Bản án về tội hủy hoại rừng số 25/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 25/2022/HS-ST NGÀY 31/08/2022 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 31 tháng 8 năm 2022, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 21/2022/TLST-HS ngày 13 tháng 7 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2022/QĐXXST-HS ngày 18 tháng 8 năm 2022 đối với bị cáo:

Bàn Thị T (Tên gọi khác: Không có). Sinh ngày 04/3/1993 tại huyện Th, tỉnh Cao Bằng. Nơi ĐKHKTT: Thôn P, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ học vấn: 7/12; Dân tộc: Dao; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Bàn Văn C, sinh năm 1963 và bà Chu Thị N, sinh năm 1957; Bị cáo có chồng là Lý Sinh Q, sinh năm 1989 và 02 con, con lớn sinh năm 2011, con nhỏ sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/4/2022 đến ngày 18/06/2022. Hiện đang tại ngoại tại nơi cư trú. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Sầm Đức T - Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự: y ban nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn - Địa chỉ: Khu I, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hà Tấn T, sinh năm 1976 - Chức vụ: Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Theo văn bản số 1003/UBND-NN&PTNT, ngày 05/5/2022 của UBND huyện N). Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ ngày 10 đến ngày 12/12/2021, Trạm kiểm lâm Trung tâm thuộc Hạt kiểm lâm huyện N phối hợp với Ủy ban nhân dân xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn tiến hành kiểm tra phát hiện một phần diện tích rừng bị phát phá trái phép tại các lô 21, 36, 50, 51 và lô 58, khoảnh 9, tiểu khu 152 là rừng tự nhiên sản xuất thuộc thôn P, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn, được vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00279QSDĐ/428/QĐ/UB/2001 ngày 15/11/2001 cho hộ ông Lý Văn P, trú tại thôn S (nay là thôn P), xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 12/01/2022 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiện hiện trường, tiến hành đo diện tích rừng bị hủy hoại, sử dụng thiết bị định vị vệ tinh (GPS), phần mềm vTools Survey, hệ quy chiếu và hệ tọa độ VN-2000 do Hạt kiểm lâm huyện N cung cấp, xác định diện tích rừng bị phát phá trái phép là 7.893m2 thuộc các lô 21, 36, 50, 51 và lô 58, khoảnh 9, tiểu khu 152, trong đó: lô 21 là 920m2, lô 36 là 2.197m2, lô 50 là 141m2, lô 51 là 4.565m2, lô 58 là 70m2 đu là rừng sản xuất theo bản đồ quy hoạch 03 loại rừng năm 2018 xã T, huyện Ngân Sơn được rà soát, điều chỉnh bổ sung theo Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn. Trên bề mặt diện tích này các cây đều bị chặt hạ toàn bộ, nằm rải rác tại hiện trường, các cây thân gỗ, cây vầu tự nhiên bị cắt đổ ngổn ngang về nhiều hướng, các vết cắt này đều sắc gọn có để lại phần gốc nhô lên trên mặt đất với nhiều kích thước khác nhau. Lâm sản bị thiệt hại tại hiện trường qua đo, đếm xác định có 38 cây gỗ tròn từ nhóm V đến nhóm VIII khối lượng 13,518 m3 và 300 cây vầu tự nhiên.

Ti Công văn số 431/CCKL-QLBVR ngày 22/4/2022 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn xác định: Vị trí phát phá rừng trái phép tại khu rừng nêu trên thuộc thôn P, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn đều thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái các lô 21, 51, 58 khoảnh 9, tiểu khu 152 là rừng tự nhiên, trạng thái các lô 36, 50 khoảnh 9, tiểu khu 152 là đất có cây gỗ tái sinh, theo Bản đồ Quy hoạch 3 loại rừng xã T, huyện N kèm theo Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 14/KL-HĐĐGTS ngày 29/4/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Ngân Sơn kết luận: Tổng giá trị của các loại tài sản tại hiện trường thôn P, xã T thời điểm xảy ra vụ việc tháng 12/2021 là 2.853.600 đồng (hai triệu tám trăm năm mươi ba nghìn sáu trăm đồng), trong đó: gỗ tròn 13,518 m3 x 200.000 đồng/m3 = 2.703.600 đồng; cây vầu 300 cây x 500 đồng/cây = 150.000 đồng.

Quá trình điều tra xác định cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021 Bàn Thị T, sinh năm 1993 (con dâu ông Lý Văn P) trú tại thôn P, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn một mình đến khu rừng trên phát rừng trái phép mục đích lấy đất tự canh tác trồng cây lúa nương. Vị trí khu rừng phát phá đã được UBND huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 15/11/2001 cho hộ ông Lý Văn P, trú tại thôn S (nay là thôn P), xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Tại cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Bàn Thị T khai nhận: Khu rừng trên đã được UBND huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, người đứng tên là Lý Văn P vào năm 2001. Năm 2018, ông P giao diện tích đất này cho vợ chồng T quản lý, nhưng trên giấy tờ chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khu vực gia đình T và người dân sinh sống tại thôn P có địa hình đồi núi dốc, ruộng ít, không có nước, thiếu đất sản xuất canh tác, nên cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021, T một mình phát rừng để lấy đất canh tác cho gia đình, T dùng một con dao đi đến khu vực rừng trên phát bụi cỏ, dây leo, chặt những cây nhỏ từ dưới sườn đồi đi lên. Sau khi phát được hai ngày, T thuê một người phụ nữ người dân tộc Mông (không rõ họ tên, địa chỉ) dùng dao phát với số tiền 150.000 đồng/ngày trong 07 ngày, còn một số cây gỗ tự nhiên có kích thước lớn không thể dùng dao chặt hạ được thì T tiếp tục thuê một người đàn ông dân tộc Mông (không rõ họ tên, địa chỉ) dùng máy cưa xăng của người đó cắt đổ trên diện tích rừng đã phát quang, với số tiền công 200.000 đồng/ngày trong 1/2 ngày. Quá trình phát phá, T không xin phép cá nhân, cơ quan chức năng nào, trước khi phát khu rừng có các cây thân gỗ kích thước to nhỏ khác nhau, đang sống mọc kín xen lẫn cây vầu, rải đều trên diện tích rừng, các cây này không có giá trị kinh tế, toàn bộ cây tự nhiên sau khi phát phá để trên rừng tự khô héo, rồi đốt để tăng độ màu mỡ cho đất và dọn dẹp lấy mặt bằng canh tác. Đến ngày 10/12/2021 bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản về việc phá rừng trái phép.

Tại bản cáo trạng số 21/CT-VKSNS, ngày 10 tháng 7 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn đã truy tố bị cáo Bàn Thị T về tội: “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên tòa:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N giữ nguyên quan điểm truy tố. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Bàn Thị T phạm tội “Hủy hoại rừng”. Đề nghị xử lý bị cáo như sau:

Về trách nhiệm hình sự: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243, Điều 38, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt bị cáo Bàn Thị T từ 12 tháng đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng. Giao bị cáo cho UBND xã T, huyện N giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Nguyên đơn dân sự không yêu cầu nên không xem xét.

Về xử lý vật chứng trong vụ án: Áp dụng khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tịch thu tiêu hủy công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội là 01 (một) con dao bằng kim loại màu đen, dạng dao (quắm) một lưỡi, dao cũ đã qua sử dụng.

Số lâm sản còn lại quá trình điều tra, công an huyện N đã bàn giao cho UBND huyện N xử lý theo thẩm quyền nên không đề nghị xem xét.

Về án phí: Bị cáo được miễn án phí hình sự sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo có bản bào chữa nhất trí với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N về tội danh, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội để áp dụng hình phạt đối với bị cáo. Xét mục đích phát phá rừng của bị cáo là để có đất canh tác, phát triển kinh tế gia đình. Bị cáo là lao động chính trong gia đình, có con nhỏ chưa thành niên. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đề nghị xử phạt bị cáo mức thấp nhất của khung hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Không áp dụng hình phạt bổ sung và miễn toàn bộ án phí cho bị cáo. Về trách nhiệm dân sự: Nguyên đơn dân sự không yêu cầu nên đề nghị không xem xét. Về xử lý vật chứng: Đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bị cáo khai nhận hành vi của mình đúng như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện N đã truy tố và nhất trí với quan điểm luận tội của Kiểm sát viên, bản bào chữa của người bào chữa; Bị cáo không có ý kiến tranh luận, bào chữa hay khiếu nại gì. Nguyên đơn dân sự không có ý kiến tranh luận hay khiếu nại gì. Lời sau cùng bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi và quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đúng quy định của pháp luật.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng tại hiện trường, công cụ dùng để phát phá rừng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định:

Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021 tại các các lô 21, 36, 50, 51 và lô 58, khoảnh 9, tiểu khu 152, thuộc thôn P, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn, theo bản đồ quy hoạch 03 loại rừng năm 2018 xã T, huyện N được rà soát, điều chỉnh bổ sung theo Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn, bị cáo Bàn Thị T trú tại thôn P, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn một mình dùng dao phát phá trái phép diện tích rừng và thuê hai người dân tộc Mông (không rõ họ tên, địa chỉ) phát phá, cắt hạ cây tự nhiên có kích thước khác nhau mọc rải rác trên diện tích rừng bị cáo đã phát phá. Diện tích rừng bị cáo đã phát phá trái phép là 7.893m2 thuc loại rừng sản xuất, trong đó: 5.555m2 thuc các lô 21, 51, 58 trạng thái là rừng tự nhiên;

2.338m2 thuộc các lô 36, 50 trạng thái là đất có cây gỗ tái sinh; lâm sản bị thiệt hại 38 cây gỗ tròn từ nhóm V đến nhóm VIII khối lượng 13,518 m3 và 300 cây vầu tự nhiên, có tổng giá trị 2.853.600 đồng.

Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn truy tố bị cáo Bàn Thị T về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Điều luật có nội dung:

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:… b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng. Nguyên nhân điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội là do sự nhận thức, hiểu biết pháp luật của bị cáo có phần hạn chế, vì muốn lấy đất để trồng cây, phát triển kinh tế gia đình nên đã có hành vi chặt phá, xâm phạm đến rừng tự nhiên.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sự bền vững và ổn định của môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Nhà nước, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương, cần xử lý nghiêm nhằm giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung.

[3] Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Ngoài ra, người đại diện của nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân huyện N xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. [4] Về hình phạt đối với bị cáo Về hình phạt chính: Xét tính chất hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo để thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật, tạo điều kiện cho bị cáo được cải tạo, giáo dục tại địa phương. Việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội. Hình phạt kiểm sát viên, người bào chữa đề nghị áp dụng đối với bị cáo là có căn cứ phù hợp quy định của pháp luật nên chấp nhận.

Hình phạt bổ sung: Xét mục đích của bị cáo hủy hoại rừng là để trồng cây phát triển kinh tế gia đình, ngoài ra không có mục đích nào khác nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Tại đơn yêu cầu ngày 09/6/2022, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại theo Bản kết luận của Hội đồng định giá tài sản huyện N và khắc phục hậu quả trồng lại rừng trên diện tích bị phát phá. Các bên đã tự thỏa thuận với nhau về vấn đề khắc phục hậu quả trồng lại rừng trên diện tích đất trống không có cây mọc tái sinh. Trước khi diễn ra phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự có đơn xin rút yêu cầu, không đề nghị bị cáo phải bồi thường dân sự. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Về xử lý vật chứng trong vụ án:

01 (một) con dao bằng kim loại màu đen, dạng dao (quắm) một lưỡi là công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội không còn giá trị nên cần tịch thu tiêu hủy.

Số lâm sản để tại hiện trường gồm: 38 cây gỗ tròn từ nhóm V đến nhóm VIII khối lượng 13,518 m3 và 300 cây vầu tự nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra đã giao cho Ủy ban nhân dân huyện N quản lý xử lý theo thẩm quyền. Xét thấy, việc bàn giao trên là đúng quy định nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí nên bị cáo được miễn án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016.

[8] Đối với hai người dân tộc Mông (không rõ họ tên, địa chỉ) được bị cáo thuê trả tiền công và dùng dao, máy cưa xăng của những người này phát phá, cắt hạ các cây gỗ trên diện tích rừng bị cáo đã phát phá trái phép, do không xác định được họ tên, địa chỉ hai người này, Cơ quan điều tra Công an huyện N không có căn cứ xác minh, xử lý. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Tuyên bố bị cáo Bàn Thị T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

[2] Căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 243, Điều 38, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017);

Xử phạt bị cáo Bàn Thị T 12 (Mười hai) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 (Hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 68, khoản 3 Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.

[3] Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tch thu tiêu hủy: 01 (một) con dao bằng kim loại màu đen, dạng dao (quắm) một lưỡi, dài 38 cm, bản rộng nhất 5,2 cm, phần chuôi dao dài 10,5cm, đường kính 3,3cm, dao cũ đã qua sử dụng (Tình trạng, số lượng vật chứng như biên bản giao nhận đồ vật, tài liệu, vật chứng ngày 19/7/2022 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N và Chi cục Thi hành án dân sự huyện N).

[4] Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 12 Nghị quyết 326/UBTVQH, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo được miễn án phí hình sự sơ thẩm.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

[5] Quyền kháng cáo: Bị cáo, nguyên đơn dân sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn mười năm ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

26
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 25/2022/HS-ST

Số hiệu:25/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Na Rì - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về