Bản án 87/2020/HS-PT ngày 19/11/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 87/2020/HS-PT NGÀY 19/11/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 19 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 70/2020/HSPT, ngày 16-10-2020, do có kháng cáo của bị cáo Phạm Thanh Đ và bị hại Châu Văn Đh đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2020/HS-ST, ngày 09-9-2020 của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị cáo kháng cáo: Phạm Thanh Đ; Sinh năm: 1976; Nơi sinh: Vĩnh Châu, Sóc Trăng; Nơi cư trú: Khóm L, phường K, thị xã V, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Nuôi tôm; Trình độ học vấn: 8/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Văn C (c) và bà Trần Thị P (c); Có vợ Nguyễn Thị Mỹ L và 02 người con (lớn sinh năm 2008, nhỏ sinh năm 2012); Tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 26-3-2020 đến nay. (có mặt) - Bị hại kháng cáo: Ông Châu Văn Đh; Sinh năm 1983; Nơi cư trú: Khóm T, phường K, thị xã V, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Ông Hoàng Văn Q – Luật sư Văn phòng Luật sư H, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng. Địa chỉ văn phòng: Số A, B, phườngC, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

- Những người tham gia tố tụng khác không liên quan đến kháng cáo Hội đồng xét xử không triệu tập gồm: Người có nghĩa quyền lợi, nghĩa vụ liên quan NLQ1 và NLQ2; người làm chứng: NLC1, NLC2, NLC3, NLC4.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 07 giờ 00 phút ngày 08-7-2019, bị cáo Phạm Thanh Đ điều khiển xe mô tô biển số 6248-14XX đi ngang quán cà phê của ông NLC3 thuộc Khóm L, phường K, thị xã V, tỉnh Sóc Trăng. Bị cáo Phạm Thanh Đ nhìn thấy NLQ1 và NLC1 đang ngồi trong quán, nên chửi thề và nói “Tôi đi lên đây xong rồi về tính sổ với ông”. Do có mâu thuẫn từ trước nên NLQ1 nghĩ là bị cáo Phạm Thanh Đ chửi NLQ1, NLQ1 mới điện thoại cho Châu Văn Đh và NLQ2 đến để đánh Đ. Khi đến trước nhà ông NLC2, NLQ1 hỏi bị cáo Đ: “Ông làm gì chửi tôi”, bị cáo Đ trả lời: “Tao không có chửi mầy, tao chửi thề với ông Cợt”. Lúc này, NLQ1 và bị cáo Phạm Thanh Đ cự cãi với nhau, bị hại Châu Văn Đh dùng tay đánh bị cáo Phạm Thanh Đ, NLQ1 và bị cáo Phạm Thanh Đ câu vật té xuống lộ trước nhà ông NLC2. Sau khi được ông NLC2 can ngăn thì hai bên nghỉ đánh và đều lên xe đi về. NLQ1, Đh và NLQ2 lên xe chạy trước, còn bị cáo Đ điều khiển xe chạy sau và chạy được một đoạn thì bị cáo vượt qua xe của NLQ1 và Đh.

Khi đến quán cà phê của ông NLC3, bị cáo Phạm Thanh Đ đi vào bên trong quán của ông NLC3 thì lúc này NLQ1, Đh và NLQ2 cũng vừa đến dừng xe, bước xuống đứng trước quán của ông NLC3. Bị cáo Phạm Thanh Đ nghĩ là NLQ1, Đh và NLQ2 đến đánh bị cáo Đnên bị cáo Đ mới lấy cây dao dài khoảng 36cm (cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại màu đen mũi bằng) để trên bàn bán hủ tiếu của nhà ông NLC3 chạy ra lộ chém một cái từ trên xuống, bị cáo Châu Văn Đh đưa tay lên đỡ trúng vào 02 ngón tay (ngón II và ngón III, ngón II đứt lìa) và trúng vào đùi phải bị thương, cây dao sút cán rơi xuống đất. Sau đó NLQ1, Đh và NLQ2 tiếp tục dùng tay chân đánh đạp và câu vật bị cáo Đ té ngã xuống đất thì được mọi người can ngăn nên giải tán không đánh nhau nữa. Bị hại Châu Văn Đh được gia đình đưa đến Bệnh viện điều trị vết thương; Còn bị cáo Phạm Thanh Đ cũng đến Bệnh viện đa khoa Vĩnh Châu điều trị thương tích.

Đến ngày 07-8-2019, bị hại Châu Văn Đh làm đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Phạm Thanh Đ đã gây thương tích cho mình; Ngày 18-7-2019, bị cáo Phạm Thanh Đ cũng có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với bị hại Châu Văn Đ, NLQ1 và NLQ2.

- Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 208/TgT-PY ngày 12-9-2019 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng kết luận thương tích của Châu Văn Đh là 11%, tổn thương do vật sắc gây nên.

- Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 207/TgT-PY ngày 12-9-2019 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng kết luận thương tích của Phạm Thanh Đ là 03%. Tổn thương sưng, đau, nề do vật tày gây nên;

Tổn thương gối phải không xác định được vật gây thương tích do giấy chứng nhận thương tích không mô tả rõ tính chất của tổn thương.

- Tại Bản kết luận giám định pháp y bổ sung về thương tích số: 298/TgT- PY ngày 09-12-2019 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng kết luận thương tích của Phạm Thanh Đ như sau: Tổn thương đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước gối phải, đã được phẫu thuật điều trị phục hồi tốt. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 13%. Không xác định được thời điểm xảy ra đứt dây chằng chéo trước gối phải trong hay sau vụ án; Tổn thương gối phải không xác định được vật gây thương tích do giấy chứng nhận thương tích không mô tả rõ tính chất của tổn thương.

* Tại Bản án sơ thẩm số 36/2020/HS-ST, ngày 09-9-2020 của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu, quyết định:

- Căn cứ vào: Điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- Tuyên bố bị cáo Phạm Thanh Đ, phạm tội “Cố ý gây thương tích” và xử phạt bị cáo Phạm Thanh Đ 01 (một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để chấp hành án.

- Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Các điều 357, 584, 585, 586, 587 và 590 của Bộ luật dân sự năm 2015:

+ Buộc bị cáo Phạm Thanh Đ có nghĩa vụ bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho bị hại Châu Văn Đh, tổng cộng: 22.312.000 đồng (hai mươi hai triệu, ba trăm mười hai nghìn đồng). Khấu trừ vào số tiền 7.000.000 đồng mà bị cáo Phạm Thanh Đ đã nộp theo Biên lai thu tiền số 000761, ngày 24-8-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Bị cáo Phạm Thanh Đ còn phải bồi thường tiếp số tiền còn lại là 15.312.000 đồng (Mười lăm triệu ba trăm mười hai nghìn đồng).

+ Buộc bị hại Châu Văn Đh và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan NLQ1, NLQ2 có nghĩa vụ bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho bị cáo Phạm Thanh Đ, tổng cộng: 8.731.000 đồng (Tám triệu bảy trăm ba mươi mốt nghìn đồng).

- Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

* Ngày 22-9-2020, bị cáo Phạm Thanh Đ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm hình phạt cho bị cáo và xin được hưởng án treo.

* Ngày 24-9-2020, bị hại Châu Văn Đh kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt cho bị cáo và tăng mức bồi thường thiệt hại với số tiền tổng cộng là 46.312.000 đồng.

* Tại phiên toà:

- Bị cáo Phạm Thanh Đ thừa nhận hành vi của bị cáo là có dùng dao chém bị hại Đh một dao vào tay, còn vết thương ở đùi của bị hại thì bị cáo không thừa nhận do bị cáo chỉ chém bị hại một dao, bị cáo bị oan. Do bị hại Châu Văn Đh và người liên quan NLQ1, NLQ2 đánh bị cáo nên bị cáo mới sợ mà dùng dao quơ trúng bị hại, bị cáo bị oan, nếu xử bị cáo thì cũng phải xử Châu Văn Đh, NLQ1 và NLQ2 vì họ đánh bị cáo làm đứt dây chằn chéo tỷ lệ thương tích là 13% và cho bị cáo được hưởng án treo.

- Bị hại Châu Văn Đh giữ nguyên kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng mức bồi thường thiệt hại lên số tiền là 46.312.000 đồng.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại trình bày trạnh luận và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị hại tăng án đối với bị cáo và tăng mức bồi thường về ngày công lao động cho bị hại.

- Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng giữ quyền công tố nhà nước trình bày quan điểm và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của bị hại về yêu cầu tăng hình phạt; và chấp một một phần kháng cáo của bị hại tăng một phần trách nhiệm dân sự cho bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Xét Đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Thanh Đ lập ngày 21-9-2020 và nộp cho Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu vào ngày 22-9-2020; Đơn kháng cáo của bị hại Châu Văn Đh nộp cho Tòa án thị xã Vĩnh Châu ngày 24-09-2020 là đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định của các điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo Phạm Thanh Đ và bị hại Châu Văn Đh.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi một phần kháng cáo là yêu cầu Hội đồng xét xử xem hành vi của phía bị hại đã gây thương tích cho bị cáo làm bị cáo đứt dây chằn chéo, bị cáo không gây ra vết thương ở đùi của bị hại, bị cáo bị oan và xin cho bị cáo được hưởng án treo. Xét thấy, việc thay đổi kháng cáo của bị cáo không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo nên Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 342 của Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận sự thay đổi kháng cáo của bị cáo.

[3] Xét về hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Thanh Đ như sau: Vào khoảng hơn 07 giờ sáng ngày 08-7-2019, xuất phát từ việc cự cãi và đánh nhau bằng tay trước nhà ông NLC2. Sau đó khi về đến trước nhà ông NLC3 để trình báo sự việc đánh nhau tại nhà ông NLC2 cho ông NLC1 biết vì ông NLC1 là Trưởng ban nhân dân khóm Lẫm Thiết. Khi đang báo với NLC1 bị cáo thấy bị hại Châu Văn Đh cùng ông NLQ1 và ông NLQ2 dừng xe trước nhà ông NLC3, do nghĩ là NLQ1, Đh và NLQ2 sẽ tiếp tục đánh bị cáo nên bị cáo Đ lấy cây dao trên bàn bán hủ tiếu của nhà ông NLC3 ra quơ và chém trúng bị hại Châu Văn Đh gây thương tích, bị cáo thừa nhận có chém bị hại một dao vào tay và cây dao rơi xuống đất. Bị cáo không thừa nhận vết thương ở đùi do bị cáo gây ra, bị cáo cũng thừa nhận tại thời điểm đánh nhau thì chỉ có một mình bị cáo cầm dao những người khác chỉ đánh bị cáo bằng tay, chân. Xét thấy, theo kết quả thực nghiệm điều tra, giấy chứng nhận thương tích, lời khai của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi liên quan, người làm chứng, cũng như các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ thì có đủ cơ sở xác định thương tích trên của bị hại là do bị cáo gây ra. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 208/TgT-PY ngày 12-9- 2019 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng đã kết luận tổng tỷ lệ thương tích của Châu Văn Đh là 11% và thương tích do vật sắc gây ra. Do vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã kết luận bị cáo Phạm Thanh Đ, phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, kháng cáo kêu oan của bị cáo là không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[4] Xét về kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Đ thì thấy rằng: Bị cáo bị xử phạt tù 01 năm tù, có 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Căn cứ hướng dẫn của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo. Tuy nhiên, thấy rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, loại tội phạm bị cáo phạm phải hiện nay có chiều hướng gia tăng ở địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự ở địa phương nên cần thiết phải xử lý tù giam để giáo dục và răn đe tội phạm, nhằm phục vụ chính trị ở địa phương, không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[5] Đối với yêu cầu của bị cáo về việc xử lý Châu Văn Đh, NLQ1 và NLQ2 đã gây thương tích làm bị cáo đứt dây chằng chéo với tỷ lệ 13%. Xét thấy, quá trình điều tra Cơ quan điều tra thị xã Vĩnh Châu chưa có căn cứ chứng minh thương tích 13% (đứt dây chằng chéo gối phải) là do Châu Văn Đh, NLQ1 và NLQ2 gây ra nên Cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở khởi tố vụ án và Tòa án cấp sơ thẩm kiến nghị cơ quan điều tra Công an thị xã Vĩnh Châu tiếp tục điều tra làm rõ đối với thương tích của bị cáo Phạm Thanh Đ bị đứt dây chằng chéo trước gối phải tỷ lệ 13% do ai gây ra? và nếu có căn cứ chứng minh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không đặt ra xem xét.

[6] Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo: Xét thấy, vụ việc xảy ra xuất phát do một phần lỗi của bị hại đã đánh bị cáo trước, sự việc xảy ra bản thân bị cáo cũng bị thương tích 3% và như phân tích trên thì thấy rằng mức án 01 năm tù mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là phù hợp tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo nhưng không cung cấp được tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mới, cũng như không chứng minh được các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là không đúng. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo của bị hại.

[7] Đối với kháng cáo của bị hại về tăng mức bồi thường thiệt hại. Xét thấy, bị hại bị thương tích 11% và bị hại yêu cầu về chi phí điều trị là 2.612.000 đồng; Tiền xe chuyển viện (đi và về) 200.000 đồng; Tiền công lao động cho người nuôi bệnh 10 ngày là 2.500.000 đồng và tiền tổn thất tinh thần 5.000.000 đồng. Cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu này của bị hại là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, bị cáo và bị hại không kháng cáo về khoản tiền này nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét. Riêng đối với ngày công lao động bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tiền công là 90 ngày với số tiền và 36.000.000 đồng. Về tiền công lao động của bị hại, tại phiên tòa sơ thẩm bị hai có cung cấp hợp đồng lao động với ông Trần Minh M ngày 01-6-2019 với tiền công mỗi tháng 12.000.000 đồng và công việc bị cáo thực hiện là lái máy xúc (máy ủi). Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại xác định bị hại không có chứng chỉ nghề, cũng như giấy tờ chứng minh bị cáo đủ điều kiện lái máy xúc; bị hại đồng ý mức bồi thường ngày công lao động mỗi ngày là 250.000 đồng, nhưng yêu cầu bồi thường cho bị hại 90 ngày công. Xét thấy, thương tích của bị hại bị đứt lìa ngón II trên bàn tay phải, bị hại điều trị tại bệnh viện 10 ngày thì xuất viện, cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường thêm 30 ngày công lao động để bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tổng cộng là 40 ngày. Sự việc xảy ra bị hại cũng có một phần lỗi là đã đánh bị cáo trước nên bị hại cũng phải chịu một phần trách nhiệm với thương tích của mình do bị cáo gây ra. Vì vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận ngày công lao động cho bị hại 30 ngày sau xuất viện là có căn cứ, đúng quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo tăng tiền bồi thường của bị hại.

[8] Đối với cách tuyên án ở phần quyết định, cấp sơ thẩm tuyên “Được khấu trừ vào số tiền 7.000.000 đồng mà bị cáo Phạm Thanh Đ đã nộp theo Biên lai thu tiền số 000761 ngày 24-8-2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Bị cáo Phạm Thanh Đ còn phải bồi thường tiếp số tiền còn lại là 15.312.000 đồng (Mười lăm triệu ba trăm mười hai nghìn đồng)” là chưa chính xác vì số tiền này trên thực tế bị cáo nộp để khắc phục cho bị hại nhưng bị hại chưa nhận và Cơ quan Thi hành án dân sự đang quản lý vẫn là tiền của bị cáo nên cần phải tuyên “Giao Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu tiếp tục quản lý số tiền 7.000.000 đồng của bị cáo đã nộp để bảo đảm thi hành án” thì mới phù hợp. Vì vậy cấp phúc thẩm điều chỉnh lại cách tuyên cho phù hợp với quy định pháp luật.

[9] Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần đề nghị của Kiểm sát viên, không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị cáo và bị hại, không chấp nhận đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

[10] Án phí phúc thẩm: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bị cáo Phạm Thanh Đ phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng. Bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

[11] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo kêu oan và xin hưởng án treo của bị cáo Phạm Thanh Đ.

Không chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường của bị hại Châu Văn Đh.

2. Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, e, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Phạm Thanh Đ 01 (một) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc bắt bị cáo để chấp hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Các Điều 357, 584, 585, 586, 587 và 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Buộc bị cáo Phạm Thanh Đ có nghĩa vụ bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho bị hại Châu Văn Đh là 22.312.000 đồng (Hai mươi hai triệu, ba trăm mười hai nghìn đồng).

- Giao Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quản lý số tiền 7.000.000 đồng mà bị cáo Phạm Thanh Đ đã nộp theo Biên lai thu tiền số 000761 ngày 24-8-2020 để đảm bảo thi hành án.

- Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bị hại Châu Văn Đ có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng bị cáo Phạm Thanh Đ còn phải trả lãi cho bị hại Châu Văn Đ theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, đối với số tiền chậm thi hành án.

4. Về án phí phúc thẩm:

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Buộc bị cáo Phạm Thanh Đ phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).

- Bị hại Châu Văn Đh không chịu án phí phúc thẩm.

5. Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

249
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 87/2020/HS-PT ngày 19/11/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:87/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về