Bản án 37/2019/LĐ-PT ngày 18/11/2019 về tranh chấp tiền lương ngừng việc và bảo hiểm xã hội

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 37/2019/LĐ-PT NGÀY 18/11/2019 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG NGỪNG VIỆC VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Ngày 18 tháng 11 năm 2019 tại Hội trường 5 - Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 58/2019/TLPT-LĐ ngày 02 tháng 7 năm 2019 về việc: “Tranh chấp tiền lương ngừng việc và Bảo hiểm xã hội”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 48/2018/LĐ-ST ngày 20/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 76/2019/QĐ-PT ngày 01 tháng 11 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị M, sinh năm 1981.

Địa chỉ: số 97, tổ 1, xóm 3, ấp Thanh H, xã H, huyện Tr, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Thế Ph, sinh năm 1987, địa chỉ: Số 14 đường H, phường H, thành phố B, tỉnh Đồng Nai là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (Văn bản ủy quyền ngày 29/3/2018).

2. Bị đơn: Công ty H.

Đa chỉ: Khu phố 8, phường Long B, thành phố H, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1968, địa chỉ: 7/2, tổ 24, khu phố 4, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (Văn bản ủy quyền ngày 03/5/2018).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ Địa chỉ: Số 219, đường H, khu phố 4, phường Q, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Đinh Thị Phương H - Chức vụ: Phó chánh văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 11/7/2019).

4. Người kháng cáo: Bà Trần Thị M, sinh năm 1981.

Địa chỉ: số 97, tổ 1, xóm 3, ấp Thanh H, xã H, huyện Tr, tỉnh Đồng Nai.

(Ông Ph, bà A và bà H có đơn xin vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, đơn thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện và quá trình tố tụng ông Phạm Thế Ph đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Bà M được Công ty H (Sau đây gọi tắt là Công ty) nhận vào làm việc liên tục từ ngày 01/3/1998, Công ty không ký hợp đồng lao động. Đến ngày 01/4/2001, Công ty ký hợp đồng lao động với bà M, công việc là công nhân phân loại chế biến lá thuốc. Năm 2016, Công ty cho bà M ngừng việc 19 ngày, năm 2017 ngừng việc 66 ngày. Công ty căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định của năm 2016 là 3.500.000 đồng/tháng và năm 2017 là 3.750.000 đồng/tháng để trả lương ngừng việc mà không có sự thỏa thuận với bà M là trái quy định, theo hợp đồng lao động mức lương của bà M là 6.120.000 đồng/tháng. Như vậy, tiền lương chênh lệch mà Công ty trả cho bà M còn thiếu năm 2016 là 1.914.000 đồng, năm 2017 là 6.016.000 đồng. Bà M yêu cầu Công ty phải truy đóng Bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 là 48.470.000 đồng, nếu không đóng thì trả bằng tiền.

Ngày 20/11/2018, bà M thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, cụ thể như sau: Yêu cầu Công ty truy đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 với mức phí là 36 tháng x 1,35 x 130.000 đồng x 20% = 1.263.000 đồng. Riêng đối với yêu cầu trả tiền lương ngừng việc chênh lệch còn thiếu năm 2016 và năm 2017 bà M vẫn giữ nguyên. Bà M xác định không còn tài liệu chứng cứ gì khác cung cấp cho Tòa án và không yêu cầu gì thêm.

* Theo bản tự khai của đại diện theo ủy quyền bị đơn bà Nguyễn Thị A trình bày:

Bà M vào Công ty làm việc từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001, công việc bà M được bố trí làm là phân loại nguyên liệu lá thuốc, không ký hợp đồng lao động, hai bên chỉ thỏa thuận miệng là khi nào có việc thì Công ty thông báo bà M vào làm, không có việc thì Công ty thông báo nghỉ và báo cho người lao động biết trước 03 ngày. Tiền lương Công ty trả cho bà M được tính theo ngày hoặc lương khoán theo nhóm đã có tính thêm 30% bao gồm bảo hiểm xã hội, nghỉ phép, thưởng…để người lao động tự lo nên không có bảng lương ổn định theo tháng, theo năm và người lao động nhận lương thông qua tổ trưởng hoặc theo nhóm nên không có ký nhận. Hiện nay, Công ty cũng không còn lưu giữ bảng lương thể hiện mức lương bà M đã nhận trong thời gian này nên không biết là bao nhiêu. Do trong khoảng thời gian trên bà M làm việc theo mùa vụ nên Công ty không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bà M và bà M cũng không thắc mắc khiếu nại gì. Từ tháng 4/2001, Công ty đã ký hợp đồng lao động với bà M nên Công ty đã thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho bà M. Căn cứ Bộ luật Lao động năm 1994 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đối với những trường hợp lao động thời vụ từ năm 2004 trở về trước Công ty chỉ giao kết hợp đồng bằng miệng là đúng. Tại Thông tư số 06/TT-BLĐTBXH ngày 04/4/1995 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều về Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành k m theo Nghị định số 12/NĐ ngày 26/01/1995 của Chính phủ thì việc bà M khởi kiện yêu cầu Công ty phải truy đóng bảo hiểm xã hội cho bà M từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 hoặc trả số tiền 48.470.000 đồng Công ty không đồng ý.

Đi với yêu cầu trả thêm tiền lương ngừng việc, số ngày bà M ngừng việc trong năm 2016 và 2017 Công ty thống nhất như bà M trình bày. Công ty đã trả lương ngừng việc cho bà M năm 2016, 2017 với tổng số tiền là 7.930.000 đồng. Do Công ty là đơn vị thành viên của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, đặc thù hoạt động của Công ty là trồng, thu hoạch, sơ chế thuốc lá, vụ mùa bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau mới có thu hoạch nên hoạt động của Công ty mang tính mùa vụ. Đồng thời do Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) nên Công ty gặp khó khăn về kinh tế và thu hẹp quy mô sản xuất, doanh số hàng năm giảm. Theo thỏa ước lao động tập thể Công ty ban hành ngày 26/4/2016, Quy chế phân phối tiền lương, tiền thưởng của Công ty, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định về quy định chi tiết thi hành về tiền lương. Công ty đã trả lương ngừng việc cho người lao động trong năm 2016 với mức lương là 3.500.000 đồng/tháng, năm 2017 với mức lương là 3.750.000 đồng/tháng. Công ty xác định đã trả lương ngừng việc cho bà M là đúng quy định của pháp luật nên Công ty không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà M.

* Đi diện theo ủy quyền Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ bà Đinh Thị Phương H trình bày: Bà M có quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 3/2001 đến tháng 4/2018 là 17 năm 07 tháng và tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2018 là 09 năm 10 tháng tại Công ty H (tên cũ là Công ty Nguyên liệu thuốc lá Nam). Việc bà M yêu cầu Công ty H phải đóng bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ đề nghị Công ty H và bà M phối hợp cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình làm việc của bà M tại Công ty H, lập hồ sơ theo quy định gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ thẩm định hồ sơ, theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 48/2018/LĐ-ST ngày 20/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã căn cứ Căn cứ vào Điều 32, Điều 35, Điều 39, Điều 227, Điều 228, Điều 244, Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 27, Điều 28, Điều 140, Điều 141 Bộ luật Lao động năm 1994; Điều 74, Điều 75, Điều 93, Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Bộ luật Lao động về tiền lương; Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/NĐ ngày 26/01/1995 của Chính phủ; Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M về việc “Tranh chấp bảo hiểm xã hội và tiền lương ngừng việc” với Công ty H.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 29/11/2018, bà Trần Thị M kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số 48/2018/LĐ-ST ngày 20/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đề nghị Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tham gia phiên tòa phúc thẩm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý đến khi xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đúng thành phần, đảm bảo vô tư khách quan, trình tự phiên tòa được Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Thư ký thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Về đề xuất đường lối giải quyết vụ án: Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trần Thị M sửa một phần án sơ thẩm.

Buộc Công ty H phải trả cho bà Trần Thị M 7.930.000 tiền lương ngừng việc năm 2016 và năm 2017.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M về việc yêu cầu Công ty H lập thủ tục hồ sơ để cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ công nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 với mức phí là 36 tháng x 1,35 x 130.000 đồng x 20% = 1.263.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của bà Trần Thị M làm trong hạn luật định, đóng tạm ứng án phí đúng quy định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm; Ông Phạm Thế Ph là đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, bà Nguyễn Thị A là đại diện theo ủy quyền của bị đơn, bà Đinh Thị Phương H là đại diện theo ủy quyền của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ, có đơn xin xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 238 Bộ luật Tố tụng Dân sự tiến hành xét xử vụ án theo quy định.

[2] Về nội dung kháng cáo của bà M.

[2.1] Đối với kháng cáo của bà M về bảo hiểm xã hội:

Bà M cho rằng bà được Công ty nhận vào làm việc liên tục từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 nhưng theo Công ty thì bà M làm việc có tính mùa vụ. Theo quy định tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam thì để lập hồ sơ truy đóng bảo hiểm xã hội phải có các giấy tờ có liên quan như: Hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, quyết định nâng bậc lương, quyết định tiếp nhận hoặc điều động, bảng lương..

tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và bị đơn thừa nhận từ khi bà M vào làm việc từ tháng 3/1998 đến tháng 4/2001 giữa bà M và Công ty không ký hợp đồng lao động, hai bên cũng không cung cấp được bảng thanh toán tiền lương tương ứng với thời gian truy thu, các văn bản giải trình hoặc các giấy tờ liên quan đến việc khoán sản phẩm công việc. Việc bà M căn cứ vào danh sách những người lao động tham gia làm việc của Công ty H gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xin ý kiến cơ quan bảo hiểm xã hội cho truy đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vào năm 2007, 2008 là không có cơ sở. Tại cấp phúc thẩm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản số 4175/BHXH-BT ngày 07/11/2019 gửi cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã xác định trường các bên không cung cấp được mức lương, chức danh nghề nghiệp hoặc những nội dung trong bản hợp đồng lao động.. theo quy định tại điểm c khoản 1 Mục III Thông tư số 09/LĐ-TBXH ngày 26/4/1996 của Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội thì không có căn cứ để tính thời gian truy thu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà M về việc lập thủ tục, truy đóng bảo hiểm xã hội cho bà M thời gian từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 là có căn cứ đúng pháp luật, do đó không chấp nhận kháng cáo của bà M về phần này.

[2.2] Đối với kháng cáo của bà M về tiền lương ngừng việc: Bà M và Công ty thống nhất về số ngày ngừng việc là 85 ngày, cụ thể năm 2016 là 19 ngày, năm 2017 là 66 ngày. Bà M yêu cầu Công ty phải trả tiền lương ngừng việc còn thiếu của năm 2016, năm 2017 là 66 ngày số tiền là 7.930.000 đồng. Theo bà M lỗi ngừng việc là của Công ty nên Công ty phải trả đủ lương, còn theo Công ty H xác định ngừng việc do kinh tế. Xét thấy, từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức y tế thế giới nên Công ty H phải chấm dứt hoạt động nhiều chi nhánh, thu hẹp sản xuất đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Theo tài liệu chứng cứ mà phúc thẩm thu thập bổ sung do Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp thì Bản kết luận của Thanh tra Bộ lao động Thương binh và Xã hội có kiến nghị Công ty H thực hiện thỏa thuận với người lao động về lương ngừng việc. Do đó dù có khó khăn về kinh tế Công ty H vẫn phải tiến hành thỏa thuận với người lao động về lương ngừng việc nhưng Công ty không thỏa thuận với người lao động là trái với quy định tại khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động năm 2012. Như vậy, đây là tình tiết mới tại cấp phúc thẩm nên cần sửa án sơ thẩm về tiền lương ngừng việc, buộc Công ty H phải trả cho bà M tiền lương ngừng việc còn thiếu trong năm 2016 là 19 ngày, năm 2017 là 66 ngày tổng số tiền là 7.930.000 đồng.

[3] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm về nghĩa vụ trả lương ngừng việc nên Công ty H phải chịu án phí 300.000 đồng án phí lao động sơ thẩm; Về án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm bà M được miễn theo quy định của pháp luật.

[4] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trần Thị M sửa một phần bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào Điều 238, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 27, Điều 28, Điều 140, Điều 141 Bộ luật Lao động năm 1994; Điều 98, Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Thông tư số 09/LĐ-TBXH ngày 26/4/1996 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M về tranh chấp tiền lương ngừng việc. Buộc Công ty H phải trả cho bà Trần Thị M 7.930.000 (bảy triệu chín trăm ba mươi nghìn) đồng tiền lương ngừng việc năm 2016 và năm 2017.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M về việc yêu cầu Công ty H lập thủ tục hồ sơ để cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ công nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 3/1998 đến tháng 3/2001 với mức phí là 36 tháng x 1,35 x 130.000 đồng x 20% = 1.263.000 đồng 3. Về án phí lao động sơ và phúc thẩm bà Trần Thị M được miễn.

4. Công ty H phải chịu 300.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.

5. Kể từ ngày có đơn thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất được quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

6.Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

546
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2019/LĐ-PT ngày 18/11/2019 về tranh chấp tiền lương ngừng việc và bảo hiểm xã hội

Số hiệu:37/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 18/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về