Bản án 56/2019/KDTM-ST ngày 12/06/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 56/2019/KDTM-ST NGÀY 12/06/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong các ngày 07, 12 tháng 6 năm 2019 tại Tòa án nhân dân Quận 1, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 1679/2016/KTST ngày 10 tháng 10 năm 2016 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 1595/2019/QĐXXST-KDTM ngày 08 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần sản xuất thép Đ; có địa chỉ trụ sở chính tại số 50-50A đường Lê Thúc Hoạch, phường X, quận Y, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Thành C là người đại diện theo pháp luật. (có mặt)

2. Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S; có địa chỉ trụ sở chính tại lầu 1, tòa nhà Somerset, số 21-23 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường X, Quận Y, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Bà Dương Thị Tuyết T là người đại diện theo ủy quyền, theo giấy ủy quyền lập ngày 30/10/2018, địa chỉ: Tòa nhà Lê & Trần, số 284/9 đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường X, quận Y, Thành phố H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Hoàng C, luật sư của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lê & Trần, thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu N; có địa chỉ trụ sở chính tại số 236 Quốc lộ 13, khu phố 2, phường X, quận Y, Thành phố H. (có đơn xin vắng mặt)

3.2. Công ty cổ phần Q; có địa chỉ trụ sở chính tại số 129 đường Điện Biên Phủ, phường X, quận Y, Thành phố H. (có đơn xin vắng mặt)

3.3. Công ty trách nhiệm hữu hạn thép V; có địa chỉ trụ sở chính tại lô B081- 082 Đường số 1, KCN Đức Hòa 1, xã X, huyện Y, tỉnh H. (có đơn xin vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện ngày 20/4/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty cổ phần sản xuất thép Đ (gọi tắt Công ty Đ) trình bày:

Công ty Đ và Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S (gọi tắt Công ty S) đã ký kết 02 hợp đồng mua bán hàng hóa sau:

- Ngày 25/4/2016, hai bên ký hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT- 032/16, nội dung hợp đồng Công ty Đ mua của Công ty S thép cuộn cán nóng Over Rolled/ Over Rolled HR Coil, khối lượng 125.080 kg, thành tiền 1.325.848.000 đồng (đã bao gồm thuế VAT 10%), thời gian nhận hàng ngày 25/6/2016 tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ngày 09/5/2016, hai bên ký hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT- 033/16, nội dung hợp đồng Công ty Đ mua của Công ty S thép cuộn cán nóng Over Rolled/ Over Rolled HR Coil, khối lượng 541.189 kg, thành tiền 5.628.365.600 đồng (đã bao gồm thuế VAT 10%), thời gian nhận hàng ngày 30/6/2016 tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi ký hợp đồng Công ty Đ đã thanh toán 10% tiền cọc cho 02 hợp đồng thành 03 đợt với số tiền 692.000.000 đồng.

Ngày 09/6/2016, Công ty S gửi email thông báo lô hàng thép, khối lượng 541.189 kg đã cập cảng, đề nghị Công ty Đ thanh toán trước, nhận hàng đầu tuần sau và lô hàng thép, khối lượng 125.080 kg dự kiến ngày 15 hoặc ngày 16/6/2016 hoàn tất và giao hàng. Do hàng về sớm, tình hình thị trường không thuận lợi và chưa thu xếp được tài chính nên Công ty Đ thông báo đề nghị Công ty S cho thanh toán số tiền còn lại trễ hơn. Công ty S thống nhất gia hạn thời gian nhận hàng đối với hợp đồng số/N0: SK-DT-033/16 là ngày 27/6/2016 và lô hàng của hợp đồng số/N0: SK-DT-032/16 ngày thanh toán là ngày 15/7/2016 nhưng vào ngày 01 và ngày 02/7/2016 Công ty S đã lấy toàn bộ lô hàng thép của hợp đồng số/N0: SK-DT-033/16 bán cho đơn vị khác, không thông báo với Công ty Đ.

Việc Công ty S bán toàn bộ lô hàng thép của hợp đồng số/N0: SK-DT- 033/16 và hợp đồng số/N0: SK-DT-032/16 khi không có ý kiến của Công ty Đ là vi phạm hợp đồng đã ký kết, trong khi thời gian nhận hàng trong hợp đồng vẫn còn, gây thiệt hại cho Công ty Đ. Sau khi ký 02 hợp đồng mua bán hàng hóa trên, ngày 18/5/2016 Công ty Đ đã ký với Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu N (gọi tắt Công ty N) hợp đồng mua bán số: 18.05.2016/HĐMB/ĐTS-NLP để bán lại số thép cuộn cán nóng với số lượng 250.000 kg, thành tiền 2.824.998.000 đồng nhưng không có hàng để giao nên Công ty Đ phải bồi thường cho Công ty N số tiền 282.499.000 đồng và số lợi nhuận thu được khi Công ty S giao hàng theo hợp đồng là 225.000.000 đồng.

Từ những lý do trên, Công ty Đ khởi kiện yêu cầu Công ty S hoàn trả số tiền cọc đã nhận 10% của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 và hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016 là 692.000.000 đồng; bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng mà Công ty Đ đã bồi thường cho Công ty N.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty Đ không còn yêu cầu nào khác và cũng không sữa đổi, bổ sung hay rút yêu cầu khởi kiện.

* Trong bản tự khai ngày 04/7/2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S (gọi tắt Công ty S) trình bày:

Công ty S xác nhận lời trình bày của Công ty Đ về việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 và hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016, số tiền cọc 10% của 02 hợp đồng 692.000.000 đồng là đúng. Công ty S không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ, do Công ty Đ không nhận hàng và thanh toán số tiền hàng còn lại là vi phạm phạm đồng, cụ thể:

- Ngày 09/6/2016, Công ty S thông báo lô thép cuộn cán nóng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 đã về, Công ty Đ có thể nhận hàng vào ngày 15/6/2016 hoặc ngày 16/6/2016, Công ty Đ xin gia hạn chậm nhất ngày 18/6/2016 nhận hàng và thanh toán nhưng Công ty Đ đã không đến nhận hàng và thanh toán. Công ty Đ tiếp tục đề nghị gia hạn chậm nhất ngày 01/7/2016 nhận hàng và thanh toán số tiền 500.000.000 đồng, phần còn lại sẽ thanh toán chậm nhất ngày 08/7/2016 nhưng Công ty Đ vẫn không nhận hàng, thanh toán. Ngày 05/7/2016, Công ty Đ tiếp tục cam kết nhận hàng và thanh toán số tiền 500.000.000 đồng, phần còn lại thanh toán trước ngày 15/7/2016 nhưng Công ty Đ không nhận hàng và thanh toán.

- Ngày 09/6/2016, Công ty S thông báo lô thép cuộn cán nóng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016 đã về nên Công ty Đ có thể nhận hàng nhưng Công ty Đ xin gia hạn đến ngày 27/6/2016 nhận hàng và thanh toán. Ngày 24/6/2016, Công ty Đ đề nghị chấm dứt hợp đồng do khó khăn về tài chính nên chỉ tập trung thanh toán cho hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, nhưng đến ngày 27/6/2016 Công ty Đ không nhận hàng và thanh toán.

Như trình bày trên, Công ty Đ không nhận hàng và thanh toán là từ chối thực hiện 02 hợp đồng đã ký kết nên việc yêu cầu Công ty S hoàn trả số tiền cọc 10% của 02 hợp đồng là 692.000.000 đồng là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu Công ty S phải bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng, Công ty S nhận thấy không có hành vi vi phạm hợp đồng và không đủ cơ sở chứng minh Công ty Đ có thiệt hại thực tế. Do hợp đồng mua bán số:

18.05.2016/HĐMB/ĐTS-NLP ngày 18/5/2016 giữa Công ty Đ và Công ty N sơ sài, chỉ quy định hàng hóa 250.000 kg thép cuộn cán nóng, không mô tả quy cách hàng hóa, không xác định được loại hàng hóa trong 02 hợp đồng đã ký nên việc yêu cầu Công ty S bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng là không có cơ sở.

Hành vi không nhận hàng, thanh toán tiền đã gây thiệt hại nên Công ty S yêu cầu phản tố đối với Công ty Đ, cụ thể:

- Công ty Đ không nhận hàng buộc Công ty S phải bán lại toàn bộ lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 và hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016 cho Công ty cổ phần Q đã gây thiệt hại số tiền 1.811.173.161 đồng, do giá thỏa thuận khi Công ty S bán cho Công ty Đ của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 là 1.325.848.000 đồng nhưng Công ty S chỉ bán được 1.123.670.410 đồng, thiệt hại là 202.240.590 đồng và hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 là 5.397.696.195 đồng nhưng Công ty S chỉ bán được 3.788.763.624 đồng, thiệt hại là 1.608.932.571 đồng nên buộc Công ty Đ bồi thường thiệt hại số tiền 1.811.173.161 đồng.

- Trả chi phí lưu kho lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT- 032/16 ngày 25/4/2016 là 6.225.045 đồng, theo hợp đồng gửi kho gia công số/No:

021 VNS/HĐMB-4 ngày 05/7/2016 các bên đã ký.

* Trong đơn tường trình ngày 24/10/2018; đơn xin vắng mặt ngày 03/12/2018 Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu N (gọi tắt Công ty N) trình bày:

Ngày 18/5/2016, Công ty N có ký hợp đồng mua bán số:

18.05.2016/HĐMB/ĐTS-NLP với Công ty Đ mua lô hàng thép cuộn cán nóng, số lượng 250.000 kg x 13.000 đồng/kg, thành tiền 2.824.998.000 đồng, thời gian giao hàng từ 45 ngày đến 50 ngày kể từ ngày 18/5/2016, đặt cọc 500.000.000 đồng. Đến thời điểm giao hàng, Công ty Đ gặp sự cố không giao được hàng nên Công ty Đ đã hủy hợp đồng mua bán. Ngày 30/7/2016, Công ty N đã nhận lại tiền đặt cọc 500.000.000 đồng và bồi thường 10% giá trị hợp đồng là 282.499.800 đồng. Công ty N và Công ty Đ đã chấm dứt quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán số:

18.05.2016/HĐMB/ĐTS-NLP ngày 18/5/2016. Tranh chấp giữa Công ty Đ và Công ty S, Công ty N không liên quan, không tham gia vụ kiện, xin vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc, hòa giải, xét xử tại Tòa án.

* Trong văn bản số: 220/2017/CV-QH ngày 13/9/2017; đơn trình bày ngày 15/11/2018 Công ty cổ phần Q (gọi tắt Công ty Q) trình bày:

Ngày 29/6/2016, Công ty Q có ký hợp đồng mua bán hàng hóa số: SK-QH- 035/16 với Công ty S, tổng giá trị hợp đồng 3.788.763.624 đồng, tương ứng hóa đơn số 0000100 ngày 04/7/2016. Ngày 14/9/2016 Công ty Q và Công ty S tiếp tục ký hợp đồng mua bán hàng hóa số: SK-QH-036/16 và phụ lục hợp đồng ngày 20/9/2016, giá trị hợp đồng 1.123.607.410 đồng, tương ứng hóa đơn số 0000010 ngày 21/9/2016, việc mua bán giữa Công ty Q và Công ty S đã thực hiện và thanh lý hợp đồng; liên quan đến tranh chấp giữa Công ty Đ và Công ty S, Công ty Q không liên quan, không có ý kiến, xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

* Trong đơn xin vắng mặt ngày 20/3/2019 Công ty trách nhiệm hữu hạn thép V (gọi tắt Công ty V) trình bày:

Công ty V không liên quan đến quyền lợi hay nghĩa vụ trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Đ và Công ty S nên từ chối tham gia vụ kiện, xin vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc, hòa giải và xét xử tại Tòa.

Vụ kiện đã được Tòa án hòa giải nhưng không thành.

Tại phiên tòa:

Công ty Đ vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện nhưng có ý kiến xác nhận Công ty Đ không nhận hàng và thanh toán tiền hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 là vi phạm. Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016, hai bên thỏa thuận thời gian nhận hàng là cuối tháng 6/2016 như hợp đồng đã ký kết, Công ty Đ không đề nghị chấm dứt hợp đồng như Công ty S trình bày. Quá trình giải quyết vụ án Công ty Đ trình bày ngày 27/6/2016 là ngày nhận hàng nhưng ngày 01 hoặc ngày 02/7/2016 Công ty S bán lô hàng toàn bộ lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT- 033/16 là chưa chính xác, theo thỏa thuận ngày nhận hàng vào cuối tháng 6/2016 như hợp đồng đã cam kết nhưng đến ngày 29/6/2016 Công ty S bán toàn bộ lô hàng trên cho đơn vị khác.

Công ty S vẫn giữ nguyên ý kiến như trên nhưng bổ sung ý kiến các bên thống nhất ngày nhận hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 vào cuối tháng 6/2016, do khó khăn về tài chính ngày 24/6/2016 Công ty Đ đề nghị chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 để tập trung thanh toán tiền hàng cho hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 nên Công ty S mới bán toàn bộ lô hàng trên cho Công ty Q theo hợp đồng mua bán hàng hóa số: SK- QH-035/16 ngày 29/6/2016.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu ý kiến:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc thụ lý vụ án, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thẩm quyền giải quyết vụ án, tư cách đương sự, tiến hành thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, thời hạn chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, thời gian mở phiên tòa, thành phần Hội đồng xét xử và nguyên tắc xét xử. Đương sự đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền, nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, vụ án được thụ lý tháng 10 năm 2016 nhưng đến tháng 5 năm 2019 Tòa án mới đưa vụ án ra xét xử là chưa đảm bảo thời hạn chuẩn bị xét xử, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, cần rút kinh nghiệm.

Về nội dung vụ án: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa có căn cứ để xác định giữa Công ty Đ và Công ty S đã ký 02 hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 và hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016. Công ty Đ đã thanh toán 10% tiền cọc cho 02 hợp đồng là 692.000.000 đồng.

Theo nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, thời gian nhận hàng là ngày 25/6/2016 nhưng do hàng về sớm các bên có thỏa thuận phụ lục hợp đồng về thanh toán tiền hàng, đợt 1 thanh toán trễ nhất ngày 01/7/2016, đợt 2 thanh toán trễ nhất ngày 08/7/2016 nhưng Công ty Đ không thanh toán đợt 1 nên các bên tiếp tục ký hợp đồng gửi kho gia công số/No: 021 VNS/HĐMB-4 ngày 05/7/2016 và tiếp tục gia hạn thanh toán cho đợt 1 sau khi nhận được hợp đồng gốc có chữ ký xác nhận của các bên. Đợt 2 thanh toán trước ngày 15/7/2016 nhưng Công ty Đ vẫn không thanh toán là vi phạm phụ lục hợp đồng số 032/16 ngày 29/6/2016 và hợp đồng gửi kho gia công ngày 05/7/2016 về nghĩa vụ thanh toán nên Công ty Đ yêu cầu đòi Công ty S phải trả số tiền cọc 10% của hợp đồng số 032/16 là không có cơ sở để xem xét.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016, thời gian nhận hàng 30/6/2016, sau đấy các bên trao đổi qua email về thời gian nhận hàng, thanh toán vào cuối tháng 6/2016 nhưng Công ty S đã bán toàn bộ lô hàng cho đơn vị khác vào ngày 29/6/2016 là vi phạm hợp đồng. Công ty S cho rằng tại cuộc họp ngày 24/6/2016 Công ty Đ đề nghị chấm dứt hợp đồng này để tập trung thanh toán cho hợp đồng 032/16 nhưng lại không cung cấp được tài liệu chứng minh. Do đó, Công ty Đ yêu cầu đòi Công ty S phải trả số tiền cọc 10% của hợp đồng số 033/16 là có cơ sở để xem xét. Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng Công ty Đ đã bồi thường cho Công ty N là không có cơ sở để xem xét.

Về yêu cầu phản tố của Công ty S đòi Công ty Đ bồi thường thiệt hại do không nhận hàng đối với lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số 032/16 và chi phí lưu kho là có cơ sở để xem xét. Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do Công ty Đ không nhận hàng đối với lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số 033/16 là không có cơ sở để xem xét.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có cơ sở chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về pháp luật tố tụng Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong vụ tranh chấp, yêu cầu khởi kiện và quy định của pháp luật để khẳng định loại quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập giữa hai tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận.

Xét, bị đơn có trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nên thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2]. Về sự vắng mặt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại phiên toà và việc triệu tập tham gia tố tụng Xét, Công ty N, Công ty Q và Công ty V đều có đơn đề nghị xin được xét xử vắng mặt, nên Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng các đương sự mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3]. Về điều kiện khởi kiện Xét, tháng 4 và tháng 5 năm 2016 các bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa đến tháng 8 năm 2016 Công ty Đ nộp đơn khởi kiện nên căn cứ Điều 319 Luật thương mại vụ án còn thời hiệu khởi kiện.

[4]. Về nội dung

4.1. Xét yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ, Hội đồng xét xử xét thấy:

4.1.1. Về yêu cầu Công ty S hoàn trả số tiền cọc đã nhận là 10% của hợp đồng số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 và hợp đồng số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016 là 692.000.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, các bên đều thống nhất xác nhận giữa Công ty Đ và Công ty S có ký hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT- 032/16 ngày 25/4/2016, số tiền cọc 10% của hợp đồng là 132.000.000 đồng và hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016, số tiền cọc 10% của hợp đồng là 560.000.000 đồng.

4.1.1.1. Căn cứ nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16, Công ty S giao hàng cho bên mua Công ty Đ vào ngày 25/6/2016 nhưng do hàng về sớm các bên đã thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016 về thanh toán tiền hàng thành 2 đợt: Đợt 1 thanh toán 500.000.000 đồng trễ nhất ngày 01/7/2016, đợt 2 thanh toán 693.848.000 đồng trễ nhất ngày 08/7/2016 nhưng Công ty Đ không thanh toán đợt 1 và các bên tiếp tục ký hợp đồng gửi kho gia công số/No: 021 VNS/HĐMB-4 ngày 05/7/2016 với Công ty V để gửi toàn bộ lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 và tiếp tục gia hạn thanh toán cho đợt 1 sau khi nhận được hợp đồng gốc có chữ ký xác nhận của các bên. Đợt 2 thanh toán trước ngày 15/7/2016 nhưng Công ty Đ vẫn không nhận hàng và không thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng nên Công ty S đã bán lại lô hàng trên cho Công ty Q theo hợp đồng mua bán hàng hóa số: SK-QH-036/16 ngày 14/9/2016, phụ lục hợp đồng ngày 20/9/2016.

Xét, Công ty Đ đã vi phạm thời gian nhận hàng và thanh toán quy định tại mục 2.2 Điều 2 hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016 nên không có cơ sở xem xét buộc Công ty S phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền cọc 10% của hợp đồng là 132.000.000 đồng. 4.1.1.2. Căn cứ nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016, thời gian giao hàng là ngày 30/6/2016 nhưng hàng về sớm ngày 09/6/2016, Công ty S thông báo Công ty Đ đến nhận hàng và qua các email trao đổi, các bên thống nhất thời gian nhận hàng, thanh toán vào cuối tháng 6/2016 như hợp đồng đã thỏa thuận. Tại phiên tòa, đại diện Công ty S cho rằng tại cuộc họp ngày 24/6/2016, Công ty Đ gặp khó khăn về tài chính nên đề nghị được chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 để tập trung thanh toán tiền hàng cho hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 nên Công ty S đã bán toàn bộ lô hàng trên cho Công ty Q theo hợp đồng mua bán hàng hóa số: SK-QH-035/16 ngày 29/6/2016 nhưng Công ty S không cung cấp được chứng cứ chứng minh và Công ty Đ không thừa nhận việc đề nghị chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16.

Xét, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa không có cơ sở chứng minh tại cuộc họp ngày 24/6/2016, Công ty Đ đề nghị xin chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 trong khi nghĩa vụ chứng minh thuộc về Công ty S nên căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp ... Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. Do đó, Công ty Đ yêu cầu buộc Công ty S phải trả lại số tiền cọc 10% của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016 là 560.000.000 đồng có cơ sở để xem xét.

4.1.2. Về yêu cầu Công ty S bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng (bao gồm: 282.499.000 đồng Công ty Đ đã bồi thường cho Công ty N và 225.000.000 đồng lợi nhuận bị mất).

Căn cứ nội dung hợp đồng mua bán số: 18.05.2016/HĐMB/ĐTS-NLP ngày 18/5/2016 giữa Công ty Đ và Công ty N quy định số thép cuộn cán nóng mua 250.000 kg x 13.000 đồng/kg, thành tiền 2.824.998.000 đồng, thời gian giao hàng từ 45 ngày đến 50 ngày kể từ ngày 18/5/2016, đặt cọc 500.000.000 đồng nhưng lại không mô tả về quy cách, kích thước hàng hóa bởi thép cuộn cán nóng là loại hàng hóa đặc thù nên không có cơ sở xác định lô hàng thép cuộn cán nóng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 hay hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 để bán cho Công ty N.

Như phân tích ở phần trên, do Công ty Đ không nhận hàng và thanh toán tiền hàng theo nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016 nên phải chịu hậu quả pháp lý do vi phạm hợp đồng. Đồng thời, Công ty Đ không chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra đối với hợp đồng nào nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 303 Luật thương mại. Xét, Công ty Đ không chứng minh được thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả, thiệt hại không phải là lợi nhuận thu được nên yêu cầu Công ty S bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng là không có cơ sở xem xét để chấp nhận.

4.2. Xét yêu cầu phản tố của Công ty S, Hội đồng xét xử xét thấy:

4.2.1. Về yêu cầu Công ty Đ bồi thường thiệt hại số tiền 1.811.173.161 đồng.

Như phân tích ở phần trên, căn cứ Điều 302 Luật thương mại, xét có căn cứ để xem xét buộc Công ty Đ phải bồi thường thiệt hại số tiền 202.240.590 đồng cho Công ty S đối với hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016; không có cơ sở xem xét buộc Công ty Đ phải bồi thường thiệt hại số tiền 1.608.932.571 đồng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016.

3.2.2. Về yêu cầu Công ty Đ trả chi phí lưu kho lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016 là 6.225.045 đồng.

Xét, tại phiên tòa Công ty S xác nhận sau khi Công ty Đ không thanh toán và nhận lô hàng thép của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 nên Công ty S ký với Công ty V hợp đồng gửi kho gia công số/No: 021 VNS/HĐMB-4 ngày 16/7/2016 để tiếp tục gửi lô hàng thép trên và chi phí theo hóa đơn giá trị gia tăng ngày 15/8/2016 Công ty V đã xuất. Tại đơn xin vắng mặt ngày 20/3/2019, Công ty V không có ý kiến, từ chối tham gia vụ kiện nên Hội đồng xét xử không xem xét. Trong trường hợp giữa Công ty S và Công ty V có phát sinh tranh chấp đối với hợp đồng gửi kho gia công số/No: 021 VNS/HĐMB-4 ngày 16/7/2016 thì dành cho các bên trong vụ kiện khác.

Như phân tích ở phần trên, xét Công ty Đ đã vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016 nên phải chịu hậu quả pháp lý gây ra là thực hiện nghĩa vụ thanh toán chi phí lưu kho là 6.225.045 đồng của hợp đồng gửi kho gia công số/No: 021 VNS/HĐMB-4 ngày 05/7/2016; căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng ngày 15/8/2016 Công ty V xác nhận Công ty S đã thanh toán tiền lưu kho là 6.225.045 đồng nên yêu cầu này của Công ty S có cơ sở để xem xét chấp nhận.

Xét tại phần tranh luận, luật sư Lê Hoàng C thống nhất lời trình bày đại diện Công ty S đề nghị Hội đồng xét xử xác nhận Công ty Đ đã không thanh toán và nhận hàng trong thời hạn thỏa thuận là từ chối thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 3 của hợp đồng 032/16, hợp đồng 033/16 nên căn cứ Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ đòi trả số tiền cọc 10% của 02 hợp đồng và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng là không có cơ sở do không có thiệt hại. Do Công ty Đ đã vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho Công ty S nên căn cứ Điều 302 Luật thương mại năm 2005 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S. Xét, đề nghị của luật sư Lê Hoàng C về bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ đòi tiền cọc 10% của hợp đồng 032/16, đòi bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng là có cơ sở để xem xét.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ đòi tiền cọc 10% của hợp đồng 032/16 là 132.000.000 đồng, đòi bồi thường thiệt hại số tiền 507.499.900 đồng; không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S đòi Công ty Đ bồi thường số tiền thiệt hại là 1.608.932.571 đồng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK- DT-033/16. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ đòi tiền cọc 10% của hợp đồng 033/16 là 560.000.000 đồng; chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S đòi chi phí lưu kho là 6.225.045 đồng, bồi thường thiệt hại số tiền 202.240.590 đồng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016.

[5]. Về án phí:

Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH 12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án. Công ty Đ phải chịu án phí 37.438.966 đồng, được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 23.992.498 đồng theo biên lai thu số: AA/2014/0004462 ngày 07/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Công ty Đ còn phải nộp bổ sung số tiền 13.446.468 đồng (mười ba triệu, bốn trăm bốn mươi sáu ngàn, bốn trăm sáu mươi tám đồng). Công ty S phải chịu án phí 75.378.651 đồng được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 33.260.973 đồng theo biên lai thu số:

AA/2016/0019031 ngày 17/01/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Công ty S còn phải nộp bổ sung số tiền 42.117.678 đồng (bốn mươi hai triệu, một trăm mười bảy ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng)

[6]. Về quyền kháng cáo:

Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 khoản 4 Điều 91, khoản 1 Điều 228, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 302, Điều 303, Điều 319 Luật Thương mại;

Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH 12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án Căn cứ Luật thi hành án dân sự 2008;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần sản xuất thép Đ:

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S trả cho Công ty cổ phần sản xuất thép Đ số tiền cọc 10% của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016 là 560.000.000 đồng (năm trăm sáu mươi triệu đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần sản xuất thép Đ về việc: Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S trả cho Công ty cổ phần sản xuất thép Đ số tiền cọc 10% của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016 là 132.000.000 đồng (một trăm ba mươi hai triệu đồng).

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần sản xuất thép Đ số tiền 507.499.900 đồng (năm trăm lẻ bảy triệu, bốn trăm chín mươi chín ngàn, chín trăm đồng).

3. Chấp nhận yêu cầu của Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S:

Buộc Công ty cổ phần sản xuất thép Đ bồi thường thiệt hại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S số tiền 202.240.590 đồng (hai trăm lẻ hai triệu, hai trăm bốn mươi ngàn, năm trăm chín mươi đồng) của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK- DT-032/16 ngày 25/4/2016, phụ lục hợp đồng ngày 29/6/2016.

Buộc Công ty cổ phần sản xuất thép Đ trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S số tiền 6.225.045 đồng (sáu triệu, hai trăm hai mươi lăm ngàn, không trăm bốm mươi lăm đồng) là chi phí lưu kho lô hàng của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-032/16 ngày 09/5/2016.

4. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S về việc:

Buộc Công ty cổ phần sản xuất thép Đ bồi thường thiệt hại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S số tiền 1.608.932.571 đồng (một tỷ, sáu trăm lẻ tám triệu, chín trăm ba mươi hai ngàn, năm trăm bảy mươi mốt đồng) của hợp đồng mua bán hàng hóa số/N0: SK-DT-033/16 ngày 09/5/2016.

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền.

5. Về án phí:

Công ty cổ phần sản xuất thép Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại 37.438.966 đồng được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 23.992.498 đồng theo biên lai thu số: AA/2014/0004462 ngày 07/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Công ty cổ phần sản xuất thép Đ còn phải nộp bổ sung số tiền 13.446.468 đồng (mười ba triệu, bốn trăm bốn mươi sáu ngàn, bốn trăm sáu mươi tám đồng).

Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S phải chịu án phí kinh doanh thương mại 75.378.651 đồng được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 33.260.973 đồng theo biên lai thu số: AA/2016/0019031 ngày 17/01/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S còn phải nộp bổ sung số tiền 42.117.678 đồng (bốn mươi hai triệu, một trăm mười bảy ngàn, sáu trăm bảy mươi tám đồng) 6. Về nghĩa vụ thi hành án Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.

7. Quyền kháng cáo: Công ty cổ phần sản xuất thép Đ, Công ty trách nhiệm hữu hạn thép S có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu N, Công ty cổ phần Q, Công ty trách nhiệm hữu hạn thép V có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ. Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên được quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

483
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 56/2019/KDTM-ST ngày 12/06/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:56/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về