TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 11/2022/HS-ST NGÀY 23/02/2022 VỀ TỘI HỦY HOẠI NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Ngày 23 tháng 02 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 02/2022/TLST-HS ngày 27/01/2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2022/QĐXXST-HS ngày 10/02/2022, đối với bị cáo:
Lê Tiến H, sinh ngày 29/6/2001 tại xã S, huyện L, tỉnh Quảng Bình; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Xóm Đ, xã S huyện L, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; không tôn giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Tiến L, sinh năm 1946 và bà: Lê Thị T, sinh năm 1958.
Tiền án: Không Tiền sự: Có 01 tiền sự: Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 245/QĐ-XPVPHC ngày 16/6/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã S xử phạt vi phạm hành chính 4.000.000 đồng đối với Lê Tiến H về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 15/12/2021 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Ông Lê Tiến L, sinh năm 1946, địa chỉ: Xóm Đ, xã Se, huyện L, tỉnh Quảng Bình, có mặt;
Bà Lê Thị T, sinh năm 1958, địa chỉ: Xóm Đ, xã Sen T, huyện L, tỉnh Quảng Bình, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 23 giờ 45 phút ngày 22/9/2021, Công an xã S tuần tra kiểm soát trên địa bàn xã S, khi đến khu vực Bàu S thuộc xóm Đ, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Bình thì phát hiện bắt quả tang Lê Tiến H đang chèo thuyền nhôm, sử dụng một bình ắc quy điện, 01 bộ kích điện tự chế (gồm 01 hộp kích điện và 01 cần kích điện) để đánh bắt cá trái phép. Công an xã S đã yêu cầu Lê Tiến H dừng ngay hành vi vi phạm, tạm giữ công cụ kích điện và đưa đối tượng về trụ sở Ủy ban nhân dân xã S làm việc.
Tại kết luận giám định số: 1408/C09C- Đ2 ngày 30/11/2021, Phân Viện Khoa học hình sự tại thành phố Đà Nẵng kết luận: Tại thời điểm giám định: Bộ kích điện và bình ắc quy gửi giám định còn hoạt động được; khi đấu nối bộ kích điện với bình ắc quy thì điện áp xoay chiều giữa hai cực điện ra của bộ kích điện trong khoảng từ 136V đến 365V (tùy thuộc vào vị trí điều chỉnh các nút trên bộ kích điện). Với các mức điện áp lớn hơn 42,4V là có thể gây nguy hiểm cho con người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc qua vật dẫn điện; dòng điện do bộ kích điện tạo khi sử dụng khai thác thủy sản dưới nước thì có thể gây hại cho các nguồn lợi thủy sản.
Về vật chứng: Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lệ Thủy tạm giữ 01 bình ắc quy điện, 01 bộ kích điện, 01 thanh kích điện và 01 sợi dây điện. Tất cả có đặc điểm như mô tả tại phiếu nhập kho vật chứng và Biên bản giao nhận vật chứng.
Tại bản cáo trạng số: 04/CT-VKSNDLT ngày 26/01/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lệ Thuỷ truy tố bị cáo Lê Tiến H về Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự. Qua tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 242, các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 và Điều 36 của Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo Lê Tiến H từ 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ, miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo vì chưa có việc làm; về vật chứng, đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46, điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Trả lại 01 bình ắc quy điện cho ông Lê Tiến L và bà Lê Thị T; tịch thu tiêu hủy 01 bộ kích điện, 01 thanh kích điện và 01 sợi dây điện.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lệ Thủy, Điều tra viên; của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lệ Thủy và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo và người tham gia tố tụng không ai có ý kiến khiếu nại gì về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.
[2]. Chứng cứ xác định có tội và điều luật áp dụng:
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Tiến H khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình như đã khai tại cơ quan điều tra. Bị cáo khai: Vào đêm 22/9/2021, bị cáo chèo thuyền nhôm của gia đình đến Bàu S thuộc Xóm Đ, xã S, huyện L, dùng công cụ kích điện đánh bắt cá tại Bàu S, với mục đích bắt cá về làm thức ăn cho gia đình, khi mới bắt được 02 con cá rô phi và 01 con cá diếc thì bị lực lượng Công an xã S tuần tra phát hiện bắt quả tang, bị cáo hoảng sợ đã thả 03 con cá xuống nước và đi cùng lực lượng Công an về Ủy ban nhân dân xã S để làm việc. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cũng như các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra đã thu thập, đủ cơ sở kết luận: Bị cáo Lê Tiến H đã có hành vi dùng kích điện tự chế hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trực tiếp xâm phạm đến các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước.
Bị cáo thực hiện hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản trong khi bị cáo đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng kích điện khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 245/QĐ-XPVPHC ngày 16/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã S, chưa được xóa, nay tiếp tục thực hiện hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Hành vi của Lê Tiến H đủ yếu tố cấu thành “Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 242 của Bộ luật hình sự.
[3]. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nguồn lợi thủy sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Do đó, cần phải có một mức án tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra nhằm có tác dụng giáo dục, răn đe bị cáo và phòng ngừa chung.
[4]. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Trong quá trình nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án cũng như xét hỏi công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bố của bị cáo ông Lê Tiến L là người có công được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất và Kỷ niệm chương. Sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt, đồng thời chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội để cải tạo tập trung mà cần giao cho chính quyền địa phương nơi bị cáo thường trú để giám sát, giáo dục là vừa phải, tạo điều kiện cho bị cáo học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội, đồng thời miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo vì bị cáo chưa có việc làm, không có thu nhập là phù hợp với Điều 36 của Bộ luật hình sự và cũng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.
[5]. Các tình tiết khác liên quan trong vụ án:
Ông Lê Tiến L và bà Lê Thị T là chủ sở hữu thuyền nhôm và bình ắc quy điện, ông L bà T không biết H sử dụng tài sản của mình để đánh bắt thủy sản trái phép nên không phạm tội.
[6]. Về vật chứng: 01 bình ắc quy điện là của gia đình bố mẹ bị cáo H, khi bị cáo sử dụng làm công cụ phạm tội bố mẹ bị cáo không biết, nay ông Lê Tiến L và bà Lê Thị T có ý kiến xin nhận lại để gia đình sử dụng thắp sáng khi bị cúp điện trong mùa mưa lũ nên cần trả lại cho ông L, bà T; 01 bộ kích điện, 01 thanh kích điện và 01 sợi dây điện do bị cáo mua về và tự chế để sử dụng khai thác nguồn lợi thủy sản là công cụ phương tiện phạm tội mà Nhà nước cấm sử dụng để khai thác thủy sản nên cần tịch thu tiêu hủy là phù hợp với quy định của pháp luật.
[7].Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo luật định.
[8].Quyền kháng cáo: Bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo luật định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 242, các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 46, điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 106, khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
- Tuyên bố bị cáo Lê Tiến H phạm Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
- Xử phạt bị cáo Lê Tiến H 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Lê Tiến Hưởng.
Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ kể từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Bị cáo Lê Tiến H phải thực hiện những nghĩa vụ của người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
Giao bị cáo Lê Tiến H cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện L, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thi hành án; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp bị cáo Lê Tiến H thay đổi nơi cư trú, thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 Luật Thi hành án hình sự.
- Trả lại cho ông Lê Tiến L, bà Lê Thị T 01 bình ắc quy điện.
- Tịch thu tiêu hủy 01 bộ kích điện, 01 thanh kích điện và 01 sợi dây điện. Tất cả có đặc điểm như Biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan Điều tra và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lệ Thủy ngày 21/02/2022.
Bị cáo Lê Tiến H phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (23/02/2022), để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm.
Bản án về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản số 11/2022/HS-ST
Số hiệu: | 11/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lệ Thủy - Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/02/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về