Bản án 908/2019/DSPT ngày 14/10/2019 về tranh chấp thừa kế và tranh chấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 908/2019/DSPT NGÀY 14/10/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ VÀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ, QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 07 và 14 tháng 10 năm 2019, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai Vụ án thụ lý số 558/2018/TLPT-DS ngày 08 tháng 11 năm 2018, về việc “Tranh chấp thừa kế và tranh chấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 395/2018/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4291/2019/QĐ-PT ngày 18 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Tạ Thị T, sinh năm: 1936; thường trú: Số 37 đường A1, thị trấn B1, huyện B1 Nam, tỉnh C1; tạm trú: Số 331/1G đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đồng Văn V, sinh năm: 1973; thường trú: Số 343/18D đường B2, Phường C2, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (văn bản ủy quyền số công chứng 04299 quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/3/2019, có mặt).

Bị đơn: Bà Tạ Thị Phi L, sinh năm 1971; thường trú: ấp V2, xã M1, huyện B1 Nam, tỉnh C1; tạm trú: Số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Tạ Thị M, sinh năm: 1924; thường trú: Số 37 đường A1, thị trấn B1, huyện B1 Nam, tỉnh C1; tạm trú: Số 331/1G đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh (chết ngày 11/10/2018).

2. Ông Tạ Quang N, sinh năm: 1957; thường trú: ấp V2, xã M1, huyện B1 Nam, tỉnh C1 (Có đơn xin vắng mặt).

3. Ông Tạ Quang P, sinh năm: 1964; thường trú: Số 99 đường H2, quận R, Thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú: Số 861/89/18 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

4. Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, sinh năm: 1966; thường trú: Số 27B ấp 1, Thị trấn B1, huyện B1 Nam, tỉnh C1 (có đơn xin vắng mặt).

5. Bà Tạ Thị Phi Q, sinh năm: 1967 (có đơn xin vắng mặt);

6. Ông Tạ Quang B, sinh năm: 1968 (có đơn xin vắng mặt);

Cùng thường trú: ấp V2, xã M1, huyện B1 Nam, tỉnh C1.

7. Bà Tạ Thị Phi O, sinh năm: 1969; thường trú: Số 01 đường B4, Phường K2, Quận E1, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn xin vắng mặt).

8. Ông Tạ Quang S, sinh năm: 1973; thường trú: Số 37 đường A1, Thị trấn B1, huyện B1 Nam, Tỉnh C1 (có mặt).

Người kháng cáo: Bà Tạ Thị Phi L – bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 09/9/2013 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn trình bày:

Bà Tạ Thị C sinh năm 1929, chết năm 2009, là chủ sở hữu của căn nhà số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện căn nhà chưa được cấp giấy chủ quyền sở hữu nhà và đất ở.

Nguồn gốc căn nhà 303 đường L1, Phường N1, Quận K là của ông M Narayananchettiar Frères cho bà Tạ Thị C thuê khi bà từ C1 lên Sài Gòn thuê căn nhà nêu trên vào năm 1949 để ở, nhà mặt phố có diện tích đất lúc thuê là ngang 3.2 mét, dài 5.3 mét. Sau khi thuê ở một thời gian dài, đến năm 1957, bà C đã tự xây cất nhà và tôn tạo, mở rộng diện tích chiều dài lên 8.5 mét, tăng diện tích đất lên khoảng 100m2 nhà ở cho đến nay. Hàng năm, bà C đóng thuế cho chủ đất ông M Narayananchettiar Frères, người Ấn Độ (có đầy đủ biên lai thu thuế thổ trạch). Căn nhà trước đó còn có số 10A/11 đường Drouhat (sau này còn đổi thành tên đường là Pestrusky, Chợ Lớn).

Đến năm 1975, ông M Narayananchettiar Frères về nước, bà C tiếp tục ở nhà đó. Đến năm 1982, Ban xây dựng nhà đất công trình công cộng Quận K ký với bà C hợp đồng tạm thuê nhà diện cải tạo, thời hạn thuê 1 năm. Sau đó, bà C vẫn ở tại đó và cho con cháu từ C1 lên Sài Gòn ăn học ở cùng, cụ thể anh trai bà là ông Tạ Quang D (còn có tên khác là Tạ Đăng Z) cùng vợ con của ông cũng có lúc cư trú trong căn nhà đó. Bà Tạ Thị T và bà Tạ Thị M (chị và em ruột bà C) cũng tá túc tại đây, khi từ C1 đi Sài Gòn chữa bệnh.

Đến năm 1999, bà C đứng tên kê khai chủ sở hữu nhà đất tại Ủy ban nhân dân Phường N1, Quận K để xin cấp chủ quyền nhà, có các hộ giáp ranh ký xác nhận và đã được xác nhận của chính quyền địa phương. Bà C đã đăng ký thường trú tại nhà đó từ năm 1949 và ở nhà đó cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, do sự khiếu nại tranh chấp nhà, đất của ông Tạ Quang D là anh ruột của bà C với bà C, khi bà đăng ký thực hiện thủ tục xin cấp chủ quyền nhà vào năm 1999, mà cho đến nay, Ủy ban nhân dân Quận K chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất cho bà C. Năm 2009, bà C chết. Năm 2011, sau khi ông D chết, bà M và bà T cùng đứng ra xin cấp chủ quyền nhà căn nhà nêu trên, nhưng bà Tạ Thị Phi L, con gái của ông D đang cư ngụ trong nhà đó ngăn chặn nên Ủy ban nhân dân Quận K chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và đề nghị chuyển cho Tòa án giải quyết.

Nay bà T khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật nhà đất nêu trên, cụ thể chia cho 3 người là ông D và bà T cùng bà M mỗi người 1/3 giá trị nhà đất 303 L1, Phường N1, Quận K. Bà T có văn bản ủy quyền cho ông Đồng Văn V đại diện bà tham gia tố tụng tại Tòa án.

Bị đơn - bà Tạ Thị Phi L trình bày:

Nhà đất tọa lạc tại số 303 đường L1 trước đây có số nhà là 10A/11đường F Drouhat, do cha bà là ông Tạ Quang D (còn có tên Tạ Đăng Z) mua của bà Nguyễn Thị I vào năm 1949. Do ông D trốn quân dịch nên để cho bà C đứng tên dùm căn nhà đó và đứng tên kê khai mọi thủ tục với chính quyền địa phương.

Trong quá trình ở tại đó, bà C đã xây cất, mở rộng diện tích nhà đó cho đến năm 1982, bà C về quê sống và giao nhà lại cho ông D. Tuy nhiên, ông D không chịu trả tiền sửa nhà cho bà C nên bà C không bàn giao giấy tờ liên quan căn nhà cho ông D, cũng như không đồng ý cho ông D kê khai nhà đất tại địa phương. Bà L cũng xác định rằng từ khi gia đình bà ở đến nay, ông D không có sửa thêm gì và cũng không có mở rộng diện tích nhà mà vẫn giữ nguyên hiện trạng như từ trước tới nay. Việc tranh chấp kéo dài từ năm 1982 cho tới nay.

Bà Tạ Thị Phi L là người hiện nay đang ở trong căn nhà nêu trên xác định rằng căn nhà đó của ông D, nên không đồng ý chia thừa kế cho bà T và bà M. Bà L có đơn phản tố yêu cầu xác định căn nhà nêu trên là của ông Tạ Quang D. Bà cũng khai trình rằng căn nhà là của cha bà vì vậy bà không có yêu cầu định giá chia thừa kế.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Tạ Thị M có lời khai trình như bà T và cũng đồng ý với ý kiến của bà T yêu cầu chia di sản thừa kế là căn nhà số 303 đường L1 cho 3 chị em của bà là bà T, bà M và ông D mỗi người được 1/3 giá trị căn nhà nêu trên. Bà M cũng có ủy quyền cho ông Đồng Văn V đại diện thay mặt bà tham gia tố tụng tại Tòa.

Ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O và ông Tạ Quang S đều có cùng lời khai trình giống bà Tạ Thị Phi L, xác nhận căn nhà là do ông D mua và nhờ bà C là em ruột đứng tên dùm vì ông D trốn quân dịch, sau khi mua thì bà C đứng tên chủ nhà và có sửa chữa dần mở rộng diện tích như hiện nay khuôn viên nhà khoảng 100 m2. Gia đình ông D, vợ và các con ông có ở và đăng ký tạm trú tại địa chỉ nêu trên. Từ khi ở đến nay, gia đình không có xây dựng gì thêm đối với căn nhà. Nay tất cả các đồng thừa kế của ông D đều không thừa nhận căn nhà đó là của bà C. Tất cả những người này đều đồng ý ủy quyền cho ông Nguyễn Văn X và đều có đơn xin vắng mặt tại những phiên tòa hòa giải và xét xử vụ án.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 395/2018/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Xác định căn nhà số 303 đường L1, Phường N1 Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu của bà Tạ Thị C.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn: Xác định căn nhà số 303 đường L1, Phường N1 Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh không thuộc quyền sở hữu của ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z).

- Về di sản thừa kế: Xác định căn nhà số 303 đường L1, Phường N1 Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản thừa kế của bà Tạ Thị C để lại.

- Xác định hàng thừa kế và những người hưởng thừa kế của bà Tạ Thị C gồm bà Tạ Thị T, bà Tạ Thị M và ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z).

Những người thừa kế của ông Tạ Quang D là bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O, ông Tạ Quang S.

Phân chia di sản thừa kế cho bà Tạ Thị T và Tạ Thị M, ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z) mỗi người được hưởng 1/3 giá trị căn nhà số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:

Bà T và bà M mỗi người nhận bằng hiện kim số tiền tương đương 1/3 giá trị căn nhà nêu trên tại thời điểm thi hành án.

Các con của ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z) bao gồm bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O, ông Tạ Quang S được hưởng 1/3 giá trị căn nhà nêu trên và được quyền ưu tiên nhận nhà để giao hiện kim như trên cho bà Tạ Thị T và bà Tạ Thị M.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực mà bên phải thi hành là bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O, ông Tạ Quang S không giao đủ tiền cho bà Tạ Thị T và bà Tạ Thị M theo giá trị kỷ phần được chia, thì bà T, bà M có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi căn nhà nêu trên để thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn – bà Tạ Thị Phi L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Các đương sự có nộp đơn yêu cầu kèm theo các chứng cứ mới như sau:

- Ông Đồng Văn V đại diện nguyên đơn nộp một bản Di chúc của bà Tạ Thị M và bà Tạ Thị T lập ngày 01/11/2013 có chứng nhận của Văn phòng Công chứng Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh và Trích lục khai tử của bà Tạ Thị M. Tờ cho con lập ngày 16/5/1976 có chứng thực của Ủy ban nhân dân Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/3/1987 và Tờ xin con nuôi lập ngày 22/8/1987 có chứng thực của Ủy ban nhân dân Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/8/1987 giữa bà Tạ Thị C và bà Tạ Thị T về việc cho nhận con nuôi là Lê Hoàng E (có tên khác là Tạ Quang J) kèm theo Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Thẻ cử tri, Tờ khai gia đình, Giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú trong hộ và Sổ đăng ký tạm trú, tạm vắng có tên Lê Hoàng E và Tạ Quang J. Bản tự khai bổ sung yêu cầu của bà Tạ Thị T đề ngày 02/10/2019 về việc yêu cầu chia số tiền phía bị đơn cho thuê nhà từ ngày bà C chết (từ ngày 24/7/2009 đến ngày 24/7/2019) là 10 năm với tổng số tiền 3.000.000.000 đồng.

- Bị đơn – bà Tạ Thị Phi L nộp Đơn yêu cầu đề ngày 20/6/2019 yêu cầu xem xét công sức trong việc bảo quản, giữ gìn di di sản thời gian từ năm 1975 đến nay tính bằng 1/10 giá trị nhà đất 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - ông Tạ Quang S nộp Đơn xin xem xét tư cách tham gia tố tụng tại phiên tòa kèm theo chứng cứ Giấy giao nhận việc nuôi con nuôi có chứng thực của Ủy ban nhân dân thị trấn B1, huyện B1, tỉnh C1 ngày 11/11/1987 và Chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Thông báo về việc chấm dứt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tạ Quang S đối với luật sư Vũ Huyền V, Luật sư Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Người kháng cáo – bà Tạ Thị Phi L do luật sư Phạm Thái F thay mặt trình bày yêu cầu kháng cáo: Bà L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Tạ Thị C là chủ sở hữu nhà 303 L1 là không đúng; do đó, khi bà C chết không thể xác định nhà đất 303 L1 là di sản thừa kế của bà C. Bà L yêu cầu Tòa án xác định Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là chủ sở hữu nhà đất 303 L1, đề nghị hủy bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với yêu cầu xem xét công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế thời gian từ năm 1975 đến nay, trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thì bà L yêu cầu được hưởng 1/10 giá trị di sản thừa kế do có công quản lý di sản.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn - Luật sư Phạm Thái F trình bày: Bản án số 395/2018/DSST ngày 28/8/2018 của Tòa án nhân dân Quận K vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi không đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lý do cần phải đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh vào tham gia tố tụng dựa vào các chứng cứ sau:

- Công văn số 185/UB-QLĐT ngày 12/01/2005 của Ủy ban nhân dân Quận K trả lời ông Tạ Quang D về việc ông D xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với nhà đất số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh;

- Công văn số 2727/QLĐT-QLN ngày 08/12/2017 của Phòng Quản lý đô thị Quận K trả lời Công văn số 219/TAQ10 ngày 28/11/2017 của Tòa án nhân dân Quận K về việc đề nghị hỗ trợ xác minh nhà đất số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh;

- Hợp đồng (tạm thuê nhà diện cải tạo) số 155/HĐNĐ ngày 06/8/1982 ký giữa bên cho thuê là Ban Xây dựng nhà đất công trình công cộng thuộc Ủy ban nhân dân Quận K và bên thuê là bà Tạ Thị C, được tạm thuê căn nhà số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh với thời hạn 1 năm.

Nội dung các chứng cứ trên xác định nguồn gốc nhà đất nói trên thuộc quyền sở hữu của ông M.Naray Ananchettlar W (quốc tịch Ấn) là đối tượng cải tạo nhà cho thuê đã giao nhà nước quản lý trước khi về nước; do đó, nhà đất số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu nhà nước. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc xác định nhà đất nói trên thuộc quyền sở hữu của bà Tạ Thị C, yêu cầu xác định nhà đất số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; do đó, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đại diện nguyên đơn – ông Đồng Văn V trình bày: Thừa nhận nhà đất tranh chấp nguồn gốc đất thuê của người Ấn Độ. Tuy nhiên theo các chứng cứ thu thập được và các văn bản trả lời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì trường hợp này do nhà nước quản lý sót nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành bà C là người quản lý sử dụng nhà từ trước năm 1975 cho đến khi chết, có kê khai đóng thuế nhà đất qua các thời kỳ, Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm công nhận nhà đất 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu của bà Tạ Thị C và là di sản thừa kế của bà C, đề nghị chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế của bà C. Đối với yêu cầu tính công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế của bà L, phía nguyên đơn không đồng ý vì bà L không có đóng góp gì, bà L đã hưởng lợi từ việc cho thuê nhà, tuy nhiên nguyên đơn không yêu cầu chia tiền cho thuê nhà từ khi bà C chết đến nay. Nguyên đơn không yêu cầu xem xét bản di chúc của bà Tạ Thị T và Tạ Thị M lập ngày 01/11/2013 có chứng nhận của Văn phòng Công chứng Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh và không yêu cầu xem xét công nhận việc bà Tạ Thị C có nhận ông Lê Hoàng E (tên gọi khác Tạ Quang J) là con nuôi.

Ông Tạ Quang S trình bày: Việc nhận con nuôi giữa ông Tạ Quang D và bà Tạ Thị M có làm giấy tờ như đã cung cấp cho Tòa án, không đăng ký việc nuôi con nuôi, trên thực tế không có quan hệ nuôi dưỡng, bà M sống ở C1, ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi bà M già yếu và chết vì bị bệnh nên ông cũng không thể về C1 thăm hỏi, dự đám tang bà M; ông có gửi tiền về nuôi dưỡng bà M nhưng hiện ông không có chứng cứ chứng minh. Ông không yêu cầu hưởng di sản thừa kế của bà M, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và các đương sự đã thực hiện thủ tục, trình tự theo đúng quy định của pháp luật.

- Về nội dung kháng cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, không công nhận ông Tạ Quang S là con nuôi bà M, chấp nhận yêu cầu của bà Tạ Thị Phi L yêu cầu tính công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế căn cứ vào hướng dẫn tại Án lệ số 05/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bà Tạ Thị M không có người thừa kế hàng thừa kế thứ nhất nên cần sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 395/2018/DS-ST ngày 28/8/2018 của Tòa án nhân dân Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh chia di sản thừa kế của bà C cho bà Tạ Thị T và các con ông Tạ Quang D (Tạ Đăng Z).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng, tại phiên tòa phúc thẩm, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B và bà Tạ Thị Phi O có đơn xin xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quyết định tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự nêu trên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Tạ Quang S có nộp thông báo về việc chấm dứt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với Luật sư Vũ Huyền V, Hội đồng xét xử xét thấy việc mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là sự tự nguyện của đương sự, việc ông S thể hiện ý chí không tiếp tục yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là tự nguyện và có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên công nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn rút yêu cầu bổ sung về việc chia số tiền bị đơn cho thuê nhà từ khi bà C chết đến nay và không yêu cầu xem xét giải quyết bản di chúc do bà Tạ Thị T và bà Tạ Thị M lập ngày 01/11/2013 tại Văn phòng Công chứng Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh; do đó, Hội đồng xét xử không xét các yêu cầu nói trên của các đương sự.

Về việc phía nguyên đơn có nộp Tờ cho con lập ngày 16/5/1976 có chứng thực của Ủy ban nhân dân Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/3/1987 và Tờ xin con nuôi lập ngày 22/8/1987 có chứng thực của Ủy ban nhân dân Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/8/1987 giữa bà Tạ Thị C và bà Tạ Thị T về việc cho nhận con nuôi là Lê Hoàng E (có tên khác là Tạ Quang J) kèm theo các chứng cứ đã nêu trên nhưng ông Lê Hoàng E không có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận con nuôi và xem xét tư cách tố tụng của mình, bên cạnh đó việc nhận nuôi con nuôi cũng chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật; do đó, Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét giải quyết trong vụ án này.

Xét đơn yêu cầu xem xét tư cách tham gia tố tụng là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Tạ Thị M của ông Tạ Quang S. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Tạ Thị M chết ngày 11/10/2018, theo kết quả xác minh tại Công văn số 14/UBND ngày 09/01/2019 của Ủy ban nhân dân thị xã B1, huyện B1 Nam, tỉnh C1 thì cha mẹ bà M là Tạ Văn P1 và Võ Thị H1 đều chết trước bà M, bà M không có đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân cũng như không có đăng ký khai sinh con tại Ủy ban nhân dân thị xã B1. Ông S có cung cấp cho Tòa án chứng cứ là Giấy giao nhận việc nuôi con nuôi có chứng thực của Ủy ban nhân dân thị trấn B1, huyện B1, tỉnh C1 ngày 11/11/1987 kèm theo Sổ hộ khẩu có ghi rõ quan hệ là con của bà M; tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, ông S thừa nhận trên thực tế không có quan hệ nuôi dưỡng giữa mẹ nuôi là bà M và ông, bà M sống ở C1 còn ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi bà M già yếu và mất vì ông bị bệnh nên không qua lại chăm sóc và lo ma chay cho bà M, ông có gửi tiền nuôi dưỡng bà M nhưng ông không có chứng cứ chứng minh, việc nuôi con nuôi cũng không đăng ký theo quy định pháp luật. Sự thừa nhận của ông S cũng phù hợp với kết quả xác minh tại Công văn số 312/UBND ngày 27/6/2019 của Ủy ban nhân dân thị trấn B1 xác nhận sau giải phóng (30/4/1975) ông S không sống chung với bà M, trước khi bà M chết thì bà T và ông Lê Hoàng E chăm sóc và lo hậu sự khi bà M chết. Hội đồng xét xử xét thấy, ông S đã thừa nhận việc nhận nuôi con nuôi giữa bà M và ông không có trên thực tế, hai bên không có quan hệ nuôi dưỡng, theo quy định của pháp luật thì việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; do đó, Hội đồng xét xử xét không có cơ sở chấp nhận ông S là con nuôi hợp pháp của bà M và không đưa ông S vào tham gia tố tụng với tư cách người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà M trong vụ án này.

[2] Về nội dung, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Về nguồn gốc nhà đất tranh chấp số 303 L1, theo các chứng cứ thu thập trong hồ sơ và sự xác nhận của các cơ quan nhà nhước có thẩm quyền thì có thể khẳng định nhà đất có nguồn gốc là của ông M.Naray Ananchettlar W (quốc tịch Ấn) cho bà C thuê từ năm 1949. Bà C đã quản lý, sử dụng, tôn tạo sửa chữa, kê khai và đóng thuế nhà đất qua các thời kỳ từ năm 1949 cho đến khi chết năm 2009, điều này đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực. Phía bị đơn cho rằng nguồn gốc nhà đất nói trên là do ông Tạ Quang D mua của bà Lê Thị I từ năm 1949, bị đơn có cung cấp giấy tay mua bán giữa ông D và bà I nhưng việc mua bán không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền vào thời điểm mua bán, phía bị đơn không hề có giấy tờ chứng minh bà I là chủ sở hữu tài sản bán cho ông D, hiện bị đơn cũng không biết bà I ở đâu để làm chứng việc mua bán; do đó, không có cơ sở chấp nhận lời khai của bị đơn.

Xét yêu cầu của bị đơn đề nghị không công nhận nhà 303 L1 thuộc quyền sở hữu của bà C mà công nhận nhà đất nói trên thuộc sở hữu Nhà nước, Hội đồng xét xử xét thấy, qua thu thập chứng cứ tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Công ích Quận K cho biết “Căn nhà số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, chưa có tên và hồ sơ kê khai quản lý tại Công ty TNHH Một Thành viên dịch vụ công ích Quận K. Công ty có lưu trữ hợp đồng thuê nhà số 155/HĐ-NQ ký 06/8/1982 do bà Tạ Thị C đứng tên với thời gian thuê 1 năm”. Tại Sở xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý Kinh doanh Nhà Thành phố thì các cơ quan này đều trả lời “ không quản lý và không có hồ sơ lưu trữ, hoặc không có hồ sơ liên quan đến căn nhà nói trên”. Kết quả trả lời của các cơ quan quản lý nhà đất có thẩm quyền hiện nay đã xác định nhà đất tranh chấp chưa có một cơ quan nào có hồ sơ quản lý nhà đất nói trên. Như vậy, thì cần xét đến tính pháp lý của nhà đất dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành để xem xét công nhận quyền sở hữu. Cấp sơ thẩm căn cứ vào các quy định:

- Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 127/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và Điều 4 Nghị quyết 755/2005/NQUBTVQH11 ngày 02/4/2005 quy định về việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991 như sau:

Điều 4. Đối với nhà đất tuy thuộc diện phải thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 nhưng đến ngày Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực thi hành, Nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không tiếp tục thực hiện việc quản lý theo các chính sách trước đây. Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:

2. Trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất không có các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) về việc không có tranh chấp về sở hữu và phù hợp với quy hoạch đối với những khu vực đã có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp có tranh chấp về sở hữu thì chỉ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã giải quyết xong tranh chấp.”

- Quyết định số 297-CT ngày 02/10/1991, của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc giải quyết một số vấn đề về nhà ở khu vực phía Nam, tại Điều 1 có quy định: “Đối với nhà ở tuy thuộc diện cải tạo nhưng tính đến ngày 01/7/1991, Nhà nước không tiến hành các thủ tục quản lý và thực tế nhà nước không quản lý hoặc không bố trí sử dụng thì nhà nước công nhận quyền sở hữu của chủ nhà”.

- Tại đoạn 2 khoản 5, Điều 5, Nghị định số 127/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH 11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và Nghị Quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo trước ngày 01/7/1991 quy định như sau: “Trong trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất quy định tại khoản này là người được ủy quyền quản lý không hợp pháp, hoặc không có ủy quyền quản lý thì áp dụng khoản 3 điều 10 của Nghị quyết số 58/1998/NQ- UBTVQH10 để giải quyết”.

Theo khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20 tháng 08 năm 1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 quy định:

3.“Trong trường hợp trước khi đi vắng, nếu chủ sở hữu nhà ở không có uỷ quyền quản lý hợp pháp thì công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó; nếu không có những người nói trên, thì công nhận quyền sở hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30 năm trở lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực”.

Như đã khẳng định nguồn gốc nhà đất ở trên và bà C là người quản lý, sử dụng trên 30 năm liên tục, cấp sơ thẩm căn cứ vào các quy định nói trên để công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho bà C và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp quy định pháp luật; do đó, cần giữ nguyên phần này của bản án sơ thẩm.

Do không có căn cứ xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà đất số 303 L1 nên không có cơ sở đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Công ích Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm như đề nghị của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Xét yêu cầu tính công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế của bà L kể từ khi bà C chết cho đến nay, bà L yêu cầu được hưởng 1/10 giá trị di sản, Hội đồng xét xử xét thấy, bà L đã ở và trông coi di sản kể từ thời điểm bà C chết cho đến nay, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L, theo hưóng dẫn tại Án lệ số 05/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp này cần phải tính công sức đóng góp vào việc quản lý di sản, yêu cầu của bà L nhỏ hơn giá trị một phần kỷ phần thừa kế là hợp lý; do đó, chấp nhận yêu cầu của bà L, bà L được hưởng 1/10 giá trị di sản nhà đất 303 L1 trước khi chia thừa kế.

Về yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của nguyên đơn, như đã phân tích ở trên bà Tạ Thị C được công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì sau khi bà C chết tài sản nói trên là di sản thừa kế của bà C để lại. Cấp sơ thẩm đã nhận định hoàn toàn có cơ sở về di sản thừa kế cũng như những người thừa kế của bà C, thời điểm mở thừa kế của bà C năm 2009 có 3 người thừa kế là bà T, bà M và ông D nên cấp sơ thẩm chia thừa kế như án sơ thẩm đã tuyên là chính xác. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, do có phát sinh tình tiết mới người thừa kế là bà Tạ Thị M chết ngày 11/10/2018, như đã phân tích ở trên bà M không có chồng con, ông Tạ Quang S cũng không có cơ sở chấp nhận là con nuôi hợp pháp của bà M, cha mẹ bà M đã chết trước bà M, ông Tạ Quang D chết năm 2011 là trước thời điểm mở thừa kế của bà M ngày 11/10/2018, theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự thì ông D không phải là người thừa kế của bà M; do đó, những người con của ông D cũng không được hưởng thừa kế của bà M, xác định người thừa kế của bà M chỉ còn bà Tạ Thị T; do vậy, cần sửa án sơ thẩm xác định bà T được hưởng thừa kế của bà C và kỷ phần thừa kế bà M được hưởng từ bà C, các con ông Tạ Quang D (còn có tên khác là Tạ Đăng Z) được hưởng một kỷ phần thừa kế của bà C để lại. Sau khi trừ phần công sức quản lý di sản đã nêu trên, thì di sản thừa kế của bà C để lại còn 9/10 giá trị nhà đất 303 L1, bà T được hưởng 6/10, các con ông D được hưởng 3/10 giá trị nhà đất 303 L1.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn đề nghị nhận giá trị nhà đất bằng hiện kim, giao quyền ưu tiên nhận nhà cho các con ông D là bà L và các thừa kế của ông D, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Sau khi xét xử sơ thẩm phía nguyên đơn không kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bà L và các thừa kế của ông D đề nghị được nhận nhà, giao hiện kim theo giá trị vào thời điểm thi hành án cho bà T; Hội đồng xét xử xét bà L và các con ông D hiện đang trực tiếp quản lý di sản nên chấp nhận yêu cầu của bà L và các thừa kế của ông D, sau khi đồng thừa kế của ông D giao cho bà T 6/10 giá trị nhà đất 303 L1 vào thời điểm thi hành án thì đồng thừa kế của ông D được quyền liên hệ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Các đương sự thống nhất sử dụng Chứng thư thẩm định giá số 16/08-13/HĐCN-SG ngày 22/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá Hoàng Quân để giải quyết vụ án và không yêu cầu định giá lại; do đó, Hội đồng xét xử chấp thuận.

Từ những lập luận trên, xét nên chấp nhận đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 395/2018/DS-ST ngày 28/8/2018 của Tòa án nhân dân Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đã phân tích trên.

Về án phí: Bà Tạ Thị Phi L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 200.000 đồng, án phí có giá ngạch trên giá trị tính công sức quản lý di sản là 45.408.000 đồng. Các con ông D phải liên đới chịu án phí trên giá trị kỷ phần thừa kế được hưởng là 98.816.000 đồng. Cấp sơ thẩm xem xét miễn án phí cho bà T là phù hợp quy định pháp luật nên cần giữ nguyên.

Do sửa án sơ thẩm nên bà L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Vì các lẽ trên, - Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án,

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 395/2018/DS-ST ngày 28/8/2018 của Tòa án nhân dân Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh:

1- Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Xác định nhà đất tọa lạc tại số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu của bà Tạ Thị C.

2- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn: Xác định nhà đất tọa lạc tại số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh không thuộc quyền sở hữu của ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z).

3- Về di sản thừa kế: Xác định nhà đất tọa lạc tại số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản thừa kế của bà Tạ Thị C để lại.

- Xác định hàng thừa kế và những người hưởng thừa kế của bà Tạ Thị C gồm bà Tạ Thị T, Tạ Thị M và ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z).

- Những người thừa kế của ông Tạ Quang D là bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O và ông Tạ Quang S.

- Xác định người thừa kế của bà Tạ Thị M là bà Tạ Thị T.

Chấp nhận yêu cầu tính công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế của bà Tạ Thị Phi L, bà L được hưởng 1/10 giá trị nhà đất 303 đường L1, Phường N1 Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Di sản thừa kế của bà C để lại còn 9/10 giá trị nhà đất 303 đường L1, Phường N1 Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh, phân chia di sản thừa kế cho bà Tạ Thị T và ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z) như sau: bà T được hưởng 3/10 giá trị di sản của bà C và 3/10 giá trị di sản là kỷ phần thừa kế của bà M; ông D được hưởng 3/10 giá trị nhà đất số 303 đường L1, Phường N1, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:

Bà T được nhận bằng hiện kim số tiền tương đương 6/10 giá trị nhà đất 303 đường L1, Phường N1 Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm thi hành án.

Các con của ông Tạ Quang D (còn có tên là Tạ Đăng Z) bao gồm bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O và ông Tạ Quang S được hưởng 3/10 giá trị nhà đất nêu trên và được quyền ưu tiên nhận nhà đất để giao hiện kim như trên cho bà Tạ Thị T.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực mà bên phải thi hành là bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O và ông Tạ Quang S không giao đủ tiền cho bà Tạ Thị T theo giá trị kỷ phần được chia, thì bà T có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi căn nhà nêu trên để thi hành án.

4- Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm:

- Án phí không có giá ngạch: Bà Tạ Thị Phi L chịu án phí 200.000 (hai trăm nghìn) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã thu 200.000 đồng theo biên lai thu số 09379 ngày 03/12/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà L đã nộp đủ án phí không có giá ngạch.

- Án phí có giá ngạch:

Miễn toàn bộ án phí cho bà Tạ Thị T. Hoàn lại cho bà Tạ Thị T số tiền tạm ứng án phí 26.560.000 (Hai mươi sáu triệu năm trăm sáu mươi nghìn) đồng theo biên lai thu số 04503 ngày 28/4/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Tạ Thị Phi L chịu án phí có giá ngạch là 45.408.000 đồng (bốn mươi lăm triệu bốn trăm lẻ tám ngàn đồng).

Bà Tạ Thị Phi L, ông Tạ Quang N, ông Tạ Quang P, Bà Tạ Thanh Kiều Phi A, bà Tạ Thị Phi Q, ông Tạ Quang B, bà Tạ Thị Phi O và ông Tạ Quang S cùng liên đới chịu số tiền án phí là 98.816.000 đồng (chín mươi tám triệu tám trăm mười sáu ngàn đồng).

Án phí dân sự phúc thẩm: Bà L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn lại tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng) cho bà L theo Biên lại thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0016298 ngày 11/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

606
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 908/2019/DSPT ngày 14/10/2019 về tranh chấp thừa kế và tranh chấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất

Số hiệu:908/2019/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về