Bản án 44/2019/HNGĐ-ST ngày 04/10/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TỨ KỲ, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 44/2019/HNGĐ-ST NGÀY 04/10/2019 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON, CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN

Trong các ngày 30 tháng 8, ngày 04 tháng 9 và ngày 04 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 228/2018/TLST-HNGĐ ngày 11 tháng 9 năm 2018 về việc ly hôn, tranh chấp về nuôi con và thụ lý bổ sung số 228a/2018/TLST-HNGĐ ngày 25 tháng 10 năm 2018 về chia tài sản khi ly hôn, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 40/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 15 tháng 8 năm 2019, theo Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 47/2019/QĐST-HNGĐ ngày 04/9/2019 và Thông báo mở lại phiên tòa số 02/2019/TB-TA ngày 23/9/2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị V, sinh năm 1983; ĐKHKTT: Thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương; chỗ ở hiện nay: Thôn T, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, có mặt.

- Bị đơn: Anh Phạm Văn L, sinh năm 1981; ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lê Thị C, sinh năm 1940;

(Tại phiên toà ngày 30/8 và ngày 04/9/2019, bà C uỷ quyền cho anh H và tại phiên tòa ngày 04/10/2019, bà C ủy quyền cho ông Vương Lâm S- Luật sư thuộc Văn phòng luật sư V - Đoàn luật sư TP Hà Nội tham gia tố tụng), anh H, ông S có mặt.

2. Anh Phạm Văn Đ (tức X), sinh năm 1972 và chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1973. (Chị H uỷ quyền cho anh Đ tham gia tố tụng), anh Đ có mặt.

3. Ông Phạm Văn C (tức Kh), sinh năm 1963, có mặt.

4. Chị Phạm Thị M, sinh năm 1970, có mặt.

5. Anh Phạm Văn L1, sinh năm 1978, có mặt.

Đều ở địa chỉ: Thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

6. Bà Phạm Thị Ch, sinh năm 1966, có mặt.

Địa chỉ: Thôn M, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

7. Anh Phạm Văn H (tức H), sinh năm 1975, có mặt.

Địa chỉ: Xóm H, xã C, huyện L, tỉnh Hòa Bình.

- Những người làm chứng:

+ Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1987;

Trú tại: Thôn C, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

+ Ông Nguyễn Đức T, sinh năm 1957;

Trú tại: Thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

+ Ông Phạm Văn O, sinh năm 1964;

Trú tại: Thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

+ Ông Nguyễn Hải C, sinh năm 1961, chức vụ: Trưởng thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Chị L có mặt; ông T, ông O, ông C có mặt tại phiên tòa ngày 30/8/2019 và vắng mặt tại các phiên tòa ngày 04/9/2019 và ngày 04/10/2019.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn xin ly hôn, bản tự khai, biên bản lấy lời khai và các tài liệu khác có tại hồ sơ, nguyên đơn chị Nguyễn Thị V trình bày:

Chị và anh Phạm Văn L kết hôn với nhau năm 2001, trước khi kết hôn được tự do tìm hiểu, tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND xã Q ngày 06/11/2001. Vợ chồng chung sống hạnh phúc đến năm 2016 xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng không hợp nhau trong cách sống, sinh hoạt cũng như làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó anh L thường xuyên đi chơi về muộn, chị có nhắc nhở thì anh L không giải thích mà nói nặng lời, chửi bới, xúc phạm, thách thức ly hôn chị. Tháng 5/2018, mâu thuẫn vợ chồng trở lên trầm trọng, anh L chửi bới, đánh đập chị vô cớ. Do không thể chịu đựng được cuộc sống luôn bị bạo hành nên chị đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở từ đó đến nay, vợ chồng ly thân, không còn quan tâm tới nhau. Nay chị xác định tình cảm vợ chồng không còn, không thể đoàn tụ được, đề nghị Toà án giải quyết cho chị được ly hôn anh L để hai bên ổn định cuộc sống.

- Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và các tài liệu khác có tại hồ sơ, bị đơn anh Phạm Văn L trình bày: Về thời gian, điều kiện kết hôn thống nhất như chị V đã trình bày. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống hạnh phúc đến đầu năm 2018 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng không hợp nhau trong cách sống, sinh hoạt, nuôi dạy con chung và làm ăn phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng có nhiều bất đồng quan điểm, xẩy ra xô xát do việc anh muốn làm nhà mái bằng ở đất chuyển đổi để có chỗ ở nhưng chị V không đồng ý. Từ tháng 5/2018, vợ chồng có cãi nhau nên chị V tự ý bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở. Anh và gia đình có xuống tìm chị V nhưng chị ấy cương quyết không về. Quan điểm của anh mong muốn vợ chồng đoàn tụ, cùng nhau nuôi dạy con chung, vì vậy anh không nhất trí ly hôn.

- Về con chung: Chị V, anh L đều xác định vợ chồng có hai con chung là Phạm Quang Tr, sinh ngày 26/11/2002 và Phạm Quang S, sinh ngày 22/01/2005. Hiện các con đều đang ở với anh L. Quan điểm của chị V xin được nuôi dưỡng 02 con chung đến khi trưởng thành và tự nguyện không yêu cầu anh L phải cấp dưỡng nuôi con. Quan điểm của anh L: Do các con đã trên 7 tuổi nên căn cứ vào nguyện vọng của các con chung, trường hợp hai con muốn ở với anh, anh sẽ nuôi dưỡng hai con chung và tự nguyện không yêu cầu chị V phải cấp dưỡng nuôi con. Trường hợp chị V không đồng ý, mỗi người nuôi một con, anh xin nuôi dưỡng con chung Phạm Quang S để chị V nuôi dưỡng con chung Phạm Quang Tr, hai bên không phải cấp dưỡng tiền nuôi con chung cho nhau đến khi các con trưởng thành (đủ 18 tuổi).

- Về tài sản: Chị V, anh L đều thống nhất vợ chồng có các tài sản chung đã được định giá, gồm: 01 nhà ở mái bằng hai tầng trong làng, trong đó có cả tiền đóng góp của ông Phạm Văn K và bà Lê Thị C (bố mẹ đẻ anh L) 70.000.000 đồng; 02 dãy nhà cấp 4 (chuồng gà), 01 bể nước; 07 cây vải; 05 cây mít; 75 cây chuối trên khu đất chuyển đổi; 01 tủ lạnh Panasonic; 01 máy gặt Panasonic đã được định giá, có tổng trị giá 414.311.715 đồng, đề nghị Toà án trích trả bà Lê Thị C số tiền đóng góp xây nhà 70.000.000 đồng, còn lại chia đôi số tài sản trên;

- Tài sản các bên đang tranh chấp:

+ Thửa đất số 475-476, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2: Cả anh L, chị V xác định: Thửa đất diện tích 923m2 tại thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có nguồn gốc của ông K, bà C (bố mẹ đẻ anh L) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng: Theo chị V trình bày: Năm 2015, ông K, bà C có lập hợp đồng tặng cho, được công chứng tại Phòng công chứng Tứ Kỳ và hiện đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp giấy chứng nhận, đứng tên cả hai vợ chồng, còn cụ thể cấp ngày tháng năm nào chị không nắm được và xác định hai thửa đất là tài sản chung của vợ chồng vì được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, việc tặng cho là hoàn toàn tự nguyện. Theo anh L trình bày: Năm 2015, bố mẹ anh làm thủ tục tạm thời tặng cho vợ chồng chỉ với mục đích để anh thế chấp vay vốn làm ăn. Trước đó, do gia đình đông con nên bố anh đã gọi các anh, chị, em đến để thống nhất tạm thời cho anh đứng tên cùng ký vào di chúc, đề ngày 10/10/2015, có trưởng thôn ký và Chủ tịch UBND xã Q ký đóng dấu, theo bản di chúc đó chỉ khi nào bố mẹ anh chết hết mới thuộc quyền sử dụng của vợ chồng, ngoài ra không còn bất cứ tài liệu nào khác. Anh khẳng định toàn bộ các thửa đất trên vẫn là tài sản của bố mẹ anh (sau khi bố anh chết là của mẹ anh), không phải là tài sản chung của vợ chồng nên anh không nhất trí cho Toà án và các cơ quan chuyên môn đo đạc, xem xét thẩm đinh, định giá và không đồng ý chia, đề nghị Toà án giải quyết trả lại tên giấy chứng nhận về đúng tên cho mẹ anh là bà Lê Thị C. Chị V xác định bản di chúc của ông Phạm Văn K, đề ngày 10/10/2015 là không có giá trị pháp lý, vì sau đó ông K, bà C đã làm văn bản tặng cho vợ chồng. Đối với diện tích thửa đất số 475-476, tờ bản đồ số 01 thôn A, do anh L, bà C và các anh em trong gia đình không cho Tòa án và các cơ quan chuyên môn tiến hành xem xét, thẩm định và không cho Hội đồng định giá tiến hành định giá nên không thể đo đạc hiện trạng và định giá được. Chị chấp nhận lấy diện tích theo giấy chứng nhận là 923m2 và xác định giá trị trong tổng số 923m2, có 300m2 đất ở có giá 900.000 đồng/m2 là 270.000.000 đồng; 415m2 đất trồng cây lâu năm và 208m2 đất nuôi trồng thủy sản có giá 75.000/m2 là 46.000.000 đồng. Tổng giá trị thửa đất là 316.000.000 đồng.

Các tài sản khác trên đất chị V không yêu cầu giải quyết.

+ Đối với ngôi nhà mái bằng 01 tầng và lán lợp pro trước nhà mái bằng ở khu đất chuyển đổi: Theo chị V xác định: Thời điểm xây nhà là từ tháng 02 đến tháng 5/2018, xây hết khoảng 200.000.000 đồng. Khi xây, vợ chồng cũng có một khoản tiền, còn có bao nhiêu chị không biết vì toàn bộ kinh tế do anh L nắm giữ, còn lại là đi vay, cụ thể của em gái chị là Nguyễn Thị L 30.000.000 đồng và em trai chị là Nguyễn Văn Đ1 60.000.000 đồng (hiện anh L đã trả hết chị L, anh Đ1). Toàn bộ quá trình làm nhà, đều do anh L mua nguyên vật liệu, thuê thợ, chi trả, chị không tham gia và cũng không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để xuất trình cho Tòa án. Chị xác định nhà mái bằng trên là tài sản chung của vợ chồng, vì tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, của chồng công vợ, chị vẫn phải đi làm để nuôi con. Theo anh L trình bày: Nhà mái bằng một tầng, lán phía trước sân ở khu chuyển đổi là tài sản riêng của anh, vì khi anh chuẩn bị làm nhà chị V không đồng ý và cũng chính vì lý do đó mà vợ chồng mâu thuẫn, toàn bộ nguồn tiền làm nhà là do anh đi vay của anh em trong gia đình và anh em nhà chị V, chị V không hỏi vay và không đóng góp gì, cụ thể anh đã vay của anh Phạm Văn H 80 triệu đồng; vợ chồng anh Phạm Văn Đ 70 triệu đồng, chị Phạm Thị M, chị Phạm Thị Ch mỗi người 20 triệu đồng và chị Nguyễn Thị L 30 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Đ1 (em ruột chị V) 60 triệu đồng. Do chị V không có đóng góp gì và anh xây nhà trên toàn bộ nguồn tiền anh tự vay, tự xây nên là tài sản riêng của anh, không phải là tài sản chung của vợ chồng nên không nhất trí chia. Trường hợp xác định là tài sản chung, thì chị V phải có trách nhiệm trả nợ chung, những khoản anh đã trả chị V phải thanh toán cho anh.

- Đối với diện tích đất tại các thửa số 33, 34, 87 tờ bản đồ số 7 (đất chuyển đổi) và công sức đào ao, lập vườn: Diện tích đất tại khu chuyển đổi, anh L, chị V đều xác định là của anh L và gia đình đã có trước khi vợ chồng kết hôn: Theo anh L trình bày: Trong tổng diện tích đất khu chuyển đổi có suất ruộng của anh hơn 700m2; còn lại gia đình anh đấu thầu với UBND xã, thời hạn 20 năm, sau đó thành 05 năm một lần, chị V không có ruộng 03 ở đất chuyển đổi. Theo chị V, sau khi kết hôn, vợ chồng chị đào ao lập vườn là tháng 12/2001 âm lịch. Việc đào ao, lập vườn làm bằng thủ công (cắt kéo), cụ thể thuê nhiều người, trong đó anh Phạm Văn C và anh Phạm Văn L1 là anh chồng chị, tổng đào ao hết bao nhiêu tiền chị cũng không biết. Về giấy tờ, tài liệu để chứng minh thì chị không xuất trình được cho Tòa án, đề nghị Tòa án xem xét. Anh L trình bày: Về công sức đào ao, vượt lập là do gia đình anh làm trước khi anh và chị V kết hôn, thời gian đào ao là cuối năm 1999. Mẹ anh thuê đào tay, thuê nhóm thợ của ông Phạm Văn O (vợ tên là N) làm cho và là người thanh toán tiền công, vợ chồng không có công sức đóng góp gì nên anh không đồng ý tính công sức đào ao, lập vườn tại đất chuyển đổi chia cho chị V.

- Về nợ:

+ Khoản vay Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam phòng giao dịch C, chi nhánh huyện T: Chị V, anh L đều thống nhất xác định vợ chồng có vay 100.000.000 đồng của Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam phòng giao dịch C, chi nhánh huyện T theo hợp đồng tín dụng số 18359148/HĐTD ngày 03/5/2018. Tuy nhiên, theo anh L xác định đây là khoản vay để trả nợ từ khi làm nhà mái bằng hai tầng trong làng, vì khi xây nhà trên, vợ chồng chỉ có một ít tiền, còn lại phải đi vay của vợ chồng anh Đ, chị H 100 triệu, năm 2016, anh Đ, chị H đòi để xây nhà nên năm 2016 anh chị phải vay Ngân hàng để trả nợ cho vợ chồng anh Đ. Do không có tiền trả nên năm 2017-2018 anh đều vay từng năm một rồi lại trả Ngân hàng, vừa qua là đến hạn trả nợ nên anh đã tự vay ngoài để trả cho Ngân hàng. Anh L xác định đây là nợ chung và do anh đã trả cho Ngân hàng nợ gốc và lãi nên chị V phải có trách nhiệm thanh toán trả anh. Chị V xác định khoản vay là để xây dựng trang trại chăn nuôi gia đình chứ không phải vay khi làm nhà mái bằng hai tầng như anh L trình bày, chị nhất trí vợ chồng phải chịu trách nhiệm, trường hợp anh L đã trả khoản nợ trên, chị sẽ thanh toán trả anh L.

+ Đối với khoản vay nợ chị Nguyễn Thị L và anh Nguyễn Văn Đ1: Cả anh L, chị V đều xác định: Chị L, anh Đ1 là em của ruột của chị V, đầu năm 2018, anh L có vay của anh Nguyễn Văn Đ1 số tiền 60.000.000 đồng và chị Nguyễn Thị L 30.000.000 đồng. Tuy nhiên, anh L xác định anh vay tiền của anh Đ1, chị L là để làm nhà mái bằng trên đất chuyển đổi là tài sản riêng của anh, anh đã tự trả nợ xong. Trường hợp xác định là tài sản chung của vợ chồng, chị V phải có trách nhiệm thanh toán trả anh số tiền anh đã trả chị L, anh Đ1. Chị V xác định mặc dù chỉ có anh L hỏi vay tiền của chị L, anh Đ1 nhưng vay để xây nhà mái bằng khu chuyển đổi, đây là tài sản chung của vợ chồng, vì vậy, trường hợp xác định nhà mái bằng khu chuyển đổi là tài sản chung của vợ chồng, do anh L đã trả chị L, anh Đ1 nên chị nhất trí sẽ có trách nhiệm thanh toán trả anh L số tiền trên.

+ Đối với các khoản vay của anh Phạm Văn H, vợ chồng anh Phạm Văn Đ (tức X), chị Phạm Thị Ch, chị Phạm Thị M: Anh L trình bày: Do cần nhà ở để tiện cho việc chăn nuôi tại khu chuyển đổi, anh đã trao đổi với chị V xây nhà mái bằng để cả gia đình cùng ở nhưng chị V không nhất trí. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định xây nhà trong khi vợ chồng kinh tế khó khăn, anh bị cụt mất một tay, không có tiền, do đó anh phải vay của các anh em trong gia đình. Cụ thể vay của anh Phạm Văn H 80.000.000 đồng, vay của vợ chồng anh Phạm Văn Đ, chị Nguyễn Thị H 70.000.000 đồng, chị Phạm Thị Ch và chị Phạm Thị M mỗi người 20.000.000 đồng, thời điểm vay đầu năm 2018, các khoản vay trên đều là của anh em ruột trong gia đình nên không có giấy tờ, không có thời hạn và không có lãi. Chị V không hỏi vay mà chỉ có một mình anh vay, sử dụng toàn bộ tiền vay để làm nhà. Tổng làm nhà mái bằng, mái hiên hết khoảng 280.000.000 đồng, các khoản vay của anh H, vợ chồng anh Đ, chị Ch, chị M, anh Đ1, chị L là đủ để xây nhà. Ngoài ra không còn nợ ai khác. Chị V xác định: khi làm nhà chị không biết các khoản anh L vay của anh H, vợ chồng anh Đ, chị Ch, chị M, chị không vay, không được bàn bạc về các khoản vay trên nên chị không chịu trách nhiệm, anh L tự vay thì anh L phải tự chịu trách nhiệm.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị C trình bày: Thửa đất số 475, 476, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2 mà hiện nay có nhà mái bằng hai tầng do vợ chồng anh L xây dựng (vợ chồng bà có đóng góp số tiền 70 triệu để cùng xây) có nguồn gốc là đất ông cha để lại cho vợ chồng bà. Đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông K. Đến năm 2015, vợ chồng bà có làm hợp đồng tạm thời tặng cho quyền sử dụng đất cho vợ chồng chị V, anh L để vay vốn làm ăn, nhưng việc tặng cho là có điều kiện (tức khi nào vợ chồng bà chết hết thì mới thuộc toàn quyền sử dụng của anh L, chị V). Mặc dù trong hợp đồng không thể hiện ý kiến của vợ chồng bà khi nào vợ chồng bà chết hết thì mới chính thức cho anh L, chị V nhưng còn di chúc của ông K và các con có trước khi làm hợp đồng tặng cho. Hiện bà vẫn còn sống nên diện tích đất trên vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà. Đây không phải là đất của vợ chồng anh L, chị V, bà không nhất trí chia.

Đối với diện tích đất chuyển đổi mà hiện nay anh L đang sử dụng để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình có nguồn gốc một phần là đất 03 của bà 732m2 cho anh L và một phần là do trước đây gia đình bà và sau này là anh L đấu thầu của UBND xã Q. Diện tích đất tại khu chuyển đổi nêu trên không liên quan gì đến chị V, vì chị V chưa chuyển ruộng về thôn A mà vẫn ở thôn T, xã Q.

Quan điểm của bà đề nghị Tòa án xác định nhà ở mái bằng hai tầng là tài sản chung của vợ chồng anh L trong đó có một phần tiền đóng góp của vợ chồng bà. Ông Phạm Văn K đã chết ngày 29/12/2018, không để lại di chúc, vì vậy khi chia, đề nghị Tòa án trích trả một phần tiền cho bà đã đầu tư theo tỷ lệ đóng góp lúc ban đầu và khấu hao còn lại của giá trị nhà nêu trên giảm cùng giảm, do kỷ phần của ông K, các con bà thống nhất cho bà nên bà xin nhận. Còn lại bao nhiêu giá trị nhà thì chia cho vợ chồng anh L. Bà xin lấy nhà để ở và có trách nhiệm trả tiền chênh lệch tài sản cho chị V, anh L, vì hiện nay bà đã già yếu, không còn chỗ ở nào khác.

- Tại bản tự khai, anh Phạm Văn H trình bày: Anh và anh L là anh em ruột, chị V là em dâu. Do cần tiền làm nhà ở khu chuyển đổi, khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2018 (không nhớ ngày), anh có cho anh L vay số tiền 80.000.000 đồng, vay không có thời hạn, không có lãi, mục đích vay để xây nhà khu bãi chuyển đổi, do là anh em trong gia đình nên không có giấy tờ biên nhận, khi vay chỉ có một mình anh L, chị V không hỏi vay, thời điểm vay, anh L, chị V vẫn chung sống với nhau, khoản tiền cho vay là tiền của cá nhân anh. Nay chị V xin ly hôn anh L, trường hợp Tòa án xác định nhà mái bằng ở khu chuyển đổi là tài sản riêng của anh L thì anh và anh L tự giải quyết với nhau về số tiền trên, trường hợp xác định là tài sản chung của vợ chồng để phân chia, chị V, anh L phải có trách nhiệm trả anh toàn bộ số tiền trên, anh không yêu cầu gì về lãi suất.

- Tại bản tự khai, anh Phạm Văn Đ (tức X) trình bày: Anh và anh L là anh em ruột, chị V là em dâu. Do cần tiền làm nhà ở khu chuyển đổi, khoảng đầu năm 2018 (không nhớ ngày), anh có cho anh L vay số tiền 70.000.000 đồng, vay không có thời hạn, không có lãi, mục đích vay để xây nhà khu đất chuyển đổi, do là anh em trong gia đình nên không có giấy tờ biên nhận, khi vay chỉ có một mình anh L, chị V không hỏi vay, thời điểm vay, anh L, chị V vẫn chung sống với nhau, khoản tiền cho vay là tiền của vợ chồng anh. Nay chị V xin ly hôn anh L, trường hợp Tòa án xác định nhà mái bằng ở khu chuyển đổi là tài sản riêng của anh L thì vợ chồng anh và anh L tự giải quyết với nhau về số tiền vay, trường hợp xác định là tài sản chung của vợ chồng để phân chia, chị V, anh L phải có trách nhiệm trả cho vợ chồng anh số tiền trên, vợ chồng anh không yêu cầu gì về lãi suất.

- Chị Phạm Thị M và chị Phạm Thị Ch trình bày: Các chị và anh L là chị em ruột, chị V là em dâu. Do cần tiền làm nhà ở khu chuyển đổi, khoảng tháng 3/2018 (không nhớ ngày), hai chị đều cho anh L vay tiền, mỗi người cho vay 20.000.000 đồng, vay không có thời hạn, không có lãi, mục đích vay để xây nhà khu đất chuyển đổi, do là chị em trong gia đình nên không có giấy tờ, biên nhận, khi vay chỉ có một mình anh L, chị V không hỏi vay, thời điểm vay, anh L, chị V vẫn chung sống với nhau, khoản tiền cho vay là tiền của cá nhân các chị. Nay chị V xin ly hôn anh L, trường hợp Tòa án xác định nhà mái bằng ở khu chuyển đổi là tài sản riêng của anh L thì các chị và anh L tự giải quyết với nhau về tiền vay, trường hợp xác định là tài sản chung của vợ chồng để phân chia, chị V, anh L phải có trách nhiệm trả cho các chị số tiền trên, các chị không yêu cầu gì về lãi suất.

- Các anh Phạm Văn C, Phạm Thị Ch, Phạm Thị M, Phạm Văn Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn L1 đều thống nhất trình bày: Bố mẹ anh là ông Phạm Văn K và bà Lê Thị C sinh được 07 người con, ngoài ra, ông K không có con riêng, con nuôi nào khác. Quá trình anh L, chị V làm nhà mái bằng trong làng, ông K, bà C có đóng góp cùng với vợ chồng anh L số tiền 70 triệu đồng xây nhà. Công sức đào ao lập vườn tại khu chuyển đổi là của ông K, bà C, không phải của vợ chồng chị V, anh L. Ông Phạm Văn K chết ngày 29/12/2018 không để lại di chúc liên quan đến số tiền trên và công sức đào ao, lập vườn khu chuyển đổi. Nay, anh L, chị V ly hôn, kỷ phần của ông K liên quan đến số tiền đóng góp xây nhà, các anh, chị đều cho bà Lê Thị C sở hữu, sử dụng; đối với kỷ phần của ông K về công sức đào ao, lập vườn các anh, chị thống nhất cho anh L.

Thửa đất số 475, 476, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2 mà hiện nay có nhà mái bằng hai tầng do vợ chồng anh L xây dựng, có nguồn gốc là đất ông cha để lại, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông K. Hiện nay, thửa đất trên đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh Phạm Văn L, chị Nguyễn Thị V. Lý do bố mẹ các anh chị sang tên cho vợ chồng chị V, anh L là tạm thời cho để anh L vay vốn làm ăn, tuy nhiên trước khi tạm cho, ông Phạm Văn K có di chúc ghi rõ khi nào ông K, bà C chết hết, thửa đất trên anh L, chị V mới được toàn quyền quản lý, sử dụng, bản di chúc được lập ngày 10/10/2015, có người làm chứng là ông Nguyễn Hải C- Trưởng thôn A và có chứng thực của UBND xã Q và đều xác định thửa đất số 475, 476 vẫn là tài sản chung của ông K, bà C, không phải là tài sản hợp pháp của vợ chồng anh L, chị V, do ông K đã chết nên đề nghị Tòa án xác định hai thửa đất trên là của bà Lê Thị C. Các anh chị em trong gia đình không yêu cầu chia di sản là quyền sử dụng đất của ông K và không đòi hỏi gì liên quan đến quyền lợi của mình.

- Người làm chứng chị Nguyễn Thị L trình bày: Chị và anh Nguyễn Văn Đ1 là em của chị Nguyễn Thị V và em vợ anh Phạm Văn L. Do cần tiền làm nhà mái bằng tại đất chuyển đổi nên chị và anh Đ1 có cho anh Phạm Văn L vay tiền, cụ thể đầu năm 2018, chị cho anh L vay 30.000.000 đồng và anh Nguyễn Văn Đ1 cho anh L vay 60.000.000 đồng, không có thời hạn, không có lãi, không có giấy tờ. Sau đó anh Phạm Văn L đã mang trả đủ cho chị số tiền 30.000.000 đồng vào cuối năm 2018 và trả anh Nguyễn Văn Đ1 số tiền 60.000.000 đồng vào năm 2019. Do anh Đ1 không có nhà nên chị đã điện thoại thông báo cho anh Đ1 biết và anh Đ1 nhất trí nhờ chị cầm hộ. Đến nay anh Phạm Văn L không còn nợ tiền chị và anh Phạm Văn Định, vì vậy, chị đề nghị Tòa án không đưa chị và anh Đ1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án nữa.

- Ông Nguyễn Đức T trình bày: Ông là bố đẻ chị V, anh L là con rể: Anh L, chị V được tự do tìm hiểu tự nguyện tiến tới hôn nhân và có đăng ký kết hôn theo luật định. Ông chỉ nghe chị V về nói với ông, vợ chồng sống không hợp nhau nên thường xuyên xẩy ra mâu thuẫn, anh L đánh chị V dẫn đến chị V bỏ về nhà ông ở từ giữa năm 2018 đến nay. Là bậc cha mẹ ai cũng mong muốn các con mình hạnh phúc, còn chị V, anh L có ở được với nhau hay không là do anh chị ấy quyết định. Trường hợp Tòa án giao con chị V nuôi dưỡng, vợ chồng ông sẽ tạo điều kiện cho chị V một phần diện tích đất để chị V làm nhà ở và nuôi con.

- Ông Phạm Văn O trình bày: Ông không có quan hệ họ hàng gì với vợ chồng ông K và vợ chồng anh L, từ trước đến nay không có mâu thuẫn gì. Trước đây ông làm đội trưởng đội vác đất thuê tại thôn A, vào ngày 10/10/1999, bà C (mẹ anh L) có thuê đội vác đất của ông đến đào ao, lập vườn tại khu chuyển đổi mà hiện nay anh L đang quản lý, sử dụng. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau chứ không có văn bản, hợp đồng, ông ước lượng đã đào khối lượng khoảng 1.300m3, tổng số tiền hết khoảng 4.810.000 đồng, bà C đã thanh toán đủ số tiền cho ông đến nay không còn nợ gì.

- Ông Nguyễn Hải C trình bày: Ông làm Trưởng thôn A, xã Q từ tháng 3/2013 đến nay, ông không có quan hệ họ hàng và không có mâu thuẫn gì với vợ chồng ông K và vợ chồng anh L. Vào ngày 11/10/2015, ông có ký với tư cách là người làm chứng vào tài liệu ghi tiêu đề “Di chúc” cho ông Phạm Văn K viết, ông được ông K gọi sang và nói hiện anh L muốn làm ăn chăn nuôi trang trại gà nhưng không có vốn, vì vậy ông K làm văn bản để tạm thời thống nhất với các con cho anh Phạm Văn L đứng tên diện tích đất mà ông K, bà C đang ở để anh L làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng. Về nội dung giống như bản di chúc mà gia đình đã nộp cho Tòa án. Vì cùng làm ăn với nhau, hơn nữa với cương vị trưởng thôn nên ông chứng kiến và ký vào bản di chúc với tư cách là người làm chứng. Khi ký, ông cũng không quan tâm đến bản di chúc có hợp pháp hay không vì đây là sự thỏa thuận của gia đình ông K. Ông chỉ ký một bản duy nhất và sau đó gia đình sử dụng tài liệu này như thế nào ông không rõ. Sau khi Tòa án cho xem tài liệu ghi tiêu đề là bản di chúc, ông xác nhận đây đúng là chữ ký của ông.

- UBND xã Q cung cấp: Thửa đất số 475-476, tờ bản đồ số 01, tổng diện tích 923m2 có nguồn gốc là của ông Phạm Văn K (bố đẻ anh L), được UBND huyện Tứ Lộc (nay là UBND huyện Tứ Kỳ) cấp giấy chứng nhận đứng tên ông K. Ngày 30/11/2015, vợ chồng ông K, bà C đã làm hợp đồng tặng cho toàn bộ quyền sử dụng hai thửa đất cho vợ chồng anh Phạm Văn L và chị Nguyễn Thị V, đã được công chứng tại Phòng công chứng Tứ Kỳ. Sau khi có sự biến động về quá trình sử dụng đất, cán bộ chuyên môn đã ghi sự biến động vào sổ mục kê, cụ thể là thửa đất số 731, tờ bản đồ số 01, người sử dụng đất là anh Phạm Văn L, diện tích 923m2 do hợp hai thửa đất làm một. Kể từ khi lập hợp đồng tặng cho đến khi Tòa án về làm việc các bên không có sự tranh chấp hay biến động gì về đất đai. Đối với diện tích đất tại khu chuyển đổi hiện do anh L đang quản lý, sử dụng, tổng diện tích 2141m2 gồm 03 thửa là thửa số 33, diện tích 1013m2 đất trồng cây, thửa số 34, diện tích 747m2 đất ao và thửa số 87 diện tích 381m2 đất trồng cây đều thuộc tờ bản đồ số 7 xã Q, loại đất thổ canh. Trong đó có tiêu chuẩn ruộng 03 diện tích 701m2 là một suất ruộng của bà C (mẹ anh L) đổi từ trên đồng xuống bãi và đã cho anh L khi dồn ô đổi thửa. Diện tích còn lại 1440m2 là đất anh L thuê thầu khoán của UBND xã Q, thời điểm thuê trước khi anh L kết hôn với chị V, thời hạn 05 năm một lần, hiện anh L đang sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi. Đối với diện tích đất 03 anh L đã làm nhà mái bằng 01 tầng, diện tích 60,7m2. Việc anh L làm nhà mái bằng trên đất chuyển đổi là vi phạm quy định của UBND tỉnh Hải Dương cả về diện tích và kết cấu. Quan điểm của địa phương hiện nay chưa cho chuyển đổi mục đích nên ai được giao nhà thì tạm thời sử dụng, khi Nhà nước xử lý phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất- Phòng tài nguyên và môi trường UBND huyện Tứ Kỳ xác nhận về nguồn gốc thửa đất số 475-476, tờ bản đồ số 01 thôn A đúng như UBND xã Q đã cung cấp và xác định thửa đất đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp giấy chứng nhận đứng tên ông Phạm Văn K, tổng diện tích 923m2, trong đó có 300m2 đất ở, 415m2 đất trồng cây lâu năm và 208m2 đất nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2015, ông K, bà C đã làm hợp đồng tặng cho toàn bộ diện tích 923m2 cho vợ chồng anh L, chị V và đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CD848945 ngày 22/01/2016 đứng tên anh Phạm Văn L, chị Nguyễn Thị V, khi tặng cho không có điều kiện ràng buộc về mục đích sử dụng đất, tại thời điểm tặng cho không có tranh chấp. Qua đo đạc kiểm tra hiện trạng của Tòa án, đối chiếu với kết quả kiểm tra hiện trạng năm 2008, xác định thửa đất số 475-476 (nay là thửa số 731) có diện tích hiện trạng là 1024m2; dôi dư là 101m2, trong đó có 81m2 đất dôi dư là do sai số tính toán, sai số đo đạc trong quá trình đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 20m2 giáp đường thôn là thuộc đất giao thông trong thôn do gia đình lấn chiếm. Đối với diện tích dôi dư 81m2, quan điểm của UBND huyện là sẽ do Hội đồng đăng ký đất đai xã Q xác định người sử dụng đất có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hay không. Đối với phần diện tích 20m2 dôi dư giáp đường thôn trên có tường bao, UBND xã Q có quan điểm đề nghị không công nhận phần diện tích này cho hộ gia đình, cá nhân. Khi Nhà nước xử lý, đoạn tường nằm trên phần đất của ai được giao thì người đó phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Tại phiên tòa:

- Cháu Phạm Quang Tr có nguyện vọng xin được ở với chị V, cháu Phạm Quang S có nguyện vọng xin được ở với anh L.

- Chị V vẫn giữ nguyên quan điểm xin ly hôn anh L, xin được nuôi dưỡng hai con chung và tự nguyện không yêu cầu anh L cấp dưỡng nuôi con và xác định hai thửa đất 475-476 tờ bản đồ số 1, nhà mái bằng hai tầng trên đất; nhà mái bằng, lán lợp pro, hai dãy nhà cấp 4, bể nước; công đào ao, lập vườn và một tủ lạnh, máy giặt tại khu chuyển đổi là tài sản chung của vợ chồng, đề nghị chia theo quy định của pháp luật, về hiện vật chị xin sử dụng 01 tủ lạnh, một máy giặt. Xác nhận, ông K, bà C đóng góp 70 triệu khi xây nhà và nhất trí trích trả cho bà C theo giá trị tiền đóng góp đã khấu hao, đề nghị chia theo quy định của pháp luật và chia cho chị diện tích đất để sử dụng, ai sử dụng tài sản chung nhiều hơn sẽ phải trả tiền chênh lệch tài sản.

Anh L xác định việc chị V tự bỏ về chứ anh không đánh đuổi, không nhất trí ly hôn chị V. Về con chung, do tại phiên tòa, cháu Phạm Quang S thay đổi nguyện vọng, xin ở với anh, anh nhất trí xin nuôi cháu S để chị V nuôi cháu Tr, anh không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Về tài sản: Anh xác định nhà mái bằng hai tầng trong làng (có đóng góp của bố mẹ anh 70 triệu), hai chuồng gà, bể nước, một số cây, một tủ lạnh, một máy giặt là tài sản chung của vợ chồng, anh đề nghị được lấy hiện vật và trả tiền cho chị V, đối với chuồng gà, cây cối khi chia chị V tự đánh chuyển đi nơi khác. Đối với thửa đất 475-476 tờ bản đồ số 1 vẫn là tài sản của bố mẹ anh, công đào ao vượt lập tại khu chuyển đổi là của bố mẹ anh, nhà mái bằng khu chuyển đổi là tài sản riêng của anh, anh không nhất trí chia: Về nợ, đề nghị Tòa án xác định khoản nợ 100 triệu vay của Ngân hàng là nợ chung của vợ chồng, do anh vay để trả nợ làm nhà mái bằng 2 tầng trong làng, nay anh đã trả hết cả gốc và lãi nên chị V phải có trách nhiệm thanh toán cho anh. Các khoản nợ vay của anh Đ1, chị L, chị M, chị Ch, anh H, vợ chồng anh Đ để xây nhà mái bằng là của riêng anh. Trường hợp xác định nhà mái bằng khu chuyển đổi là tài sản chung của vợ chồng thì phải xác định các khoản nợ trên là của vợ chồng, chị V phải có trách nhiệm cùng anh trả nợ cho anh H, vợ chồng anh Đ, chị Ch, chị M. Đối với các khoản tiền đã trả anh Đ1, chị L, chị V phải có trách nhiệm thanh toán trả anh.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: anh H (và là người đại diện theo uỷ quyền của bà C tại phiên tòa), anh C, chị Ch, chị M, anh L1, anh Đ vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày và đề nghị trả lại diện tích đất cho bà C và hủy giấy chứng nhận mà UBND huyện đã cấp cho chị V, anh L trả về tên cho bà Lê Thị C. Đề nghị Toà án giao nhà mái bằng hai tầng cho bà C sử dụng và thanh toán giá trị nhà bằng tiền cho anh L, chị V, vì hiện nay bà C không có chỗ ở nào khác. Đối với công sức đào ao, lập vườn khu chuyển đổi bà và các anh chị em tự nguyện cho anh L, không đề nghị giải quyết. Trường hợp Toà án giao nhà đất cho anh L, đối với các tài sản còn lại trên thửa đất 731 gồm nhà cấp 4, sân, cổng, bể nước, cây cối bà và anh L tự giải quyết với nhau, không đề nghị thanh toán. Người đại diện theo ủy quyền của bà C- ông Vương Lâm S đề nghị Tòa án xem xét tính hợp pháp của hợp đồng tặng cho hai thửa đất giữa vợ chồng bà C và vợ chồng anh L vì có dấu hiệu lừa dối, anh H vẫn có trong hộ khẩu của gia đình bà C nhưng không hỏi ý kiến và anh không ký hợp đồng. Bà C nhất trí với quan điểm của anh H, ông S, không nhất trí giao nhà, đất cho chị V, không yêu cầu, đề nghị gì và không đưa ra giá trị về một số tài sản trên đất trong trường hợp Toà án giao nhà đất cho chị V sử dụng.

Đại diện VKSND huyện Tứ Kỳ tham gia phiên toà phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng đến trước thời điểm HĐXX nghị án và đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điều 51, 56, 81, 82, 83, 59, 33, 37, 62 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 2, 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

- Về quan hệ hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu của chị Nguyễn Thị V về việc xin ly hôn anh Phạm Văn L - Về con chung: Giao chị V trực tiếp chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, cháu Tr, anh L nuôi cháu S đến khi đủ 18 tuổi, hai bên không phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho nhau.

- Về tài sản chung:

+ Cần chấp nhận yêu cầu của chị V về xác định thửa đất thổ cư số 475, 476 tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2 ở thôn A xã Q có giá trị 316.000.000 đồng; nhà ở 02 tầng, diện tích xây dựng 112,9m2 có giá trị 367.231.546 đồng; nhà ở mái bằng 1 tầng diện tích xây dựng 60,7m2 ở nằm trên thửa đất thổ canh số 33,34,75 tờ bản đồ số 7 xã Q huyện Tứ Kỳ có giá trị 204.176.275 đồng; 02 dãy nhà cấp 4 (chuồng nuôi gà) có giá trị 25.498.343 đồng; Bể nước đáy bê tông cốt thép có giá trị 1.751.916 đồng; mái hiên lợp proximang có giá trị 7.820.821 đồng; tủ lạnh Panasonic có giá trị 4.640.000 đồng; Máy giặt Panasonic có giá trị 4.640.000 đồng; 07 cây vải có giá trị 8.050.000 đồng; 05 cây mít có giá trị 1.900.000 đồng; 75 cây chuối có giá trị 600.000 đồng là tài sản chung vợ chồng.

+ Không chấp nhận yêu cầu của chị V về xác định công sức đào ao, vượt lập ở khu chuyển đổi có giá trị là 56.017.500 đồng tài sản chung vợ chồng

- Đối với thửa đất thổ cư số 475, 476 chia cho anh L 6 phần, chị V 4 phần. Đối với các tài sản chung khác chia đôi

- Giao cho anh L quản lý, sử dụng nhà 2 tầng phần đất có công trình trên thửa đất số 475, 476 tờ bản đồ số 01 ở thôn A, xã Q; nhà ở mái bằng 1 tầng diện tích xây dựng 60,7m2 ở nằm trên thửa đất thổ canh số 33,34,75 tờ bản đồ số 7 xã Q, huyện Tứ Kỳ có giá trị 204.176.275 đồng; 02 dãy nhà cấp 4 (chuồng nuôi gà) có giá trị 25.498.343 đồng; Bể nước đáy bê tông cốt thép có giá trị 1.751.916 đồng; mái hiên lợp proximang có giá trị 7.820.821 đồng; 07 cây vải có giá trị 8.050.000 đồng; 05 cây mít có giá trị 1.900.000 đồng; 75 cây chuối có giá trị 600.000 đồng.

- Giao cho chị V quản lý, sử dụng 01 phần đất không có công trình thửa số 475, 476 tờ bản đồ số 01 thôn A, xã Q; 01 tủ lạnh Panasonic có giá trị 4.640.000 đồng; Máy giặt Panasonic có giá trị 4.640.000 đồng.

Giao cho bà C quản lý, sử dụng 01 phần đất không có công trình tại thửa số 475, 476 tờ bản đồ số 01 thôn A, xã Q

- Bà C có trách nhiệm thanh toán tiền giá trị đất cho anh L (sau khi đối trừ tiền 70.000.000 đồng). Anh L có trách nhiệm thanh toán tiền chệnh lệch giá trị tài sản cho chị V

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà C về việc cho anh L công đào ao ở đất chuyển đổi.

Về nợ chung: Nợ NHNN và PTNT chi nhánh huyện Tứ Kỳ 100.000.000 đồng; chị Nguyễn Thị L 30.000.000 đồng; anh Nguyễn Văn Đ1 60.000.000 đồng, anh Phạm Văn H 80.000.000 đồng; vợ chồng anh Phạm Văn Đ 70.000.000 đồng; chị Phạm Thị Ch 20.000.000 đồng; chị Phạm Thị M 20.000.000 đồng. Chị V và anh L phải có trách nhiệm trả. Do anh L đã trả tiền cho NHNN và PTNT chi nhánh huyện Tứ Kỳ 100.000.000 đồng; chị Nguyễn Thị L 30.000.000 đồng; anh Nguyễn Văn Đ1 60.000.000 đồng nên chị V phải có trách nhiệm trả 50% số tiền này cho anh L.

Về án phí: chị V phải chịu án phí ly hôn, án phí chia tài sản chung, nợ chung. Anh L là người khuyết tật nên được miễn toàn bộ án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án, chị Nguyễn Thị V đã mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị là ông Phạm Văn H - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư K và cộng sự - Đoàn luật sư TP Hà Nội và Tòa án đã làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tại phiên toà, ông H vắng mặt, chị V có quan điểm từ chối, không đồng ý để ông Phạm Văn H tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị nữa. Vì vậy, ông Phạm Văn H không được xác định là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong vụ án này. Chị H vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có người đại diện tham tố tụng, căn cứ Điều 227, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án xét xử vắng mặt chị H.

[2] Về hôn nhân: chị Nguyễn Thị V và anh Phạm Văn L kết hôn trên cơ sở được tự do tìm hiểu, tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND xã Q ngày 06/11/2001 là hôn nhân hợp pháp. Vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc đến năm 2016 thì phát sinh nhiều mâu thuẫn. Nguyên nhân do vợ chồng không hợp nhau trong cách sống, sinh hoạt, bất đồng quan điểm, không tin tưởng nhau nên thường xuyên xảy ra xô xát, cãi vã nhau. Theo chị V trình bày, anh L hay đi chơi về muộn, chị có tham gia ý kiến thì anh L chửi bới, xúc phạm chị và bố mẹ chị, nhiều lần đánh chị. Mặc dù anh L không nhất trí ly hôn, tuy nhiên chính anh L cũng thừa nhận vợ chồng có mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng không hợp nhau trong cách sống, sinh hoạt, nuôi dạy con chung và làm ăn phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng bất đồng quan điểm từ việc làm nhà mái bằng khu chuyển đổi và có xẩy ra xô xát, cãi vã nhau. Từ tháng 5/2018, chị V tự bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở, anh và các anh, chị em trong gia đình có xuống tìm nhưng chị V không về, vợ chồng ly thân từ đó cho đến nay. Thực tế, từ khi Toà án thụ lý vụ án cho đến nay, anh L cũng không có giải pháp gì để vợ chồng về đoàn tụ, tình cảm vợ chồng không có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, chị V vẫn cương quyết xin ly hôn. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định tình trạng hôn nhân giữa chị V, anh L đã mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xử cho chị V được ly hôn anh L là phù hợp với Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình để hai bên ổn định cuộc sống.

[3] Về con chung: Vợ chồng có hai con chung là Phạm Quang Tr, sinh ngày 26/11/2002 và Phạm Quang S, sinh ngày 22/01/2005, hiện cả hai con đang ở với anh L. Xét nguyện vọng nuôi con chung của chị V và anh L đều chính đáng. Tuy nhiên, để xem xét giao con cho ai nuôi dưỡng, cần xem xét một cách khách quan, toàn diện, tất cả vì lợi ích của con, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa, cháu Phạm Quang Tr có nguyện vọng xin được ở với mẹ, cháu Phạm Quang S xin được ở với bố. Xét điều kiện nuôi con, cả chị V và anh L đều có việc làm, có thu nhập ở mức độ nhất định, chị V làm công nhân có mức thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng, anh L làm kinh tế trang trại và kỹ thuật chăn nuôi; về chỗ ở: hiện chị V đang ở nhờ bố mẹ đẻ là ông T, anh L đang ở nhà trên đất chuyển đổi. Nếu giao cả hai con cho một bên nuôi dưỡng thì sẽ không bằng mỗi người nuôi một con. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt và sự phát triển của các con chung, Toà án cần giao cho chị V trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là Phạm Quang Tr, sinh ngày 26/11/2002 và giao cho anh L trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung Phạm Quang S, sinh ngày 22/01/2005 là phù hợp. Chấp nhận sự tự nguyện của anh L, chị V không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con cho nhau đến khi con đủ 18 tuổi. Chị V, anh L có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung không ai được cản trở.

[4] Về tài sản:

[5] Các tài sản chị V, anh L xác định tài sản chung của vợ chồng gồm: 01 nhà ở mái bằng hai tầng xây trên thửa đất 475-476, trong đó có cả tiền đóng góp của ông Phạm Văn K và bà Lê Thị C (bố mẹ đẻ anh L) 70.000.000 đồng. Do nhà mái bằng hai tầng đã giảm giá trị do bị khấu hao 20%, số tiền ông K, bà C đóng góp xây nhà cũng bị giảm, còn là 56.000.000 đồng; 02 dãy nhà cấp 4 (chuồng gà), 01 bể nước; 07 cây vải; 05 cây mít; 75 cây chuối trên khu đất chuyển đổi; 01 tủ lạnh Panasonic; 01 máy gặt Panasonic đã được định giá, có tổng trị giá 414.311.715 đồng, sau khi trích trả số tiền đóng góp cho ông K, bà C, còn lại sẽ chia. Xét công sức của vợ chồng là ngang nhau, vì vậy Tòa án sẽ chia đôi giá trị các tài sản trên theo quy định của pháp luật. Chấp nhận sự thoả thuận của chị V, anh L về việc chị V xin sử dụng một tủ lạnh, một máy giặt do anh L đang quản lý.

[6] Xét tài sản chị V yêu cầu chia và các bên có tranh chấp thấy rằng:

[7] Đối với các thửa đất số 475-476 tờ bản đồ số 1, diện tích 923m2, anh L, chị V và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cũng như biên bản Toà án đã xác minh với UBND xã Q và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất- Phòng tài nguyên và môi trường huyện Tứ Kỳ, đều xác định đất có nguồn gốc của ông Phạm Văn K và bà Lê Thị C, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Phạm Văn K, tổng diện tích 923m2, trong đó có 300m2 đất ở, 415m2 đất trồng cây lâu năm và 208m2 đất nuôi trồng thuỷ sản. Đến ngày 30/11/2015, vợ chồng ông K, bà C đã lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng hai thửa đất trên cho vợ chồng anh L, chị V, hợp đồng được chứng thực tại Phòng công chứng Tứ Kỳ, đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng anh Phạm Văn L và chị Nguyễn Thị V ngày 22/01/2016 (thửa số 731, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2, trong đó có 300m2 đất ở, 415m2 đất trồng cây lâu năm và 208m2 đất nuôi trồng thủy sản). Đối với ý kiến của anh L, bà C, anh C, anh Đ, anh L1, anh H, chị Ch, chị M về việc ông K, bà C chỉ tạm thời cho vợ chồng anh L, chị V đứng tên, chưa cho hẳn vợ chồng vì trước đó ngày 10/10/2015, ông K và các con đã họp gia đình và có bản di chúc của ông K để lại với nội dung tạm thời cho anh L đứng tên để vay vốn Ngân hàng làm ăn, sau này ông K, bà C chết hết mới thuộc quyền sử dụng của vợ chồng anh L, có chữ ký của ông K và các con, thấy rằng: Ông K lập bản di chúc ngày 10/10/2015, chỉ có một mình ông K ký với tư cách là người viết di chúc, bà C không ký bản di chúc, nội dung di chúc không nêu rõ tài sản để lại là thửa đất nào, diện tích bao nhiêu m2; Sau đó đến ngày 30/11/2015, vợ chồng ông K, bà C lại làm hợp đồng tặng cho vợ chồng anh L, chị V toàn bộ thửa đất 475-476, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2 cho vợ chồng anh L, chị V. Hợp đồng được thiết lập bằng văn bản, các điều khoản trong hợp đồng tặng cho không có nội dung nào thể hiện việc tặng cho có điều kiện (tức là khi nào ông K, bà C chết hết thì vợ chồng anh L, chị V mới được quyền sử dụng). Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cũng khẳng định việc tặng cho là không có điều kiện ràng buộc về thời hạn, mục đích sử dụng đất. Cũng chính vì lý do đó mà vợ chồng anh L, chị V đã xây dựng nhà mái bằng hai tầng và sử dụng một cách liên tục, công khai nhiều năm, ông K, bà C vẫn sống cùng anh L, chị V, các con của ông K đều ở trong làng, trong xã và đều biết nhưng không ai phản đối hoặc có ý kiến gì với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Dù ông K có di chúc, sau đó chính bản thân ông K đã thay đổi nội dung di chúc và làm hợp đồng tặng cho vợ chồng anh L quyền sử dụng hai thửa đất trên khi ông K còn sống là phù hợp với quy định tại Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 về việc người để lại di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc, chính vì vậy bản di chúc không có giá trị pháp lý. Đối với ý kiến của anh H, ông S (đại diện cho bà C) về việc anh H có hộ khẩu trong gia đình bà C, khi tặng cho không hỏi ý kiến anh H và anh L, chị V lừa dối ông K, bà C nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh anh H có quyền sử dụng đối với thửa đất trên và chứng minh ông K, bà C bị lừa dối, chính anh L, bà C cũng thừa nhận chữ ký trong hợp đồng tặng cho là của ông K, bà C và thực tế anh L cũng không sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để vay vốn Ngân hàng, do đó không có căn cứ chấp nhận ý kiến của các đương sự đưa ra. Việc anh L, bà C và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyến sử dụng đất đứng tên anh L, chị V, thấy rằng: Như đã phân tích ở trên, thửa đất 475-476 mà vợ chồng ông K, bà C đã chuyển quyền sử dụng cho vợ chồng anh L, chị V thông qua giao dịch dân sự là hợp đồng tặng cho, các bên hoàn toàn tự nguyện, nội dung, hình thức hợp đồng phù hợp các quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, UBND huyện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng chị V, anh L là thủ tục hành chính trong giao dịch dân sự, không mang tính chất của quyết định hành chính cá biệt, do đó Tòa án không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng và không cần phải tuyên hủy giấy chứng nhận cấp cho người nhận chuyển nhượng. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định thửa đất 475-476, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2 (Nay là thửa số 731, tờ bản đồ số 01, diện tích 923m2, trong đó có 300m2 đất ở, 415m2 đất trồng cây lâu năm và 208m2 đất nuôi trồng thủy sản) là tài sản hợp pháp của vợ chồng anh L, chị V.

[8] Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không tiến hành được việc xem xét, thẩm định tại chỗ và Hội đồng định giá không tiến hành định giá được tài sản là hai thửa đất và một số tài sản trên đất. Do anh L và gia đình có hành vi cản trở, không cho xem xét, thẩm định, định giá. Căn cứ tại khoản 2 Điều 17 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/3/2014 của Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ tư pháp - Bộ tài chính hướng dẫn thi hành Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản (nay là Điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) hướng dẫn: “Trường hợp có đương sự cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản, thì Tòa án yêu cầu các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra giá của tài sản”. Ngày 22/3/2019, nguyên đơn chị Nguyễn Thị V đã tự đưa ra giá trị quyền sử dụng các thửa đất số 475-476, tờ bản đồ số 01, tổng diện tích 923m2 tại thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chị V, anh L, trong đó 300m2 đất ở có giá 900.000 đồng/m2 là 270.000.000 đồng; 415m2 đất trồng cây lâu năm và 208m2 đất nuôi trồng thủy sản có giá 75.000/m2 là 46.725.000 đồng. Tổng giá trị hai thửa đất là 316.725.000 đồng (Chị V tính thiếu 725.000 đồng). Tòa án đã thông báo hợp lệ cho anh L, bà C và những người có liên quan theo đúng quy định nhưng không có ai đưa ra giá trị tài sản đối với hai thửa đất nêu trên, không đề nghị định giá. Xét giá trị thửa đất mà chị V đưa ra phù hợp với giá thị trường, phù hợp với biên bản xác minh của Tòa án với Phòng tài nguyên môi trường, vì vậy, Tòa án xác định giá trị thửa đất 475, 476, tờ bản đồ số 1, thôn A, xã Q có giá trị là 316.725.000 đồng làm căn cứ phân chia theo quy định của pháp luật. Xét nguồn gốc đất là của bố mẹ anh L tặng cho vợ chồng vì vậy, Tòa án sẽ phân chia cho anh L nhiều hơn, cụ thể anh L được 6 phần, chị V được 4 phần thửa đất là đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự.

[9] Đối với ngôi nhà mái bằng 01 tầng diện tích 60,7m2 và lán lợp pro trước nhà mái bằng diện tích 54,6m2 ở khu đất chuyển đổi: Cả anh L và chị V đều xác định hai công trình trên làm cùng thời điểm đầu năm 2018, khi anh L tiến hành xây dựng, chị V vẫn ở cùng với anh L một thời gian, sau đó chị mới về nhà bố mẹ đẻ ở. Đây là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, giữa anh L và chị V cũng không có văn bản thỏa thuận xác nhận nhà mái bằng trên là tài sản riêng của anh L. Do đó, anh L có quan điểm chị V không tham gia, đóng góp xây dựng thì không phải là tài sản chung của vợ chồng là không có cơ sở, cần phải xác định nhà mái bằng và lán lợp pro xi măng trước nhà mái bằng là tài sản chung của vợ chồng để phân chia mới đúng quy định của pháp luật.

[10] Đối với diện tích đất tại các thửa số 33, 34, 87 tờ bản đồ số 7 (đất chuyển đổi) và công sức đào ao, lập vườn: Diện tích đất tại khu chuyển đổi, anh L, chị V đều xác định là của anh L và gia đình anh L đã có trước khi vợ chồng kết hôn: Theo UBND xã Q cung cấp: Tổng diện tích 2141m2 đất tại khu chuyển đổi hiện anh L đang quản lý gồm 3 thửa: thửa số 33, diện tích 1013m2 đất trồng cây, thửa số 34, diện tích 747m2 đất ao, thửa số 87, diện tích 381m2 đất trồng cây, đều ở tờ bản đồ số 7 thổ canh xã Q. Trong đó, có tiêu chuẩn ruộng 03 diện tích 701m2 là một xuất của bà C (mẹ anh L) đổi từ trên đồng xuống bãi và đã cho anh L khi dồn điền, đổi thửa, diện tích còn lại là 1440m2 là do anh L đấu thầu của UBND xã Q, chị V không có ruộng 03 trong đất chuyển đổi. Xét yêu cầu của chị V về tính công sức đào ao, lập vườn thấy rằng: Sau khi hình thành đất khu đất chuyển đổi, bà C đã thuê nhóm thợ do ông Phạm Văn O là chủ đội vác đất thuê tiến hành đào ao, lập vườn và là người thanh toán tiền công cho ông O. Lời khai của anh L, bà C phù hợp với lời khai của ông Phạm Văn O xác nhận, cuối năm 1999, ông và nhóm thợ của ông được bà C thuê đào ao, lập vườn và đã thanh toán tiền xong cho ông, thời điểm đó, chị V chưa kết hôn với anh L. Mặc dù chị V xác định vợ chồng chị là người có công đào ao, lập vườn nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ chấp nhận. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bà C và các con của ông K, bà C xác định trường hợp Tòa án giao đất khu chuyển đổi cho anh L, bà và các anh chị em trong gia đình tự nguyện cho anh L toàn bộ tiền công đào ao, lập vườn theo giá mà hội đã định giá.

[11] Về nợ:

[12] Khoản vay Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam phòng giao dịch C, chi nhánh huyện Tứ Kỳ 100.000.000 đồng: Các bên đều thừa nhận ngày 03/5/2018, vợ chồng có ký hợp đồng vay Ngân hàng Nông nghiệp phòng giao dịch C 100.000.000 đồng. Ngày 22/7/2019, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam phòng giao dịch C, chi nhánh huyện Tứ Kỳ có Công văn số 10/NHNo-PTNTVN xác nhận ngày 19/4/2019, anh L đã thanh toán trả Ngân hàng toàn bộ nợ gốc 100.000.000 đồng và lãi 8.654.796 đồng, tổng cộng 108.654.796 đồng. Đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng đề nghị do anh L đã trả nợ xong nợ, nên đề nghị Tòa án không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án nữa. Theo chị V xác định khoản vay trên là do anh L vay để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, còn theo anh L xác định anh vay để trả nợ làm nhà mái bằng hai tầng ở trong làng do đã nợ trước đó, thấy rằng: Thời điểm làm nhà mái bằng hai tầng là năm 2015, chị V xác định nguồn tiền làm nhà là do vợ chồng tích góp có được và do bố mẹ chồng đóng góp 70 triệu, không phải vay nợ ai, tuy nhiên chị không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh vợ chồng có bao nhiêu tiền để làm nhà, chị cũng thừa nhận toàn bộ quá trình làm nhà đều do anh L chi trả, lời khai của anh L xác định mặc dù hợp đồng tín dụng mà vợ chồng vay Ngân hàng nông nghiệp phòng giao dịch C năm 2018 nhưng là vay để trả nợ vào việc làm nhà từ năm 2015, vì thời điểm đó, vợ chồng chỉ có một ít tiền, cùng với sự đóng góp của bố mẹ anh, anh còn vay của anh Đ 100 triệu, sau đó để trả anh Đ làm nhà năm 2016 vợ chồng đã vay của Ngân hàng nông nghiệp phòng giao dịch C 100 triệu đồng trả anh Đ, do thời hạn vay ngắn nên khi đến hạn anh đều vay ngoài để trả Ngân hàng nên năm 2017 và năm 2018 vợ chồng đều phải vay xong đến hạn thì trả. Mặc dù trong hợp đồng vay đều ghi mục đích vay để xây dựng chuồng trại chăn nuôi thì Ngân hàng mới cho vay tín chấp với số tiền 100 triệu đồng. Lời khai của anh L phù hợp với lời khai của anh Đ khi làm nhà, anh L có vay của anh 100 triệu đồng, phù hợp với biên bản xác minh của Tòa án tại Ngân hàng nông nghiệp- phòng giao dịch C xác nhận năm 2016-2017 vợ chồng anh L, chị V đều vay Ngân hàng số tiền 100 triệu và đã tất toán xong khoản vay. Do khoản tiền vay năm 2018, anh L đã trả tổng số tiền gốc và lãi là 108.654.796 đồng, nên chị V phải có trách nhiệm thanh toán trả anh L.

[13] Đối với các khoản vay của anh Nguyễn Văn Đ1 60 triệu đồng, chị Nguyễn Thị L 30 triệu đồng, anh Phạm Văn H 80 triệu đồng, vợ chồng anh Phạm Văn Đ (tức X) 70 triệu đồng, chị Phạm Thị M 20 triệu đồng, chị Phạm Thị Ch 20 triệu đồng. Chị V chỉ thừa nhận khoản nợ anh Đ1, chị L là nợ chung của vợ chồng do anh L vay làm nhà mái bằng tại khu chuyển đổi. Tuy nhiên chính chị V cũng thừa nhận, toàn bộ quá trình làm nhà trên khu chuyển đổi là do anh L làm và chi trả, vợ chồng tích góp có một khoản tiền nhưng chị cũng không biết là bao nhiêu và không có tài liệu chứng cứ chứng minh. Anh L xác định do vợ chồng không có tiền nên toàn bộ khoản tiền làm nhà do anh đi vay để xây dựng, lời khai của anh L phù hợp với lời khai của anh Đ1, chị L, anh H, vợ chồng anh Đ, chị M, chị Ch về thời điểm cho vay là đầu năm 2018, phù hợp với thời điểm làm nhà. Do xác định nhà mái bằng một tầng ở khu chuyển đổi là tài sản chung của vợ chồng để phân chia nên chị V phải có trách nhiệm trả nợ cùng anh L. Đối với những khoản nợ anh L đã trả cho chị L, anh Đ1, chị V phải có trách nhiệm thanh toán cho anh L. Xét thỏa thuận vay nợ giữa anh H, vợ chồng anh X, chị Ch, chị M với anh L đều là khoản vay không có thời hạn và không có lãi suất. Anh H, vợ chồng anh Đ, chị Ch, chị M đều xác định trường hợp xác định nhà mái bằng trên đất chuyển đổi là tài sản chung của vợ chồng, chị V, anh L phải có trách nhiệm trả nợ cho các anh, chị và đều không yêu cầu về lãi suất.

[14] Xét yêu cầu của chị V, anh L đều đề nghị chia tài sản chung, xin được hưởng bằng hiện vật để có chỗ ở, bà C có quan điểm xin sử dụng nhà mái bằng hai tầng và có trách nhiệm trả tiền giá trị nhà cho chị V, anh L, HĐXX thấy rằng: Cả chị V, anh L, bà C đều có nhu cầu về chỗ ở là chính đáng, sau khi Tòa án tạm ngừng phiên tòa để kiểm tra hiện trạng các đoạn tường bao là ranh giới phân định thửa đất 731 với các hộ liền kề, đối chiếu với biên bản kiểm tra hiện trạng năm 2008, đã xác định thửa đất theo hiện trạng sử dụng là 1024m2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất- Phòng tài nguyên và môi trường huyện Tứ Kỳ có quan điểm diện tích đất hợp pháp đã được cấp giấy là 923m2, còn 81m2 dôi dư do sai số tính toán, đo đạc và sẽ do Hội đồng đăng ký đất đai xã Q xác định người sử dụng đất có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hay không; UBND xã Q có quan điểm đối với 20m2 đất dôi dư phía giáp đường thôn là đất thuộc công trình giao thông trong thôn, do chị V không yêu cầu giải quyết về diện tích đất dôi dư 81m2. Vì vậy, Tòa án sẽ giao một phần diện tích đất 180m2 cho chị V, một phần diện tích 141,2m2 đất hợp pháp và giao 81m2 đất dôi dư cho bà Lê Thị C sử dụng để có chỗ ở; diện tích còn lại 600,8m2 đất hợp pháp, trên đất có nhà mái bằng hai tầng giao cho anh L sử dụng trong thửa đất số 731 tờ bản đồ số 01 và giao cho anh L sử dụng nhà mái bằng một tầng, mái hiên lợp pro xi măng, hai nhà cấp 4 (chuồng gà), 01 bể nước; 07 cây vải; 05 cây mít; 75 cây chuối trên khu đất chuyển đổi trên đất chuyển đổi. Do anh L được giao các tài sản chung của vợ chồng nên cần giao cho anh L trả nợ anh H, vợ chồng anh Đ, chị Ch, chị M, sau khi đối trừ tài sản và kỷ phần trả nợ, anh L sẽ trích trả chênh lệch giá trị bằng tiền cho chị V để tạo dựng chỗ ở mới. Đối với số tiền 56.000.000 đồng là tiền ông K, bà C góp làm nhà cùng với vợ chồng anh L, các con bà C đã thống nhất cho bà C được quyền sử dụng kỷ phần của ông K nên bà C được hưởng toàn bộ số tiền trên và được đối trừ vào tiền đất, sau khi đối trừ, bà C phải thanh toán cho anh L.

[15]. Đối với nhà cấp 4 lợp pro xi măng diện tích 26,6m2, sân lát gạch đỏ diện tích 105,3m2 xây dựng trên thửa đất số 731 tờ bản đồ số 01, các đương sự đều xác định là tài sản của bà C, anh L, Bà C và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không cho định giá, không đưa ra giá trị tài sản. Người đại diện cho bà C xác định trường hợp Tòa án giao nhà đất cho anh L sử dụng, giá trị nhà cấp 4 lợp pro xi măng, sân lát gạch đỏ, bà và anh L tự giải quyết với nhau, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Xét thấy đây là sự tự nguyện thỏa thuận giữa bà C và anh L và các con của bà C, ông K cần được chấp nhận. Do một số cây cối, các đoạn tường bao, một số công trình gồm nhà cấp 4 cũ, bếp cũ, giếng khơi cũ, cổng trên thửa đất số 731 tờ bản đồ số 01 các đương sự không yêu cầu giải quyết, vì vậy nằm trên đất giao cho ai, người đó được quyền sử dụng. Đối với diện tích đất dôi dư tăng lên 81m2 so với giấy chứng nhận được cấp, chị V không yêu cầu giải quyết, vì vậy tạm giao cho bà C sử dụng, khi Hội đồng đăng ký đất đai xã Q xét, nếu người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bà C phải chấp hành. Đối với diện tích 20m2 đất dôi dư thuộc công trình giao thông trong thôn, trên đất có các đoạn tường bao, bà C, chị V, anh L tạm thời được sử dụng các đoạn tường bao trên phần đất lấn chiếm, khi địa phương xử lý phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đối với nhà mái bằng một tầng xây dựng trên đất chuyển đổi, anh L được sử dụng nhà đến khi Nhà nước xử lý, anh L phải nghiêm chỉnh chấp hành.

[16] Về chi phí thẩm định và định giá tài sản: Trong quá trình giải quyết vụ án, chị V đã nộp tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản và tự nguyện chịu toàn bộ số tiền này, không đề nghị anh L phải thanh toán nên HĐXX không xem xét, giải quyết.

[17] Về án phí: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Chị V phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm ly hôn, án phí chia tài sản, nợ chung theo quy định của pháp luật. Anh L là người khuyết tật nên được miễn toàn bộ án phí chia tài sản, nợ chung.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 51, 56, 59, 33, 37, 45, 62, 63, 81, 82, 83 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự; Điều 227, 228; khoản 2, 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Về hôn nhân: Xử cho chị Nguyễn Thị V được ly hôn anh Phạm Văn L.

2. Về con chung: Giao cho chị Nguyễn Thị V trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung Phạm Quang Tr, sinh ngày 26/11/2002 và giao cho anh Phạm Văn L trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung Phạm Quang S, sinh ngày 22/01/2005 cho đến khi con chung trưởng thành (đủ 18 tuổi). Chấp nhận sự tự nguyện của chị V, anh L không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Chị V, anh L có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung không ai được cản trở.

3. Về tài sản:

3.1. Xác nhận bà Lê Thị C, ông Phạm Văn K có 56.000.000 đồng trong tổng giá trị nhà mái bằng hai tầng do vợ chồng anh Phạm Văn L, chị Nguyễn Thị V xây dựng trên thửa đất 475-476, tờ bản đồ số 01 (nay là thửa đất số 731 tờ bản đồ số 01) thôn A, xã Q, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Chấp nhận sự thoả thuận của bà C, anh C, chị Ch, chị M, anh Đ, anh L1, anh H, anh L đối với di sản của ông Phạm Văn K là ½ số tiền trên giao cho bà Lê Thị C được quyền sở hữu, sử dụng. Tổng số tiền 56.000.000 đồng.

3.2. Không chấp nhận yêu cầu của chị V xác định công sức đào ao, vượt lập ở khu chuyển đổi có giá trị là 56.017.500 đồng tài sản chung vợ chồng.

3.3. Xác nhận khối tài sản chung của chị Nguyễn Thị V và anh Phạm Văn L để phân chia gồm: Thửa đất số 457-476, tờ bản đồ số 01 (nay là thửa đất số 731 tờ bản đồ số 01), diện tích 923m2; trị giá 316.725.000 đồng; trên đất có 01 nhà ở mái bằng hai tầng, diện tích 112,9m2 trị giá 367.231.546m2 (đã trích trả bà C 56.000.000 đồng) còn 311.231.546 đồng; Tài sản trên đất chuyển đổi gồm: nhà mái bằng một tầng, diện tích 60,7m2, trị giá 204.176.275 đồng; mái hiên lợp proximăng, diện tích 54,6m2, trị giá 7.820.821 đồng; 02 dãy nhà cấp 4 (chuồng gà), diện tích 129,5m2, trị giá 25.498.343 đồng; bể nước đáy bê tông cốt thép 4,56m3 trị giá 1.751.916 đồng; 07 cây vải, trị giá 8.050.000 đồng; 05 cây mít, trị giá 1.900.000 đồng; 75 cây chuối, trị giá 600.000 đồng; 01 tủ lạnh Panasonic 228 lít, trị giá 4.640.000 đồng; 01 máy gặt Panasonic 9kg, trị giá 4.640.000 đồng. Tổng giá trị tài sản chung của vợ chồng: 887.033.901 đồng.

3.4. Xử giao cho anh Phạm Văn L quyền sử dụng diện tích 600,8m2 đất trong thửa đất số 475-476, tờ bản đồ số 1 (nay là thửa số 731, tờ bản đồ số 01) đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp ngày 22/01/2016 đứng tên anh Phạm Văn L, chị Nguyễn Thị V, trong đó có 120m2 đất ở và 480,8 đất trồng cây lâu năm và đất ao. Kích thước các cạnh như sau: Phía Đông giáp đường thôn gồm các đoạn 14,60+3,92m; Phía Nam giáp đất bà L, ông T gồm các đoạn 7,26+6,41+1,92+2,18+3,47+1,25+15,36+5,11m; Phía Tây giáp đất ông T và ông T1 gồm các đoạn 9,66+3,09m; phía Bắc giáp đất giao cho bà C 41,70m; trên đất có nhà mái bằng hai tầng diện tích 112,9m2;

3.5. Giao cho anh Phạm Văn L sử dụng Nhà mái bằng một tầng, diện tích 60,7m2; mái hiên lợp proximăng, diện tích 54,6m2; 02 dãy nhà cấp 4 (chuồng gà), diện tích 129,5m2; bể nước đáy bê tông cốt thép, diện tích 4,56m3; 07 cây vải; 05 cây mít; 75 cây chuối (đều ở trên đất chuyển đổi). Tổng trị giá tài sản anh L được hưởng 755.028.901 đồng.

3.6. Đối với nhà mái bằng một tầng xây dựng trên đất chuyển đổi, anh L được quyền sử dụng đến khi Nhà nước xử lý, anh L phải nghiêm chỉnh chấp hành.

3.7. Giao cho chị Nguyễn Thị V quyền sử dụng 181m2 đất tại thửa số 475- 476, tờ bản đồ số 1 (nay là thửa số 731, tờ bản đồ số 01) đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp ngày 22/01/2016 đứng tên anh Phạm Văn L, chị Nguyễn Thị V, trong đó có 120m2 đất ở và 61m2 đất trồng cây lâu năm và đất ao, kích thước các cạnh như sau: Phía Đông giáp đường thôn, kích thước 4,53m; phía Nam giáp đất giao cho bà C 34,84m; phía Tây giáp đất ông T1 4,7m; Phía Bắc giáp nhà ông C các đoạn 0,77m+ 18,62m+ 12,75m+1,71m và các tài sản gồm: 01 tủ lạnh Panasonic 228 lít; 01 máy gặt Panasonic 9kg. Tổng giá trị 121.855.000 đồng.

3.8. Giao cho bà Lê Thị C quyền sử dụng 141,2m2 đất tại thửa số 475-476, tờ bản đồ số 1 (nay là thửa số 731, tờ bản đồ số 01) đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp ngày 22/01/2016 đứng tên anh Phạm Văn L, chị Nguyễn Thị V, trong đó có 60m2 đất ở và 81,2m2 đất trồng cây lâu năm, đất ao và tạm giao 81m2 đất dôi dư cùng thửa đất, kích thước các cạnh như sau: Phía Đông giáp đường thôn, kích thước 4,98m; phía Nam giáp đất giao cho anh L 41,70m; phía Tây giáp đất ông Toản gồm các đoạn: 3,40+1,16+2,77+2,88+1,25m; Phía Bắc giáp đất giao chị V 34,84m. Tổng giá trị 60.090.000 đồng.

3.9. Đối với diện tích đất dôi dư 81m2, khi Hội đồng đăng ký đất đai xã Q xử lý đất dôi dư, trường hợp người sử dụng đất có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bà C phải nghiêm chỉnh chấp hành.

3.10. Giao cho anh L được sử dụng nhà cấp 4 lợp proximăng, diện tích 26,5m2, sân lát gạch men, diện tích 105,3m2, trụ cổng, hai cánh cổng, các đoạn tường bao, công trình phụ gồm bếp cũ, giếng khoan, các cây cối nằm trên đất anh L được giao (không định giá được): Chấp nhận sự thoả thuận của anh L và bà C về việc tự thanh toán giá trị nhà cấp 4 lợp proximăng, diện tích 26,5m2, sân lát gạch men, diện tích 105,3m2 trên thửa đất số 731. Chấp nhận sự tự nguyện của bà C, anh C, chị Ch, chị M, anh Đ, anh L1, anh H cho anh Phạm Văn L tiền công đào ao, lập vườn. Đối với diện tích đất dôi dư 10,09m2 tiếp giáp với đường thôn do lấn chiếm thuộc đất giao thông trong thôn, trên đất anh L được quyền sử dụng đoạn tường bao 12,67m+2,32m cho đến khi Nhà nước xử lý, anh L phải nghiêm chỉnh chấp hành.

3.11. Đối với các tài sản là đoạn tường bao gồm các đoạn phía Tây thửa đất giáp ông Toản các đoạn 3,40+1,16+2,77+2,88+1,25m, công trình phụ gồm bể, dãy nhà cấp 4 cũ, cây cối trên (không định giá được) nằm trên đất giao cho bà C, bà C được quyền sử dụng; Đối với diện tích đất dôi dư 4,8m2 tiếp giáp với đường thôn do lấn chiếm thuộc đất giao thông trong thôn, trên đất bà C được quyền sử dụng đoạn tường bao 4,93m cho đến khi Nhà nước xử lý, bà C phải nghiêm chỉnh chấp hành.

3.12. Đối với các tài sản là đoạn tường bao gồm các đoạn phía Bắc thửa đất giáp ông Cvà ông T1 gồm các đoạn 12,75m+1,71m và đoạn tường bao phía Tây giáp nhà ông T1 gồm 4,7m, các cây cối (không định giá được) nằm trên đất giao cho chị V, chị V được quyền sử dụng; Đối với diện tích đất dôi dư 4,3m2 tiếp giáp với đường thôn do lấn chiếm thuộc đất giao thông trong thôn, trên đất chị V được quyền sử dụng đoạn tường bao 4,50m cho đến khi Nhà nước xử lý, chị V phải nghiêm chỉnh chấp hành.

3.13. Bà Lê Thị C phải thanh toán trả anh Phạm Văn L tiền giá trị đất 4.090.000 đồng (đã đối trừ giá trị nhà mái bằng hai tầng của vợ chồng bà C, ông K).

3.14. Bà Lê Thị C được quyền lưu cư tại nhà mái bằng hai tầng giao cho anh Phạm Văn L cho đến khi bà C tạo dựng chỗ ở mới.

(Có sơ đồ phân chia kèm theo).

4. Nợ chung:

4.1. Xác nhận anh Phạm Văn L đã trả nợ cho anh Nguyễn Văn Đ1 60.000.000 đồng; chị Nguyễn Thị L 30.000.000 đồng và Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam phòng giao dịch C, chi nhánh huyện Tứ Kỳ 108.654.796 đồng là nợ chung của vợ chồng, tổng cộng 198.654.796 đồng.

4.2. Giao anh Phạm Văn L có trách nhiệm trả nợ chung của vợ chồng cho những người sau: Anh Phạm Văn H 80.000.000 đồng; anh Phạm Văn Đ (tức X) và chị Nguyễn Thị H 70.000.000 đồng; chị Phạm Thị Ch 20.000.000 đồng; chị Phạm Thị M 20.000.000 đồng; Tổng cộng 190.000.000 đồng.

4.2. Anh Phạm Văn L có trách nhiệm trả tiền chênh lệch tài sản cho chị Nguyễn Thị V (sau khi trừ đi giá trị tài sản là giá trị quyền sử dụng đất; một máy giặt, một tủ lạnh giao cho chị V sử dụng và đối trừ số nợ anh L đã trả cho chị L, anh Đ1, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam phòng giao dịch C, chi nhánh huyện Tứ Kỳ và các khoản nợ anh L phải trả cho anh H, vợ chồng anh Đ, chị Ch, chị M thay cho chị V) là 95.662.052 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Về án phí:

5.1. Chị Nguyễn Thị V phải chịu án phí sơ thẩm ly hôn là 300.000 đồng và án phí chia tài sản 10.875.852 đồng và án phí trả nợ chung 4.750.000 đồng, tổng cộng án phí chị V phải nộp là 15.625.852 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp là 300.000 đồng theo biên thu tiền số AB/2017/0000649 ngày 11/9/2018 và 9.650.000 đồng theo biên thu tiền số AB/2017/0000696 ngày 24/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tứ Kỳ, chị Nguyễn Thị V còn phải nộp 5.675.852 đồng. Miễn toàn bộ án phí chia tài sản, nợ chung cho anh Phạm Văn L.

6. Về quyền kháng cáo:

Chị V, anh L có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo về phần có liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

372
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2019/HNGĐ-ST ngày 04/10/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

Số hiệu:44/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tứ Kỳ - Hải Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 04/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về