TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
BẢN ÁN 55/2021/HS-PT NGÀY 18/08/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Trong ngày 18 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 45/2021/TLPT-HS ngày 05/02/2021 đối với bị cáo Phạm Văn T, do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đối với bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS-ST ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
Bị cáo bị kháng nghị:
Họ và tên: Phạm Văn T, tên gọi khác: không; sinh ngày 10/9/1965 tại huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; nơi cư trú: thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: nông; trình độ học vấn: 02/12; dân tộc: Hrê; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn M (Chết) và bà Phạm Thị T (Chết); có vợ tên là Phạm Thị Nh và có 04 con, lớn nhất sinh năm 1987, nhỏ nhất sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/12/2020 đến ngày 23/12/2020 được trả tự do tại phiên tòa; bị cáo tại ngoại; vắng mặt tại phiên tòa và có đơn xin xét xử vắng mặt;
Người bào chữa: Ông Bùi Phú V, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, là người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn T theo Quyết định số 102/QĐ-TGPL ngày 08/5/2020 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt, gửi đơn xin xét xử vắng mặt và luận cứ bào chữa;
Người phiên dịch: Bà Đinh Thị Mỹ H, sinh năm 1967; địa chỉ: thôn X, xã S, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.
Ngoài ra, còn có bị cáo Phạm Văn N không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng đầu năm 2019, bị cáo T rủ bị cáo N đến khu vực rừng tự nhiên N, vị trí thuộc lô số X khoảnh X, tiểu khu XXX thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi để chặt phá rừng lấy đất trồng keo thì bị cáo N đồng ý. Tại vị trí này, hai bị cáo đã đánh dấu để làm ranh giới, phát ranh mỗi người tự làm riêng, phần ai người nấy làm, hai bị cáo không bàn bạc, trao đổi về thời gian, hình thức và diện tích phá rừng.
Đầu tháng 3 năm 2019, bị cáo N chuẩn bị 01 cái rựa và dẫn chị Phạm Thị T đến vị trí thuộc lô X khoảnh X, tiểu khu XXX thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi và yêu cầu chị T cùng bị cáo sử dụng rựa phát luỗng dây leo, chặt cây nhỏ. Cả hai bắt đầu phát luỗng từ khu vực giáp Sông R lên đến vị trí đã đánh dấu chia ranh giới trước đó trong khoảng thời gian 10 ngày. Sau đó bị cáo N sử dụng máy cưa xăng của mình cưa hạ toàn bộ cây lớn trên diện tích đã phát luỗng là 4.313 𝑚2 trong khoảng thời gian hai ngày. Trong suốt quá trình bị cáo N thực hiện hành vi phá rừng nói trên, bị cáo N không gặp, trao đổi, bàn bạc với bị cáo T mà tự ý thực hiện.
Đến giữa tháng 3 năm 2019, sau khi biết bị cáo N đã thực hiện hành vi phá rừng tại vị trí đã được phát ranh trước đó. Bị cáo T chuẩn bị 01 cái rựa và dẫn bà Phạm Thị N đến vị trí thuộc lô X khoảnh X, tiểu khu XXX thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi nói với bà N đây là rừng nhà nước cấp cho bị cáo quản lý và yêu cầu bà N cùng bị cáo sử dụng rựa phát luỗng dây leo, chặt cây nhỏ. Cả hai bắt đầu phát luỗng từ khu vực đã được đánh dấu chia ranh trước đó phát lên đến sườn núi trong khoảng thời gian 04 ngày thì bà N nghỉ, bị cáo T một mình phát thêm 04 ngày. Sau khi phát luỗng dây leo và chặt phá cây nhỏ xong, bị cáo T nhờ bị cáo N sử dụng máy cưa xăng của bị cáo N cưa hạ toàn bộ cây lớn trên diện tích đã phát luỗng là 4.951 𝑚2 trong khoảng thời gian hai ngày.
Khoảng 10 ngày sau khi hai bị cáo chặt phá rừng tại hai vị trí nói trên, thấy cây đã khô thì bị cáo T nói với bà N, bị cáo N nói với chị T lên đốt toàn bộ cây rừng trên diện tích đã chặt phá. Sau khi đốt và dọn xong, bị cáo T cùng bà N gieo hạt cây keo trên diện tích 4.951 𝑚2 trong thời gian hai ngày; bị cáo N cùng chị T gieo hạt cây keo trên diện tích 4.313 𝑚2 trong thời gian hai ngày.
Hàng năm, Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện B phối hợp với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật của nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ rừng đến từng người dân trên địa bàn xã, đồng thời tổ chức giao cho các hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng và bị cáo cũng đã ký cam kết. Trước khi khai phá, hai bị cáo biết diện tích rừng tại vị trí thuộc lô X khoảnh X, tiểu khu XXX thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi là rừng phòng hộ, thuộc quyền quản lý của Nhà nước, không được phép khai phá nhưng vì muốn phát triển kinh tế gia đình, nên hai bị cáo đã thực hiện hành vi hủy hoại rừng.
Ngày 03/3/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện và chính quyền địa phương xã Ba Giang, tổ chức khám nghiệm hiện trường đối với 02 diện tích bị hủy hoại tại lô X khoảnh X, tiểu khu XXX thuộc xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi, cho thấy:
Hiện trường nơi Phạm Văn T hủy hoại có vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc hiện trường giáp với suối N và rừng tự nhiên, phía Nam giáp với suối N và rừng tự nhiên, phía Tây giáp diện tích rừng bị Phạm Văn N hủy hoại. Trên hiện trường tại vị trí xảy ra vụ hủy hoại rừng phát hiện toàn bộ gốc cây đã bị chặt hạ, thân cây nằm rạp trên mặt đất trong một khoảng diện tích 4.951 𝑚2 , mặt cắt các gốc cây có hình răng cưa, toàn bộ các cây đã bị khô. Tiến hành lập 02 ô tiêu chuẩn nằm ở phía Tây và phía Đông trên phần đất của hiện trường; mỗi ô có diện tích 500 𝑚2 theo hình tròn; ô thứ nhất nằm ở khu vực phía Tây của phần đất; đếm được 26 gốc cây có đường kính không đồng đều từ 08cm, 10cm, 15cm, 20cm, 24cm; mặt cắt các gốc cây cách mặt đất từ 25cm, 44cm, 53cm, 88cm; ô thứ hai nằm khu vực phía Đông của phần đât, trên ô tiêu chuẩn đếm được 24 gốc cây, đường kính các gốc cây không bằng nhau từ 08cm, 10cm, 14cm, 16cm và 20cm; mặt cắt của các gốc cây cách mặt đất về phía trên từ 25cm, 44cm, 53cm và 88cm.
Hiện trường nơi Phạm Văn N hủy hoại có vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc hiện trường giáp với suối N và rừng tự nhiên, phía Nam giáp với suối N và rừng tự nhiên, phía Đông giáp diện tích rừng bị Phạm Văn T hủy hoại, phía Tây giáp Sông R. Trên hiện trường tại vị trí xảy ra vụ hủy hoại rừng phát hiện toàn bộ gốc cây đã bị chặt hạ, thân cây nằm rạp trên mặt đất trong một khoảng diện tích 4.313 𝑚2 , mặt cắt các gốc cây có hình rang cưa, toàn bộ các cây đã khô. Tiến hành lập 02 ô tiêu chuẩn trên phần mặt đất của hiện trường; mỗi ô có diện tích 500𝑚2 theo hình tròn; ô thứ nhất đếm được 17 gốc cây có đường kính không đồng đều từ 08cm, 10cm, 15cm, 20cm, 28cm;
mặt cắt các gốc cây cách mặt đất từ 25cm, 44cm, 53cm, 88cm; ô thứ 2 nằm đếm được 18 gốc cây, đường kính các gốc cây không bằng nhau từ 10cm, 15cm, 17cm, 20cm, 26cm.
Căn cứ Kết luận giám định số 219/CCKL – GĐTP ngày 01/4/2020, Cơ quan giám định ngành lâm nghiệp, giám định về việc phá rừng do Phạm Văn T thực hiện, kết luận: Vị trí tại lô X khoảnh X, tiểu khu 445 thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; diện tích thiệt hại: 4.951 𝑚2 ; Trạng thái rừng: Rừng tự nhiên lá rộng thường xanh, xanh nghèo kiệt; Chức năng quy hoạch cho lâm nghiệp: Rừng phòng hộ đầu nguồn; Trữ lượng rừng: 39,711 𝑚3 /ha, sản lượng gỗ thiệt hại: 17,127𝑚3 .
Ngày 02/6/2020, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B có Kết luận số 05/KL – HĐĐGTS về việc xác định giá trị tiền bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng do Phạm Văn T gây ra. Tổng giá trị bị thiệt hại là 21.287.171 đồng; trong đó: Giá trị lâm sản rừng tự nhiên bị thiệt hại: 4.257.434 đồng; Giá trị môi trường bị thiệt hại: 17.029.737 đồng.
Ngày 17/7/2020, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B có kết luận số 07/KL – HDĐGTS về việc xác định giá trị tiền bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng do Phạm Văn N gây ra. Tổng giá trị bị thiệt hại là 20.935.140 đồng; trong đó: Giá trị lâm sản rừng tự nhiên bị thiệt hại:
4.187.028 đồng; Giá trị môi trường bị thiệt hại: 16.748.112 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS – ST ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi:
Tuyên bố: bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”.
Áp dụng: điểm c khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn T 12 tháng tù (mười hai tháng) cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 24 tháng (hai mươi bốn tháng) kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (23/12/2020).
Giao bị cáo Phạm Văn T cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Căn cứ khoản 4 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự: Trả tự do Ny tại phiên tòa cho bị cáo Phạm Văn T nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Phạm Văn N 03 (ba) năm tù.
Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo tạm giam 09/12/2020.
Ngày 14/01/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 271/QĐ – VKS kháng nghị sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS – ST ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sửa phần hình phạt đối với bị cáo Phạm Văn T trong bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS – ST ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi theo hướng trừ thời gian tạm giam từ ngày 09/12/2020 đến ngày 23/12/2020 và ấn định lại thời gian thử thách đối với bị cáo Phạm Văn T.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ nguyên kháng nghị phúc thẩm.
Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa phúc thẩm về việc giải quyết vụ án:
Theo Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự quy định “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Và theo tinh thần hướng dẫn về án treo tại điểm b khoản 6.4 mục 6 của Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức phạt tù còn lại phải chấp hành…” Tòa án án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi xử phạt bị cáo Phạm Văn T 12 tháng tù cho hưởng án treo và trả tự do tại phiên tòa cho bị cáo. Nhưng trong phần quyết định của bản án, cấp sơ thẩm không trừ thời gian tạm giam của bị cáo Phạm Văn T từ ngày 09/12/2020 đến ngày 23/12/2020 vào thời hạn chấp hành hình phạt tù là thiếu sót. Do đó, kháng nghị số 271/QĐ-VKS ngày 14/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi là có căn cứ, đúng pháp luật.
Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Chấp nhận kháng nghị số 271/QĐ-VKS ngày 14/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HSST ngày 23/12/2020 của TAND huyện B theo hướng: Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Phạm Văn T 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và được trừ thời gian tạm giam từ ngày 09/12/2020 đến ngày 23/12/2020 là 14 ngày, thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại là 11 tháng 16 ngày, ấn định lại thời gian thử thách là 23 tháng 02 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Luận cứ bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý Bùi Phú V cho bị cáo Phạm Văn T: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn T về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với bị cáo Trợ giúp viên pháp lý có ý kiến sau. Căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Công văn số 58/TANDTC-PC ngày 06/5/2021 của Tòa án nhân dân tối cao không quy định về việc thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS – ST ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[I] Về tố tụng:
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn T, Trợ giúp viên pháp lý vắng mặt và có đơn đề nghị Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt. Xét thấy sự vắng mặt của bị cáo và Trợ giúp viên pháp lý không gây trở ngại cho việc xét xử, căn cứ Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục tiến hành xét xử vụ án.
[II] Về nội dung:
[1] Hội đồng xét xử nhận định: Vì muốn có đất làm rẫy và trồng keo nên giữa tháng 3/2019, bị cáo dùng rựa chặt hạ các loại dây leo và cây rừng tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc lô X khoảnh X, tiểu khu 45 thôn G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi với tổng diện tích rừng phòng hộ bị bị cáo hủy hoại là 4.951𝑚2 . Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn T về tội “Hủy hoại rừng” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng tội, đúng pháp luật.
[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, thì thấy: Trong vụ án này bị cáo Phạm Văn T bị bắt tạm giam kể từ ngày 09/12/2020 đến ngày 23/12/2020 được trả tự do tại phiên tòa. Khi quyết định hình phạt cho bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng, đồng thời không khấu trừ thời gian tạm giam của bị cáo là có căn cứ. Vì theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự thì không quy định thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Do đó, kháng nghị trên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi không có căn cứ để chấp nhận.
[3] Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, nên không được chấp nhận.
[4] Đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý Bùi Phú V phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[5] Bị cáo Phạm Văn T không phải chịu án phí phúc thẩm.
[6] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 351, điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng nghị số 271/QĐ-VKS ngày 14/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 08/2020/HS – ST ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
Áp dụng: điểm c khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại rừng”, thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 23/12/2020).
Giao bị cáo Phạm Văn T cho Uỷ ban nhân dân xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Bị cáo Phạm Văn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 55/2021/HS-PT ngày 18/08/2021 về tội hủy hoại rừng
Số hiệu: | 55/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Ngãi |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/08/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về