Bản án 01/2018/LĐ-PT ngày 19/01/2018 về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 01/2018/LĐ-PT NGÀY 19/01/2018 VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 18 và 19 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 38/2017/TLPT-LĐ ngày 26 tháng 10 năm 2017 về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 35/2017/LĐ-ST ngày 12/09/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/2017/QĐPT-LĐ ngày 14 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Lê Thị Thùy L, sinh năm 1981

Địa chỉ: Số 33, đường P, khóm 8, phường 5, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị L: Luật sư Hồ Nguyên L - Văn phòng Luật sư L thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh

- Bị đơn: Phòng Kinh tế thành phố C.

Địa chỉ: Số 77, đường N, phường 9, thành phố C, tỉnh Cà Mau

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Quốc P – sinh năm 1958.

Địa chỉ: Ấp X, xã L, thành phố C, tỉnh Cà Mau (Theo văn bản ủy quyền số 05/GUQ- PKT ngày 27/12/2017).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Phạm Văn K sinh năm 1967. Chức vụ Phó phòng, là Chủ tịch Công đoàn Phòng Kinh tế thành phố C (có mặt).

Địa chỉ: Số 647 đường T, khóm 5, phường 9, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

2. Ông Phan Hoàng M sinh năm 1967. Chức vụ: Chuyên viên, là Phó Chủ tịch Công đoàn Phòng Kinh tế thành phố C (có mặt).

Địa chỉ: Khóm 1, phường 8, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

3. Ông Ngô Tấn L, sinh năm 1975. Chức vụ: Chuyên viên, là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Phòng Kinh tế thành phố C (có mặt)

Địa chỉ: Số 108/4 đường L, khóm 6, phường 7, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

- Người làm chứng: Ông Trần Văn Đ - Thư ký ghi biên bản các cuộc họp.

- Người kháng cáo: Chị Lê Thị Thùy L - Nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn chị Lê Thị Thùy L trình bày:

Chị vào làm việc tại Phòng Kinh tế thành phố C (gọi tắt Phòng Kinh tế) theo các hợp đồng lao động:

- Hợp đồng lao động ngày 10/6/2009, thời hạn thử việc 03 tháng kể từ ngày 10/6/2009 - 31/8/2009;

- Hợp đồng lao động ngày 24/8/2009, không xác định thời hạn kể từ ngày 01/9/2009;

- Hợp đồng lao động ngày 27/8/2013, không xác định thời hạn kể từ ngày 01/9/2013.

Trước đây Phòng Kinh tế đã ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị, nên chị có nộp đơn khởi kiện Phòng Kinh tế tại Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, sau đó Phòng Kinh tế thu hồi lại Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nên chị rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận đình chỉ vụ án.

Đến ngày 22/3/2017, Phòng Kinh tế ban hành Thông báo số 03/TB-PKT ngày 22/3/2017 (gọi tắt TB03), thông báo cho chị biết trước thời hạn chấm dứt hợp đồng lao động. Đến ngày 17/5/2017, Phòng Kinh tế chính thức ban hành Quyết định số 10/QĐ-PKT (gọi tắt QĐ10) về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị. Thời gian chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 17/5/2017 nhưng thực tế chị vẫn làm việc đến ngày 31/5/2017.

Ngày 31/5/2017, Phòng Kinh tế ban hành Giấy thôi trả lương đối với chị, nội dung do QĐ10 chấm dứt hợp đồng lao động nên thôi trả lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày 31/5/2017. Tiền lương trước khi chị nghỉ việc là 3.230.700 đồng/tháng.

Ngày 01/6/2017, theo yêu cầu của Phòng Kinh tế, chị với Phòng Kinh tế bàn giao công việc. Ngoài khoản tiền lương chị đã nhận đến hết ngày 31/5/2017 thì chị không nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.

Trong quá trình làm việc tại Phòng Kinh tế, chị xác định luôn hoàn thành công việc, được các cơ quan ban ngành tặng nhiều bằng khen và danh hiệu Lao động tiên tiến.

Việc Phòng Kinh tế đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị là trái pháp luật, xâm hại đến quyền lao động, quyền và lợi ích chính đáng của chị, vì vậy chị khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:

1/ Tuyên bố Quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017 của Phòng Kinh tế thành phố C về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị là trái pháp luật, hủy Quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017;

2/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải nhận chị trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký ngày 27/8/2013;

3/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải trả đủ tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 01/6/2017 đến ngày nộp đơn khởi kiện 09/6/2017 (09 ngày) với số tiền 1.321.650 đồng;

4/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải bồi thường bằng 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với số tiền 6.461.400 đồng;

5/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải truy nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị từ tháng 6/2017 đến ngày Phòng Kinh tế thành phố C nhận chị trở lại làm việc;

6/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải trả tiền lương cho chị từ ngày nộp đơn khởi kiện 09/6/2017 đến ngày Phòng Kinh tế thành phố C nhận chị trở lại làm việc;

7/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải bồi thường cho chị khoản tiền thiệt hại bù đắp tổn thất tinh thần bằng 10 tháng lương cơ bản với số tiền là 13.000.000 đồng.

Đi diện theo ủy quyền của Phòng Kinh tế thành phố C-  ông Nguyễn Quốc P trình bày:

Phòng Kinh tế có ký hợp đồng lao động với chị Lê Thị Thùy L đúng như chị L đã trình bày nêu trên.

Trong thời gian chị L làm việc tại Phòng Kinh tế, chị L có nhiều vi phạm, cụ thể như theo Thông báo số 461/TB ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố C (gọi tắt TB 461) về ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban  nhân dân thành phố C về báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ kiểm tra theo Quyết định số 3560/QĐ- UBND ngày 24/10/2016. Qua kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố C thì chị Lê Thị Thùy L có nhiều sai phạm về việc vi phạm nội quy quy chế làm việc của đơn vị, thường xuyên không hoàn thành công việc.

Do trước đây ngày 14/10/2016 Phòng Kinh tế ban hành Quyết định số 28/QĐ-PKT (gọi tắt QĐ28) về việc đơn  phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L có căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ là thừa, để khắc phục sai sót trên nên ngày 30/12/2016 Phòng Kinh tế đã ban hành Quyết định số 37/QĐ-PKT (gọi tắt QĐ37) về việc thu hồi QĐ28 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L. Sau khi thu hồi QĐ28, đến ngày 21/3/2017 Lãnh đạo Phòn Kinh tế và Công đoàn cơ sở họp để xử lý vi phạm đối với chị L theo đúng thủ tục pháp luật quy định. Đến ngày 17/5/2017, Phòng Kinh tế ban hành QĐ10 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L.

Sau khi ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị L, Phòng Kinh tế đã trả đầy đủ các khoản lương, bảo hiểm, phụ cấp khác cho chị L đến hết ngày 31/5/2017. Xét thấy, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L là đúng quy định pháp luật, vì vậy Phòng Kinh tế thành phố C không đồng ý tất cả các yêu cầu khởi kiện của chị L.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 35/2017/LĐ-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nn dân thành phố Cà Mau quyết định:

Căn cứ các Điều 32, 35 và 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 22; điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 38; điểm b khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Lao động; Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngy 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Lê Thị Thùy L về việc:

1/ Tuyên bố Quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017 của Phòng Kinh tế thành phố C về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị là trái pháp luật, hủy Quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017;

2/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải nhận chị trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký ngày 27/8/2013;

3/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải trả đủ tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 01/6/2017 đến ngày nộp đơn khởi kiện 09/6/2017 (09 ngày) với số tiền 1.321.650 đồng;

4/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải bồi thường cho chị bằng 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với số tiền 6.461.400 đồng;

5/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải truy nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị từ tháng 6/2017 đến ngày Phòng Kinh tế thành phố C nhận chị trở lại làm việc;

6/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải trả tiền lương cho chị từ ngày nộp đơn khởi kiện 09/6/2017 đến ngày Phòng Kinh tế thành phố C nhận chị trở lại làm việc;

7/ Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải bồi thường cho chị khoản tiền thiệt hại bù đắp tổn thất tinh thần bằng 10 tháng lương cơ bản với số tiền là 13.000.000 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 13/9/2017 chị Lê Thị Thùy L kháng cáo với nội dung yêu cầu sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo bổ sung yêu cầu kháng cáo, đề nghị được xem xét tiền lương và các chế độ khác đến thời gian xét xử phúc thẩm.

Luật sư và chị L tranh luận: Phòng Kinh tế chưa có quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc để làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc. Phòng Kinh tế căn cứ vào Thông báo số 461/TB-UBND ngày 23/12/2016 là văn bản cá biệt giải quyết yêu cầu khiếu nại của chị L để chấm dứt hợp đồng là không đúng và Thông báo 461 cũng đã bị hủy bỏ bằng Quyết định số 2611/QĐ- UBND ngày 10/7/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố C; chị L và Trưởng phòng Phòng Kinh tế có những vấn đề chưa thống nhất dẫn đến Phòng Kinh tế cho rằng chị L không hoàn thành công việc, chị L thực hiện dự án không gây thất thoát, kết quả thực hiện dự án hiện nay đã thành công nên không thể cho rằng chị L không hoàn thành công việc. Chị L là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L nhưng chị L không được mời tham dự nên chị L mất quyền bảo vệ chính mình và quyền đề nghị báo cáo lên Liên đoàn Lao động thành phố C. Phòng Kinh tế đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị L ngày 17/5/2017 nhưng không có biên bản thỏa thuận với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. Do Phòng Kinh tế chấm dứt hợp đồng đối với chị L là trái pháp luật nên yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần là 13.000.000 đồng; yêu cầu hủy quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017 của Phòng Kinh tế thành phố C về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L, nhận chị L trở lại làm việc, thanh toán tiền lương từ 01/6/2017 đến ngày xét xử phúc thẩm là 07 tháng 18 ngày bằng 25.258.200 đồng; bồi thường do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật 02 tháng bằng 6.461.400 đồng; truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 6/2017 đến nay. Tổng cộng, số tiền yêu cầu là 44.719.600 đồng.

Đại diện Phòng Kinh tế tranh luận: Phòng Kinh tế khi chấm dứt hợp đồng lao động với chị L không căn cứ vào Thông báo 461 làm cơ sở để chấm dứt hợp đồng. Ngày 26/8/2016 đã có phiếu tạm ứng hơn 187.000.000 đồng, vì thấy không phù hợp do đã có tạm ứng một số tiền cho đơn vị rồi nên Phòng mới chủ trương rút 142.000.000 đồng nhưng chị L không nhập quỹ, kế toán có ra phiếu thu 056, 057 058, chị L chỉ ký phiếu thu 057 và 058 còn phiếu thu 056 số tiền 142.000.000 đồng chị L không ký. Dự án dưa hấu chị L viết đề tài, có tham gia tập huấn, sau đó không tham gia thực hiện tiếp, ông Minh mới là người tiếp tục thực hiện dự án thành công. Phòng Kinh tế là cơ quan nhà nước nên căn cứ vào nội quy cơ quan để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Thống nhất Thông báo 461 là quyết định cá biệt nhưng trong Thông báo này có nêu các sai phạm của chị L. Mặc dù Thông báo 461 đã bị hủy bỏ bằng Quyết định 2611 nhưng thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động với chị L thì Thông báo 461 vẫn còn hiệu lực. Nếu căn cứ vào Quyết định 2611 thì vi phạm của chị L còn nặng hơn. Cuộc họp Ban chấp hành Công đoàn có 03 người là trên 2/3 thành viên theo quy định và căn cứ điều lệ không có gì là sai. Luật sư đề cập chỉ là mâu thuẫn giữa lãnh đạo và thủ quỹ là không đúng. Lãnh đạo giao nhiệm vụ nhưng không chấp hành là không có ý thức kỷ luật, không có tổ chức, việc kiểm tra, quản lý là để đảm bảo dự án được hoàn thành, không làm thất thoát tiền của Nhà nước nên không thể nói là mâu thuẫn, nếu tham mưu tốt thì lãnh đạo sẽ chấp nhận.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm chị L trình bày bản án sơ thẩm căn cứ vào Thông báo số 461/TB-UBND ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố C là không có cơ sở vì Thông báo 461 đã được thay thế bằng Quyết định 2611/QĐ- UBND ngày 10/7/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố C. Quá trình công tác chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
[2] Xét chị L là nhân viên hợp đồng dài hạn tại Phòng Kinh tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng giao kết, cụ thể quá trình thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGap...”, theo Thông báo số 01/TB-PKT ngày 22/3/2016 về phân công nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên Phòng Kinh tế (BL 156), nhiệm vụ của chị L là chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công... Giúp ban lãnh đạo xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ... Thông báo nhiệm vụ này có nêu cụ thể rõ ràng công việc, chị L cũng thừa nhận Thông báo số 01 này chị biết và thực hiện đúng, không vi phạm. Theo biên bản ngày 26/8/2016, Trưởng phòng giao nhiệm vụ cho chị L có trách nhiệm chia sẻ công việc với đồng nghiệp. Trong biên bản chị L không có ý kiến, chị L chỉ đề nghị Trưởng phòng ký hợp đồng rồi mới báo giá (BL 137-138). Như vậy, lời trình bày của chị L tại tòa cho rằng mới thực hiện dự án nên không có việc gì để giao là không có căn cứ, thực tế nếu lãnh đạo phân công thì chị L phải có ý kiến ghi nhận hoặc phản hồi, nhưng chị L không có ý kiến và chị L không ký tên vào biên bản.
[3] Biên bản cuộc họp ngày 09/9/2016 (BL 126) Lãnh đạo Phòng Kinh tế đề nghị chị L cung cấp địa chỉ, tên doanh nghiệp cung cấp vật tư thực hiện dự án để hợp đồng thực hiện nhưng chị L không cung cấp, tự ý bỏ cuộc họp. Tại phiên tòa chị L cho rằng chị L đã cung cấp nhưng trong biên bản đề nghị chị L cung cấp nội dung trên nhưng chị L lại không có ý kiến gì đối với chỉ đạo của Trưởng phòng, cũng không có ý kiến gì phản ánh đến cấp trên nếu chỉ đạo của Trưởng phòng là không đúng, lại tự ý bỏ cuộc họp.
[4] Kiểm tra việc giao quỹ giữa Phòng Kinh tế và chị L, ý kiến của Trưởng phòng đề nghị chị L giao chứng từ tạm ứng số tiền 142.000.000 đồng trong thời hạn là ngày 29/9/2016 nhưng chị L đề nghị đến tháng 12/2016, không nêu rõ lý do, đề nghị của chị L không được chấp nhận, chị L không ký biên bản và sau đó cũng không có ý kiến gì về việc bàn giao chứng từ tạm ứng, chị L cho rằng chị đề nghị nếu ký biên bản thì biên bản này phải ghi ý kiến của chị, Trưởng phòng không đồng ý. Vấn đề này chị L cũng không chứng minh được việc chị có đề xuất ghi ý kiến nhưng lãnh đạo không chấp nhận (BL 122). Tại phiên tòa, chị L cũng thừa nhận anh Đ là người ghi biên bản không có mâu thuẫn gì với chị, anh Đ xác nhận chị L không đề nghị ghi vào biên bản, khi họp xong chị L không ký tên vào biên bản.
[5] Việc tự ý chi tiền cho người dân không thông qua thủ quỹ, tại phiên tòa chị L cho rằng Phòng Kinh tế ban hành Quyết định số 20 là không đúng với thành phần trong dự án, chị là chủ dự án chị có quyền quyết định và chị L cũng thừa nhận khi ký hợp đồng thử nghiệm với Sở Khoa học công nghệ thì chủ trì là Phòng Kinh tế, nếu dự án không hoàn thành thì trách nhiệm là của Phòng Kinh tế và trong đó có một phần trách nhiệm của chị. Xét lời trình bày của chị L là không có cơ sở chấp nhận vì khi ký hợp đồng thì đại diện là Phòng Kinh tế, do chị L là người viết dự án nên chị L tham gia với tư cách là thực hiện dự án, nếu dự án không hoàn thành thì trách nhiệm là của người đứng đầu trong việc điều hành và triển khai. Khi triển khai thực hiện thì Phòng Kinh tế có quyền quyết định điều động phân bổ nhân sự để nhằm mục đích phục vụ thực hiện dự án. Việc chị L không tuân theo sự chỉ đạo của Trưởng phòng về việc cấp phát tiền cho người dân, chị L cho rằng nếu thủ quỹ chi tiền cho người dân thì thủ quỹ phải làm biên nhận, nhận tiền từ chị L thì chị L mới giao, tuy nhiên Phòng Kinh tế trình bày do chỉ đạo thủ quỹ chi nhưng chị L không chấp hành, tự chị L giao cho cán bộ xã chi và chị L cho rằng chị L có quyền này do căn cứ vào Thông tư số 04 là chủ nhiệm dự án có quyền chi tiền và trong biên bản ngày 10/10/2016 chị L có ý kiến là giao cho cán bộ xã chi để tránh nhầm lẫn (BL 119). Trong khi theo giải trình ngày 21/11/2017 chị L cung cấp cho Tòa án chị L trình bày “...không quy định chức danh thủ quỹ... quyết định số 20 là trái quy định. Mặc dù tôi tham mưu, giải thích rất nhiều vì tôi biết ông Phương mới về chưa nắm hết được các văn bản hướng dẫn KHCN nhưng ông Phương vẫn không chịu nghe...”. Điều này thể hiện chị L không chấp hành theo sự phân công của Trưởng phòng theo công việc chị L đang thực hiện.
[6] Luật sư tranh luận cho rằng Phòng Kinh tế không quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc như vậy căn cứ nào cho rằng chị L không hoàn thành công việc.
Tại Điều 12 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thể hiện “ 1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động...”. Điều luật này chỉ quy định đối với doanh nghiệp, không quy định đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đối với chị L là cán bộ hợp đồng, chị L thừa nhận công việc của chị là phụ trách khoa học công nghệ và đang thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGap...”, thực hiện nhiệm vụ theo bảng phân công nhiệm vụ và theo quy chế của cơ quan. Mặc dù công việc đang trong giai đoạn tiến hành nhưng chị L liên tục không tuân thủ sự phân công của Lãnh đạo từ việc báo giá để ký hợp đồng, không giao việc cho đồng nghiệp, tự ý chi tiền cho người dân, không cung cấp chứng từ tạm ứng. Trong quá trình họp chị L tự ý bỏ họp, không ký nhiều biên bản cuộc họp. Xét chị L là nhân viên hợp đồng, không thực hiện theo nhiệm vụ được phân công cũng như không tuân theo sự chỉ đạo của Trưởng phòng thì sẽ ảnh hưởng nhiệm vụ chung của cả phòng và dự án đang được thực hiện vì thời gian thực hiện hợp đồng dự án là 24 tháng. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc lãnh chỉ đạo của Trưởng phòng Phòng Kinh tế, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức. Do đó, Phòng Kinh tế chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị L là có căn cứ.
[7] Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị L đề nghị hủy Quyết định số 10 của Phòng Kinh tế về việc chấm dứt hợp đồng lao động với lý do khi xử lý chấm dứt hợp đồng lao động với chị L không có ý kiến của chị L vì chị L là Ủy viên của Ban chấp hành Công đoàn là vi phạm khoản 7 Điều 192 Bộ luật Lao động.
Xét đề nghị của Luật sư thấy rằng: Căn cứ theo tài liệu hồ sơ thể hiện khi xử lý chấm dứt hợp đồng lao động với chị L có ý kiến của Chủ tịch Công đoàn (BL 31, 45) và tại phiên tòa phía bị đơn trình bày trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với chị L, Ban chấp hành Công đoàn có tiến hành họp có ý kiến thống nhất với Lãnh đạo Phòng Kinh tế chấm dứt hợp đồng lao động với chị L và có văn bản báo cáo với Liên đoàn Lao động thành phố C. Văn bản họp cũng như quy chế phối hợp đã cung cấp cho Tòa án tỉnh Cà Mau sau khi Tòa án tạm dừng phiên tòa để thu thập chứng cứ.  Như vậy, căn cứ vào văn bản của Ban chấp hành Công đoàn họp vào ngày 13/10/2016 và khi họp chấm dứt hợp đồng lao động với chị L cũng có ý kiến của Chủ tịch Công đoàn. Theo khoản 7 Điều 192 Bộ luật Lao động quy định “Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở ...” như vậy đã thể hiện trước khi chấm dứt hợp đồng lao động Phòng Kinh tế đã thực hiện đúng theo quy định Điều 192 Bộ luật Lao động, do đó không có cơ sở chấp nhận lời đề nghị của Luật sư.
Từ phân tích trên, xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau không chấp nhận kháng cáo của chị Lê Thị Thùy L, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau là có căn cứ được chấp nhận.
[8] Chị L được miễn án phí lao động phúc thẩm theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ba Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của chị Lê Thị Thùy L.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 35/2017/LĐ-ST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Lê Thị Thùy L về việc: Tuyên bố Quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017 của Phòng Kinh tế thành phố C về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị là trái pháp luật, hủy Quyết định số 10/QĐ-PKT ngày 17/5/2017;
Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải nhận chị trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký ngày 27/8/2013;
Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải trả đủ tiền lương trong những ngày chị không được làm việc từ ngày 01/6/2017 đến ngày nộp đơn khởi kiện 09/6/2017 (09 ngày) với số tiền 1.321.650 đồng;
Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải bồi thường cho chị bằng 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với số tiền 6.461.400 đồng;
Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải truy nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị từ tháng 6/2017 đến ngày Phòng Kinh tế thành phố C nhận chị trở lại làm việc;
Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải trả tiền lương cho chị từ ngày nộp đơn khởi kiện 09/6/2017 đến ngày Phòng Kinh tế thành phố C nhận chị trở lại làm việc; Buộc Phòng Kinh tế thành phố C phải bồi thường cho chị khoản tiền thiệt hại bù đắp tổn thất tinh thần bằng 10 tháng lương cơ bản với số tiền là 13.000.000 đồng.
Án phí lao động phúc thẩm chị Lê Thị Thùy L được miễn.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1786
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/LĐ-PT ngày 19/01/2018 về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:01/2018/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:19/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về