Bản án 37/2019/KDTM-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 37/2019/KDTM-PT NGÀY 25/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 25 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 35/2019/KTPT ngày 22/2/2019 về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 91/2019/QĐ-PT ngày 08/4/2019 giữa:

* Nguyên đơn: Công ty cổ phần vật liệu X; có địa chỉ tại: thôn X, xã V, huyện T, tỉnh Quảng Bình; Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Nam T, chức vụ: Tổng giám đốc, nay là ông V, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: ông Nguyễn Hoàng H, sinh năm 1974, có đại chỉ tại số 37BT3 Khu Bán đảo L, phường H, quận H, Hà Nội (giấy uỷ quyền ngày 11/4/2019). Ông Hải có mặt.

* Bị đơn:

1. Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm B; có địa chỉ tại: số 104 Trần H, phường C, quận H1, Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Xuân V, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: ông Hoàng A, sinh năm 1960, chức vụ: Giám đốc Ban pháp chế Bảo Việt; ông Nguyễn Viết T, sinh năm 1979, chức vụ: Chuyên viên Ban giám định bồi thường (giấy uỷ quyền số 4895/UQ-BHBV ngày 24/9/2018). Ông Hoàng A, ông T có mặt.

2. Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm B1; có địa chỉ tại: tầng 8, Tòa nhà số 4A L, quận B, Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông Bùi Xuân T, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Phạm Thị Thuý H, sinh năm 1976, chức vụ: Giám đốc Ban pháp chế kiểm soát nội bộ; bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1989, chức vụ: Chuyên viên Ban pháp chế PTI (Giấy uỷ quyền số 333/GUQ-PTI-PCKSNB ngày 09/11/2017). Bà H, bà T có mặt.

3. Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Đ; có địa chỉ tại: tầng 16, Tháp A V, số 191 B, quận H2, Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông Trần Hoài A, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Lê Xuân Q, sinh năm 1986, chức vụ: Chuyên viên Ban quản lý rủi ro BIC (Giấy uỷ quyền lập ngày 10/11/2017). Bà Q có mặt.

* Nhân chứng:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn A; có địa chỉ tại: Phòng 1201, Tầng 12 - Toà nhà Văn phòng trung tâm Hà Nội, số 44 L1, phường C1, quận H1, Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: bà Nguyễn Hoàng Q, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: ông Nguyễn Ngọc M, sinh năm 1985, bà Đặng Vũ Minh H, sinh năm 1990, có cùng địa chỉ tại: Phòng 6 tầng 11 Tòa nhà 4A L2, phường T, quận B, Hà Nội (Giấy uỷ quyền lập ngày 29/12/2017). Ông M có mặt, bà H vắng mặt.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn C (Nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn V); có địa chỉ tại: Tầng 5 Toà nhà Estar Building, số 147 - 149 V, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh; Người đại diện theo pháp luật: bà Trần Thị Phương B, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: bà Lê Thị Minh H, sinh năm 1978, chức vụ: Trưởng Chi nhánh VIA Hà Nội; ông Hoàng Ngọc S, sinh năm 1985, chức vụ: Giám định viên VIA. Bà H vắng mặt, ông Scó mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, vụ án có nội dung như sau:

Ngày 26/8/2013, Công ty CP Vật liệu xây dựng V (viết tắt là VCM) đã ký Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản bao gồm Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số TCT.D06.AD.13.HD487 về việc bảo hiểm cho nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc tại Quảng Bình với các nhà đồng bảo hiểm gồm: Tổng công ty bảo hiểm B (viết tắt là B); Tổng công ty CP bảo hiểm B1(viết tắt là PTI) - đại diện bởi Văn phòng Tổng công ty CP bảo hiểm B khu vực phía Nam) và Tổng công ty CP bảo hiểm Ngân hàng Đ (viết tắt là BIC) - đại diện bởi Công ty bảo hiểm B Sài Gòn.

Trong đó, B là công ty bảo hiểm đứng đầu, đại diện cho các công ty đồng bảo hiểm trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 (Tỷ lệ đồng bảo hiểm như sau: B 70%, PTI 20%, BIC 10%). Theo khoản 4 Điều 53. Điều khoản đồng bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm nêu trên quy định: Bên A (B) với tư cách là nhà đồng bảo hiểm đứng đầu sẽ đại diện cho Bên B (PTI và BIC) trong việc quản lý bất kỳ đơn khiếu nại nào thuộc đơn bảo hiểm này; hay nói cách khác, Bên B với tư cách là công ty đồng bảo hiểm sẽ hoàn toàn tuân theo Bên A trong việc giải quyết tất cả các khiếu nại phát sinh từ ngày có hiệu lực của đơn bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 ngày 26/8/2013 được ký bao gồm cả bản tiếng Anh và bản tiếng Việt, do Công ty TNHH A là Nhà môi giới thu xếp hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, phạm vi bảo hiểm - thiệt hại tài sản như sau: "Công ty bảo hiểm đồng ý bảo hiểm cho tất cả những tài sản cố định và cá nhân khi những tài sản này được đặt tại bất kỳ nơi nào trong những địa điểm được bảo hiểm nêu trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng hoặc thuê mướn cho mục đích sử dụng bởi Người được bảo hiểm, hoặc mua lại bởi Người được bảo hiểm và các tài sản khác thuộc sự trông coi, chăm sóc hoặc kiểm soát của Người được bảo hiểm, bao gồm nhưng không giới hạn đối với các tài sản trong quá trình xây dựng và/hoặc lắp ghép, lắp ráp và hoặc lắp đặt theo quy định đối với:

- Phần A: Cháy và nổ bắt buộc theo Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính.

- Phần B: Tất cả những tổn thất bất ngờ và không lường trước được hoặc hư hỏng đối với tài sản được bảo hiểm trừ những rủi ro bị loại trừ trong đơn bảo hiểm".

Ngày 30/9/2013, Bão số 10 (Wutip) đã đổ bộ vào Quảng Bình gây ra tổn thất rất lớn cho nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc của VCM. Sự kiện bảo hiểm - Bão Wutip đã được thể hiện trong các báo cáo giám định sơ bộ ngày 09/10/2013 và báo cáo giám định tạm thời ngày 10/01/2014 của Công ty Giám định Crawford Việt Nam (do B chỉ định).

Thiệt hại tài sản của VCM được xác định gồm: Nhà kho: 2.718.616.316 đồng; Hàng hoá Clinker: số lượng 21.515,4 tấn trị giá 14.630.472.000 đồng. Sau khi trừ đi số Clinker bán thanh lý được 6.236.930.989 đồng thì tổn thất Clinker thực tế của VCM là 8.393.541.011 đồng.

Nguyên nhân tổn thất theo kết luận giám định của Crawford là do: Thiệt hại bất ngờ - Bão Wutip. Căn cứ kết luận giám định của Crawford, B xác định tổn thất do bão là thuộc phạm vi bảo hiểm nên đã bồi thường cho VCM số tiền 2.572.471.247 đồng đối với riêng tổn thất Nhà kho. Còn lại tổn thất hàng hoá Clinker trị giá 8.393.541.011 đồng, từ đó đến nay B vẫn không giải quyết bồi thường với lý do tổn thất Clinker do "mưa to" và "gió lớn" gây ra thuộc điểm loại trừ bảo hiểm.

VCM thấy rằng cách thức B giải quyết bồi thường đối với tổn thất nhà kho (giá trị thấp hơn) còn đối với tổn thất lớn hơn là hàng hoá Clinker thì từ chối, trong khi cả hai loại tài sản nhà kho và hàng hoá Clinker đều thuộc phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 ngày 26/8/2013. Tổn thất xảy ra ngày 30/9/2013 nhưng đến ngày 03/9/2014 (sau tổn thất gần 12 tháng) B mới đưa ra văn bản từ chối bồi thường hàng hoá Clinker.

Ngày 24/11/2015, VCM đã khởi kiện B, PTI và BIC ra Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC đòi bồi thường bảo hiểm hàng hoá Clinker. Trong quá trình giải quyết trọng tài, giữa B, VCM và AON đã có biên bản làm việc ngày 10/6/2016. Trong đó, B ghi nhận đề xuất bồi thường của VCM số tiền là 5.036.124.607 đồng và sẽ thông báo kết quả cho Hội đồng trọng tài trước khi hết thời hạn ra phán quyết là ngày 28/6/2016. Tuy nhiên, ngày 17/6/2016 VIAC đã ra phán quyết số 60/15 nên VCM đã nộp đơn yêu cầu Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hủy phán quyết trọng tài số 60/15 của VIAC do vi phạm quy tắc tố tụng trọng tài và nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Ngày 30/3/2017, B ra văn bản chính thức từ chối bồi thường cho VCM với lý do tổn thất không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Nguyên đơn không đồng ý với lý do từ chối bồi thường của B, vì hàng hóa Clinker thuộc phạm vi bảo hiểm, vì điều khoản loại trừ "gió", "mưa bão" mà B đưa ra là không đúng vì "gió, mưa bão" là những hiện tượng gắn liền với "bão" là sự kiện thuộc phạm vi bảo hiểm thì không thể đưa vào điểm loại trừ được, gây bất lợi cho người được bảo hiểm. Trước đó, B đã bồi thường đối với tổn thất Nhà kho của VCM do bão gây ra.

Theo hợp đồng bảo hiểm bản tiếng Anh thì không có điểm loại trừ nào là "mưa bão" mà chỉ có điểm loại trừ do "mưa". Do hợp đồng bản tiếng Việt và bản tiếng Anh có sự chưa rõ ràng và mâu thuẫn nên áp dụng Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm: "Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm". Căn cứ quy định này thì điểm loại trừ "gió" và "mưa" chỉ được áp dụng đối với những tổn thất do mưa, gió thông thường gây ra (không phát sinh từ bão). Đối với những tổn thất do mưa to và gia lớn trong cơn bão thì phải được xác định là do "bão" gây ra.

Vì vậy, Bảo việt không thể dựa vào điểm loại trừ "gió", "mưa" để từ chối bồi thường tổn thất hàng hóa Clinker của VCM được.

VCM khởi kiện đề nghị Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm buộc các bị đơn phải bồi thường cho VCM theo tỷ lệ đồng bảo hiểm số tiền sau: Tổn thất hàng hóa Clinker là 8.393.541.011 đồng; Tiền lãi chậm chi trả bồi thường là 1.606.523.749 đồng (tính từ ngày 03/9/2014 đến hết ngày 03/6/2017, chậm thanh toán 33 tháng, lãi suất chậm trả 0,58%/tháng). Tổng cộng là 10.000.064.860 đồng.

Ngày 26/7/2018, nguyên đơn có ý kiến đề nghị Tòa án chấp nhận giá trị thực tế của hàng hóa Clinker thông qua kết quả đấu giá để làm căn cứ tính giá trị yêu cầu bồi thường. Tại phiên đấu giá số 56/2014 ngày 08/5/2014, có sự tham gia của B, công ty TNHH Mascon trả giá cao nhất là 6.200.000.000 đồng cho số hàng hóa Clinker bị tổn thất do bão Wutip. Căn cứ theo kết quả đấu giá Công ty Mascon đã thanh toán cho VCM số tiền 6.236.930.989 đồng. Căn cứ theo giá bán ra Clinker của VCM là 680.000đ/tấn thì tổn thất Clinker thực tế của VCM là: (680.000đ x 21.515,4) - 6.236.930.989đ = 8.393.541.011 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/9/2018, phía nguyên đơn có ý kiến đề nghị Tòa án căn cứ vào giá thành đơn vị Clinker (thời điểm xảy ra tổn thất) là 581.833đ/tấn theo "Bảng tính giá thành Clinker" đính kèm báo cáo giá thành Quý 3 của năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2013 của VCM đã được Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C kiểm toán và đề nghị Tòa án xác định giá trị tổn thất Clinker của VCM sẽ là: 6.281.483.793 đồng và tiền lãi chậm chi trả bồi thường tính từ ngày 03/9/2014 (ngày Bảo Việt ra văn bản từ chối bồi thường) đến ngày 3/9/2018 là 1.748.765.087 đồng. Tổng cộng số tiền yêu cầu bồi thường là 8.030.248.880 đồng.

Bị đơn: B, PTI và BIC có cùng quan điểm trình bày như sau:

- Hợp đồng bảo hiểm: Ngày 26/8/2013, B, PTI và BIC đã ký với VCM hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản bao gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số TCT.D06.AD.13.HD487 bảo hiểm cho nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc tại Quảng Bình, với tỷ lệ đồng bảo hiểm như sau: B 70%; PTI 20%; BIC 10%.

- Phạm vi bảo hiểm, thiệt hại tài sản: “Công ty bảo hiểm đồng ý bảo hiểm cho tất cả những tài sản cố định và cá nhân khi tài sản này được đặt tại bất kỳ nơi nào trong những địa điểm được bảo hiểm nêu trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng hoặc thuê mướn cho mục đích sử dụng bởi Người được bảo hiểm, hoặc mua lại bởi Người được bảo hiểm và các tài sản khác thuộc sự trông coi, chăm sóc hoặc kiểm soát của Người được bảo hiểm, bao gồm nhưng không giới hạn đối với các tài sản trong quá trình xây dựng và/hoặc lắp ghép, lắp ráp và/ hoặc lắp đặt theo quy định của:

Phần A: bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính.

Phần B: Tất cả những tổn thất bất ngờ và không lường trước được hoặc hư hại đối với tài sản được bảo hiểm trừ những rủi ro bị loại trừ trong đơn bảo hiểm”.

Hợp đồng bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 được ký bao gồm bản tiếng Việt và bản tiếng Anh có giá trị pháp lý như nhau, Hợp đồng bảo hiểm được Công ty TNHH A là nhà môi giới bảo hiểm thu xếp.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 52-Điều khoản hợp đồng bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm nêu trên quy định: "Bên A (Bảo Việt) với tư cách là Nhà đồng bảo hiểm đứng đầu sẽ đại diện cho Bên B (PTI và BIC) trong việc quản lý bất kỳ khiếu nại nào thuộc Đơn bảo hiểm này; hay nói cách khác, Bên B với tư cách là công ty bảo hiểm sẽ hoàn toàn tuân theo bên A trong việc giải quyết tất cả các khiếu nại phát sinh từ ngày có hiệu lực của Đơn bảo hiểm..."

- Quá trình tổn thất, giải quyết khiếu nại bồi thường:

Ngày 30/3/2013, Bão số 10 (Wutip) đã đổ bộ vào Quảng Bình gây ra mưa to đến rất to, khu vực nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc của VCM nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa bão số 10 (Wutip) đã gây ảnh hưởng tới tài sản của nhà máy này.

Ngày 07/10/2013, sau khi nhận được thông báo tổn thất của VCM, B đã thống nhất với VCM chỉ định Công ty giám định độc lập là Công ty TNHH Crawfort Việt Nam thay mặt Bảo Việt giám định và đánh giá tổn thất trên.

Ngày 09/10/2013, Crawford ra báo cáo sơ bộ qua đó đánh giá sơ bộ nguyên nhân và mức độ tổn thất.

Ngày 23/11/2013, để nhanh chóng khắc phục tổn thất các bên liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu khắc phục nhà kho bị tổn thất của VCM do bão số 10 gây ra.

Ngày 10/01/2014, Crawford ra báo cáo tiếp theo trên cơ sở dự phòng tổn thất đối với các nhà kho, Crawford căn cứ vào quy định của điều khoản điều kiện hợp đồng bảo hiểm đã đề xuất tạm ứng lần 1 cho VCM để tiến hành khắc phục tổn thất nhà kho bị hư hại do bão số 10 gây ra. Ngày 23/01/2014, Bảo Việt đã bồi thường tạm ứng lần 1 cho tổn thất nhà kho của VCM với tổng số tiền bồi thường không bao gồm thuế VAT là 1.500.000.000 đồng (Công văn bồi thường lần 1 số 291/BẢO VIỆT/GĐBT-2014 ngày 23/01/2014).

Ngày 03/9/2014, căn cứ theo đánh giá của Crawford, B phát hành văn bản số 2850/B/GĐBT-2014 thông báo phương án giải quyết tổn thất hàng hóa Clinker của VCM bị hư hại do bão số 10 gây ra không thuộc phạm vi của hợp đồng bảo hiểm đã cấp.

Không đồng ý với phương án giải quyết của B và các nhà đồng bảo hiểm đối với tổn thất hàng hóa Clinker do bão số 10 gây ra, ngày 24/11/2015, VCM đã gửi đơn khởi kiện các nhà đồng bảo hiểm B, PTI và BIC ra Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Ngày 17/6/2016, trung tâm trọng tài VIAC đã ra phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 60/15 giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH vật liệu x và các bên bị đơn B, PTI, BIC. Tại phần Quyết định phán quyết trọng tài số 60/15, trung tâm trọng tài VIAC đã ra phán quyết: Bác yêu cầu của nguyên đơn tại Đơn khởi kiện đề ngày 24/11/2015.

Không đồng ý với phán quyết trọng tài số 60/15 của VIAC, VCM đã nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Ngày 22/12/2016, Tòa án NDTP Hà Nội đã ra Quyết định số 10/2016/QĐ-PQPT hủy phán quyết trọng tài số 60/15 của VIAC.

Ngày 13/01/2017, Bảo Việt nhận được công văn yêu cầu bồi thường của người đại diện theo ủy quyền của VCM, yêu cầu B, PTI và BIC tiến hành giải quyết bồi thường cho tổn thất Clinker tại nhà máy xi măng Quảng Phúc do bão số 10 gây ra ngày 30/9/2013 với tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 9.858.354.109 đồng.

Ngày 30/3/2017, B có văn bản số 1412/BHBV-GĐBTTSKT tiếp tục bảo lưu quan điểm giải quyết đã nêu rõ tại văn bản số 2850/BHBV/GĐBT-2014 ngày 03/9/2014 của Bảo Việt là tổn thất hàng hóa Clinker của VCM bị hư hại do bão số 10 gây ra không thuộc phạm vi của Hợp đồng bảo hiểm đã cấp.

Ngày 06/11/2017, thì B, PTI và BIC nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án kinh doanh thương mại của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm về tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản theo đơn khởi kiện của VCM.

- Cơ sở từ chối bồi thường: VCM xác nhận Clinker được để ngoài bãi chứa ngoài trời theo từng ô, được phủ bạt chống thấm nước, được cột chắc chắn bằng dây thừng và giằng bằng các cọc xung quanh các ô chứa.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7024-2002, Phần Clinker xi măng pooc lăng thương phẩm, mục 6: Giao nhận, vận chuyển và bảo quản: "6.3: Kho chứa Clinker xi măng pooc lăng thương phẩm phải đảm bảo khô và sạch".

Đồng bị đơn cho rằng kho chứa Clinker của VCM để ngoài trời không có mái che và chỉ được che chắn bằng hình thức phủ bạt và giằng bằng các thanh gỗ nhỏ nên Clinker không được bảo quản để đảm bảo khô và sạch theo TCVN 7024-2002.

Căn cứ kết luận giám định thì nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất cho Clinker của VCM là do: mưa to và gió lớn trong bão số 10 gây ra. Thực tế, qua tìm hiểu định nghĩa về "bão" từ nguồn: http://dictionnary.reference.com/browse.storm cho thấy: "Bão" chỉ là hình thái thời tiết cực trị của các hiện tượng mưa, mưa đá, tuyết, sấm sét, cát bụi bay và gió mạnh.

Nội dung điểm loại trừ trong Đơn bảo hiểm TCT.D06.AD.13.HD487 như sau:

Bản tiếng Việt: "A. Những nguyên nhân loại trừ:

2. Thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm gây ra bởi:

(iv) gió, mưa bão, tuyết, sương mù, lũ lụt, nhiễm bụi cát đối với tài sản di động để ngoài trời hoặc trong các tòa nhà nhưng không được che chắn hoặc đối với hàng rào và cổng ngõ".

Bản tiếng Anh: Theo điểm loại trừ A.1.d.iv: "wind rain hail frost snow flood sand or dust to movable property in the open or in open sided buildings or to fences and gates"

Về bản chất của điểm loại trừ nêu trên là loại trừ nguyên nhân do gió và mưa, hoàn toàn không bị giới hạn bởi hình thái, trạng thái nào của các nguyên nhân đó (cực trị hay không cực trị). Với quy định loại trừ của Hợp đồng bảo hiểm nêu trên và trong trường hợp gió và mưa là nguyên nhân/hoặc yếu tố chính/hoặc trực tiếp gây ra tổn thất thiệt hại đối với tài sản di động để ngoài trời thì các tổn thất đó sẽ bị loại trừ.

Căn cứ theo quy định các nguyên nhân loại trừ của Hợp đồng bảo hiểm, B và các nhà đồng bảo hiểm dịch vụ bảo hiểm này xác định rằng các tổn thất đối với Clinker tại nhà máy của VCM để ngoài trời bị tổn thất bởi bão số 10 Wutip bị loại trừ bảo hiểm theo nội dung Hợp đồng bảo hiểm đã cấp và không có bất kỳ điều khoản bổ sung nào liên quan đến việc chấp nhận bảo hiểm đối với các nguyên nhân tổn thất đã bị loại trừ tương ứng với hạng mục này.

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm và nội dung điểm loại trừ trong đơn bảo hiểm TCT.D06.AD.13.HD487 được cấp bằng tiếng Anh và tiếng Việt thì về bản chất của điểm loại trừ nêu trên là loại trừ nguyên nhân do "gió" và "mưa", hoàn toàn không bị giới hạn bởi hình thái, trạng thái nào của các nguyên nhân đó (cực trị hay không cực trị). Trong trường hợp "gió" và "mưa" là nguyên nhân gây ra tổn thất thiệt hại đối với tài sản di động để ngoài trời thì các tổn thất đó sẽ bị loại trừ.

Do đó, đồng bị đơn không đồng ý với yêu cầu của người khởi kiện, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

* Công ty TNHH A (AON) trình bày: AON tham gia với tư cách là nhà môi giới bảo hiểm, đại diện cho nguyên đơn trong quá trình đàm phán và thu xếp Hợp đồng.

Theo Điều 68.4 Bộ luật tố tụng dân sự thì AON Việt Nam không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. AON chỉ có vai trò đại diện nguyên đơn trong việc đàm phán và thu xếp Hợp đồng bảo hiểm, không phải là một bên của hợp đồng và không có bất cứ quyền hay nghĩa vụ nào trong hợp đồng bảo hiểm này. Tuy nhiên, theo yêu cầu hợp pháp của quý Tòa, AON sẵn sàng cung cấp các thông tin có liên quan mà chúng tôi có thể phục vụ cho việc giải quyết vụ án.

Tranh chấp chính theo AON chủ yếu là do có sự khác nhau về thuật ngữ giữa bản tiếng Anh và bản tiếng Việt: Điểm loại trừ không đồng nhất, ngoài kho và trong kho. Trong trường hợp Hợp đồng bảo hiểm có điểm không rõ ràng cần dựa vào Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm để giải thích, như vậy khi có mâu thuẫn giữa bản tiếng Anh và bản tiếng Việt thì sẽ áp dụng bản nào có lợi hơn cho người được bảo hiểm. Người bảo hiểm (B) đã đăng ký điều khoản bảo hiểm với Bộ Tài chính cả bản tiếng Anh và bản tiếng Việt.

Hiện nay, các bên còn tranh chấp về điều khoản loại trừ (A1.đ.IV), điều khoản này chỉ được áp dụng khi thỏa mãn đủ 3 tiêu chí sau: *Thiệt hại gây ra bởi một trong những hiện tượng thời tiết bị loại trừ; *Tài sản được bảo hiểm và bị thiệt hại là tài sản di động và *Tài sản di động được bảo hiểm và bị thiệt hại được để ngoài trời hoặc trong các tòa nhà không được che chắn. Cả 3 yếu tố trên đều không được đáp ứng trong vụ việc này. Trên thực tế hàng hóa bị thiệt hại được che bạt phủ, có khối lượng rất lớn nên không thể để trong nhà kho hay tháp chứa. Nguyên nhân tổn thất là do sự kiện bất ngờ (bão) mà không lường trước được hậu quả. Hàng hóa để ngoài trời phải được hiểu là tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố môi trường mà không được che chắn chứ không phải là hàng hóa không để trong nhà kho.

Theo hợp đồng, điều kiện loại trừ bảo hiểm phải là tài sản di động để ngoài trời mà trường hợp này Clinker được để ngoài sân nhưng đã được phủ bạt và nẹp chặt bằng nẹp gỗ cẩn thận nên không thể được hiểu là hàng hóa để ngoài trời. Hợp đồng cũng không có điều khoản nào là Clinker phải được bảo quản theo tiêu chuẩn VN.

Theo bản tiếng Anh của Hợp đồng thì "Stock" được hiểu là hàng hóa lưu kho chứ không phải hàng hóa phải được để trong kho.

Như vậy, nếu giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên được bảo hiểm (bản tiếng Anh) thì trường hợp này hàng hóa Clinker không nằm trong các điểm bị loại trừ bảo hiểm và tổn thất phải được bồi thường.

Đoạn 2 của phần ghi chú trong Đơn bảo hiểm đề ngày 26/8/2013 quy định: "Các bên hiểu và chấp nhận rằng hợp đồng này sẽ được lập bằng cả bản tiếng Việt và tiếng Anh có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về ý nghĩa giữa hai bản thì bản nào có lợi hơn cho người được bảo hiểm sẽ được áp dụng.

Quy định trên cũng phù hợp với Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi năm 2010, theo đó: "Trong trường hợp Hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm".

Từ những phân tích trên, AON cho rằng không có bất kỳ điều kiện nào được thỏa mãn để điều khoản loại trừ có thể được áp dụng. Do đó, trong vụ việc này, thiệt hại đối với hàng hóa nằm trong phạm vi được bảo hiểm của Hợp đồng. AON đề nghị các bên xem xét lại thỏa thuận đã đạt được giữa các bên từ tháng 6/2016 vì phán quyết trọng tài đã bị hủy nên không còn giá trị, các bên có thể thỏa thuận giải quyết với nhau.

* Công ty TNHH C nay là Công ty TNHH V (VIA) trình bày: VIA nhận được yêu cầu giám định của Bảo Việt ngày 01/10/2013 và đã đến hiện trường vào ngày 01/10/2013 (nhà máy của Công ty cổ phần vật liệu x - VCM). VIA được biết, từ 12h00' ngày 30/9/2013 bão Wutip đã đổ bộ vào khu vực nhà máy với sức gió rất mạnh và mưa xối xả. Nhà máy bị ảnh hưởng bão đến trưa ngày 01/10/2013 và mưa lớn kéo dài đến nửa đêm.

VIA ghi nhận các hạng mục bị thiệt hại như nhà kho, một số hạng mục thuộc hệ thống thoát nước, hàng rào, khu tập thể và hàng hóa Clinker. Vào ngày 03/10/2016, VIA đã ra báo cáo cuối cùng đề xuất số tiền đền bù tổn thất là 2.572.474.247 đồng.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2018/KDTM-ST ngày 19/10/2018 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty VCM về việc đòi bồi thường tổn thất 21.515,4 tấn hàng hóa Clinker tại nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc tại Quảng Bình ngày 30/9/2013 do Bão Wutip (cơn bão số 10) năm 2013 gây ra theo Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số TCT.D06.AD.13.HD487 ký ngày 26/8/2013 giữa VCM với các bị đơn: Tổng công ty CP Bảo hiểm B, Tổng công ty CP Bảo hiểm B1 và Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đ.

2. Buộc các bị đơn phải thanh toán cho Công ty VCM số tiền bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm nêu trên là 6.281.483.793 đồng, tiền lãi chậm thanh toán của số tiền này là 2.308.445.293 đồng. Tổng cộng số tiền phải thanh toán là 8.589.929.086 đồng, theo tỷ lệ đồng bảo hiểm: B 70% = 6.012.950.360đ, PTI 20% = 1.717.985.817đ và BIC 10% = 858.992.908 đồng.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án thì bên phải thi hành án phải chịu lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với số tiền chưa thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, các bị đơn là Bảo hiểm B, Bảo hiểm B1, Bảo hiểm Ngân hàng Đ kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Viện kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm kháng nghị về phần án phí.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bên đương sự không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ gì mới ngoài bản fotocoppy tiêu chuẩn cơ sở xi măng cao cấp của phía nguyên đơn.

Đồng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề xuất tính lỗi của nguyên đơn, không tính lãi chậm trả vì Luật kinh doanh bảo hiểm không có quy định; Đơn giá Clinker không nói được cao hay thấp.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trình bày: sau khi xét xử sơ thẩm Tòa án cấp sơ thẩm đã có Quyết định đính chính về án phí nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị HĐXX phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày ở Tòa án cấp sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án đã đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

Công ty CP Vật liệu x và Tổng công ty bảo hiểm B; Tổng công ty CP bảo hiểm B1- đại diện bởi Văn phòng Tổng công ty CP bảo hiểm B1khu vực phía Nam) và Tổng công ty CP bảo hiểm Ngân hàng Đ - đại diện bởi Công ty bảo hiểm B Sài Gòn đều là các pháp nhân thành lập hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đã giao kết hợp đồng một cách công khai tự nguyện nên hợp đồng có hiệu lực thi hành đối với hai bên.

Về quan hệ tranh chấp: tranh chấp giữa Công ty CP Vật liệu x và Tổng công ty bảo hiểm B; Tổng công ty CP bảo hiểm B1và Tổng công ty CP bảo hiểm Ngân hàng Đ phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa hai bên là “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” là hoàn toàn phù hợp.

Về thẩm quyền giải quyết: Tổng công ty bảo hiểm B nắm tỷ lệ đồng bảo hiểm 70% và các bị đơn có thỏa thuận B đại diện khi ký kết có trụ sở tại số 104 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thụ lý và giải quyết sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

Thấy rằng đơn kháng cáo của đồng bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát trong thời hạn luật định, người kháng cáo đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo hợp lệ.

Trong vụ án này Công ty TNHH A là bên môi giới (có thu phí) cho nguyên đơn và đồng bị đơn ký kết hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì Công ty TNHH C (nay là Công ty TNHH V) là bên tiến hành giám định theo yêu cầu của B (có thu phí) do vậy 02 công ty này theo quy định tại khoản 6 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà chỉ là người làm chứng theo quy định tại Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về áp dụng pháp luật: giao kết hợp đồng bảo hiểm ngày 26/8/2013 nên Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và luật sửa đổi năm 2010 được áp dụng cùng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

[2]. Về nội dung vụ án và kháng cáo, kháng nghị:

Xem xét các lý do căn cứ mà phía bị đơn đưa ra để kháng cáo bản án sơ thẩm thì thấy.

Ngày 26/8/2013, Nguyên đơn và các đồng bị đơn đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản bao gồm Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số TCT.D06.AD.13.HD487. Trong đó B là Công ty bảo hiểm đứng đầu, đại diện cho các công ty đồng bảo hiểm trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 đã ký với VCM (Tỷ lệ đồng bảo hiểm như sau: B 70%, PTI 20%, BIC 10%). Theo khoản 4 Điều 53. Điều khoản đồng bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm nêu trên quy định: Bên A (B) với tư cách là nhà đồng bảo hiểm đứng đầu sẽ đại diện cho Bên B (PTI và BIC) trong việc quản lý bất kỳ đơn khiếu nại nào thuộc đơn bảo hiểm này; hay nói cách khác, Bên B với tư cách là công ty đồng bảo hiểm sẽ hoàn toàn tuân theo Bên A trong việc giải quyết tất cả các khiếu nại phát sinh từ ngày có hiệu lực của đơn bảo hiểm.

Theo đó, phạm vi bảo hiểm - thiệt hại tài sản như sau: "Công ty bảo hiểm đồng ý bảo hiểm cho tất cả những tài sản cố định và cá nhân khi những tài sản này được đặt tại bất kỳ nơi nào trong những địa điểm được bảo hiểm nêu trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng hoặc thuê mướn cho mục đích sử dụng bởi Người được bảo hiểm, hoặc mua lại bởi Người được bảo hiểm và các tài sản khác thuộc sự trông coi, chăm sóc hoặc kiểm soát của Người được bảo hiểm, bao gồm nhưng không giới hạn đối với các tài sản trong quá trình xây dựng và/hoặc lắp ghép, lắp ráp và hoặc lắp đặt theo quy định đối với:

- Phần A: Cháy và nổ bắt buộc theo Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính.

- Phần B: Tất cả những tổn thất bất ngờ và không lường trước được hoặc hư hỏng đối với tài sản được bảo hiểm trừ những rủi ro bị loại trừ trong đơn bảo hiểm".

Ngày 30/9/2013, Bão số 10 (Wutip) đã đổ bộ vào Quảng Bình gây ra tổn thất rất lớn cho nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc của VCM. Sự kiện bảo hiểm - Bão Wutip đã được thể hiện trong các báo cáo giám định sơ bộ ngày 09/10/2013 và báo cáo giám định tạm thời ngày 10/01/2014 của Công ty Giám định Crawford Việt Nam (do Bảo Việt chỉ định). Thiệt hại tài sản của VCM được xác định gồm: Nhà kho: 2.718.616.316 đồng; Hàng hoá Clinker: số lượng 21.515,4 tấn trị giá 14.630.472.000 đồng. Sau khi trừ đi số Clinker bán thanh lý được 6.236.930.989 đồng thì tổn thất Clinker thực tế của VCM là 8.393.541.011 đồng.

Quá trình hòa giải tại Tòa án sơ thẩm, nguyên đơn và các bị đơn đã thống nhất được với nhau: Hàng hóa Clinker là đối tượng được bảo hiểm; Tổn thất xảy ra đối với hàng hóa Clinker là có thật đã được Công ty giám định C kết luận; Khối lượng thiệt hại thực tế là 21.515,4 tấn; Nguyên nhân tổn thất thực tế là do bão Wutip năm 2013 (cơn bão số 10) gây ra; Các bên thống nhất vận dụng Mục A.1.đ.IV của Hợp đồng để xác định nguyên nhân bị loại trừ bảo hiểm; Không sử dụng giá trị nêu trong thông báo của Crawford để làm căn cứ tính bồi thường.

Đối với vấn đề các bên còn tranh chấp về việc hàng hóa Clinker bị thiệt hại có nằm trong điểm loại trừ bảo hiểm hay không. Các đồng bị đơn căn cứ vào ý kiến kết luận của Công ty giám định Crawford cho rằng: "Bão là hình thái cực trị của gió và mưa" mà gió và mưa là các điểm loại trừ bảo hiểm nên hàng hóa Clinker bị thiệt hại trong trường hợp này nằm trong điểm loại trừ bảo hiểm và từ chối bồi thường cho nguyên đơn.

Xét yêu cầu kháng cáo của đồng bị đơn, Hội đồng xét xử thấy, C và các bên bị đơn chỉ tìm hiểu vấn đề này qua từ điển, không phải là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực dự báo thời tiết. Theo quan điểm của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nêu tại công văn số 305 ngày 02/8/2018 gửi Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thì "Bão" không phải là hình thái cực trị của "Gió và "Mưa". "Gió" và "Mưa" là các khái niệm độc lập, tuy nhiên "Bão" luôn đi kèm với "Gió" và "Mưa" nhưng bão thường đi kèm với gió mạnh và sinh ra mưa lớn; Cụ thể trong trường hợp này báo cáo của C đã chỉ ra lượng mưa trong bão Wutip tại khu vực Quảng Bình là trên 100mm đến 200mm tương ứng với mưa rất to.

Căn cứ Quy tắc bảo hiểm ban hành kèm theo đơn bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 ký ngày 26/8/2013 quy định rằng:

A. Những nguyên nhân bị loại trừ: 1.(d).iv: "wind, rain hail frost snow flood sand or dust to movable property in the open or in open sided buildings or to fences and gates" (bản tiếng Anh) - Dịch sang tiếng Việt: gió mưa mưa đá sương mù tuyết lũ lụt cát hoặc bụi đối với tài sản di động để ngoài trời hoặc trong các tòa nhà nhưng không được che chắn hoặc đối với hàng rào và cổng ngõ; Hoặc "gió, mưa bão, tuyết, sương mù, lũ lụt, nhiễm bụi cát đối với tài sản di động để ngoài trời hoặc trong các tòa nhà nhưng không được che chắn hoặc đối với hàng rào và cổng ngõ" (bản tiếng Việt).

Như vậy, bản gốc tiếng Anh không liệt kê "Storm/bão" mà chỉ dẫn chiếu đến "wind rain hail frost snow flood sand or dust/gió mưa mưa đá sương mù tuyết lũ cát hoặc bụi" như là các nguyên nhân bị loại trừ. Do vậy, bản gốc tiếng Anh của Quy tắc sẽ được áp dụng vì theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm thì: "Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm" và Mục 2 Phần Ghi chú của Đơn bảo hiểm cũng quy định: "Trường hợp có sự khác biệt về ý nghĩa giữa hai bản tiếng Việt và tiếng Anh thì bản nào có lợi hơn cho người được được bảo hiểm sẽ được áp dụng", các quy định này cũng phù hợp với nguyên tắc giải thích hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm rằng một điều khoản loại trừ phải được hiểu theo nghĩa hẹp và có lợi cho người được bảo hiểm, tức là các nguyên nhân loại trừ bao gồm "Gió" và "Mưa" phải được hiểu theo nghĩa thông thường và hạn hẹp nhất, không thể được hiểu bao gồm mọi hình thái của gió và mưa hay các hiện tượng thời tiết khác mà gió và mưa đi kèm hoặc được tạo thành một phần từ gió và mưa. Nếu không điều khoản loại trừ sẽ trở nên thiếu rõ ràng và bất lợi cho người được bảo hiểm.

Mặt khác, như lời xác nhận của các bên bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm do bên bảo hiểm chủ động soạn thảo nên nếu có điều gì đó không rõ ràng gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm thì phải được giải thích/ hay hiểu theo hướng có lợi cho bên kia/ bên yếu thế theo quy định tại Điều 409 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như Điều 404 Bộ luật dân sự năm 2015. Từ đó thấy nhận định của Tòa án sơ thẩm về vấn đề này là đúng.

Về vấn đề: "tài sản di động để ngoài trời hoặc trong các tòa nhà nhưng không được che chắn". Vấn đề này, cả nguyên đơn và các bên bị đơn đều xác nhận hàng hóa Clinker bị tổn thất là tài sản thuộc phạm vi bảo hiểm; Quan điểm của các bên bị đơn cho rằng hàng hóa Clinker để ngoài trời không đúng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7024:2002 nên không thuộc phạm vi bảo hiểm (hay nói cách khác là nằm trong điểm loại trừ bảo hiểm), tuy nhiên trong hợp đồng bảo hiểm và phụ lục hợp đồng, các bên không có thỏa thuận về việc Clinker phải được bảo quản theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7024:2002 mà theo quy định tại Điều 574 Bộ luật dân sự năm 2005 thì nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại chỉ đặt ra khi nghĩa vụ đó được ghi rõ trong hợp đồng.

Trong điểm loại trừ có cụm từ "tài sản di động để ngoài trời", cụm từ này phải được hiểu là hàng hóa di động để tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và các hiện tượng thời tiết khác, trên thực tế số lượng hàng hóa Clinker bị thiệt hại của nguyên đơn là quá lớn (21.515,4 tấn) các si lô chứa Clinker và nhà kho của VCM tại thời điểm xảy ra tổn thất đã đầy không còn chỗ chứa (vấn đề này đã được Bảo Việt và VIA xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm) nên nguyên đơn đã để số hàng hóa này ở "bãi chứa ngoài trời theo từng ô và phủ bạt chống thấm nước, được cột chắc chắn bằng dây thừng và giằng bằng các cọc gỗ xung quanh các ô chứa". Như vậy, nguyên đơn đã thực hiện hết trách nhiệm trong việc bảo quản hàng hóa Clinker - Hàng hóa Clinker bị ướt và giảm chất lượng theo báo cáo của Crawford là do bị "ngấm nước mưa do tấm bạt che bị cuốn trôi trong cơn bão".

Mặt khác nếu như phía bị đơn cho rằng việc bảo quản hàng hóa (đối tượng được bảo hiểm) không đúng/ các biện pháp phòng ngừa thiệt hại không đúng thì theo Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó, nếu hết thời hạn đó mà họ không thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc không trả tiền nhưng trên thực tế bên bảo hiểm đã không có văn bản nào ấn định một thời hạn để VCM thực hiện. Do vậy khi có sự kiện bảo hiểm thì không được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và không thể xác định là nguyên đơn có lỗi trong vụ việc này như lời khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay.

Theo Báo cáo sơ bộ ngày 09/10/2013 của Crawford thì: "bão nhiệt đới Wutip đã trở thành siêu bão trên biển Đông Việt Nam... Bão vẫn không suy yếu khi tiến gần vào bờ biển miền Trung Việt Nam. Trưa ngày 30/9/2013, mưa to đi kèm với gió giật mạnh khi bão ập vào các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị... lượng mưa phổ biến là từ 100 đến 200mm trong ngày... Quảng Bình và Quảng Trị là các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất, trận bão đã gây thiệt hại đáng kể cho nhà cửa và các khu nhà công cộng thuộc các tỉnh nêu trên, có ít nhất 95.647 ngôi nhà được báo cáo bị thiệt hại hoặc sập". Như vậy, hàng hóa bị thiệt hại không phải chỉ do mưa, gió mà là do mưa, gió ở cấp độ rất lớn xảy ra trong trận bão.

Như vậy, có cơ sở để khẳng định hàng hóa Clinker tại nhà máy của nguyên đơn để ở bãi chứa ngoài trời, được cột chắc chắn bằng dây thừng và giằng bằng các cọc gỗ xung quanh các ô chứa đã được nguyên đơn trả phí bảo hiểm theo đơn bảo hiểm số TCT.D06.AD.13.HD487 ký ngày 26/8/2013 giữa các bên bị thiệt hại ngày 30/9/2013 là do bão Wutip gây ra mà "Bão" không nằm trong điểm loại trừ của đơn bảo hiểm nêu trên nên tổn thất hàng hóa Clinker của nguyên đơn thuộc phạm vi bảo hiểm. Việc Bảo Việt và các nhà đồng bảo hiểm giải thích hợp đồng theo hướng bất lợi cho bên mua bảo hiểm và từ chối bồi thường là không đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận tại Đoạn 2 phần Ghi chú của đơn bảo hiểm. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc các bị đơn phải thanh toán tiền bồi thường thiệt hại đối với tổn thất hàng hóa Clinker bị tổn thất của nguyên đơn là có căn cứ.

Về đơn giá bồi thường, nguyên đơn đưa ra giá trị hàng hóa Clinker là 581.833đ/tấn theo "Bảng tính giá thành Clinker" đính kèm báo cáo giá thành Quý 3 của năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2013 của nguyên đơn đã được Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C kiểm toán. Các bị đơn đã được cung cấp tài liệu liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn nhưng không phản đối cũng không thắc mắc giá đó cao hay thấp mà chỉ đề nghị Tòa án xem xét tính pháp lý của tài liệu do phía VCM giao nộp vì báo cáo của A&C có ghi: "Báo cáo của chúng tôi chỉ sử dụng để cung cấp cho Ban quản trị công ty và không sử dụng cho bất cứ mục đích nào khác...". Về vấn đề này, thấy rằng A&C là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán có đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp này VCM sử dụng báo cáo kiểm toán của A&C làm chứng cứ để đòi quyền lợi bảo hiểm cho chính mình. Trong khi đó đại diện cho các bên bị đơn tại Bản tự bảo vệ do Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm B tại trang cuối phần ý kiến của Bảo Việt về vấn đề này đã có quan điểm: …. Hồ sơ B thu thập và xác minh thì khối lượng Clinker bị tổn thất xác định là 21.388 tấn và đơn giá 680.000 đồng/tấn. Như vậy, yêu cầu xác định giá trị hàng hóa theo báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C của nguyên đơn là thấp hơn việc tự xác định giá trị của Bị đơn. Nên căn cứ khoản 1 Điều 92 và Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận giá thành sản xuất Clinker ghi nhận trong báo cáo kiểm toán quý 3 của VCM do A&C thực hiện là căn cứ tính giá trị tổn thất Clinker của VCM. Chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất 21.515,4 tấn Clinker x 581.833đ/tấn - 6.236.930.989đ (giá trị thanh lý) = 6.281.483.793 đồng là có căn cứ.

Đối với yêu cầu tính lãi chậm thanh toán của VCM, về nguyên tắc phía bị đơn từ chối thanh toán nghĩa vụ mà lẽ ra mình phải thực hiện thì phải chịu lãi chậm thanh toán. Luật kinh doanh bảo hiểm không quy định vấn đề lãi suất do chậm thanh toán tiền bảo hiểm, do đó, căn cứ khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định "trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm thì phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định..."; thì VCM là bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán tương ứng với thời gian chậm thanh toán là 49 tháng kể từ ngày Bảo Việt có văn bản từ chối bồi thường cho đến ngày Tòa án xét xử là có căn cứ, được chấp nhận.

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước thì mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, tương đương 0,75%/tháng.

Do đó, khoản tiền lãi các bên bị đơn phải thanh toán cho VCM là 6.281.483.793đ x 49 tháng x 0,75%/tháng = 2.308.445.293 đồng.

Tổng cộng số tiền các bị đơn phải thanh toán cho VCM là 8.589.929.086 đồng.

Như vậy là các nội dung kháng cáo không chấp nhận, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với các bị đơn và lập luận của các bị đơn đưa ra đã được Tòa án sơ thẩm xem xét phân tích, đánh giá đầy đủ phù hợp thực tế vụ việc và các quy định của pháp luật.

Kết luận của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội là đúng pháp luật, phù hợp diễn biến vụ việc.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của đồng bị đơn là B, PTI và BIC và chấp nhận rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm về việc không có người liên quan trong vụ án này.

Về án phí: Án phí sơ thẩm đồng bị đơn phải chịu trên số tiền phải thanh toán.

Do kháng cáo không được chấp nhận nên đồng bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92, Điều 97, Điều 144, Điều 147, khoản 3 Điều 198, Điều 220, 227, Điều 264, Điều 266, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

Áp dụng khoản 2 Điều 16, Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

Áp dụng Điều 409, 567, 574 và 576 của Bộ luật dân sự năm 2005.

Áp dụng Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, nộp án, lệ phí Tòa án và mục 1.4 phần II Danh mục án phí.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần vật liệu x về việc đòi bồi thường tổn thất 21.515,4 tấn hàng hóa Clinker tại Nhà máy sản xuất Clinker Quảng Phúc tại Quảng Bình ngày 30/9/2013 do Bão Wutip (cơn bão số 10) năm 2013 gây ra theo Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản số TCT.D06.AD.13.HD487 ký ngày 26/8/2013 giữa Công ty cổ phần vật liệu x với các bị đơn: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đ.

2. Buộc các bị đơn phải thanh toán cho Công ty cổ phần vật liệu x số tiền bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm nói trên là 6.281.483.793 đồng, tiền lãi chậm thanh toán của số tiền này là 2.308.445.293 đồng. Tổng cộng số tiền phải thanh toán là 8.589.929.086 đồng, theo tỷ lệ đồng bảo hiểm: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B 70% = 6.012.950.360 đồng, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B1 20% = 1.717.985.817 đồng và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đ 10% = 858.992.908 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

Các bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch theo số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn. Theo đó: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B phải chịu 114.012.950 đồng, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B1 phải chịu 63.539.575 đồng và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đ phải chịu 37.769.787 đồng; Án phí phúc thẩm: Các bị đơn Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm B1 và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đ mỗi doanh nghiệp phải chịu 2.000.000 đồng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 02736 ngày 06/12/2018 (B); số 02708 ngày 28/11/2018 (B1); số 02695 ngày 16/11/2018 (BIC) tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Công ty cổ phần vật liệu x được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 57.000.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 02330 ngày 25/10/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,9 Luật thi hành án. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 25/4/2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1886
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2019/KDTM-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:37/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 25/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về