Bản án 84/2019/HNGĐ-ST ngày 22/10/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và tranh chấp cấp dưỡng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 84/2019/HNGĐ-ST NGÀY 22/10/2019 VỀ TRANH CHẤP VỀ THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN VÀ TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG

Ngày 22 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số: 228/2019/TL T-HNGĐ ngày 24 tháng 7 năm 2019 về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và tranh chấp về cấp dưỡng, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 58/2019/QĐXXT-HNGĐ ngày 01 tháng 10 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Kiều Thị N, sinh năm 1982.

Đa chỉ thường trú: khu phố N, phường D, thị xã D, tỉnh Bình Dương; địa chỉ tạm trú: Tổ 3, Khu phố 8, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương. (có mặt)

2. Bị đơn: Ông Lê Đức D, sinh năm 1982.

Đa chỉ thường trú: khu dân cư P, Tổ 1, Khu phố 9, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; địa chỉ tạm trú: Tổ 3, Khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn trình bày:

Bà Kiều Thị N và ông Lê Đức D kết hôn năm 2006. Quá trình chung sống, bà N và ông D có hai người con chung là Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007 và Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010. Năm 2017, bà N và ông D đã giải quyết ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 34/2017/QĐ T-VDS ngày 29/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo nội dung Quyết định trên, bà N được quyền trực tiếp nuôi hai con chung, ông D có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 4.000.000 đồng/01 con. Tuy nhiên, ông D không thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con. Đến tháng 4/2018, bà N và ông D thống nhất thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con và được Tòa án giải quyết tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 170/2018/QĐ T-HNGĐ ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo đó, ông D được trực tiếp nuôi dưỡng hai con, bà N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.500.000 đồng/01 con.

Quá trình ông D nuôi con, bà N đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đầy đủ. Tuy nhiên, ông D luôn có hành vi gây khó dễ, cản trở việc bà N thăm nom, đưa con đi chơi, ngay cả những ngày lễ tết cũng không tạo điều kiện để bà N đưa con về ngoại. Ông D cũng không đảm bảo điều kiện nuôi con, không đảm bảo việc nuôi dạy con, cụ thể: Ông D không quan tâm chăm sóc con nên cháu Kiên học không tốt, học 10 môn thì phải thi lại 05 môn, phải học lại lớp 6, hai con đều nghiện game làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Hai con hiện nay quá mê chơi game, học hành sa sút, không muốn đi ra ngoài. Nhiều lần bà N đến thăm thì thấy ba cha con ông D mỗi người một chiếc điện thoại, hai con không muốn nói chuyện với mẹ vì bận chơi game. Tuy nhiên, ông D hoàn toàn không có sự nhắc nhở, khuyên bảo đối với hai con. Bà N có trao đổi với ông D về cách thức, phương pháp nuôi dạy con nhưng ông D không nghe mà có lời nói văng tục, mạt sát đối với bà N. Ông D nuôi dạy con theo hướng làm cho hai con nghĩ xấu về mẹ, không thương yêu mẹ. Khi bà N đến thăm hai con thì hai con cảm thấy bị mẹ làm phiền đến tự do của con, các con không muốn đi chơi cùng mẹ. Hiện tại ông D đang ở nhà thuê nên không đảm bảo việc nuôi dưỡng cả hai con. Công việc của ông D không ổn định nên không đảm bảo điều kiện về kinh tế để cùng lúc nuôi dạy hai con được tốt nhất. Ông D để cho hai con tự do chơi game mà không có sự quản lý, không có sự quan tâm đúng mức đến việc học tập, nghỉ ngơi của hai con. Việc để ông D tiếp tục nuôi cả hai con sẽ gây nên hậu quả xấu đối với sự phát triển bình thường của hai con. Vì vậy, để giảm bớt một phần gánh nặng cho ông D trong việc nuôi dạy con và tạo điều kiện cho hai con được sự chăm sóc tốt hơn thì bà N yêu cầu được trực tiếp nuôi một con.

Về điều kiện nuôi con của bà N: Hiện nay, bà N đang thuê nhà có nơi ở ổn định, khu nhà ở có sân chơi cho trẻ con. Bà N hiện đang làm nhân viên hành chính nhân sự tại Công ty kỹ nghệ gỗ Hoa Nét tại thị xã Bến Cát, thu nhập hàng tháng ổn định khoảng 17 triệu đồng. Về thời gian, bà N làm giờ hành chính (từ 07 giờ đến 16 giờ) nên có điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy con.

Do đó, bà N khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con chung là Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010, không yêu cầu ông Lê Đức D cấp dưỡng nuôi con. Trường hợp bà N được trực tiếp nuôi cháu Quang thì bà N yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng, không cấp dưỡng đối với con chung Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007. Trường hợp, Tòa án không giải quyết thay đổi người nuôi con theo yêu cầu của bà N thì bà N vẫn cấp dưỡng nuôi con đối với cháu Kiên theo mức đã thỏa thuận tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 170/2018/QĐ T-HNGĐ ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, với mức 1.500.000 đồng/tháng/con.

- Bị đơn trình bày:

Ông D thống nhất với lời trình bày của bà N về thời gian kết hôn, ly hôn, con chung, người trực tiếp nuôi con theo các quyết định của Tòa án. Ông D và bà N có hai con chung tên Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007 và Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010. Theo nội dung các quyết định của Tòa án thì ông D được quyền trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung, bà N phải cấp dưỡng nuôi con số tiền 1.500.000 đồng/tháng/01 con.

Quá trình trực tiếp nuôi con, ông D vẫn đảm bảo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng hai con, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho hai con. Về điều kiện nuôi con của ông D: Quá trình trực tiếp nuôi con từ tháng 3/2018 cho đến nay, ông D vẫn đảm bảo điều kiện cho sự phát triển tốt nhất cho hai con, các con hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh một lần nào, ông D cũng đảm bảo việc đưa đón con đi học đúng giờ. Hiện tại, cháu Kiên đang học lớp 6 trường Trung học cơ sở Phú Hòa, cháu Quang đang học trường Tiểu học Phú Hòa 3. Khi hai con nghỉ hè thì ông D tạo điều kiện cho hai con được vui chơi, giải trí. Việc cháu Kiên có sự sa sút học tập do hậu quả tâm lý sau khi hai vợ chồng ly hôn. Hiện nay, hai con đang có sự sinh hoạt, học tập ổn định nên việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của hai con. Ngoài ra, ông D có sự hỗ trợ của ông bà nội (đang sống gần nhà ông D) hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng hai con khi cần thiết. Ông D vẫn đảm bảo quyền thăm nom, chăm sóc, đưa con đi chơi của bà N. Hằng tuần, bà N vẫn đến thăm con ít nhất 03 lần, khi đến thăm con bà N hoàn toàn không báo trước, không thông qua ý kiến của ông D, đến thăm vào thời gian quá khuya làm ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cũng như việc kinh doanh của ông D. Nhiều lần bà N đưa con đi chơi nhưng bỏ quên con tại siêu thị, đi không cẩn thận gây tai nạn cho con. Khi bà N đến thăm con thì thường la mắng con, đe dọa sẽ tách hai con sống hai nơi khác nhau dẫn đến việc hai con không muốn gặp mẹ, không muốn đi chơi với mẹ. Bà N không thấu hiểu tâm lý hai con nên hai con không muốn tiếp xúc, đi chơi với bà N. Bà N thường đến thăm con vào giờ các cháu đang vui chơi, giải trí nên thấy các cháu sử dụng điện thoại và cho rằng ông D nuôi dạy con không tốt là không chính xác. Hiện tại, ông D đang thuê nhà với diện tích 80m2, ông D kinh doanh tại nhà có thu nhập ổn định nên có đủ điều kiện về kinh tế cũng như điều kiện về thời gian để chăm sóc cho hai con. Tuy nhiên, do ông D kinh doanh tự do, không kê khai báo cáo nên không thống kê được doanh thu, thu nhập cụ thể để cung cấp cho Tòa án. Ngoài ra, cháu Quang cũng có nguyện vọng được sống cùng với cha. Hiện nay, cha mẹ đã ly hôn, hai cháu đã thiếu thốn tình cảm nên việc tách riêng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bình thường của hai cháu.

Về điều kiện nuôi con của bà N: Hiện tại bà N thuê nhà ở trọ với diện tích nhỏ hẹp, tình hình các khu nhà trọ thường phức tạp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho bà N cũng như cho con cái. Bà N hiện đi làm công ty thường xuyên phải tăng ca, làm việc ngày thứ bảy (trong khi thứ bảy các con được nghỉ học) nên sẽ không đảm bảo thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con nếu bà N trực tiếp nuôi con. Bà N cũng hoàn toàn không có người thân nào khác để có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc cho các cháu nếu bà N trực tiếp nuôi con. Trước đây, bà N yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sang ông D với lý do bà N không có đủ điều kiện nuôi con, hiện nay điều kiện nuôi con của bà N vẫn giống như thời điểm đó, không có sự thay đổi gì khác.

Do đó, ông D không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của bà N.

Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn giữ nguyên quan điểm, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đi diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:

+ Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án đến khi khai mạc phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán, Thư ký đã tiến hành tố tụng đúng quy định của pháp luật. Vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định tại chương XIV về phiên tòa sơ thẩm. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình theo quy định tại các Điều 70, 71, 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kiểm sát viên không kiến nghị khắc phục gì thêm.

+ Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ đã được Hội đồng xét xử xem xét và kết quả tranh luận của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn bà Kiều Thị N khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với con chung Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010, không cấp dưỡng đối với con chung Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007. Đây là quan hệ tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và tranh chấp về cấp dưỡng. Tại thời điểm thụ lý, bị đơn ông D đang cư trú tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Do đó, căn cứ vào khoản 3, 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

[2] Về nội dung: Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, các đương sự đều thừa nhận: Bà Kiều Thị N và ông Lê Đức D kết hôn năm 2006. Quá trình chung sống, bà N và ông D có 02 người con chung tên Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007 và Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010. Năm 2017, bà N và ông D đã giải quyết ly hôn. Theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 170/2018/QĐ T-HNGĐ ngày 18/4/2018 của TAND thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông D được trực tiếp nuôi dưỡng 02 con, bà N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.500.000 đồng/01 con. Đây là tình tiết không cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.1] Về yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: Nguyên đơn cho rằng: Quá trình trực tiếp nuôi con, ông D luôn có hành vi gây khó dễ, cản trở việc bà N thăm nom, chăm sóc con chung. Ông D không đảm bảo điều kiện nuôi con, không đảm bảo việc nuôi dạy con, cụ thể: Ông D không có sự quản lý, quan tâm đúng mức đến việc học tập, nghỉ ngơi của hai con nên cháu Kiên học không tốt phải học lại lớp 6, hai con đều nghiện game làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Ông D nuôi dạy con theo hướng làm cho hai con nghĩ xấu về mẹ, không thương yêu mẹ. Hiện tại ông D đang ở nhà thuê, công việc của ông D không ổn định nên không đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho cả hai con. Việc để ông D tiếp tục nuôi cả hai con sẽ gây nên hậu quả xấu đối với sự phát triển bình thường của hai con. Do đó, bà N yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với con chung Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010. Bị đơn ông D thì cho rằng vẫn đảm bảo điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung cũng như đảm bảo quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung của bà N. Đồng thời, bà N không có đủ điều kiện về nơi ở cũng như thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con chung nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Xét thấy, theo quy định của pháp luật, việc chăm sóc, nuôi dạy con chung chưa thành niên là trách nhiệm và nghĩa vụ cũng là quyền lợi của cha mẹ, việc các bên đương sự tranh chấp nuôi con chung sau khi ly hôn cũng là xuất phát từ tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, việc giao cho ai là người trực tiếp nuôi con cần xét đến hoàn cảnh thực tế của mỗi bên sau khi ly hôn nhằm đảm bảo quyền lợi của con chung để con có điều kiện phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Xét về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung: Hiện tại, bà N và ông D đều đang có nơi ở ổn định, có điều kiện về thời gian để chăm sóc giáo dục con chung. Quá trình trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung từ tháng 4/2018 cho đến nay thể hiện ông D có sự quan tâm, chăm sóc chưa đúng mức đến việc học tập, nghỉ ngơi của hai con dẫn đến kết quả học tập của các cháu chưa được tốt. Ngoài ra, ông D cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh điều kiện về thu nhập của mình để có thể đảm bảo việc nuôi dưỡng hai con. Bà N đang có công việc với thu nhập ổn định khoảng 17 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc ông D một mình nuôi dưỡng và cùng lúc lo cho hai cháu ăn học sẽ không đảm bảo một cách tốt nhất cho sự phát triển của các cháu. Quyền và nghĩa vụ trực tiếp nuôi dạy con chung cần được chia sẻ để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cả cha, mẹ cũng như xem xét đến quyền lợi vật chất, tinh thần cho con. Do đó, việc bà N yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có cơ sở, phù hợp quy định tại Điều 81, 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cần giao cháu Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010 cho bà N trực tiếp nuôi dưỡng nhằm chia sẻ trách nhiệm nuôi con để ông D có điều kiện tốt hơn trong việc nuôi dưỡng cháu Kiên. Đối với việc cấp dưỡng nuôi con do bà N không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[2.2] Về yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng: Bà N yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng, không cấp dưỡng đối với con chung Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007. Theo phân tích ở trên, do bà N và ông D mỗi người trực tiếp nuôi dưỡng một con chung, ông D và bà N đều có đủ điều kiện nuôi con nên việc bà N yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng, không cấp dưỡng nuôi con đối với cháu Kiên là có cơ sở chấp nhận.

[3] Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Dầu Một là chưa phù hợp.

[4] Án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Ông Lê Đức D phải chịu số tiền 600.000 đồng.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 3, 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 91, Điều 92, Điều 147, Điều 235, Điều 266, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ các điều 81, 84 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Kiều Thị N về việc tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và tranh chấp về cấp dưỡng đối với bị đơn ông Lê Đức D.

1.1. Về con chung: Giao cho bà Kiều Thị N được quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu Lê Kiều Phú Q, sinh ngày 07/10/2010.

Vì lợi ích hợp pháp của con chung, khi đương sự có yêu cầu Tòa án có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con sau này nếu cần thiết. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Về cấp dưỡng nuôi con đối với cháu Lê Kiều Phú Q: Do đương sự không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

1.2. Bà Kiều Thị N không phải cấp dưỡng nuôi con đối với con chung Lê Kiều Phú K, sinh ngày 17/12/2007.

2. Về án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm: Ông Lê Đức D phải nộp số tiền 600.000 đồng (Sáu trăm ngàn đồng). Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Dầu Một hoàn trả cho bà Kiều Thị N số tiền 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0034242 ngày 15/7/2019.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Đương sự được quyền kháng cáo bản án này trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

310
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 84/2019/HNGĐ-ST ngày 22/10/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và tranh chấp cấp dưỡng

Số hiệu:84/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Dầu Một - Bình Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 22/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về