Bản án về tội hủy hoại rừng số 09/2022/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 09/2022/HS-PT NGÀY 28/03/2022 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 28 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 08/2022/TLPT-HS ngày 15 tháng 02 năm 2022 đối với các bị cáo Lục Thị L và Bàn Ton A, do có kháng cáo của bị cáo L và bị cáo A đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 01/2022/HS-ST ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân huyện VY, tỉnh Yên Bái.

1. Các bị cáo có kháng cáo:

1. 1. Lục Thị L (Tên gọi khác: Không); sinh ngày 06-8-1973 tại huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nơi cư trú: Thôn CP, xã GH, huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Không biết chữ; dân tộc: Giáy; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lục Văn H và bà Hoàng Thị H1 (đều đã chết); có chồng là Lò Văn Q (là bị cáo trong vụ án này) và 03 con (con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 1997); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại tại Thôn CP, xã GH, huyện VC, tỉnh Yên Bái; Có mặt.

1. 2. Bàn Ton A (Tên gọi khác: Không) sinh ngày 11-5-1997 tại huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nơi cư trú: Thôn NB, xã NM, huyện VC, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bàn Phúc N, sinh năm 1963 và bà Bàn Thị G, sinh năm 1960; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 25-10-2021, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái; Có mặt.

2. Người bào chữa cho bị cáo L và bị cáo A: Bà Nguyễn Thị D - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái. Có mặt.

3. Các bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét phần bản án sơ thẩm đối với họ:

3. 1. Lò Văn Q (Tên gọi khác: Không); sinh ngày 01-10-1972 tại huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nơi cư trú: Thôn CP, xã GH, huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 05/12; dân tộc: Giáy; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Văn S và bà Hoàng Thị P (đều đã chết); có vợ là Lục Thị L (là bị cáo trong vụ án này) và 03 con (con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 1997); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21-10-2021, hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện VY, tỉnh Yên Bái; Tòa án không triệu tập tới phiên tòa.

3. 2. Đàm Văn C (Tên gọi khác: Không); sinh ngày 22-10-1970 tại huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nơi cư trú: Thôn CP, xã GH, huyện VC, tỉnh Yên Bái; Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 07/12; dân tộc: Giáy; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đàm Văn Th và bà Lục Thị E (đều đã chết); có vợ là Lò Thị I, sinh năm 1970 và 04 con (con lớn sinh năm 1991, con nhỏ sinh năm 1999); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21-10- 2021 đến ngày 04/01/2022 thì được trả tự do ngay tại phiên tòa, hiện đang tại ngoại tại Thôn CP, xã GH, huyện VC, tỉnh Yên Bái; Tòa án không triệu tập tới phiên tòa.

4. Người phiên dịch: Bà Đinh Thị V; địa chỉ: Tổ 5, phường YT, thành phố YB, tỉnh Yên Bái. Có mặt.

Trong vụ án còn có 01 nguyên đơn dân sự và 04 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo, không bị kháng nghị Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do cần đất để trồng quế, Lò Văn Q đã bàn với vợ là Lục Thị L đi phát phá rừng. Cuối tháng 12/2020, Q và L cùng nhau đến khu vực khoảnh 6, tiểu khu 176 rừng tự nhiên đặc dụng thuộc Thôn TS, xã PD dùng dao tay phát phá, chặt hạ các cây gỗ, cây vầu, cậy bụi và dây leo trong khoảng 05 ngày thì dừng lại đốt dọn và trồng quế bầu trên diện tích đất này. Ngày 15/01/2021, Q và L tiếp tục trồng 500 cây quế trên khoảnh đất trên thì bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản. Ngày 06/8/2021, cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường xác định diện tích rừng Q và L phát phá là 7.424m2, lâm sản bị thiệt hại gồm: 158 cây vầu có đường kính gốc trung bình là 07cm, chiều cao trung bình là 6,8m và 4,147m3 gỗ nhóm VI, nhóm VII, nhóm VIII.

Cuối tháng 12/2020, do cần đất để trồng cấy, Bàn Ton A đến khu vực khoảnh 10, tiểu khu 176 rừng tự nhiên đặc dụng thuộc Thôn TS, xã PD dùng dao tay phát phá, chặt hạ cây vầu, cây bụi và dây leo trong khoảng 04 đến 05 ngày. Ngày 04/01/2021 khi A đang phát phá rừng thì bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản. Ngày 04/6/2021, cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường xác định diện tích rừng A phát phá là 4.493m2, lâm sản bị thiệt hại gồm: 187 cây vầu có đường kính gốc trung bình là 08cm, chiều cao trung bình là 9,3m và 1,855m3 gỗ nhóm VII, nhóm VIII. Bàn Ton A khai nhận chỉ mới phát phá cây vầu, cây bụi và dây leo, số cây gỗ A không biết bị ai chặt hạ và bị chặt hạ vào thời điểm nào.

Đầu tháng 01/2021, do cần đất để trồng quế, Đàm Văn C đến khu vực khoảnh 6, tiểu khu 176 rừng tự nhiên đặc dụng thuộc Thôn TS, xã PD dùng dao tay phát phá chặt hạ các cây gỗ nhỏ, cây vầu, cậy bụi và dây leo trong khoảng 15 ngày thì dừng lại. Ngày 06/8/2021, Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường xác định diện tích rừng C phát phá là 2.833m2, lâm sản bị thiệt hại gồm: 132 cây vầu có đường kính gốc trung bình là 7,5cm, chiều cao trung bình là 09 m và 1,142m3 gỗ nhóm VII, nhóm VIII.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số: 28/ĐGTS-HĐĐG ngày 07/10/2021 của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện VY đã kết luận: “Tổng giá trị bị thiệt hại của các tài sản trưng cầu định giá là 24.056.900 đồng”, trong đó:

- 158 cây vầu và 4,147m3 gỗ nhóm VI, VII, VIII do Lò Văn Q và Lục Thị L phát phá có tổng giá trị thiệt hại tại thời điểm tháng 12/2020 là 12.089.000 đồng.

- 187 cây vầu và 1.855m3 gỗ nhóm VII, VIII do Bàn Ton A phát phá có tổng giá trị thiệt hại tại thời điểm tháng 01/2021 là 7.479.700 đồng.

- 132 cây vầu và 1,142m3 gỗ nhóm VII, VIII do Đàm Văn C phát phá có tổng giá trị thiệt hại tại thời điểm tháng 01/2021 là 4.488.200 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 01/2022/HS-ST ngày 04-01-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái đã quyết định:

- Tuyên bố các bị cáo Lò Văn Q, Lục Thị L, Bàn Ton A và Đàm Văn C phạm tội “Hủy hoại rừng”.

- Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 243; các điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự: Xử phạt Lục Thị L 07 năm tù.

- Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 243; các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự: Xử phạt Bàn Ton A 03 năm tù.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định xử phạt các bị cáo khác, quyết định trách nhiệm dân sự, việc xử lý vật chứng, việc chịu án phí sơ thẩm, tuyên quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngày 17-01-2022, bị cáo Lục Thị L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Ngày 11-01-2022, bị cáo Bàn Ton A kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L xin rút toàn bộ kháng cáo; bị cáo A bổ sung nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau:

Về hình thức: Đơn kháng cáo của các bị cáo Lục Thị L, Bàn Ton A được viết và gửi tới Tòa án trong hạn luật định, cần được chấp nhận. Tuy nhiên, do tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo L rút kháng cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm với yêu cầu kháng cáo của bị cáo L.

Về nội dung kháng cáo của bị cáo A: Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và qua việc tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội, nhân thân của bị cáo A, đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo Bàn Ton A 03 năm tù về tội “Hủy hoại rừng” là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ mới để chứng minh cho kháng cáo của mình. Từ những phân tích đánh giá trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo A, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí: Do bị cáo A thuộc hộ cận nghèo nên cần miễn án phí phúc thẩm cho bị cáo.

Ngoài ra, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy Lò Văn Q, Lục Thị L và Đàm Văn C sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc phải chịu án phí sơ thẩm là gây bất lợi cho các bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm phần liên quan đến án phí cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho các bị cáo trình bày bản Luận cứ có nội dung được tóm tắt như sau:

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo L rút toàn bộ kháng cáo nên cần được chấp nhận. Với bị cáo A, việc Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt với mức án 03 năm tù là có phần nghiêm khắc bởi bị cáo là người dân tộc thiểu số, phạm tôi do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế mà nhất thời phạm tội, hậu quả gây ra không lớn. Mặt khác, bị cáo có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và được nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt nên cần được áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm g, h khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, kháng cáo của bị cáo là có căn cứ, cần được chấp nhận. Từ những phân tích trên, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự sửa bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo A như sau: Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 243; các điểm b, g, h, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo A 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Bị cáo A nhất trí với bản Luận cứ của người bào chữa, đồng thời bổ sung thêm nội dung: Bản thân bị cáo là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Kháng cáo của các bị cáo Lục Thị L và Bàn Ton A được gửi tới Tòa án trong hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L rút toàn bộ kháng cáo, việc rút kháng cáo là hoàn hoàn tự nguyện nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử nội dung kháng cáo của bị cáo L theo khoản 1 Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2] Về nội dung:

[2.1] Do cần đất để canh tác nên từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 01/2021 Bàn Ton A đã đến khu vực khoảnh 10, tiểu khu 176 rừng tự nhiên đặc dụng thuộc địa phận Thôn TS, xã PD, huyện VY, tỉnh Yên Bái dùng dao tay phát phá, chặt hạ cây vầu, cây bụi và dây leo với tổng diện tích là 4.493 m2 rừng. Hành vi trên của bị cáo đã xâm phạm các quy đinh về chính sách quản lý Nhà nước về rừng đặc dụng nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và quy kết bị cáo Bàn Ton A phạm tội “Hủy hoại rừng” theo điểm g khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.2] Xét kháng cáo của bị cáo A, Hội đồng xét xử thấy: Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo gây ra cho xã hội, đã xem xét nhân thân, đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo A với mức án 03 năm tù (mức khởi điểm của khung hình phạt) là có sự chiếu cố, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Tại cấp phúc thẩm, người bào chữa cho bị cáo A đề nghị áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự nhưng qua xem xét hồ sơ vụ án và qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa Hội đồng xét xử thấy đề nghị trên là không có cơ sở nên không được chấp nhận. Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo A không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình. Ngược lại, bị cáo còn kêu oan và tỏ ra chưa ăn năn hối cải nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[3] Mặc dù kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nhưng do bị cáo A thuộc hộ cận nghèo nên được miễn án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo L rút kháng cáo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các bị cáo Lò Văn Q, Lục Thị L và Đàm Văn C đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại xã GH, huyện VC, tỉnh Yên Bái là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các bị cáo đã có đơn xin miễn án phí (thể hiện tại các bút lục từ 453 đến 455) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn buộc các bị cáo phải chịu án phí sơ thẩm là chưa phù hợp với điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án gây bất lợi cho các bị cáo nên cần chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, sửa bản án sơ thẩm phần liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí của các bị cáo trên theo khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 342; khoản 1 Điều 348; điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356; khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Lục Thị L. Bản án số: 01/2022/HS-ST ngày 04-01-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái phần liên quan hình phạt đối với bị cáo L có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định này.

2. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Bàn Ton A, giữ nguyên bản án số 01/2022/HS-ST ngày 04-01-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái về phần hình phạt đối với bị cáo A như sau:

Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 243; các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Bàn Ton A 03 (ba) năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 25/10/2021.

3. Về án phí phúc thẩm: Áp dụng điểm b và điểm g khoản 2 Điều 23; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Lục Thị L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo Bàn Ton A được miễn án phí hình sự phúc thẩm.

4. Sửa bản án số 01/2022/HS-ST ngày 04-01-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái phần liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Q, L và C như sau: Miễn án phí hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Lò Văn Q, Lục Thị L và Đàm Văn C.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

280
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 09/2022/HS-PT

Số hiệu:09/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về