Bản án 390/2019/HSPT ngày 10/07/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 390/2019/HSPT NGÀY 10/07/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 10 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 172/2018/TLPT-HS ngày 26 tháng 02 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Chí D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Chí D đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2019/HSST ngày 17 tháng 01 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

Bị cáo có kháng cáo:

NGUYỄN CHÍ D, sinh năm 1983; nơi đăng kỷ nhân khẩu thường trú và trú tại: Thôn L, xã S, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 6/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Con ông Nguyễn Văn D và bà Nguyễn Thị C; có vợ là Nguyễn Thị S và 03 con; Tiền án, tiền sự: Chưa; bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/6/2018 tại Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội, (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Đinh Thị Kim T và luật sư Nguyện Đức T – Công ty luật TNHH MTV B thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, (đều có mặt).

Người bị hại:

1. Ông Lê Xuân T1, sinh năm 1953; ĐKNKTTvà trú tại: đường H, thuộc tổ A, thị trấn C, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh; Có mặt.

2. Ông Hoàng Văn T2, sinh năm 1951; ĐKNKTT và trú tại: đường Đ, thuộc tổ B. phường N, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh; Có mặt.

3. Chị Trần Thị S, sinh năm 1971; ĐKNKTT: Tổ C phường M, quận C, thành phố Hà Nội; Trú tại: khu đô thị V, phường L, quận H, thành phố Hà Nội; Có mặt.

4. Ông Vũ Văn T3, sinh năm 1966; ĐKNKTT và trú tại: Phố L, phường N, quận H, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018, ông Lê Xuân T1 và một số cá nhân khác gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội tố cáo Nguyễn Chí D đã có hành vi chiếm đoạt tiền của họ thông qua hình thức xin việc cho người quen của họ vào ngành Công an. Đồng thời các cá nhân trên nộp cho Cơ quan điều tra các tài liệu liên quan đến việc Nguyễn Chí D nhận tiền như giấy nhận tiền, giấy biên nhận,...

Căn cứ vào kết quả giám định và các tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Chí D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ra Quyết định bắt tạm giam bị cáo ngày 05/6/2018.

Quá trình điều tra xác định: Với mục đích chiếm đoạt tiền, Nguyễn Chí D đã trực tiếp hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết tự giới thiệu mình có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo Bộ Công an, có khả năng xin được việc cho người có nhu cầu được đi học hoặc vào làm việc trong ngành Công an với chi phí từ 300 - 500 triệu đồng và đưa cho D 01 bộ hồ sơ cùng tiền đặt cọc; D cam kết sau hai đến ba tháng sẽ được nhận vào ngành Công an. Với thủ đoạn trên từ 2013 đến năm 2015, D đã chiếm đoạt tiền của những người sau:

1. Ông Lê Xuân T1: Đầu năm 2015, ông Dương Huy L (Sinh năm 1956: trú tại: Thôn H, thị trấn T, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh) muốn xin cho con trai là Dương Huy H vào học trường C. Do ông L là thông gia với gia đình ông Lê Xuân T1 nên ông L hỏi ông T1 có quen ai thì xin cho con ông L. Ông T đặt vấn đề với anh Nguyễn Văn D (Sinh năm 1981; trú tại: khu biệt thự V, N, thành phố Hà Nội - Giám đốc Công ty CP T, là con nuôi ông T1) vì biết Công ty anh D chuyên tuyển người đi xuất khẩu lao động và đang làm tại Hà Nội nên ông T1 nghĩ anh D có khả năng xin được học cho con ông L. Sau khi nghe ông T1 đặt vấn đề, anh Nguyễn Văn D đã giới thiệu Nguyễn Chí D cho ông T1. Sau đó, ông T1 cùng anh Nguyễn Văn D đã gặp Nguyễn Chí D tại Văn phòng Công ty của anh Nguyễn Văn D. Khi gặp mặt, Nguyễn Chí D tự giới thiệu là người nhà lãnh đạo Bộ Công an nên D có thể xin được cho anh Dương Huy H vào Trường C, chi phí hết khoảng 400.000.000 đồng, kết quả đi học sẽ có trong đợt thi năm 2015. Tin tưởng Nguyễn Chí D, ngày 22/5/2015, ông Lê Xuân T1 đưa cho Nguyễn Chí D 400.000.000 đồng (tiền do ông Dương Huy L đưa cho ông T1) tại nhà anh Nguyễn Văn D, Nguyễn Chí D viết giấy biên nhận với nội dung: “Tôi Nguyễn Chí D nhận của ông Lê Xuân T1 số tiền 400.000.000 đồng để lo việc”, anh Nguyễn Văn D ký người làm chứng. Đến hết năm 2015, quá thời hạn cam kết, ông T1 không thấy D thông báo kết quả nên đã hỏi nhiều lần, Nguyễn Chí D nói dối là đang chờ xin chỉ tiêu bổ sung. Ông T chờ đến giữa năm 2016 vẫn không nhận được thông báo kết quả đi học nên ngày 08/11/2017, ông T1 đã gửi đơn đến Cơ quan điều tra tố cáo hành vi chiếm đoạt tiền của Nguyễn Chí D. Sau khi Nguyễn Chí D không xin được việc cho con ông L, ông T1 đã trả lại cho ông Dương Huy L số tiền 400 triệu đồng. Hiện ông T1 yêu cầu D trả cho ông số tiền 400 triệu đồng và đề nghị xử lý nghiêm đối với D.

2. Ông Hoàng Văn T2: Khoảng tháng 7/2015, thông qua ông Lê Xuân T1, ông Hoàng Văn T2 gặp và được Nguyễn Chí D hứa hẹn sẽ xin cho con trai ông T2 là anh Hoàng Anh T4 vào làm việc tại Trại giam X, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh với chi phí là 550.000.000 đồng. Ông Tý đồng ý và đã gửi trước 01 bộ hồ sơ xin việc của anh Hoàng Anh T4. Sau khi gửi hồ sơ, theo yêu cầu của D, ngày 10/7/2015 ông T2 đưa trước cho D 200.000.000 đồng, có sự chứng kiến của ông T1, D viết giấy biên nhận với nội dung: “Tôi Nguyễn Chí D có nhận của chú Hoàng Văn T2 số tiền 200.000.000 đồng để lo việc” và cam kết trong thời hạn 3-4 tháng sẽ xin được việc cho con ông T2. Để ông T2 tin tưởng đưa nốt số tiền còn lại, D đã đưa anh Hoàng Anh T4 đến trước cổng trụ sở Bộ Công an ở số 47 đường P, quận B, Hà Nội gặp một số người. Khi gặp, D giới thiệu với anh T4 những người đó đang công tác tại Bộ Công an (D khai hiện không nhớ tên địa chỉ những người này). Ngày 15/7/2017, D gọi điện thoại cho ông T2 thông báo hồ sơ của anh T4 đã được nhận và đề nghị ông còn lại. Tin tưởng D, ngày 20/7/2015 (Chuyển 70.000.000 đồng (Chuyển 50.000.000 đồng) và ngày 26/8/2015 (Chuyển 200.000.000 đồng), ông T2 đã 3 lần nộp tiền mặt vào ngân hàng TMCP C - Chi nhánh Hà Tĩnh để chuyển tổng số tiền 320.000.000 đồng vào tài khoản số X của Nguyễn Chí D mở tại Ngân hàng TMCP C - Chi nhánh H. Tổng cộng Nguyễn Chí D đã nhận của ông T2 520.000.000 đồng để xin cho con ông T2 vào Trại giam X. Số tiền nhận của ông T2, D đã chi tiêu cá nhân hết.

Tháng 10/2015, ông T2 gọi cho D hỏi về kết quả xin việc cho con ông thì D nói chờ lãnh đạo về ký là xong. Hết năm 2015 và cả năm 2016 ông T2 chờ nhưng không thấy D thông báo kết quả đi làm, cũng không trả lại tiền nên ngày 10/11/2017 ông T2 đã gửi đơn tố cáo hành vi của D với Cơ quan điều tra. Hiện ông T2 yêu cầu D phải trả cho ông số tiền 520.000.000 đồng và đề nghị xử lý nghiêm đối với D.

Quá trình điều tra, D luôn thay đổi lời khai, có lời khai D thừa nhận đã nhận của ông T1 520.000.000 đồng để hứa xin việc cho con ông T2, sau đó D lại khai là tiền vay. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở kết luận D đã chiếm đoạt của ông T2 520.000.000 đồng.

3. Chị Trần Thị S: Khoảng năm 2013, thông qua quan hệ xã hội, chị S quen biết Nguyễn Chí D và được D giới thiệu có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo Bộ Công an, có thể xin được chỉ tiêu tuyển dụng xin học và xin làm cho người khác. Tin tưởng D, chị S đã nhờ D xin học, xin việc cho 02 trường hợp là người quen của mình, cụ thể:

- Trường hợp 1: Trong năm 2013, D nói với chị S hiện đang có chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường P, nếu ai có nhu cầu D có thể xin được cho họ vào học với chi phí là 500.000.000 đồng, đặt cọc trước 100.000.000 đồng, khoảng 02 tháng sẽ được đi học. Chị S đã đưa cho D 100.000.000 đồng để nhờ xin cho cháu V là con chị bạn tên là H (do thời gian đã lâu chị S không nhớ đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của chị H và V, chỉ nhớ ở Nghệ An). D hẹn khoảng 02 tháng sau cháu V sẽ được đi học.

- Trường hợp 2: Khoảng cuối năm 2013, thông qua chị Dương Thị L (Sinh năm 1973; trú tại: đường T, phường N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình) chị S quen biết chị Trịnh Thị T (Sinh năm 1962; trú tại: Phố T, phường T, thành phố N, tỉnh Ninh Bình), chị S đã nhờ D xin cho con chị T được vào làm tại Cảng hàng không N. D nói phải đưa cho D 150.000.000 đồng, đặt cọc trước 100.000.000 đồng, sau khoảng 2-3 tháng sẽ được đi làm và đưa nốt 50.000.000 đồng. Chị T đồng ý và đưa cho chị S 100.000.000 đồng để đưa cho D. Sau khi nhận tiền từ chị T, chị S mới đưa trước cho D 50.000.000 đồng, D không viết giấy biên nhận.

Đến hẹn, không thấy D xin được cho cháu chị H và con chị T như đã cam kết, chị S đã yêu cầu D trả lại tiền. D cam kết đến ngày 12/01/2014 sẽ trả tiền và viết giấy biên nhận có nội dung: “Tôi là Nguyễn Chí D có nhận của chị Trần Thị S số tiền 135.000.000 đồng, trong đó: 50.000.000 đồng nhận lo vào hàng không, 85.000.000 đồng nhận xin một trường hợp vào trung cấp phòng cháy chữa cháy Bộ công an. Hiện tôi đã nhận tiền nhưng không lo được việc. Tôi xin hứa sẽ trả đầy đủ số tiền trên vào ngày 12/01/2014”. Đến hẹn, D không trả lại tiền cho chị S, sau đó chị đọc báo nên biết D bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên đã làm đơn tố cáo D.

Tại cơ quan điều tra, chị S khai đưa cho D 150.000.000 đồng nhưng D khẳng định chị S chỉ đưa cho D 135.000.000 đồng nên trong Giấy biên nhận đề ngày 12/01/2014, D chỉ viết nhận của chị S 135.000.000 đồng. Như vậy, chỉ có cơ sở xác định D đã nhận của chị S 135.000.000 đồng. Đối với số tiền chị H và chị T đưa cho D thông qua chị S, sau khi thấy D không xin được học, xin được việc như cam kết chị S đã tự bỏ tiền ra trả 150.000.000 đồng cho chị H và chị T. Hiện chị S yêu cầu D phải trả cho chị số tiền 150.000.000 đồng và đề nghị xử lý nghiêm đối với D.

4. Ông Vũ Văn T3: Thông qua quan hệ xã hội, ông Vũ Văn T3 quen Nguyễn Chí D. Khoảng tháng 7/2013, ông T3 đã nhờ D xin cho con trai của bạn là ông Hoàng Huy L tên là Hoàng Huy H (Sinh năm 1992; ĐKNKTT: Thôn B, xã B, huyện L, tỉnh Bắc Giang) vào học Trường C. Theo ông T3 và ông L khai, khoảng tháng 9/2013, D dẫn ông L, ông T3 đến cổng một ngôi nhà tại địa chỉ ở khu vực hồ B, phường P, quận Đ, Hà Nội và giới thiệu đó là nhà của lãnh đạo Bộ Công an (Ông T3 và ông L khai không nhớ tên lãnh đạo và địa chỉ nhà). Tại đây, D yêu cầu ông T3 đưa cho D 100.000.000 đồng để D mang vào nhà đưa cho lãnh đạo Bộ công an để lo xin học cho con ông L. Ông L đã đưa cho ông T3 100.000.000 đồng để ông T3 cho vào phong bì đưa cho D (D không viết giấy biên nhận). Sau khi nhận tiền, D yêu cầu hai ông đứng ngoài cổng chờ, còn D đi vào nhà. Khoảng một lúc sau, D đi ra, bảo hai ông là đã đưa tiền cho lãnh đạo Bộ Công an và sẽ xin được việc cho con ông L. Khoảng tháng 11/2013, D yêu cầu ông T3 nói với ông L đưa cho D 100.000.000 đồng để nhận quyết định đi học. Ngày 14/11/2013 thông qua ông T3, ông L đã đưa cho D 100.000.000 đồng, D nhận tiền, hẹn một vài ngày nữa có giấy nhập học và viết giấy biên nhận tiền có nội dung: “Tôi tên Nguyễn Chí D đã nhận của anh Vũ Văn T3 số tiền 100.000.000 đồng để lo việc”. Như vậy, D đã nhận của ông L tổng số 200.000.000 đồng. Đến hẹn, không thấy cháu Hoàng Huy H có giấy nhập học, sau đó ông T3 biết D bị khởi tố nên đã làm đơn tố cáo.

Tại cơ quan điều tra ông L và ông T3 khai đưa cho D 200.000.000 nhưng D khẳng định ông L và ông T3 chỉ đưa cho D 100.000.000 đồng vào 14/11/2013 nên D đã viết Giấy biên nhận đề ngày 14/11/2013 nhận của ông T3 100.000.000 đồng. Như vậy, chỉ có cơ sở xác định cho D đã nhận của ông T3 100.000.000 đồng. Do D không xin được đi học cho con ông L nên ông T3 đã trả cho ông L 200.000.000 đồng. Hiện ông T3 yêu cầu D phải trả cho ông số tiền 200.000.000 đồng và đề nghị xử lý nghiêm đối với D.

Tại bản Kết luận giám định số 1307/KLGĐ-PC54(Đ4) ngày 09/02/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hà Nội đã kết luận: “Chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên Giấy nhận tiền ngày 22/5/2015 với chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên các Bản tường trình ngày 18/01/2018, Đơn đề nghị, Biên bản lấy mẫu chữ viết và chữ ký của Nguyễn Chí D là chữ do cùng một người viết và ký ra. Chữ ký, chữ viết dòng họ tên Nguyễn Văn D dưới Giấy nhận tiền ngày 22/5/2015 với chữ ký, chữ viết dòng họ tên Nguyễn Văn D dưới chữ ký trên Biên bản lấy mẫu chữ viết và chữ ký của Nguyễn Văn D là chữ do cùng một người ký và viết ra. Chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên Giấy biên nhận ngày 10/7/2015 với chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên các Bản tường trình ngày 18/01/2018, Đơn đề nghị, Biên bản lấy mẫu chữ viết và chữ ký của Nguyễn Chí D là chữ do cùng một người viết và ký ra”.

Tại bản Kết luận giám định số 7106/KLGĐ-PC09(Đ4) ngày 12/2018 Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hà Nội đã kết luận: “Chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên Giấy biên nhận với chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên các Bản tường trình ngày 18/01/2018, Biên bản lấy mẫu chữ viết và chữ ký của Nguyễn Chí D là chữ do cùng một người viết và ký ra.

Chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên giấy biên nhận ngày 14/11/2013 với chữ viết, chữ ký đứng tên Nguyễn Chí D trên các Bản tường trình ngày 18/01/2018, Biên bản lấy mẫu chữ viết và chữ ký của Nguyễn Chí D là chữ do cùng một người viết và ký ra.

Đối với anh Nguyễn Văn D, ông Lê Xuân T1, ông Vũ Văn T3 và bà Trần Thị S là những người giới thiệu và nhận hộ tiền để đưa cho Nguyễn Chí D, quá trình điều tra xác định những người này không được hưởng lợi, sau khi D không thực hiện như cam kết, họ đã tự bỏ tiền ra trả lại cho những người nhờ xin việc, vì vậy Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn nhận được đơn tố cáo của ông Phạm Phú T (Sinh năm 1968; trú tại: Thôn L, xã K, huyện H, Hà Nội) tố cáo Nguyễn Chí D chiếm đoạt của ông 225.000.000 đồng; ông Lâm Văn S (Sinh năm 1962; trú tại: quốc lộ A, khu phố B, phường Đ, quận M, thành phố Hồ Chí Minh) tố cáo Nguyễn Chí D chiếm đoạt của ông 250.000.000 đồng thông qua thủ đoạn gian dối như nêu trên nhưng không xuất trình được tài liệu nào liên quan đến việc nhận tiền. Bản thân D không thừa nhận việc nhận tiền để xin việc cho các trường hợp này.

Như vậy, ngoài lời khai của ông T và ông S cùng với người thân trong gia đình thì không có tài liệu nào khác chứng minh nên Cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý D về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của 02 trường hợp trên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2019/HSST ngày 17/1/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, quyết định:

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Chí D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ”.

2. Về điều khoản áp dụng và hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; Điều 38; khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt Nguyễn Chí D 14 (Mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 05/6/2018.

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự, Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc Nguyễn Chí D phải bồi hoàn cho: Ông Lê Xuân T1 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng); ông Hoàng Văn T2 520.000.000 đồng (Năm trăm hai mươi triệu đồng); chị Trần Thị S 135.000.000 đồng (Một trăm ba lăm triệu đồng) và ông Vũ Văn T3 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng).

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, biện pháp bảo đảm thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 30/1/2019, bị cáo Nguyễn Chí D kháng cáo với nội dung: Bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử đối với bị cáo là quá nặng. Bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, vì bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng người đúng tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Chí D giữ nguyên kháng cáo và trình bày: Bị cáo thừa nhận đã nhận tiền của ông T1, ông T2 nhưng là tiền hai ông mua cao hổ và bị cáo đã giao cao hổ cho ông T1, ông T2. Đối với khoản tiền của ông T3 đây là khoản tiền làm ăn trong việc xây dựng tại V, Hà Tĩnh. Còn tiền của chị S là tiền bị cáo vay để chơi bài. Bị cáo có viết giấy cho chị S là do chị S dẫn khoảng 20 người đến ép bị cáo viết giấy biên nhận. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng, có chăng bị cáo phạm tội về mua bán cao hổ hoặc đánh bạc. Bị cáo nhất trí với quan điểm của các Luật sư báo chữa cho bị cáo.

Những người bị hại là ông T1, ông T2 và chị S giữ nguyên lời khai như đã trình bày như nội dung của bản án sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử y án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo D kháng cáo kêu oan (có xem xét về hình phạt). Tại phiên tòa bị cáo D kháng cáo kêu oan và bị cáo thừa nhận số tiền bị cáo đã nhận của các bị hại là đúng. Nhưng bị cáo cho rằng số tiền bị cáo nhận của các bị hại là tiền mua bán cao hổ, làm xây dựng và vay tiền để chơi bài.

Tuy nhiên, căn cứ giấy biên nhận tiền, chuyển nhận tiền, căn cứ lời khai của các bị hại, của người làm chứng, người có quyền lợi liên quan, cùng tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì có đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Chí D bằng hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của các bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội không oan. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là không đúng mà phải áp dụng điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Do đó, sửa lại cho phù hợp.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo D và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Các Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Bị cáo D xác định đã nhận tiền của ông T1, ông T2 để mua cao hổ, nhưng bị cáo đã giao cao hổ cho ông T1 và ông T2. Đối với ông T3 đưa tiền cho bị cáo là để làm xây dựng tại V, Hà Tĩnh. Bị cáo vay có vay tiền của chị S, không phải là tiền đi xin việc. Bản thân chị S cũng là người đang làm tại trung tâm giới thiệu việc làm, nên chị S phải biết việc đi xin việc như thế nào. Còn tại giấy biên nhận viết cho chị S là do chị S dẫn người đến nhà bị cáo ép bị cáo viết biên nhận. Mặt khác, tại Tòa cấp sơ thẩm lời khai của chị T, chị Luyến có mâu thuẫn, do đó lời khai này không phải là căn cứ kết tội bị cáo.

Trong hồ sơ vụ án thấy lời khai của những người bị hại và người khác như bà V, ông L, anh Tuấn và anh Nguyễn Văn D là không khách quan. Lời khai của của những người bị hại là lời khai một phía, những người làm chứng là những người quen của người bị hại. Do đó, đây là vụ án được hình sự hóa. Tại phiên tòa bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà nếu có phạm tội thì có thể phạm tội mua bán cao hổ hay tội Đánh bạc.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử ngừng phiên tòa để triệu tập một số người tham gia tố tụng để đối chất là rõ hành vi của bị cáo hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra làm rõ hành vi của bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Chí D trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

[2] Về nội dung: Căn cứ lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra; lời khai của những người bị hại; lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; các Giấy nhận tiền đã thu giữ; các Bản kết luận giám định; các Biên bản nhận dạng; Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để khẳng định: Mặc dù không có công ăn việc làm, không có khả năng xin đi làm và xin vào học tại các Trường thuộc Công an nhân dân, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2015, Nguyễn Chí D đã giới thiệu với nhiều người là mình có khả năng xin đi học, đi làm để nhận và chiếm đoạt của 04 bị hại với tổng số tiền là 1.155.000.000 đồng để sử dụng cá nhân. Cụ thể, bị cáo đã chiếm đoạt của ông Lê Xuân T1 400.000.000 đồng; chiếm đoạt của ông Hoàng Văn T2 520.000.000 đồng; chiếm đoạt của chị Trần Thị S 135.000.000 đồng; chiếm đoạt của ông Vũ Văn T3 100.000.000 đồng. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, chị S khai đã đưa cho Nguyễn Chí D 02 lần tổng số tiền là 150.000.000 đồng; ông T3 khai 02 lần đưa cho D mỗi lần 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, bị cáo chỉ viết giấy nhận của chị S 135.000.000 đồng, nhận của ông D 100.000.000 đồng nên Hội đồng xét xử chỉ có căn cứ buộc bị cáo đã chiếm đoạt số tiền đó như giấy biên nhận. Hành vi nêu trên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bị cáo Nguyễn Chí D đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết tăng nặng định khung “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, nay là điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ.

[3] Hành vi của bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác; gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo khai báo không thành khẩn nhằm chối bỏ hành vi của mình; không tỏ ra ăn năn hối cải nên Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1 Điều 51 là có căn cứ; về nhân thân, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội lần đầu là các tình tiết giảm nhẹ được áp dụng theo khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo đã nhiều lần chiếm đoạt số tiền lớn của các bị hại, đến nay chưa khắc phục nên phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là không đúng. Do đó, cần phải sửa cho phù hợp.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo Nguyễn Chí D phải bồi hoàn cho người bị hại số tiền đã chiếm đoạt tổng cộng là 1.155.000.000 đồng, trong đó bồi hoàn cho ông Lê Xuân T1 400.000.000 đồng, ông Hoàng Văn T2 520.000.000 đồng, chị Trần Thị S 135.000.000 đồng và ông Vũ Văn T3 100.000.000 đồng là có căn cứ.

[5] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Chí D tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Chí D giữ nguyên kháng cáo và trình bày: Bị cáo thừa nhận đã nhận tiền của ông T1, ông T2 nhưng là tiền hai ông mua cao hổ và bị cáo đã giao cao hổ cho ông T1, ông T2. Đối với khoản tiền của ông T3 đây là khoản tiền làm ăn trong việc xây dựng tại V, Hà Tĩnh. Còn tiền của chị S là tiền bị cáo vay để chơi bài. Bị cáo có viết giấy cho chị S là do chị S dẫn khoảng 20 người đến ép bị cáo viết giấy biên nhận. Do đó, bị cáo D cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng, có chăng bị cáo phạm tội về mua bán cao Hổ hoặc đánh bạc.

Tuy nhiên, căn cứ giấy biên nhận tiền, chuyển nhận tiền, căn cứ lời khai của các bị hại, của người làm chứng, người có quyền lợi liên quan, cùng tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì có đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Chí D ngay từ đầu bằng hành vi gian dối đã chiếm đoạt tiền của các bị hại. Do đó, hành vi của bị cáo D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội không oan và phù hợp với quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[6] Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo cũng như đề nghị của các Luật sư bào chữa cho bị cáo D.

Án phí hình sự phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo của bị cáo D nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự 2015; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Chí D; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2019/HS-ST ngày 17/01/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Chí D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ”.

2. Về điều khoản áp dụng và hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; Điều 38; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt Nguyễn Chí D 14 (Mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 05/6/2018.

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 của Bộ luật hình sự Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc Nguyễn Chí D phải bồi hoàn cho: Ông Lê Xuân T1 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng); ông Hoàng Văn T2 520.000.000 đồng (Năm trăm hai mươi triệu đồng); chị Trần Thị S 135.000.000 đồng (Một trăm ba lăm triệu đồng) và ông Vũ Văn T3 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng).

4. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Chí D phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 46.650.000 đồng (Bốn sáu triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Chí D phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

5. Về biện pháp bảo đảm thi hành án: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi suất phát sinh trên số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015. 

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

311
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 390/2019/HSPT ngày 10/07/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:390/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về