Bản án 40/2019/DS-PT ngày 11/09/2019 về tranh chấp kiện đòi di sản thừa kế do người khác chiếm giữ

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 40/2019/DS-PT NGÀY 11/09/2019 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI DI SẢN THỪA KẾ DO NGƯỜI KHÁC CHIẾM GIỮ

Ngày 11 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 04/2019/TLPT-DS ngày 05 tháng 01 năm 2019 về việc tranh chấp kiện đòi di sản thừa kế do người khác chiếm giữ.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3256/2019/QĐ-PT ngày 16 tháng 8 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 3590/QĐ-PT ngày 30/8/2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Hoàng Thị N, sinh năm 1972; nơi cư trú: Số 37/185 đường T, phường A, quận L, thành phố Hải Phòng, có mặt;

Người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị N: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1971; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện A, thành phố Hải Phòng, có mặt;

- Bị đơn: Ông Đỗ Văn T, sinh năm 1955; ĐKNKTT: Số 66 (tầng 2) đường C, phường C, quận N, thành phố Hải Phòng; hiện cư trú tại: Số 65 phố L, phường V, quận H, thành phố Hà Nội, có mặt;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đỗ Văn T: Bà Đặng Thị T – Luật sư của Văn phòng Luật sư Nhật Quang, Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng, có mặt;

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Tô Thanh H, sinh năm 1992; nơi cư trú: Số 37/185 đường T, phường A, quận L, thành phố Hải Phòng, vắng mặt;

Người đại diện theo ủy quyền của chị Tô Thanh H: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1959; nơi cư trú: Thôn T, xã A, huyện A, thành phố Hải Phòng, có mặt;

2. Chị Tô Mỹ H, sinh năm 2005; nơi cư trú: Số 37/185 đường T, phường A, quận L, thành phố Hải Phòng, có mặt;

Người đại diện cho chị Tô Mỹ H: Bà Hoàng Thị N, sinh năm 1972; nơi cư trú: Số 37/185 đường T, phường A, quận L, thành phố Hải Phòng (mẹ của chị Tô Mỹ H), có mặt;

- Người kháng cáo: Ông Đỗ Văn T.

- Người kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 13/6/2018, bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Bố chồng bà ông T (tức Sou Kien) có vợ cả là bà Vương Thị T. Năm 1955, bố mẹ chồng bà mua được căn nhà số 66 đường C, phường C, quận N, thành phố Hải Phòng với diện tích 163m². Năm 1957, bà T chết không để lại di chúc, ông Tô K và bà T không có con chung. Năm 1964, ông Tô K lấy bà Đỗ Thị B và có một con chung là chồng bà ông Tô Quỳnh L. Sau khi lấy nhau, bà Đỗ Thị B vẫn ở nhà bố mẹ đẻ tại số 140 phố H, quận L, thành phố Hải Phòng (số cũ 138 C), ông Tô Kiến vẫn ở tại số 66 C. Khi cải cách ruộng đất, một phần diện tích đất tầng 1 phía mặt đường và một phần diện tích tầng 1 phía bên trong ông Tô K và bà T đã hiến cho nhà nước, bố chồng bà vẫn ở tầng 2 và quản lý một phần diện tích đất tầng 1. Năm 1979, do nhà rộng rãi, ông Tô Kiến đã cho vợ chồng anh Đỗ Văn T và chị Trần Thị H (chị H là cháu của bà Vương Thị T) mới du học ở Ba Lan về nước công tác tại Hải Phòng đến ở nhờ. Năm 1986, ông Tô K chết không để lại di chúc, sau khi bố chồng bà N chết, mẹ chồng bà là bà B đã nhiều lần đến nói chuyện với anh T về việc đòi lại nhà số 66 C nhưng anh T không đồng ý. Năm 1999, bà B chết không để lại di chúc. Căn nhà của mẹ chồng bà ở C chỉ có 6m2, do hoàn cảnh khó khăn bà đã phải bán nhà đi để lo an táng cho mẹ chồng. Sau thời gian đó, vợ chồng bà đã nhiều lần đến nói chuyện với anh Đỗ Văn T về việc chỗ ở, vì vợ chồng bà không có nhà ở phải đi thuê nên không có nơi thờ cúng cha mẹ, tổ tiên nhưng anh T từ chối. Năm 2012, bà đã làm đơn gửi Ủy ban nhân dân phường C, quận N về việc đòi quyền thừa kế tài sản do bố chồng bà để lại là nhà số 66 C đã cho anh Đỗ Văn T ở nhờ. Ủy ban nhân dân phường đã hòa giải giữa hai gia đình nhưng không có kết quả. Trong buổi họp đó anh T có nói là anh chỉ là con rể và ở nhờ nên mọi việc phải do các anh chị em bên vợ quyết định. Anh hứa là sẽ báo cáo với Ủy ban nhân dân phường để có hướng giải quyết, nhưng cho tới thời điểm này anh T cũng không có bất cứ thông báo nào. Thời gian sau đó, anh Tô Quỳnh L đã ủy quyền cho bà Nga để làm đơn khởi kiện về việc đòi nhà số 66 C đã cho anh T ở nhờ tới Tòa án cấp có thẩm quyền, ngày 18/10/2015 L chết do quá uất ức không đòi được nhà của bố mẹ mình, có nhà mà không được ở, việc thờ cúng bố mẹ cũng phải để nhờ bên nhà bố mẹ vợ. Hiện nay, anh T đã nghỉ hưu, từ năm 2015 anh T cùng gia đình về nhà tại số 67 phố L, phường V, quận H, thành phố Hà Nội ở. Căn nhà là di sản thừa kế của bố chồng bà hiện khóa cửa không có ai quản lý, trong khi gia đình bà phải đi thuê nhà để ở. Anh T cố tình chiếm giữ di sản thừa kế do bố chồng bà để lại.

Về yêu cầu khởi kiện: Bà N yêu cầu ông T phải trả lại di sản của bố mẹ chồng để lại là toàn bộ căn nhà tầng 2 và một phần diện tích đất tầng 1 tại địa chỉ số 66 đường C, quận N, thành phố Hải Phòng do ông T đang chiếm giữ cho gia đình bà N.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Đỗ Văn T và bị đơn trong bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án trình bày:

Cụ Vương Thị T trước khi lấy ông Tô K đã có chồng cụ Trần K. Cụ T và cụ K sinh được một người con là ông Trần T (tức Lê Q). Ông T lấy bà Nguyễn Thị V sinh được 06 người con gồm bà Trần Thị N, Trần Thị Việt H, Trần Thị H, Trần Thị B, Trần Thọ V, Trần Thị Kim T. Năm 1978, ông Đỗ Văn T kết hôn với bà Trần Thị H (chết năm 2005), có hai người con chung là Đỗ Thị Nga T và Đỗ Thành T. Do hoàn cảnh vợ chồng lấy nhau không có nơi ở nên phải ở nhờ nhà ông nội vợ là cụ Tô K (ông Sou Kien) và bố vợ ông là ông Trần T. Năm 1957, bà Vương Thị T mất. Năm 1979, vợ chồng ông được ông Trần T và cụ Tô K cho phép được ở nhờ và trông nom nhà cửa là căn nhà số 66 gác 2 đường C từ năm 1979 đến nay. Theo ông được biết căn nhà số 66 đường C vào năm 1955 cụ Tô K và cụ Vương Thị T mua. Khi cải cách ruộng đất hai cụ đã hiến cho Nhà nước khoảng 28m2 tầng 1 mặt đường. Về sau Nhà nước cấp cho gia đình ông Cao Xuân Đ chủ hiệu Ấm Vàng. Năm 1984, ông bác sỹ tên Đ mua của ông Tô K 16 m2 đất tầng 1. Còn 01 gian trên gác tầng 2, chị cả của vợ tên là Trần Thị N đã mua lại mà cụ Tô K đã bán cho vợ chồng anh Bác sỹ (ông T không biết vợ chồng bác sỹ đó nay ở đâu). Vợ chồng ông có ở diện tích 16m2 trên tầng 2 và quản lý căn phòng của vợ chồng bà Trần Thị N với diện tích 28m2, sân và công trình phụ dưới tầng 1. Vợ chồng ông và các con đã đăng ký hộ khẩu thường trú từ năm 1979 đến nay. Nay, bà Hoàng Thị N có đơn kiện đòi di sản thừa kế do ông đang quản lý, quan điểm của ông T đây là tài sản của gia đình bên nhà vợ, ông chỉ được ở nhờ để trông nom tài sản của nhà vợ. Ông cũng được gia đình nhà vợ trao đổi chỉ chấp nhận hỗ trợ cho mẹ con bà N là 500.000.000 đồng chứ bên gia đình vợ ông không chấp nhận trả lại nhà cho bà N.

Tòa án cấp phúc thẩm thu thập lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Việt H, bà Trần Thị Phương A, bà Trần Thị B, bà Nguyễn Thị Thanh H, bà Trần Thị N đều trình bầy thống nhất với lời khai của bị đơn, đều không đồng ý việc bà Nga khởi kiện đòi di sản, không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

Với nội dung như trên, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990; căn cứ Điều 166; 221;616; 617; 623; 649; 650 và 652 Bộ luật Dân sự; căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị N.

2. Buộc ông Đỗ Văn T phải trả lại thửa đất số 825 với diện tích 20,7 m2 và thửa đất số 823 với diện tích 6,2 m2 tờ bản đồ địa chính số 3 mang tên chủ sử dụng là Trần Thị H và căn nhà tầng 2 tại địa chỉ số 62 đường C, phường C, quận N, thành phố Hải Phòng cho các đồng thừa kế là các con, cháu và chắt của cụ Tô K và cụ Vương Thị T. Có ngõ đi vào từ mặt đường C chiều rộng 0,8 m, chiều dài 10m.

3. Giao thửa đất số 825 với diện tích 20,7 m2 và thửa đất số 823 với diện tích 6,2 m2 tờ bản đồ địa chính số 3 mang tên chủ sử dụng là Trần Thị H và căn nhà tầng 2 tại địa chỉ số 62 đường C, phường C, quận N, thành phố Hải Phòng cho bà Hoàng Thị N quản lý.

Ngoài ra, bản án tuyên về án phí, quyền kháng cáo, thi hành án.

Theo đơn kháng cáo đề ngày 06/12/2018 và đơn sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo đề ngày 14/12/2018, bị đơn ông Đỗ Văn T kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 22/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án trên. Lý do kháng cáo: Việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ; đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; phán quyết tại phần kết luận của bản án trái ngược với phán quyết tại phần kết luận của bản án được tuyên công khai tại phiên tòa.

Ngày 18/12/2018, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT-VKS-DS quyết định kháng nghị đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 22/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 BLTTDS, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Bởi các căn cứ sau:

- Tòa án cấp sơ thẩm xác định có các đồng thừa kế khác nhưng lại không đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ là vi phạm khoản 4 Điều 68 BLTTDS.

- Cụ Tô K, cụ Vương Thị T chết không để lại di chúc, bản thân bà N không phải là người được các đồng thừa kế cử ra quản lý di sản. Tòa án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N, giao thửa đất tranh chấp cho bà N quản lý là không đảm bảo quy định của tại khoản 1 Điều 616 BLDS.

- Ông T cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm về một số tài liệu có liên quan đến việc bà B và anh L đã chuyển nhượng quyền thừa kế cho gia đình ông T nhưng Tòa án sơ thẩm không xem xét, đánh giá, nhận định gì về những chứng cứ do phía bị đơn cung cấp mà chấp nhận đơn khởi kiện của bà N, vì vậy mà thiếu khách quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người kháng cáo ông Đỗ Văn T và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T giữ nguyên lời khai tại quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm; tại phiên tòa xin thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông T xuất trình cho Hội đồng xét xử bản Sơ yếu lý lịch của ông Trần T, Quyết định số 2425/QĐ ngày 28/6/1988 của Bộ trưởng Bộ nội vụ, Lý lịch cán bộ của bà Trần Thị N.

- Nguyên đơn bà Hoàng Thị N, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Tô Thanh H, chị Tô Mỹ H đều thống nhất trình bầy: Ông Tô K và bà Vương Thị T không có con chung, phía bị đơn cho rằng ông Trần T là con của bà Vương Thị T là không có căn cứ, không có tài liệu chứng minh. Người thừa kế duy nhất của ông Tô K và bà Vương Thị T là anh Tô Quỳnh L, ông T không có quyền lợi gì nhưng anh chiếm giữ ngôi nhà 66 C. Gia đình nguyên đơn không có chỗ ở, trong khi đó ngôi nhà 66 Cầu Đất anh T không ở. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm, giao nhà cho gia đình nguyên đơn sử dụng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Về nội dung giải quyết vụ án: Tại phiên tòa phúc, người kháng cáo thay đổi kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, ngoài bà Hoàng Thị N còn có các đồng thừa kế khác nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại không đưa những người này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ là vi phạm khoản 4 Điều 68 BLTTDS. Bản án xác định sai tên của chị Tô Mỹ H thành Tô Huyền M. Cụ Tô K, cụ Vương Thị T chết không để lại di chúc, bản thân bà N không phải là người được các đồng thừa kế cử ra quản lý di sản. Tòa án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N, giao thửa đất tranh chấp cho bà N quản lý là không đảm bảo quy định của tại khoản 1 Điều 616 BLDS năm 2015. Phía bị đơn cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm về một số tài liệu có liên quan đến việc bà B và anh L đã chuyển nhượng quyền thừa kế cho gia đình ông T nhưng Tòa án sơ thẩm không xem xét, đánh giá, nhận định gì về những chứng cứ do phía bị đơn cung cấp mà chấp nhận đơn khởi kiện của bà N, vì vậy mà thiếu khách quan. Tài liệu chứng cứ xác định được ngoài bà N còn có các con, cháu của ông Trần T đều là đồng thừa kế. Tòa án cấp phúc thẩm thu thập lời khai, các đồng thừa kế là con, cháu ông T không đồng ý với việc khởi kiện của bà N vì đây là tài sản thuộc quản lý của tất cả mọi người trong gia đình. Vì vậy, bà N khởi kiện yêu cầu ông T trả lại ngôi nhà 66 Cầu Đất là không có cơ sở. Tại phiên tòa, bị đơn thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị sửa bản án sơ thẩm, theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện. Xét thấy việc thay đổi kháng cáo của bị đơn là có cơ sở, không cần thiết hủy bản án sơ thẩm, việc sửa bản án sơ thẩm vẫn đảm bảo quyền lợi của các đương sự khi giải quyết vụ án chia yêu cầu thừa kế. Vì vậy, Viện kiểm sát thay đổi một phần nội dung kháng nghị, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Về án phí: Bà N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo ông T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, cũng như lời trình bày của các đương sự và ý kiến của Viện Kiểm sát tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án kiện đòi di sản thừa kế do người khác chiếm giữ nên thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại khoản 14 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xét xử sơ thẩm vụ án này là đúng thẩm quyền.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Tại phiên tòa phúc thẩm chị Tô Thanh H vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền có mặt. Căn cứ Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt chị Hương.

[3] Về thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị: Tại phiên tòa phúc thẩm Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng thay đổi một phần nội dung kháng nghị, bị đơn thay đổi một phần nội dung kháng cáo đều đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy việc thay đổi nội dung kháng cáo kháng nghị nhưng không vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị nên được chấp nhận.

[4] Về hàng thừa kế: Căn cứ vào lời khai các đương sự và các tài liệu, chứng cứ xác định được: Ông Tô K (tức Sou Kiên) và bà Vương Thị T không có con chung. Sau đó ông Tô K lấy bà Đỗ Thị B có một người con là anh Tô Quỳnh L. Như vậy anh L là người thừa kế của ông Tô K và bà B. Anh L chết, nguyên đơn bà Hoàng Thị N và chị Tô Thanh H, Tô Mỹ H là vợ, con anh L là người thừa kế của anh L. Trước khi lấy ông Tô K, bà Vương Thị T có một người con chung với ông Trần K là ông Trần T (còn gọi là Lê Q), ông T lấy bà Nguyễn Thị V, sinh được 06 người con gồm các ông bà Trần Thị N, Trần Thị Việt H, Trần Thị H, Trần Thị B, Trần Thọ V, Trần Thị Kim T. Sau đó ông T lấy bà Nguyễn Thị V và có một người con chung là chị Trần Thị Phương A. Con ông T là bà Trần Thị H lấy ông Đỗ Văn T có hai người con chung là Đỗ Thị Nga T và Đỗ Thành T. Như vậy, ông T là người thừa kế của bà Vương Thị T. Ông T chết năm 2015, các con ông T là người thừa kế. Bà H là con ông T chết năm 2005 nên các anh chị Đỗ Thị Nga T và Đỗ Thành T là người thừa kế thế vị, đồng thời ông Tụng và các con ông T là người thừa kế của bà H.

[5] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Bà Hoàng Thị N cho rằng ngôi nhà 66 Cầu Đất là di sản của bố mẹ chồng bà để lại, ông T chỉ là người ở nhờ, không phải là người thừa kế nên khởi kiện yêu cầu ông T trả lại khối di sản trên cho gia đình bà N. Tuy nhiên, tài liệu chứng cứ phía bị đơn xuất trình tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và lời khai của bà Nguyễn Thị V (vợ ông T) và các con cháu của ông T đều khẳng định ông Trần T là con của ông Trần K và bà Vương Thị T. Do vậy, xác định ông Trần T là người thừa kế của bà Vương Thị T. Như vậy, ngoài bà N còn các đồng thừa kế khác là các con, cháu ông T. Do di sản của ông K và bà T để lại chưa được chia thừa kế nên chưa xác định được từng phần di sản cụ thể của mỗi người được hưởng. Mặc dù ông Đỗ Văn T không phải là người thừa kế của ông Tô K và bà Vương Thị T nhưng ông T và vợ là bà Trần Thị Hcó công sức gìn giữ, bảo quản làm tăng giá trị của ngôi nhà đang tranh chấp từ năm 1979 đến nay. Bà H chết, ông T và các con ông T là người thừa kế phần di sản mà bà H được hưởng. Ngoài ra, các đồng thừa kế là vợ, con, cháu của ông T đều không đồng ý việc bà N kiện đòi di sản.

[6] Theo quy định tại Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản”. Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, ông Đỗ Văn T hiện nay đang quản lý di sản thừa kế là căn nhà số 66 đường C, phường C, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Nguyên đơn, bị đơn và những người thừa kế của ông Trần T đều thừa nhận việc ông Đỗ Văn T quản lý sử dụng là hợp pháp, do được ông Tô K và bà Vương Thị T cho gia đình ông T ở nhờ. Hơn nữa, theo lời khai của những người đồng thừa kế thì chưa cử được người quản lý di sản. Mặt khác, bản thân ông L và bà N chưa bao giờ sống ở căn nhà tranh chấp, không có công sức đóng góp trong việc tạo dựng căn nhà này. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, giao di sản cho bà Nga quản lý là không đảm bảo theo khoản 1 Điều 616 Bộ luật Dân sự.

[7] Về bản án sơ thẩm đưa thiếu người tham gia tố tụng: Theo yêu cầu khởi kiện của bà N đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông Đỗ Văn T là người đang quản lý di sản thừa kế phải trả cho bà N theo điểm d khoản 2 Điều 617 BLDS quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản “d) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế” mà không yêu cầu chia di sản thừa kế. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định các đồng thừa kế là các ông bà Trần Thị N, Trần Thị Việt H, Trần Thị H, Trần Thị B, Trần Thọ V, Trần Thị Kim T, Bà Nguyễn Thị V, chị Trần Thị Phương A nhưng không đưa những người trên vào tham gia tố tụng là có thiếu sót. Tuy nhiên, nguyên đơn chỉ kiện đòi di sản, không yêu cầu chia thừa kế. Trường hợp các đồng thừa kế có thể khởi kiện bằng vụ án khác để chia di sản thừa kế, do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa các đồng thừa kế vào tham gia tố tụng không trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác.

[8] Về việc đánh giá chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm: Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn có cung cấp cho Tòa án một số tài liệu là bản phôtô như: Giấy chuyển nhượng quyền thừa kế được lập ngày 20/9/1998, nội dung bà Đỗ Thị B và con trai là Tô Quỳnh L chuyển nhượng quyền thừa kế căn nhà số 66 đường C, phường C cho chị Trần Thị H và chồng là Đỗ Văn T với giá tiền 10.000.000 đồng và Giấy xin khước từ quyền hưởng di sản thừa kế của bà Đỗ Thị B ngày 01/10/1991. Ngoài ra, bị đơn trình bày một phòng trên tầng 2 của căn nhà tranh chấp, trước đây cụ Tô K đã bán cho vợ chồng một người bác sỹ ( không nhớ tên tuổi, địa chỉ), sau đó bà Trần Thị N (là chị gái của ông Tụng) đã mua lại của vợ chồng người bác sỹ. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm có yêu cầu bị đơn xuất trình tài liệu bản chính nhưng bị đơn không xuất trình được bản chính hoặc bản sao công chứng, chứng thực. Theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận” nên các tài liệu trên không được xác định là chứng cứ. Như vậy, mặc dù bản án của Tòa án cấp sơ thẩm thiếu sót không đánh giá các chứng cứ trên trong bản án nhưng các tài liệu trên đều được xác định không phải là chứng cứ.

[9] Về nội dung kháng cáo của bị đơn cho rằng nội dung phần quyết định của bản án sơ thẩm mà bị đơn được nhận trái ngược với nội dung phần quyết định tại phần kết luận của bản án được tuyên công khai tại phiên tòa. Đối với nội dung này, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu bị đơn cung cấp nội dung mà bị đơn cho rằng trái và tài liệu chứng cứ chứng minh nhưng bị đơn không cung cấp được nên không có căn cứ xem xét.

[10] Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai tên của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Tô Mỹ Huyền thành Tô Huyền M. Xét thấy, ngoài bản án ghi sai tên, còn các văn bản tố tụng trong hồ sơ đều xác định tên của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều là Tô Mỹ Huyền là con gái của bà Nga do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có thể đính chính, sửa đổi được.

[11] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn và đại diện Viện Kiểm sát thay đổi một phần nội dung kháng cáo, kháng nghị, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù bản án sơ thẩm có một số thiếu sót nhưng chỉ cần sửa bản án sơ thẩm, không cần thiết hủy bản án sơ thẩm vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Quyền lợi của các đương sự vẫn được đảm bảo khi giải quyết vụ án chia yêu cầu thừa kế nếu các bên có yêu cầu. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của bị đơn, chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Hoàng Thị N.

[12] Trong vụ án này nguyên đơn chỉ kiện đòi lại di sản thừa kế do người khác chiếm giữ. Để giải quyết triệt để vụ việc, nguyên đơn bà Hoàng Thị N và các đương sự có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác về chia thừa kế đối với di sản của ông Tô K và bà Vương Thị T theo quy định của pháp luật.

[13] Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị sửa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn nên nguyên đơn bà Hoàng Thị N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Ông Đỗ Văn T không phải chịu án phí sơ thẩm, phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 14 Điều 26; khoản 1 Điều 95; Điều 147; Điều 148; Điều 284; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các điều 613; 616; 617; 618; 652 Bộ luật Dân sự;

Căn cứ Điều 26; Điều 27; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và kháng cáo của bị đơn ông Đỗ Văn T, sửa bản án sơ thẩm.

Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Hoàng Thị N về việc buộc ông Đỗ Văn T phải trả lại cho gia đình bà N thửa đất số 825 với diện tích 20,7 m2 và thửa đất số 823 với diện tích 6,2 m2 tờ bản đồ địa chính số 3 mang tên chủ sử dụng là Trần Thị H và căn nhà tầng 2 tại địa chỉ số 66 đường C, phường C, quận N, thành phố Hải Phòng.

2. Nguyên đơn bà Hoàng Thị N và các đương sự có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông Tô K và bà Vương Thị T để lại theo quy định của pháp luật.

3. Về án phí:

- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Hoàng Thị N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bà Hoàng Thị N đã nộp số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí số 0014691 ngày 23/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Bà Hoàng Thị N đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Đỗ Văn T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Về án phí dân sự phúc thẩm:

Ông Đỗ Văn T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho ông Đỗ Văn T số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0014981 ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1714
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 40/2019/DS-PT ngày 11/09/2019 về tranh chấp kiện đòi di sản thừa kế do người khác chiếm giữ

Số hiệu:40/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về