Bản án 31/2017/HS-ST ngày 06/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐĂK HÀ, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 31/2018/HS-ST NGÀY 06/09/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Sáng ngày 06 tháng 9 năm 2017, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thụ lý số: 27/2017/ HSST, ngày 29 tháng 5 năm 2017, đối với bị cáo: Lê Đức M (tên gọi khác: Bé), sinh ngày 25/12/1988, tại tỉnh Kon Tum; HKTT: Thôn A, xã K, thành phố KT, tỉnh Kon Tum; Nơi ở: Số 38/9 đường Trần Nhân Tông, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon tum.

Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 4/12; Con ông Lê Văn C (Chết năm 2009) và bà Hồ Thị N, sinh năm 1956; Bị cáo chưa có vợ.

Tiền sự: không; Tiền án: có một tiền án, ngày 06 tháng 11 năm 2012, bị Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm và xử phạt 04 (bốn) năm tù về tội “Cướp giật tài sản”. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/01/2017 cho đến nay đưa ra xét xử, có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Anh Nguyễn Vĩnh S, sinh năm 1973; Trú tại: Thôn C, xã K, huyện Đ, tỉnh Kon Tum, có mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chị Phạm Thị M1, sinh năm 1979; Trú tại: Thôn C, xã K, huyện Đ, tỉnh Kon Tum, có mặt tại phiên tòa.

NHẬN THẤY

Bị cáo Lê Đức M (tên gọi khác: Bé) bị Viện kiểm sát nhân huyện Đăk Hà truy tố về hành vi phạm tội, như sau:

Khoảng 08 giờ ngày 25/3/2016, anh Nguyễn Vĩnh S, sinh năm 1973. Trú tại: Thôn C, xã K, huyện Đ, tỉnh Kon Tum đến Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Huy H (TNHH MTV), tại thôn 1B, xã ĐL, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum làm thủ tục thanh toán tiền với công ty. Lúc này, anh Đinh Thế D, sinh năm 1980. HKTT: Thôn Phước B, xã Ân Hảo Đ, huyện H, tỉnh Bình Định. Chỗ ở hiện nay: Thôn Kon rơ Bàng 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum cũng đang sửa xe ôtô ở xưởng của Công ty. Tại đây, anh D gặp và hỏi anh S về số tiền sửa xe ôtô mà anh S còn nợ mình. Anh S nói với anh D “mày làm xe tao không được, tháo ra lắp lại mà đòi lấy tiền”, anh D nói lại “tôi làm xe cho anh cả năm rồi, anh nói gì kỳ vậy”. Giữa anh D và anh S xảy ra xích mích lời qua tiếng lại, anh D nói với anh S “ông đợi đấy, tí nữa ông biết”. Anh S không nói gì rồi đi vào công ty. Đến khoảng 08 giờ 30 cùng ngày, Lê Đức M đang ngủ ở nhà trọ (không biết số nhà) trên đường Trần Nhật Duật, thành phố Kon Tum thì Đinh Thế D điện thoại tới cho M nói “Mày đang ở đâu? Lên trên xưởng, S trâu đang ở đó, chém chết mẹ nó cho tao”. Nghe vậy, M trả lời “Ừ để em lên”. Sau đó, M vệ sinh cá nhân rồi lấy con dao tự chế, dài khoảng 60cm, bản rộng khoảng 5cm có lưỡi bằng kim loại, cán cầm bằng gỗ giấu trong người rồi điều khiển xe môtô hiệu Attila (không biết biển số, xe này M mượn của người bạn mới quen tên Tùng ở tỉnh Gia Lai, hiện chưa xác định được tên, tuổi, địa chỉ cụ thể) đến Công ty Huy Hoàng. Tại đây, M dừng xe trước cổng rồi vào công ty tìm gặp anh D và hỏi “S đâu?”, D nói “S đang ở ngoài cổng, ra đằng trước đi”. M đi ra cổng tìm anh S nhưng không thấy nên ghé vào quán nước của anh Lê Đức Duẩn (trước cổng Công ty Huy Hoàng) gọi nước uống. Lúc này, anh S làm xong thủ tục thanh toán với Công ty nên cũng ghé quán để uống nước. Anh S vào ngồi chung bàn và ở ghế đối diện với M. Khi thấy anh S vừa ngồi xuống ghế, M dùng tay phải rút dao giấu trong người ra, vung lên chém vào người anh S theo hướng từ trên xuống và từ phải qua trái, anh S giơ tay trái lên đỡ thì bị chém trúng vào cổ tay trái làm bàn tay trái đứt lìa, rơi xuống đất. M tiếp tục dùng dao chém anh S nhưng anh S tránh né được. Sau đó, M cầm dao bỏ chạy ra xe định lấy xe đi về nhà trọ thì bị anh S đuổi theo giằng co làm xe môtô ngã xuống đường, M bỏ xe chạy vào vườn cà phê ở gần Công ty Huy Hoàng trốn và vứt bỏ con dao tại đây. Sau khi bị chém, anh S được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Khi mọi người đưa anh S đi cấp cứu, M quay lại hiện trường lấy xe môtô, điều khiển xe về nhà trọ trả cho bạn. Sau đó M đón xe khách lên bãi gỗ ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trốn. Ngày 29/9/2016, Lê Đức M đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà đầu thú, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 14/11/2016, Lê Đức M bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà ra quyết định khởi tố bị can, ra quyết định truy nã về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 09/01/2017, M bị Phòng truy nã tội phạm Công an tỉnh Kon Tum bắt theo quyết định truy nã sau đó chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Tại Bản kết luận giám định pháp y số: 80/TgT-TTPY ngày 12/7/2016 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Kon Tum kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định của anh Nguyễn Vĩnh S là 52% (Tháo khớp cổ tay trái).

Quá trình điều tra, Đinh Thế D thừa nhận có điện thoại nhờ Lê Đức M đến xưởng gỗ của Công ty TNHH MTV Huy H nhằm mục đích “Dằn mặt” anh Nguyễn Vĩnh S, vì biết M làm bảo vệ bãi gỗ cho Công ty mà theo suy nghĩ của D thì những người trông coi bãi gỗ thường có “máu mặt trong giới giang hồ”, nên muốn nhờ M ra mặt nói chuyện với anh S để anh S sợ mà trả tiền nợ chứ không thừa nhận việc điện thoại nói M đến xưởng gỗ “chém chết mẹ anh S” như Lê Đức M khai báo. Hiện tại, ngoài lời khai của Lê Đức M thì không còn tài liệu, chứng cứ nào thể hiện nội dung D nhờ M đem dao đến chém anh S gây thương tích. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào có đủ căn cứ sẽ xử lý sau.

* Về vật chứng của vụ án: Quá trình điều tra, Lê Đức M khai nhận sử dụng con dao tự chế dài khoảng 60cm, lưỡi dao bằng kim loại có bản rộng 5cm, cán dao bằng gỗ chém anh Nguyễn Vĩnh S. Sau khi gây án đã vứt tại vườn cà phê gần Công ty TNHH MTV Huy H. Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm nhưng không tìm thấy. Đối với chiếc xe môtô hiệu Attila được dùng làm phương tiện đến Công ty để chém anh S thì M mượn của bạn tên Tùng ở Gia Lai, sau khi gây án đã đem xe trả lại cho bạn, M không biết biển số xe cũng như họ tên, địa chỉ cụ thể của Tùng, nên Cơ quan điều tra không có cơ sở xác minh, xử lý theo quy định. Đối với chiếc điện thoại mà M đã sử dụng để liên lạc với Đinh Thế D, trong quá trình đi làm rừng M đã đánh rơi, nhưng không xác định được rơi ở đâu, nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để tổ chức truy tìm.

* Về dân sự: Sau khi gây thương tích cho anh Nguyễn Vĩnh S, Lê Đức M chưa bồi thường để khắc phục hậu quả, người bị hại yêu cầu Lê Đức M phải bồi thường toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị là 236.850.000 đồng.

Quá trình điều tra, Lê Đức M đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân.

Tại bản cáo trạng số: 24/CT-VKS ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Hà truy tố Lê Đức M (tên gọi khác: Bé), về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7; điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Đức M từ 06 năm đến 08 năm tù, tính từ ngày bắt tạm giam.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được tham tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Tại phiên tòa xét xử công khai hôm nay, Hội đồng xét xử đã xác định được: Khoảng 08 giờ 30 ngày 25/3/2016, Lê Đức M đang ngủ ở nhà trọ trên đường Trần Nhật Duật, thành phố Kon Tum thì nhận được điện thoại của Đinh Thế D nói “Lên trên xưởng, S trâu đang ở đó”, bị cáo đồng ý và lấy con dao tự chế dài khoảng 60cm, bản rộng khoảng 5cm có lưỡi bằng kim loại, cán cầm bằng gỗ giấu trong người rồi điều khiển xe môtô hiệu Attila mượn của bạn mới quen tên Tùng ở tỉnh Gia Lai đến Công ty TNHH MTV Huy H, tại thôn 1B, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum chém anh Nguyễn Vĩnh S một nhát trúng vào cổ tay trái làm bàn tay trái đứt lìa, rơi xuống đất gây thương tích 52%. Sau khi chém anh Nguyễn Vĩnh S, bị cáo vứt bỏ con dao gây án tại vườn cà phê gần Công ty Huy H sau đó điều khiển xe môtô về nhà trọ trả cho bạn rồi đón xe khách lên bãi gỗ ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trốn.

Đồng thời, khi thực hiện hành vi gây thương tích, bị cáo có đủ độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện với lỗi cố ý. Mặt khác, xem xét đánh giá về vật chứng, thì con dao tự chế được coi là loại “Hung khí nguy hiểm”. Giữa anh S và bị cáo không có mâu thuẫn gì, khi anh S vừa ngồi xuống thì ngay lập tức bị cáo đã dùng dao lấy từ trong người ra chém một cái vào người của anh S, anh S giơ tay lên đỡ thì trúng vào tay trái và đứt bàn tay. Hành vi đó thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn, gây thương tích cho người khác một cách vô cớ, khi chưa biết mâu thuẫn giữa anh D và anh S thế nào. Mặt khác, khi bị cáo gặp anh S cũng không nói gì và ngay lập tức dùng dao chém vào người anh S làm đứt lìa bàn tay trái, gây ra thương tật là 52%. Mặc dù, thương tích chỉ 52%, nhưng bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích và có thể hiện tính chất côn đồ được quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự. Do vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Lê Đức M phạm tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (áp dụng hành vi phạm tội tại thời điểm phạm tội). Tuy nhiên, theo Nghị quyết số: 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc Hội - Về việc thi hành Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và Công văn số 327/TANDTC-PC, ngày 07 tháng 11 năm 2016 - V/v viện dẫn các điều khoản có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 trong bản án thì bị cáo được hưởng các tình tiết định khung hình phạt của tội Cố ý gây thương tích, tức là bị cáo được áp dụng điểm c khoản 3 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017 để quyết định hình phạt.

Khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

3. “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm”.

Khoản 3 điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) .......................................................................................................................................................

b) .......................................................................................................................................................

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

Như vậy, tại thời điểm phạm tội bị cáo bị áp dụng khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm. Nhưng bị cáo được hưởng tình tiết có lợi theo Nghị quyết số: 41 của Quốc hội, thì bị cáo bị áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017, có mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Hành vi phạm tội của Lê Đức M là nguy hiểm cho xã hội. Xâm phạm đến khách thể quan trọng được pháp luật công nhận và bảo vệ đó là tính mạng, sức khỏe của con người. Bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật với thương tích là 52%. Gây nên dư luận xấu trong xã hội; ảnh hưởng đến trật tự trị an; Tác động xấu đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Thể hiện ý thức coi thường và bất chấp pháp luật. Do vây, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử lý bị cáo với mức án tương xứng với tội lỗi của bị cáo gây ra.

Xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Xét về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo đã thật sự “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” với hành vi phạm tội của mình. Sau khi phạm tội, biết mình không thể trốn tránh được nên đã ra đầu thú, nhưng sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xét về nhân thân, thì trước khi phạm tội bị cáo đã có tiền án về tội “Cướp giật tài sản” bị Tòa án tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm vào ngày 06/11/2012 với mức án là 4 năm tù, được giảm án hai lần và chấp hành xong hình phạt về địa phương sinh sống từ ngày 31/3/2015. Đến ngày 25/3/2016 lại phạm tội mới, sau khi phạm tội bỏ trốn khỏi địa phương nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, gây khó khăn cho quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã rất tốn nhiều công sức, phải truy nã mới bắt được bị cáo. Đáng lẽ ra khi chấp hành xong hình phạt thì bị cáo phải nhận thức được việc làm của mình là sai trái mà tự cải tạo, nhưng với bản tính coi thường pháp luật, tính ngang ngược, côn đồ, xem thường tính mạng người khác, nên tiếp tục phạm tội mới nguy hiểm hơn.

Từ đó, Hội đồng xét xử xét thấy, nhân thân của bị cáo chưa tốt, cần xử phạt bị cáo với mức án nghiêm minh, tương xứng với tội lỗi của bị cáo gây ra, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, nhằm cải tạo, giáo dục riêng. Đồng thời, để răn đe, phòng ngừa chung.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Đinh Thế D thừa nhận có điện thoại nhờ Lê Đức M đến xưởng gỗ của Công ty TNHH MTV Huy H nhằm mục đích “Dằn mặt” anh Nguyễn Vĩnh S, để anh S sợ mà trả tiền nợ chứ không thừa nhận việc điện thoại nói bị cáo M đến xưởng gỗ “chém chết mẹ anh S” như bị cáo M khai báo. Hiện tại, ngoài lời khai của bị cáo thì không còn tài liệu, chứng cứ nào thể hiện nội dung anh D nhờ bị cáo M đem dao đến chém anh S gây thương tích. Tại phiên tòa, qua lời khai của bị cáo và bị hại cũng không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh anh Đinh Thế D đồng phạm với bị cáo M. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào có đủ căn cứ sẽ xử lý sau. Hội đồng xét xử thấy là phù hợp nên không đề cập.

- Về vật chứng:

Một con dao tự chế dài khoảng 60cm, lưỡi dao bằng kim loại có bản rộng 5cm, cán dao bằng gỗ chém anh Nguyễn Vĩnh S. Sau khi gây án bị cáo đã vứt tại vườn cà phê gần Công ty TNHH MTV Huy Hoàng. Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm nhưng không tìm thấy. Đối với chiếc xe môtô hiệu Attila được dùng làm phương tiện đến Công ty để chém anh S thì bị cáo mượn của bạn tên Tùng ở Gia Lai, sau khi gây án đã đem xe trả lại cho bạn, bị cáo M không biết biển số xe cũng như họ tên, địa chỉ cụ thể của Tùng, nên Cơ quan điều tra không có cơ sở xác minh, xử lý theo quy định. Đối với chiếc điện thoại mà bị cáo đã sử dụng để liên lạc với Đinh Thế D, trong quá trình đi làm rừng bị cáo M đã đánh rơi, nhưng không xác định được rơi ở đâu, nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để tổ chức truy tìm. Hội đồng xét xử xét không đề cập nữa.

- Về trách nhiệm dân sự:

Sau khi thương tích xảy ra, người bị hại khai đã được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum phẫu thuật, sau đó chuyển đến Bệnh viện chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh được hai ngày, sau đó chuyển vào Bệnh viện Chợ rẫy phẫu thuật nối lại bàn tay. Sau một tuần bệnh viện hội chẩn không thành công nên đã cắt bỏ bàn tay trái. Nam điều trị một thời gian thì chuyển về Bệnh xá 24 Sư đoàn 10 tỉnh Kon Tum điều trị. Đợt một từ ngày 05/4/2016 đến ngày 19/4/2016, đợt hai từ ngày 27/5/2016 đến ngày 13/8/2016 được ra viện về nhà (có giấy ra viện). Tổng cộng chi phí mà anh S yêu cầu bị cáo phải bồi thường là 236.850.000đ. Số tiền này vợ của anh S là chị M1 trực tiếp chi trả. Cụ thể các khoản anh S yêu cầu như sau (có bảng kê chi phí - BL 189,190):

- Tiền viện phí và chi phí phẫu thuật tại bệnh viện Kon Tum là 10.000.000 đồng (Không có hóa đơn).

- Tiền thuê xe chuyển viện từ kon Tum vào Thành phố Hồ Chí Minh là 15.000.000đ (không có chứng từ).

- Tiền viện phí và chi phí điều trị tại bệnh viện chỉnh hình Thành phố Hồ chí Minh là 5.000.000đ (không có hóa đơn).

- Tiền viện phí và chi phí phẫu thuật tại Bệnh viện chợ rẫy là 60.000.000đ (không có hóa đơn).

- Tiền vé xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về Kon Tum là 600.000đ.

- Tiền viện phí và chi phí điều trị tại Bệnh xá 24 sư đoàn 10 Kon Tum là 20.000. 000đ (không có hóa đơn).

- Tiền bồi dưỡng trong thời gian nằm điều trị tính chung 60 ngày 11.250.000đ.

- Tiền ngày công lao động bị mất trong thời gian điều trị vết thương bị mất là 250.000đ x 60 ngày = 15.000.000đ.

- Tiền tổn thất tinh thần là 100.000.000đ.

Tổng cộng các khoản là 236.850.000đ (hai trăm ba mươi sáu triệu tám trăm năm mươi ngàn đồng) - theo bảng kê là 236.250.000đ.

Chị Phạm Thị M1 (vợ anh S) là người trực tiếp chăm sóc anh S trong thời gian điều trị vết thương chị yêu cầu bị cáo phải bồi thường ngày công lao động bị mất không lao động được tính chung là 60 ngày x 250.000đ/ngày = 15.000.000đ (có đơn và bảng kê chi phí).

Tất cả các khoản chi nêu trên người bị hại khai bị mất hết chứng từ, hiện nay chỉ có bảng kê có trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa anh S và chị M1 thỏa thuận số tiền trên là của vợ chồng, nên tuyên trả cho anh S luôn, còn số tiền công lao động của chị M1 thì tuyên bồi thường cho chị M1.

Hội đồng xét xử xét thấy:

- Các chi phí mặc dù không có hóa đơn, chứng từ chỉ có bảng kê và giấy ra viện, với tỷ lệ thương tật của người bị hại là 52% và thời gian nằm điều trị, trên cơ sở giá cả trung bình cũng như ngày công lao động của người bị hại, người chăm sóc người bị hại tại địa phương ở thời điểm chi phí, chấp nhận được gồm có:

- Tiền viện phí và chi phí phẫu thuật tại bệnh viện Kon Tum là 10.000.000 đồng (Không có hóa đơn).

- Tiền viện phí và chi phí điều trị tại Bệnh xá 24 sư đoàn 10 Kon Tum là 20.000.000đ (hai đợt) có giấy ra viện (BL 42,43), nhưng không có hóa đơn chứng từ.

- Tiền bồi dưỡng trong thời gian nằm điệu trị tại Bệnh xá 24 sư đoàn 10 Kon Tum và thời gian trước, trong và sau khi ra viện tính chung là 60 ngày x 150.000đ/ngày = 9.000.000đ.

- Tiền ngày công lao động bị mất trong thời gian điều trị vết thương bị mất là 250.000đ x 60 ngày = 15.000.000đ.

- Xét khoản tiền tổn thất tinh thần mà anh S yêu cầu là 100.000.000đ. HĐXX thấy rằng: Tại Khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) quy định khoản tiền tổn thất tinh thần không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Như vậy, với mức thương tật là 52%, bị mất một bàn tay, HĐXX chấp nhận với mức 40 lần mức lương cơ sở là phù hợp và có căn cứ, với mức lương tối thiểu quy định là 1.300.000đ/tháng, theo Nghị quyết số 27/2016/QH14, ngày 11/11/2016 của Quốc Hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, được áp dụng từ ngày 01/7/2017. Tính được là: 1.300.000đ x 40 (tháng lương cơ sở) = 52.000.000đ.

Xét các khoản tiền mà người bị hại kê khai: Tiền thuê xe chuyển viện từ Kon Tum vào thành phố Hồ Chí Minh là 15.000.000đ. Tiền viện phí và chi phí điều trị tại bệnh viện chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh là 5.000.000đ. Tiền viện phí và chi phí phẫu thuật tại bệnh viện Chợ rẫy là 60.000.000đ. Tiền vé xe khách hai người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Kon Tum là 600.000đ. Tổng cộng 04 khoản là 80.600.000đ, trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa người bị hại khai bị mất hết chứng từ, chỉ có bảng kê. HĐXX thấy rằng, người bị hại khai điều trị 15 ngày tại hai bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh là chưa chính xác. Vì căn cứ vào ngày xảy ra tội phạm là 25/3/2016 và ngày nhập viện tại bệnh xá 24, Sư đoàn 10 tỉnh Kon Tum là 05/4/2016 (lần 1) thì chỉ có 10 ngày, tức là không có thời gian 15 ngày điều trị ở hai bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh như người bị hại khai (trong bản khai sau khi phẫu thuật tại bệnh viện Kon Tum xong và xin chuyển vào bệnh viện chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh sau đó chuyển sang bệnh viện chợ rẫy). Điều này không phù hợp với thời gian xảy ra thương tích và thời gian điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Do đó không có căn cứ để chấp nhận thời gian và khoản tiền mà người bị hại khai điều trị tại hai bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận các khoản tiền này theo người bị hại kê khai.

Như vậy, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận các khoản tiền chi phí hợp lý và có căn cứ pháp luật, tổng cộng năm khoản tiền chi phí được chấp nhận của người bị hại, tổng cộng là 106.000.000đ (Một trăm lẻ sáu triệu đồng) như đã lập luận nêu trên và buộc bị cáo phải bồi thường.

Xét yêu cầu của chị Phạm Thị M1 (vợ anh S) là người trực tiếp chăm sóc anh S trong thời gian điều trị vết thương (thời gian nằm viện và sau khi ra viện không lao động được), chị yêu cầu bị cáo phải bồi thường ngày công lao động bị mất không lao động được tính chung là 60 ngày x 250.000đ/ngày = 15.000.000đ. Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ và chấp nhận buộc bị cáo phải bồi thường.

- Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm là 200.000đ và án phí dân sự sơ thẩm là 5% của số tiền còn phải bồi thường là: [5% x (106.000.000đ + 15.000.000đ)] = 6.050.000đ. Tổng cộng tiền án phí bị cáo phải nộp là 6.250.000đ (Sáu triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng).

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Lê Đức M (tên gọi khác: Bé) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 3 Điều 104; Điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999. Nghị quyết số: 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7; Điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017.

Xử phạt bị cáo Lê Đức M (tên gọi khác: Bé) 06 (sáu) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 09/01/2017.

Áp dụng Điều 584; Điều 585; Điều 586 và Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017).

Buộc bị cáo Lê Đức M (tên gọi khác: Bé) phải bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm cho anh Nguyễn Vĩnh S số tiền là: 106.000.000đ (Một trăm lẻ sáu triệu đồng); Cho chị Phạm Thị M1 tiền là: 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng);

Áp dụng Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, mà người phải thi hành án không chịu thi hành khoản tiền nêu trên, thì hàng tháng còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Điểm a khoản 1 Điều 3; Điều 6; Điều 21; điểm a khoản 1 Điều 23; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Buộc bị cáo Lê Đức M (tên gọi khác: Bé) phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm là 6.250.000đ (Sáu triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng).

Căn cứ Điều 231, Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự.

Bị cáo, người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án (06/9/2017) lên Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum để yêu cầu xét xử phúc thẩm.

Áp dụng Điều 26 Luật thi hành án dân sự:

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

363
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 31/2017/HS-ST ngày 06/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:31/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Hà - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về