Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 558/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 558/2021/HS-PT NGÀY 17/11/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 138/2021/TLHS-PT ngày 17 tháng 02 năm 2021 đối với bị cáo Phạm Văn K, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án số 180/2020/HS-ST ngày 28-12-2020 (được sửa chữa, bổ sung bản án tại Thông báo số 02/2021/TB-TA ngày 20-01-2021) của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

- Bị cáo kháng cáo:

Phạm Văn K sinh ngày 10-12-1972; trú tại: khu phố P, phường Q, thành phố S, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ học vấn: 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn A (đã chết) và bà Nguyễn Thị D; có vợ là Phạm Thị N và 04 con; tiền án, tiền sự: không; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: ông Lê Khắc H - Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thanh Hóa, có mặt.

Vụ án có 12 người bị hại và 11 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Công ty P Corporation Holdings Limited; trụ sở đặt tại Laurence Pountney Hill, London, EC4R 0HH, Vương quốc Anh, do Ông P, quốc tịch Pháp, Giám đốc, làm đại diện, được thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ P Việt Nam, địa chỉ: tầng 25 Tòa nhà S, 37 TĐT, phường BN, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 26-5-2010, Phạm Văn K ký hợp đồng làm đại lý bán bảo hiểm (Mã số đại lý: 60231092) với Công ty P. Theo quy định của Công ty: khi khách hàng đồng ý ký hợp đồng bảo hiểm thì điền đầy đủ thông tin vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và tự lựa chọn cách thức đóng phí bảo hiểm, (04 lần/ năm, 02 lần/năm hoặc 01 lần/năm). Phạm Văn K có nhiệm vụ sử dụng phiếu thu gốc do P phát hành để thu phí bảo hiểm định kỳ của khách hàng và nộp về Công ty trong vòng một ngày (nếu ở xa thì trong vòng hai ngày) kể từ khi thu được phí bảo hiểm. Phiếu thu phí bảo hiểm dành cho đại lý có hai loại: Phiếu thu phí bảo hiểm tạm tính (phiếu thu lần đầu) dùng để thu phí bảo hiểm tạm tính cho các hồ sơ yêu cầu bảo hiểm mới hoặc các khoản phí bổ sung trước khi hợp đồng phát hành; Phiếu thu phí bảo hiểm định kỳ dùng để thu phí bảo hiểm định kỳ, phí bổ sung yêu cầu điều chỉnh, khôi phục hiệu lực và khoản thu hoàn trả tạm ứng cho các hợp đồng bảo hiểm đã được phát hành.

Sau khi thu tiền của khách hàng, K phải nộp hồ sơ kèm phiếu thu tiền lần đầu (phiếu thu có ký hiệu TR) của khách hàng về Công ty P để Công ty phát hành hợp đồng bảo hiểm, gửi về Văn phòng đại diện tại Thnah Hóa và K đến nhận hợp đồng để giao cho khách hàng. Khi đến thời hạn thu phí định kỳ của các hợp đồng bảo hiểm, K sử dụng phiếu thu định kỳ (phiếu thu có ký hiệu AG) được Công ty cấp để thu tiền, trên mỗi phiếu thu đều có thời hạn sử dụng và có 02 liên: liên 1 gửi về Công ty trong vòng 24 giờ sau khi viết phiếu thu; liên 2 giao cho khách hàng.

Từ năm 2011, do có nợ nần từ trước K đã có ý định chiếm đoạt tiền của Công ty và khách hàng. Khi đến kỳ thu phí của một số khách hàng thì K đã dùng các phiếu thu hợp lệ, phiếu thu bị tẩy xóa hoặc phiếu thu liên 2 thu tiền sau đó không nộp về Công ty P theo quy định mà chiếm đoạt để sử dụng chi tiêu vào mục đích cá nhân, dẫn đến các hợp đồng bảo hiểm của khách hàng bị mất hiệu lực (quá thời hạn đóng phí định kỳ từ 02-06 tháng). Lúc này, Phạm Văn K biết rõ một số hợp đồng bảo hiểm đã mất hiệu lực nhưng không thông báo cho khách hàng biết, không khắc phục số tiền phí bảo hiểm đã chiếm đoạt và khôi phục Hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng (trong thời hạn 24 tháng), mà tìm cách che giấu khách hàng, tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối để thu tiền đóng phí bảo hiểm hàng năm của họ sử dụng vào mục đích cá nhân. Có nhiều trường hợp khi không có các phiếu thu hợp lệ thì K đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, sử dụng những phiếu thu không hợp lệ (phiếu thu đã quá hạn, phiếu thu tiền của người khác, phiếu thu liên 2) rồi tẩy xóa, chỉnh sửa để thu tiền và chiếm đoạt.

Đến năm 2017, một số khách hàng phát hiện hợp đồng bảo hiểm của mình bị mất hiệu lực nên đã gửi đơn khiếu nại đến Công ty P. Khi làm việc với Công ty, Phạm Văn K thừa nhận hành vi chiếm đoạt tiền đóng phí bảo hiểm của công ty để sử dụng vào mục đích cá nhân, vì vậy Công ty P đã chấm dứt Hợp đồng đại lý với Phạm Văn K từ ngày 27-02-2017. Ngày 10-5-2017, Công ty P gửi đơn tố cáo hành vi của Phạm Văn K.

Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Văn K đối với Công ty và các khách hàng cụ thể như sau:

- Đối với chị Lê Thị T1 sinh năm 1978, ở phường Q, thành phố S.

Phạm Văn K được giao trách nhiệm thu phí bảo hiểm định kỳ của chị T1. Ngày 12-12-2016, K thu số tiền 4.084.000 đồng và viết cho chị T1 01 phiếu thu số AG 058723416 (đây là phiếu thu hợp lệ - ký hiệu A36). Khi đến thu tiền của chị T1 thì K đã nảy sinh ý định chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân nên sau khi nhận được tiền thì K không nộp về Công ty P.

Đến đầu năm 2017, chị T1 được Công ty P thông báo về việc chưa đóng phí bảo hiểm, chị T1 gọi điện thoại hỏi K thì K hứa vài ngày nữa sẽ đi nộp nhưng không thực hiện. Sau khi làm việc với Công ty P thì Công ty đã có trách nhiệm khắc phục số tiền 4.347.600 đồng.

Như vậy, Phạm Văn K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 4.084.000 đồng của Công ty.

Chị T1 không có yêu cầu gì đối với Phạm Văn K, Công ty P yêu cầu K trả cho Công ty số tiền 4.610.000 đồng.

- Đối với chị Nguyễn Thị T2 sinh năm 1983, ở phường Q, thành phố S.

Năm 2012 Phạm Văn K được giao thu tiền phí định kỳ đối với hợp đồng bảo hiểm của chị T2. Khi được giao nhiệm vụ thu phí bảo hiểm định kỳ của chị T2 thì K sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu 03 lần phí bảo hiểm của chị T2 và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 13.705.500 đồng của chị T2.

Hiện nay, Phạm Văn K đã khắc phục, trả lại cho chị T2 số tiền 7.000.000 đồng số tiền còn lại K phải có trách nhiệm khắc phục cho công ty.

- Đối với bà Trần Thị L sinh năm 1960, ở phường Q, thành phố S.

Ngày 20-10-2010, bà Trần Thị L làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 72442078, tiền phí định kỳ là 6.000.000đ/năm. Từ năm 2011, bà L đã nộp phí bảo hiểm định kỳ cho Công ty P thông qua K. Khi được giao nhiệm vụ thu phí bảo hiểm định kỳ của bà L thì K sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm của bà L 04 năm (năm 2011, 2012, 2013, 2014) và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 24.000.000 đồng của bà L.

Đến năm 2017, bà L được Công ty P thông báo hợp đồng đã mất hiệu lực do không đóng phí bảo hiểm. Sau khi bà L khiếu nại, Công ty P đã khôi phục hợp đồng cho bà L. Đồng thời yêu cầu K trả cho bà L số tiền nêu trên nhưng đến nay K chưa khắc phục.

- Đối với chị Lê Thị H1 sinh năm 1968, ở phường Q, thành phố S.

Ngày 12-11-2010, chị Lê Thị H1 làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 72456511, phí bảo hiểm định kỳ là 5.005.400đ/năm. Từ năm 2011, chị H1 đã nộp phí bảo hiểm định kỳ cho Công ty P thông qua K. K sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm của bà H1 6 năm (năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016) và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 30.032.400 đồng của bà H1 và Công ty.

Đến cuối năm 2016, bà H1 được Công ty P thông báo hợp đồng đã mất hiệu lực do không đóng phí bảo hiểm. Sau khi bà H1 khiếu nại, Công ty P đã khắc phục cho bà H1 01 hóa đơn hợp lệ số tiền là 6,595,000 đồng và khôi phục hợp đồng cho bà H1 vào ngày 10-5-2017. Đồng thời yêu cầu K trả cho Công ty số tiền còn lại.

- Đối với ông Dương Văn Đ sinh năm 1959, ở phường Q, thành phố S. Ngày 31-3-2011, ông Đ làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 72536364, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 1.647.400đ/6 tháng hoặc 3.000.000đ/năm. Từ năm 2011, ông Đ đã nộp phí bảo hiểm định kỳ cho Công ty P thông qua K nhưng K đã sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm của ông Đ 6 năm và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 15.589.600 đồng của Ông Đ.

Vì hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực nên ông Đ yêu cầu K phải hoàn trả số tiền 17.237.000 đồng. Hiện nay K đã khắc phục, trả lại toàn bộ số tiền trên, ông Đ có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho K.

- Đối với bà Ngô Thị N sinh năm 1954, ở phường Q, thành phố S.

Ngày 26-8-2010, bà N làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 72411278, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 1.618.600đ/6 tháng hoặc 3.000.000đ/năm. Từ năm 2011, bà N đã nộp phí bảo hiểm định kỳ cho Công ty P thông qua K nhưng K đã sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm 6 năm của bà N và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 17.330.200 đồng của Công ty.

Vì hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực nên bà N yêu cầu K phải hoàn trả số tiền 21.944.000 đồng. Hiện nay K đã khắc phục, trả lại toàn bộ số tiền trên, bà N có đơn xin giảm hình phạt cho K.

- Đối với ông Nguyễn Viết H1 sinh năm 1964, ở phường Q, thành phố S. Ngày 02-9-2010, ông H1 làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 72417017, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 4.030.000đ/năm. Từ năm 2011, ông H1 đã nộp phí bảo hiểm định kỳ cho Công ty P thông qua K nhưng K đã có thủ đoạn gian dối, sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm 6 năm của ông H1 và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 24.180.000 đồng của ông H1.

Vì hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực nên ông H1 yêu cầu K phải hoàn trả số tiền 28.180.000 đồng. Hiện nay K đã khắc phục, trả lại cho ông H1 số tiền 7.000.000 đồng.

- Đối với anh Trần Văn T3 sinh năm 1989, ở phường Q, thành phố S.

.

Tháng 02/2012, Phạm Văn K tư vấn, giới thiệu cho anh Trần Văn T3 mua hợp đồng bảo hiểm của Công ty P. Lúc này chị Phạm Thị M (là vợ của K) cũng đang là đại lý của Công ty nên khi làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho anh T3 thì K đã lấy tên chị Năm để tăng doanh số bán hàng cho vợ. Sau đó, anh T3 được Công ty P phát hành hợp đồng số 72699750, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 7.257.100đ/năm. Từ năm 2013, anh T3 đã nộp phí bảo hiểm định kỳ cho Công ty P thông qua K nhưng K không nộp số tiền này về Công ty mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đến đầu năm 2017, anh T3 được Công ty P thông báo hợp đồng bảo hiểm đã quá thời hạn nộp tiền. Sau khi làm việc với Công ty P, ngày 10-5-2017, anh T3 đã được khôi phục hợp đồng bảo hiểm nêu trên, đồng thời Công ty hủy bỏ Hợp đồng số 73292697 và chuyển số phí bảo hiểm đã nộp sang Hợp đồng số 72699750.

Khi được giao nhiệm vụ thu phí bảo hiểm định kỳ của anh T3 thì K sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm 02 năm (năm 2013, 2014) của anh T3 và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 14.514.200 đồng của anh T3.

Công ty P đã khôi phục hợp đồng 72699750 cho anh T3 vào ngày 10-5- 2017. Đồng thời yêu cầu K trả số tiền 38,710,960 đồng cho anh T3 nhưng đến nay K chưa khắc phục được.

- Đối với anh Nguyễn Văn A sinh năm 1992, ở thôn 7, xã T, thị xã N.

Vào năm 2015, bà Lê Thị H2, sinh năm 1960, ở thôn 7, xã T, thị xã N làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho con trai là Nguyễn Văn Anh thông qua Phạm Văn K. Sau đó Nguyễn Văn A được Công ty P phát hành hợp đồng số 73301133, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 10.373.200đ/năm, Văn A chỉ ký vào hồ sơ còn bà H2 là người nộp tiền cho hợp đồng này.

Đến năm 2016, bà H2 nộp phí định kỳ cho Phạm Văn K số tiền 10.373.200 đồng, K nhận tiền nhưng do K đã có thủ đoạn gian dối từ trước, sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm. Sau đó Công ty P đã có trách nhiệm khắc phục số tiền 11.329.800 đồng (bao gồm lãi) để khôi phục hợp đồng số 73301133 cho Văn A. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 10.373.200 đồng của Công ty.

Hiện nay Nguyễn Văn A vẫn tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm số 73301133 với Công ty P nên bà H2 không có đề nghị gì. Công ty P yêu cầu K trả cho Công ty số tiền 11.329.800 đồng nhưng đến nay K chưa khắc phục được.

- Đối với anh Lê Minh T4 sinh năm 1992, ở xã T, thị xã N.

Vào năm 2015, bà Nguyễn Thị O sinh năm 1959, ở xã T, thị xã N làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho con trai là Lê Minh T4 thông qua Phạm Văn K. Sau đó Thắng được Công ty P phát hành hợp đồng số 73339405, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 12.715.000đ/năm, T4 chỉ ký vào hồ sơ còn bà O là người nộp tiền cho hợp đồng này.

Đến năm 2016, bà O nộp phí định kỳ cho Phạm Văn K số tiền 12.715.000 đồng, sử dụng các phiếu thu không hợp lệ, để thu phí bảo hiểm rồi chiếm đoạt. Sau đó Công ty P đã có trách nhiệm khắc phục và khôi phục hợp đồng cho Lê Minh T4. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 12.715.000 đồng của Công ty. K có trách nhiệm trả cho Công ty số tiền 13.654.000 đồng.

- Đối với anh Trần Đức V và Bà Trịnh Thị H3, ở làng V, xã H, huyện T.

Vào năm 2011, ông Trần Đức V, sinh năm 1960, ở làng V, xã H, huyện T làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho vợ là Trịnh Thị H3 (lúc này ông Việt là đại lý của Công ty P). Sau đó bà H3 được Công ty P phát hành hợp đồng số 72563802, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 5.004.200đ/năm. Từ năm 2013, ông V là người nộp phí bảo hiểm định kỳ của hợp đồng này cho Công ty P thông qua K nhưng K đã sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm 04 năm của ông V và sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 20.016.800 đồng của ông V.

Vì hợp đồng bảo hiểm số 72563802 bị mất hiệu lực nên ông V yêu cầu K phải bồi thường số tiền ông V đã nộp cho hợp đồng này là 30.025.200 đồng. Hiện nay K chưa khắc phục.

- Đối với chị Lê Thị Q, sinh năm 1975, ở thôn 6, xã Q, huyện Q.

Vào năm 2014, chị Lê Thị Q làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 73245827, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 5.439.800đ/6 tháng. Ngày 10-12-2016, chị Q nộp phí định kỳ cho Phạm Văn K số tiền 5.439.800 đồng, do K sử dụng các phiếu thu không hợp lệ để thu phí bảo hiểm 02 năm Sau đó Công ty P đã có trách nhiệm khắc phục số tiền 5.700.000 đồng (bao gồm lãi) để khôi phục hợp đồng số 73245827 cho chị Q. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 5.349.800 đồng của Công ty.

Hiện nay chị Lê Thị Q vẫn tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm số 73245827 với Công ty P nên chị Q không có đề nghị gì. Công ty P yêu cầu K trả cho Công ty số tiền 5.700.000 đồng nhưng đến nay K chưa khắc phục được.

- Đối với anh Vũ Văn O sinh năm 1971, ở thôn Y, xã H, thị xã N.

Năm 2016 Phạm Văn K được giao nhiệm vụ thu phí định kỳ của anh O, K đã thu số tiền 8.081.000 đồng (là tiền phí định kỳ của nửa năm 2015 và cả năm 2016) do đã có ý định chiếm đoạt tiền từ trước K đã thu tiền bảo hiểm của anh O rồi chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 8.081.000 đồng của anh O. Anh Vũ Văn O yêu cầu K trả lại số tiền 8.081.000 đồng đã chiếm đoạt, đến nay K chưa khắc phục được.

- Đối với ông Lê Trọng H4 sinh năm 1955, ở thôn B, xã T, thị xã N.

Từ năm 2015 Phạm Văn K được giao nhiệm vụ thu phí định kỳ của ông H4. Do có ý định chiếm đoạt tiền từ trước nên tháng 6/2016, K đã thu số tiền 2.902.600 đồng (là tiền phí định kỳ của nửa năm 2016) của ông Học sau đó sử dụng chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 2.902.600 đồng của Công ty.

Hiện nay ông Lê Trọng H4 vẫn tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm số 72946226, Công ty P đã khắc phục số tiền trên nên ông H4 không có đề nghị gì. Công ty P yêu cầu K trả cho Công ty số tiền 2.902.600 đồng nhưng đến nay K chưa khắc phục được .

- Đối với bà Nguyễn Thị C sinh năm 1963, ở thị xã N.

Vào năm 2015, bà Nguyễn Thị C làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 73437906, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 9.324.000đ/năm. Khi đến thu phí bảo hiểm định kỳ của bà C thì K đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền này, sau khi nhận được số tiền 9.324.000 đồng của bà C nộp, K không nộp về Công ty P mà sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 9.324.000 đồng của Công ty.

Bà C nhận được thông báo về việc chưa đóng phí định kỳ nên đã đến Văn phòng đại lý để khiếu nại. Bà Vũ Thị D2 - Trưởng ban kinh doanh thuộc Văn phòng tổng đại lý P Bắc T đã tự bỏ ra số tiền 9.324.000 đồng để khôi phục hợp đồng cho bà C.

Hiện nay bà Nguyễn Thị C vẫn tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm với Công ty P nên không có đề nghị gì. Phạm Văn K có trách nhiệm trả lại số tiền 9.324.000 đồng cho bà Vũ Thị D2 nhưng hiện nay K chưa khắc phục được.

- Đối với ông Lê Văn H5 sinh năm 1960, ở phường H, thị xã N.

Vào năm 2015, ông Lê Văn H5 làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng số 73426176, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 13.739.700đ/năm. Khi đến thu phí bảo hiểm định kỳ của ông H5 thì K đã viết 01 phiếu thu không hợp lệ, thu số số tiền 13.739.700 đồng của ông H5, sau khi nhận tiền K sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 13.739.700 đồng của anh H5.

Sau đó ông H5 đã tự bỏ ra số tiền 13.739.700 đồng nộp cho Công ty P để khôi phục hợp đồng. Ông Lê Văn H5 yêu cầu Phạm Văn K trả lại số tiền đã chiếm đoạt là 13.739.700 đồng.

- Đối với anh Lê Bá H6 sinh năm 1992, ở xã Q, thành phố T.

Vào năm 2011, anh Lê Bá H6 làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thông qua Phạm Văn K và được Công ty P phát hành hợp đồng, tiền phí bảo hiểm định kỳ là 1.121.700 đồng/quý. Khi đến kỳ thu phí bảo hiểm định kỳ của anh H6 vào tháng 6/2016 thì K đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền 1.121.700 đồng từ anh Hùng để sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân. Như vậy, K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 1.121.700 đồng của anh H6.

Sau đó anh H6 đã tự bỏ ra số tiền 1.121.700 đồng nộp cho Công ty P để khôi phục hợp đồng. Anh Lê Bá H6 yêu cầu Phạm Văn K trả lại số tiền đã chiếm đoạt là 1.121.700 đồng, hiện nay K chưa khắc phục được.

- Đối với ông Nguyễn Đình D sinh năm 1958, ở xã T, huyện N.

Phạm Văn K được giao thu phí định kỳ đối với hợp đồng của bà Đỗ Thị T1 (chồng là Nguyễn Đình P). Lợi dụng việc đi thu tiền phí bảo hiểm, Phạm Văn K đã thu 21.107.400 đồng và chiếm đoạt để sử dụng vào việc cá nhân mà không nộp lại cho Công ty. Như vậy, Phạm Văn K đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 21.107.400 đồng của Công ty và ông D.

Sau khi hợp đồng bảo hiểm của bà T1 bị mất hiệu lực, ông D mang các phiếu thu đến Công ty khiếu nại và được Công ty P bồi thường số tiền 12.950.000 đồng; K phải bồi thường cho ông D số tiền là 10.657.400 đồng.

Như vậy: tổng số tiền Phạm Văn K đã thực hiện hành vi gian dối, sử dụng các phiếu thu hợp lệ, không hợp lệ, sửa chữa, tẩy xóa hoặc hóa đơn liên 2 thu tiền phí bảo hiểm của khách hàng và sau đó chiếm đoạt của Công ty và khách hàng thông qua hình thức đi thu tiền nộp phí bảo hiểm định kỳ trong thời gian làm đại lý của Công ty P là 248.167.100 đồng.

Ngày 07-7-2017, Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 49, 49a, 49b/QĐ-CSĐT, trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành giám định đối với các phiếu thu mà Phạm Văn K đã viết cho khách hàng khi thu phí bảo hiểm định kỳ của những người tham gia bảo hiểm.

Ngày 31-7-2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa có Kết luận giám định số 1655/KLGĐ-PC54, nội dung:

- Chữ ký, chữ viết họ tên Phạm Văn K ở mục được trưng cầu là cùng một người ký và viết ra.

- Phôi in Phiếu thu, Phiếu thu tiền, Phiếu thu tiền bảo hiểm, Phiếu thu phí bảo hiểm cần giám định không có mẫu so sánh.

- Phôi in Phiếu thu phí bảo hiểm tạm tính so với Phôi in phiếu thu phí bảo hiểm tạm tính mẫu so sánh có cùng phương pháp in.

- Các tài liệu cần giám định bị tẩy xóa, điền thêm.

Tại Cáo trạng số 19/CT-VKS-P2 ngày 09-11-2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã truy tố Phạm Văn K về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Tại Bản án số 180/2020/HSST ngày 28-12-2020 (được sửa chữa, bổ sung bản án tại Thông báo số 02/2021/TB-TA ngày 20-01-2021), Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng điểm a khoản 3 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Văn K 07 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định trách nhiệm dân sự, về án phí theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05-01-2021, bị cáo Phạm Văn K có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo giao nộp một số tài liệu (có xác nhận của chính quyền địa phương) thể hiện việc sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã bồi thường cho tất cả các bị hại là các cá nhân, với tổng số tiền là 99.391.500 đồng. Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội và đề nghị xem xét giảm hình phạt, lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã bồi thường thiệt hại, bị hại có đơn đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có ý kiến căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, thì việc Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần; thiệt hại của vụ án chưa được khắc phục toàn bộ; mức hình phạt 07 năm tù đối với bị cáo là phù hợp; đề nghị giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đối với bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo đề nghị xem xét việc bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã khắc phục bồi thường thiệt hại, hoàn cảnh gia đình khó khăn; giảm hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1]. Phạm Văn K là đại lý của Công ty P từ năm 2010 được giao nhiệm vụ thu tiền phí bảo hiểm định kỳ của khách hàng. Do có nợ nần từ trước K đã có ý định chiếm đoạt tiền công ty P và các cá nhân. K đã dùng thủ đoạn khi đến kỳ thu phí của một số khách hàng K đã thực hiện hành vi gian dối, sử dụng các phiếu thu hợp lệ, không hợp lệ, sửa chữa, tẩy xóa hoặc hóa đơn liên 2 thu tiền phí bảo hiểm của khách hàng và sau đó chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi hợp đồng của khách hàng đã bị mất hiệu lực do quá thời hạn đóng phí bảo hiểm thì K tìm cách che giấu, cụ thể: hàng năm vào dịp Lễ, Tết, K đều đến thăm hỏi, tặng quà (lịch của Công ty P, cốc chén…) cho các khách hàng và nói là quà của Công ty, nhằm tiếp tục thu tiền phí bảo hiểm định kỳ của khách hàng. Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, Phạm Văn K đã có hành vi gian dối chiếm đoạt của Công ty P và khách hàng tổng số 248.167.100 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Phạm Văn K về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ, không oan.

Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng; phạm tội nhiều lần.

Ngoài các tình tiết giảm nhẹ đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo như: sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thì sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã bồi thường cho tất cả các cá nhân là bị hại, tổng số là 99.391.500 đồng và người bị hại có đơn đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo. Xem xét đầy đủ, toàn diện các tình tiết của vụ án trước và sau khi xét xử sơ thẩm (tình tiết mới) và nhân thân bị cáo, xét thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo giảm hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

[2]. Các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

[3]. Về án phí: kháng cáo được chấp nhận bị cáo không phải nộp án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự. Sửa Bản án số 180/2020/HSST ngày 28-12-2020 (được sửa chữa, bổ sung bản án tại Thông báo số 02/2021/TB-TA ngày 20-01-2021) của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa như sau:

1. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 174; các điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38; Điều 54 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Văn K 06 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày bắt thi hành án.

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm nêu trên đã có hiệu lực pháp luật.

3. Bị cáo Phạm Văn K không phải nộp án phí phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

71
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 558/2021/HS-PT

Số hiệu:558/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về