Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 580/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 580/2022/HS-PT NGÀY 19/08/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 19 tháng 8 năm 2022, tại Trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, công khai, vụ án hình sự thụ lý số: 438/2022/TLPT-HS ngày 17 tháng 5 năm 2022 đối với bị cáo Đỗ Văn Đ do có kháng cáo của bị cáo và bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 105/2022/HS-ST, ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

* Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Đỗ Văn Đ, sinh năm 1986; Địa chỉ: Thôn H P, xã H T, huyện H H, tỉnh Thanh Hóa; Chỗ ở: P807, số nhà 5, ngõ 31 V H, phường Đ T, quận B T L, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH T J Quốc tế; Trình độ văn hóa: 12/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Con ông Đỗ Văn B, sinh năm 1957 và con bà Trần Thị Q, sinh năm 1954; Có vợ: Lê Thị H, sinh năm 1992 và 01 con sinh năm 2020;Tiền án tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt và tạm giam từ ngày 05/4/2021 tại Trại tạm giam số 1 - Công an thành phố Hà Nội. Có mặt

Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Đinh Thị Kim Th - Công ty luật TNHH MTV Bảo Thiên, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt

* Bị hại có kháng cáo:

- Anh Phạm Duy B, sinh năm 1993; địa chỉ: Thôn Đ A, xã C M, huyện T K, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt, xin xét xử vắng mặt - Anh Lê Văn H, sinh năm 1987; địa chỉ: Tổ dân phố 3, phường B H, thị xã H L, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt, xin xét xử vắng mặt

Ngoài ra, trong vụ án còn có các bị hại khác không kháng cáo, Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH T J Quốc tế được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp lần đầu ngày 26/02/2019, mã số doanh nghiệp: 0108621323, trụ sở chính tại số nhà 16D, khu Đ H -Bộ Công an, phường K Đ, quận T X, TP. Hà Nội do Đỗ Văn Đ làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Công ty đăng ký kinh doanh 66 ngành nghề, có ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động việc làm nhưng không được Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên mọi hoạt động giao dịch kinh doanh của Công ty TNHH T J Quốc tế đều thực hiện tại địa chỉ: Phòng 2011, tòa nhà FLC Complex, số 36 đường P H, phường MĐ 2, quận NT L, TP. Hà Nội (do Đỗ Văn Đ thuê của ông Nguyễn Phúc A- sinh năm 1975; trú tại số 32 ngõ 34 phố N N N, quận T X, Hà Nội).

Đỗ Văn Đ nhận thức rõ công ty TNHH T J Quốc Tế không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài và công ty TNHH T J Quốc Tế hay Đỗ Văn Đ cũng không liên kết với bất cứ tổ chức nào được cấp phép dịch vụ này. Do cần tiền trả nợ, trả lương nhân viên và chi tiêu cá nhân, Đỗ Văn Đ đã nảy sinh việc đăng tuyển đơn hàng “kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC” không có thật lên tài khoản facebook cá nhân tên “Đỗ Đồng” để tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với mức lương tháng khoảng 40 triệu đồng. Thông qua việc giới thiệu đơn hàng không có thật, Đồng thỏa thuận chi phí trọn gói đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản là từ khoảng 5.000 USD đến 6.000 USD, tùy vào vị trí công việc và bằng cấp của người lao động, rồi thu tiền đặt cọc của mỗi lao động từ 25-70 triệu đồng (có phiếu thu). Đồng hứa hẹn từ 4 đến 6 tháng sau khi nộp tiền sẽ đưa được người lao động sang Nhật Bản làm việc, khi đó Đ sẽ thu số tiền còn lại và cam kết nếu người lao động không đi được sẽ trả lại tiền.

Tin tưởng công ty của Đ có chức năng và làm được thủ tục đi lao động tại Nhật Bản, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020 đã có 20 người lao động nộp hồ sơ và nộp tiền đặt cọc cho Đ, với tổng số tiền là 1.370.405.000 đ. Sau khi nhận tiền của người lao động, Đ không nộp tiền và hồ sơ cho tổ chức nào như đã cam kết mà sử dụng số tiền thu được để trả lãi vay cho một đối tượng tên Dũng (hiện chưa xác định được lai lịch, địa chỉ) hết khoảng 400.000.000 Đ, số tiền còn lại Đ chi trả tiền văn phòng, trả lương nhân viên, sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân khác nhưng đều không có tài liệu chứng minh.

Khi nhiều người lao động đã nộp hồ sơ và tiền cho Đ thắc mắc về việc không được liên hệ để đi Nhật Bản, Đ đã dùng thủ đoạn: đến cửa hàng phô tô có địa chỉ tại số 134 đường MĐ, phường MĐ 2, quận NT L, thành phố Hà Nội rồi Đ vào mạng xã hội tải các mẫu “giấy xác nhận nộp hồ sơ xin làm việc tại Nhật Bản” hay thường gọi là “giấy trình cục” có dấu đỏ, chữ nước ngoài và “giấy tư cách lưu trú”. Sau đó, Đ chèn ảnh, họ tên của người lao động, ngày, tháng, năm tiếp nhận hồ sơ, rồi chụp màn hình và gửi qua Zalo đăng ký từ số điện thoại 0967587287 của Đ đến các bị hại để họ tin tưởng hồ sơ xin xuất khẩu lao động của họ đã được tiếp nhận và không đòi tiền nữa hoặc để họ tiếp tục nộp tiền đợt sau. Tuy nhiên quá thời hạn như đã thỏa thuận vẫn không được đi lao động tại Nhật Bản, nhiều lao động đã tìm gặp, đòi hồ sơ và tiền nhưng Đ khất lần, chuyển văn phòng ra khỏi tòa nhà FLC Complex – số 36 Phạm Hùng, phường MĐ 2, quận NT L, Hà Nội để nhằm trốn tránh. Cho đến tháng 8/2020 các lao động đã nộp đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đỗ Văn Đ đến Cơ quan điều tra. Đến nay, Đ mới trả lại khoảng 113.000.000đ (Một trăm mười ba triệu Đ) cho một số bị hại, số tiền còn lại không có khả năng chi trả.

Quá trình điều tra, xác định các bị hại đã bị Đ chiếm đoạt số tiền cụ thể như sau:

1. Anh Nguyễn Hữu L, sinh năm: 1992; trú tại: Thôn K M, xã P K, huyện H H, tỉnh Thái Bình. Ngày 21/02/2020, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế ở phòng 2011, tòa nhà FLC Complex, số 36 đường P H, phường MĐ 2, quận NT L, Hà Nội, anh L đã nộp cho Đ 60.000.000 Đ cùng 01 bộ hồ sơ để làm thủ tục đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết khoảng tháng 7/2020 anh L sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến ngày 15/4/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh L hình ảnh “giấy trình cục” nhưng không có tên anh L. Sau đó, qua tìm hiểu, anh L nghi là giấy giả nên đã liên hệ với Đ nhưng không được. Anh L đến văn phòng Công ty tại phòng 2011 tòa nhà FLC Complex và phát hiện văn phòng Công ty không còn ở địa chỉ này. Hiện anh L đã nhận lại bộ hồ sơ, chưa được nhận số tiền 60.000.000 đồng đã nộp. Anh L yêu cầu Đỗ Văn Đ phải trả lại số tiền 60.000.000 đồng.

2. Anh Nguyễn Văn Tr, sinh năm: 1991; trú tại: Đội 7, thôn 3, xã Q C, thành phố H Y, tỉnh Hưng Yên. Ngày 03/12/2019, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh Tr đã nộp cho Đ 58.100.000 đồng và 01 bộ hồ sơ để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ thông báo dự kiến anh Tr sẽ được sang Nhật Bản vào ngày 25/4/2020. Khoảng cuối tháng 01/2020, khi anh Tr hỏi về tiến độ xét duyệt hồ sơ, Đ đã gửi qua Zalo 01 ảnh “giấy trình cục” nhưng mang tên Nguyễn Văn Hiếu. Sau đó, anh Tr nhiều lần hỏi Đ về tiến độ xét duyệt hồ sơ, Đ nại với lý do dịch bệnh Covid ở Nhật Bản nên bảo anh Tr chờ. Đến nay, anh Tr đã nhận lại bộ hồ sơ, chưa được trả lại tiền. Anh Tr yêu cầu Đỗ Văn Đ trả lại số tiền 58.100.000 đồng.

3. Anh Lê Văn M, sinh năm: 1997; trú tại: Xóm 3, xã KS, huyện T K, tỉnh Nghệ An. Ngày 08/11/2019, tại văn phòng công ty T J Quốc tế, anh M đã nộp cho Đ 70.000.000 đồng và 01 bộ hồ sơ để đăng ký đi lao động ở Nhật Bản. Đ cam kết khoảng tháng 4/2020 anh M sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Khoảng cuối tháng 01/2020, Đ thông báo anh M đã có “giấy trình cục” và gửi qua Zalo 01 ảnh “giấy trình cục” nhưng mang tên Hoàng Đức Tài. Đến tháng 4/2020, Đ thông báo anh M đã được duyệt tư cách lưu trú và yêu cầu nộp số tiền còn lại. Khi anh M yêu cầu cho xem giấy xác nhận tư cách lưu trú, Đ gửi qua Zalo cho anh M 01 văn bản tiếng Nhật có dán ảnh anh M. Do nghi ngờ giấy tờ giả nên anh M yêu cầu trả lại hồ sơ và tiền. Đến tháng 6/2020, Đ mới trả cho anh M hồ sơ và 20.000.000 đồng. Nay anh M yêu cầu Đ trả lại số tiền 50.000.000 đồng.

4. Anh Dương Minh T, sinh năm: 1997; trú tại: Thôn T P M, xã V L, huyện B V, TP Hà Nội. Ngày 30/11/2019, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh T đã nộp cho Đ 60.000.000 đồng và 01 bộ hồ sơ để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết anh T sẽ được sang Nhật Bản vào tháng 4/2020. Khoảng cuối tháng 01/2020, khi anh T hỏi về tiến độ xét duyệt hồ sơ, Đ gửi qua Facebook 01 ảnh “giấy trình cục” nhưng mang tên Nguyễn Văn H. Sau đó, anh T nhiều lần hỏi Đ về tiến độ xét duyệt hồ sơ, Đ nại ra nhiều lý do và bảo anh T chờ. Hiện nay anh T chưa được đi Nhật Bản và Đ chưa trả lại tiền nhưng có chuyển khoản trả 2.500.000đ. Anh T yêu cầu Đ trả lại số tiền còn lại 57.500.000đ.

5. Anh Phạm Văn C, sinh năm: 1997; trú tại: Thôn Hữu Trung, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ngày 30/11/2019, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh C đã nộp cho Đ 60.000.000 Đ cùng 01 bộ hồ sơ để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết khoảng 04 đến 06 tháng sau anh C sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Khoảng cuối tháng 01/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh C hình ảnh “giấy trình cục” mang tên Nguyễn Văn H. Anh C nghi là giấy giả nên đã liên lạc với Đ đòi lại tiền và hồ sơ. Hiện anh C đã nhận lại hồ sơ. Anh C yêu cầu Đ trả lại số tiền 60.000.000 đ.

6. Anh Phạm Duy B, sinh năm: 1993; trú tại: Thôn Đ A, xã C M, huyện T K, tỉnh Hải Dương. Vào các ngày 12/02/2020 và 19/02/2020, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh B đã nộp cho Đ tổng số tiền 70.000.000 đồng cùng 01 bộ hồ sơ để làm thủ tục đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết khoảng 4 đến 6 tháng sau anh B sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Sau đó khoảng 01 tháng, Đ gửi qua Zalo cho anh B hình ảnh “giấy trình cục” mang tên Bùi Tiến Trọ. Đến hạn cam kết, anh B không được đi Nhật Bản và không được trả lại tiền. Anh B yêu cầu Đ trả lại số tiền 70.000.000 đồng.

7. Anh Nguyễn Ngọc H1, sinh năm: 1993; trú tại: Xóm Đại Thọ, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngày 12/02/2020, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh H1 đã đặt cọc 10.000.000 đồng để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Sau đó, vào các ngày 20/02/2020, 25/02/2020, anh H1 đã chuyển tổng số tiền 47.000.000 đồng vào tài khoản số 0711000260998 của Đ mở tại Ngân hàng Vietcombank; Tổng số tiền anh H1 đã chuyển cho Đ là 57.000.000 đồng. Đ hứa hẹn đến tháng 6/2020 anh H1 sẽ được sang Nhật Bản lao động; tháng 3/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh H1 01 giấy trình cục nghi là giả. Đến hạn cam kết, anh H1 không được sang Nhật Bản nên đã yêu cầu Đ trả lại tiền và hồ sơ. Ngày 02/7/2020, Đ trả cho anh H1 8.000.000 đồng. Hiện anh H1 yêu cầu Đ trả số tiền còn thiếu là 49.000.000 đồng.

8. Anh Trương Ngọc S, sinh năm: 1996; trú tại: Xóm 9, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày 08/11/2019 tại văn phòng công ty T J Quốc tế, anh S nộp cho Đ hồ sơ cùng 70.000.000 đồng để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết đến tháng 4/2020 anh S sẽ được sang Nhật Bản. Ngày 21/4/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh S 01 giấy trình cục giả. Đến hạn cam kết không thấy được đi Nhật Bản, anh S đòi tiền và hồ sơ. Ngày 30/6/2020, Đ đã trả cho anh S 20.000.000 đồng. Hiện anh S yêu cầu Đ trả lại số tiền 50.000.000 đồng.

9. Anh Đinh Văn Ph1, sinh năm: 1997; trú tại: Thôn H T, xã X G, huyện N X, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 05/11/2019 anh Ph1 đến văn phòng công ty TNHH T J Quốc tế để thi tuyển đơn hàng đi lao động tại Nhật Bản và được Đ thông báo trúng tuyển. Sau đó, anh Ph1 đã nộp hồ sơ cho Đ cùng 70.000.000 đồng, trong đó chuyển 50.000.000 đồng vào tài khoản số 0711000260998 của Đ mở tại Ngân hàng Vietcombank và nộp 20.000.000 đồng tiền mặt cho Đ. Đ cam kết sau 4 đến 6 tháng, anh Ph1 sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến ngày 21/4/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh Ph1 01 giấy trình cục giả. Đến hạn anh Ph1 thấy không được đi Nhật Bản đã đòi tiền và hồ sơ. Ngày 30/6/2020, Đ trả cho anh Ph1 20.000.000 đồng. Anh Ph1 yêu cầu Đ trả lại số tiền 50.000.000 đồng.

10. Anh Phạm Bá Đ1, sinh năm: 1990; trú tại: Chợ N M, xã H S, huyện T D, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 17/3/2020 anh Đ1 đến văn phòng công ty TNHH T J Quốc tế để thi tuyển đơn hàng đi lao động tại Nhật Bản và được Đ thông báo trúng tuyển. Sau đó anh Đ1 đã nộp hồ sơ cho Đ và chuyển 25.000.000 đồng vào tài khoản số 0711000260998 của Đ mở tại Ngân hàng Vietcombank. Đ cam kết sau 4 đến 6 tháng anh Đ1 sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến hạn anh Đ1 thấy không được đi Nhật Bản nên đòi tiền và hồ sơ. Đ đã trả cho anh Đ1 hồ sơ và 5.000.000 đồng. Hiện anh Đ1 yêu cầu Đ trả số tiền còn lại là 20.000.000 đồng.

11. Anh Trần Đình B1, sinh năm: 1995; trú tại: khu 3, Thị trấn Q N, huyện N H, tỉnh Nam Định: Vào các ngày 15/12/2019 và 28/12/2019, tại văn phòng công ty T J Quốc tế, anh B1 đã nộp cho Đ tổng số 55.000.000 đồng để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết đến tháng 01/2020 anh B1 sẽ có “giấy trình cục” và đến tháng 5/2020 sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến ngày 03/3/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh B1 01 giấy trình cục nghi là giả. Đến hạn cam kết, anh B1 không được đi Nhật Bản đã yêu cầu Đ trả tiền và hồ sơ nhưng Đ chỉ trả hồ sơ cho anh B1. Anh B1 yêu cầu Đ phải trả lại số tiền 55.000.000 đồng.

12. Anh Lê Văn H1, sinh năm: 1987; trú tại: khu 3, phường B H, thị xã H L, tỉnh Hà Tĩnh: Ngày 26/3/2020 anh H1 đã chuyển 30.000.000 đồng vào tài khoản số 0711000260998 của Đ mở tại Ngân hàng Vietcombank để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết sau 2 tháng kể từ ngày nộp tiền, anh H1 sẽ có “giấy trình cục” và sau 6 tháng sẽ được đi lao động tại Nhật Bản. Đến thời hạn cam kết, anh H1 không được đi Nhật Bản nên yêu cầu Đ trả lại tiền. Ngày 08/7/2020 Đ đã trả anh H1 3.000.000 đồng. Hiện anh H1 yêu cầu Đ trả lại số tiền 27.000.000 đồng.

13. Anh Nguyễn Văn Đ1, sinh năm: 1997; trú tại: Xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Một ngày trong tháng 9/2019 và ngày 04/10/2019 tại văn phòng công ty T J Quốc tế, anh Đ1 đã nộp cho Đ tổng số 55.000.000 đồng để đăng ký đơn hàng đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết sau 4 tháng anh Đ1 sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến hạn, anh Đ1 không được đi Nhật Bản làm việc và không được trả lại tiền. Hiện anh Đ1 yêu cầu Đ phải trả lại số tiền 55.000.000 đồng.

14. Anh Nguyễn Thế N, sinh năm: 1997; trú tại: khu 12, xã H H, huyện T D, tỉnh Vĩnh Phúc: Vào các ngày 06/01/2020 và 30/01/2020 tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh N đã nộp cho Đ tổng số 70.000.000 đồng để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết đến tháng 5/2020 anh N sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến hạn anh N không được đi Nhật Bản và yêu cầu Đ trả lại tiền nhưng Đ chưa trả. Hiện anh N yêu cầu Đ trả lại số tiền 70.000.000 đồng.

15. Anh Lê Văn Ph, sinh năm: 1998; trú tại: xóm 4, xã D H, huyện D C, tỉnh Nghệ An: Ngày 30/01/2020, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh Ph đã nộp cho Đ 80.000.000 đồng để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết sau 4-6 tháng anh Ph sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Sau khi nhận tiền của anh Ph, Đ không thực hiện như cam kết. Đ đã trả lại anh Ph 37.000.000 đồng. Hiện anh Ph yêu cầu Đ trả lại số tiền 43.000.000 đồng.

16. Anh Ngô Anh T1, sinh năm: 1995; trú tại: Xóm 16, xã H L, TP V, tỉnh Nghệ An: Ngày 26/11/2019, tại văn phòng Công ty T J Quốc tế, anh T1 đã nộp cho Đ số tiền 3.000USD (tương đương 69.780.000 đồng) để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết sau 01 tháng sẽ có “giấy trình cục” để xin tư cách lưu trú tại Nhật Bản và sau khoảng 4-6 tháng, anh T1 sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Ngày 21/01/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh T1 01 “giấy trình cục” và thông báo hồ sơ của anh T1 đã được tiếp nhận. Ngày 21/4/2020, Đ tiếp tục gửi 01 giấy tư cách lưu trú (giấy COE) có tên anh T1 và yêu cầu nộp tiếp số tiền 2.500 USD nhưng anh T1 không nộp và hẹn sẽ nộp tiền khi có Visa. Đến hạn cam kết, anh T1 không được đi Nhật Bản. Hiện anh T1 yêu cầu Đ phải trả lại số tiền 3.000 USD (tương đương 69.780.000 đồng).

17. Anh Nguyễn Văn T2, sinh năm: 1992; trú tại: Thôn Đ G, xã B S, huyện L N, tỉnh Bắc Giang: Ngày 20/12/2019, anh T2 đã nộp số tiền 3.000 USD (tương đương 69.780.000 đồng) cho công ty T J Quốc tế để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản và được cam kết sau 5 tháng sẽ sang Nhật Bản làm việc. Đến hạn như cam kết, anh T2 không được đi Nhật Bản. Anh T2 trình bày khi làm thủ tục dự tuyển, nộp tiền, anh T2 làm việc trực tiếp với nhân viên công ty TNHH T J Quốc tế có tên là Mùi. Anh T2 đã được Mùi trả lại số tiền 15.000.000 đồng. Hiện anh T2 yêu cầu công ty của Đ phải trả lại số tiền còn lại 54.780.000đ.

Đỗ Văn Đ xác nhận đã nhận số tiền 3.000 USD của lao động Nguyễn Văn T2 thông qua cộng tác viên tên là Mùi. Đ không biết lai lịch, địa chỉ của Mùi vì Mùi chỉ là cộng tác viên làm thời vụ.

18. Anh Trần M1, sinh năm: 1978; trú tại: Tập thể liên hiệp Th L, phường H L, quận H M, Hà Nội: Vào các ngày 01/7/2020 và 05/7/2020 tại văn phòng công ty T J Quốc tế, anh M1 đã nộp cho Đ số tiền 116.000.000 đồng và hồ sơ để đăng ký cho 2 lao động là Nguyễn Đình Đ (sinh năm: 1998; trú tại xã Th D, huyện Th Ch, tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Doãn D (sinh năm:

1998; trú tại xã C D, huyện C X, tỉnh Hà Tĩnh). Đ cam kết với anh M1, đến tháng 9/2020 anh Đ và anh D sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến hạn, các lao động trên không được đi Nhật Bản và cũng không được Đ trả lại tiền. Hiện anh M1 yêu cầu Đ phải trả lại số tiền 116.000.000 đồng.

19. Anh Vũ Đức S, sinh năm: 1995; trú tại: Thôn Thái Minh, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa: Ngày 13/12/2019, anh S đã đến văn phòng công ty T J Quốc tế và nộp cho Đ số tiền 60.000.000 đồng để đăng ký đi lao động tại Nhật Bản. Đ cam kết sau 3 tháng anh S sẽ có tư cách lưu trú. Đến tháng 4/2020, Đ gửi qua Zalo cho anh S hình ảnh 01 giấy xác nhận tư cách lưu trú và yêu cầu anh S tiếp tục nộp tiền. Ngày 28/4/2020, anh S đã nộp tiếp cho Đ số tiền 104.745.000 đồng, tổng cộng là 164.745.000 đồng. Đ cam kết chậm nhất đến tháng 8/2020, anh S sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Đến hạn cam kết, anh S không được đi Nhật Bản và cũng không được Đ trả lại tiền. Anh S yêu cầu Đ phải trả lại số tiền 164.745.000 đồng.

20. Anh Trần Văn V, sinh năm: 1991; trú tại: xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Ngày 11/02/2020, tại văn phòng công ty T J Quốc tế, anh V đã nộp cho Đ số tiền 10.000.000 đồng và được Đ cam kết sau 6 tháng anh V sẽ được sang Nhật. Ngày 09/3/2020, Đ gửi qua Facebook cho anh V 01 hình ảnh “giấy trình cục” và yêu cầu anh V tiếp tục nộp tiền. Ngày 13/3/2020, anh V đã chuyển 50.000.000 đồng vào tài khoản số 0711000260998 của Đ mở tại Ngân hàng Vietcombank, tổng cộng là 60.000.000 đồng. Đến hạn cam kết, anh V không được đi Nhật Bản và không được Đ trả lại tiền. Hiện anh V yêu cầu Đ phải trả lại số tiền 60.000.000 đồng.

* Vật chứng vụ án:

Cơ quan điều tra đã tạm giữ các tài liệu do các bị hại giao nộp, gồm:12 phiếu thu tiền bản gốc, liên màu hồng, có chữ ký, chữ viết dòng họ tên tại mục người lập phiếu Đỗ Văn Đ; 03 giấy cam kết có chữ viết phần nội dung, chữ ký, chữ viết dòng họ tên tại mục người viết Đỗ Văn Đ; 05 bản cam kết có dấu đỏ của Công ty TNHH T J Quốc tế, tại mục đại diện bên A có chữ ký, chữ viết dòng họ tên của Đỗ Văn Đ; 09 biên bản bàn giao tài liệu có dấu đỏ của Công ty TNHH T J Quốc tế, tại mục Giám đốc có chữ ký, chữ viết của Đỗ Văn Đ;

02 thông báo trúng tuyển có dấu đỏ của Công ty TNHH T J Quốc tế, tại mục Giám đốc có chữ ký, chữ viết của Đỗ Văn Đ.

- Tạm giữ của Đỗ Văn Đ: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Xphone, có số imei: 351580070797747; cùng số tiền 3.000.000 đồng.

- Thu giữ khi khám xét nơi ở của Đỗ Văn Đ tại địa chỉ P807, nhà số 5, ngõ 31 V H, phường Đ T, quận B T L, TP Hà Nội, gồm: 01 thông báo về cơ quan thuế quản lý; 01 danh sách thành viên công ty TNHH T J Quốc tế; 01 hộ chiếu Ngô Anh T1; 04 lý lịch ứng viên: Trương Ngọc S, Lê Văn M, Bùi Tiến Tr, Hoàng Đức T; 02 dấu dập có in chữ “đã thu tiền”; 01 dấu dập in chữ “Đỗ Văn Đ”.

* Kết quả xác minh:

- Xác minh tại tòa nhà FLC Complex số 36 đường P H, phường MĐ 2, quận NT L, Hà Nội: Đ thuê phòng 2011 của ông Nguyễn Phúc A (sinh năm 1975; trú tại số 32 ngõ 34 phố N N N, quận T X, Hà Nội) để làm văn phòng Công ty từ đầu năm 2019, đã chuyển hết đồ đi từ ngày 04/8/2020.

- Tại Bản kết luận giám định số 9285/KLGĐ-PC09-Đ4 ngày 30/10/2020 của Phòng Kỹ thuật Hình sự-Công an thành phố Hà Nội, kết luận: chữ viết phần nội dung, chữ ký, chữ viết dòng họ tên Đỗ Văn Đ dưới chữ ký trên 12 phiếu thu, 08 bản cam kết, 02 thông báo trúng tuyển, 09 biên bản giao tài liệu với chữ viết, chữ ký đứng tên Đỗ Văn Đ trên các mẫu so sánh là chữ do cùng một người viết, ký ra.

- Xác minh tại Cục Quản lý lao động ngoài nước- Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, kết quả: Công ty TNHH T J Quốc tế không được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.

- Xác minh tại Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội, kết quả: Công ty TNHH T J Quốc tế đăng ký doanh nghiệp từ ngày 26/02/2019, hiện chưa đăng ký giải thể, tạm ngừng hoạt động.

- Xác minh tại Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao về các đơn hàng và việc cấp Visa theo đơn hàng kỹ sư cho lao động đi Nhật Bản. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trả lời: không cấp Visa Nhật Bản với mục đích đi lao động cho các lao động trong danh sách Cơ quan điều tra cung cấp.

Đối với hành vi của Đỗ Văn Đ làm giả các “giấy trình cục”, “giấy tư cách lưu trú” để gửi cho các bị hại, do Đ khai đã tải các mẫu giấy trên mạng xã hội và ra cửa hàng photo số 134 đường MĐ, phường MĐ 2, quận NT L, Hà Nội để chèn ảnh, thông tin, chỉnh sửa rồi chụp màn hình gửi qua Zalo cho các bị hại và không in ra văn bản. Cơ quan điều tra đã dẫn giải Đ xác định vị trí cửa hàng photo trên nhưng không thu giữ được các giấy tờ liên quan. Do đó Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý đối với Đỗ Văn Đ về hành vi làm giả các giấy tờ trên.

Đối với đối tượng tên Dũng, do Đ khai không có thông tin cụ thể nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để xác minh, điều tra.

Bản án hình sự sơ thẩm số 105/2022/HS-ST ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bố bị cáo Đỗ Văn Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Đỗ Văn Đ 13 (Mười ba) năm từ, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 05/4/202.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm bồi thường dân sự, trách nhiệm trong trường hợp chậm thi hành án, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 15/4/2022, bị cáo Đỗ Văn Đ có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo.

Ngày 26/5/2022 và ngày 27/5/2022, các bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Đ và yêu cầu bị cáo trả lại tiền cho bị hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo có ý kiến: xin rút toàn bộ đơn kháng cáo.

Người bào chữa cho bị cáo có ý kiến: Bị cáo tự nguyện rút đơn kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo.

Người bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H có ý kiến: Tại đơn xin xét xử vắng mặt, các bị hại trình bày ý kiến giữ nguyên nội dung kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử tăng nặng hình phạt đối với bị cáo và yêu cầu bị cáo trả lại tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm:

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thấy Bản án sơ thẩm căn cứ các quy định xử phạt bị cáo Đỗ Văn Đ 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự mà không có tài liệu chứng minh là không có căn cứ. Đối với kháng cáo của bị cáo, tại phiên tòa bị cáo tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo. Đối với kháng cáo của người bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H xét thấy Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo 13 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đã xem xét nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, do vậy, kháng cáo của các bị hại yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo là không có căn cứ chấp nhận. Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm đã giải quyết theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của các bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử không có người tham gia tố tụng nào khiếu nại về hành vi tố tụng của những người tiến hành tố tụng, các quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng nên các tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ là hợp pháp.

[2] Đơn kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn Đ và các bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H đảm bảo thời hạn, được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[3] Về nội dung: Tại phiên toà bị cáo thừa nhận thực hiện hành vi như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai người bị hại và các tài liệu khác có trong hồ sơ, với tang vật chứng thu được nên có đủ cơ sở để khẳng định: Mặc dù Công ty TNHH T J Quốc tế do Đỗ Văn Đ thành lập không được Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài nhưng do cần tiền để chi tiêu, Đ đã đăng tuyển đơn hàng “kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC” không có thật lên tài khoản facebook cá nhân “Đỗ Đ” để tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Đ giới thiệu mức lương tháng khoảng 40 triệu đồng và thỏa thuận chi phí trọn gói đi xuất khẩu lao động Nhật Bản từ khoảng 5.000 USD đến 6.000 USD, tùy vào vị trí công việc và bằng cấp của người lao động, rồi thu tiền đặt cọc của mỗi lao động từ 25-70 triệu đồng (có phiếu thu). Đ cam kết và hứa hẹn từ 4 đến 6 tháng sau khi nộp tiền sẽ đưa được người lao động sang Nhật Bản làm việc và sẽ thu số tiền còn lại. Tin tưởng vào các thông tin do Đ giới thiệu, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020 đã có 20 người lao động nộp hồ sơ và tiền cho Đ để đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản, với tổng số tiền là 1.370.405.000đ. Sau khi nhận tiền, Đ không thực hiện như cam kết mà sử dụng toàn bộ số tiền này vào mục đích cá nhân. Đ chỉ trả lại được 130.500.000đ cho một số bị hại; hiện Đỗ Văn Đ còn chiếm đoạt 1.239.905.000đ. Bị cáo thực hiện hành vi trong khi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, do vậy, hành vi bị cáo thực hiện đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174; Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt: bị cáo Đỗ Văn Đ 13 (Mười ba) năm tù là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

[4] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đỗ Văn Đ. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo, Người bào chữa cho bị cáo và Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo. Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn Đ.

[5] Xét kháng cáo của người bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, yêu cầu bị cáo trả lại tiền cho người bị hại. Hội đồng xét xử thấy:

[6] Như đã phân tích ở trên, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Đỗ Văn Đ 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là tương xứng với tính chất, hành vi bị cáo đã thực hiện. Khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tại cấp phúc thẩm người bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Đ, nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ mới, do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo. Đại diện viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ, phù hợp với quy định.

[7] Về trách nhiệm dân sự, người bị hại Phạm Duy B yêu cầu bị cáo Đ trả lại số tiền 70.000.000 đồng, người bị hại Lê Văn H yêu cầu bị cáo Đ trả lại số tiền 27.000.000 đồng. Bản án sơ thẩm đã giải quyết chấp nhận yêu cầu của các bị hại, buộc Đtrả lại cho các bị hại, trong đó, trả lại cho bị hại Phạm Duy B 70.000.000 đồng, trả lại cho Lê Văn H 27.000.000 đồng. Các bị hại không yêu cầu tăng số tiền bị cáo phải trả mà yêu cầu bị cáo trả lại số tiền trên, do vậy, không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm, mà khi Bản án có hiệu lực pháp luật thì các bị hại có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành án khoản tiền được trả lại.

[8] Về án phí phúc thẩm: căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/NQ- UBTVQH, ngày 31/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bị cáo Đỗ Văn Đ và c bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 1 Điều 342 và Điều 348, điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2021; khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH, ngày 31/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn Đ.

2. Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 105/2022/HS-ST ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Đỗ Văn Đ 13 (Mười ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 05/4/2021.

3. Về án phí: Bị cáo Đỗ Văn Đ và các bị hại Phạm Duy B, Lê Văn H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

138
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 580/2022/HS-PT

Số hiệu:580/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về