TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 84/2017/HS-PT NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 27 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 80/2017/HSPT ngày 06 - 9 - 2017 đối với bị cáo: Lê Ngọc D do có kháng cáo của người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 30/2017/HSST ngày 28 - 7 - 2017 của Toà án nhân dân huyện Đ.
Bị cáo bị kháng cáo: Lê Ngọc D, sinh năm 1985, tại tỉnh Khánh Hòa; nơi ĐKNHTT: Thôn H, xã C, thành phố C, tỉnh Khánh Hòa; chỗ ở hiện nay: Tổ 8, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê T và bà Đỗ Thị H; tại ngoại – Có mặt.
Người bị hại: Ông Phan Tấn T, sinh năm 1955; địa chỉ: Thôn 03, xã N, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tháng 6-2016 Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã N, huyện Đ có hợp đồng với ông Lê Văn T (là chủ thầu xây dựng) làm đường bê tông nông thôn tại thôn 7, xã N. Quá trình xây dựng UBND xã N đã thuê bãi đất trống của ông Phan Tấn T tại thôn 3, xã N làm nơi để vật liệu và trộn bê tông. Ngày 08-11-2016, trong lúc Lê Ngọc D và một số công nhân đang trộn bê tông thì ông T đến và yêu cầu D dùng xe chở bê tông đến nhà ông T xây cột hàng rào nhưng D không đồng ý và nói với ông T để đến chiều khi chở cho các hộ dân xong D sẽ chở bê tông cho ông T, ông T không đồng ý và nói với D nếu không cho thì không được làm trên phần đất của gia đình ông T nữa. Ông T vào nhà của anh M cắt cầu giao điện, không cho công nhân bơm nước để trộn bê tông rồi đi về nhà. Sau đó, D cùng một số công nhân khác đến nhà ông Q xin nước để trộn bê tông thì ông Q đồng ý. Đến khoảng 08 giờ cùng ngày ông T đến ngăn cản và kéo ống dẫn nước, không cho số công nhân kéo sang nhà ông Q để bơm nước thì D từ trên xe trộn bê tông nhảy xuống giằng co ống dẫn nước với ông T, trong lúc giằng co D cúi xuống đất nhặt 01 đoạn cây cao su khô dài 79,5cm, đường kính 5,2cm đánh vào người ông T, ông T giơ tay trái lên đỡ thì bị D đánh trúng vào vùng cánh tay trái làm gãy xương trụ trái, cây cao su khô bị gãy làm 02 đoạn; D tiếp tục dùng đoạn cây cao su còn lại đánh vào vùng bàn tay phải của ông T một cái gây trật khớp đốt I, II ngón 4 tay phải. Sau đó được mọi người đến can ngăn nên D bỏ về lán trại, ông T được đưa đi cấp cứu.
Tại Bản kết luận giám định pháp y số: 16/TgT ngày 05-12-2016 của Trung tâm giám định pháp y – Sở Y tế tỉnh Đắk Nông kết luận: Ông Phan Tấn T bị gãy kín 1/3 giữa xương trụ trái, đã thẳng trục, tỷ lệ 08%; sẹo vết thương phần mềm số lượng ít, kích thước trung bình, tỷ lệ: 3,68%; trật khớp đốt I, II ngón 4 tay phải, tỷ lệ 0%. Tổng tỷ lệ thương tật 11,68%, làm tròn 12%.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 30/2017/HSST ngày 28-7-2017 của Toà án nhân dân huyện Đ đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Lê Ngọc D phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 60, xử phạt Lê Ngọc D 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách 05 năm và buộc Lê Ngọc D bồi thường cho người bị hại số tiền 33.014.000 đồng. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 07-8-2017, người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng bồi thường trách nhiệm dân sự đối với bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như tại Cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo thừa nhận Tòa án nhân dân huyện Đ xử phạt các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là đúng, không oan.
Người bị hại cho rằng mức bồi thường mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo bồi thường cho bị hại là chưa tường xứng với thiệt hại mà bị cáo gây ra, mặt khác mức hình phạt đối với bị cáo mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là quá nhẹ, do đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không cho bị cáo hưởng án treo mà phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo và tăng mức bồi thường cho bị hại.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, không chấp nhận kháng cáo của người bị hại Phan Tấn T và giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 30/2017/HSST ngày 28-7-2017 của Toà án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đăk Nông.
Bị cáo không bào chữa, tranh luận, đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo như bản án sơ thẩm đã tuyên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Bản án hình sự sơ thẩm số: 30/2017/HSST ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Đ đã kết án bị cáo Lê Ngọc D về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
[2]. Xét nội dung kháng cáo của người bị hại:
2.1. Về nội dung kháng cáo người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo Lê Ngọc D; bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự và mức hình phạt đối với bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội bị cáo đã gây ra. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại thay đổi nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không cho bị cáo hưởng án treo mà phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo là làm xấu hơn tình trạng của bị cáo nên Hội đồng xét xử không chấp nhận việc thay đổi nội dung kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 238 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
2.2. Xét kháng cáo của người bị hại đề nghị tăng phần bồi thường trách nhiệm dân sự: Người bị hại Phan Tấn T có đơn yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổng số tiền là 82.860.000 đồng, tuy nhiên Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ các chi phí hợp lý cho người bị hại số tiền 33.014.000 đồng là phù hợp, đúng pháp luật. Tại phiên toà phúc thẩm, người bị hại không cung cấp thêm được hoá đơn, chứng từ hợp lý liên quan đến việc bồi thường. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người bị hại về tăng phần bồi thường trách nhiệm dân sự.
[3]. Về án phí: Người bị hại Phan Tấn T không phải chịu án phí theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án.
Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng Hình sự,
Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại Phan Tấn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt và trách nhiệm dân sự.
Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Lê Ngọc D 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”, thời gian thử thách 05 (Năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông theo dõi, giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc theo dõi, giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án Hình sự.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 590 của Bộ luật Dân sự:
Buộc bị cáo Lê Ngọc D phải bồi thường cho người bị hại Phan Tấn T số tiền 33.014.000đ được khấu trừ số tiền 12.406.000đ bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại. Bị cáo còn phải bồi thường số tiền 20.608.000đ (Hai mươi triệu sáu trăm lẻ tám nghìn đồng) cho người bị hại Phan Tấn T.
Kể từ ngày ông Phan Tấn T có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bị cáo Lê Ngọc D còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 84/2017/HS-PT ngày 27/09/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 84/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về