TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 138/2022/HS-PT NGÀY 25/03/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 25 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 632/2018/TLPT- HS ngày 06/11/2018. Do có kháng cáo của bị cáo, người đại diện hợp pháp cho người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HS-ST ngày 26/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Văn H, sinh năm 1973, tại Trà Vinh; nơi ĐKHKTT: Huyện T, tỉnh T; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hóa: 10/12; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn T (đã chết) và bà Nguyễn Thị Kim A (đã chết); vợ: Trần Thị Yến A1, sinh năm 1974; con có 02 người, lớn nhất sinh năm 1995, nhỏ nhất sinh năm 1999; tiền sự: Không.
Tiền án: Ngày 23/11/1999 bị Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xử phạt 06 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, đã chấp hành hình phạt xong nhưng chưa nộp án phí và chưa bồi thường thiệt hại nên chưa được xoá án tích.
Bị cáo bị tạm giữ ngày 10/5/2015, sau đó chuyển tạm giam cho đến nay (có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo:
- Ông Đỗ Hải B là Luật sư của Văn phòng Luật sư Quốc Anh thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Ông Trịnh Bá T1 là Luật sư của Văn phòng Luật sư Quốc Anh thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Ông Nguyễn Hữu L là Luật sư của Chi nhánh văn phòng Luật sư Tài Lộc Tây Ninh thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Người bị hại: Ông Lâm Văn N, sinh năm 1953 (đã chết).
Người đại diện hợp pháp cho người bị hại:
- Bà Nguyễn Ngọc T2, sinh năm 1956; (có mặt) - Ông Lâm Chí H1, sinh năm 1979; (có mặt) Cùng địa chỉ: phường H, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.
- Bà Lâm Ngọc H2, sinh năm 1975; Địa chỉ: xã L, huyện H, tỉnh Tây Ninh.
(có mặt) Người đại diện theo ủy quyền của bà T2, bà H2, ông H1: Bà Nguyễn Ngọc K (có mặt) Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Lê Đức T3 của Văn phòng luật sư Kỳ án thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt) Điều tra viên: ông Đinh Trọng H3 (vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt) Giám định viên: ông Đỗ Minh T4 – Phân viện khoa học hình sự Bộ công an (vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt) Nhà báo tác nghiệp: ông Võ Hữu Đ – Báo Tây Ninh (có mặt) (Ngoài ra trong vụ án còn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo và không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Lâm Văn N sinh năm 1953, trú tại phường H, thành phố T, tỉnh Tây Ninh là người hành nghề chở khách bằng xe máy Honda hiệu Wave Anpha, có BKS 70K8-6600 (hành nghề chạy xe ôm). Vào ngày 07/3/2015 ông N đi làm bằng xe máy như thường lệ cho đến hết ngày thì mất tích, người nhà không liên lạc được nên trình báo cho cơ quan công an.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 09/3/2015, Công an huyện Dương Minh Châu nhận được tin báo của anh Lê Thanh H4, sinh 1988 ngụ tại huyện D, tỉnh Tây Ninh phát hiện một xác người đàn ông nằm chết trong đám cao su của ông Lê Sỹ H5, cách vườn mãng cầu của ông Nguyễn Văn T5 khoảng 200m. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi kết luận: Tử thi nạn nhân Lâm Văn N, lá cây dính dấu vết màu đỏ, vết màu nâu đỏ dính trên thân cây cao su; đôi dép da có hiệu Khôi Thịnh; 3 đầu lọc thuốc lá; 1 vỏ bao thuốc hiệu Bastos, 6 tờ vé số đài Tiền Giang, 1 điện thoại di động hiệu Mobistar màu đỏ trắng đã mất pin và simcard.
Kết quả khám nghiệm tử thi: Tử thi là nam giới, chiều dài 155cm, thể trạng mập, đầu đội mũ bảo hiểm màu đen hiệu Jamasata, đeo kính, tay trái đeo đồng hồ hiệu Longiness…Tình trạng tử thi lạnh mềm, đang trong giai đoạn phân hủy; bị vật sắc nhọn đâm nhiều vết…Nạn nhân chết do đa vết thương vùng ngực, bụng làm thủng tim, phổi, tiểu tràng do vật sắc nhọn gây nên.
Cơ quan điều tra cho gia đình nhận dạng và xác định nạn nhân là ông Lâm Văn N và quyết định khởi tố vụ án, tiến hành điều tra truy tìm hung thủ gây án. Ngày 19/3/2015 Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn H, sinh năm 1973 ngụ tại huyện T, tỉnh Tây Ninh về tội “Giết người và Cướp tài sản”; đến ngày 10/5/2015 CQĐT đã bắt được Hiền tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình điều tra, tại Biên bản hỏi cung lúc 6 giờ 25 phút ngày 10/5/2015 tại Công an phường Đông Hưng Thuận, quận 12 và các Biên bản hỏi cung ngày 12/5 và 29/6/2015 bị cáo H thừa nhận đã giết ông N để cướp xe, lấy điện thoại. Tuy nhiên, sau khi có Kết luận điều tra và cho đến ngày xét xử, bị cáo liên tục kêu oan, cho rằng mình không có thuê ông N chở và không phạm tội giết người, cướp tài sản.
Quá trình tiến hành tố tụng vụ án như sau: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 06/2016/HS-ST ngày 29/4/2016 Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, áp dụng điểm e khoản 1 Điều 93, khoản 1 Điều 133, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 50 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Tử hình về tội Giết người và 5 năm tù về tôi Cướp tài sản.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 224/2017/HS-PT ngày 15/5/2017 Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh điều tra lại theo hướng cho đối chất lời khai của một số nhận chứng, làm rõ nguyên nhân trong người nạn nhân có nồng độ cồn, tìm kiếm các vật chứng có trong lời khai của bị cáo, có trong quá trình khám nghiệm hiện trường…;
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HS-ST ngày 26/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên xử:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, áp dụng điểm e khoản 1 Điều 93, khoản 1 Điều 133, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 50 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo tù Chung thân về tội Giết người và 6 năm tù về tôi Cướp tài sản.
Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Nguyễn Văn H phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 04/10/2018 bị cáo Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo kêu oan; ngày 08/10/2018 người đại diện hợp pháp cho người bị hại kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan. Người đại diện hợp pháp cho người bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Về thủ tục tố tụng: kháng cáo của bị cáo, người đại diện hợp pháp cho người bị hại trong hạn luật định. Về nội dung vụ án đúng như chủ tọa phiên tòa tóm tắt. Qua xem xét toàn bộ nội dung vụ án, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xét thấy bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội "Giết người” “Cướp tài sản” là đúng người, đúng tội. Bị cáo có kháng cáo kêu oan nhưng tất cả đã được xác minh, làm rõ, đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo, chứng minh các lời khai của bị cáo kêu oan là gian dối. Bị cáo khai điều tra viên ép cung, nhục hình, cho bị cáo uống thuốc nhưng không có gì chứng minh. Lời khai không thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, kết quả giám định pháp y, giám định vật chứng. Bị cáo không hối cải, không có thái độ thành khẩn khai báo. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng người khác, tài sản của nhân dân, gây mất an ninh trật tự địa phương, cần có một mức án tương xứng. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo. Về kháng cáo của người đại diện hợp pháp cho người bị hại, từ việc căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thì đề nghị chấp nhận đơn kháng cáo của người đại diện hợp pháp cho người bị hại, tăng nặng hình phạt đối với bị cáo từ tù chung thân lên tử hình.
Người bào chữa cho bị cáo là Luật sư Nguyễn Hữu L trình bày: Hồ sơ vụ án đã bỏ qua nhiều nghi điểm, cụ thể: Về diễn biến vụ án, việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh cho rằng bị cáo muốn mượn tiền mẹ vợ đi đánh bạc, trên đường đi bị cáo thay đổi ý định, vào chợ ở 2 tiếng đồng hồ để ăn cắp con dao mục đích muốn giết mẹ vợ lấy tiền. Đây là vấn đề được Cơ quan điều tra suy diễn, vì không có người bán trái cây dạo khu vực Tòa Thánh, đã được xác minh. Do vậy nói bị cáo lên kế hoạch lấy trộm trước để dùng con dao là không đúng. Trong quá trình di chuyển của bị cáo bằng xe buýt thì thời gian đi xe là 1 tiếng 45 phút, như vậy khi bị cáo có mặt tại tòa thánh lúc 13 giờ thì bị cáo phải xuất phát từ Tân Châu lúc nào anh H1 phải biết rõ vì anh H1 làm trong bến xe. Qua kiểm tra, từ 13 giờ giờ đến tối ngày 07/3/2015 thì số máy Cơ quan điều tra cho rằng bị cáo gọi cho mẹ vợ nhưng số của mẹ vợ không có ai gọi, số của vợ thì cũng không có cuộc gọi phù hợp. Bà Tuyết không có chửi bị cáo, chỉ nói “má không có ở nhà”. Nên không có việc bị cáo thay đổi ý định từ xuống nhà mẹ vợ mà trở về nhà. Thỏa thuận đi xe ôm chỉ với giá 150.000 đồng cho đoạn đường khoảng 7km, nếu có thay đổi lộ trình nhưng không ngã giá lại giữa 1 người khách và 1 người chạy xe ôm là không hợp lý. Nên khi nói bị cáo để sẵn dao trong túi quần mà đi xe ôm trên đường ổ gà như vậy thì không thể vì dao sẽ xốc và đâm vào đùi bị cáo là không có cơ sở, không đúng. Về lời khai của ông Trần Quang M (BL 897): từ 18 giờ ngày 06/3/2015 bị cáo đang có mặt tại nhà trọ nhưng không có bản ảnh, lời khai của ông M nhiều lần có khác nhau. Lúc 16 giờ 40 phút bị cáo còn ở Campuchia theo lời khai của bà ở Campuchia có bản ảnh chứng minh. Nếu như vậy, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ bị cáo đâu thể có mặt ở Tân Châu được. Nếu cho rằng bị cáo rời nhà trọ lúc 9 giờ ngày 07/3/2015 thì bị cáo lên xe buýt lúc nào để về Tòa Thánh, không có gì chứng minh. Cơ quan điều tra dùng xe đặc chủng để thực nghiệm điều tra là không đúng, vì xe của bị hại là xe máy, thực nghiệm bằng xe đặc chủng là không khách quan. Nếu sợ bị cáo bỏ trốn thì có thể chở bị cáo bằng xe đặc chủng rồi người khác chạy xe máy là được. Trong khi vật lộn, cái nón bảo hiểm bị hại vẫn còn đội vậy tại sao mũi nón bảo hiểm không dính cát, áo bị hại ướt đẫm máu do bị đâm mà không dính cát. Cơ quan điều tra cố tình thực nghiệm theo ý của cơ quan điều tra để trùng với lời khai của bị cáo. Do vậy, chứng cứ tại hiện trường đã chống lại lời khai nhận tội của bị cáo. Về việc bà H2 trình báo bị hại mất tích trước khi phát hiện xác nạn nhân (BL 110), khoảng 9 giờ đến 11 giờ sáng đã không liên lạc được với bị hại. Sau khi phát hiện xác bị hại thì bà H2 thay đổi lời khai về thời gian không liên lạc được. Đồng thời, người chạy xe ôm chung với bị hại, ông S, ông D bán hàng rong khai đã không gặp bị hại từ sau 9 giờ. Bà H2 nói với ông Sơ, bị hại mất tích từ 06/3/2015 chứ không phải ngày 07/3/2015. Chứng minh bị hại đã mất tích từ 9 giờ 06/3/2015. Không có gì chứng minh cho lời khai của bà H2 về việc khi phát hiện bị hại mất tích thì có gọi tìm, kiểm tra điện thoại của bị hại thì không có cuộc gọi của bà H2. Nếu là người giết bị hại thì có ai dám lấy điện thoại của bị hại gọi đi hay không, hay là nên tắt máy hoặc tháo sim bỏ đi. Về tâm lý tội phạm thì không thể xảy ra việc dùng đồ của bị hại. Hơn nữa, bị cáo trình bày khi đến cầu K21, bị cáo dừng xe lại xuống kênh rửa tay và giặt áo do dính máu và lấy nón bảo hiểm đựng dao và bóp của bị hại ném xuống kênh. Lời trình bày này quá khiêng cưỡng vì từ nơi phát hiện xác bị hại đến kinh K21 là khoảng 7km, đây là đường Quốc lộ lớn, trục chính từ Thành phố Tây Ninh đi Tân Châu. Hỏi nếu là người bình thường có dám mặc áo dính máu chạy ngoài đường quốc lộ không. Bị cáo có lời khai chứng minh bị cáo không có mặt tại hiện trường nhưng Cơ quan điều tra không chấp nhận vì cho rằng bị cáo có nhân thân xấu, có động cơ giết người nên những gì bị cáo khai không được chấp nhận. Dấu vết trên xe giám định được của bị cáo do bị cáo đang sử dụng chiếc xe của nạn nhân mà bị cáo mua được. Khi phát hiện xe lúc bắt bị cáo sao không đưa đi giám định cái xe có dấu vết ở hiện trường với xe do thu được từ Campuchia, không giám định mà lại khẳng định xe do bị cáo thuê bị hại chở bị cáo. Dấu bánh xe tại hiện trường không xác định được là dấu xe chạy vào hay xe chạy ra. Tại BL 300, lời khai của ông Nguyễn Văn C phù hợp với lời trình bày của chủ vườn cao su, có chi tiết chó sủa nhiều về hướng nơi phát hiện xác bị hại. Tại hiện trường không phát hiện ra máu, có mấy giọt thôi, như vậy không phù hợp với việc người bị đâm mấy chục nhát dao. Máu và ADN ở hiện trường giám định ra máu của bị hại, 1 người phụ nữ, 1 người thanh niên. Máu phát hiện ra không phải của bị cáo. Đầu lọc thuốc lá là của người phụ nữ, cũng không phải của bị cáo. Trong quá trình điều tra, bị cáo khai bị hại có bấu vào tay của bị cáo mà khi bắt được bị cáo thì tay không có bị bầm, bị trầy và hơn hết là biểu bì trong móng tay của bị hại không phải của bị cáo, giám định chưa ra là của ai. Như vậy, mong gia đình bị hại hiểu rõ sự việc để xem lại hung thủ là bị cáo hay là 1 người khác. Về thời gian tử vong của bị hại vào lúc 23 giờ ngày 07/3/2015 bị hại tử vong, chứ không phải 16 giờ 30 phút là giờ mà Cơ quan điều tra kết luận bị cáo giết bị hại, có sự chênh lệch 11 tiếng đồng hồ. Trong máu bị hại có nồng độ cồn. Bao nhiêu lâu thì nồng độ cồn không còn tồn tại? Bà H2 trình bày bị hại ăn cơm có uống 2 lon bia, ngày 09/3/2015 giám định pháp y bị hại còn nồng độ cồn. Nếu theo giám định, lúc 16 giờ hoặc 17 giờ bị hại ăn cơm thì 23 giờ thức ăn đã tiêu hóa hết. Vụ án này còn nhiều nghi điểm, chưa giải thích được về thực tế và khoa học pháp y, để thấy bị cáo không phải người giết bị hại hay có mặt tại hiện trường. Để tránh oan sai, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, đề nghị làm rõ máu trên gốc cây cao su là của ai.
Người bào chữa cho bị cáo là Luật sư Đỗ Hải B trình bày: vụ án này đã hủy 1 lần nhưng không điều tra được gì thêm. Nếu đúng là bị cáo giết người thì tăng hình phạt đối với bị cáo theo yêu cầu của gia đình bị hại là đúng, nhưng phải xem có đúng là bị cáo giết hay không. Khi bị cáo khai quá trình điều tra không khách quan, bản thân tôi bị gây khó dễ và đã khiếu nại nhiều lần về việc gửi giấy mời tôi luôn gửi đến sau ngày được mời thì có vấn đề về tố tụng xin gợi ra để mọi người suy ngẫm. Tang vật khi thu về bị cáo luôn thừa nhận là bị cáo đem đi cầm chứ không chối. Nguồn gốc của con dao gây án không tìm ra ngươi bán trái cây. Trong kết luận giám định pháp y, bị hại chết trong tư thế dựa cây, kiếng đeo xệ xệ, người rách nát thì tại hiện trường không có những vật phù hợp có thể gây ra vết xây xác, trầy. Như vậy thì phải xem hiện trường vụ án có phải ở rừng cao su hay không? Mà thậm chí có người đang tưới cây thì bị cáo có dám phạm tội không. Hiện trường không có dấu máu lênh láng phù hợp như theo vết đâm trên cơ thể bị hại nhiều như vậy. Xe không giấy không biển số thì mua giá rẻ là bình thường, vì khi ai gây án, người ta lập tức bán xe lấy tiền bỏ trốn là tâm lý bình thường. Bị cáo biết xe mình mua là gian nhưng khi mở cốp đổ xăng thấy điện thoại, sẵn điện thoại bị cáo hết tiền thì lấy gọi luôn cũng bình thường hợp lý, chứ nếu là tâm trạng của bị cáo mới giết người đó xong thì dùng điện thoại của chính người đó là nguy hiểm không ai dám làm. Có 3 kết luận giám định, xe, nón, áo của bị cáo không có vết máu trùng với của bị cáo hay bị hại. Lời khai ban đầu của bị cáo về việc có mua xe của 1 đôi nam nữ lại có phần trùng hợp. Tùy theo cơ địa mà cơ thể người có thời gian phân hủy khác nhau, căn cứ vào đâu quy ra thời gian gây án vào lúc 17 giờ 30 phút. Không có việc lỗi khi đánh nhầm thời gian tại Cơ quan điều tra là lỗi của Cơ quan điều tra không phải lỗi của bị cáo. Nên không chắc chắn thời gian gây án là vào lúc 17 giờ 30 phút. Bị cáo gọi điện thoại cho mẹ vợ mượn 200.000 đồng là không có, vì chỉ mới nói mẹ không có nhà là tắt rồi, tình tiết chửi hay mượn tiền là để góp cho mọi thứ nó logic là suy diễn, k ịch bản. Tang vật không tìm được, lời khai của mọi người không rõ ràng, chưa có cơ sở vững chắc, nhân thân của bị cáo không phải là căn cứ để cho rằng bị cáo giết người là không phù hợp. Đề nghị xác định bị cáo không phạm tội.
Bị cáo đồng ý với lời trình bày của các luật sư, không bổ sung.
Người vảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị hại là Luật sư Lê Đức T3 trình bày: đề nghị Hội đồng xét xử hủy án điều tra lại vì nhận thấy vụ án còn nhiều nghi điểm chưa được điều tra làm rõ.
Người đại diện theo ủy quyền của người đại diện hợp pháp cho người bị hại là bà Nguyễn Ngọc K trình bày: gia đình tôi quá mệt mỏi vì cả quá trình đi lại, xử đi xử lại 07 năm nay, tôi thấy không cần thiết hủy bản án này để tìm thêm bằng chứng gì, không cần lãng phí thời gian, người chết cũng đã chết, bị cáo chối tội làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Về tình tiết con dao: chúng tôi không nói bị cáo âm mưu giết mẹ vợ, dù là động cơ gì thì việc bị cáo chuẩn bị dao là ý chí của bị cáo, chỉ cần đưa cáng dao vào túi là không gây hại cơ thể khi đi dường dằn, xốc rồi. Việc bị cáo và bị hại không ngã giá lại khi thay đổi lộ trình là khi đi 1 đoạn đường thì bị hại đã phát hiện ý đồ của bị cáo, việc bị cáo đã nói là chở về nhà mẹ vợ để mượn tiền trả tiền xe ôm là do chính bị cáo khai, bị cáo hãy trả lời bằng chính lương tâm đi. Bị cáo dùng dao ép bị hại để lấy xe, là cố ý. Nếu bị cáo nói bị ép cung, đối với việc mình không làm thì làm sao bị cáo khai chi tiết, chỉn chu và không có mâu thuẫn như vậy, nếu cái gì không phải của tôi thì cho tôi học thuộc thì qua nhiều lần cũng có sai sót, không trùng khớp nhau chứ. Bị cáo nói cầm điện thoại của bị cáo lúc đó rồi, khi giở cốp xe thấy điện thoại thì gọi cho ông Q vì điện thoại của bị cáo hết tiền thì không đúng, nếu vậy thì điện thoại của bị cáo vẫn còn bên mình bị cáo. Nếu hủy và yêu cầu thực nghiệm lại thì qua bao nhiêu năm, thời gian qua lâu mọi thứ bị trôi lấp hết rồi bây giờ hủy về tìm thêm cái gì. Việc dựng lại hiện trường giả là bình thường, bị đâm nhiều nhát mà lại cho ngồi dựa lên cây. Thời gian bà H2 báo công an mất tích lúc hoảng loạn có thể xác định không đúng thời gian khai báo là bình thường mà luật sư của bị cáo soi vào đó phản bác lại tất cả chứng cứ là không nên. Về việc mặc áo dính máu làm sao bị cáo dám đi trên Quốc lộ vì bị cáo rửa giặt quần áo và các thứ là vào ban đêm, thì làm sao ai thấy, ai chú ý vết máu hay là ai mặc cái gì. Tôi kêu gọi bị cáo hãy khai thật mà nhận tội đi nếu còn chút lương tâm. Bị cáo nói không nhớ điện thoại của bị cáo hiệu gì, khi đi cầm thì phải biết hiệu gì giá trị như thế nào để đi cầm cho được giá chứ sao lại nói không biết. Bị cáo thực hiện hành vi nhồi lên xuống bị hại chứng tỏ bị cáo đã làm nhuần nhuyễn rồi, khi bị hại cào tay bị cáo thì đến khi bị cáo bị bắt được cũng là sau 1 thời gian rồi thì vết trầy, bầm trên tay của bị cáo đã lành rồi còn đâu mà tìm thấy.
Bà Nguyễn Ngọc T2, bà Lâm Ngọc H2, ông Lâm Chí H1 đồng ý với lời trình bày của bà Nguyễn Ngọc K, không bổ sung.
Đại diện Viện kiểm sát đối đáp: vụ này là án truy xét nên vấn đề về không gian, thời gian, địa điểm là không có gì để tranh luận. Lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra, hành vi diễn biến tự bị cáo thực hiện phù hợp với chứng cứ thu thập được. Ông Ngoun H chủ tiệm cầm đồ tại Campuchia xác định vào ngày 07/3/2015 bị cáo cầm xe tại tiệm của ông, đồng thời bà Cum D (Koem Y) cũng nhận được diện được bị cáo có cầm điện thoại tại tiệm của bà ở Campuchia. Ông Nguyễn Văn Q xác nhận bị cáo là người được ông đưa qua Canpuchia và trở về sau 1 ngày, ông Q đã nhận diện được bị cáo. Điện thoại mà bị cáo gọi cho ông Q là của bị hại. Người mà bị cáo khai có gặp là ông H và ông 0 tại Tòa Thánh nhưng các ông này không thừa nhận có gặp bị cáo thì đây đâu phải chứng cứ ngoại phạm của bị cáo. Bị cáo không có số tiền 140.000 đồng trả tiền thuê trọ mà lấy đâu ra 1.000.000 đồng mua xe máy. Về chứng cứ ngoại phạm của bị cáo: đầu lọc thuốc lá có kiểu gen không phải của bị cáo, về mặt lý luận có thể giải thích được có người đi qua trước đó nên vứt lại hiện trường, cũng có thể có khả năng bị cáo không phạm tội. Tại hiện trường không có dấu vết của bị cáo không có nghĩa là bị cáo không có mặt tại hiện trường vì đây là án truy xét. Thực tế chứng minh bị cáo sử dụng điện thoại và xe của bị hại. Chúng tôi được phép đưa ra lý luận cơ bản, giả thiết để chứng minh bị cáo phạm tội. Thời tiết, động vật ban đêm, sương làm trôi vết máu ... là bình thường vì đã qua mấy ngày thì hiện trường có bị xê dịch.
Luật sư Đỗ Hải B tranh luận với Đại diện Viện kiểm sát: quan điểm của Viện kiểm sát cũng chỉ là quan điểm, Viện kiểm sát cũng nói không loại trừ khả năng bị cáo không phạm tội. Cơ quan điều tra không chứng minh được chứng cứ trực tiếp bị cáo phạm tội, đặc biệt bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội.
Luật sư Lê Đức T3 trình bày: khi tự mình điều tra, Luật sư T3 suy đoán và dựa theo kết luận giám định có xuất hiện 4 mẫu gen, vậy cần nên giám định thêm gia đình bị hại để xem có ADN nào tương thích hay không.
Luật sư Nguyễn Hữu L trình bày: bà H7 chủ tiệm cầm đồ ở gần nhà của bị hại, khoảng 19 giờ ngày 07/3/2015 có người đàn ông lại tiệm cầm xe nhưng bà H7 không nhận cầm, thì việc bị cáo mua xe tại bến xe Tây Ninh cách mấy km là hợp lý. Tôi đồng ý lời đề nghị của Luật sư T3 bởi lẽ ông Lâm Chí H1 và gia đình với bị cáo có mâu thuẫn về thừa kế.
Bị cáo nói lời sau cùng: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải oan cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo, người đại diện hợp pháp cho người bị hại trong hạn luật định nên đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Điều tra viên và giám định viên của vụ án được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt, nhận thấy trường hợp vắng mặt Điều tra viên, Giám định viên không thuộc trường hợp hoãn phiên tòa quy định tại Điều 352 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo:
Vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra trong khoảng thời gian từ 13 giờ ngày 07/3/2015 được phát hiện lúc 8g30 ngày 09/3/2015, là tính từ thời điểm bị hại là lái xe ôm, đi đón khách và sau đó mất liên lạc, cho đến khi phát hiện đã chết tại khu vực vườn cao su của ông Lê Sĩ H5 tại ấp Phước Hòa, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
[2.1] Về lời khai nhận tội của bị cáo: Trong quá trình điều tra, bị cáo H thừa nhận đã giết ông N để cướp xe, lấy điện thoại. Nội dung lời khai của bị cáo H như sau: “…Khi điều khiển xe mô tô chở bị cáo theo đường mòn vào đến cuối lô cao su của ông Lê Sĩ H5 hướng đến chòi giữ rẫy của ông T5 thì ông N dừng xe lại, bị cáo ngồi phía sau bất ngờ dùng tay trái chụp phía sau cổ ông N đẩy xuống xe, làm xe mô tô ngã về phía bên trái. Lúc đó, bị cáo nói: “Chú để tôi lấy xe”, ông N liền la lên: “Cứu tôi với bà con ơi, cướp, cướp, cướp”. Nghe ông N la sợ bị mọi người phát hiện, bị cáo dùng tay phải lấy dao trong túi quần bên phải ra cầm theo tư thế mũi dao theo chiều hướng từ ngón út đến ngón cái đâm vào hông phải ông N. Khi đó, ông N dùng tay phải chụp tay cầm dao của bị cáo lại, bị cáo và ông N giằng co nhau, tay trái bị cáo vẫn nắm chặt phía sau cổ ông N, tay phải ông N nắm chặt tay cầm dao của bị cáo. Trong lúc giằng co, ông N vùng vẫy xoay người qua lại, dùng khủy tay trái đánh vào người bị cáo làm mũi dao trúng vào vùng hông phải và vùng lưng ông N nhiều cái. Do vùng vẫy không được, ông N dùng 02 tay nắm chặt tay cầm dao của bị cáo lại không cho bị cáo tiếp tục đâm ông N. Lúc đó, bị cáo dùng tay trái đẩy ông N ngã xuống đất trong tư thế nằm sấp người đè lên tay cầm dao của bị cáo làm dao đâm trúng vào vùng ngực.
Sau khi ông N ngã nằm sấp dưới đất, bị cáo ngồi khom người bên phải ông N, tay trái vẫn nắm chặt phía sau cổ ông N, tay phải cầm dao bị ông N nằm đè người lên. Khi ông N gượng chồm người lên, bị cáo dùng tay trái nắm phía sau cổ và dùng thân người đè xuống làm mũi dao tiếp tục đâm vào vùng ngực ông N, cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi thấy ông N đã đuối sức, bị cáo xoay người ngồi trên phía đầu ông N, dùng hai gối đè lên hai vai ông N, tay trái đè lên phía sau cổ, tay phải cầm dao mũi hướng lên trên vẫn còn bị ông N nằm đè lên làm mũi dao đâm vào vùng ngực ông N. Khi đó, bị cáo dùng 02 chân và tay trái đè mạnh xuống không cho ông N chồm dậy. Khoảng 02 phút sau, thấy ông N nằm im bất động nghĩ đã chết, nên bị cáo rút tay cầm dao dưới người ông N lên, làm người ông N nằm ngửa lên theo tư thế hơi nghiêng về bên phải…” Sau khi có kết luận điều tra và trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Văn H thay đổi lời khai trên, không thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Qua đánh giá lời khai của bị cáo tại phiên tòa cũng như lời trình bày những người bào chữa, Hội đồng xét xử nhận thấy có các vấn đề sau cần được làm rõ:
[2.2] Về hiện trường vụ án và các dấu vết quan trọng:
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 09/3/2015, thể hiện hiện trường trong tình trạng còn nguyên vẹn, là nơi đang có tử thi nạn nhân có tư thế “nằm nghiêng bên phải, lưng tựa gốc cây cao su,… đầu đội mũ bảo hiểm màu đen, đeo kính…” và trên mũ bảo hiểm không ghi nhận dính cát, xung quanh nạn nhân có đôi dép, mẫu thuốc lá, vết máu trên lá, 6 vé số, vết chém trên cây cao su, dấu cây mì gãy cành, héo cành lá, vết bánh xe (BL 83). Đồng thời tại nơi phát hiện thi thể không thu được dấu vết của vệt máu loang từ những vết thương của bị hại, việc một người bị đâm nhiều nhát dẫn đến bị đa chấn thương rồi tử vong thì việc chảy nhiều máu là đương nhiên, nhưng tại hiện trường lại không thu được vết máu chảy nhiều, thành mảng là không phù hợp; hơn nữa trên người bị hại còn đeo mắt kính trên mặt, đầu còn đội mũ bảo hiểm.
Trường hợp này có sự mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo với hiện trường vụ án nên cần phải đánh giá có phải đây là hiện trường đầu tiên hoặc hiện trường duy nhất của vụ án này hay không. Bởi thi thể bị hại có tư thế và dấu vết không tự nhiên. Tuy nhiên, việc xác định vấn đề này chỉ dựa vào lời khai của bị cáo về việc trực tiếp tấn công bị hại mà lời khai này không phù hợp với hiện trường; không có lời khai của các nhân chứng, vật chứng tại hiện trường để củng cố cho việc buộc tội của bị cáo. Hiện trường được xác định là vườn cao su của ông Hinh, địa hình rộng và ít người qua lại thì việc tìm được nhân chứng là khó. Do vậy cần phải tiến hành giám định dựa vào các mẫu vật thu được tại hiện trường để điều tra xem ai là người trực tiếp có mặt tại hiện trường cũng như có ai từng đi qua hiện trường và để lại dấu vết của họ hay không. Điều này sẽ được chứng minh qua 03 đầu lọc thuốc lá không trùng với kiểu gen của bị cáo (BL 77) hay của bị hại (BL71) thu được tại hiện trường, tuy nhiên cơ quan điều tra không tiếp tục lần theo dấu vết này để xác định kiểu gen này nếu không phải của bị hại, bị cáo thì là của ai. Có phải là của chủ vườn hoặc người làm thuê hoặc của những người thường xuyên ra vào vườn để canh tác hay không để loại trừ nghi vấn, thậm chí phải lường trước kiểu gen này là của hung thủ thật sự chứ không thể chỉ thu thập mẫu vật mà không xử lý đến nơi đến chốn.
[2.3] Về biên bản khám nghiệm tử thi và kết quả giám định pháp y:
Theo biên bản khám nghiệm tử thi và kết quả giám định pháp y thì bị hại bị đâm rất nhiều nhát dao, dẫn đến tử vong do sốc mất máu, đa chấn thương. Trên áo bị hại dính nhiều máu, hiện trường có sự xô xát chứng tỏ bị hại có sự phản kháng dẫn đến cả hai bị ngã xuống xe, và bị đâm từ nhiều hướng; trên thi thể của bị hại không phát hiện được tế bào hay vết máu của bị cáo. Việc phản kháng của bị hại có gây thương tích cho bị cáo H hay không, chưa được cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Điều này là không phù hợp với diễn biến vụ án do bị cáo khai nhận và kết quả thực nghiệm điều tra nêu trên, bởi lẽ bị cáo và bị hại có quá trình giằng co kịch liệt, bị cáo khai bị hại có cào và bấu bị cáo nên việc bị cáo và bị hại dù trải qua tiếp xúc cơ thể mạnh do xô xát nhưng không lưu lại tế bào da hoặc vết máu nào của bị cáo là không hợp lý.
Trong hồ sơ vụ án, khi bắt bị cáo tạm giam, không có Biên bản về việc khám người bị cáo để tìm kiếm các dấu vết bị cào xước hay những vết thương trên cơ thể của bị cáo trong quá trình vật lộn với bị hại để xác định dấu vết ẩu đả giữa bị cáo và bị hại có đúng như lời khai của bị cáo về diễn biến vụ án nhằm chứng minh lời khai của bị cáo có khớp với các tình tiết khác trong vụ án hay không cũng như chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên thủ tục này đã không được cơ quan điều tra thực hiện là có thiếu sót.
Quan điểm cho rằng bị cáo bị bắt sau 02 tháng kể từ ngày gây án nên vết thương do bị hại để lại trên người của bị cáo đã không còn, đồng thời vụ này là vụ án truy xét nên có thể không còn thu thập được một vài chứng cứ, nhưng chứng cứ này cũng là thứ yếu vì đã có những tình tiết, chứng cứ khác thuyết phục hơn. Cụ thể, Cơ quan điều tra khi tiến hành lấy lời khai của nhân chứng tên Quanh là người chở bị cáo H vượt biên giới qua Campuchia, đã không tiến hành hỏi nhân chứng về tình trạng, thể trạng, dấu vết bên ngoài của bị cáo có những dấu hiệu nào khả nghi hay không, đồng thời cũng không tiến hành tìm kiếm những người đã tiếp xúc với bị cáo H tại Tây Ninh, tại Campuchia sau khi gây án để củng cố chứng cứ buộc tội Hiền.
Trường hợp này bị cáo kêu oan nên việc phải truy vết, tìm kiếm nhân chứng, dấu vết khác để chứng minh bị cáo phạm tội là việc của cơ quan tiến hành tố tụng, bởi lẽ trên thi thể của bị hại không tìm thấy tế bào da, tóc hoặc vết máu của bị cáo, không thu thập được dao, bóp và nón bảo hiểm là vật chứng quan trọng của vụ án thì buộc phải truy tìm chứng cứ gián tiếp khác, nếu không có những chứng cứ chống lại bị cáo thì không đủ căn cứ xác định bị cáo là người gây án. Hội đồng xét xử cho rằng lời khai nhận tội của bị cáo không phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nên trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm cần áp dụng Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
[2.4] Về thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường:
Bị cáo khai sau khi giết chết bị hại đã đến cầu K21 để giặt áo, rửa tay và ném dao, bóp của nạn nhân. Khi cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập vật chứng là dao và bóp theo lời khai này nhưng không có kết quả (BL 86-87). Còn bị cáo mặc áo quần như thế nào khi thực hiện tội phạm cũng không được thu hồi vật chứng để truy vết. Ngoài ra, cần tiến hành thực nghiệm tại vị trí bị cáo đã khai nhận việc giặt, rửa, ném dao, bóp diễn ra như thế nào và có thể ngồi giặt quần áo, rửa vết máu hay không, cần xác định thời gian giặt, rửa để quần áo khô, thì mới có cơ sở xác định việc tiến hành truy tìm vật chứng là phù hợp với diễn biến của vụ án. Ngoài ra, tại cơ quan điều tra bị cáo thừa nhận mua trái cây và lấy trộm dao của người bán trái cây nhưng cũng không xác định người bán trái cây tại khu vực bị cáo khai, có ai biết người bán trái cây và có đúng là đã mất dao hay không; trong khi đó, trong khuôn viên Tòa thánh Tây ninh không cho phép các hoạt động mua bán hàng rong. Cần thiết phải truy tìm những người bán trái cây của khu vực mà bị cáo lấy trộm dao để tiến hành nhận dạng.
Do lời khai nhận của bị cáo về hành vi phạm tội là không phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án trên cơ sở truy vết hiện trường và vật chứng thu thập được nên cần tiến hành thực nghiệm điều tra lại để làm rõ mối liên quan giữa bị cáo và các vật chứng đã thu thập được tại hiện trường, để xác định những nghi điểm mấu chốt của vụ án.
[2.5] Về chứng cứ ngoại phạm của bị cáo:
Trong vụ án có nhiều mốc thời gian quan trọng, phản ánh diễn biến vụ án và sự thật khách quan, tuy nhiên Hội đồng xét xử nhận thấy các mốc thời gian này chưa rõ ràng, lỏng lẻo dẫn đến việc bị cáo có thể phản cung cũng như khó đưa ra được bằng chứng phù hợp để chứng minh tội phạm.
- Thứ nhất, bị cáo khai đã di chuyển bằng phương tiện là xe buýt vào lúc 09 giờ ngày 07/3/2015 từ thị trấn Tân Châu (nhà trọ Thiên Ân) xuống Tòa Thánh Tây Ninh, bị cáo xuống xe buýt lúc 13 giờ tại của Hòa Viện nội ô Tòa Thánh và đến 15 giờ thì bị cáo gặp bị hại ở trước cửa Chính Môn. Lời khai này là bước đầu xác định thời gian hợp lý để bị cáo gặp bị hại, có ý nghĩa trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tuy nhiên lời khai này có nhiều mâu thuẫn với những lời khai khác có trong hồ sơ. Cơ quan điều tra đã không kiểm chứng lời khai này, không tiến hành xác minh trên thực tế công ty có tuyến xe buýt nào đi tuyến đường này không, lộ trình dài bao nhiêu km, thời gian dự kiến của lộ trình là bao lâu, thời gian di chuyển ra vào trạm thường xuyên có trùng khớp với thời gian lên và xuống xe như bị cáo khai hay không. Từ đó mới chứng minh được lời khai này là đúng, bác bỏ luận cứ ngoại phạm như người bào chữa của bị cáo trình bày.
- Thứ hai, theo lời khai của gia đình nạn nhân thì bị hại rời khỏi nhà từ sáng và đến trưa về nhà ăn cơm, có uống bia nên khi khám nghiệm tử thi thì còn có nồng độ cồn trong máu, theo cơ quan chuyên môn thì nồng độ cồn mất đi tùy theo cơ địa sau khi uống. Do đó, có cơ sở xác định bị hại đã ăn trưa tại nhà và đi đón khách vào khoảng 13 giờ ngày 07/3/2015 rồi bị giết, là phù hợp với thời gian chết của bị hại theo Công văn 160 của Cơ quan kỹ thuật hình sự thì bị hại chết trong thời hạn 36 giờ kể từ lúc giám định tử thi ngày 09/3/2015. Giả sử lời khai của bị cáo là đúng về diễn biến vụ án thì tính từ lúc 15 giờ (khi bị cáo gặp bị hại và thuê bị hại chở đi) có địa điểm nơi đến thay đổi nhiều lần, ước tính tổng chiều dài lộ trình là khoảng 200km, vậy thời gian hợp lý hoặc thời gian cần thiết để đi được lộ trình này bằng xe máy chở trên xe là 02 người đàn ông trưởng thành là khoảng bao nhiêu thời gian, chưa kể cả 2 đi đến đoạn nào thì thay đổi lộ trình. Tổng hợp lại về mặt thời gian thì có tương ứng với thời điểm xác định bị hại chết hay không. Điều này chưa được cơ quan điều tra xác định rõ.
- Thứ ba, theo gia đình nạn nhân thì vào khoảng 18 giờ đến 19 giờ ngày 07/3/2015 thì chị Hà gọi cho bị hại nhưng không liên lạc được. Nhưng theo kết quả điều tra, bị cáo lại có lời khai khoảng 20 giờ cùng ngày bị cáo đã sử dụng chiếc điện thoại của bị hại gọi cho ông Q. Như vậy, cần thiết thu thập về cuộc gọi của bị cáo cho ông Q như lời khai của bị cáo, thời gian thực hiện cuộc gọi để xác định lại thời điểm này xe mô tô và điện thoại đã được mang sang biên giới chưa. Hơn nữa, cần xác minh tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân về thời gian bị cáo qua cửa khẩu, lấy ý kiến của cơ quan viễn thông về việc bị cáo ở Campuchia thì có thực hiện được cuộc gọi về Việt Nam hay không và khi qua biên giới thì người nhà của bị hại có liên lạc theo số điện thoại của bị hại được không. Điều này có ý nghĩa trong việc xác minh sự thật khách quan của vụ án, bởi lẽ về nguồn gốc chiếc điện thoại của bị hại mà bị cáo có được chưa xác thực.
- Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập luận rằng do bị cáo sử dụng xe và điện thoại của bị hại sau thời điểm xác định bị hại bị giết, bác bỏ lời khai bị cáo mua xe vì cho rằng bị cáo không có tiền trả nợ tiền thuê phòng trọ mà lại có 1.000.000 đồng mua xe là không thực tế nên xác định bị cáo có hành vi phạm tội là lập luận chưa thuyết phục. Trường hợp này, cần thiết phải xác định được đối tượng tên Kha (Khang) mà bị cáo mua xe là ai, là người không có thật hay là một trong số người quen, họ hàng của bị cáo hoặc bị hại mà qua lời trình bày của Luật sư Lê Đức T3 thì có người tên Lê Văn C (tên thường gọi là K1) và Lê Văn K2 là họ hàng và có mâu thuẫn với bị hại. Điều này có liên quan gì đến vụ án hay không thì phải điều tra, xác minh thêm mới có thể giải đáp được.
[3] Bởi các nhận định trên, Hội đồng xét xử cho rằng lời khai nhận của bị cáo không phù hợp các vật chứng thu thập được và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ nên không thể dùng làm chứng cứ duy nhất để buộc tội bị cáo. Vì vậy, cần điều tra xác minh và thực nghiệm điều tra lại các nội dung đã nêu để làm rõ mối liên hệ giữa các vật chứng có tại hiện trường với lời khai của bị cáo, làm rõ thời gian chết của nạn nhân từ thời điểm nào đến thời điểm nào qua các cuộc gọi với ông Q và liên lạc của gia đình nạn nhân; thực nghiệm điều tra về việc giặt áo quần dính máu, và thời gian giặt rửa như thế nào để xác định hướng đi của bị cáo sau khi gây án để củng cố lập luận buộc tội. Các kết luận giám định về máu, gen và các tài liệu về dấu vết tại hiện trường có trong hồ sơ vụ án, được thu thập và thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, có giá trị chứng cứ hiện đang còn lưu giữ tại cơ quan giám định, cần thiết cho giám định lại vì hiện nay cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã có để tìm ra hung thủ gây án.
[4] Mặt khác, vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của bị cáo rất dã man, đâm bị hại hàng chục vết, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, giết bị hại để cướp tài sản, gây hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác và quyền sở hữu của công dân, có tính chất côn đồ; bị cáo có nhân thân xấu, có một tiền án về tội Cố ý gây thương tích. Do vậy, nếu chứng minh bị cáo H là thủ phạm thì cần có mức hình phạt thật nghiêm khắc là tử hình đối bị cáo mới có tính răn đe, phòng chống tội phạm, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chỉ tuyên xử bị cáo mức hình phạt là Chung thân là không tương xứng với tính chất, hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra.
Trong thời gian trước khi bị bắt, bị cáo H đã nhiều lần vượt biên giới qua Campuchia nhiều lần trái phép để đánh bạc, nhưng Cơ quan điều tra không xử lý hành vi “Vi phạm quy chế về khu vực biên giới” quy định tại Điều 346 Bộ luật hình sự và hành vi “Đánh bạc” là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Sau khi bị bắt tạm giam, bị cáo H đã trốn khỏi nơi giam và đã bị xử phạt 3 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam, bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đưa vào để tổng hợp hình phạt là vi phạm.
Những vi phạm nói trên của Tòa án cấp sơ thẩm là nghiêm trọng mà Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cần thiết phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại.
[5] Đối với kháng cáo của gia đình bị hại:
Do bản án hình sự sơ thẩm bị hủy, nên các yêu cầu kháng cáo của người đại diện hợp pháp cho người bị hại sẽ được xem xét, giải quyết khi thụ lý điều tra, truy tố, xét xử lại.
[6] Về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và án phí sơ thẩm sẽ được xem xét khi xét xử lại.
[7] Do bản án bị hủy nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm c, khoản 1 Điều 355, điểm b, khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1/ Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018/HS-ST ngày 26/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh để điều tra lại đúng thủ tục quy định.
Tiếp tục giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh thụ lý lại vụ án.
2/ Án phí: Bị cáo Nguyễn Văn H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 138/2022/HS-PT
Số hiệu: | 138/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/03/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về