2022/HS-PT
Số hiệu: | 82/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/03/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về