Bản án 80/2019/HS-PT ngày 04/04/2019 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 80/2019/HS-PT NGÀY 04/04/2019 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Vào ngày 04 tháng 04 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 17/TLPT-HS ngày 03 tháng 12 năm 2018 đối với bị cáo: LÊ VĂN T và đồng phạm về tội “Hủy hoại rừng”. Do có kháng cáo, kháng nghị đối với Bản án Hình sự sơ thẩm số 49/2018/HS-ST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Bị cáo có kháng nghị, kháng cáo:

1. LÊ VĂN T, sinh năm 1962 tại Bình Định; nơi cư trú: tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh tổng hợp T; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Văn T (không rõ năm sinh, nơi ở) và bà Nguyễn Thị T, sinh năm: 1942; vợ: Nguyễn Thị C, sinh năm: 1962 và 04 con; tiền án, tiền sự: không; bắt, tạm giam ngày: 09.10.2017, có mặt.

2. NGUYỄN VĂN R, sinh năm 1975 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Lái xe ô tô; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn R, sinh năm: 1950 và bà Ngô Thị T, sinh năm: 1954; vợ: Nguyễn Thị H, sinh năm: 1978 và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bắt, tạm giam ngày: 20.9.2017, có mặt.

3. LÊ HỒNG Đ, sinh năm 1977 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Văn A, sinh năm: 1944 và bà Phạm Thị T, sinh năm: 1952; vợ: Trần Thị Lệ H, sinh năm: 1987 và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bắt, tạm giam ngày: 09.10.2017, có mặt.

4. LÊ XUÂN H1, sinh năm 1986 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lê Hữu T, sinh năm: 1952 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm: 1954; chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bắt, tạm giam ngày: 20.10.2017, có mặt.

5. VÕ D, sinh năm 1949 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Võ M (chết) và bà Nguyễn Thị S (chết); vợ: Trần Thị Ánh T, sinh năm: 1956 và 01 con; tiền án, tiền sự: không, có mặt.

6. VĂN NGỌC T1, sinh năm 1969 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Văn Ngọc Đ, sinh năm: 1926 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm: 1939; vợ: Nguyễn Thị T, sinh năm: 1972 và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bắt, tạm giam ngày: 20.10.2017, có mặt.

7. NGUYỄN C, sinh năm 1964 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn G (chết) và bà Nguyễn Thị M (chết); vợ: Nguyễn Thị Đ, (chết) và 03 con; tiền án, tiền sự: không, có mặt.

8. NGUYỄN NGUYÊN T2, sinh năm 1984 tại H, Bình Định; nơi cư trú: thôn An Hội, xã H, huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa:10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn T, sinh năm: 1953 và bà Trần Thị T (chết); chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không, có mặt.

9. PHAN D1, sinh năm 1960 tại H, Bình Định; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Nông; trình độ văn hóa: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phan T (chết) và bà Nguyễn Thị S (chết); vợ: Ngô Thị H, sinh năm: 1963 và 05 con; tiền án, tiền sự: không, có mặt.

2. Những người tham gia tố tụng khác:

* Bị hại: UBND xã A, huyện A, tỉnh Bình Định

- Đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Văn C – Chủ tịch UBND xã A, huyện A, tỉnh Bình Định.

- Người được ủy quyền: Ông Đinh Văn T, sinh năm: 1980 – Phó chủ tịch UBND xã A, huyện A, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

* Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Hồ Thị Thùy L, sinh năm 1971; nơi cư trú: Bình Định; Tổng giám đốc

Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp T, Giám đốc Nhà máy dăm gỗ T.

+ Người được ủy quyền: Bà Trần Hồng T, sinh ngày 20/5/1989; nơi cư trú: tỉnh Phú Thọ; có mặt.

2. Ông Đoàn X, sinh năm 1958; nơi cư trú: huyện H, tỉnh Bình Định (Nguyên Quản đốc phân xưởng xẻ gỗ của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp T đặt tại Nhà máy dăm gỗ T), có mặt.

3. Ông Lê Đức T2, sinh năm: 1992; Nơi cư trú: H, Bình Định (Nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp T), có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo:

- Ông Nguyễn Duy D- Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà nội, hoạt động tại Công ty luật D bào chữa cho bị cáo LÊ VĂN T theo yêu cầu của bị cáo, có mặt.

- Ông Bùi Văn P – Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, hoạt động tại Văn phòng Luật sư P bào chữa cho bị cáo NGUYỄN VĂN R theo yêu cầu của gia đình bị cáo, vắng mặt.

-Ông Trịnh Đức D – Luật sư Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động tại Công ty luật TNHH M bào chữa cho bị cáo NGUYỄN NGUYÊN T2 theo yêu cầu của bị cáo, có mặt.

- Ông Nguyễn Hữu H – Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động tại Công ty Luật TNHH MTV Luật Việt N bào chữa cho bị cáo LÊ XUÂN H1 theo yêu cầu của gia đình bị cáo, có mặt.

- Bà Phạm Thị H - Luật sư Công ty luật TNHH M, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo NGUYỄN NGUYÊN T2 theo yêu cầu của bị cáo, có mặt.

* Người tham gia tố tụng khác:

- Người làm chứng:

1. Ông Nguyễn Thanh H – sinh năm: 1981, vắng mặt.

2. Ông Nguyễn Trọng T3, vắng mặt.

3. Ông Huỳnh Văn T4, vắng mặt.

4. Ông Nguyễn Hữu Đ, vắng mặt.

5. Ông Võ Đức T5, vắng mặt.

6. Ông Nguyễn Văn T6, vắng mặt.

7. Ông Đỗ Thế Đ, vắng mặt.

8. Ông Trần Thế Q, vắng mặt.

9. Ông Võ Hồng V- sinh năm 1980, vắng mặt.

10. Nguyễn Thanh P, có mặt.

11. Ông Đỗ Hữu M, vắng mặt.

12. Ông Nguyễn Xuân H, vắng mặt.

* Đại diện cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định: Vắng mặt;

* Ông Nguyễn Xuân D, Đội 5-PC46 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định có đơn xin vắng mặt.

* Đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Định: Ông Huỳnh Ngọc B – Phó Chi cục trưởng - Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Định, có mặt.

* Ông Huỳnh Công L, Trưởng phòng pháp chế - Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Định, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 01/09/2017, Hạt kiểm lâm huyện A, tỉnh Bình Định phối hợp UBND xã A, huyện A kiểm tra rừng phát hiện tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 thuộc xã A, huyện A (có tục danh là đất Hoành) bị chặt phá. Theo kết quả kiểm tra, đo đạc thực tế tại hiện trường, ngày 15/09/2017 Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh Bình Định xác định có 08 vị trí rừng bị phá tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 xã A, huyện A với tổng diện tích 60,90 ha, trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.195,40 m3; ngoài ra, Trung tâm còn xác định tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 còn có 01 khu vực rừng đã bị phá được ghi nhận trên Bản đồ ngày 15/09/2017 là “Keo 01 năm tuổi” (chưa đo đạc xác định diện tích, trữ lượng rừng bị thiệt hại). Cùng ngày 15/09/2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định để điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 25/10/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định tiếp tục có Quyết định trưng cầu giám định số 185, trưng cầu Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp Nông thôn tỉnh Bình Định giám định tách phần diện tích của 02 khu vực rừng tại vị trí c-TXB/15.00 thuộc khoảnh 7 tiểu khu 1 (do liên quan đến 02 nhóm đối tượng phá rừng) và giám định bổ sung diện tích, trữ lượng rừng bị thiệt hại đối với khu vực rừng đã trồng keo 01 năm tuổi tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1. Ngày 30/11/2017, Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn tỉnh Bình Định có Thông báo số 189/TB-TTQH thông báo kết quả giám định thiệt hại về rừng (kèm theo Bản đồ đo đạc diện tích thiệt hại về rừng) xác định: Tổng diện tích rừng đã bị phá tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 xã A, huyện A là 64,18 ha, trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20 m3, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là là 4.792.800.600 đồng, gồm 12 vị trí theo các ký hiệu:

- Tại khoảnh 7 tiểu khu 1 với diện tích 25,87 ha, trữ lượng rừng 2.602,50 m3 gồm 06 vị trí:

+ a-TXB/1,71 (diện tích 1,71 ha, trữ lượng rừng 172,00 m3)

+ b-TXB/4,12 (diện tích 4,12 ha, trữ lượng rừng 414,50 m3)

+ c1-TXB/13,69 (diện tích 13,69 ha, trữ lượng rừng 1.377,20 m3)

+ c2-TXB/1.31 (diện tích 1,31 ha, trữ lượng rừng 131,80 m3)

+ d-TXB/1.85 (diện tích 1,85 ha, trữ lượng rừng 186,10 m3)

+ e-TXB/3.19 (diện tích 3,19 ha, trữ lượng rừng 320,90 m3)

- Tại khoảnh 8 tiểu khu 1 với diện tích 38,31 ha, trữ lượng rừng 2.919,70 m3 gồm 06 vị trí:

+ a-TXN/18.53 (diện tích 18,53 ha, trữ lượng rừng 1.610,30 m3)

+ b-TXN/0.39 (diện tích 0,39 ha, trữ lượng rừng 25,80 m3)

+ c-TXN/0.30 (diện tích 0,30 ha, trữ lượng rừng 19,90 m3),

+ d-TXN/19.00 (diện tích 19,00 ha, trữ lượng rừng 1.257,80 m3)

+ e-TXN/0.04 (diện tích 0,04 ha, trữ lượng rừng 2,60 m3)

+ g-TXN/0.05 (diện tích 0,05 ha, trữ lượng rừng 3,30 m3).

Quá trình điều tra, đã xác định được 03 nhóm và 01 cá nhân đã thực hiện việc phá rừng, cụ thể:

1 . Đối với nhóm LÊ VĂN T và NGUYỄN VĂN R:

Từ tháng 04/2013, LÊ VĂN T - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh tổng hợp T, lập hồ sơ đề nghị UBND xã A và UBND huyện A xin được thuê đất lâm nghiệp tại khoảnh 8 thuộc tiểu khu 1 xã A, huyện A với mục đích trồng keo. Mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng do thấy các đối tượng ở xã H, huyện H cũng đến khu vực này lấn chiếm phát rừng trồng keo, nên T đã cho người rong biên chiếm giữ trước ở 02 khu vực rừng tại khoảnh 8 tiểu khu 1 (theo 02 ký hiệu a-TXN/18.53 và d-TXN/19.00). Đến khoảng tháng 07/2015, T đã thuê PHAN D1 ở lán trại của Công ty tại rừng để bảo vệ 02 khu vực nói trên với mục đích không cho các đối tượng khác chiếm đất. Đến đầu tháng 07/2017, cũng vì thấy các đối tượng ở xã H, huyện H lên rừng tổ chức phá rừng trồng keo nên T đã chỉ đạo cho NGUYỄN VĂN R - Đội trưởng Đội xe máy của Công ty T triển khai việc phát rừng trồng keo cho Công ty tại đây. R đã thuê mướn nhân công để thực hiện việc phá 02 khu vực rừng trên, như sau:

+ Đối với khu vực rừng ký hiệu d-TXN/19.00 diện tích 19,00 ha: Từ tháng 07/2017, R đã liên hệ với Đỗ Thanh B (ở huyện B, tỉnh Quảng Ngãi) thuê nhân công là người dân tộc ở huyện B phát dọn, cưa hạ cây rừng, sau đó R tiếp tục thuê Nguyễn Văn T6 gọi thêm nhân công tiếp tục phát dọn, cưa hạ và đốt cây rừng; để lấy đất trồng keo, R liên hệ Trần Thế Q (cũng ở huyện B, tỉnh Quảng Ngãi) thuê nhân công người dân tộc ở B vào trồng keo cho Công ty tại một số vị trí ở trên khu vực này. Việc chi trả tiền nhân công trồng rừng, khai thác rừng của Công ty T do Lê Đức T2 thực hiện theo cách: T2 có mặt tại các hiện trường trồng rừng, khai thác rừng để theo dõi, chấm công nhân công rồi trực tiếp ứng tiền tại Công ty để chi trả cho nhân công. Tuy nhiên, tại thời điểm này T2 đang theo dõi hoạt động khai thác rừng keo của Công ty tại thôn L, xã H, huyện H nên việc theo dõi nhân công là do R và D1 thực hiện; để thanh toán tiền cho nhân công, R trực tiếp gọi điện thoại báo cho T2 biết về số nhân công và số tiền công phải trả; sau đó, T2 ứng tiền từ bộ phận kế toán Công ty để đưa trực tiếp cho R, hoặc có lúc gửi tiền tại quầy Lễ tân của Khách sạn L thuộc Công ty tại xã T, huyện H để R đến nhận về chi trả cho nhân công.

Sau khi chặt, đốt dọn cây rừng tại khu vực này, còn lại một số gỗ và củi lớn không cháy hết, theo chỉ đạo của T, R đã điều động các lái xe gồm: Võ Hồng V, Nguyễn Thanh P, Đỗ Hữu M điều khiển 02 xe ô tô tải ben biển kiểm soát 77H- 8892, 76C-00611 của Công ty nhiều lần đến rừng chở gỗ, củi đưa về xưởng cưa của Nhà máy dăm gỗ Tường Sơn thuộc Công ty T; trong đó củi thì đổ tại bãi đất trống của nhà máy, còn gỗ được cưa xẻ thành ván nhỏ để tại xưởng cưa. Ngày 11/09/2017, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng - Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã kiểm tra tại Nhà máy Dăm gỗ T và đã phát hiện, thu giữ toàn bộ số gỗ, củi này. Qua kiểm tra đo đếm, xác định gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII có khối lượng 26,623 m3, củi có khối lượng 28 ster, (hiện đã được Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCC - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định tạm giữ chuyển sang Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định quản lý chờ xử lý).

+ Đối với khu vực rừng ký hiệu a-TXN/18.53 diện tích 18,53 ha: Từ ngày 12/08/2017, R thuê Nguyễn Xuân H gọi thêm 11 người nữa đến để phát dọn, cưa hạ cây rừng. Đến ngày 22/08/2017, sau khi đã phát dọn thực bì xong, H đề nghị R thanh toán tiền công, R cũng điện thoại báo cho T2 và T2 ứng tiền từ kế toán Công ty giao cho R trực tiếp trả cho H, sau đó H tiếp tục thực hiện cưa hạ toàn bộ cây rừng tại khu vực rừng này. Đến đầu tháng 09/2017, khi thấy Cơ quan Kiểm lâm phát hiện sự việc phá rừng tại đây, nhóm của H dừng lại không làm nữa nên số cây rừng này chưa bị đốt dọn. Đến ngày 09/09/2017, H gọi điện yêu cầu R trả tiền công cưa hạ cây, R cũng điện thoại báo cho T2, T2 nói H đến Khách sạn L nhận tiền.

Như vậy, từ tháng 7 đến tháng 9/2017 LÊ VĂN T đã chỉ đạo NGUYỄN VĂN R thuê nhân công phá rừng tại hai khu vực nói trên với tổng diện tích 37,53 ha, chức năng rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại 2.868,10 m3. Theo kết quả định giá ngày 29/03/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định thì giá trị rừng bị thiệt hại do T, R gây ra là 1.942.177.500 đồng.

2. Nhóm LÊ HỒNG Đ, LÊ XUÂN H1, NGUYỄN NGUYÊN T2, VÕ D:

Vào năm 2013, nghe thông tin có dự án nông trại chăn nuôi bò sữa sẽ thực hiện tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu 1 xã A, huyện A; đồng thời, biết được Công ty T đang làm thủ tục xin thuê đất trồng keo tại đây, nên Đ, H1 và T2 bàn nhau đến khu vực này phá rừng chiếm đất trồng keo, sau này nếu dự án nông trại chăn nuôi bò sữa được triển khai thì cả nhóm sẽ được bồi thường tiền, nếu không được thì cũng có đất để trồng keo; do đó, Đ, H1, T2 cùng đến khoảnh 7, khoảnh 8 tiểu khu 1 để rong biên chiếm rừng. Đến khoảng tháng 7/2015, Đ, H1, T2 đến phát rừng trồng keo và gặp VĂN NGỌC T1, NGUYỄN C, PHAN D1 cũng muốn chiếm rừng trồng keo. T1, C và D1 đề nghị nhóm của Đ chia lại một phần rừng đã chiếm; vì là người địa phương nên nhóm Đ đồng ý và chia rừng cho T1, C và D1 một phần diện tích rừng bị chiếm, chỉ còn giữ lại 02 khu vực rừng theo ký hiệu b-TXB/4.12 (diện tích 4,12 ha) và c1-TXB/13.69 (diện tích 13,69 ha) thuộc khoảnh 7 tiểu khu 1.

Sau đó Đ, H1, T2 cùng góp tiền để chi phí phát dọn thực bì và thuê thêm Cao Văn Đ1, Nguyễn Văn K tiến hành cưa hạ cây rừng tại khu vực rừng ký hiệu b- TXB/4.12; sau khi chặt phá toàn bộ cây rừng tại khu vực này, thì T2 xảy ra mâu thuẫn với Đ, H1 nên T2 bỏ về, chỉ còn lại Đ và H1 tiếp tục đốt cây rừng, trồng keo; sau đó Đ bị tai nạn giao thông nên cả nhóm dừng lại không làm nữa, số cây keo đã trồng không ai trông coi nên bị gia súc của dân thả rong hủy hoại.

Đầu năm 2017, VÕ D biết T2 mâu thuẫn với Đ, H1 và không cùng làm chung với nhau nữa nên gặp và đề nghị T2 chuyển nhượng lại phần diện tích rừng đã phá của T2 sang cho D với giá 15.000.000 đồng (có lập Giấy bán đất rẫy do T2 ký) để D tham gia làm chung với Đ, H1. Đến tháng 05/2017, khi thấy người dân địa phương lên phá rừng lấy đất trồng keo, Đ và H1 lên phát dọn lại khu vực rừng ký hiệu b-TXB/4.12 nói trên mục đích để trồng lại keo con, riêng D lớn tuổi không đi mà góp 15.000.000 đồng cho Đ, H1 để chi phí phát rừng. Đến tháng 8/2017, Đ, H1 đã thuê thêm Đ1, K,V (ở xã H) cùng phát dọn thực bì, cưa hạ toàn bộ cây rừng tại khu vực ký hiệu c1-TXB/13.69, nhưng chưa đốt thì bị phát hiện.

Như vậy, từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2017, LÊ HỒNG Đ, LÊ XUÂN H1, NGUYỄN NGUYÊN T2 và VÕ D đã phá rừng với tổng diện tích 17,81 ha, chức năng rừng phòng hộ, trữ lượng rừng bị thiệt hại 1.791,70 m3. Theo kết quả định giá ngày 29/03/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định thì giá trị rừng bị thiệt hại do Đ, H1, T2 gây ra là 1.934.700.300 đồng (trong đó vị trí b-TXB/4,12 bị thiệt hại 447.555.600 đồng; vị trí c1-TXB/13,69 bị thiệt hại 1.487.144.700 đồng).

3. Nhóm VĂN NGỌC T1, NGUYỄN C:

Khoảng tháng 7/2015, VĂN NGỌC T1 và NGUYỄN C phát hiện nhóm Đ, H1, T2 đến phát rừng trồng keo; đồng thời biết được Công ty T cũng đã rong biên chiếm rừng, nên T1 và C bàn nhau đến gặp nhóm của Đ đề nghị nhường lại cho T1, C một phần diện tích rừng đã chiếm để làm riêng. Vì là người cùng địa phương, nên nhóm Đ đồng ý và nhường lại một phần rừng cho T1, C rong biên chiếm giữ với tổng diện tích 6,99 ha, gồm các vị trí:

+ Trên khoảnh 7 tiểu khu 1 gồm các ký hiệu: e-TXB/3.19, a-TXB/1.71, c2- TXB/1.31, tổng diện tích 6,21 ha, chức năng rừng phòng hộ.

+ Trên khoảnh 8 tiểu khu 1 gồm các ký hiệu: b-TXN/0.39, c-TXN/0.30, e- TXN/0.04, g-TXN/0.05, tổng diện tích 0,78 ha, chức năng rừng sản xuất.

Đến tháng 8/2016 T1, C cùng góp tiền và thuê Nguyễn Văn T6 (ở xã H, huyện H) cùng một số người dân do Thủy gọi thêm lên rừng phát dọn thực bì, cưa hạ, đốt dọn và đã trồng keo tại 01 khu vực rừng gồm 03 vị trí: e-TXB/3.19, e- TXN/0.04 và g-TXN/0.05 với tổng diện tích 3,28 ha (trên Bản đồ đo đạc ngày 15/09/2017 của Trung tâm Quy hoạch nông nghệp nông thôn tỉnh Bình Định thể hiện là khu vực keo 01 năm tuổi). Từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017, T1 và C tiếp tục thuê nhóm Thủy phát dọn thực bì, cưa hạ, đốt dọn cây rừng để trồng keo tại 04 khu vực còn lại gồm các vị trí: a-TXB/1.71, c2-TXB/1.31, b-TXN/0.39 và c- TXN/0.30 với tổng diện tích 3,71 ha, khi đang làm thì bị phát hiện.

Như vậy, từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2017, VĂN NGỌC T1 và NGUYỄN C đã phá rừng với tổng diện tích 6,99 ha (chức năng rừng phòng hộ 6,21 ha, chức năng rừng sản xuất 0,78 ha), trữ lượng rừng bị thiệt hại 676,30 m3. Theo kết quả định giá ngày 29/03/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định thì giá trị rừng bị thiệt hại do T1, C gây ra là 714.957.300 đồng.

4 . Đối với cá nhân PHAN D1: Từ năm 2015, PHAN D1 được LÊ VĂN T - Tổng giám đốc Công ty T thuê làm nhân viên bảo vệ (không có hợp đồng lao động), được giao nhiệm vụ ở lại rừng bảo vệ 02 khu vực rừng ký hiệu a- TXN/18.53 và d-TXN/19.00 tại khoảnh 8 tiểu khu 1 mà Công ty T đã rong biên chiếm giữ từ năm 2013. Trong thời gian bảo vệ, D1 thấy nhóm của Đ lên phát rừng trồng keo nên đã đề nghị nhóm Đ nhường lại cho D1 một phần diện tích rừng để làm riêng. Vì là người cùng địa phương nên nhóm Đ đồng ý nhường lại cho D1 01 khu vực rừng với ký hiệu d-TXB/1.85 diện tích 1,85 ha thuộc khoảnh 7 tiểu khu 1 để D1 rong biên chiếm giữ. Từ tháng 4/2017 đến tháng 8/2017, D1 tự phát thực bì, cưa hạ, đốt dọn cây rừng tại khu vực này với mục đích lấy đất trồng keo, nhưng chưa kịp trồng keo thì bị phát hiện.

Như vậy, từ tháng 4 đến tháng 8/2017, PHAN D1 đã phá rừng với diện tích1,85 ha, chức năng rừng phòng hộ, trữ lượng rừng bị thiệt hại 186,10 m3. Theo kết quả định giá ngày 29/03/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định thì giá trị rừng bị thiệt hại do D1 gây ra là 200.965.500 đồng.

Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả như sau:

- Bị cáo LÊ VĂN T đã nộp 500.000.000đ

- Bị cáo NGUYỄN NGUYÊN T2 đã nộp: 70.000.000đ

- Bị cáo LÊ HỒNG Đ đã nộp: 20.000.000đ.

- Bị cáo VÕ D đã nộp: 20.000.000đ

- Bị cáo NGUYỄN C đã nộp: 20.000.000đ

- Bị cáo NGUYỄN VĂN R đã nộp: 4.000.000đ.

- Bị cáo LÊ XUÂN H1 đã nộp: 10.000.000đ

Tại bản cáo trạng số 40/CT-VKS ngày 04/7/2018 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã truy tố các bị cáo LÊ VĂN T, NGUYỄN VĂN R về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 189 BLHS 1999, các bị cáo LÊ HỒNG Đ, LÊ XUÂN H1, VÕ D, VĂN NGỌC T1, NGUYỄN C, NGUYỄN NGUYÊN T2, PHAN D1 về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 189 BLHS 1999.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị xử phạt:

1. Bị cáo LÊ VĂN T từ 10 đến 11 năm tù.

2. Bị cáo NGUYỄN VĂN R từ 09 đến 10 năm tù.

3. Bị cáo LÊ HỒNG Đ từ 08 đến 09 năm tù.

4. Bị cáo LÊ XUÂN H1 từ 09 đến 10 năm tù.

5. Bị cáo VÕ D từ 08 đến 09 năm tù.

6. Bị cáo VĂN NGỌC T1 từ 08 đến 09 năm tù.

7. Bị cáo NGUYỄN C từ 08 đến 09 năm tù.

8. Bị cáo NGUYỄN NGUYÊN T2 từ 07 đến 08 năm tù.

9. Bị cáo PHAN D1 từ 07 đến 08 năm tù.

Về hình phạt bổ sung: Phạt bị cáo LÊ VĂN T từ 40-50 triệu đồng, các bị cáo H1, C, T1, R, T2 mỗi bị cáo từ 5-20 triệu đồng, các bị cáo Đ, D, D1 không áp dụng hình phạt bổ sung.

* Về bồi thường thiệt hại: Buộc các bị cáo LÊ VĂN T, NGUYỄN VĂN R, LÊ HỒNG Đ, LÊ XUÂN H1, VÕ D, VĂN NGỌC T1, NGUYỄN C, NGUYỄN NGUYÊN T2 và PHAN D1 phải bồi thường cho UBND xã A, huyện A, tỉnh Bình Định số tiền: 4.792.800.600 đồng.

* Về vật chứng: Tuyên tịch thu số gỗ thu giữ là tang vật trong vụ án sung công quỹ nhà nước.

Các bị cáo không bào chữa, không tranh luận, xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét lại việc định giá.

* Người bào chữa cho các bị cáo trình bày lời bào chữa:

- Luật sư Bùi Văn P bào chữa cho bị cáo NGUYỄN VĂN R: Đề nghị áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo trong trường hợp đồng phạm quy định tại Điều 243 BLHS năm 2015, việc VKSND tỉnh Bình Định giữ nguyên cáo trạng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì Cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Bình Định chưa làm đúng theo yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án khi chưa cho các bị cáo đi xác định vị trí phá rừng trên thực địa. Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo và tránh bỏ lọt tội phạm đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu HĐXX không trả hồ sơ thì cần xem xét: Bị cáo R làm theo sự chỉ đạo của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp T, bị cáo có trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế, có nhân thân tốt để xử phạt bị cáo bị cáo mức hình phạt thấp hơn mức đề nghị của Kiểm sát viên.

- Luật sư Nguyễn Hữu H bào chữa cho bị cáo LÊ XUÂN H1: Đề nghị xem xét đến lỗi của bị hại trong vụ án, vị trí phá rừng của các bị cáo chưa được thể hiện rõ trên các bản đồ có diện tích là căn cứ để xác định khung hình phạt của các bị cáo, các cơ quan tố tụng tiến hành đo đạc diện tích rừng bị phá không có sự tham gia của các bị cáo và việc một số người dân được mời tham gia chứng kiến việc đo đạc không có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án, cần xác định lại chủ rừng trong vụ án. Do đó, hồ sơ vụ án chưa hoàn chỉnh và không đảm bảo quyền của bị cáo, đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án và trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tại Bản án số 49/2018/HS-ST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã tuyên quyết định:

* Tuyên bố

Các bị cáo LÊ VĂN T, NGUYỄN VĂN R, LÊ HỒNG Đ, LÊXUÂN H1, VÕ D, VĂN NGỌC T1, NGUYỄN C, NGUYỄN NGUYÊN T2 và PHAN D1 đều phạm tội “Hủy hoại rừng”.

* Áp dụng: Điểm a khoản 3 Điều 189; điểm b, p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

* Xử phạt: Bị cáo LÊ VĂN T 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 09.10.2017.

* Xử phạt

Bị cáo NGUYỄN VĂN R 11 (mười một) năm tù. Thời hạn chấphành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 20.9.2017.

* Áp dụng

Điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

* Xử phạt:

- Bị cáo LÊ XUÂN H1 10 (mười) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 20.10.2017.

- Bị cáo LÊ HỒNG Đ 09 (chín) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 09.10.2017.

- Bị cáo NGUYỄN C 08 (tám) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

- Bị cáo NGUYỄN NGUYÊN T2 08 (tám) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

* Áp dụng

* Xử phạt

Điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự. 

Bị cáo VÕ D 08 (tám) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tùtính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

* Áp dụng

* Xử phạt: 

Điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

- Bị cáo VĂN NGỌC T1 08 (tám) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 20.10.2017.

- Bị cáo PHAN D1 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 20.9.2017.

Ngoài ra Bản án còn tuyên về phần xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 02/11/2018 bị cáo LÊ VĂN T có đơn kháng cáo, với nội dung: Diện tích giá trị rừng giám định bị cáo không được chứng kiến, giá trị quá cao bảng giá ra năm 2018 nhưng áp dụng cho năm 2017; diện tích tiểu khu 7, 8, 9 nhiều người làm cùng thời điểm 2016, 2017 nhưng không truy cứu; thời gian thực hiện các bị cáo dài từ 2015 đến 2017 nhưng không có sự nhắc nhỡ nào từ ngành chức năng, loại gỗ không được phân định nhóm loại, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 30/10/2018 bị cáo NGUYỄN VĂN R có đơn kháng cáo, với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 02/11/2018 LÊ XUÂN H1 kháng cáo, với nội dung: Diện tích rừng bị hủy hoại đo đạc không có mặt bị cáo, mức bồi thường thiệt hại quá cao, rừng bị chặt phá nhiều năm từ 2013 đến 2017 không bị cơ quan kiểm lâm ngăn chặn, loại gỗ, củi không được giám định phân loại, xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 30/10/2018 bị cáo VĂN NGỌC T1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 02/11/2018 bị cáo VÕ D kháng cáo, với nội dung: Giám định giá trị rừng quá cao, mức án cao xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 02/11/2018 bị cáo NGUYỄN NGUYÊN T2 có đơn kháng cáo với nội dung: Gia đình khó khăn xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Ngày 28/10/2018 bị cáo LÊ HỒNG Đ có đơn kháng cáo, với nội dung: Xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 31/10/2018 bị cáo NGUYỄN C có đơn kháng cáo, với nội dung: giám định bồi thường thiệt hại quá cao, xin giảm nhẹ hình phạt. (sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo có nộp số tiền 10 triệu đồng (BL thu số N0 07971 ngày 12/11/2018 của Cục Thi hành án tỉnh Bình Định)

Ngày 20/11/2018 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị tại Quyết định kháng nghị số 49/QĐ-VKS-VC2 theo hướng Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 49/2018/HSST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại về hành vi: “Che dấu tội phạm”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nhiêm trọng” và hành vi “Hủy hoại rừng” với vai trò đồng phạm đối với các đối tượng trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên tham gia phiên tòa giữ nguyên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, những người bào chữa cho các bị cáo trình bày cho rằng, quá trình điều tra còn có nhiều vi phạm tố tụng hình sự như chưa khách quan toàn diện, biên bản khám nghiệm hiện trường và giá trị thiệt hại chưa chính xác và đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn; các bị cáo thống nhất lời bào chữa của những người bào chữa và đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt và xin thay đổi biện pháp ngăn chặn; người bào chữa cho bị cáo NGUYỄN VĂN R vắng mặt tại phiên tòa, bị cáo R yêu cầu tiếp tục xét xử và tự bào chữa cho mình, đề nghị tòa án xem xét bị cáo làm theo chỉ đạo ông T tổng giám đốc và giảm hình phạt cho bị cáo.

Người liên quan ông Đoàn X trình bày việc ông giấu số gỗ và củi từ rừng chở về là theo sự chỉ đạo của ông LÊ VĂN T và bà Hồ Thị Thùy L; ông Lê Đức T2 cho rằng ông có trả tiền cho những người mà ông R đã thuê triệt hạ rừng nhưng thông qua người khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2017, các bị cáo LÊ VĂN T, NGUYỄN VĂN R, LÊ HỒNG Đ, LÊ XUÂN H1, NGUYỄN NGUYÊN T2, VÕ D, VĂN NGỌC T1, NGUYỄN C và PHAN D1 đã thực hiện hành vi phá rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8 tiểu khu I, xã A, huyện A, tỉnh Bình Định với tổng diện tích là 64,18 ha gồm 25,7 ha rừng phòng hộ và 38,31 ha rừng sản xuất; tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,2 m3 và giá trị: 4.792.800.600, đồng; trong đó: Bị cáo T và bị cáo R với tổng diện tích 37,53 ha rừng sản xuất, trữ lượng rừng 2.868,1 m3, giá trị: 1.942.177.500, đồng; bị cáo Đ, H1, T2, D diện tích 17,81 ha rừng phòng hộ, trữ lượng rừng thiệt hại 1.791,7 m3, gái trị: 1.934.700.300, đồng; bị cáo T1, C diện tích 6,99 ha trong đó 6,21 ha rừng phòng hộ, 0,78 ha rừng sản xuất, trữ lượng rừng676,3 m3, giá trị 714.957.300, đồng; bị cáo D1 diện tích 1,85 ha rừng phòng hộ, trữ lượng rừng 186,1 m3, giá trị 200.965.500, đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999, mức hình phạt đối với từng bị cáo là có căn cứ đúng người, đúng tội.

 [2 ] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, thấy:

Bà Hồ Thị Thùy L là phó tổng giám đốc Công ty T do LÊ VĂN T làm tổng giám đốc; khi sự việc hủy hoại rừng bị phát hiện, bà Linh đã thực hiện theo sự chỉ đạo của LÊ VĂN T hợp thức hóa thủ tục cho NGUYỄN VĂN R và Lê Đức T2 nghỉ việc từ tháng 7/2017 để R, T2 không liên quan đến Công ty trong thời gian phá rừng, đồng thời chỉ đạo cho ông Đoàn X giấu số gỗ củi từ rừng chở về nhà máy dăm gỗ T do bà làm Giám đốc.

Ông Đoàn X là quản đốc Nhà máy dăm gỗ T thuộc Công ty T đã có hành vi giấu số gỗ, củi do phá rừng tại nhà máy dăm gỗ Tường Sơn nhằm mục đích che dấu tang vật khi cơ quan chức năng đến kiểm tra theo sự chỉ đạo của LÊ VĂN T và bà Hồ Thị Thùy L. Hành vi của bà Linh, ông Xa như trên là có dấu hiệu của tội “Che dấu tội phạm” quy định tại Điều 313 BLHS năm 1999. Đối với Lê Đức T2 (con trai bị cáo LÊ VĂN T) là người theo dõi, chấm côngvà trả tiền nhân công do bị cáo R thuê để phá rừng là có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo LÊ VĂN T về tội “Hủy hoại rừng”. Đối với cán bộ kiểm lâm có liên quan: Nguyễn Trọng T3, Huỳnh Văn T4 (cán bộ kiểm lâm huyện A) đã không thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tiểu khu 1 xã A, huyện A để cho các bị cáo phá rừng trái phép thời gian dài là có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999. Đối với Nguyễn Hữu Đ, Võ Đức T5 (cán bộ kiểm lâm huyện H) không thực hiện nhiệm vụ chốt chặn tại Chốt bảo vệ rừng JICA2 tại thôn L, xã H, H để Công ty T vận chuyển gỗ, củi nhiều lần do phá rừng trái phép về nhà máy dăm gỗ Tường Sơn là hành vi thiếu trách nhiệm, giá trị các loại gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII là 26,623m3 gỗ và 28 ster củi được định giá là 85.195.930, đồng (mức giá trị thiệt hại để xem xét trách nhiệm) cần được xác định lại cho đúng để xem xét hành vi trên của ông Nguyễn Hữu Đ và Võ Đức T5 theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần điều tra làm rõ hành vi những người đã được bị cáo NGUYỄN VĂN R thuê gián tiếp và trực tiếp phá rừng có dấu hiệu đồng phạm với vai trò là người giúp sức và người thực hành về tội “Hủy hoại rừng”.

Do đó, việc điều tra vụ án còn có những vi phạm về tố tụng chưa toàn diện, còn thiếu những người đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa được điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật; Kháng nghị số 49/QĐ-VKS-VC2 ngày 20/11/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Đà Nẵng là có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra làm rõ hành vi của bà Hồ Thị Thùy L, ông Đoàn X về hành vi “Che giấu tội phạm”; ông Lê Đức T2 và những người khác đã trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng về hành vi “Hủy hoại rừng”; ông Nguyễn Trọng T3, ông Huỳnh Văn T4, ông Nguyễn Hữu Đ, ông Võ Đức T5 về hành vi “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS.

 [3] Do bản án bị hủy để điều tra lại do vậy, kháng cáo của các bị cáo về xin giảm nhẹ hình phạt, về xin thay đổi biện pháp ngăn chặn tại cấp phúc thẩm Hội đồng xét xử không xem xét.

 [4] Các bị cáo kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

Hủy Bản án Hình sự sơ thẩm số 49/2018/HS-ST ngày 22/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định để điều tra lại theo thủ tục chung.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

451
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 80/2019/HS-PT ngày 04/04/2019 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:80/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về