Bản án 44/2017/HS-ST ngày 28/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 44/2017/HS-ST NGÀY 28/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 46/2017/TLST-HS ngày 22 tháng 11 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 46/2017/QĐXXST-HS ngày 13 tháng 12 năm 2017 đối với bị cáo: Nguyễn ML, (tên gọi khác: T), sinh năm: 1979 tại Bến Tre.

Nơi cư trú: ấp S, thị trấn T, huyện G, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: mua bán; trình độ văn hóa: Lớp 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn C và bà Võ M; có chồng: Hồ T; con: có 03 người, lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2008; tiền án: không; tiền sự: không; nhân thân: tốt; tại ngoại; có mặt.

- Bị hại: Phạm H, (tên gọi khác: B), sinh năm: 1968, trú tại: ấp S, thị trấn T, huyện G, tỉnh Bến Tre; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 08/5/2016, tại ấp S, thị trấn T, huyện G, tỉnh Bến Tre, Phạm H và Nguyễn ML xảy ra mâu thuẫn cự cãi, Hà dùng tay đánh vào mặt ML. Hà bỏ đi. ML đi theo Hà tiếp tục cự cãi. Hai bên xông vào đánh nhau, ML lấy từ túi quần ML đang mặc 01 cái kéo bằng kim loại ra đâm H gây thương tích. H được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện N.

Ngày 18/5/2016, H làm đơn yêu cầu xử lý hình sự ML gây thương tích cho H.

Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 176-616/TgT ngày 08/6/2016 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh B, Phạm H bị thương tích như sau:

- Vết thương phần mềm ngực trái liên sườn IV đường nách giữa dài 06cm tụ máu quanh vết thương.

- Vết thương phần mềm nách trái dài 05cm đã lành, sẹo kích thước: 05cm x 0,2cm.

- Hai vết thương phần mềm mặt ngoài cánh tay trái dài 12cm và 08cm đã lành, sẹo kích thước: 12cm x 0,2cm và 08cm x 0,2cm.

- Vết thương phần mềm cổ trái dài 04cm đã lành, sẹo kích thước: 04cm x 0,2cm.

Xếp tỷ lệ tổn hại sức khoẻ: 10%.

Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 2632/C54B ngày 21/9/2016 của Phân Viện khoa học hình sự T, Phạm H bị thương tích như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- 01 sẹo vết thương phần mềm vùng cổ trái.

- 02 sẹo cánh tay trái.

- 01 sẹo nách trái.

- 01 sẹo khoang liên sườn IV đường nách giữa bên trái.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Phạm H:

Đối chiếu với bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT, ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Phạm H:

- Sẹo cổ trái, áp dụng Chương 9, Phần I, Mục 1 được tính: 03%.

- Sẹo vùng cánh tay trái + sẹo nách trái + sẹo liên sườn IV trái (04 sẹo): số lượng ít, kích thước lớn, áp dụng Chương 9, Phần I, Mục 3 được tính 10%.

Áp dụng phương pháp cộng lùi và làm tròn, xác định tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Phạm H tại thời điểm giám định là 13%.

Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích lần II số 116/17/TgT ngày 23/10/2017 của Viện pháp y Q, Phạm H bị thương tích như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Hai sẹo kích thước nhỏ: Sẹo cổ trái và sẹo dẫn lưu.

- Bốn sẹo kích thước lớn: hai sẹo cánh tay trái, sẹo ngực trái và sẹo nách trái.

2. Kết luận: Căn cứ Thông tư số 20/2014/TT-BYT, ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng

Bộ Y tế, quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Phạm H là 10% (Mười phần trăm) theo nguyên tắc cộng tại Thông tư.

Cơ quan điều tra thu giữ: 01 cái kéo màu đen, dài 10,5cm; hai mũi kéo bằng kim loại sắc, nhọn, dài 5,3cm.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn ML đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai của ML là phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.

Bản cáo trạng số: 43/KSĐT-TA, ngày 22/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện G truy tố bị cáo Nguyễn ML về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện G giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn ML về tội danh như trên.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện G đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104, các điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn ML với mức hình phạt từ 06 tháng đến 09 tháng tù về tội: “Cố ý gây thương tích”; hình phạt bổ sung: không; về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự, Điều 590 của Bộ luật dân sự; đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Nguyễn ML bồi thường thiệt hại cho Phạm H theo quy định của pháp luật.

Về xử lý vật chứng: áp dụng Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tịch thu, tiêu hủy 01 cái kéo màu đen, dài 10,5cm; hai mũi kéo bằng kim loại sắc, nhọn dài 5,6cm, không còn giá trị sử dụng.

Bị cáo, bị hại không tranh luận nội dung luận tội của Kiểm sát viên.

Bị cáo nói lời sau cùng xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra công an huyện G, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện G, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tại phiên tòa, bị hại Phạm H trình bày có yêu cầu giám định lại vì không đồng ý với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên 10% của Bản kết luận giám định pháp y về thương tích lần II số 116/17/TgT ngày 23/10/2017 của Viện pháp y Q.

Hội đồng xét xử xét thấy việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc Viện pháp y Q kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Phạm H là 10% (mười phần trăm) tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích lần II số 116/17/TgT ngày 23/10/2017 được thực hiện theo nguyên tắc cộng của Thông tư số 20/2014/TT-BYT, ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, bị hại trình bày các vết thương như kết luận giám định là đúng, đầy đủ, ngoài ra bị cáo cũng không gây ra cho bị hại vết thương nào khác, cũng không có chứng cứ chứng minh kết luận giám định là sai. Vì vậy, Hội đồng xét xử thống nhất quan điểm của Kiểm sát viên là không có cơ sở để xem xét quyết định việc giám định lại.

[2]. Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội đúng như nội dung bản cáo trạng. Bị cáo nhận tội và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của bị hại Phạm H về việc bị hại bị bị cáo dùng cái kéo bằng kim loại đâm gây thương tích vào cổ trái, cánh tay trái, ngực trái, nách trái.

Lời khai của bị cáo, bị hại cũng phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như lời khai của người làm chứng, biên bản tạm giữ tang vật, hồ sơ giám định pháp y, biên bản khám nghiệm hiện trường,... Do đó đủ cơ sở xác định:

Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 08/5/2016, tại ấp S, thị trấn T, huyện G, tỉnh Bến Tre, do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn ML cầm 01 cái kéo có lưỡi bằng kim loại, được xác định là hung khí nguy hiểm, đâm Phạm H gây thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 10%. Hà làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Bị cáo Nguyễn ML là người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy biết trước việc dùng vật cứng, nhọn đâm vào người khác là gây thương tích nhưng do mâu thuẫn cá nhân nên bị cáo đã dùng cây kéo bằng kim loại cố ý đâm vào người của bị hại Phạm H và gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 10%. Cây kéo (kéo cắt chỉ) bằng kim loại, có lưỡi sắc, nhọn mà bị cáo dùng đâm bị hại là dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người trong sinh hoạt mà người phạm tội có được và sử dụng nó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Bị cáo Nguyễn ML sử dụng nó để gây thương tích cho bị hại nên được xem là dùng hung khí nguy hiểm thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự.

Hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn ML đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện G giữ nguyên quan điểm truy tố về tội danh đối với bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3]. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn ML đã xâm phạm đến sức khỏe của bị hại, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự tại địa phương, gây nên sự lo lắng về quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Vì vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của bị cáo gây ra.

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cũng xem xét tính chất và mức độ, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với bị cáo.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị cáo Nguyễn ML gây ra thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Bị cáo nhất thời phạm tội. Trước khi phạm tội bị cáo không có tiền án, tiền sự nên được xem là có nhân thân tốt. Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, chính bị hại cũng có lỗi, tại phiên tòa bị hại cũng thừa nhận mình có lỗi trước. Khi có phát sinh mâu thuẫn nhưng vẫn bất chấp và đánh nhau, chính bị hại đánh bị cáo trước và bị Công an huyện G ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, Hội đồng xét xử xem xét việc bị hại cũng có lỗi một phần để bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

Mức hình phạt và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện G, tỉnh Bến Tre đề nghị áp dụng đối với bị cáo là có cơ sở chấp nhận.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Nguyễn ML có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo phạm tội cũng có một phần lỗi của bị hại, bị cáo có 03 con đều chưa thành niên, bản thân bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, nên không cần phải bắt bị cáo ML chấp hành hình phạt tù mà cho bị cáo ML hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo luật định cũng đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo.

[4]. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại: bị hại Phạm H yêu cầu bị cáo Nguyễn ML bồi thường với tổng số tiền là 194.996.000 đồng, bao gồm các khoản như sau: tiền thuốc: 826.000 đồng, tiền công lao động bị mất: 63.000.000 đồng, tiền thẩm mỹ sau này: 130.000.000 đồng, tiền xe đi lại điều trị: 1.170.000 đồng. Trong quá trình điều tra, bị cáo đồng ý bồi thường cho bị hại các khoản gồm: tiền thuốc: 826.000 đồng, tiền công lao động bị mất: 16 ngày x 120.000 đồng/ngày = 1.920.000 đồng, tiền xe đi lại điều trị: 1.170.000 đồng, tổng cộng: 3.916.000 đồng, các khoản khác bị cáo không đồng ý bồi thường.

Tại phiên tòa, bị hại chỉ đồng ý mức bồi thường ít nhất là 100.000.000 đồng. Bị cáo ML trình bày đồng ý với số tiền bồi thường như nội dung, quyết định của bản án số 14/2017/HSST ngày 19/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm với tổng số tiền là 5.296.000 đồng, bao gồm chi phí điều trị thương tích, tiền thu nhập thực tế bị mất của bị hại, tiền thu nhập thực tế bị mất của người nuôi bệnh; tiền xe đi lại điều trị.

Hội đồng xét xử xem xét các khoản yêu cầu của bị hại và xét thấy:

+ Tiền thuốc: theo hóa đơn thu tiền thì số tiền mà bị hại điều trị vết thương thực tế là 826.000 đồng. Đây là chi phí tiền thuốc hợp lý cho việc cứu chữa nên buộc bị cáo phải bồi thường. Tại phiên tòa, bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền thuốc là 6.000.000 đồng là không đúng với chi phí thực tế nên không có cơ sở chấp nhận.

+ Đối với tiền xe đi lại: bị cáo và bị hại thống nhất mức bồi thường số tiền xe đi lại là 1.170.000 đồng nên Hội đồng xét xử ghi nhận và buộc bị cáo phải bồi thường số tiền này.

+ Về tiền thu nhập thực tế bị mất: hiện tại bị hại là người mua bán tôm càng xanh và may quần áo gia công tại nhà nhưng không có giấy phép kinh doanh nên không thể xác định được thu nhập thực tế bị mất của bị hại. Hội đồng xét xử áp dụng mức thu nhập trung bình của người lao động cùng loại tại địa phương là từ 120.000 đồng/ngày đến 150.000 đồng/ngày. Do đó, chấp nhận mức thu nhập bị mất mà bị hại yêu cầu mỗi ngày là 150.000 đồng. Thời gian bị hại nằm bệnh viện từ ngày 08/5/2016 đến ngày 13/5/2016 là 06 ngày và thời gian bị hại ra viện đến khi tái khám theo giấy hẹn là ngày 19/5/2016 là 06 ngày. Bị cáo đồng ý mức bồi thường nhiều hơn với tổng cộng là 16 ngày.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy: ngoài thời gian điều trị 06 ngày tại bệnh viện thì bị hại cần khoảng 01 tháng để tái khám và ổn định sức khỏe vì người mua bán tôm càng xanh cần tránh tiếp xúc với nước một thời gian để các vết thương lành nên cần buộc bị cáo bồi thường tổng cộng là 36 ngày. Số tiền thu nhập thực tế bị mất được tính cụ thể là: 36 ngày x 150.000 đồng/ngày = 5.400.000 đồng.

+ Đối với chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bệnh do bị hại không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét.

+ Đối với khoản tiền mà bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần là 35.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy chính bị hại là người có lỗi trước và cũng không có căn cứ cho rằng bị hại bị tổn thất về tinh thần cần được bù đắp nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bị hại.

+ Đối với khoản tiền  yêu cầu bồi thường chi phí thẩm mỹ sau này là 130.000.000 đồng. Theo bị hại đây là việc bị hại nhờ người thân tư vấn ở một trung tâm thẩm mỹ và cũng chưa đi thực hiện việc thẩm mỹ nên không có căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét. Nếu sau này, bị hại có yêu cầu thì Tòa án sẽ xem xét, thụ lý giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.

Như vậy, tổng cộng số tiền được chấp nhận và buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 7.396.000 đồng. Do bị cáo chưa bồi thường cho bị hại nên cần buộc bị cáo bồi thường số tiền này.

[5]. Về xử lý vật chứng: trong vụ án này vật chứng là 01 cái kéo màu đen, dài 10,5cm; hai mũi kéo bằng kim loại sắc, nhọn, dài 5,3cm, không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu hủy theo quy định.

[6]. Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 5% x 7.396.000 đồng = 369.800 đồng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn ML phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 104; các điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 của Bộ luật Hình sự;

Xử phạt: Nguyễn ML 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án là ngày 28/12/2017.

Giao bị cáo Nguyễn ML cho Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện G, tỉnh Bến Tre cùng gia đình bị cáo phối hợp giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

- Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 42 của Bộ luật hình sự, các Điều 357, 584, 585, 586, 590 của Bộ luật dân sự.

Buộc bị cáo Nguyễn ML phải có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại Phạm H số tiền thuốc điều trị 826.000 đồng, chi phí tiền xe đi lại 1.170.000 đồng, tiền thu nhập thực tế bị mất của người bị hại là 5.400.000 đồng, tổng cộng là 7.396.000 đồng (Bảy triệu ba trăm chín mươi sáu nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của bị hại Phạm H, nếu bị cáo Nguyễn ML chưa thi hành án thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả, lãi suất phát sinh do chậm trả được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tuyên:

Tịch thu, tiêu hủy: 01 cái kéo màu đen, dài 10,5cm; hai mũi kéo bằng kim loại sắc, nhọn, dài 5,3cm.

(Theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 21/10/2016 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Giồng Trôm và Cơ quan Thi hành án dân sự huyện G).

- Về án phí: Căn cứ Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Nguyễn ML phải chịu là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 369.800 đồng (Ba trăm sáu mươi chín nghìn tám trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm, tổng cộng là 569.800 đồng (Năm trăm sáu mươi chín nghìn tám trăm đồng).

- Về quyền kháng cáo đối với Bản án: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 28/12/2017) để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

299
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 44/2017/HS-ST ngày 28/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:44/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Giồng Trôm - Bến Tre
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về