Bản án 30/03/2023 về tội cố ý gây thương tích số 12/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BL, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 12/2023/HS-ST NGÀY 30/03/2023 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

 Ngày 30 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện BL, tỉnh Cao Bằng, tiến hành mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 07/2023/TLST-HS ngày 13/02/2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 12/2023/QĐXXST-HS ngày 20/3/2023 đối với bị cáo:

Lầu Thị M (tên gọi khác: Không); sinh ngày 14/8/1963 tại xã LT, huyện HQ, tỉnh Cao Bằng; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: Mù chữ; dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Lầu Văn D (đã chết) và bà Mã Thị N (đã chết); có chồng là Dương Văn D (đã chết); Con: 14 con, con lớn sinh năm 1978, con nhỏ sinh năm 2000; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị xử lý hình sự, chưa bị xử phạt hành chính. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 22/11/2022 đến nay tại xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Đoàn Thị T – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng; Có mặt.

- Bị hại: Bà Lầu Thị M, sinh năm 1962; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị hại: Anh Sùng Văn Ng, sinh năm 1994; Địa chỉ: xóm TT, xã DT, huyện VN, tỉnh Thái Nguyên; Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà Nguyễn Thị Dạ Th – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng – Chi nhánh huyện BL; Có mặt.

- Người làm chứng:

+ Dương Văn Q, sinh năm 2009; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt. Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Văn L; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt.

+ Dương Thị Đ, sinh năm 1993; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt.

+ Dương Thị T, sinh năm 2009; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt. Người đại diện theo pháp luật: Dương Văn M; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt.

+ Sùng Thị L, sinh năm 2008; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt. Người đại diện thep pháp luật: Dương Thị Đ; Nơi cư trú: xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt.

+ Dương Thị H, sinh năm 2009; Nơi cư trú: xóm NĐ, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt. Người đại diện thep pháp luật: Dương Thị S; Nơi cư trú: xóm NĐ, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Vắng mặt.

- Người phiên dịch tiếng dân tộc Mông: Ông Hoàng  A T; Địa chỉ: Khu 1, thị trấn Pác Miầu, huyện BL, tỉnh Cao Bằng; Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bà Lầu Thị M, sinh năm 1962 và bà Lầu Thị M, sinh năm 1963 sinh sống cạnh nhà nhau có địa chỉ tại xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng. Hai bà cũng là thông gia của nhau nhưng thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã nhau, khoảng 13 giờ ngày 28/6/2022, bà Lầu Thị M, sinh năm 1962 đang ở nhà của chị Dương Thị Đ (chị Đ là con dâu của M sinh năm 1962) thấy 02 con lợn trong chuồng kêu nên đã ra xem và cho rằng lợn kêu là do bà M sinh năm 1963 đã làm ma ám. Bà M sinh năm 1963 đang ngồi ở trước cửa nghe thấy đã bực tức rồi cãi nhau với bà M, sinh năm 1962, tiếp đó, bà Lầu Thị M sinh năm 1963 cầm 01 con dao nhọn bằng kim loại màu đen có tay cầm dài 11,5 cm, sống dao dài 21,8 cm, bản rộng nhất 4,1 cm, dày 0,3 cm của gia đình đến gần và tay cầm dao chỉ hướng về phía M sinh năm 1962 và chửi. M sinh năm 1962 lo sợ đã chạy lên sân cạnh nhà Vương Văn Tu, cách đó khoảng 10 m, M sinh năm 1963 cầm dao đuổi theo sau và dùng phần sống dao đánh về phía M sinh năm 1962 nhưng không trúng và thách thức, hai bên xô xát, M sinh năm 1963 dùng vai húc vào M sinh năm 1962, M sinh năm 1962 đã sử dụng chiếc gậy dài 98 cm, đường kính gốc 2,4 cm, đường kính trên 1.1 cm mà M sinh năm 1962 vẫn dùng để chống đỡ hỗ trợ việc đi lại của bản thân do tuổi đã cao, đánh trả lại M sinh năm 1963 trúng một phát vào phần đầu bên trái của M sinh năm 1963 khiến phần đầu bên trái của M sinh năm 1963 chảy máu, M sinh năm 1963 bị choáng nên ngã xuống đường. Khi M sinh năm 1963 đứng dậy được đã dùng tay túm váy của M sinh năm 1962 và hai người đã giằng co nhau. M sinh năm 1963 bị ngã nên ngồi xổm, tay phải cầm dao sử dụng sống dao đánh liên tiếp nhiều phát vào chân và đùi trái của M sinh năm 1962, tay trái thì cầm giữ, kéo váy của M sinh năm 1962, còn M sinh năm 1962 tay phải cầm gậy, tay trái kéo và giữ váy của mình. Lúc này, Đâư vừa về đến nhà, nghe thấy tiếng đánh nhau nên đã ra can ngăn, thấy đầu của M sinh năm 1963 bị chảy nhiều máu nên đã tước được con dao trên tay M sinh năm 1963 mang đi cất giữ. M sinh năm 1963 vẫn bực tức nên dùng tay đẩy M sinh năm 1962 khiến M sinh năm 1962 bị ngã nằm ngửa tại đường mòn, nơi có địa hình đất đá gồ ghề, tương đối dốc, cú ngã mạnh nên khi ngã M sinh năm 1962 đã đưa tay trái của mình chống xuống đất, hậu quả bị gãy cẳng tay trái. Sau khi M sinh năm 1962 bị đẩy ngã thì sự việc đã dừng lại. Cả hai được đưa đến Trung tâm y tế huyện BL, Cao Bằng để điều trị. Bà M sinh năm 1962 được chuyển tuyến đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.

Ngày 11/7/2022, bà Lầu Thị M sinh năm 1962 đến trình báo vụ việc với Công an xã NQ, ngày 12/9/2022 có đơn đề nghị khởi tố vụ án. Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện BL đã phối với Viện kiểm sát nhân dân huyện BL, chính quyền địa phương và những thành phần có liên quan để xác định hiện trường vụ việc, ra Quyết định trưng cầu giám định đến Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng, giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với cả hai bà M.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 090/22/TgT ngày 18/8/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng đối với Lầu Thị M sinh năm 1962, kết luận, gãy đầu dưới hai xương cẳng tay trái, sau điều trị còn di lệch, hạn chế vận động gấp duỗi cổ tay trái: 20%; Vết xây xát da vùng 1/3 dưới cẳng tay trái không đủ điều kiện xếp loại tổn thương vì trong bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể không có quy định đánh giá tỷ lệ tổn thương: 0%; Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 20% (Hai mươi phần trăm). Cơ chế hình thành vết thương: Do vật tày gây nên.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 091/22/TgT ngày 25/8/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng đối với Lầu Thị M sinh năm 1963 kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 03% (ba phần trăm).

Ngày 01/11/2022, bà Lầu Thị M, sinh năm 1963 yêu cầu khởi tố ngược lại đối với bà Lầu Thị M sinh năm 1962. Tuy nhiên, đến ngày 21 tháng 12 năm 2022, hai bên đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho nhau số tiền 3.000.000 đồng, bà Lầu Thị M sinh năm 1963 có đơn xin bãi nại của đối với Lầu Thị M sinh năm 1962. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện BL đã ra Quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Lầu Thị M sinh năm 1962 và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lầu Thị M sinh năm 1962.

Quá trình điều tra, bị cáo và bị hại có lời khai mẫu thuẫn nhau, bị hại M khai cẳng tay trái của mình bị gãy là do bị cáo M đẩy ngã rồi tiếp tục sử dụng phần sống dao đánh từ trên xuống dưới nên bị hại M đã giơ tay trái ra đỡ, còn bị cáo M khai bản thân không được sử dụng dao đánh vào tay trái cho M mà chỉ dùng tay đẩy bị hại M ngã nên dẫn tới gãy tay. Để làm rõ nội dung vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện BL đã có Công văn gửi đến Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng đề nghị xác định rõ cơ chế hình thành tổn thương, các căn cứ khẳng định cơ chế hình thành tổn thương, tiến hành đối chất giữa bị cáo với bị hại, giữa bị hại với người làm chứng. Văn bản giải đáp số 198/GĐPY ngày 30/12/2022 giải đáp: “Hiện tại không đủ căn cứ để xác định tổn thương gẫy đầu dưới hai xương cẳng tay trái là do tác động trực tiếp của sống dao hay do chống tay xuống đất gây nên”. Căn cứ vào kết quả điều tra, các tài liệu chứng cứ thu thập được, xác định, nguyên nhân dẫn đến việc gãy tay của bị hại M là do bị cáo M đẩy ngã không phải như kết quả xác minh ban đầu nguyên nhân gãy tay là do bị cáo sử dụng dao.

Các đồ vật, tài liệu đã thu giữ: Lầu Thị M sinh năm 1962 đã giao nộp 01 cây gậy gỗ, Lầu Thị M sinh năm 1963 giao nộp 01 con dao nhọn màu đen đã được chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện BL. Cháu Dương Thị T giao nộp 04 đoạn video clip, được lưu trong hồ sơ vụ án.

Với các chứng cứ trên, bản Cáo trạng số 09/CT-VKSBL ngày 09/02/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện BL, tỉnh Cao Bằng truy đã tố bị cáo Lầu Thị M về tội “Cố ý gây thương tích ” theo khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận vào khoảng 13 giờ ngày 28/6/2022, tại đường dân sinh thuộc xóm PP, xã NQ, huyện BL, giữa bị cáo và bị hại Lầu Thị M đã có hành vi cãi vã, xô xát nhau, bị hại là người có hành vi xô xát đối với bị cáo trước. Trong lúc giằng co, xô xát bị cáo đã túm váy của bị hại, được người làm chứng Đâư can ngăn tước con dao bị cáo đang cầm, khi bị hại kéo váy ngược lại thì bị cáo thả tay dẫn đến bị hại ngã ngửa, bị hại chống tay xuống đất nên bị gãy tay với tỷ lệ là 20%. Bị cáo nhận thức được hành vi đối với bị hại của mình là sai. Đối với con dao, bị cáo không đề nghị trả lại.

Bị hại M vẫn giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra, xác định bị hại bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên với tỷ lệ là 20% là do bị cáo M đã sử dụng sống dao đánh từ trên xuống dưới, bị hại đã giơ tay trái ra đỡ nên bị gãy đầu dưới hai xương cẳng tay trái, không nhất trí với lời khai của bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo đã bồi thường xong nên bị hại không yêu cầu bồi thường gì thêm, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đối với 01 cây gậy đã thu giữ, không đề nghị trả lại.

Những người làm chứng đều vắng mặt tại phiên tòa, có lời khai trong hồ sơ, thể hiện: Dương Văn Quyền khai, anh là cháu nội của bị cáo M, khoảng 13 giờ ngày 28/6/2022, bị hại M chửi hai con lợn không chịu ăn mà lại kêu to, nói ám chỉ bà của Quyền làm ma gà, vì vậy, hai bà cãi nhau, tiếp đó, bị cáo M cầm dao, bị hại M sử dụng cây gậy xô xát, cãi chửi nhau, bị hại M lùi về hướng đường, bị hụt chân nên ngã ngửa, sử dụng hai tay chống ra sau, do bên phải sâu nên tay trái chống xuống trước, Quyền thấy tay trái của bị hại M bị gãy; Sùng Thị Lan khai, Lan là cháu nội của bị hại M, hôm đó Lan bị ốm nên không ra xem, hai bà thường xuyên cãi chửi nhau. Mẹ Lan là Sùng Thị Đđã can ngăn xong thì Lan mới ra xem, thì biết bà nội Lan đã bị gãy tay; Dương Thị H khai, Hiền là cháu nội của bị cáo M, khi Hiền đang chơi nhảy dây tại cầu Pác Ròm thì có người bảo hai bà M đang đánh nhau, khi Hiền về đến nơi thì không nhìn thấy sự việc đánh nhau, H thấy bà M sinh năm 1962 bị gãy cẳng tay trái, còn bà nội của H bị chảy máu ở đầu; Dương Thị T khai, Thư là cháu nội của bị cáo M, trưa ngày 28/6/2022, khi Thư cùng với Lan, Hiền đang xem phim qua điện thoại thì thấy hai bà M cãi chửi nhau, Thư lấy điện thoại ra quay video đoạn hai bà xô xát nhau, sau đó có bà Dương Thị Đ can ngăn không cho hai bà đánh nhau, rồi mọi người đến xem đông và đưa hai bà đi cứu chữa. Thư quay được 04 video đã nộp cho cơ quan điều tra.

Người làm chứng Dương Thị Đ có lời khai, chị là con dâu của bị hại M, khoảng 13 giờ ngày 28/6/2022, khi chị đi chơi về thì nghe thấy tiếng hai bà M cãi chửi nhau về việc người này đổ lỗi cho người kia biết làm ma gà, ám hại người. Chị nhìn thấy hai bà đang xô xát nhau, bà M sinh năm 1963 đang cầm dao, đầu bị chảy nhiều máu, ngồi quỳ dưới đất và túm vào váy của mẹ chồng chị đang cầm gậy. Lo sợ bà M gây thương tích cho mẹ chồng của chị nên chị lao vào ôm bà M và giật lấy con dao. Bà M sinh năm 1962 đứng dậy, đẩy mạnh vào mẹ chồng của chị làm cho mẹ chồng của chị ngã ngửa người ra đằng sau và sự việc dừng lại. Một lúc sau, mẹ chồng của chị nói là tay đã bị gãy, chị xác định nguyên nhân dẫn tới tay của bị hại M bị gãy là do bị cáo M đẩy ngã, không phải do sử dụng dao đánh gãy vì chị đã tước con dao trên tay bị cáo M, sau khi bị hại ngã dậy mới thấy gãy. Biên bản đối chất giữa bị hại M và chị Đ, chị vẫn xác định nguyên nhân dẫn đến bị hại thương tích ở tay là do bị ngã.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện BL vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố theo Cáo trạng số số 09/CT-VKSBL ngày 09/02/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện BL, đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Lầu Thị M phạm tội “Cố ý gây thương tích”, đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm s, b, i, khoản 1, khoản 2, Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lầu Thị M từ 09 tháng tù đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách cho bị cáo, giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Về trách nhiệm dân sự: do bị cáo, bị hại đã bồi thường xong nên không đề nghị xem xét. Về đồ vật liên quan, đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 con dao và 01 cây gậy. Về án phí, đề nghị miễn án phí cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Lầu Thị M là bà Đoàn Thị T phát biểu quan điểm bào chữa, bà T nhất trí với truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện BL đối với bị cáo M về Tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự, bà T đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo như nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến bị cáo phạm tội vì bị hại đã ám chỉ bị cáo biết làm bùa, ma gà hại người, hai bên cãi vã nhau, bị hại là người tấn công bị cáo trước, bị cáo bị thương tích ở đầu, bị cáo bị kích động tinh thần. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình, đã thỏa thuận với bị hại, bồi thường cho bị hại số tiền 3.000.000 đồng, bị hại có đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là lần đầu bị cáo phạm tội và phạm tội có tính chất ít nghiêm trọng, vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát. Đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo theo Điều 65 của Bộ luật Hình sự, đề nghị cho bị cáo được hưởng mức hình phạt thấp nhất theo đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát. Về án phí, đề nghị miễn án phí cho bị cáo theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016 vì bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí. Bị cáo nhất trí với lời bào chữa của người bào chữa, không bổ sung gì.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là bà Nguyễn Thị Dạ Th tranh luận, bà Thảo nhất trí với Đại diện Viện kiểm sát luận tội bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng không nhất trí với khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự, bởi lẽ, bị hại xác định bị cáo đã dùng sống dao tác động trực tiếp vào tay của bị hại, lời khai của bị cáo trong nhiều bút lục khai bị cáo cầm dao gây thương tích cho bị hại sau đó chị Đ mới can ngăn, lời khai của những người làm chứng, xác định bị cáo cầm dao, gây thương tích cho bị hại, Bản kết luận giám định pháp y về thương tích xác định cơ chế hình thành vết thương là do vật tày gây nên, Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin báo về tội phạm của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện BL xác định bị cáo M dùng dao đánh gãy tay, gây thương tích cho bị hại M. Vì vậy, bà Thảo đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo phạm tội theo khoản 2, Điều 134 của Bộ luật Hình sự và áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo theo khoản 2, Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện BL tranh luận với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, giữ nguyên truy tố và luận tội, xác định, ngoài lời khai của bị hại thì không có chứng cứ khác xác định bị cáo đã sử dụng sống dao tác động vào tay của bị hại, lời khai của những người làm chứng xác định bị cáo không khẳng định bị cáo đã dùng dao tác động vào tay của bị hại, người làm chứng Sùng Thị Đ là người mà cả bị cáo và bị hại thống nhất khai là người trực tiếp can ngăn thì xác định bị hại M bị ngã là do bị cáo M đã dùng tay đẩy, Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng giải thích rõ cơ chế hình thành vết thương “Hiện tại không đủ căn cứ để xác định tổn thương gẫy đầu dưới hai xương cẳng tay trái là do tác động trực tiếp của sống dao hay do chống tay xuống đất gây nên”, 04 đoạn video do người làm chứng cung cấp cũng không nhìn thấy bị cáo M dùng sống dao tác động vào tay trái bị hại M, do đó, không có đủ cơ sở để truy tố, luận tội, áp dụng hình phạt đối với bị cáo M theo khoản 2, Điều 134 của Bộ luật Hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

Người bào chữa tranh luận với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, xác định, ngoài những lời khai bị cáo khai chị Đ xuất hiện sau khi bị hại ngã thì cũng có nhiều lời khai của bị cáo thể hiện chị Đâu đã kịp thời can ngăn, tước dao trong tay bị cáo, sau đó bị cáo mới đẩy bị hại và bị hại đã ngã ngửa, tay chống xuống đất. Tại phiên tòa, bị cáo khẳng định bị cáo đã làm ngã bị hại sau khi chị Đ tước được con dao của bị cáo, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của chị Đ và với các chứng cứ khác đã được Hội đồng xét xử xem xét tại phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

Không ai tranh luận thêm, lời nói sau cùng, bị cáo tự nhận thấy lỗi sai của mình, tỏ ra ăn năn hối cải và xin Hội đồng xét xử xét cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, bị hại không có khiếu nại về hành vi, quyết định của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên là hợp pháp. Về thủ tục tố tụng: Người làm chứng vắng mặt, không có lý do, nhưng đã có lời khai của họ, căn cứ vào khoản 1, Điều 293 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[2] Về nội dung:

[2.1] Quá trình tranh tụng tại phiên tòa, bị cáo, bị hại có lời khai mâu thuẫn nhau về xác định bị cáo đã sử dụng sống dao hay không sử dụng sống dao (dao là hung khí nguy hiểm) để tác động lên cổ tay trái của bị hại, gây tổn hại về sức khỏe của bị hại với tỷ lệ 20%. Qua xét xử công khai, trực tiếp tại phiên tòa có mặt bị cáo, bị hại, công bố các tài liệu, lời khai của những người vắng mặt có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử thấy: Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 090/22/TgT ngày 18/8/2022, của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng kết luận, Cơ chế hình thành vết thương là do vật tày gây nên và Văn bản giải đáp số 198/GĐPY ngày 30/12/2022 giải đáp thì xác định, “Hiện tại không đủ căn cứ để xác định tổn thương gẫy đầu dưới hai xương cẳng tay trái là do tác động trực tiếp của sống dao hay do chống tay xuống đất gây nên”, như vậy, chứng cứ trực tiếp xác định vật gây thương tích cho bị hại không rõ ràng, nên cần căn cứ vào các chứng cứ khác, cụ thể, lời khai của người làm chứng Dương Thị Đ đã xác định bị hại M ngã là do bị cáo M đã dùng tay đẩy ngã; nội dung, hình ảnh của 04 đoạn video do người làm chứng Dương Thị T cung cấp cũng không thấy hình ảnh bị cáo M sử dụng sống dao tác động vào tay trái bị hại M; mặt khác, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại có thêm các chứng cứ khác nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét hành vi “dùng hung khí nguy hiểm” đối với bị cáo M theo khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự, nên lời khai của bị hại, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại không được chấp nhận. Căn cứ vào lời khai của bị cáo, bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 090/22/TgT ngày 18/8/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng, văn bản giải đáp số 198/GĐPY ngày 30/12/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng, lời khai của người làm chứng và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 13 giờ ngày 28/6/2022, tại đường dân sinh thuộc xóm PP, xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng, bị cáo Lầu Thị M đã có hành vi xô xát, giằng co với bị hại Lầu Thị M. Bị cáo M đã dùng tay đẩy ngã bị hại M xuống đường mòn, do địa hình không bằng phẳng, khi ngã bị hại M đã đưa tay trái chống xuống đất, hậu quả, gãy đầu dưới hai xương cẳng tay trái, sau điều trị còn di lệch, hạn chế vận động gấp duỗi cổ tay trái, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là: 20% (Hai mươi phần trăm). Hành vi cố ý dùng tay đẩy ngã người khác dẫn đến tỷ lệ tổn thương cơ thể 20% của bị cáo Lầu Thị M là bị cáo Lầu Thị M đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

[2.2] Khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” [2.3] Bị cáo Lầu Thị M là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi dùng tay tác động đến thân thể người khác, gây thương tích cho người khác là trái pháp luật nhưng trong lúc nóng giận không kiềm chế cảm xúc của bản thân đã thực hiện. Vì vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện BL, tỉnh Cao Bằng truy tố bị cáo Lầu Thị M về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Vụ án chỉ do một mình bị cáo M thực hiện, không có đồng phạm, tuy vụ án thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội cho xã hội không lớn nhưng đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương; bị cáo M phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp; cần thiết phải xử phạt bị cáo M thật nghiêm trước pháp luật.

[4] Về nhân thân: Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa bị xử lý hình sự, chưa bị xử phạt hành chính.

[5] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình, trước phiên tòa, bị cáo, bị hại đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bị hại với số tiền 3.000.000 đồng, quá trình điều tra và tại phiên tòa bị hại có đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm i, s, b, khoản 1, khoản 2, Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

[7] Xét thấy, bị cáo Lầu Thị M có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên không cần thiết bắt bị cáo đi chấp hành hình phạt tù mà cho bị cáo được hưởng án treo theo Điều 65 của Bộ luật Hình sự cũng không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương và vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với hướng dẫn Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo; Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do hành vi của bị cáo gây cho bị hại là tương đối lớn, cần thiết phải xử phạt bị cáo mức cao của khung hình phạt, tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

[8] Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Bị hại không yêu cầu bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[9] Về xử lý đồ vật đã thu giữ: Đối với 01 con dao và 01 khúc gỗ, bị cáo, bị hại không đề nghị được trả lại, xét thấy, không đây là tài sản của bị cáo, bị hại không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy theo điểm c, khoản 2, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

[10] Về các vấn đề khác: Lầu Thị M sinh năm 1963 bị tổn thương cơ thể 3%, có đơn xin bãi nại cho Lầu Thị M, sinh năm 1962 nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện BL ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lầu Thị M, sinh năm 1962 là đúng.

[11] Về án phí: Bị cáo là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm nhưng do bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí theo điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016.

[12] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 331, Điều 332, Điều 333 của Bộ luật tố tụng Hình sự.

[13] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện BL, người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa về tội danh, mức hình phạt, xử lý đồ vật bị thu giữ, án phí đều phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận; Đề nghị áp dụng mức hình phạt theo khoản 2, Điều 134 của Bộ luật Hình sự của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại không có cơ sở chấp nhận. Lời nói sau cùng của bị cáo đã được Hội đồng xét xử xem xét khi nghị án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Lầu Thị M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Áp dụng điều luật:

- Áp dụng khoản 1, Điều 134; điểm s, b, i, khoản 1, khoản 2, Điều 51; Điều 38; Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Áp dụng điểm c, khoản 2, Điều 106; Điều 331, Điều 332, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 12; Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016.

3. Mức hình phạt: Xử phạt bị cáo Lầu Thị M 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (30/3/2023).

Giao bị cáo Lầu Thị M cho Ủy ban nhân dân xã NQ, huyện BL, tỉnh Cao Bằng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

"Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án hình sự".

4. Về xử lý đồ vật, tịch thu tiêu hủy:

- 01 (một) con dao nhọn bằng kim loại màu đen, có tay cầm dài 11,5 cm, sống dao dài 21,8 cm, bản rộng nhất 4,1 cm, dày 0,3 cm, đã qua sử dụng;

- 01 khúc cây gỗ hình trụ màu nâu, dài 98 cm, gốc có đường kính 2,4 cm, ngọn có đường kính 03 cm, trên thân cây có nhiều vết màu nâu đỏ đã khô nghi máu.

Toàn bộ đồ vật trên đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện BL theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện BL với Chi cục Thi hành án dân sự huyện BL ngày 13/02/2023.

5. Về án phí: Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Lầu Thị M.

6. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại, có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

35
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 30/03/2023 về tội cố ý gây thương tích số 12/2023/HS-ST

Số hiệu:12/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lâm - Cao Bằng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: đang cập nhật
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về