TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 27/2017/HSPT NGÀY 01/08/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Hôm nay, ngày 01 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 50/2017/HSPT ngày 04 tháng 5 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Đức K do có kháng cáo của bị cáo K đối với bản án hình sự sơ thẩm số 62/2017/HSST ngày 22/3/2017 của Toà án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
* Bị cáo có kháng cáo:
Nguyễn Đức K, sinh năm 1985; STQ: Thôn M, xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: công nhân; trình độ học vấn: 12/12; con ông Nguyễn Đức H và bà Nguyễn Thị L ; có vợ là Bùi Thị L; con: chưa có; tiền án, Tiền sự: không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/6/2016 đến ngày 20/10/2016. Ngày 15/3/2017, bị bắt tạm giam để đảm bảo xét xử; hiện đang tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh; có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức K:
1. Ông Nguyễn Thế Uyên- Luật sư Văn phòng Luật sư Thế Gia, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh; có mặt.
2. Ông Trần Văn Hải - Luật sư Văn phòng Luật sư Hải Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh; có mặt.
3.Bà Lê Thị Tuyết Mai – Luật sư Công ty Luật TNHH Liên Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.
* Trong vụ án này còn có nguyên đơn dân sự Công ty N (TNHH) do ông Tống Văn H, chức vụ: Giám đốc làm đại diện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty Bảo hiểm B do ông Nguyễn Mạnh H và ông Hán Hoàng Y làm đại diện theo ủy quyền do không có kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thì vụ án được tóm tắt như sau:
Công ty TNHH N có trụ sở chính tại địa chỉ lô 16, Khu công nghiệp Q, thuộc địa bàn xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh. Công ty đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rạ,... Thời điểm tháng 3/2016, Công ty N chủ yếu sản xuất pallet và xốp cung cấp cho thị trường trong nước.
Nguyễn Đức K được tuyển dụng vào Công ty N từ tháng 6/2015 và được phân công làm việc tại tổ cơ khí, thiết bị của Công ty. Nhiệm vụ chính của tổ cơ khí là làm khuôn pallet. Khoảng 14h ngày 11/3/2016, anh Trần Văn H là tổ trưởng tổ cơ khí nói với K: “Em đến khu hầm sấy xem hầm nào mở có sắt hình chữ U thì cắt về làm khuôn pallet”. Do biết việc cắt sắt này phải có thêm người mới làm được, nên K bảo anh Trần Phương N và anh Hà Văn G làm cùng tổ với K đi làm cùng. Anh N và G mang theo máy hàn điện, K mang theo que hàn rồi cho lên xe đẩy đi đến xưởng số 3 của Công ty. Tại xưởng số 3 có 10 hầm sấy được đánh số thứ tự từ số 9 đến số 18. K đi đến hầm sấy số 14 mở cửa hầm và thấy hầm này đang hoạt động. K đi vào bên trong thấy có 02 thanh sắt hình chữ U được gắn trên tường ngăn giữa hầm số 14 với hầm số 13 và hầm số 15. Khoảng cách từ nền hầm đến vị trí gắn hai thanh sắt là 4,25m, trong hầm xếp các tấm gỗ xẻ nan cao khoảng hơn 3m. K chui qua cửa phụ phía sau của hầm sấy để tắt quạt và khóa vam không cho hơi nóng truyền vào trong. K bảo anh G đi lấy thang gỗ, còn K và anh N mang máy hàn vào trong hầm sấy. K đấu nối nguồn điện vào máy hàn. Sau đó, K đứng lên các chồng gỗ dùng que hàn kim loại gắn vào đầu mỏ hàn chấm liên tục để cắt đứt hai đầu thanh sắt gắn ở tường ngăn giữa hầm số 14 và hầm số 15. Quá trình cắt sắt, các vảy hàn bắn xuống khu vực để gỗ đang sấy ở trong hầm số 14. Sau đó K chuyển sang cắt hai đầu thanh sắt tiếp giáp giữa hầm số 14 và hầm số 13. Khi K đang cắt thì anh G và N phát hiện gỗ ở vị trí cuối hầm giáp với tường ngăn hầm số 15 bốc cháy và hô “Cháy, cháy”. K, anh N và anh G chạy ra khỏi hầm lấy bình chữa cháy để dập lửa và hô hào mọi người đến cùng chữa cháy nhưng không được, ngọn lửa cháy lan ra toàn bộ xưởng 3. Do chiếc máy hàn còn ở trong hầm nên K chạy vào hầm số 14 mang chiếc máy hàn ra ngoài thì bị bỏng ở hai mu bàn tay, vành tai phải và gò má phải. Sau đó, K được đưa đi bệnh viện cấp cứu và lực lượng phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Bắc Ninh đến chữa cháy, nhưng đến ngày 12/3/2016 thì đám cháy mới được khống chế.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành khám nghiệm hiện trường ngày 13/6 xác định:
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy là tại xưởng gỗ số 3 Công ty N thuộc địa phận xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh. Xưởng này nằm ở khu phía Đông của Công ty, ở giữa xưởng số 2 và khu nguyên liệu. Xưởng này bao gồm bên phía Bắc là dãy các buồng sấy có kết cấu xây dựng tường gạch, trụ bê tông, trên lợp tôn kim loại. Khu sản xuất có kết cấu xây dựng dạng nhà công nghiệp, bao quanh phía dưới là tường gạch xây lửng, trụ bê tông, trên bưng tôn kim loại, trên cùng là mái lợp tôn kim loại với khung dầm cột thép, liên kết hệ thống mái này bao che phía trên khu sản xuất và che qua phía trên lớp tôn của dãy buồng sấy. Xem xét khu xưởng 3 thấy trần mái lợp phía trên có dấu vết bị nhiệt hóa, cong vênh, biến dạng. Các dầm, kèo, tấm lợp mái cong võng xuống gần sát nền nhà xưởng, còn lại một phần ở hai đầu phía Đông và phía Tây còn giữ nguyên độ cao. Trên nền nhà xưởng tại khu sản xuất có nhiều sản phẩm cháy dạng gỗ than hóa màu đen dàn trải trên nền nhà xưởng, đám sản phẩm cháy này có độ cao trung bình 50cm.
Các buồng sấy tại xưởng 3 được đánh số thứ tự từ Tây sang Đông từ số 9 đến số 18. Mỗi buồng sấy có kích thước 6,74m x 6,3m, có một cửa hướng Nam thông ra khu sản xuất dạng cửa một cánh bằng kim loại kích thước 7m x 7m. Trần tôn có kết cấu hai lớp, nằm dưới mái và khung dầm nhà xưởng bắc qua thành trên các tường ngăn buồng. Trên tường Bắc, gần sát với trần tôn có hệ thống sấy bao gồm giàn sấy trên giá kim loại gắn vào tường, giữa giàn sấy và tường Bắc có 8 quạt tại 8 lỗ trên tường có kết nối với 8 động cơ đặt phía ngoài. Mặt phía ngoài tường Bắc, dưới các lỗ quạt có bệ bê tông nhô ra đặt 8 động cơ nối với hệ thống các dây điện phía ngoài trên tường Bắc.
Tại buồng sấy số 14: Bề mặt phía trong cửa có dấu vết bị tác động nhiệt mạnh hơn mặt phía ngoài. Toàn bộ trần tôn, nửa bên phía Đông bị nhiệt hóa tác động làm nóng chảy, rơi rụng nằm lẫn trên các sản phẩm cháy trên nền nhà. Nửa trần bên phía Tây vẫn còn trên các giá kim loại, toàn bộ mặt dưới mái nhà xưởng phía trên trần tôn thấy nửa bên phía Đông bị nhiệt hóa đổi màu sắc xanh đen, nửa bên phía Tây có màu nâu đỏ. Thanh dầm đỡ mái nhà xưởng ở trên thành tường giữa buồng số 14 và buồng 15, mặt dầm hướng bên buồng 14 bị nhiệt hóa biến đổi màu sắc có màu xanh đen. Mặt thanh dầm hướng bên buồng 14 (giáp với buồng 13) có màu phấn trắng. Các thanh xà gồ đỡ mái bị nhiệt hóa cong vênh. Bề mặt tường bị nhiệt hóa làm bong tróc mạnh lớp vữa và ám muội đen mờ. Trên nền nhà khu vực giữa buồng dọc theo hướng từ Tây sang Đông có 02 đường đây điện đã bị cháy hết lớp vỏ cách điện nằm lẫn trên các sản phẩm cháy. Nền nhà bị nứt vỡ mạnh, có nhiều sản phẩm cháy than hóa màu đen, phía dưới các sản phẩm cháy có một số tấm pallet nằm dọc theo trục Bắc Nam bị than hóa. Tại vị trí cách tường Bắc 70cm, cách tường Đông 3,5m phát hiện 01 đoạn kim loại dài 42cm, đường kính thân 1,2cm trên thân có dấu vết nóng chảy dạng hồ quang điện. Tại vị trí này có bám dính một số hạt kim loại hình cầu màu xám. Tại góc Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam phát hiện một số đầu que, chân que hàn cháy dở và bó que hàn còn nguyên cùng một đoạn dây điện lõi nhiều sợi dạng tóc. Tiến hành dùng nam châm rà tại đây thu giữ nhiều hạt kim loại hình cầu màu xám, một tấm kim loại nóng chảy màu trắng bám chặt vào đầu một số thanh gỗ, nhiều đoạn dây diện bị cháy hết lớp vỏ cách điện. Các động cơ có dấu vết bị nhiệt hóa mạnh ở phía trên. Mặt dưới bệ bê tông đỡ các động cơ có dấu vết muội đen đậm lùa từ trong ra ngoài. Ống hơi dẫn vào dàn nhiệt bị nhiệt hóa mạnh có màu xanh đen, đường dây diện 3 pha bị nhiệt hóa tác động làm đứt đoạn, nóng chảy, vón cục. Ngay trước cửa buồng sấy số 14 gần tường phía Tây có 01 xe khung sắt kích thước 1,38m x 0,87m x 0,89m hàn gắn trên bốn bánh kim loại tròn và một số đoạn dây điện cháy hết lớp vỏ cách điện, đứt đoạn, đầu một số đoạn có dấu vết nóng chảy, vón cục. Đầu một số đoạn nối với thanh kim loại (dạng đầu mài và mỏ hàn).
Quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra đã thu giữ tại buồng sấy số 14 gồm: Các đoạn que hàn bị cháy dở và các hạt kim loại hình cầu màu xám tại góc Đông Bắc nền buồng (mẫu M1); mẫu sản phẩm cháy trên nền sát góc Đông
Bắc cửa buồng (mẫu M2); 01 thanh kim loại dài 42cm đường kính thân 1,2cm trên thân có nhiều vết nóng chảy, vón cục dạng hồ quang điện và bám dính một số hạt hình cầu (mẫu M3); các đoạn dây điện bị cháy hết lớp vỏ, đứt đoạn cách tường Bắc 1,3m (mẫu M4); các que hàn tại góc Tây Nam, cách tường Tây 0,8m, cách cửa 2,5m (mẫu M5); các đoạn dây điện bị cháy hết vỏ cách điện, đứt đoạn đầu một số đoạn có dấu vết nóng chảy, vón cục, đầu một số đoạn được nối với thanh kim loại (dạng đầu mài và mỏ hàn) tại xe khung trước cửa buồng (mẫu M6).
Sau khi vụ việc xảy ra, phía Công ty N cùng với Cơ quan điều tra đã tiến hành xác định các thiệt hại do cháy gây ra gồm: 01 máy cắt hai đầu, 01 dây truyền máy làm gỗ dán, 01 máy nén khí TA125, 01 máy xẻ ván sàn, 1573,373m3 gỗ xẻ, khu nhà xưởng số 3 có diện tích 42m x 70m.
Tại bản kết luận giám định số 1072/C54-P2 ngày 15/4/2016 của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát kết luận: Vùng cháy đầu tiên nằm ở đầu phía Bắc khu vực buồng sấy 13, 14, 15 (tính từ Tây sang Đông) thuộc xưởng gỗ số 3 của Công ty TNHH N có địa chỉ tại Lô 16 Khu Công nghiệp Q, xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh; điểm xuất phát nằm ở khu vực góc Đông Bắc bên trong buồng sấy số 14; nguyên nhân cháy: Trong quá trình sửa chữa bên trong buồng sấy số 14, do sơ xuất, bất cẩn của việc hàn cắt kim loại bằng mỏ hàn điện đã làm các vảy hàn rơi vào các vật liệu có bên trong buồng sấy gây cháy, sau đó lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy nói trên.
Tại bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 1121/KL-HĐ ngày 24/10/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự - Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh kết luận: 04 máy móc gia công sản xuất gỗ gồm 01 máy cắt hai đầu; 01 dây truyền máy làm gỗ dán, 01 máy nén khí TA125 và 01 máy xẻ ván sàn tại thời điểm tháng 3/2016 có giá trị là: 1.786.956.790đ; Gỗ làm pallet trị giá 4.871.157.700đ.
Tại báo cáo kết quả giám định giá trị công trình xây dựng khu nhà xưởng số 3 Công ty N của Trung tâm kiểm định chất lượng và kinh tế xây dựng - Sở xây dựng Bắc Ninh tháng 10/2016 xác định: Giá trị công trình tính theo hồ sơ quyết toán của Công ty N và đã trừ khấu hao của công trình đến thời điểm xảy ra cháy là 5.657.554.000đ. Nhưng theo bảng kê khai thiệt hại của Công ty N ngày 16/3/2016 thì phần thiệt hại về nhà xưởng có giá trị 4.263.244.000đ. Nền cần chấp nhận giá trị thiệt hại về nhà xưởng theo bảng kê của Công ty N, vì không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh, cũng như khung hình phạt đối với bị cáo.
Do đó xác định tổng thiệt hại do cháy gây ra tại Công ty N ngày 11/3/2016 là 10.921.358.490đ.
Về trách nhiệm dân sự: Do Công ty N đã mua bảo hiểm rủi ro của công ty Bảo hiểm B nên không yêu cầu bị cáo K bồi thường dân sự và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo K.
Phía công ty Bảo hiểm B hiện chưa xác định trách nhiệm bảo hiểm nào đối với tổn thất của Công ty N ngày 11/3/2016, cần chờ kết quả vụ án, căn cứ vào đó Công ty Bảo hiểm B sẽ bồi thường bảo hiểm cho Công ty N và yêu cầu bị cáo K bồi hoàn sau.
Với nội dung trên, bản án số 62/2017/HSST ngày 22/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử và tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức K phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Áp dụng khoản 3 Điều 240; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự: Xử phạt Nguyễn Đức K 06 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 15/3/2017, được trừ đi thời gian tạm giam từ ngày 23/6/2016 đến ngày 20/10/2016.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/3/2017, bị cáo Nguyễn Đức K kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo K vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã xét xử.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên toà, sau khi phân tích hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo K, giữ nguyên án sơ thẩm.
Các Luật sư bào chữa cho bị cáo K trình bày: Biên bản phiên tòa cấp sơ thẩm ghi không đày đủ diễn biến, câu hỏi tại phiên tòa; dẫn đến việc án sơ thẩm nhận định các Luật sư đồng tình với tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố là không đúng quy định. Bản thân Giám đốc Công ty N đã vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy như Công văn trả lời của Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh trả lời. Bản thân bị cáo chỉ là người thực hiện nhiệm vụ do tổ trưởng giao, do vậy không thể buộc bị cáo chịu toàn bộ lỗi trong vụ án này được. Khi xảy ra cháy, bị cáo đã ngăn chặn làm giảm bớt thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp, án sơ thẩm có nhận định nhưng lại không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46 của BLHS mả áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS là không chính xác. Các Luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo 3 năm tù.
Bị cáo K đồng ý với quan điểm bào chữa của các luật sư, không bổ sung gì thêm, chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đối đáp với luận cứ của các Luật sư, Kiểm sát viên phát biểu: đề nghị HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo tại điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS, nhưng vẫn giữ nguyên mức hình phạt của án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận và trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Đức K có mặt đã hoàn toàn khai nhận hành vi phạm tội của mình như án sơ thẩm đã nêu. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm thu thập được đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 14h30’ngày 11/3/2016, tại Công ty N, địa chỉ lô 16 khu công nghiệp Q, thuộc xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh, sau khi được giao nhiệm vụ đi cắt sắt chữ U tại các hầm sấy để mang về làm khung pallet, bị cáo Nguyễn Đức K đã vào hầm sấy số 14 của Công ty dùng máy hàn điện và các que hàn để cắt sắt. Mặc dù bị cáo khai nhận biết việc cắt sắt như vậy là nguy hiểm, có thể gây ra cháy cao, bị cáo biết trong hầm sấy gỗ lúc đó nhiệt độ khoảng 60oC đến 70oC, gỗ sấy là các thanh gỗ thông, gỗ tạp xẻ nan được xếp chồng lên nhau thành khối cao khoảng 3m, rất dễ cháy. Nhưng bị cáo không sử dụng bất cứ biện pháp, thiết bị đảm bảo an toàn nào để phòng cháy trong khi cắt sắt. Nên các vảy hàn đã rơi xuống các tấm gỗ xẻ đang sấy gây cháy trong hầm số 14, rồi lan ra toàn bộ khu vực xưởng 3 của Công ty. Hành vi của bị cáo đã vi phạm quy định an toàn về Phòng cháy, chữa cháy, cụ thể vi phạm điểm c, d tiết 3b khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014) như sau:
“3b. Cá nhân có trách nhiệm:
a)………………
b)………………
c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và tr ong bảo quản, sử dụng chất cháy;
d) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy”.
Hành vi của bị cáo đã gây thiệt hại về tài sản trị giá 10.921.358.490đ. Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, do đó án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Đức K về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo khoản 3 Điều 240 B ộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đối với ý kiến của các Luật sư, HĐXX thấy:
- Về ý kiến Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm quy định tại Điều 281 Bộ luật tố tụng hình sự: Tại Biên bản phiên tòa (từ BL 193A đến 193G), Thư ký phiên tòa đã ghi chép đầy đủ các câu hỏi, câu trả lời, ý kiến của các Luật sư cũng như toàn bộ diễn biến tại phiên tòa. Vì vậy không có cơ sở để chấp nhận ý kiến này.
- Về ý kiến cho rằng Giám đốc Công ty TNHH N và tổ trưởng H cũng có lỗi trong viêc gây cháy: bị cáo K được giao nhiệm vụ đi cắt sắt tại các hầm mở (tức hầm không hoạt động), khi đến hầm số 14 bị cáo thấy hầm đóng (đang sấy vật liệu), bị cáo đã mở cửa hầm vào dùng mỏ hàn điện để cắt các thanh sắt. Việc làm này của bị cáo trái với sự phân công, giao nhiệm vụ của anh H. Hành vi giao nhiệm vụ cắt sắt của ông H, Giám đốc và anh H cho bị cáo không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy, mà nguyên nhân gây cháy là do bị cáo bất cẩn trong khi dùng mỏ hàn cắt thanh sắt làm các vảy hàn rơi vào các vật liệu trong hầm sấy dẫn đến cháy như kết luận giám định và lời khai của bị cáo tại phiên tòa. Vì vậy không có cơ sở chấp nhận ý kiến này.
- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi xảy ra cháy, bị cáo đã chạy đi tìm các phương tiện cứu hỏa để chữa cháy, dùng bình cứu hỏa để dập nhưng không đạt kết quả. Ngay sau đó, bị cáo nhớ còn một máy hàn để trong hầm sấy nên đã chạy vào để mang tài sản ra ngoài. Chính vì hành động cứu tài sản này của bị cáo đã làm bị cáo bị bỏng ở vùng tai, mặt, tay và phải đi viện điều trị. Án sơ thẩm đã nhận định về tình tiết này nhưng lại áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS là không chính xác. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm chấp nhận ý kiến này của các Luật sư, áp dụng thêm điểm a khoản 1 Điều 46 BLHS để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi lượng hình.
Xét kháng cáo của bị cáo K HĐXX thấy:
Hành vi của bị cáo K là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an toàn công cộng và gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho Công ty N, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hành vi đó của K phải được xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự, cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm thấy rằng, bị cáo là người lao động làm thuê hưởng lương, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của chủ doanh nghiệp, trong quá trình lao động do bất cẩn nên đã gây cháy làm thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, theo Công văn của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Ninh thì doanh nghiệp chưa chú trọng trong việc tổ chức triển khai hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo quy định, chưa tổ chức tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn lao động cho người lao động. Vì vậy, khi xảy ra cháy đã không có công cụ, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời. Đây chính là nguyên nhân khách quan dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Mặt khác, HĐXX cũng thấy rằng, bản thân bị cáo là người lao động lương thiện, chưa có tiền án, tiền sự; tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bố bị cáo là người có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều huy chương; Công ty N có đơn đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, và bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ quy địnhh tại điểm a khoản 1 Điều 46 như phân tích ở trên. HĐXX thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên hình phạt 6 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc. HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo để giảm một phần hình phạt, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí HSPT. Số tiền 200.000đ bị cáo đã nộp trước khi xét xử phúc thẩm được trừ vào tiền án phí HSST.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ điểm b khoản 2 điều 248, điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức K, sửa bản án sơ thẩm.
Áp dụng khoản 3 Điều 240; điểm a, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức K 04 năm 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 15/3/2017, được trừ đi thời gian tạm giam từ ngày 23/6/2016 đến ngày 20/10/2016.
Áp dụng Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự: Quyết định tạm giam bị cáo Nguyễn Đức K 45 ngày kể từ ngày tuyên án phúc thẩm để đảm bảo thi hành án.
2. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Đức K không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bị cáo phải chịu 200.000đ án phí HSST. Xác nhận bị cáo đã nộp 200.000đ tại Biên lai số BN/2010/003364 ngày 27/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bị cáo đã nộp đủ án phí HSST.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 27/2017/HSPT ngày 01/08/2017 về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy
Số hiệu: | 27/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về