Bản án 337/2019/HS-PT ngày 30/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 337/2019/HS-PT NGÀY 30/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 30 tháng 11 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 282/2019/TLPT-HS ngày 30 tháng 10 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Ngọc N. Do có kháng cáo của bị cáo Phạm Ngọc N và bị hại Chung Thị Thanh P đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2019/HS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện C.

- Bị cáo có kháng cáo: Phạm Ngọc N; Sinh năm 19XX, tại huyện C, tỉnh Đ; Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: số XX, đường Cái Sơn, khóm X, phường X, thành phố S, tỉnh Đ; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Nghề nghiệp: Nhân viên; Trình độ học vấn: XX/12; Cha: Phạm Văn M, sinh năm 19XX; Mẹ: Võ Thị H, sinh năm 19XX; Anh chị em ruột: có 02 người, bị cáo là người thứ nhất; Vợ: chưa có; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc N theo yêu cầu: Luật sư Lâm Văn Khuyển - Văn phòng luật sư Sông Hậu, thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ (có mặt).

- Người bị hại: Chung Thị Thanh P, sinh năm 19XX (có mặt);

Cư trú: ấp Phú T, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại Chung Thị Thanh P theo yêu cầu: Luật sư Nguyễn Thị Mai - Văn phòng luật sư Quỳnh Hoa, thuộc đoàn luật sư tỉnh Đồng Tháp (có mặt).

- Điều tra viên: Ông Bùi Văn T - Điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh Đ (có mặt).

- Người làm chứng:

1. Trần Ngọc Nguyên Q, sinh năm 19XX; Cư trú: Lý Thường Kiệt, Khóm 5, Phường X, TP. S, tỉnh Đ (có mặt).

2. Huỳnh Phú A, sinh năm 19XX; Cư trú: đường Cái Sơn, Khóm X, Phường X, TP. S, tỉnh Đ (có mặt).

3. Nguyễn Thanh T1, sinh năm 19XX; Cư trú: Khóm X, Phường X, TP. S, tỉnh Đ (có mặt).

4. Nguyễn Thị Bảo H1, sinh năm 19XX; Cư trú: ấp Tân T, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ (có mặt).

5. Trần Thị Kim A1, sinh năm 19XX; Cư trú: ấp Thạnh P, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ (có mặt).

6. Trần Minh T2, sinh năm 19XX; Cư trú: ấp An Hòa N, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ (có mặt).

7. Bùi Hải L, sinh năm 19XX; Cư trú: ấp Phú Hội X, xã Phú L, huyện C, tỉnh Đ (vắng mặt).

8. Phạm Lê Đăng P1, sinh năm 19XX; Cư trú: ấp Tân T, xã An H, huyện C, tỉnh Đ (vắng mặt).

9. Lê Văn H2, sinh năm 19XX; Cư trú: ấp Bình Q, xã Bình P, huyện C, tỉnh A (vắng mặt).

10. Nguyễn Tấn A2, sinh năm 19XX; Cư ngụ: ấp Phú A, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ (vắng mặt).

11. Huỳnh Sĩ T3, sinh năm 19XX; Cư ngụ: ấp Phú A, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ (vắng mặt).

Ngoài ra, Viện kim sát không có kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tt như sau:

Phạm Ngọc N và Chung Thị Thanh P, sinh năm 19XX ngụ ấp Thạnh P, xã Tân B, huyện C là đồng nghiệp với nhau tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nguyên H, thuộc ấp Thạnh P, xã Tân B, huyện C. Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 30/8/2018 giữa bị cáo N và bị hại P xảy ra mâu thuẫn bất đồng trong công việc, bị cáo N đến phòng làm việc của chị P và có hành vi dùng tay nắm tóc kéo chị P ra ngoài làm trúng đầu chị P vào tường và té ngã làm đầu và trán chị P đập xuống nền gạch, bị cáo N đè lên người chị P rồi lấy dép của bị cáo (dép da hiệu bitas) đánh nhiều cái vào vùng đầu phía sau và vùng mặt của chị P gây thương tích. Sau đó được mọi người can ngăn và đưa chị P đến bệnh viện Đa khoa S điều trị, đến ngày 31/8/2018 chị P xin xuất viện tiếp tục đến Bệnh viện mắt và Bệnh viện 115 tại thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị. Đến ngày 05/9/2018 chị Chung Thị Thanh P có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo Phạm Ngọc N.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 303/TgT ngày 20/9/2018 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Chung Thị Thanh P như sau: chấn thương mắt trái gây giảm thị lực mắt trái 03/10. Thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 18%.

Quá trình điều tra, bị hại Chung Thị Thanh P yêu cầu bồi thường chi phí điều trị, tiền ăn uống, tiền công lao động (có hóa đơn, chứng từ và bản kê kèm theo) là 21.536.000 đồng và tổn thất tinh thần số tiền 69.500.000 đồng. Tổng cộng các khoản chị P yêu cầu bồi thường là 91.036.000 đồng. Bị cáo Phạm Ngọc N đồng ý bồi thường chi phí điều trị, tiền ăn uống, tiền công lao động với số tiền 21.536.000 đồng (nhưng hiện tại chưa có tiền bồi thường), không đồng ý bồi thường tiền tổn thất tinh thần số tiền 69.500.000 đồng.

Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 cái áo thun ngắn tay màu xám, bâu áo có viền trắng - đen - đỏ, tay áo bên phải và phần thân áo bên phải đã bị rách; 01 mắt kính bị gãy đôi, gộng kính màu nâu và 01 mũ bảo hiểm màu xanh - đen (loại nón thể thao) do Phạm Ngọc N tự nguyện giao nộp.

Đối với chiếc dép bị cáo Phạm Ngọc N dùng đánh Chung Thị Thanh P, do lúc đầu Công an xã Tân Bình không thu giữ để cho N mang về nhà và đã làm mất nên không thu hồi được.

Trong quá trình điều tra có người làm chứng cho rằng Phạm Ngọc N có dùng mũ bảo hiểm màu đen đánh bị hại Chung Thị Thanh P gây thương tích, nhưng do không thu giữ được mũ bảo hiểm, Nguyên cũng khai không có dùng mũ bảo hiểm đánh và bị hại P cũng không xác định được mình bị đánh bằng hung khí gì nên không đủ căn cứ chứng minh việc Nguyên dùng mũ đánh P gây thương tích.

Đối với việc bị hại Chung Thị Thanh P cho rằng ngoài Phạm Ngọc N đánh P gây thương tích thì còn có Trần Ngọc Nguyên Q, sinh năm 19XX ngụ số XX, Lý Thường Kiệt, khóm X, phường X, thành phố S, tỉnh Đ và Huỳnh Phú A, sinh năm 19XX ngụ ấp An Hòa N, xã Tân B, huyện C, tỉnh Đ cũng có hành vi dùng tay đánh P gây thương tích. Nhưng qua điều tra, xác minh thì Q và Phú A không thừa nhận có đánh P, chỉ thừa nhận đến can ngăn, đối với các người làm chứng có mặt thì có người khai thấy Q và Phú A đánh P, có người khai không thấy và các lời khai của các người làm chứng có nhiều mâu thuẫn với nhau. Do đó, chưa đủ căn cứ xử lý đối với Trần Ngọc Nguyên Q và Huỳnh Phú A với vai trò là đồng phạm với Phạm Ngọc N.

Trong quá trình điều tra bị cáo Phạm Ngọc N cho rằng khi đến phòng Chung Thị Thanh P thì P là người nắm áo N trước nên N mới nắm tóc chị P giằn co làm đầu bà P va đập vào tường, nền gạch và sau đó mới dùng dép đánh bà P. Nhưng qua quá trình điều tra thì có đủ căn cứ kết luận Phạm Ngọc N là người chủ động nắm tóc và đánh bà P như nội dung đã nêu trên.

Tại bản án số 35/2019/HS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện C đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 134; điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015;

Tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Ngọc N01 (một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 590 Bộ luật dân sự;

Buộc bị cáo Phạm Ngọc N bồi thường chi phí điều trị, tiền ăn uống, tiền công lao động số tiền 21.536.000 đồng (làm tròn số) và tiền tổn thất tinh thần là 10 tháng lương cơ sở bằng 14.900.000 đồng cho người bị hại Chung Thị Thanh P. Tổng cộng số tiền là 36.436.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bà Chung Thị Thanh P mà bị cáo chưa thi hành, thì hàng tháng còn phải trả tiền lãi đối với số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành án xong.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 23 tháng 9 năm 2019, bị cáo Phạm Ngọc N có đơn kháng cáo kêu oan.

Cùng ngày 23 tháng 9 năm 2019, bị hại Chung Thị Thanh P kháng cáo cho rằng án sơ thẩm bỏ lọt tội phạm vì không phải chỉ bị cáo Phạm Ngọc N đánh gây thương tích cho chị mà còn có Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q cùng tham gia đánh chị. Đồng thời, bị hại P còn cho rằng bị cáo Phạm Ngọc N, Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q đều sử dụng nón bảo hiểm, dép da hiệu bitas, tay chân gây thương tích cho chị 18%, đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự nên đề nghị cấp phúc thẩm xử tăng hình phạt đối với bị cáo N. Ngoài ra, chị P còn kháng cáo yêu cầu tăng phần tiền bồi thường tổn thất tinh thần.

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm cho rằng hành vi của bị cáo Phạm Ngọc N bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ. Tuy nhiên, theo kết luận giám định thì tỷ lệ thương tật của bị hại là 18%, do vật tày gây nên nhưng án sơ thẩm chưa phân tích, kết luận được thương tích của chị P có phải do vật tày gây ra hay không. Án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự để xét xử bị cáo N là chưa phù hợp vì chưa làm rõ dép da bittas có phải là hung khí nguy hiểm hay không. Án sơ thẩm cho rằng bị cáo N đi thẳng vào phòng nắm tóc chị P để đánh. Hành vi đó là hành vi côn đồ nhưng án sơ thẩm không nêu và nhận định trong bản án. Án sơ thẩm cũng chưa xem xét tính đồng phạm của vụ án liên quan đến Phú A, Q. Mặt khác, quá trình điều tra các lời khai do điều tra viên Bùi Văn T và cán bộ điều tra Nguyễn Văn C tiến hành làm việc nhưng tại phiên tòa bị cáo, bị hại, những người làm chứng đều cho rằng chưa được làm việc với điều tra viên T lần nào dẫn đến quyền lợi của bị cáo, bị hại bị thiệt hại.

Xét thấy, vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có mâu thuẫn trong việc xác định kết quả giám định, truy tố, xét xử và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Người bào chữa cho bị cáo N phát biểu quan điểm thống nhất với quan điểm của vị Đại diện Viện kiểm sát. Đồng thời vị luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về nguyên nhân trực tiếp gây thương tích cho bị hại, những người làm chứng đều xác định không biết thương tích ở mắt của bị hại do ai gây ra. Kết quả giám định chưa chuẩn xác vì tài liệu kèm theo thiếu biên bản tiếp nhận tin tố giác nên chưa khách quan; kết luận giám định chưa xác định thương tích do vật gì gây ra. Hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện đa khoa S không yêu cầu khám mắt, kết quả giám định mắt không dựa vào hồ sơ điều trị mắt tại thành phố Hồ Chí Minh mà dựa vào hồ sơ bệnh án của bị hại ở bệnh viện S trong khi hồ sơ bệnh án này lại ghi nhận thương tích do tại nạn xã hội là không có căn cứ, đề nghị cho giám định lại. Lời khai những người làm chứng mâu thuẫn nhau. Kết luận điều tra, kết luận giám định và án sơ thẩm cũng mâu thuẫn nhau. Tại phiên tòa phúc thẩm, điều tra viên trình bày là khi xảy ra sự việc đến ngày hôm sau mới nhận được tin báo. Các chứng cứ quan trọng trong vụ án không được cung cấp ở giai đoạn điều tra mà đến giai đoạn xét xử mới cung cấp. Công an viên và anh T1 xác định làm việc với anh T1 chỉ có 01 lần nhưng hồ sơ thể hiện 02 biên bản làm việc. Với các luận cứ nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Trong phần tranh luận, bị cáo N thống nhất với lời bào chữa của luật sư bào chữa cho bị cáo. Bị cáo không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bị hại Chung Thị Thanh P, bị cáo bị oan.

Bị hại Chung Thị Thanh P cho rằng: Án sơ thẩm bỏ lọt tội phạm vì không phải chỉ bị cáo Phạm Ngọc N đánh gây thương tích cho chị mà còn có Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q cùng tham gia đánh chị. Đồng thời, bị hại P còn cho rằng bị cáo Phạm Ngọc N, Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q đều sử dụng nón bảo hiểm, dép da hiệu bitas, tay chân gây thương tích cho chị 18%, đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là luật sư Nguyễn Thị Mai phát biểu quan điểm cho rằng cơ quan điều tra không có bản ảnh nhận dạng vật chứng, không cho thực nghiệm điều tra là thiếu sót. Xét về nguyên nhân dẫn tới sự việc đã có đủ cơ sở cho rằng hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa không thành khẩn khai báo, không tỏ ra ăn năn hối cải, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cân nhắc đồng phạm trong vụ án là Trần Ngọc Nguyên Q và Huỳnh Phú A; Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khung hình phạt ở khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự đối với bị cáo N mới thỏa đáng với hành vi của bị cáo gây ra cho người bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Trong quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng trong vụ án không có ý kiến, khiếu nại gì về hành vi, quyết định của các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của các cơ quan, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.

Đối với những người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm không có lý do. Xét thấy những người này đã có lời khai tại cơ quan điều tra đã rõ ràng và sự vắng mặt của những người này không gây trở ngại cho việc xét xử. Do đó, căn cứ Điều 292, khoản 1 Điều 293 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt những người này.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Ngọc N cho rằng bị cáo không phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên, bị cáo không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bị hại P.

Bị hại Chung Thị Thanh P cho rằng: Án sơ thẩm bỏ lọt tội phạm vì không phải chỉ bị cáo Phạm Ngọc N đánh gây thương tích cho chị mà còn có Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q cùng tham gia đánh chị. Đồng thời, bị hại P còn cho rằng bị cáo Phạm Ngọc N, Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q đều sử dụng nón bảo hiểm, dép da hiệu bitas, tay chân gây thương tích cho chị 18%, đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự.

[3] Hội đồng xét xử xét thấy, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm đã có đủ cơ sở xác định: Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 30/8/2018, giữa bị cáo N và bị hại P xảy ra mâu thuẫn trong công việc, bị cáo N đến phòng làm việc của chị P có hành vi dùng tay nắm tóc kéo chị P ra ngoài làm trúng đầu chị P vào tường và té ngã làm đầu và trán chị P đập xuống nền gạch, bị cáo N đè lên người chị P rồi lấy dép của bị cáo (dép da hiệu bitas) đánh nhiều cái vào vùng đầu phía sau và vùng mặt của chị P gây thương tích. Sau đó được mọi người can ngăn và đưa chị P đến bệnh viện Đa khoa S điều trị, đến ngày 31/8/2018 chị P xin xuất viện tiếp tục đến Bệnh viện mắt và Bệnh viện 115 tại thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị. Như vậy, tại hiện trường lúc xảy ra sự việc, chỉ có bị cáo N và bị hại P. Còn Trần Ngọc Nguyên Q, Huỳnh Phú A và anh T1, chị Bảo H1, chị Kim A1, anh L đều không có mặt tại hiện trường. Cho đến khi thấy bị cáo N đánh bị hại thì những người này mới có mặt tại hiện trường. Điều này phù hợp với lời khai của bị cáo, phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ án; kết luận giám định Pháp y về thương tích đối với bị hại và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đã có đủ cơ sở xác định chính bị cáo Phạm Ngọc N đã có hành vi dùng tay nắm tóc kéo chị P ra ngoài làm trúng đầu chị P vào tường và té ngã làm đầu và trán chị P đập xuống nền gạch, bị cáo N đè lên người chị P rồi lấy dép của bị cáo đánh nhiều cái vào vùng đầu phía sau và vùng mặt của chị P gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 18%.

Hành vi của bị cáo Phạm Ngọc N là nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật. Bị cáo là người đã trưởng thành, có thể chất, tinh thần phát triển bình thường, có khả năng điều khiển hành vi, giao tiếp xã hội, nhận thức được pháp luật, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Bị cáo nhận thức được việc dùng tay, dùng dép đánh vào cơ thể người khác là sẽ gây thương tích, là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn thực hiện và hậu quả đã xảy ra làm cho bị hại P bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 18%, chứng tỏ việc phạm tội của bị cáo là cố ý và thực hiện tội phạm đã hoàn thành.

[4] Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Ngọc N về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ, phúc thẩm, bị cáo Phạm Ngọc N cho rằng bị cáo có nám tóc chị P giằn co làm đầu chị P va đập vào tường, nền gạch và có dùng dép đánh vào đầu, mặt chị P nhưng thương tích của bị hại không thể do bị cáo gây ra. Còn bị hại Chung Thị Thanh P thì cho rằng ngoài bị cáo N đánh chị còn có Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q cùng tham gia đánh gây thương tích cho chị. Lời khai của người bị hại phù hợp với lời khai của những người làm chứng Nguyễn Thanh T1, Nguyễn Thị Bảo H1, Trần Thị Kim A1, phù hợp với lời khai của Huỳnh Phú A (BL150), Trần Ngọc Nguyên Q (BL143, 144) và bị cáo N, phù hợp với vật chứng được đề cập trong vụ án cùng các chứng cứ khác thể hiện trong hồ sơ vụ án. Sau đó, Huỳnh Phú A và Trần Ngọc Nguyên Q thay đổi lời khai không thừa nhận có đánh chị P. Cấp sơ thẩm cho rằng những người làm chứng có người khai thấy Q và A đánh P, có người khai không thấy và các lời khai của những người làm chứng có nhiều mâu thuẫn với nhau nên chưa đủ căn cứ xử lý đối với Trần Ngọc Nguyên Q và Huỳnh Phú A với vai trò là đồng phạm với Phạm Ngọc N là chưa phù hợp vì cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để xác định sự thật khách quan. Trong vụ án này, những người trực tiếp chứng kiến sự việc ngay từ đầu là Nguyễn Thanh T1, Nguyễn Thị Bảo H1, Trần Thị Kim A1. Anh Bùi Hải L là người vào can ngăn sau cùng nhưng anh không chứng kiến sự việc ngay từ đầu. Lê Văn H2 và Phạm Minh T4 có nhìn thấy hai người đánh nhau và mọi người bu đông, hai anh đứng từ xa nhìn chứ không vô can. Còn Trần Minh T2, Phạm Lê Đăng P1 đến hiện trường khi sự việc đã kết thúc.

Mặt khác, vật chứng trong vụ án là chiếc dép da hiệu bitas, tuy cơ quan điều tra không thu được nhưng đã chụp ảnh chiếc dép này lại và bị cáo cũng thừa nhận sử dụng chiếc dép này để gây thương tích cho bị hại. Kết luận điều tra cho rằng bị cáo đánh bị hại bằng tay là chưa phù hợp với diễn biến sự việc và kết quả giám định pháp y. Cáo trạng có đề cập đến việc bị cáo sử dụng dép đánh bị hại nhưng viện dẫn kết luận giám định pháp y lại không thể hiện do vật tày gây ra. Bản án sơ thẩm ghi nhận thương tích của chị P là 18% nhưng không ghi nhận do vật gì tác động. Diễn biến vụ án cho rằng bị cáo dùng dép da hiệu bitas gây thương tích cho bị hại và xét xử bị cáo tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự nhưng án sơ thẩm chưa phân tích, kết luận được thương tích của chị P có phải do vật tày gây ra hay không, chưa làm rõ chiếc dép da hiệu bitas có phải là hung khí nguy hiểm hay không cũng không nhận định tại sao chiếc dép da hiệu bitas không phải là hung khí nguy hiểm. Án sơ thẩm cho rằng bị cáo N đi thẳng vào phòng nắm tóc chị P để đánh. Hành vi đó là hành vi côn đồ nhưng án sơ thẩm không nêu và nhận định trong bản án là thiếu sót.

Ngoài ra, quá trình điều tra các lời khai do điều tra viên Bùi Văn T và cán bộ điều tra Nguyễn Văn C tiến hành làm việc nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo, bị hại và những người làm chứng đều xác định họ chưa từng được làm việc với điều tra viên Bùi Văn T lần nào. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bị cáo, bị hại. Do không được làm việc với điều tra viên nên bị cáo, bị hại không được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định như quyền được biết kết luận giám định, quyền được khiếu nại ... để họ biết mà thực hiện. Trong khi, bị cáo N kháng cáo kêu oan, cho rằng bị cáo không phạm tội; bị hại P kháng cáo yêu cầu làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xem xét tính đồng phạm.

Xét thấy, cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, có mâu thuẫn trong việc xác định, nhận định, phân tích kết quả giám định ở giai đoạn truy tố, xét xử và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

[4] Xét đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Xét lời bào chữa của vị luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc N cũng như ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là phù hợp như Hội đồng xét xử đã phân tích ở phần trên nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a, c khoản 1 Điều 358 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 35/2019/HS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện C. Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện C để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Do hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nên không xem xét kháng cáo của bị cáo và người bị hại.

Về án phí: Bị cáo Phạm Ngọc N và bị hại Chung Thị Thanh P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

211
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 337/2019/HS-PT ngày 30/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:337/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Tháp
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về