TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM
BẢN ÁN 07/2018/DS-ST NGÀY 27/11/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Ngày 27 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2018/TLST – DS ngày 08 tháng 8 năm 2018 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2018/QĐXXST - DS ngày 12 tháng 11 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
Bà Trần Thị D, sinh năm 1952; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam; nơi cư trú hiện nay: Thôn M, xã A, huyện B, tỉnh Hà Nam.
- Bị đơn:
Ông Dương Đức N, sinh năm 1968.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Dương Thị Y, sinh năm 1962.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn Đ , xã L, huyện B, tỉnh Hà Nam.
2. Bà Dương Thị L, sinh năm 1964.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn Đ, xã L, huyện B, tỉnh Hà Nam.
3. Bà Dương Thị C, sinh năm 1972.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn T, xã A, huyện B, tỉnh Hà Nam.
(Có mặt bà D. Vắng mặt ông N, bà Y, bà L, bà C có lí do).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 15-7-2018 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn là bà Trần Thị D trình bày: Năm 1996 bà kết hôn với ông Dương Đình Q, sinh năm 1937 ở thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam. Trước khi kết hôn với bà thì ông Q kết hôn với bà Nguyễn Thị M và sinh được bốn người con chung gồm ông Dương Đức N, sinh năm 1968; bà Dương Thị Y, sinh năm 1962; bà Dương Thị L, sinh năm 1964; bà Dương Thị C, sinh năm 1972. Hiện nay cả bốn người con chung của ông Q, bà M đều đã xây dựng gia đình riêng.
Năm 1993 ông Q và bà M được Tòa án nhân dân huyện Bình Lục giải quyết cho ly hôn và phân chia tài sản chung của vợ chồng. Theo quyết định của Tòa án thì ông Q được chia diện tích đất ở là 205m2 tại thôn C, xã T, huyện B và tài sản trên đất là 3 gian nhà cấp bốn. Sau khi kết hôn với bà thì ông Q đã tự nguyện nhập toàn bộ tài sản trên thành tài sản chung của vợ chồng, thửa đất ở này đã được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AĐ 6xxxx ngày 18-4-2006 mang tên người sử dụng là ông Dương Đình Q và bà Trần Thị D. Từ khi kết hôn với ông Q thì bà đã dùng tiền của bà dành dụm cả cuộc đời làm công nhân để tu sửa nhà cấp bốn, xây dựng công trình phụ trên đất và chăm sóc, thuốc men cho ông Q. Ngoài số tài sản nêu trên thì bà và ông Q còn có 01 thửa đất ao có diện tích 170m2 tại thôn C, xã T, huyện B đã được UBND huyện B cấp GCNQSDĐ số AĐ 6xxxx ngày 18- 4-2006 mang tên người sử dụng là bà và ông Q. Ngoài ra, ông Q còn được Nhà nước giao quyền sử dụng 2,5 sào ruộng tiêu chuẩn để cấy lúa và bà cũng được giao 1 sào ruộng theo GCNQSDĐ số U 1xxxx do UBND huyện B cấp ngày 13- 9-2002. Ngày 07-6-2017 ông Q chết không để lại di chúc. Từ sau khi ông Q chết thì anh N luôn tìm mọi cách để đuổi bà ra khỏi nhà, mặc dù anh N đã có chỗ ở ổn định.
Nay bà D xác định do bà không có con nên bà chỉ đề nghị Tòa án phân chia phần di sản của ông Dương Đình Q để lại nằm trong khối tài sản chung của ông bà mà bà đang quản lý là thửa đất ở 205m2 và tài sản trên đất để bà có chỗ thờ cúng ông Q, bà xin nhận toàn bộ di sản của ông Q bằng hiện vật và bà sẽ có trách nhiệm trả kỷ phần cho ông N, bà Y, bà L, bà C bằng tiền mặt. Riêng về công việc bốc mộ cho ông Q sau này thì bà sẽ có trách nhiệm bỏ tiền ra lo toàn bộ. Đối với thửa đất ao là đất của ông cha để lại nên từ lâu ông Q và bà đã cho người cháu trưởng trong họ tộc sử dụng nên bà không yêu cầu Tòa án phân chia. Đối với 2,5 sào ruộng cấy của ông Q và 1 sào ruộng cấy của bà thì từ lâu ông bà đã cho ông N sử dụng canh tác nên bà cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là ông Dương Đức N trình bày: Bố mẹ đẻ ông là ông Dương Đình Q và bà Nguyễn Thị M sinh được bốn người con gồm ông, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L và bà Dương Thị C. Ngày 07-6-2017 bố ông chết không để lại di chúc; mẹ ông cũng chết năm 2013. Năm 1993 bố mẹ ông được Tòa án nhân dân huyện Bình Lục giải quyết cho ly hôn và phân chia cho bố ông được quyền sử dụng tài sản chung là ½ thửa đất và căn nhà cấp bốn trên đất, nhưng đến nay ông không biết thửa đất này có diện tích cụ thể là bao nhiêu và giấy tờ đứng tên ai. Sau khi bố mẹ ông ly hôn, đến năm 1996 bố ông kết hôn với bà Trần Thị D và hai ông bà chung sống với nhau tại thửa đất của bố ông được Tòa án phân chia. Sau khi làm lễ cúng 49 ngày cho bố ông xong thì bà D đã yêu cầu chị em các ông phải phân chia tài sản của bố ông để lại, nhưng chị em các ông không đồng ý mà đề nghị để sau khi bốc mộ cho bố ông xong thì mới được phân chia. Nay bà D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản bố ông để lại là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất là nhà cấp bốn và công trình phụ thì ông có quan điểm đề nghị chờ sau khi bốc mộ cho bố ông xong mới được chia. Còn nếu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế bố ông để lại thì kỷ phần của ông là bao nhiêu ông xin hưởng theo pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, bà Dương Thị C đều xác định: Bố mẹ đẻ các bà là ông Dương Đình Q và bà Nguyễn Thị M sinh được bốn người con gồm Dương Thị Y, Dương Thị L, Dương Đức Nn, Dương Thị C và việc bố mẹ các bà được Tòa án giải quyết cho ly hôn, phân chia tài sản cũng như việc bố các bà kết hôn với bà Trần Thị D là đúng như bà D và ông N trình bày. Ngày 07-6-2017 bố các bà chết không để lại di chúc. Nay bà D đề nghị chia thừa kế phần di sản là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất của ông Q thì các bà yêu cầu chờ đến khi bốc mộ cho bố các bà xong mới được chia, còn nếu phải phân chia theo pháp luật thì phần của các bà được bao nhiêu các bà xin nhận theo quy định, nếu không được nhận bằng hiện vật thì các bà xin được nhận bằng tiền mặt.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phát biểu ý kiến: Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án, tiến hành thu thập chứng cứ đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; tại phiên toà, thành phần Hội đồng xét xử được đảm bảo, các bước tiến hành của Hội đồng xét xử đều thực hiện đúng quy định; Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đối với những người tham gia tố tụng là bà D, ông N, bà Y, bà L, bà C đều đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 5, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, các điểm a, c khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 147, Điều 157, Điều 165, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; áp dụng các Điều 609, 611, 612, 613, khoản 1 Điều 623, Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651, khoản 2 Điều 660, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2005; áp dụng Điều 179 Luật đất đai năm 2013; áp dụng Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; áp dụng Luật số 97/2015/QH13 ngày 25-11-2015; áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
1. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Trần Thị D đối với 102,5m2 đất trong tổng số 205m2 đất ở tại thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam được xác định tại thửa số 96 tờ bản đồ số 8 mang tên hộ ông Dương Đình Qg và bà Trần Thị D theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AĐ6xxxx ngày 18-4-2006 của UBND huyện B, tỉnh Hà Nam và ½ giá trị tài sản trên đất là 01 ngôi nhà cấp bốn 03 gian, bếp và công trình phụ, cụ thể như sau:
- Giao cho bà Trần Thị D sở hữu 102,5m2 trong tổng số 205m2 đất thửa số 96 tờ bản đồ số 8 tại thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam và toàn bộ tài sản trên đất là 01 ngôi nhà cấp bốn 03 gian, bếp và công trình phụ.
- Chia cho các ông, bà Dương Thị Y, Dương Thị L, Dương Đức N và Dương Thị C mỗi người 19.464.500đ là giá trị kỷ phần các ông, bà được hưởng đối với phần di sản của ông Q để lại để chia. Bà Trần Thị D có trách nhiệm trả ông N, bà Y, bà L, bà C số tiền này.
- Bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, ông Dương Đức N và bà Dương Thị C phải trả bà Trần Thị D mỗi người 584.000đ tiền chi phí đo đạc, thẩm định và định giá tài sản.
2. Án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Trần Thị D, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, ông Dương Đức N và bà Dương Thị C mỗi người phải chịu 973.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Bị đơn là ông Dương Đức N và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, bà Dương Thị C đều đã có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[2] Về diện thừa kế: Ông Dương Đình Q và bà Trần Thị D là vợ chồng hợp pháp, ông bà không có con chung với nhau. Trước khi kết hôn với bà D thì ông Q kết hôn với bà Nguyễn Thị M và sinh được bốn người con gồm bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, ông Dương Đức N và bà Dương Thị C. Ngày 06-7-2017 ông Q chết không để lại chi chúc. Vào năm 1993 ông Q được Tòa án nhân dân huyện Bình Lục giải quyết cho ly hôn bà M và phân chia tài sản chung của vợ chồng, theo quyết định của Tòa án thì ông Q được phân chia ½ thửa đất ở và 01 nhà 3 gian cấp bốn nằm trên đất. Sau khi kết hôn với bà D thì ông Q đã tự nguyện nhập toàn bộ tài sản này thành tài sản chung của vợ chồng và được UBND huyện B cấp GCNQSDĐ số AĐ 6xxxx ngày 18-4-2006 với diện tích 205m2 thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 8 tại thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam.
Quá trình chung sống vợ chồng ông bà đã tu sửa nhà cấp bốn và xây dựng thêm bếp, công trình phụ, sân gạch, tường bao, cổng trên thửa đất này. Nay ông Q đã chết, theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 thì phần di sản ông Q để lại là ½ tài sản trong khối tài sản chung của ông Q, bà D nêu trên. Vì bố, mẹ ông Dương Đình Q đã chết từ rất lâu nên hàng thừa kế thứ nhất của ông Q gồm có bà Trần Thị D và các con của ông Q là ông Dương Đức N, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L và bà Dương Thị C.
[3] Xét yêu cầu của bà Trần Thị D về việc chia di sản thừa kế của ông Dương Đình Q để lại: Hội đồng xét xử thấy rằng ông Q chết không để lại di chúc, bà D là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Q và là đồng sở hữu đối với khối tài sản chung của vợ chồng nên bà có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế ông Q để lại để đảm bảo quyền lợi cho bà và các đồng thừa kế khác. Ông Dương Đức N, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, bà Dương Thị C yêu cầu chờ đến khi bốc mộ cho ông Q xong mới được chia di sản thừa kế của ông Q là không có căn cứ chấp nhận, tại vì theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Do đó cần chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị D về việc chia di sản thừa kế của ông Dương Đình Q để lại. Theo quy định của pháp luật thì ông Q và bà D mỗi người có ½ tài sản là quyền sử dụng thửa đất ở có diện tích 205m2 và các tài sản trên đất như đã nêu ở trên. Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của ông Q là năm người gồm bà D, ông N, bà Y, bà L và bà C, theo đó di sản thừa kế là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất ông Q để lại sẽ được chia đều cho năm người. Tuy nhiên, bà D xác định từ trước đến nay bà đều ở tại khu nhà đất này, còn ông N, bà Y, bà L, bà C đều có chỗ ở ổn định, nay bà xin nhận toàn bộ phần di sản của ông Q bằng hiện vật để sau này bà có chỗ khói hương thờ cúng ông Q, bà sẽ có trách nhiệm trả bằng tiền mặt cho các đồng thừa kế khác theo kỷ phần của từng người. Xét yêu cầu này của bà D là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với thực tế hiện trạng thửa đất, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Cụ thể di sản thừa kế của ông Dương Đình Q sẽ được chia như sau: Theo kết quả trích đo của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện B xác định hiện trạng thửa đất ở của ông Q, bà D có diện tích là 213m2. Song bà D và các đồng thừa kế khác chỉ đề nghị chia di sản thừa kế về phần đất theo đúng diện tích đã được cấp là 205m2 tại GCNQSDĐ số AĐ 6xxxx ngày 18-4-2006 của UBND huyện B. Như vậy, phần di sản của ông Q phải chia là ½ diện tích đất ở và ½ giá trị tài sản trên đất như đã nêu ở trên. Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản xác định: Thửa đất của ông Dương Đình Q và bà Trần Thị D nêu trên là đất ở tại nông thôn thuộc khu vực 1, vị trí 2, theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại có giá là 552.000 đồng/1m2; giá trị tài sản, vật kiến trúc trên đất là 81.485.000 đồng. Như vậy giá trị di sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của ông Q để lại như sau: 205m2 đất ở x 552.000 đồng = 113.160.000.000 đồng + 81.485.000 đồng = 194.645.000 đồng : 2 = 97.322.500 đồng. Tổng giá trị di sản của ông Q sẽ được chia đều làm 5 kỷ phần gồm bà D, ông N, bà Y, bà L, bà C là: 97.322.500 đồng : 5 = 19.464.500 đồng. Theo đó, bà D được nhận toàn bộ hiện vật sẽ phải thanh toán kỷ phần cho ông N, bà Y, bà L và bà C bằng tiền mặt, mỗi người là 19.464.500 đồng.
[5] Đối với thửa đất ao 170m2 mang tên ông Q, bà D từ lâu ông bà đã cho người cháu trưởng trong họ tộc sử dụng và phần đất nông nghiệp tiêu chuẩn của ông Q, bà D từ lâu ông bà đã cho ông N sử dụng canh tác, bà D không yêu cầu giải quyết đối với những phần đất này nên Hội đồng xét xử không xem xét. Nếu sau này các đương sự có yêu cầu giải quyết thì có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
[6] Về chi phí tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án đã chi phí cho việc trích đo thửa đất là 1.920.000 đồng và chi phí định giá tài sản là 1.000.000 đồng, tổng cộng là 2.920.000 đồng. Như vậy, bà D, ông N, bà Y, bà L, bà C mỗi người phải chịu một phần bằng nhau là 584.000 đồng. Trước đây bà D có đơn đề nghị trích đo thửa đất, định giá tài sản và bà đã nộp toàn bộ tiền tạm ứng chi phí là 2.920.000 đồng. Nay cần buộc ông N, bà Y, bà L, bà C mỗi người phải thanh toán trả bà D tiền chi phí tố tụng là 584.000 đồng.
[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà D, ông N, bà Y, bà L, bà C mỗi người phải chịu án phí dân sự theo mức tương ứng với giá trị phần di sản được hưởng là 19.464.500 đồng x 5% = 973.000 đồng.
Đối với số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 1.875.000 đồng mà bà D đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Lục theo biên lai số AA/2015/0001141 ngày 02-8-2018 sẽ được đối trừ 973.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm bà phải chịu, số tiền còn lại là 902.000 đồng được hoàn trả lại cho bà D.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 5, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, các điểm a, c khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 609, 611, 612, 613, khoản 1 Điều 623, Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651, khoản 2 Điều 660, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 179 Luật đất đai năm 2013; Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị D về việc chia thừa kế quyền sử dụng đất ở và những tài sản nằm trên đất của ông Dương Đình Q để lại trong khối tài sản chung của ông Q, bà D bao gồm nhà cấp bốn, bếp, công trình phụ, sân gạch, bể nước, tường bao, cổng tại thửa đất có diện tích 205m2 thuộc thửa số 96, tờ bản đồ số 8 tại thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AĐ 6xxxx do UBND huyện B, tỉnh Hà Nam cấp ngày 18-4-2006 mang tên ông Dương Đình Q và bà Trần Thị D.
2. Chia thừa kế di sản là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất của ông Dương Đình Q cho năm người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Q gồm bà Trần Thị D, ông Dương Đức N, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, bà Dương Thị C. Trong đó bà D được nhận toàn bộ hiện vật là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; còn ông N, bà Y, bà L, bà C được nhận giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất bằng tiền mặt do bà D trả. Theo đó, di sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của ông Dương Đình Q được chia như sau:
- Giao cho bà Trần Thị Dương được quyền sử dụng 102,5m2 đất ở do ông Dương Đình Q để lại trong tổng số 205m2 đất ở tại thửa số 96, tờ bản đồ số 8 tại thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Hà Nam. Trên thửa đất này bà D được quyền sở hữu toàn bộ các tài sản gồm 01 ngôi nhà cấp bốn 03 gian, bếp, công trình phụ, bể nước, sân gạch, tường bao, cổng. Song bà Trần Thị D có nghĩa vụ thanh toán theo kỷ phần đối với giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất bằng tiền mặt cho ông Dương Đức N, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, bà Dương Thị C mỗi người là 19.464.500đ (mười chín triệu bốn trăm sáu tư nghìn năm trăm đồng).
- Ông Dương Đức N, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, bà Dương Thị C mỗi người được nhận kỷ phần do bà Trần Thị D trả là 19.464.500đ (mười chín triệu bốn trăm sáu tư nghìn năm trăm đồng).
3. Về chi phí tố tụng: Bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L, ông Dương Đức N và bà Dương Thị C mỗi người phải trả bà Trần Thị D tiền chi phí trích đo, xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 584.000đ (năm trăm tám mươi tư nghìn đồng).
4. Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Bà Trần Thị D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 973.000đ (chín trăm bảy mươi ba nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 1.875.000đ (một triệu tám trăm bảy mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai số AA/2015/0001141 ngày 02 tháng 8 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bà Trần Thị D được hoàn trả lại số tiền chênh lệch là 902.000đ (chín trăm linh hai nghìn đồng).
- Ông Dương Đức N, bà Dương Thị Y, bà Dương Thị L và bà Dương Thị C mỗi người phải chịu 973.000đ (chín trăm bảy mươi ba nghìn đồng).
Án xử công khai, báo cho đương sự có mặt biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 07/2018/DS-ST ngày 27/11/2018 về tranh chấp thừa kế
Số hiệu: | 07/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bình Lục - Hà Nam |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về