Bản án 504/2017/HS-PT ngày 28/09/2017 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 504/2017/HS-PT NGÀY 28/09/2017 VỀ  TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 28 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 301/2017/TLPT-HS ngày 20 tháng 6 năm 2017 đối với bị cáo Trần Cảnh L và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 11/2017/HS-ST ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. TRẦN CẢNH L, sinh năm 1954, tại thành phố Đà Nẵng; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: A1/13, ấp M3, xã E2, huyện K2, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV A4; trình độ văn hoá: 12/12; con ông Trần Cảnh F1 (chết) và bà Hồ Thị E4 (chết); vợ: Văn Thị Thu A3, sinh năm 1954; có 01 con sinh năm 1994; tiền án, tiền sự: Không có; bị tạm giam từ ngày 14/8/2015 cho đến nay; có mặt.

2. NGUYỄN XUÂN D, sinh năm 1969, tại Tây Ninh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 21, hẻm 55, đường E5, khu phố 2, Phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Nguyên Phó Trưởng phòng – Phòng Kinh doanh Thương mại Công ty TNHH MTV A4; trình độ văn hoá: 12/12; con ông Nguyễn Văn F5 (chết) và bà Nguyễn Thị O5, sinh năm 1939; vợ: Cao Tuyết B4, sinh năm 1967 (ly hôn năm 2012), có 03 con, lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2003; bị cáo sống như vợ chồng với bà Ngô Thị K5, sinh năm 1977; tiền án, tiền sự: Không có; bị tạm giam từ ngày 26/4/2014 cho đến nay; có mặt.

3. NGUYỄN THỊ P, sinh năm 1962, tại Tây Ninh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 18, hẻm 93, đường E5, khu phố M5, phường O2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; nơi tạm trú: Số 44, hẻm 17, đường Q1, khu phố 3, Phường 4, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Nguyên Kế toán trưởng, Công ty TNHH MTV A4; trình độ văn hoá: 12/12; con ông Nguyễn Văn Hai, sinh năm 1937 và bà Hồ Thị Q4, sinh năm 1940;  chồng: Nguyễn Ngọc B1, sinh năm 1962; có 02 con, lớn sinh năm 1989, nhỏ sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Không có; bị tạm giam từ ngày 28/10/2015 cho đến ngày 18/01/2017 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú; bị bắt giam lại ngày 04/4/2017 cho đến nay; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Cảnh L: Luật sư Trần Văn R3, Luật sư Trương Vĩnh R4 – thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; đều có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân D: Luật sư Trần Minh R5 – thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị P: Luật sư Kiều Vũ Thụy Q5 – thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh: Ông Phạm Hồng E1, chức vụ: Phó Giám đốc, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh (theo Quyết định ủy quyền số: 2979/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh); có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1/ Ông Nguyễn Hoài A1, sinh năm 1988; trú tại: Số 1027, đường E5, khu phố M5, phường O2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; vắng mặt.

2/ Bà Trương Thị A2, sinh năm 1970; trú tại: Số 4/1, đường H4, khu phố 3, Phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

3/ Bà Văn Thị Thu A3 (vợ bị cáo L), sinh năm 1954; trú tại: A1/13, ấp M3, xã E2, huyện K2, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

4/ Ông Nguyễn Ngọc B1 (chồng bị cáo P), sinh năm 1962; trú tại: Số 44, hẻm 17, đường Q1, khu phố 3, Phường 4, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; có mặt.

5/ Bà Phan Thị Anh B2, sinh năm 1982; trú tại: Số 44, đường M2, khu phố 3, Phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; nơi tạm trú: Số 07, hẻm 20, đường K4, khu phố 2, Phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt.

6/ Ông Nguyễn Hữu B3, sinh năm 1965; trú tại: Tổ 22, khu Q3, phường M4, thành phố H2, tỉnh Quảng Ninh; vắng mặt.

7/ Bà Cao Tuyết B4 (vợ bị cáo D – đã ly hôn), sinh năm 1967; trú tại: Số 20, Quốc lộ 22, khu phố K1, thị trấn E3, huyện E3, tỉnh Tây Ninh; vắng mặt.

8/ Ngân hàng TMCP C1; địa chỉ: Số 21, O1, Phường O1, Quận H3, Thành phố Hà Nội. Ủy quyền thường xuyên cho Ngân hàng TMCP C1 (MB), Chi nhánh Tây Ninh theo Giấy ủy quyền số: 6257/UQ-HS ngày 18/7/2012 của Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP C1 (MB): Ông Nguyễn Văn R2, chức vụ Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP C1 (MB), Chi nhánh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thanh O4, sinh năm 1986, chức vụ: Phó phòng khách hàng cá nhân (theo văn bản ủy quyền số: 999/UQ-HS ngày 14/4/2017); có mặt.

9/ Ngân hàng TMCP C2; địa chỉ: Số 442 M2, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện: Ông Trần Mậu Khiết M1, chức vụ: Giám đốc Ngân hàng TMCP C2, Chi nhánh Tây Ninh; vắng mặt.

10/ Ngân hàng C3; địa chỉ: Số 100, phố H5, quận F4, thành phố Hà Nội. Ủy quyền thường xuyên cho Ngân hàng C3, Chi nhánh Tây Ninh theo Quyết định ủy quyền số: 509/QĐHĐTV-PC ngày 19/6/2014 của Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng C3 cho Giám đốc chi nhánh và Quyết định ủy quyền số:

250/QĐ-NHNN-HCNS; 251/QĐ-NHNN-HCNS ngày 10/7/2014 của Giám đốc C3 Tây Ninh ủy quyền lại cho: Ông Nguyễn Tấn H1, chức vụ: Phó Giám đốc Ngân hàng C3, Chi nhánh Tây Ninh; vắng mặt.

- Người giám định:

1/ Ông Nguyễn Ngọc O3, chức vụ: Chánh Thanh tra, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh; có mặt.

2/ Ông Lê Trung F3, chức vụ: Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên A4 (Công ty A4) là doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh làm chủ sở hữu. Trần Cảnh L được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phân công làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty, là người đại diện theo pháp luật; Nguyễn Xuân D là Trưởng phòng Kinh doanh - Thương mại và Nguyễn Thị P là Kế toán trưởng, Trưởng phòng Kế toán tài chính của Công ty A4.

Năm 2009, Nguyễn Xuân D được phân công sang Trung Quốc tìm đối tác để xuất khẩu hàng nông sản của Công ty, nhưng D không sang Trung Quốc mà thỏa thuận bán hàng cho Đinh Thị T, sinh năm 1962, trú tại: Số 65, đường Lương Văn F2, Phường R1, thành phố Q2, tỉnh Q2 để đối tượng T đem hàng sang Trung Quốc bán lại.

Để hợp thức hóa các thủ tục xuất khẩu, thời gian đầu Đinh Thị T lấy tên các công ty gồm: Công ty hữu hạn Thương mại Xuất nhập khẩu X (Công ty X), địa chỉ: Khu công nghiệp Nam Shan, thành phố Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn G (Công ty G), địa chỉ: số 224, Beilin Street, Dongxing city, Guangxi, Trung Quốc ký kết các hợp đồng với Công ty A4.

Trước khi thỏa thuận mua bán với Đinh Thị T, Nguyễn Xuân D đã bàn bạc với Trần Cảnh L, Nguyễn Thị P và cả ba thống nhất các thủ tục nhằm hợp thức hóa hồ sơ xuất bán để L ký kết các hợp đồng xuất khẩu bán hàng hóa.

Sau khi thống nhất cách thức thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán, kể từ ngày 07/12/2009 đến ngày 20/3/2011, Nguyễn Xuân D và Nguyễn Thị P đã tham mưu, trình cho Trần Cảnh L ký 26 hợp đồng xuất khẩu bán tinh bột sắn và gạo sang Trung Quốc (trong đó có 21 hợp đồng ghi tên người đại diện và địa chỉ của Công ty X, 05 hợp đồng ghi tên người đại diện và địa chỉ của Công ty G).

Khoảng đầu năm 2011, Trần Cảnh L chỉ đạo cho Nguyễn Xuân D đề nghị Đinh Thị T làm chứng thực về lãnh sự tư cách pháp nhân của Công ty X và Công ty G nhưng T không có các giấy tờ chứng thực lãnh sự theo yêu cầu. Để đối phó, hợp thức hóa các giấy tờ này, được sự đồng ý của Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D và Nguyễn Thị P đã bàn với Đinh Thị T là D trực tiếp soạn “Thư giới thiệu” bằng chữ Việt Nam có nội dung giới thiệu T là người hỗ trợ về mặt ngôn ngữ và thay mặt hai Công ty Trung Quốc thương thảo các hợp đồng xuất nhập khẩu, không phải là người ký kết hợp đồng, sau đó đưa cho bà T đi đóng dấu tên Công ty Trung Quốc.

Mặc khác, do không trực tiếp mua bán với các Công ty X và Công ty G, Nguyễn Xuân D tự soạn các giấy ủy quyền của các công ty này có nội dung: Để thuận tiện cho việc liên hệ, các Công ty phía Trung Quốc sẽ sử dụng số điện thoại và số fax của Đinh Thị T tại địa chỉ nơi cư trú để làm nơi tiếp nhận các giấy tờ giao dịch với đối tác Việt Nam, sau đó D giao cho T đóng dấu thể hiện “Thư giới thiệu” nêu trên là của các Công ty Trung Quốc giới thiệu để hợp thức hóa pháp nhân, giấy giới thiệu này T chỉ đem đến nơi cư trú của T tại Phường R1, thành phố Q2 ký xác nhận.

Từ ngày 07/12/2009 đến ngày 27/8/2012, Nguyễn Xuân D và Nguyễn Thị Phúc đã tham mưu cho Trần Cảnh L ký kết tổng cộng 50 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (tinh bột sắn và gạo) sang Trung Quốc (38 hợp đồng với Công ty X, 12 hợp đồng với Công ty G), Đinh Thị T là người nhận hàng nhưng thanh toán chậm, kéo dài thời gian thanh toán không như thỏa thuận trong hợp đồng nhưng Trần Cảnh L vẫn ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu sau đó. Cụ thể như Công ty X chậm thanh toán 90% giá trị của hợp đồng số 68 ký ngày 09/8/2012 và hợp đồng số 75 ký ngày 27/8/2012 nhưng Nguyễn Xuân D, Nguyễn Thị P vẫn tham mưu cho Trần Cảnh L ký tổng cộng 05 hợp đồng, trong đó có 03 hợp đồng với Công ty X gồm: Hợp đồng số 80 ngày 18/10/2012, hợp đồng số 92 ngày 16/11/2012, hợp đồng số 97 ngày 30/11/2012 và 02 hợp đồng với Công ty G hợp đồng số 84 ngày 15/11/2012, hợp đồng số 87 ngày 15/11/2012; cụ thể:

1. Hợp đồng số: 80 ký ngày 18/10/2012, Công ty A4 xuất bán 2.000 tấn tinh bột sắn cho Công ty X với tổng giá trị 19.240.000.000 đồng. Thỏa thuận 10% giá trị là 1.924.000.000 đồng bên mua phải thanh toán ngay sau khi hợp đồng được ký, 90% còn lại được thanh toán, chậm nhất vào ngày 17/02/2013. Nhưng sau khi nhận hàng, Đinh Thị T chỉ thanh toán 10% giá trị hợp đồng số tiền 1.924.000.000 đồng vào ngày 30/10/2012, còn lại 17.316.000.000 đồng không thanh toán.

2. Hợp đồng số: 84 ký ngày 15/11/2012, Công ty A4 xuất bán 2.000 tấn gạo cho Công ty G với tổng giá trị là 19.900.000.000 đồng (số lượng thực tế giao nhận là 1.996,05 tấn, giá trị 19.860.697.500 đồng). Thỏa thuận 10% giá trị là 1.900.000.000 đồng bên mua phải thanh toán ngay sau khi hợp đồng được ký, 90% còn lại phải thanh toán trước khi nhận hàng tại các cửa khẩu Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn chậm nhất không quá ngày 15/01/2013. Nhưng sau khi nhận  hàng,  Đinh  Thị  T  chỉ  thanh  toán  10%  giá  trị  hợp  đồng  số  tiền 1.900.000.000 đồng vào ngày 06/12/2012, còn lại 17.960.697.500 đồng không thanh toán.

3. Hợp đồng số: 87 ký ngày 15/11/2012, Công ty A4 xuất bán 270 tấn gạo cho Công ty G với tổng giá trị là 2.686.500.000 đồng (số lượng thực tế giao nhận là 268,55 tấn, giá trị 2.672.072.500 đồng). Thỏa thuận 10% giá trị hợp đồng bên mua phải thanh toán ngay sau khi hợp đồng được ký, 90% còn lại được thanh toán trước khi nhận hàng tại các cửa khẩu như hợp đồng số 84, chậm nhất không quá ngày 15/01/2013. Nhưng sau khi nhận hàng, Đinh Thị T chỉ thanh toán 10% giá trị hợp đồng số tiền 268.000.000 đồng vào ngày 14/12/2012, còn lại 2.404.072.500 đồng đến nay không thanh toán.

4. Hợp đồng số: 92 ký ngày 16/11/2012, Công ty A4 xuất bán 1.000 tấn tinh bột sắn cho Công ty X với tổng giá trị là 9.850.000.000 đồng. Thỏa thuận 10% giá trị là 985.000.000 đồng bên mua phải thanh toán ngay sau khi hợp đồng được ký, 90% còn lại được thanh toán chậm nhất vào ngày 15/01/2013. Nhưng sau khi nhận hàng, T chỉ thanh toán 10% giá trị hợp đồng số tiền 985.000.000 đồng vào ngày 14/12/2012, còn lại 8.865.000.000 đồng không thanh toán.

5. Hợp đồng số: 97 ký ngày 30/11/2012, Công ty A4 xuất bán 1.000 tấn tinh bột sắn cho Công ty X với tổng giá trị là 10.000.000.000 đồng. Thỏa thuận 10% giá trị là 1.000.000.000 đồng bên mua phải thanh toán ngay sau khi hợp đồng được ký, 90% còn lại được thanh toán chậm nhất vào ngày 28/02/2013. Nhưng sau khi nhận hàng, T chỉ thanh toán 10% giá trị hợp đồng số tiền 1.000.000.000 đồng vào ngày 11/01/2013, còn lại 9.000.000.000 đồng không thanh toán.

Năm hợp đồng nêu trên có tổng giá trị là 61.622.770.000 đồng nhưng sau khi nhận hàng, “đại diện” phía Công ty X và Công ty G là Đinh Thị T chỉ thanh toán cho Công ty A4 6.077.000.000 đồng, còn lại 55.545.770.000 đồng xác định Công ty A4 không thu hồi được, đã bị chiếm đoạt.

Ngày 07/01/2013, Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D cùng Nguyễn Thị P đến Khách sạn Tân Sơn Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp vợ chồng Đinh Thị T để bàn cách thức trả nợ số tiền còn lại của 05 hợp đồng. Khi biết bà Đinh Thị T không còn khả năng trả nợ cho Công ty A4, Trần Cảnh L chỉ đạo cho Nguyễn Xuân D và Nguyễn Thị P soạn thảo các Biên bản đối chiếu công nợ, văn bản xin gia hạn nợ ghi ngày 15/01/2013 của Công ty X và của Công ty G nhằm hợp thức hóa các hợp đồng quá hạn thanh toán đã ký kết, cụ thể là ký lùi ngày Phụ lục hợp đồng số 80, chấp nhận cho Công ty X và Công ty G gia hạn thời gian trả nợ. Các văn bản hợp thức hóa việc gia hạn nợ cho Công ty X sau đó được Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D đưa vào hồ sơ khởi kiện Công ty X tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, để chứng thực tư cách lãnh sự của Công ty X theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trần Cảnh L chỉ đạo cho Nguyễn Xuân D và Phan Thị Anh B2 - là nhân viên Phòng Kế toán tài chính của công ty, lên mạng internet tra cứu các thông tin về Công ty X. Sau khi có thông tin về Công ty X bằng tiếng Trung Quốc, Trần Cảnh L chỉ đạo B2 đem đến Sở Ngoại vụ tỉnh Tây Ninh dịch sang tiếng Việt Nam và cung cấp cho Hội đồng Trọng tài Quốc tế Việt nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 25/4/2013 và ngày 11/9/2013, Trần Cảnh L bàn bạc với Nguyễn Xuân D và Nguyễn Thị P thỏa thuận với Nguyễn Hữu B3 - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh (tại tỉnh Quảng Ninh) yêu cầu B3 làm đại diện Công ty G ký tiếp hợp đồng số 02 và số 48 xuất khẩu 1.000 tấn tinh bột sắn, trong đó buộc Công ty G phải trả thêm số tiền nợ các hợp đồng trước đây tương ứng với 05% giá trị, đại diện Công ty G đã trả thêm số tiền nợ của 02 hợp đồng số 84 và 87 là 472.952.000 đồng. Nguyễn Hữu B3 khai nhận, B3 chỉ là người làm dịch vụ mở tờ khai hải quan để hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, việc B3 đại diện cho Công ty G là theo yêu cầu của Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D, giấy giới thiệu, tờ khai hải quan xuất khẩu hàng hóa do D soạn sẵn và giao cho B3.

Kết quả điều tra xác định, theo các hợp đồng đã ký đứng tên hai Công ty Trung Quốc nêu trên xác định Công ty A4 đã bị thiệt hại số tiền 55.072.818.000 đồng.

Ngày 10/4/2013, Công ty A4 khởi kiện Công ty X tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Chi phí khởi kiện, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty với số tiền 854.372.000 đồng.

Kết luận giám định số: 2246/KQGĐ-CT ngày 24/6/2014 của Cục Thuế tỉnh Tây Ninh xác định số tiền thuế đối với 05 hợp đồng xuất khẩu nêu trên như sau:

+ Đối với 03 hợp đồng xuất khẩu với Công ty X, vì Công ty A4 không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của 90% giá trị hàng hóa bán cho Công ty X, không có hồ sơ theo quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 16, Thông tư 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính thì không phải tính thuế GTGT đầu ra, không được khấu trừ, không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu ra tương ứng 90% giá trị của 03 hợp đồng, với số tiền là 3.406.909.090 đồng.

+ Đối với 02 hợp đồng xuất khẩu 2.270 tấn gạo, Công ty A4 phải nộp thuế giá trị gia tăng với số tiền là 120.574.139 đồng.

Kết luận giám định tài chính về thiệt hại tài sản Nhà nước số: 03/KL-STC ngày 10/11/2015 của Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh xác định:

+ Đối với 03 hợp đồng số 80, 92, 97 xuất khẩu tổng cộng 4.000 tấn tinh bột sắn đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền 44.173.236.000 đồng.

+ Đối với 02 hợp đồng số 84, 87 xuất khẩu tổng cộng 2.270 tấn gạo đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền 25.610.978.663 đồng.

Ngày 23/12/2013, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh có Công hàm số: 45/2013 thông báo: “Cơ quan quản lý phía Trung Quốc không có thông tin đăng ký về Công ty Hữu hạn Thương mại Xuất khẩu X”.

Thông báo tuyên bố ngày 12/12/2014 của Công ty G xác định: “Từ giữa năm 2012, Công ty G không có bất kỳ giao dịch cũng như không có ký kết 02 hợp đồng mua bán gạo số 84 và 87 ký ngày 15/11/2012 với Công ty A4”.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 11/2017/HS-ST ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, đã quyết định:

1. Tuyên bố:

Các bị cáo Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D, Nguyễn Thị P phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

1.1 Áp dụng Khoản 3, Điều 165; Khoản 2, Điều 46; Điểm g, Khoản 1, Điều 48 của Bộ Luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Trần Cảnh L 10 (mười) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 14/8/2015.

1.2 Áp dụng Khoản 3 Điều 165; Khoản 2 Điều 46; Điểm g, Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Xuân D 10 (mười) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 26/4/2014.

1.3 Áp dụng Khoản 3 Điều 165; Khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điểm g, Khoản 1, Điều 48 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị P 07 (bảy) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 04/4/2017; có khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 28/10/2015 đến ngày 18/01/2017.

2. Về các biện pháp tư pháp:

2.1 Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 608 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

+ Buộc hai bị cáo L, D liên đới bồi thường thiệt hại đối với 2 hợp đồng số 84, 87 cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh số tiền 25.610.978.663 đồng; trong đó mỗi bị cáo phải chịu ½ là 12.805.489.331,5 đồng.

+ Buộc ba bị cáo L, D, P liên đới bồi thường phần thiệt hại còn lại chưa được giải quyết đối với 03 hợp đồng số 80, 92, 97 cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh số tiền là: 8.992.236.000 đồng; trong đó mỗi bị cáo  phải chịu 1/3 là 2.997.412.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại Khoản 2, Điều 357 Bộ Luật Dân sự 2015.

2.2 Lệnh kê biên tài sản số: 01/TPKT ngày 24/4/2014 đối với bị cáo L; Lệnh kê biên tài sản số: 02/TPKT ngày 24/4/2014 đối với bị cáo D; Lệnh kê biên tài sản số: 02/TPKT ngày 17/8/2015 đối với bị cáo P của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh, tiếp tục có hiệu lực đến khi các bị cáo thi hành án xong (trừ phần hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với các tài sản được nêu ở mục 2.3).

Đối với những giấy tờ liên quan đến tài sản bị kê biên của các bị cáo, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chuyển giao cho Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Tây Ninh quản lý để bảo đảm việc thi hành án dân sự sau này (Biên bản ngày 28/6/2016 – BL 3514).

2.3 Áp dụng Khoản 4, Điều 146 BLTTHS.

Hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với các tài sản sau:

+ Phần đất diện tích 66.606 m2 thuộc thửa đất số 73, tờ bản đồ số 37, tọa lạc tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AĐ 163905 Ủy ban nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cấp ngày 14/4/2006 do Nguyễn Thị P và chồng Nguyễn Ngọc B1 đứng tên, tại thời điểm kê biên trên đất trồng cây cao su đang khai thác mủ (vay Ngân hàng TMCP C1, Chi nhánh Tây Ninh số tiền 1.500.000.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng trung hạn số: 144.14.734.1434841.TD ngày 20/3/2014, thời hạn vay 60 tháng); + Phần đất diện tích 892,40 m2 thuộc thửa đất số 493, tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại Khu phố 3, Phường IV, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 559064 Ủy ban nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cấp ngày 30/8/2011 do Nguyễn Thị P và chồng Nguyễn Ngọc B1 đứng tên (vay Ngân hàng TMCP C2, Chi nhánh Tây Ninh số tiền 1.600.000.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng trung – dài hạn số TNI.CN.337.190813 ngày 22/8/2013, thời hạn vay 120 tháng và Hợp đồng cấp tín dụng số TNI.CN.419.260515 ngày 26/5/2015, vay số tiền 1.000.000.000 đồng, thời hạn vay 84 tháng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 22/5/2017  bị cáo Trần Cảnh Lạc kháng cáo xin xem xét lại toàn bộ vụ án.

Ngày 24/5/2017 bị cáo Nguyễn Xuân D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 18/5/2017 bị cáo Nguyễn Thị P kháng cáo kêu oan và xin xem xét lại toàn bộ vụ án.

Ngày 26/5/2017 ông Nguyễn Ngọc B1 kháng cáo về phần dân sự, đề nghị giải tỏa kê biên các tài sản từ số 02 đến số 18 trong lệnh kê biên tài sản số 02/TPKT ngày 17/8/2015.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Xét lời khai của bị cáo cùng với các tài liệu chứng cứ mà bản án sơ thẩm đã quy kết buộc tội, phù hợp với những tình tiết của vụ án đã chứng minh tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, từ đó đã có cơ sở để xác định: trong khoảng thời gian từ ngày 07/12/2009 đến ngày 27/8/2012, Công ty A4 đã ký kết tổng cộng 50 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (tinh bột sắn và gạo) sang Trung Quốc với Công ty hữu hạn Thương mại Xuất nhập khẩu X (Công ty X) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn G (Công ty G). Tuy nhiên các công ty này thường xuyên chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Cụ thể có 03 hợp đồng với Công ty X gồm: Hợp đồng số 80 ngày 18/10/2012, hợp đồng số 92 ngày 16/11/2012, hợp đồng số 97 ngày 30/11/2012 và 02 hợp đồng ký với Công ty G hợp đồng số 84 ngày 15/11/2012, hợp đồng số 87 ngày 15/11/2012. Năm hợp đồng nêu trên có tổng giá trị là 61.622.770.000 đồng nhưng sau khi nhận hàng, “đại diện” phía Công ty X và Công ty G là Đinh Thị T chỉ thanh toán cho Công ty A4 10% giá trị mỗi hợp đồng 6.077.000.000 đồng, còn lại 55.545.770.000 đồng xác định Công ty A4 không thu hồi được.

Đối với 03 hợp đồng số 80, 92, 97 đã được Công ty A4 khởi kiện Công ty X bằng vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế và đã được giải quyết bằng Phán quyết số: 04/13/HCM ngày 23/01/2014 đã có hiệu lực pháp luật của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Phán quyết này đã buộc Công ty X phải trả cho Công ty A4 số tiền còn nợ của ba hợp đồng là 35.181.000.000 đồng, tiền lãi chậm thanh toán 3.543.810.750 đồng và phí trọng tài 804.372.000 đồng.

Đối với 02 hợp đồng số 84, 87 ký kết với công ty G chưa được Công ty A4 hay Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh khởi kiện vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế, vì vậy, thiệt hại đối với hai hợp đồng này hiện Công ty A4 vẫn bị thất thoát. Riêng đối với hai hợp đồng này bị cáo Nguyễn Xuân D đã giao hàng không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng, tức là cho nhận hàng trước khi thanh toán tiền; không tuân theo thông báo giao, nhận hàng từ Công ty A4. Sau khi phát hiện ra những sai phạm, bị cáo D đã bị Ban lãnh đạo Công ty kiểm điểm và xử lý kỷ luật.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân D về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ đúng người đúng tội không oan sai. Tuy nhiên, bị cáo D làm trái quy định của công ty trong việc thanh toán hợp đồng 84 và 87 gây thiệt hại cho Công ty số tiền 22.586.500.000 đồng, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo D theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự là có căn cứ đúng người, đúng tội.

Riêng đối hành vi của bị cáo Trần Cảnh Lạc và Nguyễn Thị P bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo. Bị cáo Trần Cảnh L là Tổng giám đốc Công ty có thẩm quyền ký kết các hợp đồng và bị cáo Nguyễn Thị P là Kế toán trưởng, Trưởng phòng Kế toán tài chính của Công ty A4 đã làm đúng quy định pháp luật trong quá trình ký kết các hợp đồng 80, 84, 87, 92, 97 với các công ty trên. Sai sót xảy ra ở khâu thanh toán hợp đồng do bị cáo D thực hiện dẫn đến việc gây thiệt hại cho Công ty. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định, Công ty X và Công ty G không phải người mua hàng theo Hợp đồng 80, 84, 87, 92, 97 do không có tư cách pháp nhân độc lập mà bà Đinh Thị T là người mua trực tiếp là không có cơ chấp nhận. Bỡi lẽ, Công ty X và Công ty G là những công ty có hoạt động thực tế và đã ký kết rất nhiều hợp đồng mua bán với Công ty A4 trước đó. Tư cách pháp nhân của Công ty X đã được chứng thực bằng phán quyết 04/13/HCM ngày 23/01/2014 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế. Còn Thông báo tuyên bố ngày 12/12/2014 của Công ty G không có giá trị pháp lý do không được hợp pháp hóa lãnh sự. Hiện đối tượng Đinh Thị T đã bỏ trốn và đang bị truy nã, cũng như trong hồ sơ không có bất kỳ lời khai nào của T nên việc kết luận các bị cáo L, D và P có thỏa thuận với nhau để bán hàng cho Đinh Thị T. Do vậy, hành vi của các bị cáo Trần Cảnh L và Nguyễn Thị P đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 196 của Bộ luật Tố tụng hình sự, xét xử các bị cáo L và P theo khoản 2 Điều 285 của Bộ luật hình sự mới phù hợp tính chất mức độ của hành vi.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận nợ và tài sản từ Công ty A4. Vì vậy, khoản tiền thiệt hại của hợp đồng 84, 87 cần buộc các bị cáo L và D liên đới bồi thường cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Các hợp đồng số 80, 92, 97 đã được giải quyết bằng phán quyết trọng tài quốc tế  đang có hiệu lực thi hành nên các bị cáo L, D và P không phải khắc phục hậu quả đối với hợp đồng này. Vì vậy, cần hủy bỏ toàn bộ lệnh kê biên tài sản đối với bị cáo P đã được cấp sơ thẩm áp dụng nhằm đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo P, cũng như kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc B1 đối với lệnh kê biên số 02/TPKT ngày 17/8/2015.

Như vậy: Tổng thiệt hại từ 5 hợp đồng 80, 84, 87, 92, 97 sau khi đã thanh toán 10% giá trị mỗi hợp đồng là 55.545.770.000 đồng, phán quyết 04/13/HCM ngày 23/01/2014 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế thì tổng số tiền mà Công ty X phải trả cho Công ty A4 là 39.529.182.750 đồng sẽ được thu hồi khi phán quyết được thi hành. Do vậy, số tiền mà bị cáo L và D phải nộp là 16.016.587.250 đồng Hội đồng xét xử xem xét Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng có những sai sót vì không thực hiện bước tiếp theo là khởi kiện Công ty G bằng vụ án tranh chấp thương mại ra trọng tài quốc tế để thu hồi thiệt hại từ hai hợp đồng 84 và 87.

Xét quá trình cống hiến trong Công ty A4, các bị cáo có thời gian công tác đạt nhiều thành tích nộp cho ngân sách Nhà nước.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng cho các bị cáo các tình tiết giảm nhẹ: các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo L và P có nhiều thành tích trong quá trình lao động được Nhà nước tặng thưởng giấy khen, bị cáo D có bà nội tham gia cách mạng và được Nhà nước tặng bằng khen trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo D nộp 20 triệu khắc phục hậu quả. Vì vậy, áp dụng các quy định tại Điều 46 và 47 giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt đáng kể.

Do bị cáo Nguyễn Thị P không phải nộp khắc phục thiệt hại nên bị cáo không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên; Căn cứ Điều 196; điểm b khoản 2 Điều 248; Điều 249 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D và Nguyễn Thị P và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Ngọc B1, sửa bản án sơ thẩm.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Xuân D phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo Trần Cảnh L và Nguyễn Thị P phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - Áp dụng Khoản 3 Điều 165; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Xuân D 7 (bảy) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 26/4/2014.

- Áp dụng Khoản 2 Điều 285, điểm p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự Xử phạt: Bị cáo Trần Cảnh L 7 (bảy) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 14/8/2015.

- Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự; khoản 5 Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị P 1 (một) năm 8 (tám) tháng 14 (mười bốn) ngày tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 04/4/2017; có khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 28/10/2015 đến ngày 18/01/2017.

Bị cáo chấp hành xong hình phạt, trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa nếu không bị tạm giam về tội khác.

- Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 608 Bộ luật Dân sự.

+ Buộc hai bị cáo Trần Cảnh L, Nguyễn Xuân D liên đới bồi thường thiệt hại đối với 2 hợp đồng số 84, 87 cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh số tiền 16.016.587.250 đồng; trong đó mỗi bị cáo phải chịu 8.008.293.625 đồng.

+ Giải tỏa Lệnh kê biên tài sản số: 02/TPKT ngày 17/8/2015 đối với bị cáo P của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại Khoản 2, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Áp dụng Khoản 4 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Hủy bỏ toàn bộ Lệnh kê biên tài sản số: 02/TPKT ngày 17/8/2015 đối với bị cáo P của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh, bao gồm 18 tài sản (Đã được liệt kê trong lệnh) Các bị cáo không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Bị cáo Nguyễn Thị P không phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm Án phí dân sự sơ thẩm bị cáo Trần Cảnh L phải chịu 152.000.000 đồng Án phí dân sự sơ thẩm bị cáo Nguyễn Xuân D phải chịu 152.000.000 đồng. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1160
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 504/2017/HS-PT ngày 28/09/2017 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:504/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:28/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về