TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 46/2019/HS-PT NGÀY 04/03/2019 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Ngày 04 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 213/2018/TLPT-HS ngày 26/12/2018 đối với bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án số 29/2018/HS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Các bị cáo kháng cáo:
1. Lê Thị L1, sinh năm: 1976; Giới tính: Nữ; Nơi sinh: Quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh; Nơi cư trú: ấp V.Đ, xã A.H, huyện T.B, tỉnh An Giang; Nghề nghiệp: Chạy xe hon đa đầu; Trình độ học vấn: Lớp 6/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Đạo phật; Cha: Lê Văn Đ (chết); Mẹ: Lữ Vương H (chết); Chồng: Nguyễn Thanh T, sinh năm: 1974; Có 03 người con, lớn nhất 25 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi.
- Tiền án: Không.
- Tiền sự: Ngày 18/8/2018 bị Công an xã An Hảo xử phạt 200.000 đồng về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, chấp hành việc nộp phạt ngày 25/9/2018.
- Bị cáo bị tạm giam từ ngày 07/9/2018 cho đến nay.
- Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
2. Nguyễn Thanh L2 (Tư mồ côi), sinh năm 1969; Giới tính: Nam; Nơi sinh: Quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ; Nơi cư trú: Tổ 05, ấp V.Đ, xã A.H, huyện T.B, tỉnh An Giang; Nghề nghiệp: Làm rẫy; Trình độ học vấn: Lớp 7/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Cha: Nguyễn Văn L (chết); Mẹ: Nguyễn Thị H (chết); Vợ: Huỳnh Thúy H, sinh năm: 1967; Có 01 người con 28 tuổi.
- Tiền án; tiền sự: Không.
- Bị cáo được cho tại ngoại cho đến nay.
- Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa: Luật sư Hứa Hoàng Chấn - Văn phòng luật sư Hứa Hoàng Chấn thuộc Đoàn luật sư tỉnh An Giang, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh L2.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân đi lại đường lên Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Ngày 16/7/2018, Văn phòng Ủy Ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Công văn số 3505/VPUBND-KTN về việc tạm ngưng lưu thông đường lên Núi Cấm để xử lý sạt lở đá. Ngày 17/8/2018 Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục ban hành Công văn số 4160/VPUBND-KTN về việc gia hạn tạm ngưng lưu thông xe và xử lý sạt lở đá đường lên Núi Cấm. Ngày 26/8/2018, Ủy ban nhân dân xã An Hảo ra Thông báo 454/TB-UBND về việc tạm ngưng lưu thông xe lên xuống đường Núi Cấm. Đồng thời thông báo quy định rõ thời gian mở cổng cho xe lưu thông hàng ngày: Buổi sáng từ 05 giờ đến 07 giờ; buổi chiều từ 17 giờ đến 20 giờ (kể từ ngày 27/8/2018 cho đến hết ngày 19/9/2018). Để tổ chức thực hiện các Công văn và Thông báo, Ủy Ban nhân dân xã An Hảo đã thành lập các Tổ bảo vệ không cho người và phương tiện đi vào khu vực khắc phục sạt lở đá trong khoảng thời gian thi công như đã thông báo để đảm bảo an toàn. Cụ thể: Chốt số 1 (Cổng gác dưới) có 09 người và chốt bảo vệ đầu trên núi xuống có rào chắn bằng lưới B40 (Cổng gác trên có 06 người).
Khoảng 16 giờ ngày 27/8/2018, bị cáo Nguyễn Thanh L2 đến Cổng gác trên để lấy Công văn của văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Thông báo của Ủy ban nhân dân xã An Hảo, phô tô đưa cho bị cáo Sơn và bị cáo L1. Bị cáo L2 cho rằng việc tạm ngưng lưu thông đường lên Núi Cấm không được dân đồng tình ủng hộ và rủ bị cáo Sơn, bị cáo L1, sáng ngày 28/8/2018 đi đến khu vực thi công xử lý đá để xem khai thác đá hay xử lý sạt lở đá.
Khoảng 06 giờ sáng ngày 28/8/2018, bị cáo Sơn điều khiển xe mô tô biển số 67F1-185.77 chở L2; còn bị cáo L1 điều khiển xe mô tô biển số 67F1 - 377.83 chạy từ trên núi xuống quán cà phê “Mai Anh” của chị Huỳnh Thị L, thuộc ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Lúc này, tại quán Mai Anh đã có nhiều người, nên bị cáo L1 và bị cáo L2 la lối lớn tiếng cho mọi người biết việc đóng cổng không cho xe lưu thông gây khó khăn cho việc đi lại, nên nói sẽ đi tháo dỡ cổng các chốt để cho xe lưu thông lên xuống núi và cho rằng công trình đang thi công là để khai thác đá chứ không phải xử lý sạt lở đá, thì những người có mặt tại quán đồng ý đi theo. Khoảng 09 giờ 45 phút cùng ngày, các bị cáo L2, L1 và Sơn điều khiển xe chạy trước và có 24 người điều khiển xe mô tô chạy sau đến Chốt số 1. Đến nơi, các bị cáo L1, L2, Sơn la nói lớn tiếng và thấy có nhiều người đi theo, nên L2 bước xuống xe mở cổng chốt số 1, thì L1 chạy xe qua trước, bị cáo L1 vừa chạy vừa vẫy tay nói lớn tiếng “Lên, lên anh em ơi”, rồi bị cáo Sơn điều khiển xe cùng 43 người đi trên 38 xe mô tô chạy qua khỏi Chốt số 1 lên chốt bảo vệ trên (trong đó có Đinh Văn Toàn, Nguyễn Thành Lợi, Chau Hen và Chau Su). Riêng bị cáo L2 được ông Nguyễn Hữu Duẩn (là chủ đơn vị thi công sạt lở đá) khuyên ngăn không cho chạy xe ngang khu vực thi công nên bị cáo L2 cùng một số người đi theo đường chùa Phật nhỏ lên chốt gác bảo vệ trên.
Lúc này, bị cáo L1 và nhiều người khác đã đến chốt gác trên, bị cáo L1 la hét lớn tiếng yêu cầu lực lượng bảo vệ mở cổng cho xe lưu thông thì được lực lượng bảo vệ khuyên ngăn, nhưng bị cáo L1 vẫn la nói lớn tiếng. Một lúc sau, bị cáo L2 và những người khác đến chốt gác trên. Tại đây, bị cáo L2 và bị cáo L1 la hét lớn tiếng kêu những người có mặt tại đây mở cổng để đến khu vực thi công với lý do là đi bảo vệ tài nguyên môi trường, rồi bị cáo L2 cùng bị cáo L1, bị cáo Sơn dùng tay mở chốt gác bảo vệ. Sau khi mở hàng rào lưới B40 của chốt gác bảo vệ trên, các bị cáo và khoảng 30 xe mô tô chạy xuống núi đến khu vực đang thi công sạt lở đá.
Khi đến khu vực thi công xử lý sạt lở đá, các bị cáo L2, L1, Sơn la hét lớn tiếng, ngăn cản, không cho thi công nên lực lượng thi công phải ngưng hoạt động. Lúc này, bị cáo Sơn lên đến vị trí thi công để xem rồi nói cho mọi người biết là thi công để khai thác đá chứ không phải xử lý sạt lở đá. Nghe vậy, hai bị cáo L1 và L2 tiếp tục la nói lớn tiếng, khoảng 20 phút thì hai bị cáo L2 và L1 điều khiển xe chạy trước, những người hiếu kỳ điều khiển xe chạy sau đến Chốt số 1.
Khoảng 10 giờ 45 phút, bị cáo L2, bị cáo L1 và những người hiếu kỳ đến chốt số 1. Tại đây, hai bị cáo L1, L2 tiếp tục có hành vi la lối lớn tiếng, đòi tháo dỡ cổng cho xe lưu thông lên núi rồi hai bị cáo dùng tay mở cổng chốt số 1 mặc dù đã được lực lượng bảo vệ khuyên ngăn, giải thích. Đến khoảng 12 giờ 30 phút thì tất cả ra về.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2018/HS-ST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2 và Phan Thành Sơn, phạm tội“Gây rối trật tự công cộng”.
Căn cứ: khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Lê Thị L1 09 (chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 07/9/2018.
Căn cứ: khoản 1 Điều 318; các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thanh L2 09 (chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt.
Căn cứ: khoản 1 Điều 318; các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Xử phạt: Bị cáo Phan Thành Sơn 09 (chín) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 năm 06 tháng, tính từ ngày 23/11/2018.
Giao bị cáo Phan Thanh Sơn cho Ủy ban nhân dân xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/11/2018 bị cáo Nguyễn Thanh L2 làm đơn kháng cáo với nội dung xin hưởng án treo.
Ngày 04/12/2018 bị cáo Lê Thị L1 làm đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo L2, L1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin được hưởng án treo và xin giảm nhẹ hình phạt, với lý do: Hoàn gia đình cảnh khó khăn; lao động chính trong gia đình; bị cáo L2 đang nuôi các trẻ mồ côi; bị cáo L1 đã ly với chồng, con còn nhỏ.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, tranh luận, xem xét tính chất, mức độ, hành vi, vai trò phạm tội của các bị cáo; xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và yêu cầu kháng cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo L1, L2. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư trình bày lời bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh L2:
Thống nhất về tội danh và khung hình phạt như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử. Tuy nhiên, cũng đề nghị Hội đồng xét xử có quan tâm xem xét các tình tiết giảm nhẹ; nguyên nhân điều kiện dẫn đến sai phạm; hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế; bị cáo được nhiều người dân địa phương có đơn xin giảm nhẹ hình phạt; tích cực hoạt động xã hội như làm đường dân sinh được tặng giấy khen; việc sai phạm không nhằm mục đích xấu hay động cơ chính trị nào, vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình khi vận chuyển hàng hóa không phù hợp thời gian, mặc dù đã khiếu nại nhiều lần nhưng không được ghi nhận; hiện bị cáo đang nuôi nhiều trẻ mồ côi... xử phạt tù bị cáo là có phần nghiêm khắc, đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Các bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2 làm đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2 thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội như nội dung án sơ thẩm. Các bị cáo và Phan Thành Sơn có hành vi gây rối trật tự công cộng ở khu vực chốt số 1, khu vực thi công sạt lở đá và chốt gác trên của đường lên Núi Cấm, xã An Hảo gây mất an ninh trật tự trong nhiều giờ. Xét lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm hoàn toàn phù hợp với lời khai trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên xử các bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2, Phan Thành Sơn, về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo thì thấy:
Các bị cáo là người đã trưởng thành, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và nhận thức được hành vi gây rối trật tự công cộng là vi phạm pháp luật, phải biết cố gắng lao động, rèn luyện phẩm chất, đạo đức để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Với bản chất xem thường pháp luật, bị cáo L1 đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi "Gây rối trật tự công cộng", tại ga cáp treo trên Núi Cấm vào ngày 16/8/2018. Lẽ ra, sau khi bị xử lý, bị cáo phải thấy được hành vi vi phạm của mình, biết ăn năn, hối cải, nhưng bị cáo không làm được điều đó, mà ngược lại bị cáo cho rằng chủ trương của chính quyền là khai thác đá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, chứ không phải là chủ trương xử lý đá sạt lở, để rồi tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo cùng với các bị cáo L2, Sơn đã tự tạo ra cái cớ để vận động nhiều người ủng hộ hô hào, kích động, lôi kéo, xúi giục, vận động nhiều người khác cùng điều khiển xe mô tô đến tháo dỡ các chốt chặn thi công sạt lỡ đá, la hét lớn tiếng, ngăn cản... gây rối trật tự trong nhiều giờ, cản trở không cho thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công phải ngừng hoạt động, bất chấp pháp luật và hậu quả xảy ra. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và đời sống sinh hoạt bình thường của người người dân tại địa phương. Vì vậy, cần có mức án nghiêm tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo, mới có tác dụng cải tạo giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đánh giá đúng đắn tính chất, mức độ, hành vi, vai trò phạm tội của từng bị cáo; xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tuyên phạt các bị cáo Lê Thị L1 09 tháng tù; Nguyễn Thanh L2 09 tháng tù là thỏa đáng. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không cung cấp được tình tiết, chứng cứ nào mới để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như Viện kiểm sát đề nghị.
[4] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận, nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5] Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Lê Thị L1 xin giảm nhẹ hình phạt tù.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh L2 xin được hưởng án treo.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ: khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 38, Điều 58 của Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Lê Thị L1 09 (chín) tháng tù, về tội "Gây rối trật tự công cộng". Thời hạn tù tính từ ngày 07/9/2018.
Căn cứ: khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 của Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thanh L2 09 (chín) tháng tù, về tội "Gây rối trật tự công cộng". Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt.
Các bị cáo Lê Thị L1, Nguyễn Thanh L2 mỗi người phải chịu 200.000 (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
Các phần Quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2018/HSST ngày 23/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 46/2019/HS-PT ngày 04/03/2019 về tội gây rối trật tự công cộng
Số hiệu: | 46/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 04/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về