Bản án 59/2020/HS-PT ngày 20/02/2020 về tội huỷ hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 59/2020/HS-PT NGÀY 20/02/2020 VỀ TỘI HUỶ HOẠI RỪNG

Mở phiên tòa ngày 20/02/2020, tại trụ sở TAND tỉnh Đăk Lăk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 343/2019/TLPT-HS ngày 21/10/2019 đối với bị cáo Trần Văn Huy và 11 bị cáo khác, do các bị cáo kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 21/2019/HS-ST ngày 05/9/2019 của TAND huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk.

Các bị cáo kháng cáo:

1. TRẦN VĂN H, sinh năm 1978, tại tỉnh Nam Định.

Nơi cư trú: Thôn 7, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Nguyên là phó Bí thư Đảng uỷ xã C; Con ông: Trần Văn H, sinh năm 1947 và bà: Trần Thị H, sinh năm 1949; có vợ: Mai Thị B, sinh năm 1980; có 02 con (con lớn sinh năm 2005, con nhỏ sinh năm 2011).

Bị cáo là đảng viên Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 18/12/2015, được huỷ bỏ biện pháp tạm giam ngày 19/12/2015; Bị bắt tạm giam lại ngày 15/01/2016, được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 10/3/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

2. LÊ QUÝ S, sinh năm 1972, tại tỉnh Thanh Hoá.

Nơi cư trú: Tổ dân phố 3A, thị trấn E, huyện K, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Giáo viên; Con ông: Lê Văn N (đã chết) và bà: Đặng Thị T, sinh năm 1944; Có vợ: Hoàng Thanh Đ, sinh năm 1974; có 03 con (con lớn nhất sinh năm 1993, con nhỏ nhất sinh năm 2013).

Bị cáo là đảng viên Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 18/12/2015, được huỷ bỏ biện pháp tạm giam ngày 19/12/2015; Bị bắt tạm giam lại ngày 15/01/2016, được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 21/3/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

3. NGUYỄN VĂN Đ, sinh năm 1968, tại tỉnh Lạng Sơn.

Nơi cư trú: Thôn B, xã T, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: Mù chữ; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Tày; Con ông: Nguyễn Nghiêm T, sinh năm 1932 và bà: Tàng Thị S, sinh năm 1936; Có vợ: Lê Thị H, sinh năm 1969; có 04 con (con lớn nhất sinh năm 1998, con nhỏ nhất sinh năm 2004).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 16/01/2017, hiện đang tại ngoại, có mặt.

4. VÕ NGỌC T (Tên gọi khác: T), sinh năm 1985, tại tỉnh Khánh Hoà.

Nơi cư trú: Thôn K, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 6/12; Nghề nghiệp: Làm nông; Con ông: Võ Ngọc T (đã chết) và bà: Nguyễn Thị N; Có vợ: Đặng Thị M, sinh năm 1988; có 03 con (con lớn nhất sinh năm 2011, con nhỏ nhất sinh năm 2019).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 18/3/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

5. TRIỆU TIẾN T1, sinh năm 1985, tại tỉnh Lạng Sơn.

Nơi cư trú: Thôn K, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: Mù chữ; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Dao; Con ông: Triệu Hiếu T, sinh năm 1965 và bà: Hoàng Thị C, sinh năm 1964; Có vợ: Đặng Thị L, sinh năm 1984; có 02 con (con lớn sinh năm 2004, con nhỏ sinh năm 2006).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 22/4/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

6. TRIỆU VĂN H1, sinh năm 1982, tại tỉnh Cao Bằng.

Nơi cư trú: Thôn 2, xã L, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng; Trình độ học vấn: Mù chữ; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Dao; Con ông: Chưa xác định được và bà: Triệu Thị M, sinh năm 1942; Có vợ: Triệu Thị P, sinh năm 1984; Có 02 con (con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2009).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 18/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 19/11/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

7. TRIỆU VĂN L (Tên gọi khác: Ngoan), sinh năm 1995, tại tỉnh Lạng Sơn.

Nơi cư trú: Thôn E, xã T, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Dao; Con ông: Triệu Văn S, sinh năm 1971 và bà: Triệu Thị S, sinh năm 1973; Có vợ: Giàng Thị D, sinh năm 1996, có 02 con (con lớn sinh năm 2017, con nhỏ sinh năm 2018). Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 21/3/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

8. TRIỆU VĂN S1, sinh năm 1971, tại tỉnh Cao Bằng.

Nơi cư trú: Thôn E, xã T, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 5/12; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Dao; Con ông: Triệu Văn N (đã chết) và bà: Dương Thị L (đã chết); Có vợ: Triệu Thị S, sinh năm 1973; Có 03 con (con lớn nhất sinh năm 1992, con nhỏ nhất sinh năm 1995) .

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 16/5/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

9. TRIỆU VĂN T2, sinh năm 1975, tại tỉnh Bắc Cạn.

Nơi cư trú: Thôn E, xã T, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: Mù chữ; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Dao; Con ông: Triệu Văn N (đã chết) và bà: Dương Thị L (đã chết); Có vợ: Triệu Thị P, sinh năm 1971; Có 04 con (con lớn nhất sinh năm 1999, con nhỏ nhất sinh năm 2004).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 16/5/2016, hiện đang tại ngoại, có mặt.

10. VI VĂN T3, sinh năm 1976, tại tỉnh Bắc Cạn.

Nơi cư trú: Thôn P, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Cạn; Trình độ học vấn: Mù chữ; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Mông; Con ông: Vi Văn T, sinh năm 1955 và bà: Tái Thị L, sinh năm 1956; Có vợ: Vi Thị S, sinh năm 1981; Có 03 con (con lớn nhất sinh năm 1999, con nhỏ nhất sinh năm 2004).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 27/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 16/5/2018, hiện đang tại ngoại, vắng mặt.

11. LINH VĂN T4, sinh năm 1990, tại tỉnh Lạng Sơn.

Nơi cư trú: Thôn E, xã T, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Nùng; Con ông: Linh Văn A, sinh năm 1964 và bà: Hứa Thị D, sinh năm 1960; Có vợ: Nguyễn Thị T, sinh năm 1993; Có 02 con (con lớn sinh năm 2011, con nhỏ sinh năm 2018).

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 16/01/2017, hiện đang tại ngoại, có mặt.

12. TRIỆU VĂN D, sinh năm 1994, tại tỉnh Bắc Cạn.

Nơi cư trú: Thôn E, xã T, huyện M, tỉnh Đăk Lăk; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Dao; Con ông: Triệu Văn S, sinh năm 1971 và bà: Triệu Thị S, sinh năm 1973. Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 15/10/2015, được được thay đổi bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh ngày 16/01/2017, hiện đang tại ngoại, có mặt.

Người bào chữa:

1. Luật sư Tạ Quang T - Văn phòng luật sư T.H.T, Đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk và Luật sư Đàm Quốc Chính - Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Chính Nhân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bào chữa cho các bị cáo Trần Văn H và Lê Quý S, theo yêu cầu của các bị cáo, có mặt.

2. Luật sư Tạ Quang T - Văn phòng luật sư T.H.T, Đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk, bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Triệu Văn S1, Triệu Văn L, Triệu Văn D, Triệu Văn T2, Linh Văn T4, Triệu Văn H1, Vi Văn T3, Triệu Tiến T1, theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đăk Lăk, có mặt.

3. Luật sư Tạ Quang T - Văn phòng luật sư T.H.T, Đoàn luật sư tỉnh Đăk Lăk, bào chữa cho Võ Ngọc T, theo yêu cầu của bị cáo, có mặt.

- Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1966; Cư trú tại Tổ dân phố 5, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, có mặt.

2. Ông Y N, sinh năm 1964; Cư trú tại thôn 1, xã J, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, vắng mặt.

- Người phiên dịch: Bà Đinh Thị Thu H, phiên dịch tiếng dân tộc Dao; Ông Hoàng V, phiên dịch tiếng dân tộc Tày.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắc như sau sau:

Tháng 4/2012, Đặng Văn T5 cùng với Nguyễn Văn T6, Lê Đăng H2, Trần Văn H và Lê Quý S, thuê xe máy múc mở con đường lên đất đồi cỏ tranh chưa có ai sử dụng, thuộc tiểu khu 819, thôn S, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk và chia nhau đất, trồng cây Keo vào tháng 11 năm 2012; Thấy khu rừng tự nhiên bên cạnh (do UBND xã C quản lý), H nảy sinh ý định chặt hạ cây rừng và đốt cháy để lấy đất trồng cây Keo. Đầu tháng 01/2013, H thuê Hứa Văn G, Hứa Văn S3, Hứa Văn C, Hoàng Ngọc T7, Nông Văn C1 dùng dao quắm và máy cưa lốc chặt hạ 0,19ha rừng thuộc tiểu khu 819, với giá thuê 5.000.000đ/ha. Sau khi chặt hạ 0,19ha rừng, S2 và đồng bọn xin ứng tiền để mua thức ăn, đồ uống và xăng nhưng H không ứng tiền, nên S2 và đồng bọn đi về.

Huy nhờ S thuê giúp người chặt hạ cây rừng để lấy đất trồng cây Keo; S hỏi H khu vực rừng này có ai tranh chấp không? H trả lời không có tranh chấp và đưa cho S xem bản đồ quy hoạch ba loại rừng tại tiểu khu 819, đồng thời chỉ cho S biết khu vực rừng cần chặt hạ; S đồng ý giúp H; S đến gặp Nguyễn Văn Đ đặt vấn đề thuê Đ phát dọn cây rừng cho H, Đẳng đồng ý. Sỹ cho H số điện thoại của Đ, để H thoả thuận với Đ về giá thuê phát dọn cây rừng; Sau đó, H điện thoại cho Đ và thoả thuận giá thuê tiền công phát dọn 5.000.000đ/ha; Khoảng một tuần sau, Đ điện thoại cho H yêu cầu H dẫn đi xem khu vực rừng cần chặt phá. Do bận việc, nên H nhờ S dẫn Đ đến xem khu vực rừng cần chặt phá. Sau khi xem khu rừng do S chỉ, Đ về nhà gọi thêm Nguyễn Văn V (là con của Đ), Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn S1, Triệu Văn H1, Linh Văn T4 mang theo lương thực và dao, vào tiểu khu 819, dùng dao chặt hạ cây Lô Ô, cây Giang, các cây dây leo và cây rừng có đường kính từ 8cm đến 10cm trở xuống. Sau khi chặt hạ cây rừng khoảng 07 ngày, Đẳng và đồng bọn về nhà nghỉ chuẩn bị tết nguyên đán năm 2013. Sau tết nguyên đán khoảng 10 ngày, Đ và đồng bọn mang theo máy cưa lốc cắt hạ các cây rừng có đường kính từ 10cm trở lên; Lần này có thêm Triệu Văn L (là con của S1) mang theo dao phát tham gia chặt hạ cây rừng; Khoảng một tuần sau, Triệu Văn D (là con của S1) cũng tham gia; Đ, T2, S1, T3, T4, H1 mỗi người sử dụng một cưa máy cắt hạ cây rừng; L, D, V dùng dao phát chặt hạ cây Lồ Ô, cây Giang, dây leo và thỉnh thoảng thay phiên cho Đ và S1, dùng cưa máy cắt hạ những cây gỗ lớn; D tham gia khoảng 04 ngày thì đi về trước.

Sau 15 ngày chặt hạ cây rừng, Đ và đồng bọn thấy ngày càng có nhiều cây gỗ lớn, đường kính từ 60cm đến 70cm nên lo sợ pháp luật xử lý, đồng thời trong quá trình dùng cưa máy cắt hạ cây gỗ, S1 bị cành cây rơi trúng đầu chảy máu nên Đ và đồng bọn nghỉ làm và đi về; Một tuần sau, H cùng với S1 và T4 dùng máy định vị đo đạc diện tích rừng đã chặt hạ khoảng 16ha; H và S thanh toán tiền công chặt phá rừng cho Đ. Sau khi trừ chi phí tiền mua máy cưa và ăn uống, Đ chia đều tiền công cho mọi người theo số ngày công của từng người.

Đến tháng 3/2013, H tiếp tục nhờ S thuê người chặt hạ cây rừng, để lấy đất trồng cây Keo; S đồng ý; Khoảng một tuần sau, S đến gặp Võ Văn T đặt vấn đề thuê T phát dọn cây rừng cho H, T đồng ý. S đưa T đến gặp H, H và T thoả thuận về giá thuê phát dọn cây rừng là 5.000.000đ/ha; Khoảng 04 ngày sau, H nhờ S dẫn T đến xem địa điểm khu vực rừng cần chặt hạ tại tiểu khu 819; Sau đó, T rủ thêm Lâm Văn T8 mang theo rìu, dao phát vào rừng chặt hạ các bụi cây, dây leo và các cây gỗ có đường kính từ 15cm trở xuống; Những cây gỗ có đường kính từ 15cm trở lên, T thuê Triệu Tiến T1 dùng máy cưa lốc cắt hạ; T và đồng bọn chặt hạ cây rừng khoảng 12 ngày thì thấy có quá nhiều cây gỗ lớn, sợ bị pháp luật xử lý, nên nghỉ làm và điện thoại cho H vào đo đạc diện tích rừng đã chặt phá khoảng 06ha; H thanh toán tiền công chặt hạ cây rừng cho T 30.000.000đ.

Khoảng một tháng sau, H thuê một người đàn ông tên X (chưa xác định được nhân thân, lai lịch) chặt hạ cây gỗ tự nhiên còn sót lại và bụi cây mới mọc lên tại khu vực rừng mà Đ và T đã chặt hạ từ trước, với giá 1.800.000đ/ha. Khoảng một tháng sau, X báo cho H biết đã phát dọn xong khu vực rừng khoảng 16ha; Huy tin lời X, nên không kiểm tra thực địa và thanh toán tiền công cho X 34.000.000đ. Sau khi chặt hạ xong khu rừng nêu trên, thông qua UBND xã C, H và S được biết UBND huyện M đang triển khai thực hiện dự án: Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (gọi tắc là dự án F) tại địa bàn xã C (trồng cây Keo), H và S liên hệ với Ban quản lý dự án thông qua UBND xã C để được hỗ trợ vốn trồng cây Keo trên diện tích đất rừng vừa chặt hạ. Do dự án F quy định mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ vốn để trồng cây Keo không quá 05ha và phải là người có hộ khẩu và có đất trống tại xã C. Vì vậy, Lê Quý S đã lấy tên hộ gia đình ông Dương Trung T, có hộ khẩu tại thôn S, xã C; ông Triệu Tiến H có hộ khẩu tại thôn E, xã C. H lấy tên của các hộ gia đình bà Bàn Thị S, bà Triệu Thị X, bà Triệu Thị S, bà Triệu Thị C, ông Đặng Văn T, ông Đặng Văn TH, có hộ khẩu tại xã C để đăng ký trồng cây Keo với Ban quản lý dự án; Huy giả mạo chữ ký của bà C, ông T, ông TH để đăng ký dự án.

Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 12/02/2014 xác định: Tại lô 2 khoảnh 7 và lô 1, 2 khoảnh 9, tiểu khu 819 thuộc địa bàn thôn S, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, diện tích rừng bị huỷ hoại 25,65ha; Các cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ nằm ngổn ngang và bị đốt cháy nham nhở, một số cây bị cháy thành than; Mật độ gốc cây thưa; các gốc cây bị đốn hạ phần lớn có vết vòng cung, dạng dấu vết của lưỡi cưa lốc, số ít có dấu vết chặt, bờ mép sắc gọn; Số cây có đường kính từ 08cm đến 24cm bị đốn hạ nằm tại hiện trường là 939 cây; Cây có đường kính từ 25cm trở lên là 991 cây. Trên diện tích này, còn lại một số cây rừng tự nhiên chưa bị đốn hạ, có đường kính trung bình 30cm, lá cây vẫn xanh tốt; Trên diện tích rừng bị đốn hạ đã trồng cây Keo, có chiều cao từ 0,4m đến 01m.

Tại lô 1 khoảnh 11 tiểu khu 819, diện tích rừng tự nhiên bị chặt hạ là 0,7ha; Các cây gỗ bị chặt hạ nằm ngổn ngang, lá và cành cây đã khô; Mật độ gốc cây thưa; gốc cây bị đốn hạ cách mặt đất từ 0,2m đến 1,2m; bề mặt các gốc cây bị đốn hạ có dấu vết vòng cung, dạng dấu vết của lưỡi cưa lốc; số gốc cây bị đốn hạ có đường kính từ 25cm trở lên là 30 cây.

Tổng diện tích rừng các bị cáo chặt hạ tại tại tiểu khu 819, thuộc thôn S, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk là 18,09ha, trong đó:

Cuối tháng 01/2013, H thuê Hứa Văn S3, Hứa Văn G, Hứa Văn C, Hoàng Ngọc T7 và Nông Văn C1 chặt hạ diện tích rừng là 1.900m2 (lô 2, khoảnh 9).

Đầu tháng 02/2013, H và S thuê Đ, D, V, T2, T3, S1, H1, T4 và L chặt hạ diện tích rừng 161.600m2 (lô 2, khoảnh 7; lô 1, 2 khoảnh 9).

Tháng 3/2013, H và S thuê T, T8 và T1 chặt hạ diện tích rừng 17.400m2 (lô 1, khoảnh 9).

Bản kết luận giám định ngày 25/02/2014 của Chi cục kiểm lâm Đăk Lăk và Chi cục lâm nghiệp Đăk Lăk kết luận: Tại lô 2, khoảnh 7 và lô 1, 2 khoảnh 9, tiểu khu 819, diện tích rừng bị phá 25,65ha; mức độ thiệt hại 75%; Giá trị thiệt hại về rừng là 6.816.157.245 đồng. Tại lô 1 khoảnh 11, tiểu khu 819, diện tích rừng bị phá 0,7ha; mức độ thiệt hại 100%; Giá trị thiệt hại về rừng 252.684.703 đồng.

Về trạng thái, loại rừng: Rừng nghèo, được quy hoạch là rừng sản xuất.

Bản kết luận định giá tài sản số: 20/KL-HDĐG ngày 14/8/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện M’Đrăk kết luận: 18,09ha rừng nghèo, tại lô 2, khoảnh 7 và lô 1, 2 khoảnh 9, Tiểu khu 819 bị phá, giá trị thiệt hại về rừng là 4.807.184.864 đồng.

Bản án hình sự sơ thẩm sơ thẩm số: 21/2019/HSST ngày 05/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrăk tuyên bố các bị cáo Trần Văn H, Lê Quý S, Nguyễn Văn Đ, Triệu Văn T2, Vi Văn T, Triệu Văn S1, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Văn L, Triệu Văn D, Võ Ngọc T và Triệu Tiến T1 phạm tội Huỷ hoại rừng.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 189 BLHS năm 1999; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Trần Văn H 08 năm 06 tháng tù; Lê Quỹ S 07 năm tù.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 189 BLHS năm 1999; điểm m, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt: Nguyễn Văn Đ 03 năm tù; Triệu Văn T2 02 năm 09 tháng tù; Linh Văn T4 02 năm 09 tháng tù; Triệu Văn H1 02 năm 09 tháng tù; Triệu Văn S1 02 năm 09 tháng tù; Vi Văn T3 02 năm 06 tháng 19 ngày tù.

- Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 189 BLHS năm 1999; điểm m, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 54; khoản 1, khoản 2 Điều 65 BLHS năm 2015.

Xử phạt: Triệu Văn L 02 năm 06 tháng tù và Triệu Văn D 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.

Xử phạt: Võ Ngọc T 03 năm tù.

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015; điểm m, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015.

Xử phạt: Triệu Tiến T1 02 năm 03 tháng tù.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn giải quyết bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, quyết định án phí và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 13/9/2019, các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Võ Ngọc T, Triệu Văn D, Triệu Văn L, Triệu Văn S1, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Tiến T1 có đơn kháng cáo kêu oan với lý do: Các bị cáo là người làm thuê cho Trần Văn H và Lê Quý S; địa điểm mà H và S thuê các bị cáo dùng dao rựa phát dọn để trồng cây Keo là trảng cỏ và bụi cây; Toà án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo phạm tội Huỷ hoại rừng là oan, đề nghị Toà áp cấp phúc thẩm xét xử lại.

Ngày 16/9/2019, bị cáo Trần Văn H có đơn kháng cáo cho rằng: Địa điểm bị cáo thuê người dùng dao rựa phát dọn để trồng cây Keo, tại tiểu khu 819, thuộc thôn S, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, được UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành Quyết định số: 1030/QĐ- UBND ngày 16/5/2007 quy hoạch rừng sản xuất, là đất trống, trảng cỏ, không có rừng. Sau khi thuê người phát dọn diện tích đất nêu trên, bị cáo đăng ký với Ban quản lý dự án F tại UBND xã C, để trồng cây Keo trên diện tích đất đã phát dọn; Ban quản lý dự án đã cử người kiểm tra thực địa và đồng ý cho bị cáo tham gia dự án; Bản kết luận giám định thiệt hại về rừng và định giá thiệt hại về tài sản là không đúng với quy định của pháp luật. Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo phạm tội Huỷ hoại rừng là oan cho bị cáo, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại.

Ngày 16/9/2019, bị cáo Lê Quý S có đơn kháng cáo cho rằng: Giữa bị cáo và Trần Văn H là bạn bè thân tình với nhau; H nhờ bị cáo tìm người phát dọn trên diện đất tại tiểu khu 819, để H tham gia dự án trồng rừng nên bị cáo đã giúp H; Bị cáo không có vụ lợi gì trong việc giúp H. Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo phạm tội Huỷ hoại rừng là oan cho bị cáo; Toà án cấp sơ thẩm còn quy kết cho bị cáo chặt phá 0,78ha rừng là không đúng, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Văn H khai nhận: Diện tích đất tại tiểu khu 819, thuộc thôn S, xã C, huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk, mà bị cáo thuê Nguyễn Văn Đ và nhiều người khác phát dọn để trồng cây Keo là đất trống và trảng cỏ, không phải là rừng. Sau khi phát dọn diện tích đất nêu trên, bị cáo đăng ký với Ban quản lý dự án F huyện M’Đrăk trồng rừng trên đất; Ban quản lý dự án đã cử người kiểm tra thực địa và đồng ý cho bị cáo tham gia dự án; Ban quản lý dự án đã hỗ trợ cho bị cáo về vốn và cây giống để trồng rừng. Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo huỷ hoại rừng tại tiểu khu 819 là oan cho bị cáo.

Tại phiên toà Lê Quý S khai nhận: Trần Văn H là bạn thân tình của bị cáo; Tháng 02 và tháng 3/2013, H nhờ bị cáo tìm giúp người phát dọn khu đất trống tại tiểu khu 819 để Huy trồng cây Keo, nên bị cáo đã gặp Nguyễn Văn Đ, Võ Ngọc T và nói rõ việc H thuê phát dọn đất để trồng cây Keo; Bị cáo yêu cầu Đ và T đến gặp H để thoả thuận tiền công thuê phát dọn; bị cáo không có vụ lợi gì trong việc giúp H. Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo huỷ hoại rừng tại tiểu khu 819 là oan cho bị cáo.

Tại phiên toà phúc thẩm các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Võ Ngọc T, Triệu Văn D, Triệu Văn L, Triệu Văn S1, Triệu Văn T2, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Tiến T1 khai nhận: Trần Văn H và Lê Quý S, thuê các bị cáo phát dọn các bụi cây tại tiểu khu 819 thuộc thôn S, xã C, huyện M để trồng cây Keo; Diện tích đất mà các bị cáo phát dọn không có cây rừng, Toà án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo phạm tội Huỷ hoại rừng là oan cho các bị cáo.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND tỉnh Đăk Lăk cho rằng: Bản án sơ thẩm tuyên xử các bị cáo Trần Văn H, Lê Quý S, Nguyễn Văn Đ, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn S1, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Văn L, Triệu Văn D, Võ Ngọc T và Triệu Tiến T1 phạm tội Huỷ hoại rừng là có căn cứ. Tuy nhiên Bản kết luận định và bản kết luận định giá tài sản, đã căn cứ Quyết định số: 19/2013/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Đăk Lăk để định giá thiệt hại về rừng là không có căn cứ. Bởi lẽ, các bị cáo huỷ hoại rừng tại tiểu khu 819 từ tháng 01 đến tháng 3/2013. Quyết định số: 19/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đăk Lăk quy định về khung giá trị loại rừng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, được ban hành sau thời điểm gây thiệt hại nên không thể áp dụng Quyết định số: 19/2013/QĐ- UBND để định giá thiệt hại về rừng.

Uỷ ban nhân dân xã C và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã C, đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ rừng tại Tiểu khu 819, dẫn đến các bị cáo trong vụ án và các đối tượng khác huỷ hoại 25,65ha rừng; Mặc dù Toà án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần nhưng cấp sơ thẩm không khởi tố, điều tra, truy tố những người có liên quan về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, là bỏ lọt tội phạm. Cấp sơ thẩm cho rằng cuối tháng 01/2013, Trần Văn H thuê Hứa Văn S2, Hứa Văn G, Hứa Văn C, Hoàng Ngọc T7 và Nông Văn C1 chặt hạ 1.900m2 rừng tại tô 2, khoảnh 9, Tiểu khu 819 nhưng tại cơ quan điều tra S2, C, Thiện, C1 khai rằng Lê Quý S là người thuê chặt hạ diện tích rừng nêu trên; Cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ vấn đề này.

Do cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ; Định giá tài sản không đúng với quy định của pháp luật, bỏ lọt tội phạm, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng: Căn cứ Quyết định số: 1030/QĐ- UBND ngày 16/5/2007 của UBND tỉnh Đăk Lăk thì diện tích đất tại Tiểu khu 819, mà Trần Văn H thuê các bị cáo trong vụ án phát dọn để trồng cây Keo là đất trống, trảng cỏ, không có rừng, được quy hoạch là rừng sản xuất; Cấp sơ thẩm điều tra vụ án chưa đầy đủ, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Xét lời khai của các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng diện tích đất 18,09ha thuộc lô 2, khoảnh 7; lô 1, 2 khoảnh 9, Tiểu khu 819, thôn S, xã C, huyện M, mà các bị cáo phát dọn để trồng cây Keo chỉ là đất trống và trảng cỏ, không có cây rừng, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận. Bởi lẽ, căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường thì địa điểm nêu trên là rừng tự nhiên; Các cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ, sau khi bị đốt cháy còn sót lại tại hiện trường số cây gỗ có đường kính từ 8cm đến 24cm, chiều dài từ 02m đến 05m là 939 cây; số cây gỗ có đường kính từ 25cm trở lên và có chiều dài từ 03m đến 15m là 991 cây; số cây gỗ chưa bị đốn hạ có đường kính trung bình là 30cm, là cây vẫn xanh.

Căn cứ Bản kết luận giám định thì diện tích rừng bị đốn hạ được xác định là rừng lá rộng thường xanh, được phân loại là rừng nghèo, được quy hoạch là rừng sản xuất; Số cây bình quân trên 01ha là 416 cây; Chiều cao bình quân của lâm phần là 12,4m; đường kính bình quân của cây là 24cm; Trữ lượng gỗ bình quân trên 01ha là 96,302m3; tại lô 2, khoảnh 7 và lô 1, 2 khoảnh 9, Tiểu khu 819, mức độ thiệt hại 75% là 71,993m3/ha.

[2] Bị cáo Trần Văn H cho rằng căn cứ bản đồ quy hoạch 03 loại rừng kèm theo Quyết định số: 1030/QĐ-UBND ngày 16/5/2007 của UBND tỉnh Đăk Lăk về việc Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 03 loại rừng tỉnh Đăk Lăk, thì diện tích rừng bị cáo thuê người phát dọn nêu trên là đất trống, trảng cỏ; Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận. Bởi lẽ, tiêu chí xác định rừng được quy định tại Điều 3 Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bản đồ quy hoạch 03 loại rừng của UBND tỉnh Đăk Lăk, không phải là tiêu chí để xác định rừng; Căn cứ biên bản khám nghiệm hiện trường và kết quả giám định thì diện tích rừng bị cáo thuê người chặt hạ, lấy đất trồng cây Keo, đủ tiêu chí để xác định là rừng tự nhiên, được phân loại theo mục đích sử dụng là rừng sản xuất.

[3] Bị cáo Trần Văn H cho rằng sau khi thuê người phát dọn diện tích đất rừng nêu trên, thông qua UBND xã Cư, bị cáo đăng ký với Ban quan lý dự án F, huyện M và tỉnh Đăk Lăk, để trồng cây Keo trên đất, được Ban quản lý dự án chấp nhận và hỗ trợ vốn, cây giống, nên bị cáo không phạm tội Huỷ hoại rừng; Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận. Bởi lẽ, bị cáo là Phó Bí thư Đảng uỷ xã C, bị cáo biết rõ diện tích rừng mà bị cáo thuê người chặt hạ để lấy đất trồng cây Keo là rừng tự nhiên, do UBND xã C quản lý; Hành vi phạm tội Huỷ hoại rừng của bị cáo hoàn thành, kể từ thời điểm diện tích rừng nêu trên bị đốn hạ; Uỷ ban nhân dân xã C, Ban quan lý dự án F, huyện M và tỉnh Đăk Lăk đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng tại Tiểu khu 819; Chấp nhận các loại giấy tờ bị cáo kê khai khống về nguồn gốc quyền sử dụng đất tại Tiểu khu 819, không tiến hành kiểm tra thực địa diện tích đất bị cáo trồng cây Keo. Bởi lẽ, biên bản kiểm tra hiện trường thiết kế trồng rừng ngày 13/7/2012, của Đoàn kiểm tra gồm có: Đại diện Ban quản lý dự án F tỉnh Đăk Lăk ông Nguyễn Quang M; đại diện Ban quan lý dự án F huyện M ông Ngô Văn P; đại diện Uỷ ban nhân dân xã C ông Nguyễn Văn N; đại diện Trung tâm Quy hoạch- Khảo sát- Thiết kế Nông- Lâm nghiệp Đăk Nông ông Ngô Quang K và ông Bùi Đức L, đã không đến Tiểu khu 819 để kiểm tra thực địa, ngồi tại trụ sở UBND xã C dùng máy định vị GPS để xác định Tiểu khu 819 là đất trống chưa được sử dụng và đất rẫy của người dân thôn S là sai hoàn toàn với thực địa rừng tự nhiên tại Tiểu khu 819.

[4] Tại cơ quan điều tra, các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Võ Ngọc T, Triệu Văn D, Triệu Văn L, Triệu Văn S1, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Tiến T1 đều khai nhận: Khi tiến hành chặt hạ cây rừng tại Tiểu khu 819, do Trần Văn H và Lê Quý S thuê các bị cáo chặt hạ, các bị cáo biết rõ là cây rừng tự nhiên. Tuy nhiên, do tin tưởng H và S là cán bộ của UBND xã C, nên các bị cáo chặt hạ cây rừng; Các bị cáo dùng dao rựa chặt hạ các cây gỗ có đường kính từ 10cm trở xuống; các cây gỗ lớn hơn, các bị cáo dùng máy cưa lốc cắt hạ.

[5] Nguyễn Văn Đ còn khai rằng Lê Quý S là người trực tiếp thuê bị cáo chặt hạ cây rừng và dẫn bị cáo đến địa điểm rừng cần chặt hạ; Sỹ ứng cho bị cáo 20.000.000đ để mua 04 máy cưa lốc; Đ, S, Thăng và T, mỗi người sử dụng một máy cưa lốc cắt hạ cây rừng (BL: 428, 436). Võ Ngọc T khai: Trần Văn H là người thuê bị cáo chặt hạ cây rừng, để lấy đất trồng cây Keo; H nhờ Lê Quý S dẫn bị cáo đến địa điểm rừng cần chặt hạ. Sau đó, bị cáo thuê Triệu Tiến T1 dùng máy cưa lốc cắt hạ những cây gỗ lớn, còn cây gỗ có đường kính từ 10cm trở xuống, bị cáo và Lâm Văn T8 dùng dao rựa chặt hạ (BL:454, 456); Triệu Tiến T1 cũng thừa nhận, Tánh thuê bị cáo dùng máy cưa lốc cắt hạ cây rừng tự nhiên, tại Tiểu khu 819 có đường kính từ 15cm đến 40cm (BL: 475); Triệu Văn S1 khai: Tháng 01 và tháng 02/2013, bị cáo cùng với Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn V, Vi Văn T3, Triệu Văn L, Triệu Văn D, Linh Văn T4, Triệu Văn H1, Triệu Văn T2 chặt hạ khoảng 16ha rừng, do H và S thuê chặt hạ; cây gỗ lớn có có đường kính từ 60cm đến 70cm; cây gỗ trung bình có đường kính từ 20cm đến 30cm; cây gỗ nhỏ có đường kính 08cm (BL: 563); Các bị cáo khác cũng thừa nhận cùng với T và Đ dùng máy cưa lốc, dao rựa chặt hạ cây rừng.

Xét lời khai của các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Võ Ngọc T, Triệu Văn D, Triệu Văn L, Triệu Văn S1, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Tiến T1 tại cơ quan điều tra, là hoàn toàn phù hợp với nhau, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường và kết quả giám định, phù hợp với vật chứng đang được thu giữ và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

[6] Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để kết luận: Do động cơ vụ lợi, trong thời gian từ tháng 01/2013 đến tháng 3/2013, Trần Văn H thuê Hứa Văn S3, Hứa Văn G, Hứa Văn C, Hoàng Ngọc T7 và Nông Văn C1, dùng dao rựa và máy cưa lốc chặt hạ 1.900m2 cây rừng tại lô 2, khoảnh 9, tiểu khu 819; Trần Văn H thông qua Lê Quý S, thuê Nguyễn Văn Đ, Triệu Văn D, Nguyễn Văn V, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn S1, Triệu Văn H1, Linh Văn T4 và Triệu Văn L, dùng dao rựa và máy cưa lốc chặt, hạ 161.600m2 cây rừng tại lô 2, khoảnh 7 và lô 1, 2 khoảnh 9; Trần Văn H và Lê Quý S thuê Võ Ngọc T, Lâm Văn T8 và Triệu Tiến T1 chặt hạ 17.400m2 rừng, tại lô 1, khoảnh 9, Tiểu khu 819. Diện tích 18,09ha rừng bị chặt hạ tại Tiểu khu 819 thuộc thôn S, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk là rừng tự nhiên, được phân loại theo trữ lượng gỗ là rừng nghèo, được phân loại theo mục đích sử dụng là rừng sản xuất. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử các bị cáo Trần văn H, Lê Quý S, Nguyễn Văn Đ, Triệu Văn S1, Triệu Văn L, Triệu Văn D, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn H1, Linh Văn T4 phạm tội Huỷ hoại rừng, với tình tiết định khung hình phạt là huỷ hoại diện tích rừng đặc biệt lớn, được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 189 BLHS năm 1999; Tuyên xử Võ Ngọc T và Triệu Tiến T1 phạm tội Huỷ hoại rừng, với tình tiết định khung hình phạt là huỷ hoại rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông đến dưới 50.000 mét vuông, được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 BLHS năm 2015 là có căn cứ và đúng với quy định của pháp luật, không oan.

[7] Tuy nhiên, xét thấy Hội đồng giám định và Hội đồng định giá tài sản thiệt hại về rừng, căn cứ Quyết định số: 19/2013/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk quy định về khung giá các loại rừng trên địa tỉnh Đăk Lăk để giám định, định giá thiệt hại về rừng bị huỷ hoại là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, các bị cáo thực hiện hành vị huỷ hoại rừng tại Tiểu khu 819 trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 3/2013; Quyết định số: 19/2013/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/7/2013, nên không thể áp dụng Quyết định này để giám định, định giá thiệt hại về rừng, mà phải áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan, có hiệu lực tại thời điểm xảy ra thiệt hại về rừng để giám định, định giá thiệt hại về rừng tại Tiểu khu 819.

[8] Uỷ ban nhân dân xã C được giao quản lý và bảo vệ rừng tại Tiểu khu 819, theo Quyết định số: 4057/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của UBND huyện M và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã C, đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ rừng tại tiểu khu 819, dẫn đến các bị cáo trong vụ án và các đối tượng khác huỷ hoại 25,65ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 819. Hành vi của người có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng tại UBND xã C và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã C có dấu hiệu phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cấp sơ thẩm không khởi tố, điều tra, truy tố những người nêu trên là bỏ lọt tội phạm.

[9] Trong vụ án này, Lâm Văn T8 đã cùng với Võ Ngọc T và Triệu Tiến T1 huỷ hoại 1,74ha rừng tại lô 1, khoảnh 9, tiểu khu 819 nhưng cơ quan điều tra không khởi tố Thắng về tội Huỷ hoại rừng với lý do T8 không có mặt tại địa phương là trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, việc T8 bỏ trốn không phải là căn cứ để không khởi tố bị can đối với T8; Nếu T8 bỏ trốn, cơ quan điều tra phải ban hành Quyết định truy nã đối với T8; Việc cơ quan điều tra không khởi tố đối với T8 là bỏ lọt người phạm tội. Toà án cấp sơ thẩm không trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vấn đề nêu trên là thiếu sót. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc xét thấy, cần huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Về án phí phúc: Do huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355 và điểm các a, b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự

- Hủy bản án hình sự sơ thẩm số: 21/2019/HS-ST ngày 05/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk để điều tra lại.

Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo Trần Văn H, Lê Quý S, Nguyễn Văn Đ, Triệu Văn T2, Vi Văn T3, Triệu Văn S1, Triệu Văn H1, Linh Văn T4, Triệu Văn L, Triệu Văn D, Võ Ngọc T, Triệu Tiến T1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

327
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 59/2020/HS-PT ngày 20/02/2020 về tội huỷ hoại rừng

Số hiệu:59/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về