TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 138/2023/HS-PT NGÀY 17/07/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 17 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 141/2023/TLPT-HS ngày 02/6/2023 đối với bị cáo Lê Văn H về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”. Do có kháng cáo của bị cáo Lê Văn H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 98/2023/HS-ST ngày 21/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
* Bị cáo có kháng cáo:
Họ và tên: Lê Văn H; Tên gọi khác: Không, Sinh ngày: 10/01/1988; Tại: Quảng Bình; Nơi cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Nhân viên; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông: Lê Văn K, sinh năm: 1939 (Đã chết); Con bà: Nguyễn Thị K1 (Đã chết). Bị cáo có vợ là Phạm Thị Thảo H, sinh năm 1989 (đã ly hôn) và 01 con nhỏ sinh năm: 2017. Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 25/4/2022, hiện bị cáo đang bị tạm giam tại trạm tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk.
Người bị hại: Công ty cổ phần Ứng dụng Công nghệ sinh học A (ATICO).
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân H2 – Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Đình H3 – chứ vụ: Phó Giám đốc – Vắng mặt.
Địa chỉ: Lô B02-B03 Khu Công Nghiệp H, Tp. B, tỉnh Đắk Lắk. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Xuân H4, sinh năm 1989. Địa chỉ: Thôn M, xã Ô, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
2. Bà Lương Thị Thục A, sinh năm 1991. Địa chỉ: Km 68, thôn Quyết T, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
3. Bà Phạm Thị D, sinh năm 1963. Địa chỉ: Thôn 18, xã R, huyện M, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
4. Ông Bùi Anh D1, sinh năm 1987. Địa chỉ: Thôn 5, xã S, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
5. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1985. Địa chỉ: Thôn 14, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
6. Ông Thái Đăng Đ, sinh năm 1962. Địa chỉ: Thôn M, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
7. Bà Vũ Thị Lệ D2, sinh năm 1983. Địa chỉ: Thôn H, xã Hòa X, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
8. Ông Lê Quang T2, sinh năm 1961. Địa chỉ: Tổ dân phố B, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
9. Ông Trần Bá D3, sinh năm 1984. Địa chỉ: Thôn B, xã H, huyện M, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
10. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1965. Địa chỉ: Thôn B, xã Ô, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
11. Ông Nguyễn Văn Đ1, sinh năm 1974. Địa chỉ: Thôn Quyết T, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.
12. Bà Lê Thị D4, sinh năm 1974. Địa chỉ: Thôn 3, xã Lâm T, huyện B, tỉnh Quảng Bình – Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lê Văn H làm nhân viên của Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ sinh học A (viết tắt là Công ty A), địa chỉ; Lô B02 - 03, Khu Công nghiệp H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 01/11/2018, Công ty A ra Quyết định số 35 về việc phân công H phụ trách bán hàng, phát triển khách hàng mới và thu hồi công nợ các khách hàng của Công ty A trên tuyến phụ trách các huyện gồm M, E, P và một phần huyện N. Cụ thể: Khi khách hàng có nhu cầu đặt mua hàng của Công ty sẽ liên hệ trực tiếp thông báo số lượng sản phẩm phân bón đặt mua với H, tiếp đó H viết đơn đặt hàng kê số lượng sản phẩm khách hàng đặt mua gửi về phòng Kinh doanh của Công ty A để chuyển đến bộ phận kế toán lập phiếu giao hàng chuyển cho Thủ kho xuất hàng, bộ phận Kế toán nhập đơn hàng vào phần mềm kế toán để theo dõi công nợ.
Đến năm 2020, Công ty A giao cho H thêm nhiệm vụ chịu trách nhiệm thuê xe chở hàng đến nhận hàng từ kho của Công ty A rồi liên hệ lái xe giao phân bón cho khách hàng và trực tiếp xác nhận, đối chiếu công nợ với khách hàng. Công ty A bán hàng cho khách hàng theo hình thức trả chậm tiền hàng nên đã giao phiếu thu (có đóng dấu treo của Công ty) cho H để H thu tiền công nợ rồi nộp về Công ty A. Theo quy định của công ty A, sau khi thu tiền của khách hàng thì H phải nộp tiền ngay về công ty A theo 2 cách: Chuyển tiền vào tài khoản số 52002010xxxx mở tại Ngân hàng N - Chi nhánh Đắk Lắk hoặc nộp tiền mặt trực tiếp cho bộ phận kế toán.
Từ tháng 02/2019 đến tháng 10/2020, Lê Văn H làm nhân viên kinh doanh của công ty A, H đã chiếm đoạt tài sản của Công ty qua 02 hình thức, gồm: Thu tiền hàng của khách hàng nhưng không nộp về Công ty mà chiếm đoạt tiền hàng và mạo danh khách hàng, lập hồ sơ khách hàng khống để chiếm đoạt hàng của Công ty.
Về hình thức thu tiền hàng của khách hàng nhưng không nộp về Công ty: Lê Văn H đã lợi dụng nhiệm vụ Công ty A giao cho trách nhiệm thu tiền hàng của khách hàng thì nộp ngay về Kế toán của Công ty nhưng H không nộp mà chiếm đoạt, tiêu xài cá nhân, khi kế toán yêu cầu H đôn đốc các khách hàng thanh toán công nợ thì H đã che giấu bằng thủ đoạn nộp một phần tiền hàng báo cho bộ phận kế toán là khách hàng chưa trả tiền hàng vẫn còn công nợ cũ. Tổng số tiền mà H chiếm đoạt là 367.015.000 đồng. Cụ thể như sau:
Đối với khách hàng là Hội nông dân xã C: Vào năm 2019, Hội nông dân xã C thuộc huyện E, tỉnh Đắk Lắk có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A. Quá trình mua bán, Công ty A giao cho H làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Xuân H4, sinh năm 1966, trú tại thôn 11, xã Ô, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, là Chủ tịch Hội nông dân xã C. Trong năm 2020, ông H4 đã nhiều lần liên hệ với H để đặt mua hàng và nhiều lần trả tiền hàng cho H để H nộp về Công ty A nhưng H không nộp tiền về Công ty theo quy định. Từ ngày 13/01/2020 đến ngày 21/9/2020, Lê Văn H đã 08 lần thu của ông Lê Xuân H4, tổng số tiền 255.000.000 đồng nhưng chỉ nộp về Công ty A số tiền 155.000.000 đồng và chiếm đoạt số tiền 100.000.000 đồng tiêu xài cá nhân hết.
Đối với khách hàng là Đại lý BĐ: Vào năm 2018, chị Lương Thị Thục O, sinh năm 1991, là chủ Đại lý BĐ tại địa chỉ tại Km 68, thôn Quyết T, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A. Vào ngày 18/12/2018, chị O liên hệ với H để mua 30 tấn phân lân vôi xám, tương ứng số tiền 57.000.000 đồng; ngày 25/12/2018, chị O tiếp tục mua 10 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg, tương ứng số tiền 23.000.000 đồng, tổng số tiền hàng chị O phải trả cho công ty A là 80.000.000 đồng. Trong năm 2019, H đã nhiều lần thu tiền công nợ của chị O với tổng số tiền 80.000.000 đồng, các lần thu tiền H không viết Phiếu thu hay giấy tờ giao nhận cho chị O, chị O chỉ theo dõi việc thu tiền trong sổ theo dõi công nợ của mình. Từ ngày 04/4/2019 đến ngày 20/12/2019, H đã 08 lần thu của chị Lương Thị Thục O số tiền 80.000.000 đồng, H đã ký xác nhận công nợ vào sổ theo dõi của chị O. Sau đó, H chỉ nộp về Công ty A 20.000.000 đồng và chiếm đoạt số tiền 60.000.000 đồng, tiêu xài cá nhân hết.
Đối với khách hàng là Đại lý DA: Vào năm 2018, bà Phạm Thị D, sinh năm 1963, là chủ Đại lý DA tại địa chỉ thôn 18, xã R, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A. Trong năm 2018 và 2019, bà D đã nhiều lần liên hệ với H mua phân bón của Công ty A. Tính đến ngày 29/01/2020, bà D còn công nợ số tiền là 61.100.000 đồng. Lê Văn H đã nhiều lần thu tiền hàng của bà D, từ ngày 29/01/2019 đến ngày 22/7/2020, H đã thu được tổng số tiền hàng của bà D là 56.600.000 đồng, các lần thu tiền hàng H không viết Phiếu thu cho bà D mà chỉ ký nhận công nợ còn lại sau mỗi lần thu tiền tại Sổ theo dõi công nợ của bà D. Sau khi thu tiền của bà D xong, H chỉ nộp về Công ty A số tiền 5.100.000 đồng, còn lại số tiền 51.500.000 đồng H chiếm đoạt tiêu xài cá nhân và báo với Kế toán của Công ty A là bà D vẫn còn nợ số tiền trên.
Đối với khách hàng là Hội nông dân xã ES: Vào năm 2019, Hội nông dân xã S thuộc huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A. Quá trình mua bán, Công ty A giao cho H làm việc giao dịch trực tiếp với ông Bùi Anh D1, sinh năm 1987, trú tại thôn N, xã S, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, là Phó chủ tịch Hội nông dân xã ES. Trong năm 2020, H đã thu tiền công nợ của anh D1 với tổng số tiền 21.095.000 đồng, các lần thu tiền H không viết Phiếu thu cho anh D1 mà viết tay vào mặt sau của tờ Phiếu giao hàng cũ để xác nhận đã nhận tiền của anh D1. Vào các ngày 14/01/2020 và ngày 01/4/2020, H thu của anh D1 số tiền 21.095.000 đồng nhưng chỉ nộp về Công ty A số tiền 10.000.000 đồng, chiếm đoạt: 11.095.000 đồng.
Đối với khách hàng là Hội nông dân xã EĐ: Vào năm 2019, Hội nông dân xã Đ thuộc huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A. Quá trình mua bán, Công ty A giao cho H làm việc giao dịch trực tiếp với ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1985, trú tại thôn 14, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, là Chủ tịch Hội nông dân xã EĐ và ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1982, trú tại thôn 15, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, là Phó chủ tịch Hội nông dân xã EĐ. Trong năm 2019, Hội nông dân xã EĐ đã nhiều lần mua hàng và nợ tiền hàng của Công ty A, tính đến ngày 11/11/2019, theo Công ty A theo dõi thì Hội nông dân xã EĐ còn nợ số tiền hàng là 102.900.000 đồng. Trong đó: Số tiền 34.000.000 đồng là do H đã mạo danh Hội nông dân xã EĐ để đặt mua 11 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg vào ngày 27/5/2019, do đó tính đến ngày 11/11/2019, Hội nông dân xã EĐ chỉ còn công nợ số tiền là 68.900.000 đồng. Tính đến ngày 03/01/2020, Hội nông dân xã EĐ đã trả được tổng số tiền là 62.420.000 đồng, H đã ký xác nhận vào Sổ theo dõi công nợ của Hội nông dân xã EĐ chỉ còn nợ số tiền 6.480.000 đồng. Tuy nhiên, H chỉ nộp về Công ty số tiền 10.000.000 đồng, còn lại số tiền 52.420.000 đồng H chiếm đoạt tiều xài cá nhân và báo với Kế toán của Công ty A là Hội nông dân EĐ vẫn còn nợ số tiền trên.
Đối với khách hàng là HTX C: Từ năm 2013, ông Thái Đăng Đ, sinh năm 1962, nơi thường trú tại thôn 14, thị trấn K, huyện E, tỉnh Đắk Lắk là Giám đốc của HTX C tại địa chỉ thôn 01, xã J, huyện E, tỉnh Đắk Lắk có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A dưới hình thức công ty cho nợ tiền hàng để trả dần. Quá trình mua bán hàng hoá là phân bón, Công ty A giao cho H làm việc với ông Thái Đăng Đ. Khi có nhu cầu mua hàng ông Đ sẽ liên hệ với H để thông báo số lượng, đặc điểm sản phẩm rồi H sẽ thông báo về Công ty A xuất hàng chở đến cho ông Đà, sau đó H sẽ thu tiền hàng của ông Đ để nộp trả về Công ty. Trong năm 2019, ông Đ đã nhiều lần mua hàng và nợ tiền hàng của Công ty A, tính đến ngày 31/12/2019, ông Đ nợ tiền hàng của Công ty A với tổng số tiền hàng là 135.800.000 đồng và xác nhận công nợ của HTX C với Công ty A số tiền hàng là 135.800.000 đồng. Đến ngày 28/9/2020, ông Đ đã trả số tiền 8.000.000 đồng cho H để H nộp về cho Công ty, H đã viết Phiếu thu đưa cho ông Đ và ký xác nhận công nợ vào Sổ theo dõi công nợ của ông Đ. Tuy nhiên, sau khi thu tiền xong, H không nộp về Công ty mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân và báo với Kế toán của Công ty A là HTX C vẫn còn nợ số tiền trên.
Đối với khách hàng là đại lý DD: Vào khoảng năm 2019, bà Vũ Thị Lệ D2, sinh năm 1983, trú tại thôn 02, xã Hoà X, TP. B, tỉnh Đắk Lắk là chủ đại lý DD tại địa chỉ thôn 13, xã Vụ B, huyện P, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A dưới hình thức công ty cho nợ tiền hàng để trả dần. Quá trình mua bán hàng hoá là phân bón, H được Công ty A giao làm việc trực tiếp với bà D2. Tính đến ngày 31/12/2019, bà D2 còn nợ Công ty A số tiền hàng là 30.000.000 đồng. Đến khoảng tháng 5/2020, H đã thu số tiền hàng 24.000.000 đồng của bà D2 để nộp về cho Công ty, nhưng H không nộp về Công ty mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân và báo với Kế toán của Công ty A là đại lý DD vẫn còn nợ số tiền trên. Các lần thu tiền hàng H có viết Phiếu thu và ký nhận vào Sổ công nợ cho chị D2, tuy nhiên sau khi thanh toán xong tiền hàng thì chị D2 đã làm thất lạc các giấy tờ trên.
Đối với khách hàng là Lê Quang T2: Qua mối quan hệ xã hội, ông Lê Quang T2, sinh năm 1961, trú tại tổ dân phố B, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk có quen biết với ông Trần Văn L, sinh năm 1961, trú tại thôn 3, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Vào năm 2019, ông L có ý định mua sản phẩm phân bón để sử dụng, tuy nhiên do không am hiểu nhiều về thị trường phân bón. Do biết ông T2 đang công tác tại Hội nông dân huyện E có điều kiện được tiếp xúc với các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp nên ông L đã nhờ ông T2 giới thiệu và đứng tên mua phân bón giúp. Sau đó, ông T2 đã đứng tên đại diện để lập Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A, mục đích giúp ông L có thể mua sản phẩm phân bón. Giữa ông T2 và ông L thoả thuận thống nhất việc đặt mua hàng và thanh toán tiền hàng với Công ty A, ông L chịu mọi trách nhiệm trao đổi làm việc với H là nhân viên kinh doanh của Công ty A. Khi Công ty A yêu cầu đối chiếu công nợ thì ông L sẽ nhờ ông T2 ký xác nhận công nợ giúp ông L. Tính đến ngày 25/7/2019, ông L còn nợ tiền hàng của Công ty A số tiền 81.200.000 đồng, ông L đã nhờ ông T2 xác nhận công nợ với Công ty A. Sau đó, từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020, ông L đã nhiều lần trả tiền hàng trực tiếp cho H để nộp về Công ty với số tiền 52.000.000 đồng nhưng H không nộp về cho Công ty mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân, để che giấu hành vi phạm tội, H đã báo với Kế toán của Công ty là khách hàng Lê Quang T2 vẫn còn nợ số tiền trên. Các lần thu tiền hàng, H không viết Phiếu thu hay giấy tờ giao nhận gì với ông T2 và ông L.
Đối với Hợp tác xã BA: Vào năm 2019, ông Trần Bá D3, sinh năm 1984, nơi thường trú thôn 3, xã H, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, là đại diện của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ BA, địa chỉ thôn 17, xã R, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với Công ty A dưới hình thức công ty cho nợ tiền hàng để trả dần. Quá trình mua bán hàng hoá là phân bón, Công ty A giao cho H làm việc trực tiếp với ông D3. Khi có nhu cầu mua hàng ông D3 sẽ liên hệ với H để thông báo số lượng, đặc điểm sản phẩm rồi H sẽ thông báo về Công ty A xuất hàng chở đến cho ông D3, sau đó H được giao thu tiền hàng của ông D3 để nộp trả về Công ty. Tính đến ngày 08/5/2019, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ BA còn nợ Công ty A số tiền hàng là 47.000.000 đồng. Sau đó, khoảng một tuần (không rõ ngày), ông D3 đã trả số tiền 8.000.000 đồng cho H nộp về cho Công ty nhưng H không nộp về cho Công ty mà chiếm đoạt tiêu xài cá nhân, để che giấu hành vi phạm tội, H đã báo với Kế toán của Công ty là Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ BA vẫn còn nợ số tiền trên. Quá trình thu tiền, H không viết Phiếu thu hay giấy tờ giao nhận gì với ông D3.
Như vậy, tổng số tiền mà Lê Văn H đã lợi dụng nhiệm vụ Công ty A giao, nhận của khách hàng là: 567.115.000 đồng nhưng H chỉ nộp về Công ty 200.100.000 đồng và chiếm đoạt số tiền 367.015.000 đồng.
Về hình thức chiếm đoạt hàng phân bón của Công ty: H đã mạo danh khách hàng, đưa ra thông tin gian dối về việc khách hàng đặt hàng để Công ty A xuất hàng giao cho H giao cho khách hàng. Tuy nhiên H không giao cho khách hàng mà chiếm đoạt bán lấy tiền, H còn lập thông tin khách hàng khống, tự ký hợp đồng mua bán tạo hồ sơ khách hàng khống với Công ty để Công ty giao hàng cho H nhằm chiếm đoạt hàng rồi mang đi bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Cụ thể như sau:
Đối với khách hàng là Hội nông dân xã Ô:
Vào năm 2019, Hội nông dân xã Ô thuộc huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với công ty A. Quá trình mua bán, Công ty A giao cho H làm việc giao dịch trực tiếp với ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1965, trú tại thôn 4, xã Ô, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, là Phó chủ tịch Hội nông dân xã Ô.
- Ngày 22/6/2020, khi Hội nông dân xã Ô đặt mua số lượng 3,04 tấn phân bón loại AnmixAT2-40kg, H đã mạo danh Hội nông dân xã Ô tự đặt mua thêm số lượng 1,96 tấn phân bón loại AnmixAT2-40kg, 03 tấn phân bón loại AnmixAT1-40kg và 06 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg. Do đặt số lượng nhiều nên có thêm hàng tặng là 0,52 tấn phân bón loại AnmixAT2-40kg, 0,28 tấn phân bón loại AnmixAT1-40kg, 0,6 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg. Sau khi nhận hàng, H chỉ giao 3,04 tấn phân bón cho Hội nông dân Ô, số lượng phân bón còn lại gồm 2.48 tấn phân bón loại AnmixAT2-40kg, 3.28 tấn phân bón loại AnmixAT1-40kg, 6.6 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg thì H chiếm đoạt mang đi bán lẻ cho nhiều người (không rõ lai lịch) để lấy tiền sử dụng tiêu xài cá nhân hết.
- Ngày 14/9/2020, H tiếp tục mạo danh Hội nông dân xã Ô đặt mua 11 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg, trong đó có thêm 01 tấn hàng tặng. Sau khi nhận hàng, H không giao cho Hội nông dân xã Ô mà chiếm đoạt mang đi bán lẻ cho nhiều người (không rõ lai lịch) để lấy tiền rồi sử dụng tiêu xài cá nhân hết.
Đối với khách hàng là Hội nông dân xã Đ:
- Ngày 27/5/2019, H mạo danh Hội nông dân xã Đ đặt mua 10 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg. Sau khi nhận được số lượng hàng 10 tấn phân bón loại AnmixAT4-40kg, thêm có 01 tấn hàng tặng thì H không giao hàng cho Hội nông dân xã Đ mà chiếm đoạt mang đi bán lẻ cho nhiều người (không rõ lai lịch) để lấy tiền tiêu xài cá nhân hết.
- Ngày 03/8/2020, H mạo danh Hội nông dân xã Đ đặt mua 06 tấn phân bón loại AnmixAT2-40kg. Sau khi nhận được số lượng hàng 06 tấn phân bón loại AnmixAT2-40kg thì H không giao hàng cho Hội nông dân xã Đ mà chiếm đoạt mang đi bán lẻ cho nhiều người (không rõ lai lịch) để lấy tiền tiêu xài cá nhân hết.
Đối với hồ sơ khách hàng có tên “Nguyễn Văn Đ1”: Vào năm 2020, qua mối quan hệ xã hội, H quen biết với ông Nguyễn Văn Đ1, sinh năm 1974, trú tại thôn Quyết T, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Quá trình nói chuyện với H, ông Đ1 tâm sự muốn mở đại lý kinh doanh phân bón nên H đã trao đổi với ông Đ1 nếu có nhu cầu thì liên hệ H để làm thủ tục mua phân bón số lượng lớn của Công ty A, lúc này ông Đ1 đưa Giấy chứng minh nhân dân và Sổ hộ khẩu của ông Đ1 cho H xem thì H có chụp ảnh lại. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Đ1 đã báo lại cho H biết rằng ông Đ1 không còn ý định kinh doanh phân bón nữa. Do có thông tin cá nhân của ông Đ1 nên H nảy sinh ý định dùng thông tin chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu đã chụp được của ông Đ1 để lập khống Hợp đồng mua bán sản phẩm phân bón với mục đích chiếm đoạt hàng hoá là phân bón của Công ty A, H đã tự lập và tự ký tên ông Đ1 rồi gửi Hợp đồng về Công ty A đăng ký hồ sơ khách hàng khống tên “Nguyễn Văn Đ1” đặt mua hàng của Công ty A, H đã thực hiện hành vi chiếm đoạt hàng của Công ty A, cụ thể:
- Ngày 13/5/2020, H mạo danh khách hàng “Nguyễn Văn Đ1” báo về ông ty A khách hàng mua hàng số lượng 5.02 tấn phân bón loại AnmixAT3-40kg, có thêm 0.5 tấn phân AnmixAT3-40kg là hàng tặng. Sau khi công ty A giao hàng cho H số lượng hàng 5.52 tấn phân bón loại AnmixAT3-40kg thì H nhận hàng và tự giả chữ ký của ông Nguyễn Văn Đ1 xác nhận vào phiếu nhận hàng gửi về công ty A, sau đó H chiếm đoạt số hàng này mang đi bán lấy tiền tiêu xài cá nhân hết.
- Ngày 04/6/2020, H tiếp tục báo đặt mua hàng khống về công ty A khách hàng mua hàng số lượng 10 tấn phân lân vôi xám. Sau khi nhận số lượng hàng 10 tấn phân lân vôi xám thì H chiếm đoạt mang đi bán lẻ cho nhiều người (không rõ lai lịch) lấy tiền tiêu xài cá nhân. Để che giấu hành vi lập hồ sơ khách hàng khống của mình, H đã nộp về Kế toán của công ty A số tiền 9.000.000 đồng để Công ty A không nghi ngờ về hồ sơ khách hàng trên và đưa ra thông tin khách hàng “Nguyễn Văn Đ1” còn công nợ để có thể tiếp tục chiếm đoạt hàng của Công ty A.
- Ngày 08/6/2020, H tiếp tục báo đặt mua hàng khống về công ty A khách hàng mua hàng số lượng 14 tấn phân bón loại Anmix AT4-40kg, sau khi nhận hàng H mang đi bán lẻ cho nhiều người (không rõ lai lịch) để lấy tiền tiêu xài cá nhân hết.
Tại Kết luận giám định số 1114/KLGĐ-PC09 ngày 04/01/2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Không có đủ cơ sở kết luận chữ ký, chữ viết tại các tài liệu Hợp đồng mua bán, Phiếu giao hàng, Biên bản đối chiếu công nợ, Sổ chi tiết thanh toán với người mua, với tên khách hàng “Nguyễn Văn Đ1” do Công ty giao nộp so với mẫu chữ ký, chữ viết của ông Nguyễn Văn Đ1, có phải do cùng một người ký ra hay không.
Tại Kết luận định giá tài sản số 46 ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Buôn Ma Thuột, xác định:
2,48 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT2-40kg; 3,28 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT1-40kg; 6,6 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 22/6/2020, trị giá 30.236.000 đồng; 11 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 14/9/2020, trị giá 25.300.000 đồng; 11 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 27/5/2019, trị giá 25.300.000 đồng; 06 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT2-40kg (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 03/8/2020, trị giá 15.000.000 đồng; 5,52 tấn phân bón hữu cơ khoáng, loại AnmixAT3-40kg (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 13/5/2020, trị giá 18.216.000 đồng; 10 tấn phân lân vôi xám (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 04/6/2020, trị giá 22.000.000 đồng; 14 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg (tài sản không thu hồi được), thời điểm bị chiếm đoạt vào ngày 08/6/2020, trị giá 32.000.000 đồng. Tổng trị giá tài sản là 168.252.000 đồng.
Tại Kết luận giám định số 548/KL-KTHS ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Chữ ký, chữ viết trên các tài liệu giám định so với chữ viết, chữ ký của Lê Văn H là do cùng một người ký, viết ra.
Tại Kết luận giám định số 888/KLGĐ-PC09 ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Chữ ký, chữ viết trên các mẫu giám định so với chữ ký, chữ viết của Lê Văn H là do cùng một người ký và viết ra.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 98/2023/HS-ST ngày 21/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định:
Căn cứ điểm c, đ khoản 2 Điều 174; điểm c, d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản”.
Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lê Văn H 05 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 11 năm 06 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”.
Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản” là 17 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tình từ ngày 25/4/2022.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về các biên pháp tư pháp, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/4/2023, bị cáo Lê Văn H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Lê Văn H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản là đúng người, đúng tội nhưng mức hình phạt là nặng nên xin được giảm nhẹ hình phạt..
Quá trình tranh luận tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của các bị cáo và cho rằng: Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn H phạm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 BLHS và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 174, điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, mức hình phạt 05 năm 06 tháng tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 11 năm 06 tháng tù về tội “Tham ô tài sản” là có phần nghiêm khắc. Bị cáo là người có nhân thân tốt, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã bồi thường và tác động gia đình bồi thường cho bị hại tổng số tiền 390.000.000đ và được bị hại viết đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo có bố ruột được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS mà bị cáo được hưởng. Do đó, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo nhằm thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của pháp luật Nhà nước ta.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; Điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật TTHS: Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Văn H. Sửa án sơ thẩm về mức hình phạt. Tuyên bố bị cáo Lê Văn H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”. Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 174, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015. Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Xử phạt bị cáo Lê Văn H 04 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 10 năm 06 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”. Áp dụng Điều 55 BLHS để tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” là 15 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 25/4/2022.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Trong khoảng thời gian từ tháng 02/2019 đến tháng 10/2020, bị cáo Lê Văn H là nhân viên của Công ty cổ phần ứng dụng Công nghệ sinh học A, được giao nhiệm vụ quản lý, thu tiền của khách hàng. Sau đó, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao bị cáo Lê Văn H chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần ứng dụng Công nghệ sinh học A, tổng số tiền: 367.015.000 đồng; Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 9/2020, bị cáo Lê Văn H đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần ứng dụng Công nghệ sinh học A, số lượng gồm: 2,48 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT2-40kg; 3,28 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT1-40kg; 6,6 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg; 11 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg; 11 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg; 06 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT2-40kg; 5,52 tấn phân bón hữu cơ khoáng, loại AnmixAT3-40kg; 10 tấn phân lân vôi xám; 14 tấn phân bón vi sinh, loại AnmixAT4-40kg, tổng trị giá tài sản chiếm đoạt là:
168.252.000 đồng.
Do đó, Toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c, đ khoản 2 Điều 174 BLHS và tội “Tham ô tài sản”; theo điểm c, d khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hội đồng xét xử nhận thấy. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 05 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 11 năm 06 tháng tù về tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ, đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Khi quyết định hình phạt Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng và mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo là phù hợp, tương xứng với tính chất mức độ, hậu quả mà bị cáo gây ra. Tại cấp phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo mà cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt là phù hợp.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do không được chấp nhận đơn kháng cáo nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Lê Văn H - Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 98/2023/HS-ST ngày 21/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.
[2] Điều luật áp dụng và hình phạt:
Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản”.
- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lê Văn H 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lê Văn H 11 (Mười một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Tham ô tài sản”.
- Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản” là 17 (Mười bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tình từ ngày 25/4/2022.
[3] Về án phí hình sự phúc thẩm:
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 21/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.
Bị cáo Lê Văn H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 138/2023/HS-PT
Số hiệu: | 138/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/07/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về