TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 450/2017/HSPT NGÀY 21/08/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 21 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 628/2016/HSPT ngày 14 tháng 10 năm 2016 đối với bị cáo Huỳnh Đức Vân T do có kháng cáo của bị cáo, nguyên đơn dân sự đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 317/2016/HSST ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo có kháng cáo:
Huỳnh Đức Vân T; giới tính: nữ; sinh ngày: 19/8/1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nơi đăng ký HKTT: 78/6 Nguyễn L, Phường 7, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở: 56/3 Thích Quảng Đ, Phường 5, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: nguyên là Phó Giám đốc Ngành hàng tin học Công ty N; Con ông: Huỳnh Công Đ (chết); Con bà: Từ Hồng V, sinh năm 1952; Hoàn cảnh gia đình: có chồng là Phùng Tuấn A (đã ly hôn) và 01 con, sinh năm 2003; Tiền án, tiền sự: không; Tạm giam ngày 24/01/2014 đến ngày 13/01/2015 thay đổi biện phạm ngăn chặn; ngày 27/6/2015 bị bắt lại (có mặt)
Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu:
Luật sư: Nguyễn Minh L - Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Nguyên đơn dân sự:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại C (công ty TNHH C).
Địa chỉ: tầng 12 Tòa nhà C, phố D, phường D1, quận C, Thành phố Hà Nội
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Xuân H (có mặt)
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty cổ phần thương mại N (công ty N) (có đơn xin xét xử vắng mặt).
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công ty N: Luật sư Nguyễn Văn Đ (có mặt).
(Những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, kháng nghị, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 08/11/2011, Tổng Giám đốc Công ty N ký quyết định số 142.2011/NK/TGĐ/QĐ bổ nhiệm Huỳnh Đức Vân T làm Phó Giám đốc ngành hàng tin học, chịu trách nhiệm hỗ trợ Giám đốc trong việc quản lý, triển khai và giám sát các hoạt động liên quan đến ngành hàng tin học.
Ngày 04/01/2012, Tổng Giám đốc Công ty N ký giấy uỷ quyền số 01.2012/NK/TGĐ/UQ cho Huỳnh Đức Vân T được quyền ký tên, đóng dấu Công ty N trên các văn bản, biên bản gởi nhà cung cấp, đối tác liên quan đến việc hoạt động Ngành hàng Tin học thuộc khối thương mại.
Ngày 21/5/2012, Tổng Giám đốc Công ty N ký quyết định số 102/NK/TGĐ/QĐ về việc thu hồi Giấy uỷ quyền số 01.2012/NK/TGĐ/UQ nêu trên từ ngày ký.
Do có sự quen biết từ trước, biết các hãng A, hãng Dell và các đơn vị hỗ trợ bán hàng, trả thưởng theo doanh số cho Công ty N như Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại C, Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp D (Công ty P)... Mặc dù Huỳnh Đức Vân T không được Công ty N giao nhiệm vụ hoặc uỷ quyền đến các đơn vị trên để nhận thưởng cũng như tiền hỗ trợ bán hàng nhưng từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013, T vẫn trao đổi, đồng thời đến gặp bà Lai Thị D là Trưởng phòng kinh doanh của Chi nhánh Công ty C đưa ra thông tin là Công ty N đang có chương trình hỗ trợ khách hàng bằng thẻ cào điện thoại và yêu cầu Công ty C trả thưởng, cũng như hỗ trợ bán hàng bằng thẻ cào điện thoại, gửi thư email cho bà D và giấy ủy quyền đã hết hiệu lực nói trên. Bà D biết T là lãnh đạo của Công ty N nên tưởng T được Lãnh đạo của Công ty N giao nhiệm vụ nhận tiền, hàng trả thưởng nên bà D đã đề xuất lãnh đạo Công ty C chi tiền mua thẻ cào để trả thưởng hỗ trợ bán hàng cho Công ty N, cụ thể:
1. Hành vi chiếm đoạt 5.173.940.759 đồng của Chi nhánh Công ty C chi trả hộ tiền hỗ trợ bán hàng của hãng A và Công ty CMC Hãng Dell, hãng A không trực tiếp bán hàng cho Công ty N mà chỉ bán hàng qua nhà phân phối là Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại C, Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp D (Công ty P), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phân phối F (Công ty F)… trên cơ sở đề xuất của các nhà phân phối Hãng Dell, Hãng A ở nước ngoài sẽ hỗ trợ bán hàng và các khoản tiền hỗ trợ được chi trả thông qua hợp đồng ký kết với các nhà phân phối này. Hình thức chi trả được hãng A phát hành Phiếu ghi nợ (Credit Note) nhằm cấn trừ nợ với nhà phân phối, sau đó nhà phân phối có trách nhiệm chi trả cho Công ty N. Hình thức chi trả giữa nhà phân phối và Công ty N do hai bên tự thỏa thuận.
Trong năm 2012 và 2013, trên cơ sở đề xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Việt Nam, trụ sở tại 60 Nguyễn Đình C, phường Đ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, hãng A ở Maylaysia đã chi 37 khoản tiền tổng số tiền là 9.007.032.543 đồng để hỗ trợ bán hàng cho Công ty N thông qua các hợp đồng với nhà phân phối.
Huỳnh Đức Vân T đưa ra thông tin chương trình hỗ trợ khách hàng bằng thẻ cào và đã yêu cầu hãng A chi trả 17 khoản tiền, tổng cộng là 4.089.440.924 đồng thông qua Công ty P và 19 khoản tiền, tổng cộng là 4.917.591.619 đồng chi trả thông qua Công ty C mà trực tiếp là Chi nhánh Công ty C tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình giao dịch với Chi nhánh Công ty C tại Thành phố Hồ Chí Minh, lợi dụng vào mối quan hệ quen biết từ trước và tâm lý chiều theo ý muốn của đối tác để thuận lợi trong việc kinh doanh nên khi bà D giao thẻ cào cho T thì T yêu cầu D bán thẻ cào và lấy tiền nộp vào tài khoản 0071003402972 của T, mở tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Việc làm này của T diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, chỉ đến khi T chiếm đoạt 1.936.400.000 đồng do hãng A hỗ trợ giảm giá tồn kho lô hàng 4.841 máy tính bảng A Icona A1-810-2CW-316T vào tháng 7/2013, thì mới bị Công ty N phát hiện và tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả điều tra đối với việc chi trả khoản tiền 4.917.591.619 đồng thông qua Công ty C xác định: Theo yêu cầu của Huỳnh Đức Vân T về việc chi trả bằng thẻ cào điện thoại, Chi nhánh Công ty C đã lập 07 Thông báo gửi Công ty N về việc sẽ chi trả tổng số tiền 5.177.995.844 đồng, bằng hình thức quy đổi ra thẻ cào điện thoại và đề nghị Công ty N ký xác nhận. Trong 07 Thông báo trên, có 01 Thông báo được ông Nguyễn Văn K – Tổng Giám đốc Công ty N ký xác nhận, 01
Thông báo được Huỳnh Đức Vân T ký xác nhận, còn lại 05 Thông báo được ông Vũ Đức T – Giám đốc Ngành hàng tin học ký xác nhận được thông báo nhưng sau đó do quản lý lỏng lẻo nên Công ty N không theo dõi việc nhận hàng hỗ trợ.
Trên cơ sở xác nhận của Công ty N, Chi nhánh Công ty C đã mua tổng cộng 83.922 thẻ cào các loại, mệnh giá từ 20.000 đồng đến 500.000 đồng, trị giá trước thuế là 4.703.582.509 đồng, trị giá sau thuế là 5.173.940.759 đồng, giao cho bà Lai Thị D – Trưởng phòng kinh doanh chi nhánh Công ty C, để D mang đi giao cho Công ty N, do tin tưởng và cả nể nên chị D làm theo yêu cầu của T và không yêu cầu T lập Biên bản bàn giao thẻ cào để Công ty N ký xác nhận, nên toàn bộ số tiền tương đương với số thẻ cào trên đã bị Huỳnh Đức Vân T chiếm đoạt, cụ thể như sau:
- Chiếm đoạt tài sản trên thông báo ngày 11/6/2012, về việc chi trả số tiền 655.000.000 đồng, theo Credit Note số 29D00486 ngày 05/6/2012 của hãng A, chi nhánh Công ty C đã qui đổi ra 6.915 thẻ cào, mệnh giá 100.000 đồng, giao cho chị Lai Thị D để D mang đi giao cho Công ty N. Cùng ngày 21/6/2012, Lai Thị D đã mang số thẻ cào trên đến Công ty N giao cho Huỳnh Đức Vân T nhận, nhưng không lập Biên bản bàn giao thẻ cào để Công ty N ký xác nhận. Sau khi chiếm đoạt, T kiểm tra lại, thấy chỉ có 6.885 thẻ cào, thiếu 30 thẻ cào, nên ngày 22/6/2012, đã gửi email thông báo Diễm biết nhưng không được Diễm chấp nhận.
- Chiếm đoạt tài sản trên 06 thông báo còn lại gồm: Thông báo không số ngày 14/9/2012; Thông báo số 16/2012 ngày 14/12/2012; Thông báo số 23/2013 ngày 04/02/2013; Thông báo số 49/2013 ngày 25/3/2013; Thông báo số 105/2013 ngày 09/07/2013 và Thông báo số 112/2013 ngày 24/7/2013, Chi nhánh Công ty C đã mua 77.007 thẻ cào các loại, mệnh giá từ 20.000 đồng đến 500.000 đồng, trị giá trước thuế là 4.114.550.223 đồng, trị giá sau thuế là 4.526.005.245 đồng, giao cho Lai Thị D để Diễm mang đi giao cho Công ty N. Tuy nhiên, Lai Thị D không giao thẻ cào đến cho Công ty N mà tự ý thực hiện theo yêu cầu của Huỳnh Đức Vân T nên mang bán số thẻ cào, lấy tiền nộp vào tài khoản cá nhân của T số 0071003402972, mở tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tân Định.
Tại Cơ quan điều tra, Huỳnh Đức Vân T thừa nhận đã chiếm đoạt toàn bộ thẻ cào theo 07 Thông báo của Công ty C, trị giá 5.173.940.759 đồng. Toàn bộ số tiền này đã được T sử dụng mua căn nhà số 56/3 Thích Quảng Đ, Phường 5, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh; mua 02 lô đất số 57 và 58 (khu 5B19) thuộc dự án Khu dân cư ấp 5B T, huyện B, Bình Dương, do Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex JLC) làm chủ đầu tư và chi tiêu cho nhu cầu cá nhân. Hiện Cơ quan điều tra đã kê biên và phong tỏa giao dịch các tài sản này.
Đối với việc chi trả số tiền 4.089.440.924 đồng thông qua Công ty P, xác định được: Công ty P đã chi trả cho Công ty N tổng số tiền là 3.642.217.446 đồng, trong đó có 1.270.321.283 đồng chi trả bằng hình thức cấn trừ công nợ và 2.371.896.163 đồng chi trả bằng hình thức quy đổi ra thẻ cào điện thoại theo yêu cầu của Huỳnh Đức Vân T, còn lại số tiền 447.223.478 đồng chưa chi trả. Đối với số tiền chi trả bằng thẻ cào, Công ty P đã qui đổi ra 23.718 thẻ cào và giao cho Công ty N 03 lần, thể hiện tại các Biên bản giao nhận số 001/2012/PSD-NKIL65 ngày 07/9/2012, số lượng 5.210 thẻ cào; Biên bản giao nhận số 003/2012/PSD- NKIL65 ngày 03/10/2012, số lượng 7.403 thẻ cào; Biên bản giao nhận số 004/2012/PSD-NKKIL65 ngày 24/10/2012, số lượng 11.105 thẻ cào, tất cả đều có mệnh giá 100.000 đồng. Cả ba biên bản giao nhận thẻ cào đều do ông Vũ Đức T – Giám đốc Ngành hàng tin học Công ty N ký tên, đóng dấu xác nhận.
Ông Nguyễn Vĩnh H là nhân viên Phòng kinh doanh IT Công ty P khai: ông H phụ trách nhãn hàng A nên cũng là người chịu trách nhiệm chi trả các khoản tiền hỗ trợ bán hàng của hãng A cho Công ty N. Theo yêu cầu của Huỳnh Đức Vân T, ông H đã báo cáo lãnh đạo Công ty P qui đổi số tiền 2.371.896.163 đồng ra 23.718 thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng để chi trả cho Công ty N. Trong 03 lần giao cho Công ty N, có 01 lần Hiệp trực tiếp giao thẻ cào cho T nhận tại Công ty N, 02 lần còn lại H nhờ nhân viên Kho của Công ty P giao giúp, nhưng dặn là giao cho T nhận. Huỳnh Đức Vân T khai, T có nhận toàn bộ 23.718 thẻ cào nêu trên nhưng đã giao hết cho ông Vũ Đức T. Ông T ký Biên bản rồi giao lại cho T để T giao cho Công ty P, còn thẻ cào thì ông T giữ, ông T sử dụng như thế nào thì T không biết. Ông Vũ Đức T khai: ông T có ký 03 Biên bản giao nhận thẻ cào của Công ty P do T trình ký, tuy nhiên ông T không nhận bất kỳ thẻ cào nào từ T mà theo ông T, T có nghĩa vụ nhận thẻ cào và nộp vào Kho của Công ty. Ông T chỉ thừa nhận do thiếu kiểm tra nên không phát hiện việc thất thoát số thẻ cào trên. Qua đối chất, cả T và ông T đều giữ quan điểm như nêu trên và đều không thừa nhận đã chiếm đoạt số thẻ cào do Công ty P giao. Do quy trình nhận hàng khuyến mãi của Công ty N không rõ ràng, không có văn bản cụ thể nên không đủ cơ sở qui buộc trách nhiệm hình sự đối với việc thất thoát số thẻ cào này.
2. Hành vi chiếm đoạt số tiền 47.880.000 đồng Công ty P chi trả hộ tiền thưởng theo doanh số bán hàng tháng 5/2013 của hãng Dell cho Công ty N
Ngày 08/8/2013, Công ty P nhận tổng số tiền 2.505.174.000 đồng, do hãng Dell chuyển để chi hộ tiền thưởng doanh số bán hàng tháng 5/2013 cho các đại lý tại Việt Nam, trong đó Công ty N được chi thưởng số tiền 47.880.000 đồng. Ngày 23/8/2013, Công ty N có Giấy đề nghị thanh toán, do ông Vũ Đức T– Giám đốc Ngành hàng tin học, ký gửi Công ty P đề nghị quy đổi số tiền trên ra 01 laptop và 02 máy tính để bàn, để chi trả cho Công ty N. Tuy nhiên, ngày 28/8/2013, Huỳnh Đức Vân T sử dụng điện thoại số 0938561581 gửi tin nhắn cho Phạm Nguyễn Duy T- nhân viên Phòng Kinh doanh Công ty PSD, phụ trách nhãn hàng Dell lấy danh nghĩa là đại diện công ty N, yêu cầu Công ty P giao các máy tính trên cho Trần Thanh N, nhân viên Công ty V, là Công ty riêng của T. Ông Nguyễn Xuân T đã báo cáo Công ty P xuất 01 laptop Dell, modell XPS 14 – L421X – V560525-3517 và 02 bộ máy tính để bàn, nhãn hiệu Dell gồm: 02 CPU Model Vostro 270 mini Tower (BTX)-i3-3240 và 02 màn hành LCD model: LCD-E2014H-20’’WHD-3Y, giao cho nhân viên kho là Phạm Duy P mang đi giao cho Trần Thanh N tại địa chỉ số 26 đường số 2, phường T, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (là trụ sở Công ty V). Sau khi Công ty P giao hàng, Huỳnh Đức Vân T chiếm đoạt sử dụng cho hoạt động của Công ty V. Đến tháng 10/2013, T bị Công ty N đình chỉ công việc và tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh thì T yêu cầu Trần Thanh N giao 02 máy tính để bàn cho T, trong đó có 01 máy đã được T cho một người tên T (không rõ lai lịch, địa chỉ), còn 01 máy giao cho Huỳnh Công Duy B là em trai của T giữ, còn chiếc laptop vẫn do N giữ. Huỳnh Đức Vân T thừa nhận, do thành lập công ty riêng nên đã tự lấy danh nghĩa là Công ty N và yêu cầu Công ty P qui đổi số tiền thưởng theo doanh số tháng 5/2013 của hãng Dell cho Công ty N ra 01 laptop và 02 bộ máy tính để bàn nhãn hiệu Dell giao cho Trần Thanh N để T chiếm đoạt, sử dụng cho Công ty V, là Công ty riêng của T. Trần Thanh N cũng thừa nhận theo chỉ đạo của T đã nhận 01 laptop và 02 bộ máy tính để bàn nhãn hiệu Dell nêu trên từ nhân viên Công ty P để sử dụng vào hoạt động của Công ty V, N không biết đó là tài sản do T chiếm đoạt. Huỳnh Đức Vân T tự nguyện nộp lại 47.880.000 đồng cho Cơ quan điều tra nhằm khắc phục hậu quả.
Tại bản án hình sự sơ thẩm 317/2016/HSST ngày 30/8/2016 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Tuyên bố Huỳnh Đức Vân T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự:
Xử phạt: Huỳnh Đức Vân T 08 (tám) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 27/6/2015, được khấu trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 24/01/2014 đến ngày 13/01/2015.
Buộc bị cáo Huỳnh Đức Vân T phải bồi thường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại C số tiền 5.173.940.759đ (năm tỷ một trăm bảy mươi ba triệu chín trăm bốn mươi ngàn bảy trăm năm mươi chín đồng). Trong trường hợp Công ty C từ chối nhận các khoản tiền bồi thường này thì sẽ được tích thu sung công quỹ Nhà nước.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 06/9/2016 bị cáo Huỳnh Đức Vân T kháng cáo chỉ thừa nhận chiếm đoạt số tiền 47.880.000 đồng, số tiền còn lại bị cáo không thừa nhận có chiếm đoạt.
Ngày 09/9/2016 đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại C là bà Trần Phạm Hoài T kháng cáo đề nghị xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án là công ty cổ phần thương mại N không phải là công ty C.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa có quan điểm như sau:
Quá trình xét xử tại tòa án cấp sơ thẩm bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, nguồn tiền bị cáo chiếm đoạt là của Công ty C. Án sơ thẩm là có căn cứ, đề nghị bác kháng cáo của bị cáo và của Công ty C, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo T có quan điểm cho rằng: Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo chiếm đoạt tài sản nhưng cần phải chứng minh ai là người bị thiệt hại, trong khi đó Công ty C không thừa nhận mình là người bị thiệt hại và không có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vì vậy, Công ty C không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vấn đề này.
Căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ. ý kiến của Viện kiểm sát, Luật sư và bị cáo;
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Vụ án này trước đây được khởi tố theo yêu cầu của Công ty Cổ phần thương mại N (gọi tắt là Công ty N), theo đó tại Đơn tố cáo ngày 24/10/2013 và Đơn tố cáo bổ sung ngày 28/11/2013, Công ty N cho rằng: Từ tháng 01/2012 đến tháng 10/2013, Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Việt Nam đã ký các biên bản hỗ trợ bán hàng các sản phẩm A cho Công ty N. Tất cả các khoản tiền hỗ trợ bán hàng này, Công ty A Việt Nam – theo yêu cầu của bà Huỳnh Đức Vân T đã chuyển qua cho nhà phân phối của mình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và Thương mại C (sau đây gọi tắt là Công ty C) để trả cho Công ty N với tổng số tiền là 5.622.163.156đ. Bà T đã lừa đảo chiếm đoạt tiền hỗ trợ bán hàng A thông qua Công ty C. Tuy nhiên, sau đó trong quá trình điều tra, phía Công ty N lại cho rằng mình không bị thiệt hại và đã rút yêu cầu.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử sau đó đã cho rằng ở trường hợp này, Công ty C là pháp nhân bị thiệt hại và xác định họ (Công ty C) với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Cũng vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo T đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty C với tổng số tiền là 5.173.940.759đ (năm tỷ một trăm bảy mươi ba triệu chín trăm bốn mười ngàn bảy trăm năm mươi chín đồng).
[2] Tuy nhiên, theo các chứng cứ, tài liệu đã thu thập có tại hồ sơ vụ án đã cho thấy:
Thứ nhất: Người đại diện theo ủy quyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại C (nguyên đơn dân sự) là bà Trần Phạm Hoài T luôn khẳng định là Công ty C không phải là pháp nhân bị thiệt hại, vì vậy họ không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, tại lời khai bút lục số 1428, ông Trịnh V – Giám đốc Chi nhánh Công ty C tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Theo ủy quyền của Công ty C Hà Nội, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có thu hộ, chi hộ 19 khoản tiền hỗ trợ khách hàng do hãng A chi trả cho Công ty N. Để chứng minh cho việc này, phía Công ty C đã cung cấp các Bản thông báo của Công ty C thể hiện nội dung chi hộ cho Hãng A và các bảng thống kê tiền Hãng A hỗ trợ Công ty N thông qua Công ty C (bút lục số 1503- 1504). Và đặc biệt, theo nội dung đơn tố cáo của Công ty N tại bút lục số 57 cũng đã thể hiện: Vào ngày 01/7/2013,
Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Việt Nam do ông Gary Phùng – Tổng giám đốc làm đại diện và Công ty Cổ phần thương mại N do bà Hoàng Thị Nhân V - Phó Tổng giám đốc làm đại diện đã ký biên bản thỏa thuận giảm giá số 207613-001/A- NK với nội dung: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Việt Nam đồng ý hỗ trợ bù giá tồn kho… cho Công ty N. Theo đó, Công ty N đã cung cấp cho Cơ quan điều tra tài liệu là Biên bản xác nhận các khoản hỗ trợ khách hàng (từ bút lục số 102 đến 108), trong đó thể hiện nội dung: Bên A (Công ty A Việt Nam) xác nhận các khoản hỗ trợ bán hàng cho bên B (Công ty N) theo bản kê chi tiết. Cuối bảng kê này là chữ ký xác nhận của Công ty A Việt Nam do ông Võ Hồng H ký và Công ty N do bà Hoàng Thị Nhân V ký.
Thứ hai: Ngay chính lời khai của đại diện Công ty A tại các bút lục 327 – 328 cũng đã thể hiện như sau: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A Việt Nam có chủ trương hỗ trợ giảm giá cho khách hàng, nguồn kinh phí hỗ trợ giảm giá là của Công ty A, còn các nhà phân phối như Công ty C và F thì không được hỗ trợ giảm giá gì, do họ chỉ được hưởng tỉ lệ phần trăm nhất định trong việc làm nhà phân phối cho Công ty A Việt Nam.
Tại bút lục số 417 – 418, ông Võ Hồng H – Giám đốc bán hàng và là đại diện của Công ty A Việt Nam đã trình bày: Hãng A có chủ trương hỗ trợ giảm giá cho khách hàng đối với các mặt hàng tồn kho để bảo vệ giá, trong đó có Công ty N. Nguồn kinh phí hỗ trợ giảm giá là của Hãng A mà trực tiếp là Công ty A Châu Á Thái Bình Dương (AAP) có trụ sở tại Malaysia. Ông H trình bày:
Công ty A Việt Nam có ký với Hãng A một Hợp đồng dịch vụ vào ngày 01/01/2010, theo đó Công ty A Việt Nam cung cấp cho Hãng A các dịch vụ gồm:…tư vấn cho Hãng A cách hỗ trợ hàng tồn kho. Vì vậy, trong việc Hãng A hỗ trợ hàng tồn kho cho Công ty N, Công ty A Việt Nam có vai trò theo dõi, trao đổi, thỏa thuận và hoàn tất chứng từ để làm căn cứ cho Hãng A thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ. Ông cho biết: Đối với từng khoản hỗ trợ giảm giá, ông là người trực tiếp trao đổi, thỏa thuận với đại diện của Công ty N là cô Huỳnh Đức Vân T và đi đến quyết định có hỗ trợ giảm giá hay không và số tiền hỗ trợ là bao nhiêu. Tiếp đó, bộ phận logicstic sẽ làm việc với đại lý và nhà phân phối để xác nhận các khoản hỗ trợ; Bộ phận kế toán kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các khoản hỗ trợ, ký xác nhận và thông báo cho Hãng A để xem xét và quyết định việc chi trả. Sau khi có phiếu giảm nợ do Hãng A đưa lên hệ thống mạng của Hãng thì việc giảm giá được xem là A đã chấp thuận. Lúc này, Công ty A Việt Nam ký xác nhận rồi gửi cho nhà phân phối là Công ty PSD hoặc Công ty C để thực hiện việc chi trả cho N.
Để chứng minh cho nội dung trình bày nêu trên của mình, phía Công ty A Việt Nam đã cung cấp bản Hợp đồng dịch vụ được ký kết vào ngày 01/01/2010, nhưng là bản Tiếng Anh.
Như vậy, qua các lời khai của Công ty N, Công ty C và của chính Công ty A Việt Nam đã có đủ cơ sở để xác định, nguồn tiền chi trả mà cấp sơ thẩm xác định bị cáo Huỳnh Đức Vân T đã chiếm đoạt là của Công ty A, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguồn tiền này là của Công ty C là sai. Cũng chính vì vậy, việc xác định Công ty C là nguyên đơn dân sự (pháp nhân bị thiệt hại) trong vụ án này là không phù hợp, trong khi chính Công ty C không thừa nhận mình bị thiệt hại và cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sai sót này đã vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự, và được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bên cạnh đó, như nội dung và chứng cứ mà phía Công ty A Việt Nam đã trình bày và cung cấp là bản Hợp đồng dịch vụ ký ngày 01/01/2010 được ký giữa họ và Hãng A tại Malaysia. Đây là chứng cứ rất quan trọng để theo đó mới có căn cứ để xác định Công ty A Việt Nam hay Hãng A tại Malaysia là pháp nhân bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án này, cấp sơ thẩm không tiến hành dịch hợp pháp đối với chứng cứ này, vì vậy chưa có đủ cơ sở để xem xét, đánh giá.
[3] Bên cạnh đó, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã có sai sót lớn đó là: Do xác định Công ty C là nguyên đơn dân sự, nên phần Quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên như sau:
“Buộc bị cáo Huỳnh Đức Vân T phải bồi thường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại C số tiền 5.173.940.759đ (năm tỷ một trăm bảy mươi ba triệu chín trăm bốn mươi ngàn bảy trăm năm mươi chín đồng). Trong trường hợp Công ty C từ chối nhận các khoản tiền bồi thường này thì sẽ được tịch thu sung công quỹ Nhà nước.”
Việc quyết định như trên của bản án sơ thẩm là không phù hợp và gây khó khăn cho quá trình thi hành án sau này, bởi lẽ: Nếu khi phần quyết định nêu trên có hiệu lực pháp luật, Công ty C được xác định là người có quyền yêu cầu thi hành án, và cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và đưa ra thi hành khi Công ty C có đơn yêu cầu thi hành án. Ở vụ án này, do Công ty C xác định không bị thiệt hại và không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu như sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, họ không có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ sở nào để cơ quan thi hành án tịch thu số tiền này để sung công quỹ Nhà nước. Phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm về nội dung này là không phù hợp với Khoản 2 Điều 36 Luật thi hành án dân sự.
[4] Như vậy, do trong quá trình giải quyết vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ không đầy đủ và nội dung phán quyết không phù hợp. Những sai sót này, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, vì vậy để giải quyết vụ án một cách đúng đắn và phù hợp với quy định của pháp luật, cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo đúng luật định.
[5] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248, khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự
Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 317/2016/HSST ngày 30/8/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra và xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục tạm giam bị cáo Huỳnh Đức Vân T cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý lại vụ án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 450/2017/HSPT ngày 21/08/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 450/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về