Bản án 778/2017/DS-PT ngày 29/08/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H

BẢN ÁN 778/2017/DS-PT NGÀY 29/08/2017 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Trong các ngày 17, 24 và 29 tháng 8 năm 2017, tại phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố H, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 269/TLPT-DS ngày 10 tháng 7 năm 2017, về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự”;

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 159/2017/DS-ST ngày 31/05/2017 của Toà án nhân dân Quận C, bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1565/2017/QĐ-PT ngày 24 tháng 7 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Xuân P, sinh năm 1964

Địa chỉ: 920/6 Quốc lộ 52, tổ C, khu phố S, phường HP, Quận C, Thành phố H (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Võ Đình Q - Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt);

2. Bị đơn: Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN.

Địa chỉ: Khu phố B, phường QV, thành phố BH tỉnh ĐN.

Người đại diện hợp pháp: Ông Danh H, sinh năm 1978, theo văn bản ủy quyền ngày 17/8/2017 (có mặt);

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Hồng X, sinh năm: 1972

Địa chỉ: 920/6 Quốc lộ NH, tổ C, khu phố S, phường HP, Quận C, Thành phố H (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và trình bày của các đương sự nội dung vụ án như sau: Ngày 06/02/2011 ông Nguyễn Xuân P và ông Nguyễn Văn T được Xí nghiệp đầu máy SG giao nhiệm vụ lái tàu SE2 từ ga SG đến ga MM (BT).

Tàu khởi hành tại ga SG lúc 19 giờ, khi tàu gần đến cầu Ghềnh - BH ban lái tàu đã thực hiện chế độ hô đáp và xác nhận tín hiệu cho tàu qua cầu. Khi đó phát hiện có ô tô ở trên cầu, ban lái tàu hãm phanh phi thường nhưng do cự li quá gần nên tai nạn xảy ra. Sau khi tai nạn xảy ra, ông P bị Công an thành phố BH khởi tố và bắt tạm giam ngày 06/02/2011. Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH truy tố ông P về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt theo quy định tại Điều 208 Bộ luật Hình sự. Ngày 11/11/2011 ông P nhận được quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Ngày 24/02/2015, ông P nhận được Quyết định số 1995/QĐ/VKS-HS và Quyết định số 1197/QĐ VKS-HS đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát thành phố BH, tỉnh ĐN.

Khi nhận được 02 Quyết định trên, ông Nguyễn Xuân P đã khiếu nại, kêu oan đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan chức năng. Ngày 29/3/2016, ông P nhận được Quyết định số 111/QĐ-VKS-P2 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ĐN chấp nhận đơn khiếu nại. Ngày 05/4/2016, ông P nhận được Quyết định 2836/VKS của Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH đình chỉ vụ án đối với ông.

Do Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN khởi tố và bắt tạm giam không đúng nên ông yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Ngày 25/6/2016, Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH và ông P thỏa thuận về việc bồi thường nhưng do ông P chưa cung cấp được tài liệu chứng minh nên hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường. Ông P khởi kiện yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải:

1. Tổ chức xin lỗi công khai tại nơi ông P cư trú là phường HP, Quận C, Thành phố H;

2. Bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất và bị giảm sút như sau:

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần:

Ngày bị tạm giam: Từ ngày 06/02/2011 đến ngày 11/11/2011 là 278 ngày x 3 = 834 ngày x 55.000 đồng (lương tối thiểu 1.210.000 đồng/22 ngày làm việc trong tháng) = 45.870.000 đồng. Số ngày bị khởi tố: Từ ngày 14/02/2011 đến ngày 05/4/2016 là 1.877 ngày x 55.000 đồng = 103.235.000 đồng. Tổng cộng: 149.105.000 đồng.

- Thu nhập thực tế bị mất và bị giảm sút năm 2011 là 85.720.880 đồng, năm 2012 là 117.451.346 đồng, năm 2013 là 117.832.496 đồng, năm 2014 là 71.516.722 đồng, năm 2015 là 20.615.069 đồng, năm 2016 là 6.817.311 đồng; Tiền lương làm thêm bán thời gian tại Công ty HTN năm 2011 và 2012:

103.500.000 đồng, tổng cộng: 523.189.680 đồng.

- Tổn thất về tinh thần của gia đình: 800.000.000 đồng.

- Tiền thăm nuôi: 104.760.000 đồng gồm 3.300.000 đồng ông Phú bị thu giữ khi vào nhà tạm giữ của Công an thành phố BH, chi phí đi lại của gia đình và tiền ký gửi tại trại tạm giam.

- Chi phí viết đơn và gửi đơn là 89.470.000 đồng gồm tiền thuê người viết đơn, đánh máy và gửi đơn.

- Chi phí gặp mặt trực tiếp theo yêu cầu của Công an, Viện kiểm sát và Tòa án: 51.300.000 đồng.

- Chi phí đi HN gửi đơn khiếu nại và kêu oan: 20.000.000 đồng.

- Chi phí thuê luật sư: 10.000.000 đồng.

- Tiền bồi dưỡng bệnh trong thời gian bị khởi tố: 40.000.000 đồng.

Tổng cộng ông Nguyễn Xuân P yêu cầu được bồi thường 1.768.264.680 đồng.

Đi diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN cho rằng:

Ngày 12/9/2012, Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN ra quyết định truy tố ông Nguyễn Xuân P về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông về đường sắt. Ông P bị tạm giam từ ngày 06/02/2011 đến ngày 11/11/2011.

Ngày 05/4/2016, Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN ban hành Quyết định số: 2836/QĐ-VKS đình chỉ vụ án đối với ông P. Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH thừa nhận ra quyết định truy tố ông P và ra lệnh tạm giam ông P là sai.

Ngày 25/6/2016, Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH đã làm việc với ông Nguyễn Xuân P để thương lượng bồi thường thiệt hại, nhưng ông P không cung cấp được tài liệu nên không thỏa thuận được.

Về yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân P, Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH sẽ tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú của ông P là phường HP, Quận C, Thành phố H và đăng báo Thanh Niên 03 kỳ liên tiếp.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN đồng ý bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần cho ông Phú 149.105.000 đồng.

Đối với thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút:

- Chấp nhận bồi thường thu nhập bị giảm sút của ông P trong năm 2011, cụ thể: Lương năm 2011 của ông P tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn là 14.505.246 đồng/tháng x 12 tháng = 183.293.000 đồng – 78.342.072 đồng (tiền lương cơ qua đã trả cho ông Phú) = 104.950.328 đồng.

- Không chấp nhận bồi thường thu nhập bị giảm sút của các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 vì pháp luật quy định bồi thường trong thời gia ông P bị tạm giam.

- Đối với tiền lương làm thêm bán thời gian của ông P tại Công ty HTN: Đồng ý bồi thường 11 tháng trong năm 2011, cụ thể: 11 tháng x 4.500.000 đồng = 49.500.000 đồng.

- Không chấp nhận bồi thường tổn thất của các thành viên gia đình ông P.

Đối với các chi phí thực tế do ông P thực hiện trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cụ thể: Chi phí đi lại, thuê luật sư …

- Đối với các chi phí viết đơn, đi lại gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương: Do ông P không cung cấp được tài liệu chứng minh nên không đồng ý bồi thường.

- Chấp nhận bồi thường chi phí do ông P thuê luật sư 10.000.000 đồng.

- Bồi thường chi phí thăm nuôi 5.000.000 đồng.

- Không chấp nhận bồi thường chi phí khám chữa bệnh vì xảy ra thời gian tại ngoại.

- Chi phí đi HN: Ông P đi 05 ngày, Viện kiểm sát đồng ý bồi thường vé tàu 900.000 đồng/1 lượt x 2 lượt và tiền lưu trú 05 ngày x 350.000 đồng/01 ngày, tổng cộng 3.550.000đồng.

Tổng cộng các khoản bồi thường cho ông P là 322.105.328 đồng.

Bà Trần Thị Hồng X vợ ông Nguyễn Xuân P trình bày: Ông P bị bắt tạm giam từ ngày 06/02/2011 đến ngày 11/11/2011. Trong suốt thời gian ông P bị tạm giam, bà X là người đi thăm nuôi, làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền để xin bảo lãnh, chi phí viết đơn, gửi đơn, thăm nuôi, gặp mặt trực tiếp là tiền chung của hai vợ chồng bà. Bà X đồng ý như ý kiến của ông P.

Theo Bản án dân sự sơ thẩm số: 159/2017/DS-ST ngày 31 thán 5 năm 2017 của Toà án nhân dân Quận C, đã xử:

1. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nội dung sự thỏa thuận:

- Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN xin lỗi công khai ông Nguyễn Xuân P tại nơi cư trú của ông P là phường HP, Quận C, thành phố H và đăng báo Thanh Niên 03 kỳ liên tiếp.

- Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải bồi thường cho ông Nguyễn Xuân P các khoản: Bồi thường do tổn thất về tinh thần 149.105.000 đồng, thu nhập bị giảm sút năm trong 2011 của ông Phú 154.450.328 đồng, chi phí thuê luật sư: 10.000.000 đồng, tổng cộng 313.555.328 đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân P về việc yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN bồi thường cho ông Nguyễn Xuân P các khoản: Tiền thân nhân nguyên đơn nộp gửi lưu ký thăm nuôi và chi phí đi lại thăm nuôi là 9.480.000 đồng, chi phí đi lại gặp trực tiếp Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân thành phố BH 2.760.000 đồng, tiền cước bưu điện nguyên đơn gửi đơn khiếu nại là 405.000 đồng, chi phí đi về và lưu trú 05 ngày tại HN để khiếu nại là 3.550.000 đồng, chi phí điều trị trong thời gian bị khởi tố là 19.470.000 đồng, tổng cộng 35.665.000 đồng.

Tổng số tiền mà bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn là 349.220.328 đồng (ba trăm bốn mươi chín triệu hai trăm hai mươi ngàn ba trăm hai mươi tám đồng). Việc giao nhận thực hiện một lần khi án có hiệu lực pháp luật.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Xuân P về việc yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là 1.434.042.144 đồng.

Bản án sơ thẩm còn quyết định nghĩa vụ trả lãi do chậm thi hành án trả tiền, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 13/6/2017, ông Nguyễn Xuân P gửi đơn kháng cáo yêu cầu:

1. Tính lại phần bồi thường thu nhập bị giảm sút trong năm 2011:

+ Thực tế giảm sút trong năm 2011 là 174.669.273 đồng,

+ Cấp sơ thẩm xử bồi thường: 154.450.328 đồng,

+ Bổ sung thêm: 20.218.945 đồng,

2. Chi phí thực tế cho những lần đi lại làm việc và gửi đơn trực tiếp phục vụ điều tra trong thời gian bị khởi tố điều tra:

- Chi phí mỗi lần đi lại làm việc, gửi đơn là:

+ Tiền xe đi về (xe ôm, taxi, xe đò, xe khách, xe buýt, xe máy): 600.000 đồng,

+ Tiền chi phí, ăn uống, nước, võng nằm nghỉ, chi phí khác: 350.000 đồng,

Tổng cộng: 950.000 đồng,

- Năm 2011: 06 lần x 950.000 = 5.700.000 đồng,

- Năm 2012: 12 lần x 950.000 = 11.400.000 đồng,

- Năm 2013: 06 lần x 950.000 = 5.700.000 đồng,

- Năm 2014: 12 lần x 950.000 = 11.400.000 đồng,

- Năm 2015: 08 lần x 950.000 = 7.600.000 đồng,

- Năm 2016: 10 lần x 950.000 = 9.500.000 đồng,

Tng cộng: 51.300.000 đồng.

3. Tổn thất phải chi phí trong 09 tháng tạm giam gia đình, thân nhân đi thăm nuôi 20 lần.

Mỗi lần thăm nuôi phải chi phí mua sắm tiếp tế, người thân phải nghỉ việc, đi lại, tổng cộng chi phí và thu nhập bị mất, như sau:

- Chi phí một lần thăm nuôi là 2.913.000 đồng x 16 lần = 46.608.000 đồng.

- Trong thời gian bị giam gia đình xin gặp mặt 03 lần các ngày: 28/3/2011, 25/7/2011, 07/11/2011 (có giấy đề xuất của CABH tôi đã nạp cho tòa án) chi phí một lần gặp mặt hao tốn 1.950.000đ x 3 lần = 5.850.000 đồng

- Thăm nuôi tại Nhà giam B5 tỉnh ĐN ngày 10/11/2011 là 4.750.000 đồng

- Trong thời gian tạm giam thân nhân (gồm mẹ, anh, chị, các em) ở ngoài Bắc vào thăm chi phí tiền tàu xe, tiền ăn, ở, đi lại, thu nhập hết 30.000.000 đồng.

4. Tổn thất thực tế do vợ phải chi trả khi bị tội oan, cụ thể như sau:

- Tiền nghỉ làm việc khi bệnh, nằm viện: 5.000.000 đồng,

- Tiền đi lại, ăn ở đi tiếp tế thăm nuôi tôi nằm trại tạm giam: 15.000.000 đồng,

- Tiền chi phí cùng đi HN 03 lần để kêu oan (03 lần) gồm:

+ Tiền tàu xe máy bay đi và về (HN-SG): 10.000.000 đồng,

+ Tiền taxi, xe ôm đi lại: 3.000.000 đồng,

+ Tiền phòng trọ, tiền ăn: 9.000.000 đồng,

- Tiền viện phí khi vợ bị bệnh rối loạn thần kinh (có xác nhận của bệnh viện): 12.000.000 đồng.

- Tiền xe cấp cứu: 600.000 đồng,

- Tiền thuốc: 8.000.000 đồng,

- Trong thời gian bị giam vợ bị bệnh phải thuê người đưa đón chăm nom hai con tôi đi học trong 09 tháng: (09 tháng x 2.200.000đ = 19.800.000): 19.800.000 đồng,

- Chi phí gặp các cơ quan chức năng làm việc khi bị giam: 5.000.000 đồng,

Tổng cộng: 92.000.000 đồng.

5. Tổn thất thực tế phải chi trả do bố ông tuổi già phải lo lắng đi lại kêu oan cho ông dẫn đến bị bệnh mà qua đời và phải chi phí chữa bệnh và mai táng, tổng chi phí là 180.000.000 đồng.

6. Tổn thất thực tế chi phí đầu tư cho con trai học để thi vào ngành công an nhưng khi ông bị truy tố oan nên con trai ông không được dự thi, tổng chi phí là 58.000.000 đồng.

7. Chi phí 03 lần đi HN kêu oan cùng người trợ giúp pháp lý là 58.500.000 đồng Lần thứ nhất từ ngày 10/09/2012 đến ngày 21/09/2012 - Tiền tàu xe máy bay (SG-HN): 6.000.000 đồng,

- Tiền phòng trọ khách sạn, nhà nghỉ: 5.500.000 đồng,

- Tiền xe đi lại xe ôm, taxi, xe buýt: 3.500.000 đồng,

- Tiền ăn uống: 3.000.000 đồng,

- Chi phí khác: 1.500.000 đồng,

Tổng cộng 01 lần là: 19.500.000 đồng x 3= 58.500.000 đồng

8. Chi phí làm đơn khiếu nại và gửi đơn kêu oan đến các cơ quan ban ngành. Trong thời gian từ tháng 02/2011 đến tháng 4/2016 bản thân và gia đình gửi nhiều đơn kêu oan, khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền, chi phí cụ thể như sau:

- Chi phí một lần gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền:

+ Tiền thuê thảo đơn: 2.000.000đ

+ Tiền photo đơn: 100.000đ

+ Phí gửi đơn: 400.000đ

+ Tiền công người đi gửi: 400.000đ

Tng cộng: 2.900.000 đồng (Hai triệu chín trăm nghìn đồng)

Từ năm 2011đến năm 2016 là 31 lần x 2.900.000đ = 89.000.000 đồng.

9. Chi phí do bản thân bị bệnh phải chữa trị trong thời gian bị truy tố oan. Cụ thể như sau:

- Viện phí: 20.000.000 đồng (có hóa đơn)

- Xe cấp cứu đi về: 3.5000.000 đồng,

- Tiền thuốc, tiền bồi dưỡng: 6.000.000 đồng,

- Thu nhập bị mất của người chăm sóc: 4.000.000 đồng,

Tổng cộng: 33.500.000 đồng.

10. Tổn thất do công ty đường sắt không bố trí đúng công việc trong thời gian bị khởi tố điều tra từ năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 phải phân công việc khác, tổng cộng: 334.232.940 đồng.

11. Chi phí thuê luật sư tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại Toà án nhân dân thành phố H: 50.000.000 đồng.

Tổng cộng tổn thất thực tế bị mất và phải chi trả là: 1.048.692.949 đồng. Tại phiên toà nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo; Đại diện bị đơn cho rằng nếu ông P cung cấp được chứng từ chứng minh hợp pháp thì Viện kiểm sát nhân dân Thành phố BH sẽ bồi thường. Các chi phí cho người thân của ông P và tổn thất do công ty không bố trí đúng công việc trong các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 bị đơn không chấp nhận bồi thường vì pháp luật không quy định. Các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H tham gia phiên toà phát biểu:

Về tố tụng: Quá trình thụ lý giải quyết vụ án Thẩm phán chủ tọa phiên toà và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và số liệu do ông Phú bổ sung, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của của ông Nguyễn Xuân P, cụ thể: Bổ sung bồi thường thu nhập bị giảm sút trong thời gian bị tam giam năm 2011 và một phần chi phí thực tế ông P chi trả đi lại làm việc nhiều lần với các cơ quan tố tụng, thuê tư vấn làm đơn khiếu nại nhiều lần gửi đến các cơ quan địa phương và trung ương, chi phí thuê luật sư.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Xuân P gửi trong hạn luật định, hợp pháp theo quy định tại các Điều 273, 276 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung:

[2] Xét kháng cáo của ông Nguyễn Xuân P về các yêu cầu sau:

1. Bồi thường thu nhập bị giảm sút trong thời gian bị tạm giam, năm 2011:

- Thu nhập bị giảm sút tại Công ty đầu máy SG trong thời gian tạm 278 ngày là 183.293.563 đồng - 58.124.290 đồng (đã được chi trả) = 125.169.273 đồng.

- Thu nhập bị giảm sút tại Công ty HTN theo hợp đồng lao động từ ngày 02/01/2010 đến 31/12/2012 là 4.500.000 đồng/tháng trong thời gian bị tạm gian là 41.636.000 đồng.

- Tổng cộng: 125.169.273 đồng + 41.636.000 đồng = 166.805.000 đồng (làm tròn)

Cấp sơ thẩm xác định là: 154.450.328 đồng. Do đó, sửa lại là 166.805.000 đồng.

2. Chi phí thực tế do ông P đi lại làm việc và gửi đơn trực tiếp phục vụ điều tra trong thời gian bị khởi tố điều tra từ tháng 02/2011 đến tháng 4/2016:

Đối chiếu các giấy triệu tập do các cơ quan tố tụng mời làm việc và thống kê những lần làm việc nhưng ông P không còn lưu giữ giấy mời và chi phí phương tiện đi lại do ông P kê khai. Sau khi khảo sát so sánh theo giá thị trường, chấp nhận một phần các chi phí thực tế do ông P phải chi trả cho các lần đi lại làm việc trong thời gian bị khởi tố điều tra từ tháng 02/2011 đến tháng 4/2016, cụ thể là:

- Chi phí mỗi lần đi lại làm việc, gửi đơn là:

+ Tiền xe đi về (xe ôm, taxi, xe đò, xe khách, xe buýt, xe máy) từ nhà đến cơ quan làm việc là 25km theo cước phí trung bình của công ty vận tải hành khách là 300.000 đồng. Tiền chi phí, ăn uống, nước, chi phí khác: 350.000 đồng. Tổng cộng chi phí một lần đi lại làm việc là 650.000 đồng.

- Năm 2011: 06 lần x 650.000đ = 3.900.000 đồng,

- Năm 2012: 12 lần x 650.000đ = 7.800.000 đồng,

- Năm 2013: 06 lần x 650.000đ = 3.900.000 đồng,

- Năm 2014: 12 lần x 650.000đ = 7.800.000 đồng,

- Năm 2015: 08 lần x 650.000đ = 5.200.000 đồng,

Năm 2016: 10 lần x 650.000đ = 6.500.000 đồng,

Tổng cộng: 35.100.000 đồng.

3. Chi phí gia đình, thân nhân đi thăm nuôi trong 09 tháng tạm giam. Căn cứ văn bản trả lời của cơ quan thi hành án hình sự tỉnh ĐN thể hiện, trong thời gian ông P bị tạm giam gia đình, thân nhân đi thăm nuôi 16 lần. Số tiền gửi lưu ký tổng cộng 16 lần là 5.800.000 đồng.

- Ông P kê khai mỗi lần thăm nuôi phải chi phí mua sắm thức ăn khô, đồ dùng…, người thân phải nghỉ việc, tiền xe đi lại, tổng cộng chi phí mỗi lần tiếp tế thăm nuôi là 1.913.000 đồng.

Xét, các chi phí do ông P kê khai là chi phí thực tế cần thiết và hợp lý có xác nhận của cơ quan thi hành án hình sự, do đó, chấp nhận một phần khoản chi phí thực tế đi lại thăm nuôi 16 lần x 1.913.000 đồng = 30.608.000 đồng + 5.800.000 đồng (gửi lưu ký) = 36.408.000 đồng.

Ngoài số lần thăm nuôi nêu trên, ông P có đưa thêm số lần gia đình thăm nuôi nhưng không có số liệu chứng minh nên không được chấp nhận.

4. Yêu cầu bồi thường chi phí 03 lần ông Phú cùng người trợ giúp pháp lý đi HN kêu oan tại các cơ quan Trung ương, cụ thể:

- Tiền tàu xe máy bay (SG-HN): 6.000.000 đồng,

- Tiền phòng trọ khách sạn, nhà nghỉ: 5.500.000 đồng,

- Tiền xe đi lại xe ôm, taxi, xe buýt: 3.500.000 đồng,

- Tiền ăn uống: 3.000.000 đồng,

- Chi phí khác: 1.500.000 đồng,

Tổng cộng lần 1 là: 19.500.000 đồng x 3 = 58.500.000 đồng.

Căn cứ giấy nhận đơn ngày 11/10/2012 của Phòng tiếp dân Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thể hiện ông P có đi HN gửi đơn khiếu nại và lưu trú từ ngày 11 đến ngày 15/10/2012. Do đó, chỉ chấp nhận chi phí đi lại làm việc một lần cho cá nhân ông Phú là: 9.750.000 đồng. Vì tại thành phố H cũng có đại diện các cơ quan Trung ương có thẩm quyền tiếp nhận để xem xét giải quyết đơn khiếu nại. Ngoài ra, ông P vẫn có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan Trung ương có thẩm quyền bằng đường bưu điện theo thư bảo đảm.

5. Chi phí làm đơn khiếu nại và gửi đơn kêu oan đến các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian từ tháng 02/2011 đến tháng 04/2016 của ông P và gia đình là 31 lần.

Sau tham khảo giá thị trường và số lần gửi đơn do ông P kê khai, chấp nhận một phần chi phí nhờ tư vấn viết và gửi đơn khiếu nại, như sau:

Chi phí một lần gửi đơn:

+ Tiền thuê thảo đơn: 1.000.000 đồng,

+ Tiền photo đơn: 50.000 đồng,

+ Phí gửi đơn: chấp nhận 100.000 đồng,

+ Tiền công đi gửi: 200.000 đồng,

Tổng cộng: 1.350.000 đồng x 31 lần = 41.850.000 đồng.

6. Chi phí do ông P bị bệnh phải chữa trị từ ngày 21 đến ngày 27/4/2015, trong thời gian bị truy tố oan.

Căn hoá đơn và hồ sơ bệnh án tại bệnh viện HM Sài Gòn. Chấp nhận:

- Chi phí chữa bệnh và tiền thuốc là: 26.000.000 đồng,

- Chi phí thuê xe cấp cứu, phương tiện đi lại: 3.500.000 đồng,

- Thu nhập bị mất của người chăm sóc: 4.000.000 đồng,

Tổng cộng: 33.500.000 đồng.

7. Chấp nhận chi phí thuê luật sư tư vấn pháp luật bảo vệ trong thời gian ông P bị khởi tố điều tra do ông P kê khai là 10.000.000 đồng; Đối với hợp đồng thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông P trong quá trình khởi kiện đòi bồi thường thiệt tại Toà án nhân dân Thành phố H. Căn cứ hợp đồng dịch vụ ngày 08/8/2017 với Luật sư Võ Đình Q, trong đó thuê luật sư 20.000.000 đồng được chấp nhận, phần thưởng cho luật sư 30.000.000 đồng không được chấp nhận. Như vậy, chi phí do ông Phú thuê luật sư được chấp nhận 30.000.000 đồng.

Từ các căn cứ và nhận định trên, chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Xuân P, sửa án sơ thẩm, buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải bồi thường cho ông P chi phí thực tế do ông P và thân nhân đã bỏ ra để chi trả trong quá trình bị khởi tố điều tra từ ngày 06/02/2011 đến ngày 05/4/2016 (ngày đình chỉ vụ án đối với ông Phú), gồm các điểm 2 + 3 + 4 + 5 + 6 + 7 là 35.100.000 đồng + 36.408.000 đồng + 9.750.000 đồng + 41.850.000 đồng + 33.500.000 đồng + 30.000.000 đồng, tổng cộng là 186.608.000 (một trăm tám mươi sáu triệu, sáu trăm lẻ tám nghìn) đồng.

[3] Đối với các yêu cầu về:

- Chi phí do vợ ông P bị bệnh phải cấp cứu, chữa trị và chi phí đi ra HN kêu oan cho ông P, tổng cộng: 92.000.000 đồng.

- Chi phí chi trả do bố ông P tuổi già phải lo lắng đi lại kêu oan cho ông P dẫn đến bị bệnh chết và chi phí mai táng, tổng cộng 180.000.000 đồng.

- Chi phí cho con trai ông P học để thi vào ngành công an nhưng khi ông bị truy tố oan nên con trai không được đăng ký tham dự thi, tổng cộng 58.000.000 đồng.

c yêu cầu này không được chấp nhận, vì luật không quy định được bồi thường.

- Về thu nhập giảm sút do công ty đường sắt bố trí ông Phú làm công việc khác trong thời gian bị khởi tố từ năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, tổng cộng là 334.232.940 đồng. Yêu cầu này không được chấp nhận vì pháp luật quy định chỉ bồi thường mất thu nhập trong thời gian bị tạm giam.

[4] Đối với các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[5] Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải bồi thường cho ông Nguyễn Xuân P các khoản thiệt hại như sau:

- Bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần theo Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước 149.105.000 (một trăm bốn mươi chín triệu, một trăm lẻ năm nghìn) đồng.

- Bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong thời gian bị tạm giam theo Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước là 166.805.000(một trăm sáu mươi sáu triệu, tám trăm lẻ năm nghìn) đồng.

- Bồi thường chi phí thực tế do ông P và thân nhân đã bỏ ra để chi trả trong quá trình bị khởi tố điều tra từ ngày 06/02/2011 đến ngày 05/4/2016 là 186.608.000 (một trăm tám mươi sáu triệu, sáu trăm lẻ tám nghìn) đồng.

- Tổng cộng là 502.518.000 (năm trăm lẻ hai triệu, năm trăm mười tám nghìn) đồng.

[6] Về án phí: Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải chịu án phí sơ thẩm trên số tiền phải bồi thường cho ông P, án phí là 24.100.700 đồng Vì các lẽ nêu trên:

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Khoản 2 Điều 148, Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ các điều 22, 23, 26, 31, 46, 47, 49, 51 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà Nước năm 2009;

- Căn cứ các điều 5, 7, 9, 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự;

- Căn cứ Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án năm 2009;

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyên Xuân P.

2. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 159/2017/DS-ST ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Toà án nhân dân Quận C.

3. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, như sau:

- Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN trực tiếp xin lỗi công khai ông Nguyễn Xuân P tại nơi cư trú của ông P là phường HP, Quận C, thành phố H và đăng báo xin lỗi ông P trên báo Thanh Niên 03 số liên tiếp.

- Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Xuân P thiệt hại do tổn thất về tinh thần 149.105.000 (một trăm bốn mươi chín triệu, một trăm lẻ năm nghìn) đồng.

4. Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải bồi thường cho ông Nguyễn Xuân P:

- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút là 166.805.000 (một trăm sáu mươi sáu triệu, tám trăm lẻ năm nghìn) đồng.

- Bồi thường chi phí thực tế do ông P đã bỏ ra để chi trả trong quá trình bị khởi tố điều tra là 186.608.000 (một trăm tám mươi sáu triệu, sáu trăm lẻ tám nghìn) đồng.

5. Tổng cộng các khoản Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải bồi thường cho ông Nguyễn Xuân P là 502.518.000 (năm trăm lẻ hai triệu, năm trăm mười tám nghìn) đồng, đủ một lần sau khi bản án có hiệu lực.

Kể từ ngày ông P gửi đơn yêu cầu thi hành án trả tiền nếu Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN chưa thi hành án trả tiền thì hàng tháng Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải chịu tiền lãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

6. Về án phí:

- Ông Nguyễn Xuân P không phải chịu án phí.

- Viện kiểm sát nhân dân thành phố BH, tỉnh ĐN phải chịu án phí sơ thẩm 24.100.700 (hai mươi bốn triệu, một trăm nghìn, bảy trăm) đồng.

Thi hành án tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1085
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 778/2017/DS-PT ngày 29/08/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự

Số hiệu:778/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về