Bản án 61/2019/HNGĐ-ST ngày 14/11/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ỨNG HÒA – TP HÀ NỘI

BẢN ÁN 61/2019/HNGĐ-ST NGÀY 14/11/2019 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Ngày 14 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 326/2019/TLST-HNGĐ ngày 09 tháng 9 năm 2019 về: “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 67/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 25 tháng 10 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Lê Thị T - sinh năm 1979 (có mặt)

Nơi ĐKHKTT: Thôn N, xã P, huyện Ư, TP. Hà Nội

Chỗ ở hiện nay: Chung cư FLC Complex, 36 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

2. Bị đơn: Anh Lê Đình T1 - sinh năm 1980 (có mặt)

Nơi ĐKHKTT: Thôn N, xã P, huyện Ư, TP. Hà Nội

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn ly hôn, biên bản tự khai, biên bản hòa giải chị Lê Thị T là nguyên đơn trình bày: Trước đây chị và anh Lê Đình T1 là vợ chồng và có 02 con chung là Lê Thị Hà P – sinh ngày 02/01/2011 và Lê Kỳ D – sinh ngày 23/3/2015. Do vợ chồng mẫu thuẫn trầm trọng nên anh chị ly hôn. Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 56/2019/QĐST-HNGĐ ngày 28/3/2019 Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa đã ghi nhận anh T1 là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục 02 con.

Sau khi ly hôn, anh T1 không hề có trách nhiệm với các con. Thường xuyên bỏ các con ở nhà với nhau để đi chơi bời tối khuya mới về. Có hôm thì gửi các cháu ở nhà các bác, có hôm thì gửi hàng xóm; không gửi được ai thì anh nhốt các con. Nhiều khi anh gửi các cháu qua ngày, qua đêm không hề chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cũng như sức khỏe của các cháu. Chị về thăm gặp các con thì anh luôn tìm cớ ngăn cản nên chị thường xuyên phải thăm gặp các con ở trường hoặc ở nhà hàng xóm mỗi khi anh gửi con. Có hôm chị về thấy hai con bị nhốt đang ôm nuồi cơm tự bốc ăn mà không cầm được nước mắt. Có hôm thì anh gửi con hàng xóm, chị hàng xóm biết chuyện điện cho chị về thăm con. Nhưng cứ mỗi lần chị về thăm gặp các con, anh biết chuyện đều mắng trách các con. Đặc biệt là cháu Duyên, cháu còn nhỏ, hay ôm đau nhưng anh không hề quan tâm đến cháu. Chị cũng đã báo cáo chính quyền địa phương để can thiệp, khuyên bảo anh T1 nhưng anh T1 vẫn vậy. Vẫn không hề có trách nhiệm với các con.

Đến nay chị nhận thấy việc để anh T1 nuôi dạy các con như vậy sẽ không đảm bảo cho các con phát triển, tâm sinh lý vì vậy chị đề nghị Tòa giải quyết cho chị được quyền nuôi hai con và không yêu cầu anh T1 cấp dưỡng tiền nuôi con vì:

+ Từ trước ly hôn và sau ly hôn, anh T1 thường xuyên không quan tâm, chăm sóc các con.

+ Về thu nhập: Hiện tại lương của anh T1 chỉ có khoảng 5.000.000đ/tháng. Anh T1 không làm thêm; đồng thời thường xuyên chơi bời đàn đúm với bạn bè, thường xuyên bỏ bê các con. Đồng thời anh T1 cũng đang thuê nhà tháng hết 1.500.000đ/tháng. Bản thân chị hiện tại đang thuê nhà và mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu, làm đẹp thu nhập sau khi đã chi trả các khoản tiền nhà, tiền điện nước, tiền thuê nhân viên mỗi tháng còn lại khoảng 20.000.000đ. Đồng thời hiện tại mẹ chị đang ở cùng chị để phụ giúp việc nhà và cơm nước nên rất thuận cho việc chị chăm sóc các con.

Vậy chị tha thiết đề nghị Tòa cho chị được nuôi hai con nếu không được thì chị xin nuôi cháu Duyên vì cháu còn nhỏ, không tự chăm sóc bản thân của mình và hơn nữa cháu rất yếu, hay ốm đau.

Bị đơn anh Lê Đình T1 không có quan điểm, ý kiến gì.

Bà Nguyễn Thị Thành – người làm chứng: Bà là thím dâu anh T1. Bà nhận thấy anh T1 thường xuyên đi làm và vắng nhà, liên tục gửi các con cho chị gái của anh T1 hoặc hàng xóm trông nom giúp; không lo cơm nước, giấc ngủ, sức khỏe cho các cháu đặc biệt là cháu Duyên. Nay chị T đề nghị được nuôi 02 con, bà đề nghị Tòa giải quyết cho chị T được nuôi hai cháu để các cháu đảm bảo sức khỏe và tâm sinh lý.

Tại phiên tòa ngày hôm nay, nguyên đơn vẫn giữ nguyên ý kiến, không xuất trình thêm tài liệu chứng cứ nào khác. Bị đơn trình bày không nhất trí với nguyên đơn, nguyện vọng của anh vẫn đề nghị được nuôi 2 cháu, vì hiện tại 2 cháu ở với anh sức khỏe và học tập đều rất tốt và không xuất trình thêm tài liệu chứng cứ nào khác.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ứng Hòa có quan điểm: Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã thực hiện đầy đủ các quy định về tố tụng dân sự như tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho các đương sự, tạo điều kiện cho họ được trình bày quan điểm, tiến hành hòa giải theo đúng quy định. Hội đồng tiến hành xét xử vụ án đúng quy định của pháp luật. Về nội dung vụ án: chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Lê Thị T; đề nghị Tòa giải quyết xử cho chị Lê Thị T là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cháu Lê Kỳ D – sinh ngày 23/3/2015; giao anh T1 tiếp tục là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cháu Lê Thị Hà P – sinh ngày 02/01/2011. Anh T1 phải nộp án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quartranh luận tại phiên tòa ý kiến của các đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ theo quy định. Tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” theo quy định của khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì vụ án Hôn nhân và gia đình này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa.

Trong quá trình giải quyết vụ án,Toà án đã tống đạt thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, triệu tập anh Lê Đình T1 đến Toà án làm việc theo đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự.

[2]Về nội dung: Việc nuôi dưỡng con chung sau ly hôn được Tòa án công nhận theo thỏa thuận tại Quyết định số 56/2019/QĐST-HNGĐ ngày 28/3/2019 Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội “giao anh T1 là người trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 02 con chung là cháu Lê Thị Hà P – sinh ngày 02/01/2011 và cháu Lê Kỳ D – sinh ngày 23/3/2015; tạm hoãn tiền cấp dưỡng nuôi con đối với chị T cho đến khi có thay đổi khác. Chị T có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở”. Thực tế, việc nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn được các bên thực hiện theo đúng thỏa thuận, cháu Phương, cháu Duyên ở với anh T1. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, anh T1 thường xuyên ngăn cản chị T thăm nom con chung; thường xuyên gửi các cháu đến nhà chị gái, hàng xóm. Điều này được chứng minh bởi lời khai của bà Nguyễn Thị Thành là thím anh T1, hơn nữa còn được chứng minh bởi lời trình bày của cháu Lê Thị Hà P là con của anh T1, chị T có sự chứng kiến của cô Nguyễn Thị Thu H là giáo viên chủ nhiệm của cháu, cháu Phương trình bày “...bố cháu thường xuyên gửi chị em cháu đến nhà hàng xóm, có khi ăn cơm rồi ngủ lại luôn ở đó, bố cháu không quan tâm gì đến chúng cháu, bản thân em Duyên rất hay ốm...”. Quá trình xác minh tại địa phương thì thấy việc anh T1 ngăn cản việc chị T thăm nom con chung thì chính quyền địa phương không chứng kiến xong thông qua dân làng và chị T phản hồi thì được biết anh T1 thường xuyên vắng nhà, gửi các con đến nhà chị gái và hàng xóm; anh T1 đe dọa không cho chị T thăm gặp các con. Nay chị T có đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi hai con là được nuôi cháu P và cháu D; chính quyền địa phương đề nghị Tòa căn cứ vào thực tiễn, quy định pháp luật để giải quyết đảm bảo quyền lợi cũng như sự phát triển của các cháu và quyền làm mẹ của người phụ nữ.

Tại phiên tòa hôm nay, chị T đề nghị được quyền nuôi 2 con chung và không yêu cầu anh T1 đóng góp phí tổn nuôi con chung, phía anh T1 đề nghị giữ nguyên như hiện nay, cụ thể anh đề nghị tiếp tục được nuôi cả 2 cháu. Hội đồng xét xử thấy rằng nguyện vọng của chị T, anh T1 đề nghị được nuôi con chung là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy rằng việc anh T1 bỏ bê, không quan tâm chăm sóc con chung, thường xuyên vắng nhà, cản trở việc thăm hỏi con chung của chị T là có căn cứ. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho các cháu, nhất là đối với cháu D, sinh ngày 23/3/2015 còn quá bé chưa thể chăm sóc được bản thân, lại hay đau ốm. Cháu P lớn hơn cũng đã biết tự chăm sóc bản thân và cháu có quan điểm cháu ở với bố hoặc với mẹ đều được. Vì vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung Lê Kỳ D từ anh T1 sang chị T là phù hợp các Điều 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và gia đình. Anh T1 tiếp tục trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cháu Lê Thị Hà P. Chị T và anh T1 có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.

Về tiền cấp dưỡng nuôi con: Do chị T không yêu cầu giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con, anh T1 cũng không có quan điểm ý kiến gì nên tạm hoãn tiền cấp dưỡng nuôi con đối với chị T và anh T1 cho đến khi có thay đổi khác.

[5] Về án phí và quyền kháng cáo: Anh Lê Đình T1 phải nộp toàn bộ án phí dân sự theo quy định pháp luật. Hoàn trả lại số tiền chị Lê Thị T đã nộp tạm ứng án phí. Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 58; Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

Căn cứ khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khon 4 Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sư;

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Lê Thị T về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn.

2. Thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung Lê Kỳ D – sinh ngày 23/3/2015 từ anh Lê Đình T1 cho chị Lê Thị T là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục; tạm hoãn tiền cấp dưỡng nuôi con đối với anh T1 cho đến khi có thay đổi khác. Anh T1 có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.

3. Về án phí: Anh Lê Đình T1 phải nộp 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.

Hoàn trả lại chị Lê Thị T 300.000đ tạm ứng án phí chị đã nộp theo biên lai số0009309 ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 61/2019/HNGĐ-ST ngày 14/11/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Số hiệu:61/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ứng Hòa - Hà Nội
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 14/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về