Bản án 96/2021/HNGĐ-ST ngày 11/05/2021 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn  

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 96/2021/HNGĐ-ST NGÀY 11/05/2021 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Trong ngày 11 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Hải Hậu xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 341/2020/TLST-HNGĐ ngày 30 tháng 12 năm 2020 về việc “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 37/2021/QĐXXST-HNGĐ ngày 26 tháng 3 năm 2021, Quyết định hoãn phiên tòa số: 07/2021/QĐST-HNGĐ ngày 16 tháng 4 năm 2021 và Thông báo thay đổi lịch mở phiên tòa số: 76/TB-TA ngày 29 tháng 4 năm 2021, giữa:

- Nguyên đơn: Anh Phạm Văn B, sinh năm 1990; đăng ký HKTT: Thôn T, xã K, huyện U, thành phố Hà Nội; chỗ ở hiện nay: Ấp X, xã N, huyện T, tỉnh Trà Vinh. Vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Văn T và bà Lâm Thị Trâm A – Luật sư Công ty Luật TNHH Đ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ông T vắng mặt, bà A có mặt.

- Bị đơn: Chị Nguyễn Thị S, sinh năm 1995; địa chỉ: Xóm 5 PL, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định. Có mặt.

- Người làm chứng: Bà Đỗ Thị H, sinh năm 1964; địa chỉ: Xóm 5 PL, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 26-11-2020, bản tự khai ngày 11-01-2021 và các lời khai trong quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn anh Phạm Văn B trình bày:

Anh và chị Nguyễn Thị S kết hôn năm 2016 và đã ly hôn ngày 20-4-2018. Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 109/2018/HNGĐ-ST ngày 20-4- 2018 của Tòa án nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã giao con chung là cháu Phạm Ngọc T, sinh ngày 01-01-2017 cho chị S trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và anh cấp dưỡng tiền nuôi con cho chị S mỗi tháng 1.500.000 đồng. Sau khi ly hôn được khoảng 01 năm thì chị S đưa con về nhà bố mẹ đẻ ở xóm 5, thôn PL, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định sinh sống. Trong thời gian ở tỉnh Trà Vinh cũng như khi cháu T về nhà ông bà ngoại, anh vẫn cấp dưỡng đều hàng tháng, gửi quần áo và gọi điện hỏi thăm con thường xuyên. Anh được biết đến nay chị S đã đi lấy chồng, để cháu T cho ông bà ngoại nuôi dưỡng, ông ngoại bị bệnh nặng không thể trông giữ được cháu, bà ngoại đi buôn bán rau ngoài chợ hàng ngày phải dậy sớm nên cháu T cũng phải dậy sớm theo bà ra chợ. Việc giao con cho ông bà ngoại nuôi không có sự quan tâm sát sao của bố mẹ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con. Hiện nay chị S cũng không có công việc ổn định, không đủ thu nhập để đảm bảo nuôi con tốt nhất; còn anh có công việc và thu nhập ổn định hiện anh đứng tên chủ hộ kinh doanh và là công tác viên của Công ty TNHH NĐT tại huyện C, tỉnh Trà Vinh với thu nhập trên 30.000.000 đồng/tháng; anh có chỗ ở thuận tiện cho con học hành và vui chơi; hiện tại anh cũng chưa lập gia đình mới, có nhiều thời gian rảnh để trực tiếp chăm sóc con. Do đó, để đảm bảo cho sự phát triển của con, đề nghị Tòa án giải quyết cho anh được quyền trực tiếp nuôi cháu Phạm Ngọc T, anh không yêu cầu chị S phải cấp dưỡng nuôi nuôi con và không cản trở việc chị S đến thăm con.

Tại bản tự khai ngày 14-01-2021 và các lơi khai trong quá trình tố tụng, bị đơn chị Nguyễn Thị S trình bày:

Chị nhất trí với lời trình bày của anh B về mối quan hệ vợ chồng trước đây và đã giải quyết ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 109/2018/HNGĐ-ST ngày 20-4-2018 của Tòa án nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Sau khi ly hôn được thời gian thì chị đưa con về nhà bố mẹ đẻ ở xã H, huyện H sinh sống, đến tháng 08-2020 chị đi lấy chồng tại huyện M, tỉnh Nam Định. Đến nay, anh B đưa ra các lý do cho rằng chị không đảm bảo điều kiện trực tiếp nuôi con để đòi quyền trực tiếp nuôi cháu Phạm Ngọc T thì chị không nhất trí. Do chị mới kết hôn chỗ ở tại gia đình chồng chặt chội, chị phải gửi tạm con cho ông bà ngoại nuôi vì vợ chồng chị đang xây nhà mới. Mặc dù gửi con cho ông bà ngoại nhưng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần cháu T đi học trường mầm non ở cạnh nhà ông bà ngoại và cuối tuần vợ chồng chị đều về nhà ông bà ngoại để chăm sóc cháu T. Về công việc hiện tại chị là công nhân Công ty TNHH Thương mại T có địa chỉ tại thành phố Nam Định với mức lương cố định theo hợp đồng lao động là hơn 4.000.000 đồng/tháng, ngoài ra còn được Công ty phụ cấp thêm và chị cũng làm tăng ca nên tổng thu nhập khoảng từ 07 triệu đồng đến 08 triệu đồng/tháng. Hiện tại chị đang nghỉ chế độ thai sản hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội nhưng chị vẫn có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con vì có sự hỗ trợ của chồng và bố mẹ đẻ chị. Chị được biết công việc của anh B hiện nay tuy có thu nhập cao nhưng công việc rất bận rộn, chỗ làm là xưởng cơ khí, anh B ở một mình tại nơi làm việc nếu nuôi con sẽ gặp khó khăn do không có người hỗ trợ, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống B thường của con. Ngoài ra thì cháu T là con gái, hiện còn rất nhỏ cần sự chăm sóc trực tiếp của mẹ hơn, về mặt tâm lý thì cháu T cũng đã gắn bó tình cảm với mẹ không thể chia tách nên chị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con của anh Phạm Văn B. Chị vẫn yêu cầu được tiếp tục trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con và chị cam đoan không ngăn cản việc anh B đến thăm nom con.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 12-3-2021, người làm chứng bà Đỗ Thị H trình bày:

Bà là mẹ đẻ của chị S. Sau khi chị S và anh B ly hôn thì chị S ở tỉnh Trà Vinh 01 năm sau đó đưa con về nhà bà sinh sống. Đến cuối năm 2020 chị S lập gia đình mới và nhờ vợ chồng bà nuôi dưỡng cháu T do chỗ ở của vợ chồng chị S chặt chội và đang xây nhà mới, khi nào xong nhà vợ chồng chị S mới đón cháu T về. Cháu T ở với bà được đi học tại trường Mầm non từ sáng đến chiều tối cách nhà bà chưa đến 100m, trường được công nhận là trường kiểu mẫu của huyện Hải Hậu nên điều kiện học tập tốt. Ngày nghỉ cuối tuần vợ chồng chị S đều về chăm sóc cháu T. Bà không nhất trí với yêu cầu xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con của anh B vì cháu T là con gái, anh B vẫn đi làm thuê ở xa, nếu thay đổi môi trường sống thì cháu T khó hòa nhập được vì cháu còn nhỏ.

Tại phiên tòa luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bà Lâm Thị Trâm A trình bày: Thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn anh Phạm Văn B và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các điều kiện trực tiếp nuôi con của anh B hiện nay tốt hơn chị S để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Văn B, giao cháu Phạm Ngọc T cho anh B trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng; anh B không yêu cầu chị S phải cấp dưỡng nuôi con.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa tại phiên tòa đều đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với các đương sự đều chấp hành đúng quyền, nghĩa vụ theo pháp luật.

Về nội dung: Căn cứ khoản 2 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Văn B do anh B không chứng minh được chị S không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con; tiếp tục giao cháu Phạm Ngọc T cho chị Nguyễn Thị S trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Về án phí dân sự sơ thẩm nguyên đơn phải nộp theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Anh Phạm Văn B khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với chị Nguyễn Thị S có địa chỉ cư trú tại Xóm 5, thôn PL, xã H, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Do đó vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định theo quy định tại khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nguyên đơn anh Phạm Văn B và người làm chứng bà Đỗ Thị H vắng mặt nhưng đều đã có ý kiến xin giải quyết vắng mặt nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt anh B và bà H theo quy định tại khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con của anh Phạm Văn B:

Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 109/2018/HNGĐ-ST ngày 20-4- 2018 của Tòa án nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã quyết định giao con chung của anh Phạm Văn B và chị Nguyễn Thị S là cháu Phạm Ngọc T, sinh ngày 01-01-2017 cho chị S trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; anh B phải cấp dưỡng tiền nuôi con cho chị S mỗi tháng 1.500.000 đồng và được quyền thăm nom con. Từ sau khi ly hôn đến nay, cháu T vẫn ở cùng với chị S.

[3] Anh Phạm Văn B cho rằng hiện nay chị S đã kết hôn, giao cháu T cho ông bà ngoại nuôi; điều kiện của ông bà ngoại không đảm bảo để nuôi cháu; chị S cũng không có công việc và thu nhập ổn định để đảm bảo kinh tế nuôi con; còn anh có công việc và thu nhập ổn định, có chỗ ở thuận lợi cho con học tập và vui chơi, có nhiều thời gian rảnh rỗi để trực tiếp chăm sóc con. Tuy nhiên chị S không đồng ý giao con cho anh B, chị khẳng định vẫn đảm bảo các điều kiện trực tiếp nuôi con. Hội đồng xét xử xét thấy, theo khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Xét về điều kiện trực tiếp nuôi con của chị Nguyễn Thị S thì thấy: Chị S hiện đang làm công nhân Công ty TNHH Thương mại T có địa chỉ tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tuy có thu nhập tuy không cao nhưng ổn định đảm bảo cuộc sống (hiện đang nghỉ chế độ thai sản). Khi nuôi con chị S còn được sự giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp của bố mẹ đẻ chị trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu T trong thời gian chị đi làm. Cháu T ở cùng với ông bà ngoại vẫn khỏe mạnh bình thường, đang theo học tại trường Mầm non của xã H ở gần nhà nên cũng thuận lợi cho việc học tập, sinh hoạt của cháu. Xác minh tại cơ sở xóm 5, thôn PL, Hội phụ nữ xóm và xã đều khẳng định cháu T được chăm sóc, nuôi dưỡng rất tốt, gia đình bố mẹ chị S cũng hỗ trợ chị S nuôi con chu đáo, không có dư luận gì về việc nuôi con của chị S. Còn anh B có thu nhập cao hơn chị S nhưng đang làm ăn kinh doanh ở Miền Nam, thời gian dành trực tiếp chăm sóc con hàng ngày không thể tốt hơn chị S được, gia đình bố mẹ anh B đang sinh sống ở Hà Nội nên cũng không có sự hỗ trợ trực tiếp của gia đình trong việc trông nom, chăm sóc con hàng ngày. Mặt khác cháu T là con gái nên ở với mẹ chăm sóc sẽ tốt hơn, việc thay đổi môi trường mới cũng ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển tâm sinh lý của cháu. Như vậy chị S vẫn còn đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nên anh B yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với cháu T là không có cơ sở chấp nhận.

[4] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Văn B không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch theo quy định pháp luật.

[5] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 81, Điều 82, Điều 83 và khoản 2 Điều 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 229, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với cháu Phạm Ngọc T, sinh ngày 01-01-2017 của anh Phạm Văn B đối với chị Nguyễn Thị S.

2. Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng Dân sự; khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Anh Phạm Văn B phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được đối trừ vào số tiền đã nộp tạm ứng áp phí là 300.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2017/0002466 ngày 30-12-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hải Hậu. Anh Phạm Văn B đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

3. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ. Bị đơn có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

258
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 96/2021/HNGĐ-ST ngày 11/05/2021 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn  

Số hiệu:96/2021/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hải Hậu - Nam Định
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:11/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về