Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai theo luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước số 39/2018/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 39/2018/DS-PT NGÀY 07/11/2018 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN SAI THEO LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Ngày 7 tháng 11 năm 2018, tại Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm công khai vụ án số 42/2018/TLPT-DS ngày 30 tháng 8 năm 2018 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2018/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2018 củaTòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 102/2018/QĐ-PT ngày 16tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn N; địa chỉ: Thôn H, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai. Anh Nguyễn Văn N có mặt. Bị đơn: Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai; trụ sở tại thị trấn N, huyện C, tỉnh Gia Lai; do ông Lê Viết H, Phó Viện trưởng, làm đại diện theo ủy quyền. Ông Lê Viết H có mặt.

Người kháng cáo:

- Nguyên đơn là anh Nguyễn Văn N,

- Bị đơn là Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là anh Nguyễn Văn N trình bày:

Ngày 16-9-2008, anh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CS, tỉnh Gia Lai ra Quyết định khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích. Anh bị tạm giam từ ngày 16-9- 2008 đến ngày 03-3-2009. Sau đó, anh bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 20-10-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh. Như vậy, anh đã phải chịu oan thân phận bị can trong hơn 8 năm, bị giam 169 ngày và bị cấm đi khỏi nơi cư trú 2.788 ngày. Thiệt hại về vật chất và tinh thần mà anh và gia đình anh phải gánh chịu là vô cùng to lớn.

Ngày 30-8-2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện C đã tổ chức thương lượng, anh đã đưa ra các yêu cầu bồi thường, nhưng không được chấp nhận.

Viện kiểm sát nhân dân huyện C đã ra Quyết định số 01/QĐ-VKS ngày 31-8-2017 về “Giải quyết bồi thường đối với người bị oan sai trong tố tụng hình sự”, trong đó, quyết định bồi thường cho anh 320.365.210 đồng. Số tiền này là không thỏa đáng, chưa xem xét đầy đủ thiệt hại của anh trong quá trình anh bị khởi tố, bị giam giữ và bị truy tố oan sai. Anh đề nghị Tòa án giải quyết buộc Viện kiểm sát nhân dân huyện C bồi thường các khoản sau:

1. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút là 798.000.000 đồng, trong đó có thu nhập thực tế bị mất trong thời gian tạm giam là 98.000.000 đồng (trước khi bị tạm giam anh làm nghề trồng, chăm sóc cà phê, tiêu của gia đình, thu nhập trung bình từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng mỗi tháng); thu nhập bị mất và giảm sút do ảnh hưởng trong thời gian oan sai là 700.000.000 đồng (3 ha cà phê và 1.500 cây tiêu không có người trông nom, chăm sóc, tưới ở mùa khô trong khoảng thời gian anh tạm giam và trong thời gian tại ngoại đi kêu oan, dẫn đến năng suất bị giảm sút, phần lớn cây bị chết và mất trộm).

2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần là 234.292.908 đồng, trong đó có tổn thất tinh thần trong thời gian tạm giam là 29.781.818 đồng; tổn thất tinh thần trong thời gian tại ngoại là 165.511.090 đồng.

Hơn tám năm oai sai, anh sống trong dị nghị của bà con xóm giềng. Cha anh đã không chịu được áp lực mà qua đời, các con anh bỏ học giữa chừng vì bị bạn bè chế giễu. Anh phải sống trong trạng thái lúc nào cũng cảm thấy có lỗi với cha, với các con, khiến sức khỏe của anh ngày càng suy giảm, ốm đau thường xuyên. Do vậy, anh yêu cầu bồi thường tinh thần dẫn đến tổn hại về sức khỏe là 39.000.000 đồng.

3. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là 69.300.000 đồng, trong đó có chi phí chữa bệnh, phục hồi sức khỏe là 25.000.000 đồng; tiền cấp dưỡng, chăm sóc cho các con dưới18 tuổi trong thời gian bị bệnh (3 con) là 44.300.000 đồng.

4. Tổn thất về tinh thần và danh dự cho người thân là 13.000.000 đồng vì cha anh không chịu được dị nghị nên đã tự tử; vợ anh lặn lội ngược xuôi kêu oan cho anh, vì suy nghĩ nhiều nên sinh bệnh và đang điều trị bệnh; con anh không dám đến trường vì bị chế giễu, trêu chọc, nên có đứa phải bỏ học.

5. Chi phí thực tế trong suốt quá trình tố tụng là 1.062.180.118 đồng, trong đó có chi phí thuê người bào chữa là 21.000.000 đồng; chi phí cho người thăm nuôi trong thời gian tạm giam là 23.000.000 đồng; chi phí khác trong quá trình kêu oan (tàu xe, đi lại, báo chí, các khoản vay để có tiền kêu oan...) là 1.018.180.118 đồng.

Anh yêu cầu được bồi thường tổng cộng là: 798.000.000 đồng + 234.292.908 đồng

+ 69.300.000 đồng + 130.000.000 đồng + 1.062.180.118 đồng = 2.293.773.026 đồng. Ngày 21-1-2017, Viện kiểm sát nhân dân và Công an huyện C đã công khai xin lỗi anh tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã I, huyện C, nên anh không đề nghị Tòa án giải quyết vấn đề này.Người đại diện theo ủy quyền của Viện kiểm sát nhân dân huyện C là ông Lê Viết H (Phó viện trưởng) trình bày:

Ngày 16-9-2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CS (nay là huyện C, tỉnh Gia Lai) ra quyết định khởi tố, tạm giam từ ngày 16-9-2008 đến ngày 3-3-2009; sau đó đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với anh N về tội cố ý gây thương tích.Ngày 20-10-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai ra quyết địnhđình chỉ điều tra đối với anh N.

Vậy, anh N bị tạm giữ, tạm giam 169 ngày, cấm đi khỏi nơi cư trú 2.788 ngày.

 Nay, Viện kiểm sát nhân dân huyện C đồng ý bồi thường các khoản tiền sau:

- Thiệt hại do tổn thất về tinh thần gồm thiệt hại tinh thần trong 169 ngày bị tạm giam là 32.033.181 đồng; thiệt hại tinh thần trong 2.788 ngày không bị tạm giam là 176.150.909 đồng.

- Chi phí thực tế bỏ ra (thuê người bào chữa, chi phí thăm nuôi, chi phí tàu xe...) là 96.000.000 đồng.

Tổng cộng, bị đơn đồng ý bồi thường cho anh N 337.984.090 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2018/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2018, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai đã quyết định:

Căn cứ Điều 357, Điều 468 và Điều 598 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng Điều 4, khoản 2 Điều 6, các Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 13, Điều 22, Điều 23, Điều 26, Điều 29, Điều 31, Điều 37, Điều 46, Điều 47, Điều 51, Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày năm 2009; Điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

Áp dụng Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA- BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 2-11-2012 về Hướng dẫn thực hiện Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự;

Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Văn N.

Buộc Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai có trách nhiệm bồi thường cho anh N các khoản tiền như sau:

- Tiền thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 16-9-2008 đến ngày 3-3-2009 (169 ngày) là 32.032.260 đồng.

- Tiền thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp không bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 4-9-2008 đến ngày 20-10-2016 (2.782 ngày) là 176.145.840 đồng.

- Tiền thu nhập bị mất là 33.800.000 đồng.

- Tiền chi phí thuê người bào chữa (hai bên đã thỏa thuận) là 21.000.000 đồng.

- Tiền chi phí tàu xe đi lại, phô tô tài liệu, chi phí tem thư, báo, trong hơn tám năm kêu oan là 10.120.000 đồng.

- Tiền chi phí thăm nuôi trong quá trình bị tạm giam, tạm giữ là 66.720.000 đồng.

Tổng cộng số tiền phải bồi thường là 339.818.100 đồng Bác yêu cầu của nguyên đơn về yêu cầu bồi thường thiệt hại 1.953.954.926 đồng.

Các đương sự không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyết định nghĩa vụ chịu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền; thông báo quyền yêu cầu, tự nguyện hoặc bị cưỡng chế thi hành án và thời hiệu thi hành án; tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 23-7-2018, nguyên đơn là anh Nguyễn Văn N có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết buộc bị đơn đền bù thiệt hại về kinh tế, danh dự, tổn hại sức khỏe, tiền cấp dưỡng cho anh, con anh và gia đình anh đã gánh chịu trong 8 năm.

Ngày 23-7-2018, bị đơn là Viện kiểm sát nhân dân huyện C có đơn kháng cáo với nội dung: Số ngày anh N bị tạm giam là 156 ngày (không phải là 169 ngày như trong bản án sơ thẩm) và số ngày anh N không tạm giam là 2.801 ngày (chứ không phải là 2.788 ngày), nên bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại các khoản tiền bồi thường do tổn thất tinh thần và bồi thường chi phí thực tế bị mất do tạm giam cho anh N tương ứng với thời gian nói trên.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai thời gian nguyên đơn bị tạm giam và thời gian nguyên đơn không bị tạm giam, nên quyết định sai về số tiền bồi thường. Mặt khác, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn bồi thường khoản tiền chi phí cho người thăm nuôi là 23.000.000 đồngnhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn 66.720.000 đồng là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét để sửa bản án sơ thẩm về các vấn đề trên.

- Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn khoản tiền tổn thất tinh thần trong thời gian bị tạm giam là 29.569.176 đồng, khoản tiền tổn thất tinh thần trong thời gian bị khởi tố nhưng không bị tạm giam là 176.972.782 đồng, khoản tiền chi phí thực tế bị mất do bị tạm giam là 31.200.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Điểm c khoản 1 Điều 47 và điểm a khoản 1 Điều 56 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Chánh án Tòa án có quyền quyết định thay đổi Thẩm phán, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa; trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Ngày 8-11-2017, Chánh án Tòa án nhân dân huyện C ra Quyết định phân công người tiến hành tố tụng số 80/2017/QĐPC, phân công Thẩm phán Hồ Hoàng Liêu và Thư ký Dương Đình Mạnh tiến hành tố tụng đối với vụ án (bút lục số 67).

Do Thẩm phán Hồ Hoàng Liêu là Chánh án Tòa án nhân dân huyện C, nên nếu Thẩm phán Hồ Hoàng Liêu thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì phải do Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định.

Trong hồ sơ vụ án không có quyết định thay đổi Thẩm phán, không có quyết định thay đổi Thư ký, nên việc Chánh án Tòa án nhân dân huyện C ra Quyết định phân công người tiến hành tố tụng số 80b/2017/QĐPC ngày 15-1-2018, phân công Thẩm phán Nguyễn Văn Khương (bút lục số 76) và ra Quyết định phân công người tiến hành tố tụng số 80a/2017/QĐPC ngày 11-4-2018, phân công Thư ký Dương Nam Anh Chinh (bút lục số 68) tiến hành tố tụng đối với vụ án, là trái với các quy định đã viện dẫn trên.

[2] Khoản 1 Điều 95 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định, tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

Tại hồ sơ vụ án, các tài liệu gồm Quyết định đình chỉ điều tra bị can (bút lục số 9), Đơn xin xác nhận (bút lục số 10), Biên bản thương lượng việc bồi thường thiệt hại (bút lục từ số 11 đến số 15), Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn (bút lục số 43) đều là bản photocopy nhưng không được công chứng, chứng thực hợp pháp và cũng không phải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Tòa án cấp sơ thẩm xác định các tài liệu này là chứng cứ để giải quyết vụ án là không đúng với quy định của điều luật đã viện dẫn trên.

[3] Trong đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án cấp sơ thẩm, anh N yêu cầu bị đơn phải bồi thường 700.000.000 đồng là thiệt hại thực tế từ sự việc 3 hec-ta cà phê và 1.500 cây tiêu của gia đình anh không có người trông nom, chăm sóc trong thời gian anh bị tạm giam và trong thời gian anh được tại ngoại nhưng phải đi kêu oan, làm năng suất bị giảm sút, phần lớn cây bị chết và mất trộm.

Tuy có thụ lý để giải quyết đối với yêu cầu bị đơn phải bồi thường 700.000.000 đồng nêu trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu nguyên đơn cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, tại bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định “Thu nhập bị mất và giảm sút do ảnh hưởng trong thời gian oan sai 700.000.000 đồng (3 hec-ta cà phê và 1.500 cây tiêu không có người trông nom, chăm sóc…). Về yêu cầu này của nguyên đơn không có cơ sở để buộc bị đơn phải bồi thường”, là chưa đảm bảo căn cứ.

[4] Tại đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án cấp sơ thẩm, anh N yêu cầu bị đơn phải bồi thường khoản tiền chi phí cho người thăm nuôi là 23.000.000 đồng. Tại bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định “Tiền chi phí thăm nuôi trong quá trình bị tạm giam tạm giữ được chấp nhận buộc bị đơn bồi thường là 6 tháng lương cơ sở x 1.390.000 đồng x 8 năm = 66.720.000 đồng”, là không phù hợp vì không thể áp dụng phép nhân trong trường hợp này. Mặt khác, anh N chỉ yêu cầu bị đơn bồi thường khoản tiền chi phí cho người thăm nuôi là 23.000.000 đồng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường 66.720.000 đồng, là đã giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện, trái với nguyên tắc cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[5] Nhận định trên cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, việc thu thập chứng cứ và chứng minh của Tòa án cấp sơ thẩm không theo đúng quy định tại chương VII của Bộ luật tố tụng dân sự và chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xử hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

[6] Do Hội đồng xét xử phúc thẩm xử hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án, nên không xem xét nội dung kháng cáo của người kháng cáo.

[7] Người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 64 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009;

Tuyên xử:

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2018/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai đã xét xử tranh chấp về yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Văn N với bị đơn là Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5074
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai theo luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước số 39/2018/DS-PT

Số hiệu:số 39/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về