Bản án 759/2017/LĐ-PT ngày 23/08/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 759/2017/LĐ-PT NGÀY 23/08/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 18 tháng 8 năm 2017 và ngày 23 tháng 8 năm 2017, tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 25/2017/TLPT-LĐ ngày 09 tháng 5 năm 2017 về tranh chấp “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số: 109/2017/LĐ-ST ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận K, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1750/2017/QĐPT-LĐ ngày 11 tháng 08 năm 2017 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Huỳnh Thị C, sinh năm 1969 (có mặt)

Địa chỉ: đường Z, phường L, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Đức N và luật sư Phạm Trung H thuộc Công ty Luật TNHH VT – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất HDL (Việt Nam)

Trụ sở: đường B, phường LT, quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Bà Phan Thoại Q, sinh năm 1963, địa chỉ: đường H, phường PT, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt) và bà Nguyễn Thị Hồng V, sinh năm 1979, địa chỉ: phường BA, thị xã D, tỉnh Bình Dương (có mặt), là những người đại diện theo ủy quyền (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 19/6/2017).

Người kháng cáo: Bà Huỳnh Thị C là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện ngày 23/3/2015 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn là bà Huỳnh Thị C trình bày:

Bà Huỳnh Thị C làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất HDL (Việt Nam) (sau đây viết tắt là Công ty L) từ ngày 19/12/2002. Giữa bà C và Công ty L đã ký lần lượt 03 hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động sau cùng là loại hợp đồng không xác định thời hạn, số hợp đồng: 325/HĐLĐ-2016 ngày 01/3/2006. Theo hợp đồng, công việc của bà C là công nhân may, mức lương là 1.034.048 đồng/tháng.

Ngày 13/11/2015 Công ty L ra Quyết định số 202/2015 cho bà C thôi việc kể từ ngày 13/11/2015 với lý do giảm lao động do thu hẹp sản xuất. Công ty L cho bà C nghỉ việc nhưng không thông báo trước 45 ngày là trái quy định pháp luật. Do đó bà C yêu cầu Công ty L những nội dung sau:

- Hủy Quyết định nghỉ việc số: 202/2015 ngày 13/11/2015 của Công ty L và phải nhận bà Huỳnh Thị C trở lại làm việc;

- Trả tiền lương những ngày bà C không được làm việc, từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/3/2017, số tiền là: 97.200.000 đồng;

- Trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những ngày bà C không được làm việc, từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/3/2017, số tiền là: 9.077.000 đồng;

- Trả tiền lương 45 ngày do vi phạm thời gian báo trước là: 7.000.000 đồng. Tổng cộng là: 113.277.000 đồng.

* Tại bản khai ngày 08/4/2016 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, đại diện bị đơn - bà Phan Thoại Q và bà Nguyễn Thị Hồng V trình bày:

Công ty TNHH Sản xuất HDL (Việt Nam) xác nhận có ký với bà Huỳnh Thị C 03 hợp đồng lao động, hợp đồng lao động thứ 3 là loại hợp đồng không xác định thời hạn số: 325/HĐLĐ-2016 ngày 01/3/2006, công việc của bà C là công nhân may, mức lương là 1.034.048 đồng/tháng. Lương của bà C được tăng hàng năm và mức lương trước khi nghỉ việc là 5.403.000 đồng. Ngoài tiền lương, hàng tháng Công ty L còn trả thêm cho bà C tiền chuyên cần 200.000 đồng, tiền đi lại 240.000 đồng, tiền sinh hoạt 200.000 đồng nếu bà C làm việc đầy đủ.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, Công ty L gặp khó khăn không có đơn hàng mà số lượng công nhân lại dư thừa, do đó Công ty L có kế hoạch thu hẹp sản xuất. Ngày 01/9/2015 Công ty L họp ban chấp hành công đoàn lập phương án sử dụng và bố trí người lao động làm công việc khác nhưng không thể bố trí được vì Công ty L làm giày da thủ công và bộ phận nào cũng dư người nên phải cắt giảm người lao động trong đó có bà C.

Ngày 01/10/2015 Công ty L đã họp với ban chấp hành công đoàn cơ sở và thống nhất giảm biên chế 75 công nhân năm 2015, trong đó có bà C.

Ngày 05/10/2015 Công ty L gửi thông báo đến Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện giảm lao động theo qui định tại Điều 44, 46, 49 của Bộ luật Lao động.

Ngày 12/11/2015, Công ty L đã trả tiền lương, tiền phép năm tính đến ngày 12/11/2015 là 4.161.198 đồng, trả tiền trợ cấp mất việc làm là 40.522.500 cho bà C. Ngày 13/11/2015 Công ty L ra Quyết định số: 202/2015 cho bà C thôi việc kể từ ngày 13/11/2015. Ngày 04/12/2015 bà C đã ký nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội của bà C.

Công ty L cho bà C thôi việc vì phải giảm lao động do thu hẹp sản xuất. Công ty L đã thực hiện trả tiền lương và trợ cấp thôi việc cho bà C đúng qui định khi cho thôi việc. Do đó Công ty L không chấp nhận các yêu C khởi kiện của bà Huỳnh Thị C.

* Bản án sơ thẩm số 109/2017/LĐ-ST ngày 31/3/2017 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Không chấp nhận các yêu C khởi kiện của nguyên đơn bà Huỳnh Thị C về việc yêu cầu Công ty TNHH sản xuất HDL Việt Nam hủy quyết định nghỉ việc số 202/2015 ngày 13/11/2015 của Công ty TNHH sản xuất HDL Việt Nam và yêu cầu nhận bà Huỳnh Thị C trở lại làm việc; Bồi thường tiền lương cho những ngày không được làm việc từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/3/2017 = 97.200.000 đồng; bồi thường tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những ngày không được làm việc từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/3/2017 = 9.077.000 đồng; bồi thường tiền lương 45 ngày không báo trước là 7.000.000 đồng. Tổng cộng 113.277.000 đồng.

2. Án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án lao động: Bà Huỳnh Thị C được miễn nộp tiền án phí.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 13/4/2017, nguyên đơn là bà Huỳnh Thị C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là người kháng cáo phát biểu:

Công ty L cho bà C thôi việc là không có căn cứ, trái quy định pháp luật, trình tự cho bà C nghỉ việc không đúng quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động, Công ty L chưa có phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động.

Tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động quy định khó khăn về kinh tế phải rơi vào trường hợp suy soái kinh tế hoặc khủng khoảng kinh tế nên lý do khó khăn về kinh tế như Công ty L trình bày là không đúng vì theo báo cáo tài chính các năm 2012, 2013, 2015 cho thấy thua lỗ các năm dần dần giảm xuống.

Mặt khác Điều 44 Bộ luật Lao động là cụ thể hóa của Khoản 10 Điều 36 và Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động nên đây là trường hợp Công ty L cho bà C nghỉ việc nhưng không bảo đảm thời gian báo trước là 45 ngày.

Ban quản lý Khu chế xuất và các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh không phải là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh, cơ quản quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh phải là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vì Văn bản ủy quyền ngày 15/7/2009 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho Ban quản lý đã hết hiệu lực từ ngày 15/01/2015 (ngày thông tư số 32/2014 của Bộ lao Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực thay thế thông tư số 13/2009 ngày 06/5/2009), sau ngày 15/01/2015 việc ủy quyền cho Ban quản lý Khu chế xuất thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Về thủ tục cho bà C nghỉ việc: Công ty L không có phương án sử dụng và bố trí người lao động, trong đó có bà C, không báo trước cho bà C 45 ngày trước khi cho nghỉ việc; Biên bản họp ban chấp hành công đoàn kết thúc vào lúc 15 giờ 00 ngày 01/10/2015 có mâu thuẫn với công văn số 004/2015 ngày 01/10/2015 gửi Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vì diễn ra cùng một ngày.

Do đó, đề nghị chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, buộc bị đơn phải nhận nguyên đơn trở lại làm việc, phải bồi thường và trả khoản tiền lương, tiền bảo hiểm theo qui định.

- Nguyên đơn - bà Huỳnh Thị C trình bày: Thống nhất quan điểm của Luật sư.

- Đại diện bị đơn – bà Phan Thoại Q và bà Nguyễn Thị Hồng V trình bày:

Biên bản họp ban chấp hành công đoàn ngày 01/10/2015, đến ngày 02/10/2015 thì Công ty L mới gửi văn bản số 004/2015 ngày 01/10/2015 đến Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ban quản lý Khu chế xuất đến nay vẫn có quyền nhận các báo cáo trong đó có báo cáo về tình hình giao kết, sử dụng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Việc Công ty L cho bà C nghỉ việc là do thu hẹp sản xuất, khó khăn về kinh tế chứ không phải chấm dứt hợp đồng nên không phải báo trước và Công ty L đã trợ cấp mất việc làm cho bà C theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động.

Công ty L thực hiện thủ tục cho người lao động thôi việc do phải thu hẹp sản xuất và theo hướng dẫn của Ban quản lý khu chế xuất.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Về thủ tục tố tụng:

Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay, chủ tọa phiên tòa, hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng quy trình tố tụng giải quyết vụ án. Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định pháp luật.

Về nội dung vụ án:

Công ty L cho bà Huỳnh Thị C thôi việc là vì lý do kinh tế phải thu hẹp sản xuất và đã thực hiện các trình tự, thủ tục đúng quy định tại Điều 44, Điều 46, Điều 49 của Bộ luật Lao động, do đó không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Công ty L gửi văn bản thông báo cho Ban quản lý các khu chế xuất về việc cho thôi việc nhiều người vào ngày 01/10/2015 trong khi văn bản ủy quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho Ban quản lý Khu chế xuất đã hết hiệu lực từ ngày 15/01/2015. Tuy nhiên do thủ tục hành chính nên đến ngày 21/11/2016 Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới ủy quyền cho Ban quản lý các khu chế xuất nhận thông báo cho nhiều người thôi việc, do đó đây không phải lỗi của Công ty L nên không thể cho rằng công ty không thực hiện đúng thủ tục thông báo cho cơ quan quản lý về lao động khi cho nhiều người thôi việc.

Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 109/2017/ST-LĐ ngày 31/3/2017 của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Về hình thức: Bà Huỳnh Thị C nộp đơn kháng cáo hợp lệ và trong thời hạn pháp luật quy định nên được chấp nhận.

Về nội dung:

Hội đồng xét xử nhận thấy, qua các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày của các đương sự đã có đủ cơ sở xác định:

Giữa Công ty TNHH Sản xuất HDL và bà Huỳnh Thị C có ký 03 hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động sau cùng ký ngày 01/3/2006 là loại hợp đồng không xác định thời hạn, công việc của bà C là công nhân may, mức lương là 1.034.048 đồng/tháng. Lương của bà C được tăng hàng năm và mức lương 6 tháng trước khi nghỉ việc là 5.403.000 đồng. Ngoài tiền lương, hàng tháng Công ty L còn trả thêm cho bà C tiền chuyên cần 200.000 đồng, tiền đi lại 240.000 đồng, tiền sinh hoạt 200.000 đồng nếu bà C làm việc đầy đủ.

Ngày 13/11/2015 Công ty L ra Quyết định số 202/2015 cho bà C thôi việc kể từ ngày 13/11/2015 với lý do giảm lao động do thu hẹp sản xuất.

Bà C cho rằng Công ty L cho bà C thôi việc là trái pháp luật nên kháng cáo yêu cầu hủy Quyết định số 202/2015 ngày 13/11/2015 của Công ty L. Buộc Công ty L phải nhận bà C trở lại làm việc, phải bồi thường và trả khoản tiền lương, tiền bảo hiểm theo qui định.

Công ty L cho rằng Công ty cho bà C thôi việc vì phải giảm lao động do thu hẹp sản xuất chứ không phải đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với bà C nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bà C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Xét thấy:

Căn cứ vào báo tài chính các năm 2012, 2013, 2015 đã thể hiện Công ty L liên tục bị thua lỗ, không có đơn hàng sản xuất. Do thua lỗ liên tục vào các năm 2012, 2013, 2015 nên Công ty L đã lập phương án, biện pháp và nguồn tài chính thực hiện phương án thu hẹp sản xuất, bố trí người lao động làm công việc khác nhưng Công ty L vẫn không bố trí được công việc khác cho người lao động vì công ty làm giày da thủ công và bộ phận nào cũng dư người. Do đó, ngày 29/8/2015 Công ty L đã chốt phương án cho thôi việc 75 người lao động dựa vào các tiêu chí cụ thể, trong đó có bà Huỳnh Thị C; phương án này có đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở của Công ty L tham gia. Ngày 01/10/2015, Công ty L đã họp với với đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở là ông Võ L1 - chủ tịch công đoàn, các bên đã thống nhất cho thôi việc 75 người trong đó có Bà Huỳnh Thị C. Cùng ngày 01/10/2015, Công ty L có văn bản số 004/2015 thông báo cho Bản quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về nội dung cho thôi việc 75 người, thông báo này gửi ngày 02/10/2015 và ngày 05/10/2015, Ban quản lý các khu chế xuất nhận được thông báo. Ngày 12/11/2015 Công ty L đã chi trả tiền lương, tiền phép năm và tiền trợ cấp mất việc làm cho bà C, bà C đồng ý về những khoản tiền đã nhận. Ngày 13/11/2015, Công ty L đã ban hành quyết định số 202/2015 về việc cho bà Huỳnh Thị C nghỉ việc.

Như vậy Công ty L cho bà Huỳnh Thị C thôi việc là vì lý do kinh tế và đã thực hiện các trình tự, thủ tục theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 44, Điều 46, Điều 49 của Bộ luật Lao động và Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Phía nguyên đơn cho rằng Công ty L cho bà C nghỉ việc không báo trước 45 ngày là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc cho thôi việc vì do thu hẹp sản xuất thì không có qui định phải báo trước.

Luật sư của Nguyên đơn còn cho rằng Ban quản lý Khu chế xuất và các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh không có thẩm quyền nhận báo cáo việc cắt giảm lao động vì văn bản ủy quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho Ban quản lý Khu chế xuất đã hết hiệu lực từ ngày 15/01/2015 do có Thông tư số 32/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thay thế Thông tư số 13/2009 ngày 06/5/2009 và Thông tư số 32/2014 có qui định việc ủy quyền cho Ban quản lý Khu chế xuất thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Xét ngày 15/7/2009 Ban quản lý Khu chế xuất được Sở lao Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền nhận báo cáo việc cắt giảm lao động đúng qui định. Thông tư số 32/2014 ngày 15/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực ngày 15/01/2015 qui định việc ủy quyền cho Ban quản lý Khu chế xuất thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên ngày 25/11/2015 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 4842/LĐTBXH-LĐTL gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho phép Sở tiếp nhận thông báo cho người lao động nghỉ việc. Ngày 21/11/2016 Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản ủy quyền cho Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhận thông báo cho thôi việc nhiều người. Như vậy từ ngày 15/7/2009 đến nay Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là cơ quan có thẩm quyền nhận các thông báo cho thôi việc nhiều người, nên ngày 01/10/2015 Công ty L có văn bản thông báo cho Ban quản lý các khu chế xuất về nội dung cho thôi việc 75 người là đúng thủ tục.

Từ những nhận định trên, không có căn cứ chấp nhận các yêu C khởi kiện của nguyên đơn, cấp sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu C của nguyên đơn là đúng qui định.

Hội đồng xét xử thống nhất quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí: Bà C được miễn án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 308, Điều 147 và khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Điều 44, Điều 46, Điều 49 của Bộ luật Lao động;

- Điều 13, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

- Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về Án phí, lệ phí Tòa án;

- Luật Thi hành án dân sự.

Xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thị C.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm:

Không chấp nhận yêu C khởi kiện của bà Huỳnh Thị C về việc:

- Yêu cầu hủy Quyết định nghỉ việc số 202/2015 ngày 13/11/2015 của Công ty TNHH Sản xuất HDL (Việt Nam) về việc cho bà Huỳnh Thị C thôi việc kể từ ngày 13/11/2015 và yêu cầu nhận bà Huỳnh Thị C trở lại làm việc;

- Trả tiền lương những ngày bà C không được làm việc, từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/3/2017, số tiền là: 97.200.000 đồng;

- Trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những ngày bà C không được làm việc, từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/3/2017, số tiền là: 9.077.000 đồng;

- Trả tiền lương 45 ngày do vi phạm thời gian báo trước là: 7.000.000 đồng.

Tổng cộng là: 113.277.000 đồng.

2. Án phí sơ thẩm: Bà Huỳnh Thị C được miễn án phí lao động sơ thẩm.

3. Án phí phúc thẩm: Bà Huỳnh Thị C được miễn án phí lao động phúc thẩm.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

812
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 759/2017/LĐ-PT ngày 23/08/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:759/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 23/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về