Bản án 34/2018/DS-ST Ngày 05/11/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CƯ KUIN, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 34/2018/DS-ST NGÀY 05/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 05 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 75/2018/TLST- DS ngày 10 tháng 9 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/2018/QĐXXST- DS ngày 17 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Phạm Thị H, sinh năm 1964.

Địa chỉ: Số 25A đường H, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lăk (Có mặt).

- Bị đơn: Bà Hoàng Thị Ngọc B, sinh năm 1973.

Địa chỉ: Thôn H, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lê Thị Bích H1, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Thôn H, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 24 tháng 8 năm 2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn là bà Phạm Thị H trình bày:

Ngày 06/6/2018 bà H cho bà Hoàng Thị Ngọc B vay 200.000.000 đồng, mục đích cho vay là để bà B đáo hạn ngân hàng, khi vay hai bên không thỏa thuận lãi suất mà bà B chỉ cam kết sẽ trả lãi cho bà H là 1%/ ngày. Bà B hẹn đến ngày 08/6/2018, sau khi ngân hàng giải ngân xong sẽ trả đầy đủ cả gốc và lãi cho bà H, tại thời điểm vay có bà Lê Thị Bích H1 là người cùng thôn với bà B đứng ra bảo lãnh về số nợ trên cho bà B và cam kết nếu bà B không trả được nợ thì bà H1 sẽ đứng ra trả nợ thay cho bà H, bà B viết giấy vay số tiền trên của bà H và cùng bà H1 ký tên xác nhận người vay và người bảo lãnh rồi giao cho bà H giữ. Nhưng khi đến hạn trả nợ bà B cũng như bà H1 đều không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà H đúng như cam kết, mặc dù bà H đã rất nhiều lần đi đòi nợ. Vì vậy, bà H khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc bà Hoàng Thị Ngọc B và bà Lê Thị Bích H1 phải có trách nhiệm trả lại cho bà H số tiền gốc 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) và tiền lãi chậm trả theo số tiền gốc từ ngày 08/6/2018 cho đến khi thanh toán hết số nợ nêu trên, mức lãi suất tính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bà H không có yêu cầu nào khác. Ngoài giấy vay tiền ngày 06/06/2018 đã cung cấp cho Tòa ra bà H không còn bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào khác để cung cấp cho Tòa án.

Theo các lời khai trong quá trình giải quyết bị đơn bà Hoàng Thị Ngọc B trình bày:

Bà Hoàng Thị Ngọc B thừa nhận có vay của bà Phạm Thị H số tiền 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) vào đầu tháng 6 năm 2018 như bà H đã trình bày. Mục đích vay tiền là vay giùm bà Lê Thị Bích H1 người cùng thôn của bà B. Bà H1 nhờ vay giùm với mục đích lấy số tiền đó để đáo hạn ngân hàng, các bên không thỏa thuận lãi suất. Lý do bà H1 không trực tiếp đi gặp bà H để vay là do trước đó bà H1 đã từng vay tiền của bà H nên ngại không dám vay thêm của bà H nữa, chính vì lý do đó nên đã nhờ bà B đứng ra vay giùm cho bà H1. Sau khi vay bà B không hề quan tâm đến số nợ nêu trên, vì bà H đã nhiều lần đến nhà nhắc nhở bà B trả nợ, bà B có nói lại với bà H1 và bà H1 đã nhận nợ với bà H. Bà H1 hẹn bà H đến mùa Tiêu năm sau sẽ trả hết nợ cho bà H và bà H cũng đã đồng ý cho bà H1 trả nợ vào mùa Tiêu tiếp theo rơi vào năm 2019. Nay bà H khởi kiện yêu cầu cả bà B và bà H1 phải có trách nhiệm trả số tiền 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) và tiền lãi phát sinh thì bà B không đồng ý, bởi số nợ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) này tuy bà B là người đi vay nhưng sau khi nhận tiền của bà H bà B đã đưa lại cho bà H1 sử dụng để đáo hạn ngân hàng và bà H1 đã đứng ra cam kết bảo lãnh sẽ trả số tiền trên cho bà H. Vì vậy, bà H1 là người có trách nhiệm trả cho bà H số tiền vay gốc và tiền lãi phát sinh theo mức lãi suất do pháp luật quy định tính từ ngày 08/6/2018 cho đến khi thanh toán hết số nợ nêu trên cho H, còn bà B không có nghĩa vụ cùng bà H1 trả nợ cho bà H. Ngoài các lời khai của mình ra bà B không có bất cứ tài liệu, chứng cứ gì liên quan đến việc vay mượn để cung cấp cho Tòa án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Bích H1 trình bày:

Vào đầu tháng 6 năm 2018 gia đình bà H1 có nhu cầu đáo hạn ngân hàng, do thiếu vốn nên bà H1 có vay của bà Phạm Thị H số tiền 580.000.000 đồng  (Năm trăm tám mươi triệu đồng), vì có quen biết bà H nên hai bên thỏa thuận cho vay sau khi làm thủ tục đáo hạn ngân hàng xong bà H1 sẽ trả cho bà H số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng), số tiền 80.000.000 đồng (tám mươi triệu đồng) còn lại sẽ trả sau vì điều kiện lúc này ngân hàng chỉ cho vay lại500.000.000 đồng. Bà H là người tự tay đi đáo hạn ngân hàng và nhận lại số tiền 500.000.000 đồng từ ngân hàng. Sau đó, bà H1 viết lại giấy nợ cho bà H với số tiền là 80.000.000 đồng cộng với số tiền 20.000.000 đồng tiền lãi và dịch vụ đáohạn, tổng cộng là 100.000.000 đồng. Cũng trong thời gian này, con trai bà H1 là Lê Đức Tr có vay tín chấp tại ngân hàng T số tiền 200.000.000 đồng và cần phải đáo hạn ngân hàng nên bà H1 đã nhờ bà Hoàng Thị Ngọc B đứng ra vay của bà H số tiền 200.000.000 đồng như bà B đã trình bày, sau khi vay được tiền bà B đã đưa toàn bộ số tiền cho bà H1 để đáo hạn ngân hàng. Nhưng sau khi đáo hạn ngân hàng xong, do con trai bà H1 làm mất giấy tờ nên không làm thủ tục vay lại được, vì vậy bà H1 đã đến gặp bà H xin hẹn trả toàn bộ số nợ trên đến mùaTiêu vào tháng 4 năm 2019. Trước đó, bà H1 nợ bà H số tiền 100.000.000 đồng cộng thêm 200.000.000 đồng do bà B đứng ra vay giùm là 300.000.000 đồng cộng thêm 20.000.000 đồng tiền lãi, tổng cộng là 320.000.000 đồng. Bà Hvà bà H đã thống nhất gộp các số nợ lại 1 giấy nợ là 320.000.000 đồng, còn lại những giấy nợ trước đó không còn giá trị pháp lý gì, tất cả các giấy tờ vay đều do bà H đang nắm giữ nên bà H1 không có tài liệu chứng cứ để nộp cho Tòa án, bà Bà H1 xác nhận mình còn nợ của bà H 320.000.000 đồng, trong đó bao gồm cả 200.000.000 đồng mà bà B đi vay giùm cho bà Hạnh. Nay bà H khởi kiện yêu cầu bà H1 và bà B cùng có trách nhiệm trả số tiền 200.000.000 đồng và tiền lãi tính theo mức lãi suất do pháp luật quy định thì bà H1 đồng ý một mình đứng ra trả hết nợ trên cho bà H đến hết ngày 30/4/2019, vì số tiền này bà B đã đưa cho bà H1 sử dụng và bà H1 đã cam kết đứng ra bảo lãnh trả nợ thay cho bà B. BàH1 xác nhận ngoài lời khai của mình ra bà H1 không có bất cứ tài liệu, chứng cứ gì liên quan đến việc vay mượn giữa bà với bà H để cung cấp cho Tòa án làm căn cứ giải quyết vụ án.

Ý kiến của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên toà: Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử vào phòng nghị án Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử và các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng quy định tại các Điều70,71,72 và 73 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết qủa tranh tụng tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 335, 342, 463, 466, 468, 470 Bộ luật dân sự năm 2015, chấp yêu cầu của nguyên đơn và buộc bà Lê Thị Bích H1có nghĩa vụ trả cho bà Phạm Thị H số tiền gốc là 200.000.000 và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án gồm: Giấy vay tiền ngày 06 tháng 06 năm 2018 do nguyên đơn cung cấp; Bản tự khai của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do Tòa án thu thập trong qúa trình giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về tố tụng và thẩm quyền: Bà Phạm Thị H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Hoàng Thị Ngọc B và bà Lê Thị Bích H1phải trả số tiền vay gốc là 200.000.000 đồng cùng với tiền lãi chậm trả phát sinh, đây là tranh chấp về hợp đồng vay tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do bị đơn có địa chỉ nơi cư trú tại thôn H, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý, giải quyết là đúng với quy định của pháp luật.

 [2] Về nội dung tranh chấp: Căn cứ giấy mượn tiền ngày 06/6/2018, thể hiện nội dung bà B có vay của bà H 200.000.000 đồng, các bên không thỏa thuận tiền lãi, bà B hẹn đến ngày 08/6/2018 sẽ trả hết nợ cho bà H, giấy vay tiền có chữ ký xác nhận của người vay là bà B và người bảo lãnh cho bà B là bà H1, trong đó bà H1 cam kết nếu bà B không trả được thì bà H1 sẽ trả nợ giúp cho bà B, ngoài ra các bên không có nội dung thỏa thuận nào khác. Tại khoản 1 Điều 339 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”. Như vậy, khi đến hạn trả nợ tức vào ngày 08/6/2018 bà B không thực hiện được nghĩa vụ trả số tiền 200.000.000 đồng cho bà H thì bà H có quyền yêu cầu bà H1 thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho bà B là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bà H yêu cầu cả bà B và bà H1 phải cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và tiền lãi chậm trả phát sinh cho bà H là không có căn cứ vì đây không phải là nghĩa vụ liên đời mà là nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Tại khoản 1 Điều 342 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó”. Ngoài ra, bà H1 và bà B đều xác định sau khi vay tiền của bà H, bà B đã đưa lại số tiền 200.000.000 đồng cho bà H1 sử dụng để đáo hạn ngân hàng và bà H1 đã cam kết trả nợ cho bà H số tiền nêu trên. Do đó, cần buộc bà H1 phải có nghĩa vụ trả cho bà H số tiền vay gốc là 200.000.000 đồng.

 [3] Về tiền lãi do bà B không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho bà H khi đến hạn nên việc bà H yêu cầu tiền lãi chậm trả là có cơ sở. Hợp đồng vay tài sản giữa các bên là hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi, bà H chỉ yêu cầu tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính tiền lãi chậm trả từ ngày 08/6/2018 đến ngày 05/11/2018 tương đương là 04 tháng 27 ngày như sau: (200.000.000 đồng x 0,83% /tháng x 04 tháng) + (200.000.000 đồng x 0.0277%/ngày x 27 ngày) = 8.136.000 đồng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 336 Bộ luật dân sự năm 2015 về phạm vi bảo lãnh thì nghĩa vụ bảo lãnh còn bao gồm cả tiền lãi trên số tiền chậm trả nên ngoài số tiền gốc bà H1 còn phải có nghĩa vụ trả cho bà H số tiền lãi phát sinh như trên. Như vậy, cần buộc bà H1 có nghĩa vụ trả cho bà H 200.000.000 đồng tiền vay gốc và 8.136.000 đồng tiền lãi, tổng cộng là 208.136.000 đồng.

 [4] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật nên cần chấp nhận.

 [5] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của H được Tòa án chấp nhận nên bà B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuy nhiên, bà H1 là người phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà H nên bà H1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm với mức 208.136.000 đồng x 5% = 10.407.000 đồng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; các Điều 144, 147, 235, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng: Các Điều 292, 335, 336, 339, 342, 463, 466, 468, 470 và khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị H buộc bà Lê Thị Bích H1 có nghĩa vụ trả cho bà Phạm Thị H 208.136.000đ (hai trăm lẻ tám triệu, một trăm ba mươi sáu nghìn đồng).

- Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Về án phí: Bà Phạm Thị H không phải chịu án phí được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.000.000đ (năm triệu đồng) theo biên lai nộp tạm ứng án phí số AA/2017/ 0007180 ngày 06/9/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Bà Lê Thị Bích H1 phải chịu 10.407.000đ (mười triệu, bốn trăm lẻ bảy nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Các đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

279
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34/2018/DS-ST Ngày 05/11/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:34/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cư Kuin - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về