TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN THANH KHÊ – TP ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 26/2019/DS-ST NGÀY 08/08/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Ngày 08 tháng 8 năm 2019 tại Trụ sở Toà án nhân dân quận Thanh Khê xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 265/2018/TLST-DS ngày 20 tháng 12 năm 2018 tranh chấp về thừa kế theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 265/2019/QĐXXST-DS ngày 19/6/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 40/2019/QĐST-DS ngày 18/7/2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Văn H; Sinh năm 1959; Địa chỉ: Số 724 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Có mặt
- Bị đơn: Ông Lê Văn T; Sinh năm 1952; Địa chỉ: K594/17 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Có mặt
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Lê Thị N; Sinh năm 1953; Địa chỉ: Tổ 10 phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Có mặt
2. Ông Lê Văn D; Sinh năm 1954; Địa chỉ: K814/34 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Có mặt
3. Ông Lê Văn S; Sinh năm 1960; Địa chỉ: K142/16 đường G, phường Đ, quận Â, thành phố Đà Nẵng. Có mặt
4. Bà Lê Thị H1; Sinh năm 1962; Địa chỉ: Xóm 7, thôn Y, xã B, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Có mặt
5. Ông Lê Văn T1; Sinh năm 1970; Địa chỉ: Số 720 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt
6. Bà Lê Thị H2; Sinh năm 1973; Địa chỉ: Số 720 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt
7. Bà Nguyễn Thị Thanh T3; Sinh năm 1976; Địa chỉ: Số 720 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt
8. Ông Phạm Văn V; Sinh năm 1996; Địa chỉ: Số 720 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt
9. Ông Lê Hoàng V1; Sinh năm 1999; Địa chỉ: Số 720 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
*Nguyên đơn là ông Lê Văn H trình bày:
Cha mẹ ông là cụ ông Lê Văn T2 và cụ bà Trần Thị M sinh thời có 08 người con là: Lê Văn T, Lê Thị N, Lê Văn D, Lê Văn H, Lê Thị H1, Lê Văn S, Lê Văn T1 và Lê Thị H2. Ngoài ra hai cụ không có người con riêng, con nuôi nào khác. Cha mẹ cụ T2 và cụ M chết năm nào ông không xác định được thời gian nhưng tất cả đều chết trước các cụ.
Sinh thời cụ T2 và cụ M tạo lập được khối tài sản là ngôi nhà cấp 4 xây dựng trên diện tích đất 136, 9m2 thuộc thửa đất số 174, tờ bản đồ số 17 tọa lạc tại số 720 đường C, tổ 05 (nay là tổ 06) phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng.
Cụ M chết năm 2009 không để lại di chúc. Cụ T2 chết năm 2016. Trước khi chết, cụ T2 đã lập di chúc vào ngày 03/7/2012 với nội dung để lại phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung của vợ chồng và phần cụ được thừa kế của cụ M cho các ông bà: Lê Thị N, Lê Văn D, Lê Văn H, Lê Thị H1, Lê Văn S, Lê Văn T1 và Lê Thị H2.
Do không thỏa thuận được với các đồng thừa kế về việc phân chia di sản của cha mẹ để lại nên nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế theo quy định của pháp luật đối với phần di sản của cụ Trần Thị M, chia thừa kết theo di chúc ngày 03/7/2012 đối với phần di sản của cụ Lê Văn T2 trong khối tài sản chung được xác định trên đây.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Văn H yêu cầu được giao quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất tọa lạc tại số 720 đường C, tổ 05 (nay là tổ 06) phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng và có nghĩa vụ thối trả lại tiền cho các đồng thừa kế, tuy nhiên tại phiên tòa ông H thống nhất giao nhà đất trên đây cho ông Lê Văn T1 sở hữu, sử dụng và xin nhận kỷ phần thừa kế bằng tiền mặt.
*Bị đơn ông Lê Văn T trình bày:
Ông Lê Văn T thừa nhận lời trình bày của nguyên đơn về hàng thừa kế cũng như di sản của cụ T2 và cụ M.
Tuy nhiên ông T cho rằng khi còn sống cha ông là cụ Lê Văn T2 có nguyện vọng để nhà đất tại số 720 đường C để làm nhà thờ, việc này có ông Lê Văn A, anh Lê Duy L làm chứng. Do vậy di chúc của cụ Lê Văn T2 là không hợp lý vì không thể hiện nội dung trên đây. Ông đề nghị để toàn bộ nhà đất để làm nhà thờ, trường hợp phải chia thừa kế thì ông đề nghị để lại một phần diện tích nhà đất là 30m2 để làm nhà thờ, phần còn lại yêu cầu chia đều cho các đồng thừa kế.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn D, bà Lê Thị N, bà Lê Thị H1, ông Lê Văn S, bà Lê Thị H2, ông Lê Văn T1 đều thống nhất về hàng thừa kế, di sản thừa kế của cụ Lê Văn T2 và cụ Trần Thị M như lời trình bày của nguyên đơn, xác nhận không biết về việc cụ T2 có nguyện vọng để nhà đất tại 720 đường C làm nhà thờ và không đồng ý với yêu cầu làm nhà thờ như ý kiến của ông T mà đề nghị chia thừa kế theo di chúc đối với phần di sản của cụ Lê Văn T2 và chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Trần Thị M.
Ông Lê Văn T1 yêu cầu được giao quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà đất tại số 720 đường C, thành phố Đà Nẵng và sẽ có trách nhiệm thối trả đối với kỷ phần thừa kế của những người thừa kế khác. Đồng thời ông T1 yêu cầu được thanh toán khoản chi phí sửa chữa nhà mà vợ chồng ông đã bỏ ra; xem xét chia thừa kế cho anh Lê Duy L vì đã có công chăm sóc, giúp đỡ cụ Lê Văn T2, cụ Trần Thị M khi các cụ còn sống.
*Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thanh T3 thống nhất với ý kiến của ông Lê Văn T1 về việc yêu cầu được thanh toán khoản chi phí sửa chữa nhà của bà và ông T1.
*Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Lê Hoàng V1, ông Phạm Văn V không có ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
*Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến và cho rằng:
Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Việc tuân theo pháp luật của các đương sự đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 71 và 72 Bộ luật tố tụng dân sự. Riêng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Văn V, Lê Hoàng V1 đã không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Về nội dung giải quyết của vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 624, 627, 630, 649, 650, 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H, chia cho những người thừa kế được hưởng giá trị di sản như sau: ông Lê Văn T được hưởng 576.982.948đ; bà Lê Thị N, ông Lê Văn D, ông Lê Văn H, ông Lê Văn S, bà Lê Thị H1, ông Lê Văn T1, bà Lê Thị H2 mỗi người được hưởng 1.402.244.303đ. Giao cho ông Lê Văn T1 được nhận nhà đất và có nghĩa vụ thối trả cho các đồng thừa kế số tiền tương ứng. Không chấp nhận yêu cầu thối trả tiền sửa chữa nhà của ông Lê Văn T1 và bà Nguyễn Thị Thanh T3. Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn T1 về việc chia một phần di sản của cụ T2 và cụ M cho anh Lê Duy L.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử thấy:
*Về tố tụng:
[1]. Đây là vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bị đơn là ông Lê Văn T có địa chỉ cư trú tại số 594/17 đường C, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Thanh Khê theo khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn T1, bà Lê Thị H2, bà Nguyễn Thị Thanh T3, ông Lê Hoàng V1, ông Phạm Văn V đã được Tòa án đã triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt nên căn cứ Điều 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án tiến hành xét xử vắng mặt những người này.
*Về nội dung vụ án:
[1]. Đối với ngôi nhà xây dựng trên đất tọa lạc tại địa chỉ số 720 đường C thuộc tổ 06, phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng:
Theo đơn khởi kiện, các bản trình bày, biên bản lấy lời khai và lời khai tại phiên tòa, các đương sự trong vụ án đều xác định: Ngôi nhà cấp 4 với cấu trúc tường xây, mái lợp tôn, xà gồ gỗ, mái senô đúc tọa lạc trên lô đất có diện tích 136,9 m2 ở số 720 đường C, thành phố Đà Nẵng đã được Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 854121 ngày 13/9/2011 là tài sản chung của cụ Lê Văn T2 và cụ Trần Thị M.
Theo chứng thư thẩm định giá ngày 21/3/2019 nhà đất này có giá trị 10.385.693.077đ. Như vậy trị giá tài sản của mỗi cụ trong khối tài sản chung được xác định là 5.192.846.538đ.
Sau khi cụ T2 và cụ M qua đời, hiện tại có hai hộ gia đình đang sinh sống tại nhà đất trên đây, bao gồm các ông bà: Lê Văn T1, Nguyễn Thị Thanh T3, Lê Hoàng V1, Lê Hoàng Q và Lê Thị H2, Phạm Văn V, Phạm Lê V. Theo các đương sự khác trong vụ án thì các hộ gia đình trên không phải được các đồng thừa kế giao quản lý di sản của các cụ mà do những người này không có nhà ở nên sinh sống tại đây. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn T1, bà Nguyễn Thị Thanh T3 cho rằng quá trình sinh sống ông bà đã tôn tạo, sửa chữa một phần nhà ở và yêu cầu được thanh toán chi phí đã bỏ ra. Bà Lê Thị H2 cũng thống nhất xác nhận vợ chồng ông T1 có tiến hành sửa chữa khi sinh sống tại nhà số 720 đường C, thành phố Đà Nẵng nhưng chi phí cụ thể thì bà không biết. Các đồng thừa kế còn lại cho rằng việc sửa chữa nhà ở của vợ chồng ông T1 chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của các thành viên trong gia đình ông T1, không nhằm tôn tạo, duy trì di sản và khi sửa chữa không được sự đồng ý của các đồng thừa kế nên không đồng ý thanh toán chi phí sửa chữa mà ông T1 và bà T3 đã yêu cầu. Quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Văn T1 và bà Nguyễn Thị Thanh T3 không đưa ra được yêu cầu cụ thể về số tiền sửa chữa và tài liệu, chứng cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để xem xét yêu cầu của ông T1 và bà T3.
[2]. Xét yêu cầu của ông Lê Văn H về việc chia di sản của cụ Trần Thị M theo pháp luật, thấy rằng:
Cụ Trần Thị M mất năm 2009. Các đương sự đều thống nhất xác định khi mất cụ M không để lại di chúc. Xét thời hiệu yêu cầu chia di sản của cụ M vẫn còn theo quy định tại tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 do vậy nguyên đơn khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản cụ Trần Thị M là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự nên cần chấp nhận. Căn cứ vào khoản 1 Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người thừa kế di sản của cụ Trần Thị M bao gồm 08 người con là: Lê Văn T, Lê Thị N, Lê Văn D, Lê Văn H, Lê Thị H1, Lê Văn S, Lê Văn T1, Lê Thị H2 và chồng cụ M là cụ Lê Văn T2. Như vậy mỗi người thừa kế của cụ M sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, mỗi kỷ phần trị giá: 5.192.846.538đ : 9 = 576.982.948đ.
[3]. Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc chia di sản của cụ Lê Văn T2 theo di chúc ngày 03/7/2012 thì thấy:
Cụ Lê Văn T2 qua đời vào năm 2016, trước khi mất cụ T2 đã lập di chúc vào ngày 03/7/2012 có nội dung để lại 1/2 nhà đất trong khối tài sản chung với cụ Trần Thị M và phần cụ được hưởng thừa kế của cụ M cho các con của cụ là: Lê Thị N, Lê Văn D, Lê Văn H, Lê Thị H1, Lê Văn S, Lê Văn T1 và Lê Thị H2.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn là ông Lê Văn T thừa nhận cụ Lê Văn T2 chỉ lập duy nhất một bản di chúc bằng văn bản vào ngày 03/7/2012 nhưng ông T không đồng ý với nội dung di chúc vì cho rằng không thể hiện đầy đủ ý chí của cụ T2. Ông T cho rằng khi còn sống cụ T2 đã nhiều lần di chúc miệng có sự chứng kiến của con cháu về việc sau khi cụ mất sẽ để lại toàn bộ nhà đất tại số 720 đường C làm nơi thờ tự. Tòa án không tiến hành được việc lấy lời khai của người làm chứng là ông Lê Văn A; đối với người làm chứng là anh Lê Duy L xác nhận có nội dung này nhưng anh L không xác định được về mặt thời gian cụ thể khi cụ T2 đề cập. Tất cả những người con khác của cụ T2 đều xác nhận không biết gì về những nội dung di chúc miệng mà ông T trình bày. Đối chiếu với quy định tại khoản 5 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng” thì nội dung di chúc miệng của cụ Lê Văn T2 theo lời trình bày của ông Lê Văn T không được xem là hợp pháp do đó Hội đồng xét xử không có cơ sở xác định ý nguyện của cụ T2 là để di sản làm nơi thờ cúng.
Xét di chúc của cụ Lê Văn T2 được lập vào ngày 03/7/2012 thấy rằng cụ T2 lập di chúc trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép; nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và đã được Văn phòng công chứng R xác nhận nên có nội dung và hình thức phù hợp quy định tại các Điều 649, 652, 657 Bộ luật dân sự năm 2005 do vậy di chúc trên đây hoàn toàn hợp pháp và di sản của cụ T2 sẽ được chia thừa kế theo di chúc.
Di sản thừa kế của cụ T2 bao gồm 1/2 giá trị nhà đất tại số 720 đường C, thành phố Đà Nẵng có trị giá 5.192.846.538đ và phần di sản cụ T2 được hưởng của cụ M trị giá 576.982.948đ, như vậy di sản của cụ T2 có tổng trị giá là 5.769.829.486đ.
Căn cứ nội dung di chúc, những người được hưởng di sản của cụ T2 bao gồm các ông bà: Lê Thị N, Lê Văn D, Lê Văn H, Lê Thị H1, Lê Văn S, Lê Văn T1 và Lê Thị H2 với giá trị mỗi kỷ phần là: 5.769.829.486đ : 7 = 824.261.355đ.
[4]. Quá trình giải quyết vụ án ông Lê Văn T1 yêu cầu giao toàn bộ nhà đất của cụ T2 và cụ M cho ông được quyền sở hữu và sử dụng. Tại phiên tòa các đương sự đều thống nhất với ý kiến của ông T1, bà H2 vắng mặt tại phiên tòa nhưng tại biên bản lấy lời khai bà H2 xác định không có nhu cầu nên Hội đồng xét xử chấp nhận giao toàn bộ nhà ở xây dựng trên diện tích đất 136,9 m2 tại thửa đất số 174, tờ bản đồ số 17 tọa lạc ở địa chỉ số 720 đường C thuộc tổ 05 (nay là tổ 06), phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng. Ông Lê Văn T1 có trách nhiệm thối trả chênh lệch về kỷ phần được hưởng cho những người còn lại trong diện được hưởng di sản của cụ Lê Văn T2 và Trần Thị M.
[5]. Đối với ý kiến của ông Lê Văn T1 về việc chia cho anh Lê Duy L một phần di sản của cụ Lê Văn T2 và Trần Thị M vì khi các cụ còn sống anh L đã thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc và đỡ đần các cụ một số công việc liên quan đến nhà cửa, năm 2001 hai cụ cũng đã đồng ý cho anh L làm nghề sửa xe tại nhà nhưng sau đó vì để cho các cụ tịnh dưỡng nên anh L không làm nghề tại đây nữa. Xét thấy việc làm của anh Lê Duy L thể hiện được sự hiếu đạo của con cháu đối với ông bà nhưng chưa đủ để xem xét anh L có công lao nuôi dưỡng, chăm sóc cụ M, cụ T2 nên Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ xét cho anh L được hưởng thừa kế một phần di sản.
[6]. Quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Văn T1 đã cung cấp một số tài liệu chứng cứ thể hiện ông T1 có nộp một số khoản thu có liên quan đến nhà đất tại số 720 đường C, thành phố Đà Nẵng nhưng ông không yêu cầu gì về vấn đề này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[7]. Chi phí thẩm định giá theo giá thị trường là 25.000.000đ các đồng thừa kế phải chịu tương ứng theo tỷ lệ tài sản được nhận. Ông Lê Văn H đã nộp tạm ứng toàn bộ số tiền chi phí, do vậy các đồng thừa kế có nghĩa vụ hoàn trả cho ông H với số tiền cụ thể như sau:
Ông Lê Văn T phải trả: (576.982.948đ : 10.385.693.077đ) x 25.000.000đ =1.389.000đ Ông Lê Văn D, bà Lê Thị N, bà Lê Thị H1, ông Lê Văn S, ông Lê Văn T1 và bà Lê Thị H2 mỗi người phải trả: (576.982.948đ + 824.261.355đ) : 10.385.693.077đ x 25.000.000đ = 3.373.000đ.
[8]. Về án phí: Các ông bà Lê Văn H, Lê Thị H1, Lê Văn S, Lê Văn T1 và Lê Thị H2 phải chịu án phí DSST đối với số tiền được nhận. Số tiền án phí cụ thể mỗi người phải chịu là: 36.000.000đ + 3% x 601.244.303đ = 54.037.329đ Ông Lê Văn T, ông Lê Văn D và bà Lê Thị N có đơn yêu cầu miễn giảm án phí. Xét đơn của những người này phù hợp với quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326 /2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án nên cần chấp nhận miễn toàn bộ án phí DSST.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 5 Điều 26, Khoản 1 Điều 35,điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 227, Điều 228, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 649, 652 và 657 Bộ luật dân sự năm 2005;
Căn cứ Điều 623, 624, 627, 630, 649, 650, 651 Bộ luật dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.
Xử:
I. Xác định ngôi nhà cấp 4 với cấu trúc tường xây, mái lợp tôn, xà gồ gỗ, mái senô đúc tọa lạc trên thửa đất số 174, tờ bản đồ số 17, có diện tích 136,9 m2 tại số 720 đường C, thành phố Đà Nẵng có trị giá 10.385.693.077đ (Mười tỷ ba trăm tám mươi lăm triệu sáu trăm chín mươi ba đồng, không trăm bảy mươi bảy đồng) là tài sản của cụ Lê Văn T2 và cụ Trần Thị M để lại.
Phần di sản của cụ Trần Thị M được xác định có trị giá 5.192.846.538đ (Năm tỷ một trăm chín mươi hai triệu tám trăm bốn mươi sáu ngàn năm trăm ba mươi tám đồng).
Phần di sản của cụ Lê Văn T2 được xác định có trị giá 5.769.829.486đ (Năm tỷ bảy trăm sáu mươi chín triệu tám trăm hai mươi chín ngàn bốn trăm tám mươi sáu đồng).
II. Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Trần Thị M. Những người được hưởng di sản của cụ M gồm: cụ Lê Văn T2, ông Lê Văn T, bà Lê Thị N, ông Lê Văn D, ông Lê Văn H, bà Lê Thị H1, ông Lê Văn S, ông Lê Văn T1, bà Lê Thị H2 với giá trị mỗi kỷ phần là: 576.982.948đ (Năm trăm bảy mươi sáu triệu chín trăm tám mươi hai ngàn chín trăm bốn mươi tám đồng).
III. Chia thừa kế theo di chúc lập ngày 03/7/2012 đối với di sản của cụ Lê Văn T2. Những người được hưởng di sản của cụ T2 gồm: bà Lê Thị N, ông Lê Văn D, ông Lê Văn H, bà Lê Thị H1, ông Lê Văn S, ông Lê Văn T1, bà Lê Thị H2 với giá trị mỗi kỷ phần là: 824.261.355đ (Tám trăm hai mươi bốn triệu hai trăm sáu mươi mốt ngàn ba trăm năm mươi lăm đồng).
IV. Giao ngôi nhà cấp 4 với cấu trúc tường xây, mái lợp tôn, xà gồ gỗ, mái senô đúc tọa lạc trên thửa đất số 174, tờ bản đồ số 17, có diện tích 136,9 m2 tại số 720 đường C thuộc tổ 05 cũ, nay là tổ 06 phường X, quận K, thành phố Đà Nẵng đã được Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 854121 ngày 13/9/2011 cho ông Lê Văn T1 được toàn quyền sở hữu, sử dụng.
Ông Lê Văn T1 được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đối với nhà đất được giao theo quy định của pháp luật.
V. Nghĩa vụ thối trả chênh lệch về tài sản được giao sở hữu, sử dụng so với kỷ phần thừa kế được chia của ông Lê Văn T1 cho những người còn lại trong diện được hưởng di sản của cụ Lê Văn T2 và Trần Thị M, cụ thể như sau:
Buộc ông Lê Văn T1 thối trả cho ông Lê Văn D, bà Lê Thị N, ông Lê Văn H, ông Lê Văn S, bà Lê Thị H1, bà Lê Thị H2 mỗi người số tiền 1.401.244.303đ (Một tỷ bốn trăm lẻ một triệu hai trăm bốn mươi bốn ngàn ba trăm lẻ ba đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Buộc ông Lê Văn T1 thối trả cho ông Lê Văn T số tiền 576.982.948đ (Năm trăm bảy mươi sáu triệu chín trăm tám mươi hai ngàn chín trăm bốn mươi tám đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
VI. Về chi phí thẩm định giá tài sản theo giá thị trường:
Buộc ông Lê Văn T có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Lê Văn H số tiền chi phí thẩm định giá tài sản là 1.389.000đ (Một triệu ba trăm tám mươi chín ngàn đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Buộc ông Lê Văn D, bà Lê Thị N, bà Lê Thị H1, ông Lê Văn S, ông Lê Văn T1 và bà Lê Thị H2 mỗi người có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Lê Văn H số tiền 3.373.000đ (Ba triệu ba trăm bảy mươi ba ngàn đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
VII. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Buộc bà Lê Thị H1, ông Lê Văn S, ông Lê Văn T1 và bà Lê Thị H2 mỗi người phải chịu 54.037.329đ (Năm mươi bốn triệu không trăm ba mươi bảy ngàn ba trăm hai mươi chín đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Buộc ông Lê Văn H phải chịu 54.037.329đ (Năm mươi bốn triệu không trăm ba mươi bảy ngàn ba trăm hai mươi chín đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.375.000đ theo Biên lai thu số 4384 ngày 20/12/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, ông H còn phải nộp tiếp số tiền 50.662.329đ (Năm mươi triệu sáu trăm sáu mươi hai ngàn ba trăm hai mươi chín đồng).
Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Lê Văn T, ông Lê Văn D, bà Lê Thị N.
VIII. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 08/8/2019). Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết.
IX. Đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, người được thi hành án có đơn yêu cầu mà người thi hành án không thi hành thì còn phải trả khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
X. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 26/2019/DS-ST ngày 08/08/2019 về tranh chấp thừa kế
Số hiệu: | 26/2019/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Thanh Khê - Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/08/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về