TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 294/2020/HSPT NGÀY 29/09/2020 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 288/2020/TLPT-HS ngày 10 tháng 8 năm 2020 đối với các bị cáo Ngô Quang Minh T và Đặng Văn T1 do có kháng cáo của hai bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2020/HS-ST ngày 14/07/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Ngô Quang Minh T, sinh ngày 29 tháng 12 năm 1991 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi cư trú: tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Ngô Quang T và bà Trần Thị A; vợ: Trịnh Mỹ P và 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
2. Đặng Văn T1, sinh ngày 07 tháng 5 năm 1990 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi cư trú: tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đặng T và bà Trịnh Thị Hồng L; vợ: Bùi Thị Diễm M và 01 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngô Quang Minh T là công nhân thợ máy thuộc Công ty S Huế (100%vốn đầu tư nước ngoài) có cơ sở tại khu Công nghiệp huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình làm việc, T nhận thấy vào lúc 22 giờ hàng ngày, khi công nhân tan ca thì bảo vệ cổng ra vào của công ty không kiểm tra thùng đựng dụng cụ của công nhân thợ máy, đồng thời tại dây chuyền 40-42 không có công nhân may làm ngoài giờ, thùng đựng áo nịt ngực thành phẩm ở vị trí không có đèn chiếu sáng và không có camera của công ty theo dõi nên T nảy sinh ý định lấy trộm áo nịt ngực, cất giấu trong thùng đựng dụng cụ của mình để đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Đến 14 giờ ngày 01/4/2019, T hẹn Đặng Văn T1 cũng là công nhân thợ máy cùng làm trong công ty ra phía sau xưởng I để nói cho T1 biết ý định lấy trộm tài sản và hỏi T1 có biết ai mua hàng không thì T1 nói có Lê Thị Thùy D (công nhân may của công ty) bán hàng được. Sau đó T1 gọi D đến rồi cả ba cùng nhau bàn bạc, thống nhất về việc T là người trực tiếp lấy trộm áo nịt ngực đem ra khỏi công ty đưa cho T1 rồi T1 đưa cho D đem hàng đi bán. Theo đó, D được hưởng số tiền 20.000 đồng/cái, còn T1 tùy vào số lượng sản phẩm bán được mà T đưa tiền.
Vào khoảng thời gian 21 giờ 30 phút ngày 01/4/2019 đến ngày 28/4/2019, Ngô Quang Minh T đã thực hiện 11 lần trộm cắp tài sản là áo nịt ngực của Công ty S Huế, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Vào ngày 01/4/2019, T đi đến khu vực chuyền 40-42 lấy trọm 05 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ01 có giá trị 980.975 đồng bỏ vào trong thùng đựng dụng cụ. Sau đó, T quay trở lại làm việc cho đến lúc 22 giờ cùng ngày thì ra khỏi công ty, đem về nhà cất giấu.
Lần thứ hai: Vào ngày 02/4/2019, T đi đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 05 cái áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ01 có giá trị 980.975 đồng bỏ vào trong thùng đựng dụng cụ rồi đợi tan ca đem về nhà cất giấu.
Lần thứ ba: Vào ngày 03/4/2019, T đi đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 07 cái áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ03 có giá trị 1.373.365 đồng bỏ vào trong thùng đựng dụng cụ rồi đợi tan ca đem về nhà cất giấu.
Lần thứ tư: Vào ngày 04/4/2019,T đi đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 06 cái áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ03 có giá trị 1.177.170 đồng bỏ vào trong thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Lần thứ năm: Vào ngày 05/4/2019,T đi đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 07 cái áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ03 có giá trị 1.373.365 đồng bỏ vào trong thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Lần thứ tư: Vào ngày 06/4/2019,T đi đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 06 cái áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ03 có giá trị 1.177.170 đồng bỏ vào trong thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Đến sáng ngày 07/4/2019, T hẹn T1 tại ngã ba giao nhau giữa đường H và đường Lê Đình D thuộc phường T, thị xã H, tỉnh Thừa Thiên Huế để đưa cho T1 toàn bộ 36 cái áo nịt ngực đã trộm cắp được. Sau khi nhận tài sản, T1 đến gặp D tại ngã ba đường Vân Trạch H thuộc thị trấn P, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế để đưa cho D đi bán. Sau đó, D cầm số áo nịt ngực trên đem bán cho chị Nguyễn Thị Thúy H1 là người quen với D đang bán tạp hóa tại chợ Phò Trạch, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế với giá 110.000 đồng/01 cái, số tiền bán được là 3.960.000 đồng.
Như đã thỏa thuận, D tự lấy số tiền 360.000 đồng (vì là lần đầu nên D chỉ lấy 10.000 đồng/01 cái) rồi cầm số tiền còn lại là 3.600.000 đồng đưa cho T1 để T1 đưa cho T. Khi nhận tiền, T giữ lại 2.800.000 đồng còn đưa cho T1 800.000 đồng. Toàn bộ số tiền có được, cả ba đã tiêu xài hết.
Lần thứ bảy: Vào ngày 11/4/2019, T tiếp tục đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 10 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ04 có giá trị 1.961.950 đồng bỏ vào thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Lần thứ tám: Vào ngày 12/4/2019, T đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 15 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ04 có giá trị 2.942.925 đồng bỏ vào thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Lần thứ chín: Vào ngày 13/4/2019, T đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 15 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ04 có giá trị 2.942.925 đồng bỏ vào thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Đến sáng ngày 15/4/2019, T đi đến địa điểm như đã hẹn lần trước và giao toàn bộ 40 cái áo nịt ngực đã trộm cắp được cho T1 để T1 đưa cho D. Sau đó, D cầm số áo nịt ngực trên đi đến cửa hàng quần áo ở số 02 V, thành phố Huế bán cho chị Trần Hồng Thúy H với giá 120.000 đồng/1 cái, số tiền bán được là 4.800.000 đồng. Sau đó, D tự lấy số tiền 800.000 đồng như đã thỏa thuận ban đầu rồi đưa 4.000.000 đồng cho T1. Nhận được tiền, T giữ lại 3.500.000 đồng còn đưa cho T1 500.000 đồng. Toàn bộ số tiền có được, cả ba tiêu xài cá nhân hết.
Lần thứ mười: Vào ngày 27/4/2019, T đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 12 cái áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ05 có giá trị 2.354.340 đồng bỏ vào thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Lần thứ mười một: Vào ngày 28/4/2019, T đến khu vực chuyền 40-42 lấy trộm 12 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ05 có giá trị 2.746.730 đồng bỏ vào thùng đựng dụng cụ rồi đem về nhà cất giấu.
Đến sáng ngày 30/4/2019 như kế hoạch cũ, T đưa toàn bộ 26 áo nịt ngực đã lấy trộm được cho T1 để T1 đưa cho D. Sau đó D tiếp tục đem số áo ngực trên đến bán cho chị Trần Hồng Thúy H với giá 120.000 đồng/01 cái, số tiền bán được là 3.120.000 đồng. Như những lần trước, D tự lấy số tiền 520.000 đồng rồi đưa số tiền còn lại cho T1. Sau khi nhận tiền, T giữ lại 2.100.000 đồng còn đưa cho T1 500.000 đồng. Toàn bộ số tiền có được, cả ba tiêu xài cá nhân hết.
Tại Kết luận số 3674/KL-HĐĐG ngày 26/12/2019 của Hội đồng định giá tài sản Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xác định: Loại áo ngực mã hàng AFBDSJ01,AFBDSJ03, AFBDSJ04, AFBDSJ05, tổng tài sản các bị cáo trộm cắp có giá trị 20.011.890 đồng.
Về vật chứng: Cơ quan điều tra đã tạm giữ:
- 08 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ03 do chị Nguyễn Thị Thúy H1 giao nộp.
- 08 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ04 và 03 áo nịt ngực mã hàng AFBDSJ05 do chị Trần Hồng Thúy H giao nộp.
- 01 thùng đựng dụng cụ hình chữ nhật được làm bằng Inox màu trắng do Ngô Quang Minh T giao nộp.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xử lý trả lại 19 áo nịt ngực nêu trên cho chị Đặng Thị Tuyết N là đại diện của Công ty S Huế. Về dân sự: Chị Đặng Thị Tuyết N yêu cầu 03 bị cáo Ngô Quang Minh T, Đặng Văn T1, Lê Thị Thùy D bồi thường số tiền 16.284.185 đồng tương đương với giá trị 83 áo nịt ngực. Các bị cáo đã bồi thường đầy đủ cho Công ty S Huế, đại diện S Huế xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Chị Nguyễn Thị Thúy H1 và chị Trần Hồng Thúy H không yêu cầu ba bị cáo phải bồi thường giá trị 19 áo nịt ngực mà cả hai đã giao nộp để trả lại cho Công ty S Huế.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2020/HS-ST ngày 14/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Ngô Quang Minh T, Đặng Văn T1 phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt:
- Bị cáo Ngô Quang Minh T 09 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Bị cáo Đặng Văn T1 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
Bản án sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Lê Thị Thùy D mức án 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 15, 17 tháng 7 năm 2020, các bị cáo Đặng Văn T1, Ngô Quang Minh T, cùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Tùng giữ nguyên nội dung kháng cáo xin hưởng án treo vì mẹ của bị cáo già yếu, đau ốm; bị cáo T1 giữ nguyên nội dung kháng cáo xin hưởng án treo vì bị cáo có con nhỏ, vợ bị cáo sắp sinh.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có quan điểm cho rằng: HĐXX cấp sơ thẩm đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội, xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để tuyên phạt 09 (chín) tháng tù đối với bị cáo Ngô Quang Minh T; 06 (sáu) tháng tù đối với bị cáo Đặng Văn T1 là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của các bị cáo làm trong hạn luật định là hợp lệ.
[2] Về nội dung: Bị cáo Ngô Quang Minh T lợi dụng sự quản lý thiếu chặt chẽ của Công ty S Huế tại dây chuyền 40-42 nên đã khởi xướng, bàn bạc với Đặng Văn T1 và Lê Thị Thùy D về việc trộm cắp áo nịt ngực đem ra ngoài thị trường tiêu thụ, trong đó T là người trực tiếp lấy trộm áo nịt ngực đem ra khỏi công ty đưa cho T1 rồi T1 đưa cho D đem hàng đi bán. Trong thời gian từ ngày 01/4/2019 đến ngày 28/4/2019, Ngô Hoàng Minh T lén lút trộm cắp 11 lần tài sản là 100 áo nịt ngực của Công ty S với tổng giá trị 20.011.890 đồng, sau khi chiếm đoạt được tài sản các bị cáo đã bán và lấy tiền tiêu xài hết. Khi thực hiện hành vi, các bị cáo T, T1 là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi của các bị cáo phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự. Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử bị cáo về tội danh trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Xét tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo thấy rằng: chỉ trong thời gian ngắn các bị cáo đã 11 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, trong đó bị cáo T là người khởi xướng và là người thực hành tích cực, bị cáo T1 thực hiện tội phạm với vai trò người giúp sức; hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Công ty S, vì vậy cần có mức hình phạt đủ nghiêm khắc mới có tác dụng răn đe, giáo dục cải tạo các bị cáo. Trong quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; khắc phục thiệt hại cho chủ sở hữu, bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nên Tòa án cấp sơ thẩm xem xét cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự là đúng; các bị cáo thực hiện trộm cắp tài sản nhiều lần nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Sau khi đánh giá tính chất hành vi phạm tội, vai trò của các bị cáo trong vụ án, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như nhân thân của bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Ngô Quang Minh T 09 tháng tù, Đặng Văn T1 06 tháng tù, là các mức án khởi điểm của khung hình phạt, tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo.
Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo trình bày có mẹ già bị đau ốm và có con nhỏ nhưng đây không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các bị cáo không đưa đưa ra được tình tiết giảm nhẹ gì mới.
[4] Về nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, như nhận định ở trên mức án Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo là phù hợp, không nặng nên không có căn cứ xét giảm án. Đối với kháng cáo xin hưởng án treo, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “phạm tội nhiều lần” nên không đủ điều kiện được hưởng án treo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định về điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo theo Điều 65 Bộ luật hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
[5] Án phí hình sự phúc thẩm: Do Đơn kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu theo quy định.
[6] Các quyết định khác không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự:
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Quang Minh T và Đặng Văn T1. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2020/HS-ST ngày 14/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
1. Áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 17 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt:
- Bị cáo Ngô Quang Minh T 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
- Bị cáo Đặng Văn T1 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
2. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Ngô Quang Minh T và Đặng Văn T1, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 294/2020/HSPT ngày 29/09/2020 về tội trộm cắp tài sản
Số hiệu: | 294/2020/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về