Bản án 97/2019/HS-PT ngày 25/07/2019 về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 97/2019/HS-PT NGÀY 25/07/2019 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 25 tháng 7 năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa công khai tại hội trường để xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 08/2019/TLPT-HS ngày 05 tháng 01 năm 2019, do có kháng cáo của bị cáo Phạm Quốc V đối với bản án hình sự sơ thẩm số 498/2019/HS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

* Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Quốc V, sinh ngày 02/3/1952 tại tỉnh Thái Nguyên. ĐKHKTT: xóm NĐ, xã TC, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên; Nghề nghiệp: Nguyên Bí thư Đảng ủy xã TC; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; Trình độ văn hoá lớp 7/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: V Nam; Con ông Phạm Quốc B và Con bà Dương Thị T (Đều đã chết); Có vợ là Ngô Thị Ch và có 04 con; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại. (vắng mặt tại phiên tòa).

* Người bào chữa cho bị cáo (Do bị cáo mời): Ông Phùng Đức Tr và bà Nguyễn Thị Th luật sư văn phòng luật sư TH, đoàn luật sư tỉnh Thái Nguyên (có mặt) 

* Ngoài ra còn có các bị cáo không kháng cáo:

1. Nguyễn Thị H, sinh ngày 01/6/1955 (có mặt)

Trú tại: Xóm HT, xã TC, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên

2. Nguyễn Văn Q, sinh ngày 01/01/1957(có mặt)

Trú tại: Xóm ĐC, xã TC, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên.(Đại diện theo pháp luật): Ông Nguyễn Văn T Chức vụ Chủ tịch, ủy quyền cho ông Lê Q M, chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (có đơn xin xét xử vắng mặt).

*Người làm chứng:

1. Chị Phạm Thị H1, sinh năm 1975 (có mặt)

Trú tại: Tổ 1, phường HVT, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.

2. Chị Nguyễn Thị Thanh H2, sinh năm 1982 (có mặt)

Trú tại: Tổ 6, phường CH, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ủy ban nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 334/2003/QĐ-UB ngày 15/4/2003, về quy chế quản lý và cơ chế đầu tư hỗ trợ xây dựng đường giao thông trên địa bàn thành phố TN. Trong đó quy định: Ban quản lý công trình của chủ đầu tư (xóm, tổ dân phố) được thành lập có trách nhiệm trực tiếp tổ chức giám sát, nghiệm thu và lập hồ sơ quyết toán công trình, mở sổ nhật ký theo dõi công trình, ghi chép chi tiết công việc hàng ngày và tập hợp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, biên nhận vật tư đưa vào thi công công trình như: Xi măng, cát, sỏi… (riêng xi măng phải có hóa đơn GTGT theo quy định). Ban quản lý cấp xã được thành lập để chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát, quyết định nghiệm thu, thẩm định hồ sơ quyết toán công trình. Sau khi tổ chức nghiệm thu xong, UBND xã tập hợp đầy đủ hồ sơ, phê duyệt quyết toán công trình và gửi một bộ hồ sơ đã được phê duyệt về Hội đồng thanh toán vốn hạ tầng của thành phố, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về chất lượng công trình và khối lượng thi công. Hội đồng thanh toán hạ tầng thành phố có trách nhiệm kiểm tra khối lượng thực tế công trình và báo cáo UBND thành phố cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định. Cơ chế đầu tư theo phương thức đối ứng, trong đó nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, nhân dân đóng góp 40% kinh phí. Về tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông phải đảm bảo: chiều rộng tối thiểu 2,5m, chiều dày mặt đường 0,16m, đường bê tông đổ bằng đá hoặc sỏi 2 x 4cm, xi măng PC300 địa phương, mác bê tông M200, cát đệm nền đường 5cm.

Từ năm 2003, Phạm Quốc V là Bí thư đảng ủy xã TC, Nguyễn Văn Q là Chủ tịch UBND xã TC (Đến tháng 6/2004) đã thống nhất chủ trương và cách thức thực hiện việc làm đường bê tông là: UBND xã TC là Chủ đầu tư, đứng ra mua xi măng để cấp phát cho các xóm trong xã giao cho các Trưởng xóm tự huy động nhân dân đóng góp cát, sỏi, nhân công để thi công, UBND xã làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ quyết toán công trình.

Theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông tại Quyết định số 334 ngày 15/4/2003 của UBND thành phố TN, định mức 1,3 mác bê tông M200 là 323kg, tương đương với 129,2kg/1m chiều dài đường rộng 1,5m, dày 0,16m. Phạm Quốc V, Nguyễn Văn Q đã thống nhất chủ trương cấp giảm định mức xi măng, chỉ cấp từ 80kg đến 100kg/1m chiều dài đường. Từ tháng 6/2004, Nguyễn Thị H với chức vụ là Chủ tịch UBND xã TC đã tiếp tục thực hiện chủ trương như nêu trên.

UBND xã TC đã thành lập ra Ban quản lý xây dựng đường giao thông gồm: Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó chủ tịch UBND xã làm Phó ban và cán bộ Giao thông thủy lợi, cán bộ Kế toán là thành viên giúp việc. Từ năm 2003 đến tháng 6/2004, Nguyễn Văn Q – Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban; ông Nguyễn Văn Bình (Đã chết năm 2015), Phó chủ tịch UBND xã là Phó ban. Từ tháng 6/2004, Nguyễn Thị H - Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban; Vương Sỹ T – Phó chủ tịch UBND xã là Phó ban.

Năm 2003 Nguyễn Văn Q đã nhờ anh Vương Quốc V, nguyên là cán bộ Phòng Tài chính thành phố Thái Nguyên cài đặt phần mềm công thức toán H vào máy tính của UBND xã theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông được quy định tại Quyết định số 334/2003/QĐ ngày 15/4/2003 của UBND thành phố Thái Nguyên. Kế toán của UBND xã TC từ 2003 đến năm 2005 gồm Phạm Thị H1, Nguyễn Thị Kim Ch và Nguyễn Thị Thanh H2 chỉ nhập chiều dài của từng tuyến đường được ghi trong các tờ giấy nghiệm thu do ông Lương Văn H3 là cán bộ Giao thông thủy lợi của xã và ông Vương Sỹ T đưa cho để lập hồ sơ quyết toán 57 tuyến đường bê tông đã thi công trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2005. Kế toán Phạm Thị H1, Nguyễn Thị Kim Ci, Nguyễn Thị Thanh H2 đã giả chữ ký của ông Lương Văn H3, các trưởng xóm, các đội trưởng, đội phó xây dựng để lập hồ sơ quyết toán.

Nguyễn Thu Y là Thủ quỹ UBND xã TC đã cùng những người đứng tên trong hồ sơ là Đội trưởng xây dựng đến Kho bạc Nhà nước thành phố Thái Nguyên rút tiền. Khi rút tiền những người đứng tên này ký vào ô người lĩnh tiền trên giấy rút vốn đầu tư để nhận tiền và giao luôn cho Thủ quỹ Nguyễn Thu Y tại Kho bạc. Tổng số tiền quyết toán 57 tuyến đường bê tông Yến đã nhận là 2.118.670.793đ, được nhập chung vào quỹ của UBND xã TC và chi một phần vào việc mua xi măng để làm đường, chi một phần đối ứng cho nhân dân.

Tại kết luận giám định số 3633/KL-STC ngày 29/9/2017, của Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên kết luận:

- Số tiền ngân sách bị thiệt hại: Tài liệu gửi giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên cung cấp không đầy đủ để xác định nguồn gốc xi măng đã sử dụng cho từng tuyến đường. Do đó, tổ giám định chỉ thực hiện giám định các tuyến đường theo Kết luận của Sở xây dựng đạt cường độ bê tông M200 và có hóa đơn GTGT ghi rõ loại xi măng sử dụng cho công trình, bao gồm 8/57 tuyến đường. Số tiền ngân sách nhà nước bị thiệt hại trong việc thi công 08 tuyến đường trên là 132.908.436đồng (giá trị quyết toán: 382.543.800đồng, giá trị tổ giám định xác định: 249.635.364đồng, chênh lệch: 132.908.436đồng).

- Do hồ sơ tài liệu trưng cầu giám định không đầy đủ, đồng thời tài liệu giám định cũng nêu rõ UBND xã TC không lập sổ theo dõi thu, chi số tiền được thanh toán từ ngân sách nhà nước, số tiền đã chi mua xi măng, số tiền ngân sách giữ lại không thanh toán cho tổ, đội trực tiếp thi công và không có sổ theo dõi nhập, xuất xi măng đưa vào công trình, nên tổ giám định không xác định được số tiền UBND xã TC đã giữ lại sau khi thanh quyết toán 57 tuyến đường bên tông.

Tại kết luận giám định tư pháp số 1537/SXD-GĐTP ngày 15/7/2016 của Sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên về chất lượng, giá trị thực tế của 57 tuyến đường bê tông xã TC đã thi công trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2005 và bản giải trình ngày 07/9/2018 của Giám định viên tư pháp Sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên xác định:

- Tổng chiều dài 57 tuyến đường theo kiểm định thực tế là 21.957,3m, theo số liệu đã quyết toán là 22.263,6m, tăng 306,3m. Trong đó 16 tuyến thực hiện trong năm 2003, theo số liệu kiểm định thực tế là 6.065,8m, theo số liệu đã quyết toán là 5.916,5m; 22 tuyến thực hiện trong năm 2004 theo số liệu kiểm định thực tế là 10.419,6m, theo số liệu đã quyết toán là 10.216,1m; 19 tuyến thực hiện trong năm 2005 theo số liệu kiểm định thực tế là 5.471,9m, theo số liệu đã quyết toán là 6.131m.

- Cả 57 tuyến đường bê tông của xã TC đều không có cát đệm nền đường, không có tuyến đường nào đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật theo Quyết định số 334/2003 ngày 15/4/2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố TN, chỉ có 24 tuyến đường đạt tiêu chuẩn mác bê tông M200, còn lại 33 tuyến không đạt tiêu chuẩn mác bê tông M200 và hầu hết các tuyến đều có độ dày dưới 0,16m (thấp hơn mức tiêu chuẩn).

Theo kết luận giám định của Sở xây dựng và bảng xác định khối lượng và chi phí đường bê tông kèm theo biên bản làm việc ngày 28/6/2018 của Giám định viên, thì số lượng bê tông thực tế làm 57 tuyến đường là 7.319,12m3 tương đương với lượng xi măng là 2.423.177,12kg, trị giá thành tiền là 1.498.059.379đồng.

Tổng số tiền ngân sách Nhà nước cấp cho UBND xã TC để làm 57 tuyến đường là 2.118.670.793 đồng, UBND xã TC chỉ chi mua xi măng là 1.498.059.379 đồng, số tiền còn dư là 620.611.414 đồng, trong đó Q ký quyết toán 16 tuyến đường, dư ra 153.445.290 đồng; H ký quyết toán 41 tuyến đường, dư ra 467.166.124 đồng.

Năm 2005, sau khi thực hiện quyết toán xong 57 tuyến đường, Phạm Quốc V, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thị H đã họp thảo luận và thống nhất chủ trương chi trả tiền đối ứng cho nhân dân trực tiếp tham gia thi công, đóng góp để làm đường bê tông trong các năm 2003, 2004, 2005, nguồn tiền được lấy từ nguồn kinh phí quyết toán đường bê tông, với tổng số tiền là 166.085.982đ. Trong đó, năm 2003 trả 42.750.000đ; năm 2004 trả 78.962.025đ; năm 2005 đã trả 44.373.957đ. Số tiền này được đưa trực tiếp cho các Trưởng xóm hoặc Bí thư, đại diện các xóm để trả cho dân.

Tổng số tiền được quyết toán để làm đường các bị cáo chi không đúng mục đích, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là 454.525.432đ, trong đó, thời gian Nguyễn Văn Q làm chủ tịch đã trực tiếp ký 16 hồ sơ quyết toán gây thiệt hại 110.695.290đ; thời gian Nguyễn Thị H làm chủ tịch đã trực tiếp ký 41 hồ sơ quyết toán gây thiệt hại 343.830.142đ. Khoản tiền nêu trên đã được nhập chung vào các khoản tiền khác của UBND xã TC để chi chung cho các hoạt động của xã, không thể hiện cụ thể chi từ nguồn nào, trong đó có các khoản chi: tiếp khách, thăm quan nghỉ mát, mua chè, chi tiền mặt cho các đoàn đến xã làm việc, chi ngoại giao, mua 03 điện điện thoại di động cho V, Q, H.

Tại Cơ quan điều tra, Phạm Quốc V, Nguyễn Văn Q và Nguyễn Thị H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nêu trên. V, Q và H đều xác định việc giám định mức khối lượng bê tông khi thi công các tuyến đường bê tông sẽ dư ra một khoản tiền, đối với khoản tiền dư ra này, ngoài việc sử dụng 166.085.982đ chi trả tiền đối ứng cho nhân dân thì UBND xã TC đã chi vào các mục đích khác. Các bị cáo biết chi như vậy là sai nhưng do kinh phí của UBND xã hạn hẹp, phải tiếp rất nhiều khách từ Trung ương, các địa phương đến thăm quan, làm việc và để tạo sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các ngành, các cấp, cấp vốn để xây dựng xã TC nên vẫn thực hiện. Việc sử dụng số tiền dư ra như nêu trên, V, Q và H không tư lợi cá nhân.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 498 ngày 26, 30/11/2018 Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, quyết định: Căn cứ điểm a, d khoản 2 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm b, x, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Quốc V 30 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành bản án.

Ngoài ra bản án còn xử phạt các bị cáo Nguyễn Thị H 24 tháng tù; Nguyễn Văn Q 20 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự buộc các bị cáo phải nộp trả Ngân sách Nhà nước cụ thể phần của mỗi bị cáo như sau.

+ Bị cáo Phạm Quốc Việt phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 178.805.733đ, được trừ đi số tiền 5.000.000đ bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Thái Nguyên theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 08/9/2015 giữa Công an tỉnh Thái Nguyên và kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Nay còn phải nộp 173.805.733đ.

+ Bị cáo Nguyễn Thị H phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 123.458.088đ, được trừ đi số tiền 5.000.000đ bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Thái Nguyên theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 08/9/2015 giữa Công an tỉnh Thái Nguyên và kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên và số tiền 30.000.000đ nộp tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên theo biên lai thu số 0003520 ngày 09/2/2018. Nay còn phải nộp 88.458.088đ.

+ Bị cáo Nguyễn Văn Q phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 55.347.645đ, được trừ đi số tiền 5.000.000đ bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Thái Nguyên theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 08/9/2015 giữa Công an tỉnh Thái Nguyên và kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên và số tiền 60.000.000đ đã nộp tại Chi cục thi hành án thành phố Thái Nguyên theo biên lai số 0003512 ngày 04/01/2018. Hoàn trả lại cho bị cáo Nguyễn Văn Q số tiền 9.652.355đ.

Quyết định về trách nhiệm chịu án phí và thông báo quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 04/12/2018, bị cáo Phạm Quốc V kháng cáo toàn bộ bản án cụ thể: Bị cáo cho rằng mức hình phạt cấp sơ thẩm xét xử giữa các bị cáo thiếu công bằng; Do tuổi cao và công sức đóng góp của bị cáo cho Nhà nước, cho nhân dân, bị cáo tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả mong được hưởng sự khoan hồng.

Phần kết luận tại phiên toà hôm nay đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tóm tắt nội dung vụ án. Sau khi phân tích các vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự mà cấp sơ thẩm đã vi phạm như quá trình điều tra không xác định thiệt hại này thuộc cơ quan nào Ủy ban nhân dân xã TC hay Ủy ban nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên và không đưa họ vào tham gia tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; phần nội dung bản án số 498 ngày 26, 30/11/2018, không ghi đầy đủ thành phần những người tham gia tố tụng vi phạm Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự; phần quyết định của bản án tuyên xử về trách nhiệm dân sự nhưng lại áp dụng Điều luật của xử lý đối với vật chứng; không buộc bị cáo V và H chịu án phí dân sự vi phạm Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH ngày 30/12/2016. Tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát xác định vi phạm đó không làm thay đổi bản chất vụ án, do đó không cần hủy bản án mà cấp phúc thẩm bổ sung, chỉnh, sửa để đảm bảo tính chính xác của bản án. Đại diện Viện kiểm sát phân tích tính chất vụ án, các vấn đề liên quan đến kháng cáo của bị cáo, nhân thân các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Quốc V giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo V; căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự, sửa một phần bản án số 498 ngày 26, 30/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đưa Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, sửa Điều luật áp dụng về phần trách nhiệm dân sự đó là áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự và các Điều 584; Điều 585; Điều 586; Điều 598 Bộ luật dân sự.

Luật sư Phùng Đức Tr bào chữa cho bị cáo: Phần thủ tục luật sư đã có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa vì quyền bào chữa của bị cáo pháp luật quy định rất rõ, bị cáo có quyền từ chối hoặc tiếp tục đề nghị luật sư bào chữa. Hiện nay bị cáo V bị đột quỵ lần 2 nên quyền bào chữa của luật sư gặp nhiều khó khăn; Viện kiểm sát nêu bị cáo kháng cáo xin cải tạo tại địa phương là không đúng (bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án), bị cáo không chối tội nhưng ở đây là tội gì, bị cáo là Bí thư Đảng ủy xã về trách nhiệm khác với chủ tịch xã, hoạt động của Đảng có sự giám sát của cấp trên, phải dựa vào nghị quyết để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đó (không thu thập quy chế hoạt động của tập thể), không thu thập quy định cụ thể về dự án như thế nào. Chỉ triển khai dựa trên quyết định 334/2003 ngày 15/4/3003 của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên. Không có Nghị quyết, quy chế làm việc để xem xét trách nhiệm (Cuộc họp giao ban Bí thư chủ trì, kết luận dựa trên ý kiến của tập thể, bị cáo đồng tình với ý kiến của lãnh đạo chính quyền) đó là chủ trương đó là thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái, từ lời khai tuần nào cũng họp thì có lấn sân không, xem xét thiếu căn cứ; Khi có khoản tiền dư ra ông V thừa nhận, có họp, có chủ trương nhưng không có nghị quyết; Về hậu quả của vụ án: giám định xác định thiệt hại số tiền 454.525.432đ ( khoản đó có cái chi cho cá nhân, mua quà, chi tết) còn lại có ứng lương tháng 3 trên 37 triệu thì phải hoàn lại chưa được làm rõ (Nếu ứng thì hoàn lại vẫn còn trong ngân sách), chi xây tường rào, làm đường bê tông về tính chất và tính nguy hiểm khác nhau; Quá trình điều tra không làm rõ thiệt hại cho ai? Không được tùy tiện, tại cấp phúc thẩm chỉ có một văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố TN, Ủy ban nhân dân thành phố được cấp nào giao, nguồn kinh phí từ đâu? Ai đại diện phải công khai tại phiên tòa, không thể căn cứ vào một văn bản thì có thể được trả lại ngân sách; Về mục đích động cơ của bị cáo: bị cáo không vụ lợi (tư lợi) mặc dù có được mua điện thoại nhưng dùng vào mục đích tập thể, còn lại các khoản khác như chi cho đi nghỉ mát, thủ tục khen thưởng Huân chương cho xã không có chứng từ nhưng sổ sách của xã đã ghi chép, có sai nhưng cần xem tính chất không có tư lợi, bị cáo nhận có chủ trì các cuộc họp có chủ trương nhưng tài liệu không được thu thập; Vụ án sau hơn 10 năm, tính chất nguy hiểm đã giảm đi đáng kể, bị cáo là người có nhiều cống hiến, có nhiều thành tích như chiến sỹ thi đua toàn quốc, Đảng ủy xã có hai văn bản đánh giá về ông V. Đề nghị Hội đồng xét xử cho ông V hưởng khoan hồng. Mong Hội Hội đồng xét xử phán quyết công tâm.

Vin kiểm sát: Viện kiểm sát đã nêu đầy đủ hai vấn đề bị cáo V kháng cáo (Cấp sơ thẩm xét xử không công bằng và xin được cải tạo tại địa phương) tuy nhiên bị cáo H và bị cáo Q không có kháng cáo và không bị kháng nghị nên không xem xét được; trong vụ án này bị cáo giữ vai trò chủ mưu đưa ra các chủ trương, theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nên không xem xét cho bị cáo hưởng án treo được; Quá trình điều tra đã thu thập tài liệu đó là báo cáo giải trình của Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã cùng lời khai của các bị cáo H, Q, bị cáo V có lúc không nhận sau đó bị cáo thừa nhận chịu trách nhiệm chính, nội dung diễn biến rõ; Cáo trạng và bản án xác định rõ các bị cáo không tư lợi, xét xử các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Về tư cách tố tụng: Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã có ý kiến và một số vi phạm nhưng không làm sai bản chất và không ảnh hưởng quyền lợi của các bên do đó không cần hủy bản án, sửa bản án để đảm bảo tính chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Tr: Đề nghị Viện kiểm sát nêu cụ thể bút tích có ghi chép không? Hồ sơ không có; vai trò Bí thư như thế nào, việc triển khai đúng sai phải có nghị quyết; Hiện nay tình trạng sức khỏe của bị cáo diễn biến rất xấu, có biểu hiện nấc không qua khỏi; Việc có biếu xén qu à (có sổ ghi chép) thì tính cả lỗi của người nhận; Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên chỉ có ý kiến và có công văn như vậy không phù hợp.

Luật sư Nguyễn Thị Th nhất trí với quan điểm bào chữa của luật sư Phùng Đức Tr không bổ sung gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Quốc V làm trong hạn luật định được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần tống đạt hợp lệ đối với bị cáo Phạm Quốc V (05 lần), bị cáo Việt đều vắng mặt với lý do hiện nay bị cáo V bị tai biến nằm điều trị tại bệnh viện, đến nay lại tiếp tục tái phát tai biến lần 2 không đến phiên tòa. Hội đồng xét xử căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự quyết định xét xử vắng mặt đối với bị cáo Phạm Quốc V.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ quan điều tra, truy tố xét xử có vi phạm thủ tục tố tụng:

- Quá trình điều tra chưa điều tra làm rõ khoản tiền các bị cáo làm thiệt hại thuộc cơ quan nào (Ủy ban nhân dân xã TC hay Ủy ban nhân dân thành phố TN) để xác định tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Căn cứ vào các tài liệu thu thập thì tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Ủy ban nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên vì khoản tiền các bị cáo cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là khoản tiền do ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố TN đầu tư hỗ trợ xây dựng đường giao thông liên xã cho ủy ban nhân dân xã TC, vì không đưa Ủy ban nhân dân thành phố TN vào tham gia tố tụng nên, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã buộc các bị cáo nộp số tiền đó vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên qua xác minh thì lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố TN không có ý kiến gì về vấn đề không đưa Ủy ban thành phố TN vào tham gia tố tụng, nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm xác định số tiền thiệt hại đã tuyên xử, xong đại diện Ủy ban nhân dân thành phố TN đề nghị cấp phúc thẩm tuyên xử buộc các bị cáo nộp trả lại ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.

- Quá trình xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm vi phạm tố tụng hình sự đó là ngày tại phần trang đầu của bản án đã ghi bản án hình sự sơ thẩm số 498 ngày 26, 30/11/2018 (theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn “Ghi ngày tháng năm tuyên án không phân biệt vụ án được xét xử sơ thẩm và kết thúc trong một ngày hay được xét xử sơ thẩm trong nhiều ngày hoặc nghị án kéo dài); phần những người tham gia tố tụng không ghi những người làm chứng vi phạm điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự; áp dụng Điều luật để tuyên xử phần trách nhiệm dân sự sai vì đó là các Điều luật áp dụng để xử lý vật chứng (Phải áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự và Điều 584, Điều 585; Điều 589 Bộ luật dân sự).

Bản án không nhận định gì về lý do không buộc các bị cáo chịu án phí dân sự, phần quyết định không tuyên xử buộc các bị cáo chịu án phí dân sự là không đúng với hướng dẫn tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 vi phạm điểm g khoản 2 Điều 260 Bộ luật tố tụng hình sự. Do không có kháng cáo, kháng nghị nên thẩm quyền này thuộc trình tự giám đốc thẩm.

Các vi phạm nêu trên của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không làm thay đổi bản chất của vụ án, vấn đề này các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Vụ án kéo dài đã lâu, để đảm bảo ổn định vụ án, răn đe phòng chống tội phạm Hội đồng xét xử Phúc thẩm bổ sung và chỉnh sửa để đảm bảo tính chính xác, cũng như quyền lợi của các đương sự.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Nguyễn Thị H và Nguyễn Văn Q khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận của Nguyễn Thị H và Nguyễn Văn Q phù hợp với lời khai của người làm chứng, bản tự khai lời khai của bị cáo Phạm Quốc V khai trong quá trình điều tra và một phần lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với báo cáo giải trình của Ủy ban nhân dân xã TC, các giám định của cơ quan chuyên môn và các tài liệu chứng cứ đã thu thập, đúng với nội dung bản án sơ thẩm đã mô tả: Từ năm 2003 đến năm 2005, Phạm Quốc V với chức vụ là Bí thư đảng ủy xã TC, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thị H với chức vụ là Chủ tịch UBND xã TC đã chủ trì họp, cho chủ trương, thực hiện chỉ đạo việc cấp giảm khối lượng xi măng so với quy định để làm 57 tuyến đường bê tông trong xã, trong đó Phạm Quốc V là người chỉ đạo, ra chủ trương việc cấp giảm định mức khối lượng xi măng và chi nhiều khoản tiền được quyết toán từ tiền làm đường bê tông trái quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo kết luận giám định của Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên và Bảng xác định khối lượng và chi phí đường bê tông kèm theo Biên bản làm việc ngày 28/6/2018 của Giám định viên, thì khối lượng bê tông thực tế làm 57 tuyến đường bê tông của xã TC trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2005 là 7.319,12m3, tương ứng với khối lượng xi măng là 2.423.177,12kg, trị giá thành tiền là 1.498.059.379đ. Tổng số tiền UBND xã TC được quyết toán làm 57 tuyến đường là 2.118.670.793đ, UBND xã TC chỉ chi mua xi măng 1.498.059.379đ, chi trả tiền đối ứng cho nhân dân các xóm 166.085.982đ. Số tiền còn dư 454.525.432đ, V, Q, H đã chỉ đạo nhập chung vào quỹ của UBND xã TC, chi nhiều khoản sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền 454.525.432đ. Trong đó, thời gian Nguyễn Văn Q làm Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp ký 16 hồ sơ quyết toán gây thiệt hại 110.695.290đ; thời gian Nguyễn Thị H làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đã trực tiếp ký 41 hồ sơ quyết toán gây thiệt hại 343.830.142đ.

Với hành vi trên Toà án nhân dân thành phố Thái Nguyên đã xét xử bị cáo Phạm Quốc V, Nguyễn Thị H, Nguyễn Văn Q về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo Phạm Quốc V, Hội đồng xét xử xét thấy:

Trong vụ này bị cáo Phạm Quốc V là người chủ mưu. Hành vi phạm tội của bị cáo xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh tế của Nhà nước. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất vụ án, vai trò, nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm gia đình bị cáo cung cấp tài liệu bị cáo bị tai biến mạch máu não và mổ tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và hiện nay bị cáo đã về gia đình điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm, theo quy định của pháp luật xét thấy căn cứ gia đình bị cáo xuất trình được xem xét trong giai đoạn thi hành án. Tại đơn kháng cáo bị cáo cho rằng sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo có nộp thêm một khoản tiền để khắc phục hậu quả nhưng không có tài liệu nào thể hiện về việc bị cáo đã khắc phục thêm. Mức hình phạt 30 tháng tù mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là phù hợp, có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xét lại.

Như phân tích trên Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, không chấp nhận đề nghị của các luật sư.

Vì các lẽ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a , b khoản 1 Điêu 355 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Quốc V. Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 498 ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

1. Tuyên bố: Bị cáo Phạm Quốc V phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

2. Căn cứ điểm a, d khoản 2 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm b, x, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt: Phạm Quốc V 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày đi chấp hành bản án.

3. Trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584; Điều 585; Điều 589 Bộ luật dân sự.

* Buộc các bị cáo phải nộp trả Ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cụ thể phần của mỗi bị cáo như sau.

- Bị cáo Phạm Quốc V phải nộp vào ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên số tiền 178.805.733đ, được trừ đi số tiền 5.000.000đ bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Thái Nguyên theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 08/9/2015 giữa Công an tỉnh Thái Nguyên và kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Nay còn phải nộp 173.805.733đ.

- Bị cáo Nguyễn Thị H phải nộp vào ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên số tiền 123.458.088đ, được trừ đi số tiền 5.000.000đ bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Thái Nguyên theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 08/9/2015 giữa Công an tỉnh Thái Nguyên và kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên và số tiền 30.000.000đ nộp tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên theo biên lai thu số 0003520 ngày 09/2/2018. Nay còn phải nộp 88.458.088đ.

- Bị cáo Nguyễn Văn Q phải nộp vào ngân sách Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên số tiền 55.347.645đ, được trừ đi số tiền 5.000.000đ bị cáo đã nộp tại Công an tỉnh Thái Nguyên theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 08/9/2015 giữa Công an tỉnh Thái Nguyên và kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên và số tiền 60.000.000đ đã nộp tại Chi cục thi hành án thành phố Thái Nguyên theo biên lai số 0003512 ngày 04/01/2018. Hoàn trả lại cho bị cáo Nguyễn Văn Q số tiền 9.652.355đ.

4. Án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH về án phí. Bị cáo Phạm Quốc V phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm sung quỹ Nhà nước.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

635
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 97/2019/HS-PT ngày 25/07/2019 về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:97/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về