Bản án 52/2019/HNGĐ-ST ngày 19/12/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH TƯỜNG, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 52/2019/HNGĐ-ST NGÀY 19/12/2019 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 19 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Vĩnh Tường xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 151/2019/TLST-HNGĐ ngày 11 tháng 6 năm 2019 về việc tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 101/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 29 tháng 10 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Chu Văn S, sinh năm 1985, “có mặt”.

Hộ khẩu: Khu 2, thôn Phượng Lâu, xã X, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Địa chỉ: Đội 4, xã G, huyện T, tỉnh N.

Bị đơn: Chị Trần Thị N, sinh năm 1986, “vắng mặt”.

Địa chỉ: Khu 3, xã X, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đối với bị đơn:

- Ông Chu Văn Đ, sinh năm 1959, “có mặt”.

- Bà Trần Thị L, sinh năm 1959, (vợ ông Đô), “vắng mặt”.

Đều có địa chỉ: Khu 2, thôn Phượng Lâu, xã X, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Lan: Ông Chu Văn Đ, sinh năm 1959 địa chỉ: Thôn Phượng Lâu, xã X, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc, (Giấy ủy quyền ngày 08/10/2019), “có mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 08 tháng 4 năm 2019 và những lời khai tiếp theo cũng như tại phiên toà, nguyên đơn anh Chu Văn S trình bày: Anh và chị Trần Thị N đã ly hôn theo quyết định của Tòa án, cụ thể tại Bản án số 14/2018/HNGĐ-ST ngày 03/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Tường và Bản án phúc thẩm số 13/2018/HNGĐ-PT ngày 24/7/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Bản án của Tòa án huyện Vĩnh Tường thì anh được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cháu Chu Thị Lâm V, sinh năm 2009 còn chị N được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cháu Chu Thị Xuân M, sinh năm 2011.

Tuy nhiên sau khi có Bản án chị N không quan tâm thăm hỏi gì cháu M, để cháu M ở cùng ông bà nội. Trong khi đó bản thân anh công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh nên cũng không có điều kiện đón các cháu vào ở chung. Đến ngày 14/3/2019 chị N cùng 02 cán bộ Chi cục Thi hành án, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã đến gia đình anh để gặp bố mẹ anh đặt vấn đề đón cháu M. Mặc dù có sự chứng kiến của mọi người, gia đình hết sức động viên nhưng cháu M nhất quyết không đi, do đó chị N đã để cháu M ở lại và nhờ ông bà nội chăm nom giúp. Từ đó đến nay chị N cũng không quan tâm thăm hỏi gì đối với cháu M. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của cháu M, anh đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, giao cháu M cho anh trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đồng thời yêu cầu chị N cấp dưỡng nuôi con chung 3.500.000 đồng/1 tháng kể từ 01/01/2020 cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi.

Bị đơn chị Trần Thị N trình bày: Chị không đồng ý với yêu cầu của anh S về vệc đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với cháu Mvì hiện nay anh S không có mặt ở nhà, hiện sinh sống trong miền nam, không trực tiếp nuôi con. Còn lý do chị không về thăm nom cháu M và cháu V vì ông bà nội luôn cản trở gây khó khăn. Chị về nhà luôn bị ông bà nội chửi bới, sỉ nhục nên chị không dám về thăm và đón con. Hiện chị đang làm việc, công tác tại huyện Vĩnh Tường nên chị muốn được trực tiếp chăm sóc cháu M và cháu V để nuôi dưỡng các cháu. Đối với việc ông Đ, bà L đề nghị thanh toán tiền nuôi dưỡng cháu M quan điểm của chị không đồng ý, chị muốn trực tiếp nuôi cháu M.

Ni có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Chu Văn Đ và bà Trần Thị L trình bày: Anh Chu Văn S và chị Trần Thị N đã ly hôn theo quyết định của Tòa án, cụ thể tại Bản án số 14/2018/HNGĐ-ST ngày 03/4/2018. Theo quyết định của Tòa án thì anh S được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cháu Chu Thị Lâm V, sinh năm 2009 còn chị N được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cháu Chu Thị Xuân M, sinh năm 2011. Tuy nhiên sau khi có Bản án chị N không quan tâm thăm hỏi gì cháu M, để cháu M ở cùng ông, bà. Trong khi đó anh S công tác xa không có điều kiện đón cháu M vào ở chung.

Ngay sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật ông bà đã rất nhiều lần giục chị N về đón con vì ông bà còn phải nuôi nhiều cháu khác nên rất vất vả. Tuy nhiên chị N vẫn khất lần khất lượt không chịu đón con, mà vẫn để ông bà phải nuôi cháu. Mãi đến ngày 14/3/2019 chị N cùng 02 cán bộ Chi cục Thi hành án, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã đến gia đình ông để gặp ông bà đặt vấn đề đón cháu M. Mặc dù có sự chứng kiến của mọi người, gia đình hết sức động viên nhưng cháu M nhất quyết không đi, do đó chị N đã để cháu M ở lại và nhờ ông bà nội tiếp tục chăm nom giúp. Từ đó đến nay chị N cũng không quan tâm, thăm hỏi gì đối với cháu M, không cung cấp, đóng góp kinh tế để cho ông bà nuôi cháu M.

Do đó để gắn trách nhiệm của người mẹ với con cái và giảm bớt gánh nặng về kinh tế, ông bà đề nghị Tòa án giải quyết buộc chị N phải có trách nhiệm thanh toán cho ông bà tiền công sức nuôi cháu M từ tháng 6/2017 cho đến khi xét xử mỗi tháng 3.500.000 đồng, gồm các khoản: Tiền ăn, mặc quần áo, học hành, khám chữa bệnh, công sức ông bà nuôi cháu.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về kiểm sát tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự của người tiến hành tố tụng và của người tham gia tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tiến hành thụ lý, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định; người tham gia tố tụng anh S, ông Đ, bà L đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Chị N là bị đơn trong quá trình chuẩn bị xét xử có mặt viết bản tự khai sau đó vắng mặt, không chấp hành nên tự chịu trách nhiệm.

Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh S, thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với cháu M, từ chị N sang anh S được trực tiếp nuôi cháu M. Chị N cấp dưỡng nuôi con chung cùng anh S 1.000.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/01/2020 đến khi cháu M đủ 18 tuổi.

Chp nhận một phần yêu cầu độc lập của ông Đ và bà L buộc chị N thanh toán các khoản tiền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu M số tiền 1.500.000 đồng/1 tháng kể từ tháng 5/2018 đến hết tháng 8/2019.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Anh Chu Văn S khởi kiện yêu cầu về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn với chị Trần Thị N. Bị đơn chị N hiện có hộ khẩu và cư trú tại khu 3, xã X, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc, theo qui định tại các Điều 28, 35 và 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Tường. Quá trình giải quyết ông Đ và bà L có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án giải quyết buộc chị N thanh toán tiền công sức nuôi cháu M từ tháng 6/2017. Ông Đ, bà L đã làm thủ tục nộp tạm ứng án phí nên được Tòa án xem xét giải quyết. Đối với chị N quá trình chuẩn bị xét xử có mặt tại phiên tòa để viết bản tự khai, nộp tài liệu sau đó vắng mặt nên Tòa án không tiến hành hoà giải được theo Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án chỉ tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án đã triệu tập hợp lệ 2 lần nhưng đều vắng mặt không có lý do nên Toà án tiến hành xét xử vắng mặt chị N theo quy định tại Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Xem xét yêu cầu của anh S về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thấy rằng anh S và chị N đã ly hôn theo quyết định của Tòa án. Cụ thể tại Bản án số 14/2018/HNGĐ-ST ngày 03/4/2018 của Tòa án huyện Vĩnh Tường (đã có hiệu lực pháp luật tháng 5/2018) thì anh S được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Chu Thị Lâm V, sinh năm 2009 còn chị N được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng cháu Chu Thị Xuân M, sinh năm 2011. Sau khi Bản án có hiệu lực cho đến tháng 8/2019 cháu Mai vẫn ở cùng ông Đ và bà L. Thực tế mặc dù chị N cũng muốn đón cháu M về chăm sóc, nuôi dưỡng tuy nhiên do điều kiện trước đây chị N đi lao động ở nước ngoài một thời gian dài, khi đi cháu M còn rất nhỏ, sau khi về nước vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, chị N về nhà bố mẹ đẻ ở từ tháng 05/2017, ít có điều kiện chăm nom các cháu. Do đó, đến ngày 14/3/2019 chị N cùng đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Tường, đại diện Hội phụ nữ xã đến gia đình ông Đ, bà L để đón cháu M. Mặc dù có sự chứng kiến của mọi người, gia đình hết sức động viên nhưng cháu M nhất quyết không đi, do đó chị Ng đã để cháu M ở lại và nhờ ông Đ, bà L chăm nom giúp.

[3] Nay anh S có đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con và xin được trực tiếp nuôi cháu M, chị N không đồng ý thay đổi việc nuôi con từ chị sang cho anh S và có nguyện vọng xin nuôi cả hai cháu. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án chị N chỉ đến Tòa án viết bản tự khai, nộp tài liệu sau đó đều không có mặt, không chấp hành. Trong khi đó hiện tại anh S có việc làm ổn định, thu nhập cao, có chỗ ở ổn định và anh S cũng đã làm thủ tục đăng ký tạm trú, nhập học đồng thời đón cả cháu V và cháu M vào Đồng Nai chăm sóc nuôi dưỡng. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tiến hành lấy lời khai của cháu M (kể cả cháu V), các cháu đều có nguyện vọng ở với bố và ông bà nội. Do đó, để đảm bảo việc học tập, sinh sống, tránh xáo trộn cuộc sống của cháu M cần chấp nhận yêu cầu của anh S, thay đổi người trực tiếp nuôi con đối với cháu M từ chị N sang anh S.

[4] Đối với yêu cầu của anh S đề nghị chị N cấp dưỡng nuôi con chung 3.500.000 đồng/1 tháng kể từ 01/01/2020 cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi; chị N không đồng ý cấp dưỡng nuôi con chung. Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Chị N có công việc, thu nhập ổn định do đó việc anh S yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên nuôi con là nghĩa vụ chung của cả bố và mẹ, hiện nay trong điều kiện kinh tế hai bên còn nhiều khó khăn, xem xét đánh giá nhu cầu thiết yếu của cháu M như ăn, ở, học hành, khám chữa bệnh...thấy rằng yêu cầu của anh S về cấp dưỡng là cao, Hội đồng xét xử thấy mức cấp dưỡng ở mức 1.000.000 đồng/1 tháng kể từ 01/01/2020 cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi là phù hợp.

[5] Đối với yêu cầu của ông Đ, bà L đề nghị Tòa án giải quyết buộc chị N phải có trách nhiệm thanh toán cho ông bà tiền công sức chăm sóc, nuôi dưỡng cháu M từ tháng 6/2017 cho đến khi xét xử. Xem xét yêu cầu độc lập của ông Đ và bà L thấy rằng: Ông Đ và bà L là ông, bà nội của cháu M, có quan hệ huyết thống do đó xét về mặt tình cảm, việc ông bà yêu cầu thanh toán tiền trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu là chưa thực sự hợp lý. Tuy nhiên về mặt pháp luật anh S và chị N đã ly hôn theo Bản án số 14/2018/HNGĐ-ST ngày 03/4/2018 của Tòa án huyện Vĩnh Tường. Theo quyết định của Tòa án thì chị N được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu M do đó chị N phải có trách nhiệm, nghĩa vụ mọi mặt đối với cháu M đặc biệt về mặt kinh tế. Việc sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật ông Đ, bà L đã rất nhiều lần giục chị N về đón con. Nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là bản thân cháu M đã quen sống với ông bà nội và cháu V (Cháu M và cháu V sống với nhau từ nhỏ không muốn tách rời), vì thương con nên chị N để cháu Mlại nhờ ông Đ và bà L chăm sóc. Do đó chị N có trách nhiệm thanh toán các chi phí nuôi cháu M như ăn ở, học hành, khám chữa bệnh, công ông Đ, bà L trông nom chăm sóc cháu M.

[6] Đối với số tiền và thời gian ông Đ bà L yêu cầu chị N thanh toán từ tháng 06/2017 cho đến tháng 9/2019 mỗi tháng 3.500.000 đồng, gồm các khoản: Tiền ăn, mặc quần áo, học hành, khám chữa bệnh, công sức ông bà trông nom cháu. Tại phiên tòa ông Đ xin thay đổi yêu cầu, ông bà yêu cầu chị N thanh toán cho vợ chồng ông bà tiền công chăm sóc, nuôi cháu M là 1.500.000 đồng/1 tháng và các khoản tiền khác như ăn, ở, sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh là 1.500.000 đồng/1 tháng tổng cộng 3.000.000 đồng kể từ tháng 5/2018 đến hết tháng 8/2019 số tiền 48.000.000 đồng. Xem xét, đánh giá một cách chung nhất các nhu cầu thiết yếu như chi phí sinh hoạt, nhu cầu về ăn ở, sinh hoạt, học tập tại địa phương thấy rằng các chi phí cơ bản nhất như ăn, ở, sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh 1.500.000 đồng/tháng (50.000đồng/1 ngày) và tiền công sức ông bà trông nom, chăm sóc cháu 1.500.000 đồng/tháng là phù hợp. Về thời gian thanh toán số tiền: Tháng 05/2018 bản án của Tòa án huyện Vĩnh Tường có hiệu lực pháp luật đối với phần tình cảm và con cái, theo đó chị N là người có quyền và nghĩa vụ trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục cháu M, do đó nghĩa vụ của chị N được tính từ tháng 5/2018 cho đến hết tháng 8/2019 (Đầu tháng 9/2019 anh S đón cháu M vào Đồng Nai để chăm sóc nuôi dưỡng).

[7] Như vậy yêu cầu độc lập của ông Đ, bà L được chấp nhận buộc chị N thanh toán chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cháu M như tiền ăn, ở, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí thiết yếu nhất ở mức trung bình 1.500.000 đồng/tháng (50.000đồng/1 ngày) và tiền công sức ông bà nuôi cháu 1.500.000 đồng/tháng; tổng cộng là 3.000.000 đồng/1 tháng kể từ tháng 5/2018 đến hết tháng 8/2019. Tổng số tiền chị N phải thanh toán cho ông Đ bà L là 48.000.000 đồng (16 tháng x 3.000.000 đồng/tháng).

[8] Về án phí: Anh S phải chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm; chị N phải chịu 300.000 đồng án phí cấp dưỡng nuôi con chung và 2.400.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông Đ và bà L không phải chịu án phí, được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 58, 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 27 Nghị quyết số: 326/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Chu Văn S, về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, từ chị Trần Thị N sang anh Chu Văn S đối với cháu Chu Thị Xuân M, sinh ngày 30/11/2011. Kể từ ngày 19/12/2019 anh S được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Chu Thị Xuân M, sinh ngày 30/11/2011. Chị N cấp dưỡng nuôi con chung cùng anh S 1.000.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/01/2020 cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi và có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung không ai được cản trở gây khó khăn.

2. Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Chu Văn Đ và bà Trần Thị L, buộc chị Trần Thị N thanh toán chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cháu M như tiền ăn, ở, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí thiết yếu khác số tiền 1.500.000 đồng/1 tháng và tiền công sức ông Đ, bà L nuôi cháu M số tiền 1.500.000 đồng/ 1 tháng; tổng cộng là 3.000.000 đồng/1tháng kể từ tháng 5/2018 đến hết tháng 8/2019. Tổng số tiền chị N phải thanh toán cho ông Đ, bà L là 48.000.000 đồng (Bốn mươi tám triệu đồng).

3. Về án phí:

- Anh S phải chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí số: AA/2017/0002234 ngày 11 tháng 6 năm 2019 của Chi cục Thi hành dân sự huyện Vĩnh Tường. Anh S đã nộp đủ án phí.

- Chị N phải chịu 300.000 đồng án phí cấp dưỡng nuôi con chung và 2.400.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tổng cộng chị N phải nộp 2.700.000 đồng án phí sơ thẩm.

- Ông Chu Văn Đ và bà Trần Thị L không phải chịu án phí, được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 2.363.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí số: AA/2017/0004669 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Chi cục Thi hành dân sự huyện Vĩnh Tường.

Đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

300
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 52/2019/HNGĐ-ST ngày 19/12/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:52/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 19/12/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về