Bản án về tội cố ý gây thương tích số 02/2020/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐĂKGLEI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 02/2020/HS-ST NGÀY 25/03/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25 tháng 3 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện ĐG, tỉnh Kon Tum, xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 02/2020/TLST-HS ngày 06 tháng 02 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2020/QĐXXST-HS ngày 11 tháng 3 năm 2020 đối với bị cáo:

Họ và tên: A S (Tên gọi khác: A Hấm); Giới tính: Nam; sinh năm 1992 tại Kon Tum; Nơi đăng ký NKTT: Thôn ĐT, xã ĐM, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum. Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Dẻ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông A Ng và bà Y M; Vợ: Y H, sinh năm 1997; Có 02 con, con lớn sinh năm 2014, con nhỏ sinh năm 2017.

Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 13/12/2011 đến ngày 16/01/2012 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cho bảo lĩnh.

Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo A S: Bà Đặng Thị Kim N - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kon Tum (Có mặt).

- Người bị hại: Anh A L, sinh năm 1993.

Trú tại: Thôn Đăk Ôn, xã ĐL, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh A Nhuẫn, sinh 1987 Trú tại: Thôn RN, xã ĐM, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

- Người làm chứng:

+ Anh A H, sinh năm 1993. Trú tại: Thôn ĐT, xã ĐM, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

+ Anh A N, sinh năm 1990. Trú tại: Thôn ĐT, xã ĐM, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

+ Anh A L, sinh năm 1991. Trú tại: Thôn ĐT, xã ĐM, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

+ Anh A T, sinh năm 1987. Trú tại: Thôn ĐÔ, xã ĐL, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 12/12/2011, A S, sinh ngày 10/12/1992 cùng A H (là anh họ), A N (là anh ruột) cùng trú tại Thôn ĐT, xã ĐM, huyện ĐG, tỉnh Kon Tum đi xe máy đến thôn RM, xã ĐM, huyện ĐG để ăn tân gia (mừng nhà mới) của anh rể là A Nhuẫn. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, A S xin phép về và xuống bếp để chào chị Y N (là chị ruột của A S). Lúc quay lên, A S thấy có một con dao Thái Lan để ở trên vách nhà, A S lấy và bỏ vào túi quần rồi đi về cùng A H và A N. Lúc về, A S rủ A H và A N vào thôn RM chơi nhưng không gặp ai nên cả ba quay xe đi về.

Đến ngã ba đường vào thôn RM, A H nhìn thấy A L (trú tại thôn Đăk Ôn, xã ĐL, huyện ĐG) và A T đang ngồi trên xe máy đứng ở ngã ba, A H dừng xe lại và nói “Thằng này bữa trước đánh tao” rồi A H và A S xuống xe. A H đi tới dùng tay đấm A L nhưng không trúng, A Lộc (bạn cùng thôn của A S) đi đến can ngăn, A L định bỏ chạy thì A S rút dao trong túi quần đâm vào lưng A L. A L bỏ chạy, còn A H và A S đi về hướng xã ĐM. A N lái xe mô tô đi theo chở A H và A S đi về.

Trên đường về, A S có cầm con dao và nói với A H và A N: “hồi nãy em đâm thằng kia rồi”. Sau đó A H và A S đi về nhà A H cất xe rồi đi qua nhà A Nhâm ở cùng thôn để ngủ. Đến sáng ngày 13/12/2011, A S và A H đến Công an xã ĐM để đầu thú.

Tại Bản giám định pháp y số 191/GĐ-PY ngày 15/12/2011 của Phòng giám định pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum kết luận: A L bị vết thương ở lưng, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp với tỷ lệ thương tật là 12% (tạm thời).

Ngày 14/02/2012, Cơ quan CSĐT - Công an huyện ĐG đã ra quyết định trưng cầu giám định số 18 trưng cầu Tổ chức giám định Pháp y tâm thần tỉnh Bình Định giám định đối với bị can A S vì có biểu hiện của bị bệnh tâm thần ? Ngày 14/3/2012, Tổ chức giám định Pháp y tâm thần tỉnh Bình Định có Biên bản giám định pháp y tâm thần số 06/GĐPYTT kết luận: A S bị rối loạn sự thích ứng với rối loạn hành vi chiếm ưu thế khi ở nhà tạm giữ Công an huyện Đắk Glei.

Trước, trong và sau khi gây án, A S đủ năng lực nhận thức và năng lực hành vi.

Cáo trạng số 01/CT - VKS ngày 06/02/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐG truy tố bị cáo A S về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134, Điều 38 Bộ luật hình sự; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 và Điều 54 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 để xử phạt bị cáo từ 12 đến 16 tháng tù:

- Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã bồi thường, người bị hại không có đề nghị gì, nên đề nghị HĐXX không xem xét.

- Về xử lý vật chứng: Đề nghị HĐXX xử lý theo quy định của pháp luật.

- Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Bào chữa cho bị cáo, Bà Đặng Thị Kim N trình bày ý kiến : Vào khoảng 22h ngày 12/12/2011 tại ngã 3 đường vào thôn RM có xảy ra việc đánh nhau giữa A H và A L sau đó A S thấy A L định bỏ chạy nên đã lấy dao ở túi quần ra đâm theo nên trúng vào lưng và gây thương tích cho A L, xét về quan hệ thì A H và A S là anh em họ do vậy khi thấy A H nói “Thằng này bữa trước đánh tao” và xuống xe đến đánh A L, A S đi phía sau thấy A L bỏ chạy nên bức xúc mới dùng dao đâm vào lưng của A L.

Đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b,s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 và Điều 54 BLHS để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Lời nói sau cùng: Bị cáo biết việc làm của bị cáo là vi phạm pháp luật xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, Quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an huyện ĐG, Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐG, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cơ quan CSĐT Công an huyện ĐG quyết định phục hồi điều tra vụ án và phục hồi điều tra bị can là đúng với quy định của pháp luật. Bị cáo không có ý kiến gì và cũng không khiếu nại gì về hành vi, Quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, Quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo A S khai nhận: Vào khoảng 22 giờ ngày 12/12/2011, tại ngã ba đường vào thôn RM, Bị cáo A S đã dùng dao Thái Lan giấu ở trong túi quần đâm 01 (một) nhát vào lưng của A L. Xét lời khai nhận tội của bị cáo là phù hợp với các lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng được công bố tại phiên tòa. phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Thương tích của anh A L tại Bản giám định pháp y số 191/GĐ-PY ngày 15/12/2011 của Phòng giám định pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum với tỷ lệ thương tật mất 12% sức khỏe (tạm thời) là do bị cáo A S trực tiếp dùng hung khí nguy hiểm gây ra.

Mặt khác, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào thời điểm 2011, là thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) đang có hiệu lực pháp luật. Nhưng căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 về quy định có lợi cho người phạm tội, thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt cao nhất là 06 (Sáu) năm tù, còn quy định tại Khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 có khung hình phạt cao nhất là 07 (Bảy) năm tù. Với quy định trên thì hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi hơn cho bị cáo A S. Do đó, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐG truy tố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ, Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Chấp nhận đề nghị của Người bào chữa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b,s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 và Điều 54 BLHS.

[3] Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp nghiêm trọng. Bởi lẽ, trước và trong khi phạm tội, bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bị cáo xâm phạm đến sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật, giữa bị cáo và anh A L, không có mâu thuẫn hay xích mích gì, nhưng sau khi nghe A H nói trước đây A L có đánh A H thì bị cáo không hỏi rõ nguyên nhân sự việc, để có hướng xử lý cho phù hợp mà sau khi A H đấm A L, A L bỏ chạy, bị cáo ngay lập tức dùng dao đâm vào lưng anh A L. Hành động này cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, hung hãn, ý thức coi thường pháp luật và xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác.

Do đó, cần phải xử phạt bị cáo với một mức án tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, buộc bị cáo phải cách ly khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo thành công dân có ích cho xã hội và phòng ngừa chung.

[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

- Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng.

- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Bị cáo và gia đình đã chủ động thăm hỏi và bồi thường, khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại số tiền 15.000.000 (Mười lăm triệu đồng); Sau khi phạm tội bị cáo đã đến Công an xã đầu thú; Bị cáo có nhân thân tốt; Người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Do bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy HĐXX thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xét xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà tích cực cải tạo.

[5] Đối với A H, khi gặp A L đã dùng tay đấm A L, nhưng không trúng và cũng không gây thương tích gì cho A L. Mặt khác, A H không hề biết A S có mang theo dao trong người, trước khi đánh A L cũng không bàn bạc hoặc xúi dục A S trong việc gây thương tích cho A L. Do không đủ yếu tố để xử lý về hình sự, Cơ quan điều tra Công an huyện ĐG đã xử lý hành chính đối với A H là có cơ sở. Nên HĐXX không xem xét.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra bị cáo đã bồi thường cho người bị hại, Người bị hại không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về vật chứng:

- 01 (một) chiếc áo thun ngắn tay màu tím, có hai sọc phía trước, cánh tay màu caro đen trắng, phía trước và phía sau áo có chữ, sau lưng có một lỗ thủng dài 2cm. Chiếc cáo thun đó là của A L, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện ĐG đã trả lại cho chủ sở hữu là anh A L. Vì vậy HĐXX không đề cập đến.

- 01 (một) con dao Thái Lan, cán bằng nhựa màu vàng, lưỡi bằng kim loại, cán dao dài 10 cm, lưỡi dao dài 12 cm, đầu nhọn, tổng chiều dài con dao dài 22 cm, dao bị cong và sứt ở phần cán, không còn giá trị sử dụng. Cần áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, điểm c, Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy.

[8] Về án phí: Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo nên thuộc diện được miễn án phí HSST theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo A S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ, Khoản 2 Điều 134, điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51;

khoản 1 Điều 54 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo A S 12 (mười hai) tháng tù giam. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án, được trừ vào thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 13/12/2011 đến ngày 16/01/2012.

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự, điểm c, Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 01 (một) con dao Thái Lan, cán bằng nhựa màu vàng, lưỡi bằng kim loại, cán dao dài 10 cm, lưỡi dao dài 12 cm, đầu nhọn, tổng chiều dài con dao 22 cm, dao bị cong và sứt ở phần cán (theo Biên bản giao, nhận vật chứng giữa Cơ quan Công an huyện ĐG và Chi cục thi hành án Dân sự huyện ĐG ngày 07/02/2020).

3. Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Miễn án phí HSST thẩm cho bị cáo .

4. Căn cứ Điều 331, 333 BLTTHS bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (25/3/2020). Người bị hại; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

44
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 02/2020/HS-ST

Số hiệu:02/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Glei - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về