Bản án về kiện đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm số 384/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 384/2023/DS-PT NGÀY 06/12/2023 VỀ KIỆN ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT BỊ LẤN CHIẾM

Ngày 06 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 381/2023/TLPT-DS ngày 08 tháng 11 năm 2023 về việc “Kiện đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2023/DS-ST ngày 28/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 372/2023/QĐ-PT, ngày 17 tháng 11 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty cổ phần trồng rừng T; địa chỉ: Số 35 Q, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đức T; C/v: Tổng giám đốc, vắng mặt Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Minh C và ông Ngô V T; địa chỉ: Số 93 N, phường Đ, quận X, thành phố Hồ Chí Minh (ông C vắng mặt, ông T có mặt)

- Bị đơn: Ông Phan Khắc V; địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, có mặt

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn huyện K; địa chỉ: Thôn G, xã T, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Minh H; địa chỉ: Thôn G, xã T, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt mặt

+ Ông Hà Thế V; địa chỉ: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt

+ Ông Ngô Văn V1; địa chỉ: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt

+ Ông Đồng Phúc C; địa chỉ: Thôn T, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng

+ Bà Đàm Thị T; địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Trong đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần trồng rừng T trình bày:

Theo Quyết định thuê đất số 1600/QĐ-UBND ngày 01/7/2008 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464, AM 204465 ngày 18/09/2008, Công ty cổ phần trồng rừng T (sau đây gọi tắt là Công ty T) được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 280,5ha đất tại các tiểu khu 311 và 316 thuộc xã C và E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu.

Sau khi nhận bàn giao diện tích trên, Công ty T đã đầu tư trồng mới, chăm sóc, quản lý và bảo vệ diện tích rừng và đất rừng nói trên kể từ đó đến nay. Trong suốt thời gian Công ty T đầu tư trồng mới, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng từ khi nhận bàn giao tháng 10/2008 đến năm 2021 không có ai tranh chấp. Đến năm 2022, toàn bộ diện tích rừng Keo năm 2014 của Công ty T đã đến tuổi khai thác nên Công ty đã hợp đồng bán gỗ cây đứng cho ông Đỗ V.

Sau khi ông Đỗ V tiến hành khai thác gỗ Keo theo hợp đồng mua bán giữa hai bên tại khoanh 1 tiểu khu 316 xã E thì ông Phan Khắc V đã cho người vào đốt dọn và tiến hành trồng lại cây keo lai trên đất của Công ty T từ ngày 17/9/2022. Khi phát hiện ông V trồng cây trái phép trên đất của Công ty thì nhân viên dự án và tổ bảo vệ của Công ty đã ngăn cản không cho trồng cây. Tuy nhiên ông V cố tình chống đối và cho rằng diện tích đất trên là đất của ông V, nên ông V vẫn tiếp tục trồng.

Theo kết quả kiểm tra của Công ty T, kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và đo đạc thì diện tích đất của Công ty T bị ông Phan Khắc V lấn chiếm là 102.740,6m2 tại khoảnh 1, tiểu khu 316, xã E, huyện K, thuộc một phần diện tích đất đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464 ngày 18/09/2008 cho Công ty T. Do đó, Công ty T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Phan Khắc V trả lại toàn bộ diện tích đất lấn chiếm là 102.740,6m2; buộc ông V chấm dứt hành vi trồng rừng trên đất lấn chiếm, nhổ bỏ, di dời cây trồng và hoàn trả lại hiện trạng đất lấn chiếm.

- Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn ông Phan Khắc V trình bày:

Vào năm 2001, ông cùng ba hộ khác là hộ ông Hà Thế V, hộ ông Ngô Văn V1 và hộ ông Đồng Phúc C, trú tại xã E, huyện K được Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn huyện K (sau đây gọi tắt là (BQLDA) giao khoán đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 132ha, thời hạn giao khoán là 50 năm. Sau khi được giao khoán thì ông và các hộ được giao khoán họp và thống nhất giao cho ông làm trưởng nhóm, trực tiếp thực hiện việc trồng rừng trên đất được giao theo quyết định giao khoán. Phần diện tích ông nhận khoán theo hồ sơ là 30ha. Sau khi nhận khoán thì ông đã tiến hành khai hoang để trồng rừng. Việc trồng rừng được thực hiện theo kế hoạch của BQLDA. Ông là người đại diện hộ nhận khoán và đã trực tiếp trồng trên một phần diện tích đất nhận khoán theo kế hoạch của BQLDA.

Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đất và rừng đã trồng của ông và các hộ nhận khoán, giao lại cho Công ty T. Quá trình UBND tỉnh Đắk Lắk lập thủ tục thu hồi đất và trừng trồng của mình thì ông và các hộ nhận khoán không hề được thông báo và không biết gì. Sau khi xảy ra sự việc ông đã khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Công ty T đã tiến hành trồng rừng trên phần đất mà ông và các hộ được giao.

Trong năm 2021 và 2022, sau khi Công ty T khai thác gỗ xong, ông đã tiến hành cuốc hố và làm đường trên diện tích khoảng 10ha và tiến hành trồng cây trên diện tích đất này. Diện tích đất mà phía Công ty T cho rằng ông lấn chiếm thực chất là một phần diện tích trong tổng số diện tích đất mà BQLDA giao khoán cho nhóm hộ trồng rừng trong đó có ông. Trước khi UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất cho Công ty T thì diện tích đất này ông mới chỉ múc hố nhưng chưa trồng, do chưa có kế hoạch của BQLDA về việc trồng rừng tại khu vực này.

Ông cho rằng việc UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất của ông và các hộ được giao, cấp cho Công ty T là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Căn cứ để ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện như sau: Ông không tranh chấp đất với phía nguyên đơn, đất ông sử dụng trước 07 năm. Việc các cơ quan chức năng lập hồ sơ thu hồi đất lâm nghiệp và đất trồng rừng của ông và các hộ nhận khoán để cấp cho doanh nghiệp là trái với Điều 26 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, Điều 26 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ; Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 28/7/1998, Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông và các hộ nhận khoán.

- Quá trình giải quyết vụ án đại diện Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn huyện K ông Dương Minh H trình bày:

Năm 2001, Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn huyện K có giao khoán cho ông Phan Khắc V diện tích đất 37,5ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 311 xã Etheo Quyết định số 04/QĐ-BQL ngày 16/6/2001. Năm 2006 BQLDA tiếp tục ký Hợp đồng số 75/2006/HĐ ngày 02/01/2006 với ông V, giao khoán đất trồng rừng với diện tích 23,5ha tại lô a, khoảnh 1, tiểu khu 311.

Diện tích đất mà BQLDA giao khoán cho ông V đã được thanh lý hợp đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất theo Quyết định số 2067/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Vị trí đất tranh chấp giữa Công ty T với ông Phan Khắc V thuộc tiểu khu 316. Ông V cho rằng diện tích đất tranh chấp thuộc đất mà BQLDA đã giao cho ông V trước đây là không đúng thực tế, bởi vì BQLDA chỉ giao đất cho ông V tại tiểu khu 311. Vị trí đất tranh chấp trước khi UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty T là đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của BQLDA, chưa giao cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Hiện nay đất tranh chấp đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyền sử dụng đất cho Công ty T nên việc tranh chấp giữa các bên không còn liên quan gì đến BQLDA.

Ngoài giao khoán cho ông V thì năm 2001 BQLDA có giao khoán đất trồng rừng cho các ông: Ngô Văn V1, Đồng Phúc C và Hà Thế V, cụ thể: Ông Hà Thế V được giao khoán 41 ha theo Quyết định số 07/QĐ-BQL ngày 16/6/2001; ông Ngô Văn V1 được giao khoán 26,75ha theo Quyết định số 08/QĐ-BQL ngày 16/6/2001, ông Đồng Phúc C được giao khoán 27 ha theo Quyết định số 09/QĐ-BQL ngày 16/6/2001. Phần diện tích đất giao khoán cho các hộ nói trên đều thuộc tiểu khu 316, xã Ea Tam. Tuy nhiên, do trước đây việc giao khoán đất không kèm theo sơ đồ cụ thể, mặt khác toàn bộ đất tại khu vực nêu trên đã được UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi để cấp cho Công ty T từ năm 2008, không thuộc quyền quản lý của BQLDA nữa, nên hiện nay chúng tôi không xác định được ranh giới cụ thể diện tích đất mà các hộ nói trên được giao.

Quá trình giải quyết vụ án những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các ông Ngô Văn V1, Hà Thế V và Đồng Phúc C trình bày:

Năm 2001 các ông được Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn K giao đất để trồng rừng, cụ thể: Ông Hà Thế V được giao khoán 41ha theo Quyết định số 07/QĐ-BQL ngày 16/6/2001; ông Ngô Văn V được giao khoán 26,75ha theo Quyết định số 08/QĐ-BQL ngày 16/6/2001, ông Đồng Phúc C được giao khoán 27ha theo Quyết định số 09/QĐ-BQL ngày 16/6/2001. Phần diện tích đất giao khoán cho các ông đều thuộc Tiểu khu 316, xã E. Ông Phan Khắc V cũng được giao khoán đất trồng rừng cùng thời điểm. Sau khi được giao đất thì các ông cùng ông Phan Khắc V đã thành lập nhóm hộ hợp tác trồng rừng, do ông Phan Khắc V làm trưởng nhóm. Việc lập nhóm hộ và bầu trưởng nhóm do 04 hộ họp thống nhất và có Biên bản họp. Hình thức thực hiện việc trồng rừng theo phương thức các hộ cùng góp vốn và công sức thực hiện chung.

Các ông không trực tiếp thực hiện việc trồng rừng trên diện tích đất được giao mà giao cho ông V là trưởng nhóm trực tiếp thực hiện việc trồng rừng. Do không trực tiếp trồng rừng, nên các ông cũng không biết vị trí cụ thể phần đất mà các ông được giao khoán theo là ở đâu và có ranh giới như thế nào, mà chỉ ông V mới biết được ranh giới cụ thể.

Đối với diện tích đất đang tranh chấp giữa Công ty T với ông Phan Khắc V:

Do các ông không trực tiếp thực hiện việc trồng rừng nên các ông không biết diện tích đất trên có nằm trong tổng diện tích đất mà các ông được giao khoán hay không. Việc hợp tác trồng rừng, các ông có góp công. Tuy nhiên, hiện nay chưa được nhận sản phẩm vì diện tích các ông nhận khoán thì ông V đã tiến hành trồng cây thông, nhưng chưa tiến hành khai thác.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đàm Thị T trình bày:

Bà là vợ của ông Phan Khắc V, bà biết vào năm 2001 chồng bà có ký kết hợp đồng trồng rừng với Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn huyện K và đã được BQLDA rừng phòng hộ giao đất để trồng rừng. Gia đình bà được giao khoán đất trồng rừng cùng với một số hộ khác. Việc tranh chấp giữa Công ty T với ông V thì bà không biết đất tranh chấp thuộc khu vực nào và diện tích bao nhiêu, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần xem xét khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 43/2023/DS-ST ngày 28/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35, khoản 4 Điều 147, 157, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 và Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 5, 26, 100 và 166 Luật đất đai 2013; Các Điều 158, 163, 164 và 166 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 và điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần trồng rừng T.

- Buộc ông Phan Khắc V phải trả lại cho Công ty cổ phần trồng rừng T diện tích đất 102.740,6m2 tại khoảnh 1, tiểu khu 316, xã E, huyện K thuộc một phần trong tổng diện tích 2.691.600m2 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464 ngày 18/9/2008. Vị trí tứ cận diện tích đất phải trả lại như sau:

Phía Đông giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464; Phía Tây giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464; Phía Nam giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464; Phía Bắc giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 189019, do UBND tỉnh Đắk Lắk cấp cho Công ty cổ phần trồng rừng T. Vị trí đất, tọa độ và chiều dài cạnh thửa của diện tích đất phải trả lại được xác định theo bản sao Bản vẽ hiện trạng đất tranh chấp lập ngày 06/4/2023 đính kèm bản án.

- Buộc ông Phan Khắc V nhổ bỏ, di dời toàn bộ cây trồng trên đất chiếm dụng trái phép.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm, còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 11/9/2023, bị đơn ông Phan Khắc V kháng cáo đối với toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2023/DS-ST ngày 28/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng:

- Về tố tụng: Đối với Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn ông Phan Khắc V - Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2023/DS-ST ngày 28/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự và ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí, nên được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là phù hợp.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, HĐXX xét thấy:

[2.1] Về nguồn gốc đất: Căn cứ vào Quyết định số 1599/QĐ-UB ngày 01/7/2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thu hồi 280,5ha đất của Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng; Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 01/7/2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc cho Công ty cổ phần trồng rừng T thuê 280,5ha đất để sử dụng vào mục đích trồng rừng nguyên liệu; Các Giấy CNQSD đất số AM 204464, AM 204465 ngày 18/9/2008, các trích lục bản đồ địa chính của các thửa đất kèm theo giấy CNQSD đất do UBND tỉnh Đắk Lắk cấp cho Công ty T; kết quả đo đạc thực địa ngày 06/4/2023 của Công ty Cổ phần đo đạc D thì có cơ sở để xác định diện tích đất rừng trồng 102.740,6m2 tại khoảnh 1, tiểu khu 316, xã E, huyện K thuộc một phần trong tổng diện tích đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464 ngày 18/9/2008 cho Công ty T.

[2.2] Bị đơn ông Phan Khắc V cho rằng diện tích đất trên thuộc diện tích đất 37,5ha ông V nhận giao khoán theo Quyết định số 04/QĐ-BQL ngày 16/6/2001 của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn huyện K, trước khi UBND tỉnh thu hồi đất của BQLDA để cấp Giấy CNQSD đất cho Công ty T, diện tích đất ông V nhận khoán là ở tiểu khu 311, tuy nhiên sau khi làm thủ tục giao khoán do diện tích đất tại tiểu khu 311 có tranh chấp nên Trưởng BQLDA rừng phòng hộ và ông V đã thống nhất chuyển vị trí đất giao khoán từ tiểu khu 311 sang tiểu khu 316, xã E, nhưng ông V không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình, không được BQLDA thừa nhận. Đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn K có ý kiến như sau: “Vị trí đất tranh chấp giữa Công ty T với ông Phan Khắc V thuộc tiểu khu 316. Ông V cho rằng diện tích đất tranh chấp thuộc đất mà BQLDA đã giao cho ông V trước đây là không đúng thực tế, bởi vì BQLDA chỉ giao đất cho ông V tại tiểu khu 311. Vị trí đất tranh chấp trước khi UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty T là đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của BQLDA, chưa giao cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Hiện nay đất tranh chấp đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyền sử dụng đất cho Công ty T nên việc tranh chấp giữa các bên không còn liên quan gì đến BQLDA”. Do đó, lời trình bày của ông V không có cơ sở để chấp nhận. Ngoài ra, ông V cho rằng việc UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất của ông đã được nhận khoán để giao cho Công ty T là trái quy định của pháp luật, xét thấy việc thu hồi đất, giao đất và cấp quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty T là trình tự thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước được giao quản lý về đất đai, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong vụ án này, nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc ông Phan Khắc V phải trả lại cho Công ty T diện tích đất 102.740,6m2 tại khoảnh 1, tiểu khu 316, xã E, huyện K là có căn cứ.

[2.3] Đối với tài sản gắn liền với đất, xét thấy: Mặc dù biết rõ diện tích đất tranh chấp đã được thu hồi để cấp quyền sử dụng đất cho Công ty T nhưng ông V vẫn tiến hành trồng cây trên đất là trái quy định của pháp luật, do đó buộc ông V nhổ bỏ, di dời toàn bộ cây trồng trên đất để trả lại hiện trạng đất cho Công ty T là phù hợp.

[3] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Phan Khắc V. Cần giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2023/DS-ST ngày 28/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn ông Phan Khắc V phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn ông Phan Khắc V. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2023/DS-ST ngày 28/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần trồng rừng T.

- Buộc ông Phan Khắc V phải trả lại cho Công ty cổ phần trồng rừng T diện tích đất 102.740,6m2 tại khoảnh 1, tiểu khu 316, xã E, huyện K thuộc một phần trong tổng diện tích 2.691.600m2 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464 ngày 18/9/2008. Vị trí tứ cận diện tích đất phải trả lại như sau:

Phía Đông giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464; Phía Tây giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464; Phía Nam giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 204464; Phía Bắc giáp phần diện tích còn lại của diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 189019, do UBND tỉnh Đắk Lắk cấp cho Công ty cổ phần trồng rừng T. Vị trí đất, tọa độ và chiều dài cạnh thửa của diện tích đất phải trả lại được xác định theo bản sao Bản vẽ hiện trạng đất tranh chấp lập ngày 06/4/2023 đính kèm bản án.

[2] Buộc ông Phan Khắc V nhổ bỏ, di dời toàn bộ cây trồng trên đất chiếm dụng trái phép.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông Phan Khắc V phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Được khấu trừ số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2022/0002264 ngày 03/10/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Năng.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

85
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về kiện đòi quyền sử dụng đất bị lấn chiếm số 384/2023/DS-PT

Số hiệu:384/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về