Bản án 45/2018/HS-ST ngày 21/06/2018 về tội đánh bạc sẽ là một ví dụ liên quan đến nội dung trên.
“Vào khoảng 12 giờ ngày 23/02/2018 sau khi ăn uống xong D sinh năm 1986, H sinh năm 1975 và Th sinh năm 1984 và Ph rủ nhau đánh xóc đỉa. Tỷ lệ đặt cược mỗi ván bạc từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng ( tùy từng người chơi).
Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày thì bị Công an huyện Yên Thành phát hiện bắt quả tang, thu giữ số tiền trên chiếu 2.750.000 đồng, số tiền trong người của D 3.500.000 đồng, của H 1.000.000 đồng, của Th 400.000 đồng.
Tại Cơ quan điều tra các đối tượng D, H, Th và Ph đều đã thừa nhận hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa và đã chứng minh được số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc là 6.250.000 đồng. Cụ thể Nguyễn Xuân D sử dụng 4.500.000 đồng, Nguyễn Đình Th sử dụng 800.000 đồng, Nguyễn Xuân H sử dụng 500.000 đồng, Nguyễn Xuân Ph sử dụng 450.000 đồng.”
Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Vậy đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự khi thua bằng tiền hay hiện vật trị giá:
+ Từ 5.000.000 đồng trở lên
+ Dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy mặc dù đánh bài ăn tiền với số tiền nhỏ nhưng người tham gia đã là người bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã từng bị kết án mà chưa xóa án tích về các tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì vẫn bị xử lý hình sự. Không thuộc các trường hợp nêu trên thì hành vi đánh bài ăn tiền nếu bị phát hiện sẽ xử lý theo pháp luật hành chính.
Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
…
Làm thế nào để xác định được số tiền đánh bạc? Số tiền này là tổng số tiền trên chiếu bạc hay bao gồm cả tiền mà những người tham gia mang theo? Điều này được hướng dẫn cụ thể theo tại Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP
3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Như vậy, căn cứ để xác định tội danh đánh bạc không chỉ là tiền được trực tiếp thu ngay tại chiếu bạc. Trong trường hợp số tiền, tài sản mang theo của từng người nếu cơ quan chức năng chứng minh được số tài sản đó sẽ được sử dụng vào việc đánh bạc thì vẫn bị coi là tài sản dùng để đánh bạc.