Bản án 25/2018/KDTM-PT ngày 14/09/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 25/2018/KDTM-PT NGÀY 14/09/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 14 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại phúc thẩm thụ lý số 20/2018/TLPT-KDTM ngày 30/7/2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 18/04/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 19/2018/QĐ-PT ngày 15/8/2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng B;

Địa chỉ: phường C, quận D, Thành phố Hà Nội;

Người đại diện theo pháp luật: Ông E, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng Quản trị;

Người đại diện theo ủy quyền:

+ Bà F, chức vụ Giám đốc Ngân hàng B;

Địa chỉ: Phường G, quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 19/5/2017), vắng mặt;

+ Ông I, sinh năm: 1978,

Địa chỉ liên hệ: Phường J, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 19/5/2017), có mặt;

+ Ông L;

Địa chỉ liên hệ: phường J, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

- Bị đơn: Công ty M;

Địa chỉ: phường N, thị xã A, tỉnh Bình Dương;

Người đại diện theo pháp luật: Ông O

Người đại diện theo ủy quyền:

+ Ông P, sinh năm: 1974;

Địa chỉ liên hệ: phường N, thị xã A, tỉnh Bình Dương, có mặt khi xét xử vắng mặt khi tuyên án;

+ Ông Q, sinh năm: 1991;

Địa chỉ liên hệ: phường N, thị xã A, tỉnh Bình Dương, (theo văn bản ủy quyền ngày 06/9/2018), có mặt.

- Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:

Công ty R;

Địa chỉ trụ sở: phường S, quận D, Thành phố Hà Nội;

Người đại diện theo pháp luật: Ông T, chức vụ: Tổng giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông I, sinh năm: 1978;

Địa chỉ liên hệ: Phường J, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 15/01/2018), có mặt.

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung bản án sơ thẩm:

* Tại đơn khởi kiện ngày 10/7/2017, đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện ngày 15/01/2018 và lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn Ngân hàng B do ông I là người đại diện hợp pháp trình bày:

Ngân hàng B và Công ty Cổ phần M có thỏa thuận ký kết Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 194/11/HĐTD/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011, hạn mức cho vay 10.000.000.000 đồng, thời hạn giải ngân 12 tháng. Lãi suất cho vay trong hạn được áp dụng theo quy định về cơ chế lãi suất ban hành theo từng thời kỳ và quy định chi tiết trên khế ước nhận nợ tại thời điểm giải ngân, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất đang áp dụng tại thời điểm chuyển nợ quá hạn và cố định suốt trong thời gian quá hạn, phạt chậm trả lãi: 3% trên số tiền lãi chậm trả dưới 10 ngày, 5% trên số tiền lãi chậm trả từ 10 ngày đến 30 ngày và 7% trên số tiền lãi chậm trả trên 30 ngày.

Các khoản vay được bảo đảm bằng các tài sản là toàn bộ hàng tồn kho bãi gồm: Nguyên liệu, thành phẩm, hàng hóa dùng để sản xuất và kinh doanh lương thực, thực phẩm, thức uống của Công ty M tại phường N, thị xã A, tỉnh Bình Dương theo Hợp đồng thế chấp số 226/11/HĐTC/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011. Tài sản thế chấp có giá trị 51.000.000.000 đồng theo Biên bản thẩm định tài sản ngày 27/7/2011.

Thực hiện hợp đồng tín dụng nêu trên, Ngân hàng đã thực hiện việc giải ngân cho Công ty M tổng số tiền 8.432.986.500 đồng, theo các khế ước nhận nợ sau đây: Khế ước nhận nợ ngắn hạn số 111087 ngày 19/8/2011 với số tiền 3.700.000.000 đồng, Khế ước nhận nợ ngắn số 1111139 ngày 30/9/2011 số tiền 700.000.000 đồng, Khế ước nhận nợ ngắn hạn số 1111146 ngày 30/10/2011 số tiền 1.260.000.000 đồng, Khế ước nhận nợ ngắn hạn số 1111317 ngày 10/11/2011 số tiền 584.986.500 đồng và Khế ước nhận nợ 54412201 ngày 23/4/2012 số tiền 2.188.000.000 đồng. Tính đến ngày 26/3/2018, Công ty M vẫn đã thanh toán cho Ngân hàng nợ gốc và tiền lãi nợ là 5.756.672.636 đồng.

Quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng trên, Công ty M đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ lãi, nợ gốc được quy định trong hợp đồng tín dụng. Tính đến ngày 26/3/2016, tổng số tiền vay mà Công ty M còn nợ bao gồm: Nợ gốc còn lại 6.354.252.218 đồng, nợ lãi trong hạn 373.833.523 đồng, nợ lãi quá hạn 13.020.889.705 đồng. Tổng số nợ Công ty M còn phải thanh toán là 19.748.975.446 đồng.

Trường hợp Công ty M không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng yêu cầu được phát mãi tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 226/11/HĐTC/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011 để thu hồi số nợ gốc, tiền lãi và các chi phí phát sinh tương ứng. Trường hợp tài sản thế chấp không còn để thực hiện phát mãi đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

* Quá trình tố tụng, bị đơn Công ty M đã được Tòa án tống đạt thông báo thụ lý, triệu tập hợp lệ để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ vào ngày 25/01/2018, tham gia phiên tòa vào các ngày 27/3/2018 và 18/4/2018 nhưng Công ty M vắng mặt không có lý do.

* Tại bản tự khai ngày 27/11/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty R do ông I là người đại diện hợp pháp trình bày:

Công ty R là đơn vị được Ngân hàng B thành lập với nhiệm vụ thu hồi các khoản nợ xấu phát sinh của Ngân hàng B. Ngày 14/6/2012, Công ty R, Ngân hàng B và Công ty M ký Hợp đồng dịch vụ số 01-2012/HĐDV/MBAMC-MBBSG-SS với thỏa thuận Công ty R sẽ có trách nhiệm quản lý tài sản thế chấp là toàn bộ hàng hóa của Công ty M được quản lý tại kho thuộc địa chỉ phường N, thị xã A, tỉnh Bình Dương. Việc xuất nhập hàng hóa theo đề nghị của Công ty M, có phê duyệt và được sự đồng ý của Ngân hàng cũng như giám sát của bảo vệ Công ty R. Tuy nhiên, khi đến thời hạn trả nợ Công ty M không thanh toán được khoản nợ vay dẫn đến việc hàng tháng Công ty R phải chịu chi phí để duy trì bảo vệ kho hàng. Ngày 22/9/2017 và ngày 27/9/2017, Công ty R lập biên bản làm việc với Công ty M để Công ty R bàn giao lại kho hàng nhưng Công ty M không hợp tác. Ngày 30/10/2017, Công ty R và Ngân hàng ký biên bản thỏa thuận về việc rút bảo vệ và niêm phong kho hàng để Công ty M tự quản lý. Mọi quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty R đều gắn liền với Ngân hàng nên việc Ngân hàng khởi kiện Công ty M đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

1. Về nghĩa vụ thanh toán nợ: Buộc Công ty Cổ phần M phải trả cho Ngân hàng B số nợ phát sinh từ Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 194/11/HĐTD/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011, tính đến ngày 26/3/2018 là 19.748.975.446 đồng, trong đó: Nợ gốc còn lại 6.354.252.218 đồng, nợ lãi trong hạn 373.833.523 đồng, nợ lãi quá hạn 13.020.889.705 đồng.

Tiền lãi được tiếp tục tính kể từ ngày 27/3/2018 cho đến khi Công ty Cổ phần M trả xong các khoản nợ theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng nêu trên.

2. Về xử lý tài sản bảo đảm: Trường hợp Công ty Cổ phần M không có khả năng tự nguyện thanh toán nợ thì Ngân hàng B được quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi các tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo Hợp đồng thế chấp số 226/11/HĐTC/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011, số lượng hàng hóa được xác định tại thời điểm phát mãi tài sản căn cứ vào bảng chi tiết hàng tồn kho của Công ty M cung cấp tính đến ngày 04/5/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.

Ngày 02/5/2018, Tòa án cấp sơ thẩm nhận được đơn kháng cáo của bị đơn Công ty M, kháng cáo toàn bộ Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Nguyên đơn yêu cầu giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Bị đơn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì các lý do sau: Tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện xem xét, thẩm định đối với tài sản đang tranh chấp; hợp đồng thế chấp đã chuyển hóa thành hợp đồng cầm cố nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những hư hỏng của hàng hóa đang do nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quản lý, niêm phong và việc Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục tính lãi từ thời điểm hàng hóa thế chấp được chuyển thành hàng hóa cầm cố là không đúng quy định pháp luật.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:

Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể:

- Tại đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện ngày 15/01/2018, nguyên đơn đã thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không nhận định và quyết định đối với yêu cầu này;

- Đối với xử lý tài sản thế chấp, tại bản tự khai ngày 18/12/2017 và tại biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận chứng cứ ngày 25/01/2018, nguyên đơn chỉ yêu cầu xử lý tài sản nhận thế chấp tại mục a Điều 2 của hợp đồng thế chấp (tức chỉ yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là hàng tồn kho bao gồm cả nguyên liệu, thành phẩm, hàng hóa dùng để sản xuất và kinh doanh lương thực thực phẩm, thức uống tại số 32C, khu phố Nội Hóa 1, phường N, thị xã A, tỉnh Bình Dương) nhưng bản án sơ thẩm tuyên phát mãi toàn bộ tài sản trong hợp đồng thế chấp (bao gồm cả tài sản tại các mục b, c và d) của Điều 2 (quyền được hưởng bảo hiểm, quyền được bồi thường bảo hiểm...) là trái pháp luật;

- Sau khi ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, giữa ba bên là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án có ký Hợp đồng dịch vụ số 01-2012 ngày 16/6/2012. Theo đó, Công ty R sẽ là người quản lý tài sản thế chấp của bị đơn nhưng biên bản giao hàng hóa giữa ba bên để giao cho Công ty R ngày 19/6/2012 lại ghi: “Toàn bộ hàng tồn kho của Công ty cổ phần U...” nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ để có căn cứ đưa Công ty Cổ phần U tham gia tố tụng vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Tòa án cấp sơ thẩm tại thời điểm xét xử không tiến hành xem xét thẩm định, xác định số lượng hàng hóa thực tế còn trong kho mà căn cứ vào danh sách hàng tồn kho của Công ty M tính đến ngày 04/5/2017 (được trích sao từ hồ sơ kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng thụ lý số 03/2017/KDTM ngày 09/02/2017 giữa nguyên đơn là Ngân hàng B với bị đơn Công ty M đã có quyết định đình chỉ) để làm cơ sở giải quyết là không phù hợp.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản nợ vay tại Hợp đồng tín dụng theo hạn mức số 194/11/HĐTD/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011 và yêu cầu xử lý tài sản đã thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 226/11/HĐTC/MB-BSG-DN ngày 27/7/2011 để thu hồi nợ nếu bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.

Trong quá trình tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm đã có những vi phạm như sau:

[1] Ngày 15/01/2018, nguyên đơn có đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện (bút lục số 265) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ đối với phần yêu cầu nguyên đơn đã rút.

[2] Các danh mục tài sản thế chấp trong hồ sơ vụ án (tại các bút lục từ số 100 đến 115 và các bút lục từ số 242 đến 251) được xác định là tài sản của Công ty M và Công ty U cùng thế chấp cho Ngân hàng B nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty U vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[3] Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bị đơn không hợp tác trong quá trình tố tụng nên: “Tòa án căn cứ vào danh sách hàng tồn kho do Công ty M cung cấp được trích sao từ hồ sơ kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng thụ lý số 03/2017/KDTM ngày 09/02/2017 giữa nguyên đơn là Ngân hàng B với bị đơn Công ty M (có bút lục từ 107 đến 110) để làm cơ sở giải quyết. Theo đó, bảng chi tiết hàng tồn kho của Công ty M tính đến ngày 04/5/2017...” (trích từ Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có bút lục nào thể hiện Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng không thể thực hiện được công việc này do bị đơn không hợp tác. Ngoài ra, nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận kho chứa hàng của Công ty M và Công ty U đã thế chấp cho Ngân hàng B hiện vẫn do Ngân hàng B và Công ty R Cổ phần B quản lý (niêm phong vẫn còn nguyên vẹn), điều này được thể hiện tại Biên bản xác minh tình trạng tài sản thế chấp ngày 12/9/2018 của Tòa án cấp phúc thẩm. Như vậy, thực tế kho hàng lưu giữ tài sản thế chấp vẫn đang được nguyên đơn quản lý nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp mà sử dụng tài liệu trích sao của vụ án khác để làm căn cứ giải quyết vụ án là chưa đúng.

Những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm là nghiêm trọng, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do vậy, cần hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Yêu cầu kháng cáo của bị đơn là có cơ sở chấp nhận.

Đề nghị của đại diện viện kiểm sát là hoàn toàn phù hợp.

Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm người kháng cáo không phải nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty M.

Hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2018/KDTM-ST ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương. Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương giải quyết lại vụ án.

2. Về án phí phúc thẩm: Công ty M không phải nộp.

Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A, tỉnh Bình Dương hoàn trả cho Công ty M 2.000.000 đồng, tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu số 0019449 ngày 23/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A, tỉnh Bình Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 14/9/2018./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

824
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2018/KDTM-PT ngày 14/09/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:25/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:14/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về