Bản án 214/2018/HS-PT ngày 05/07/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 214/2018/HS-PT NGÀY 05/07/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 05 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 152/2018/TLPT-HS ngày 07/5/2018 đối với bị cáo Trần Đình L và 02 bị cáo khác, do có kháng cáo của các bị cáo và người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2018/HSST ngày 28/3/2018, của Toà án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Đình L, sinh ngày 09/8/1987; tại tỉnh Bình Định; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn A, xã W, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; trình độ học vấn: Lớp 8/12; nghề nghiệp: Làm nông; tôn giáo: Công giáo; con ông Trần Đình L1, sinh năm 1957 và bà Lê Thị L, sinh năm 1958; có vợ là Hà Yên V, sinh năm 1992 và có 01 con sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tại Bản án hình sự phúc thẩm số  572/2007/HSPT ngày 26/6/2007, bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, ngày 30/8/2010, chấp hành xong hình phạt.

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2017, hiện đang bị tạm giam - Có mặt tại phiên tòa.

2. Hoàng Văn D (Tên gọi khác: Dũng Kim), sinh ngày 09/02/1984; tại tỉnh Lạng Sơn; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn B, xã W, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Tày; trình độ học vấn: Lớp 4/12; nghề nghiệp: Làm nông; con ông Hoàng Văn H và bà Đặng Thị K (đều đã chết); tiền sự: Không; tiền án: Tại Bản án số 25/HSST ngày 06/5/2003, Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; tại Bản án số 09/HSST ngày 16/6/2003, bị Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; tại Bản án số 09/HSST ngày 16/01/2006, bị Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk xử phạt 06 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; tại Bản án số 310/2006/HSST ngày 28/12/2006, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 08 năm tù về tội “Cướp tài sản”; tại Bản án số 04/2007/HSST ngày 30/01/2007, bị Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk xử phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 15/5/2016, chấp hành xong hình phạt tù.

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/9/2017, hiện đang bị tạm giam - Có mặt tại phiên tòa.

3. Nông Văn P, sinh ngày 01/9/1996, tại tỉnh Đắk Lắk; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn C, xã W, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Tày; trình độ học vấn: Lớp 12/12; nghề nghiệp: Làm nông; con ông Nông Văn C, sinh năm 1976 và bà Hoàng Thị T, sinh năm 1975; có vợ là Nguyễn Thị B, sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Không.

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/9/2017, hiện đang bị tạm giam - Có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Đình L: Ông Phạm Tuấn A, Luật sư Văn phòng luật sư Phạm Tuấn A thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: Đường G, phường V, Quận X, thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Người Bị hại: Anh Phạm Đình K, sinh năm 1984; trú tại: Tổ dân phố D, thị trấn R, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; chỗ ở hiện nay: Thôn A, xã W, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

-Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Ông Phạm Ngọc T - Văn phòng luật sư M - Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Phước N (tên gọi khác Quá Nhi, Gấu đen), sinh năm 1984; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: 218 đường L, phường P, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. (Hiện đang bị tạm giam trong một vụ án khác tại Nhà tạm giữ Công an huyện Ea H’leo), có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn bị cáo Trần Thanh T nhưng không có kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 22/9/2017, Trần Đình L đi dự tiệc mừng thôi nôi (sinh nhật 01 tuổi) con của ông Phạm Đình K tại nhà ông Huỳnh Hữu D (bố vợ của K) ở thôn C, xã W, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Trong lúc dự tiệc thì L ngồi chung bàn với Nguyễn Thế U, Đàm Ngọc K, Phạm Thành L, Bùi Thị L và một số người bạn khác của K. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, L mời U uống bia, nhưng U không uống nên L bực tức. Sau đó, U đi về trước thì L đi theo và dùng tay đánh vào mặt của U 01 cái, nên  U đi vào gặp K và nói vừa bị L đánh. Nghe vậy, K gặp L hỏi: “Tại sao mày đánh bạn tao” rồi K dùng tay đánh vào mặt của L 02 cái thì giữa K và L xô xát với nhau, còn U dùng chân đạp vào người của L 02 cái thì được mọi người can ngăn. Lúc này, L gọi điện thoại cho Hoàng Văn D nói “L bị đánh ở thôn C, xã W và nhờ D đến để giúp”. Sau đó, D rủ Trần Thanh T, Nông Văn P đi đánh người vừa đánh L thì T, P đồng ý. Lúc này, D lấy 01 con dao dài khoảng 80 cm và 01 con dao dài khoảng 70 cm ở trên đầu giường ngủ trong nhà của D đưa cho T cầm, rồi D cầm theo 01 con dao dài 60 cm và điều khiển xe mô tô biển số 47D1- 164.39 của D đi đến nhà chị Hoàng Thị H (Chị gái của D) ở thôn G, xã W gặp Phạm Phước N. Tại đây, D nói với N là L bị đánh nên N đi vào nhà của chị H lấy 01 con dao dài khoảng 01m rồi leo lên xe mô tô đi cùng D. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, D, N, P, T đi trên 02 xe mô tô đến gặp L và cùng nhau xông vào nhà ông D để đánh K và anh U. Lúc này, L lấy 01 cây gỗ hình tròn, dài 01 mét ở lề đường cầm theo, còn D, N, P, T mỗi người đều cầm trên tay 01 con dao. Thấy vậy, những người đang dự tiệc thôi nôi bỏ chạy theo các hướng khác nhau. Còn K bỏ chạy và đứng ở đường luồng bên trái hông nhà thì L dùng cây gỗ đánh trúng vào đầu của anh K 01 cái rồi L và K giằng co cây gỗ với nhau thì K giật được cây gỗ trên tay của L. Lúc này, N cầm dao lao đến chém 01 nhát về phía đầu của K thì K đưa tay trái lên đỡ bị N chém đứt lìa cổ bàn tay trái và bị chém trúng vùng đầu. K được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Tại Bản kết luận pháp y bổ sung số 1350 ngày 15 tháng 11 năm 2017, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận anh Phạm Đình K bị cụt lìa 1/3 dưới cẳng tay trái, tỉ lệ thương tích 55%; Vết thương đầu 05%, cộng lùi # 02%. Tổng tỉ lệ thương tích: 57%. Vật tác động: Sắc bén.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2018/HSST ngày 28/3/2018, của Toà án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Trần Đình L; Hoàng Văn D (tên gọi khác Dũng Kim) và Nông Văn P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt bị cáo: Trần Đình L 07 năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 23/9/2017).

- Xử phạt bị cáo: Hoàng Văn D 05 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ (Ngày 24/9/2017)

Áp dụng khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999; các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 Xử phạt bị cáo: Nông Văn P 04 năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ (Ngày 24/9/2017).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với bị cáo Trần Thanh T, xử lý trách nhiệm dân sự, vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Các ngày 28/3/2018, 02/4/2018, 09/4/2018, các bị cáo Trần Đình L, Nông Văn P, Hoàng Văn D kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 04/4/2018, người bị hại Phạm Đình K có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm khởi tố bổ sung tội danh “Giết người”, tăng mức hình phạt, áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm; gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội có tổ chức đối với bị cáo Trần Đình L; đề nghị tăng mức bồi thường phần mất thu nhập suốt đời, buộc bị cáo L phải chịu 30% tổng số tiền mà các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại.Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trần Đình L, Hoàng Văn D, Nông Văn P giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm đã nêu.

Người bị hại xin rút một phần nội dung kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự, giữ nguyên nội dung kháng cáo về tội danh, mức hình phạt đối với bị cáo L.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi của các bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Trần Đình L, Hoàng Văn D, Nông Văn P về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm năm 2017 là có căn cứ pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong vụ án này, xét hành vi của bị cáo Trần Đình L rất nguy hiểm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt với anh Nguyễn Thế U mà bị cáo đã xô xát với anh Phạm Đình K, bị cáo là người trực tiếp khởi xướng và rủ rê bị cáo Hoàng Văn D, đồng thời bị cáo cũng là người thực hành tích cực, bị cáo trực tiếp dùng cây gậy gỗ để đánh vào đầu người bị hại, nhưng mục đích của bị cáo L khi gọi điện thoại cho bị cáo D đến chỉ để gây thương tích cho bị hại chứ không nhằm để tước đoạt tính mạng của bị hại, hơn nữa sau khi anh K bị chém, các bị cáo hoàn toàn đủ điều kiện để có thể tước đi tính mạng của anh K nhưng các bị cáo không tiếp tục tấn công mà cùng nhau đi về, điều đó chứng tỏ các bị cáo không hề mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Do đó, hành vi của bị cáo L không đủ yếu tố cấu thành tội "Giết người", mà chỉ phạm tội "Cố ý gây thương tích" với tình tiết định khung tăng nặng: Có tính chất côn đồ; dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a, i khoản 1, khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Xét mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã xử phạt: 07 năm tù đối với bị cáo L; 05 năm 06 tháng tù đối với bị cáo D và 04 năm tù đối với bị cáo P là tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi, vai trò của các bị cáo và hậu quả mà các bị cáo gây ra. Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm cơ bản đã áp dụng đúng, đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự và nhân thân của từng bị cáo. Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.

Riêng bị cáo D chỉ phạm tội với 2 tình tiết định khung tăng nặng "dùng hung khí nguy hiểm" và "có tính chất côn đồ" quy định tại các điểm a và i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 và 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "tái phạm nguy hiểm" quy định tại g khoản 1 Điều 48 BLHS. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo D phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng "tái phạm nguy hiểm" là sai. Vì Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng "tái phạm nguy hiểm". Do đó, cần sửa lại điều luật áp dụng cho bị cáo D.

Đối với kháng cáo của người bị hại anh Phạm Đình K yêu cầu áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng đối với bị cáo L: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, các bị cáo có nhân thân xấu - tái phạm, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, đồng thời yêu cầu tăng mức hình phạt đối với bị cáo L là không có căn cứ. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Không chấp nhận kháng cáo xin giãm nhẹ hình phạt của các bị cáo và kháng cáo người bị hại. Y án sơ thẩm về tội danh và mức hình phạt, sửa án sơ thẩm về điều luật áp dung. Tại phiên tòa, người bị hại rút một phần kháng cáo về trách nhiệm dân sự nên đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ một phần kháng cáo của bị hại về phần trách nhiệm dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo không tranh luận, bào chữa gì thêm chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư bào chữa cho bị cáo L trình bày quan điểm bào chữa: Đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tội danh và mức hình phạt của Bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo L về tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm nhận định bị cáo L phạm tội với vai trò lôi kéo rủ rê và thực hành tích cực là chưa phù hợp. Mặc dù, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nhưng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trình bày quan điểm bảo vệ: Chỉ vì mâu thuẩn nhỏ nhặt mà bị cáo L gọi điện thoại rủ các bị cáo khác, đồng thời chuẩn bị hung khí đến đánh người bị hại, người bị hại không chết là do phản xạ tự nhiên đưa tay lên đở nhát chém nếu không đỡ thì người bị hại đã chết nên bị cáo L phải bị truy tố, xét xử về tội giết người với các tình tiết tăng năng là: Phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, phạm tội có tổ chức; đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk không đồng ý với quan điểm tranh luận của Luật sư bào chữa cho bị cáo L, quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, giữ nguyên quan điểm luận tội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo Trần Đình L, Hoàng Văn D, và Nông Văn P đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Ngày 22/9/2017, các bị cáo L, D, P, T và Phạm Phước N đã dùng, cây, gậy, cuốc, dao, mã tấu chém đứt lìa cổ bàn tay trái, trúng vào đầu của anh K gây thương tích 57%. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ pháp lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của người bị hại Phạm Đình K cho rằng bị cáo Trần Đình L bị truy tố, xét xử về tội “cố ý gây thương tích” là không đúng tôi danh mà phải bị truy tố, xét xử về tội “giết người”. Hội đồng xét xử xét thấy: Tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa các bị cáo đều khai nhận bị cáo L gọi điện thoại cho bị cáo D nói “L bị đánh ở thôn C, xã W và nhờ D đến để giúp”. Sau đó, D rủ Trần Thanh T, Nông Văn P và Phạm Phước N đồng thời chuẩn bị hung khí để cùng nhau đi đánh người vừa đánh L. Như vậy, bị cáo L chỉ gọi điện nhờ D đến giúp đánh lại anh K với mục đích gây thương tích cho anh K chứ không có mục đích cố ý tước đoạt tính mạng của anh K và thực tế khi bị cáo L dùng cây gậy đánh trúng vùng đầu của anh K một cái thì giữa bị cáo L và anh K đang giằng co cây gậy với nhau. Ngay lúc này, Phạm Phước N lao vào dùng dao nhắm vào vùng đầu anh K chém từ trên xuống dưới, anh K liền đưa tay trái lên đỡ thì bị đứt lìa cổ bàn tay trái và nhát chém trúng xuống đầu anh K. Anh K đang trong thế yếu, hoàn toàn mất khả năng chống cự, trong tình thế này bị cáo L có thừa cơ hội tiếp tục tấn công để tước đoạt tính mạng của anh K nhưng bị cáo đã không tấn công anh K vì bị cáo chỉ có mục đích đánh anh K gây thương tích chứ không mong muốn có hậu quả chết người xẩy nên bị cáo chỉ phạm tội “cố ý gây thương tích” không phạm tội “giết người”. Tuy nhiên, hành vi của Phạm Phước N dùng dao nhắm vào vùng đầu anh K chém từ trên xuống dưới, Phạm Phước N phải ý thức được hành vi dùng hung khí (dao, mã tấu) đánh vào nơi trọng yêu sẽ gây hậu quả chết người, việc anh K không chết là do phản xạ ngay lập tức và kịp thời đưa tay lên đở nhát chém của N. Mặc dù, hậu quả anh K đứt lìa cổ bàn tay trái với thương tích 57% nhưng hành vi của Phương Phước N phải bị truy tố xét xử về tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 mới đúng tội danh. Do sau khi thực hiện hành vi phạm tôi Phạm Phước N bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra ban hành quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can; quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự; quyết định tách vụ án hình sự là có căn cứ theo quy định các Điều 34, 60 và 117 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, sau khi bị bắt và bị xét xử tại Bản án số 24/2018/HSST ngày 23/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã xử phạt bị cáo Phạm Phước N 07 năm 06 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích” là chưa đúng tôi danh mà phải truy tố xét xử về tội “giết người” mới đúng, sau khi xét xử sơ thẩm bản án không bị kháng cáo, kháng nghị nên cần kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm hủy Bản án 24/2018/HSST ngày 23/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện EaHleo để truy tố xét xử Phạm Phước N theo đúng quy định pháp luật.

Bị cáo L không trực tiếp rủ Phạm Phước N và cũng không thể kiểm soát được ý thức của N sẻ dùng dao nhắm vào vùng đầu của anh K chém từ trên xuống dưới. Hơn nữa, thương tích 57% của anh K do một mình Phạm Phước N gây ra. Xét lời khai của người làm chứng Bùi Thị L, Hội đồng xét xử thấy: Tại phiên tòa sơ thẩm (Bút lục 489) và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bà L xác nhận bị cáo L có gọi điện thoại cho ai đó nói “Tụi mày vào chém chết mẹ chúng nó cho tao” là mâu thuẫn với lời khai của chính bà L tại cơ quan điều tra, thể hiện tại các bút lục 302, 312, mâu thuẫn với lời khai của những người làm chứng khác trong vụ án và không được các bị cáo thừa nhận. Do đó, kháng cáo của người bị hại cho rằng bị cáo L phạm tội giết người là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Cần giữ nguyên tội danh cố ý gây thương tích đối với bị cáo L.

Xét kháng cáo cho rằng bị cáo L phạm tội với các tình tiết tăng nặng: Phạm tội có tính chất chuyển nghiệp; phạm tội thuộc trường hợp tái phạm; phạm tội gây hậu quả nghiệm trọng; phạm tội có tổ chức. Hội đồng xét xử xét thấy: Căn cứ mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Về tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự. Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ 05 (năm) lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự  hoặc chưa được xoá án tích; đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Các bị cáo dùng dao chém dứt lìa cổ bàn tay trái của người bị hại gây thương tích 57% sức khỏe, đây đã là tình tiết định tội, định khung hình phạt nên các bị cáo bị xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự nên không được xem là tình tiết tăng năng. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Như vậy, tình tiết tăng nặng trách nhiệm phạm tội gây hậu quả nghiệm trọng được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 đã bị xóa bỏ theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 không còn tình tiết này nữa.

Bị cáo L là người gọi điện thoại cho D báo bị đánh và nhờ D xuống giúp, không có sự cấu kết, phân công vai trò. Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định phạm tội có tổ chức là trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, có phân công vai trò, mỗi người được giao một nhiệm vụ cụ thể và tất cả họ cùng nhau liên kết lại thực hiện tội phạm và che dấu tội phạm. Mỗi thành viên có thể là người tổ chức, người điều hành, người giúp sức hoặc người thực hành, họ giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng thực hiện tội phạm. Bản án sơ thẩm xác định đây là vụ án đồng phạm giản đơn, bị cáo L là người khởi xướng, xúi dục, thực hiện; bị cáo D là người rủ rê, chuẩn bị công cụ phạm tôi và cùng các bị cáo P, T giúp sức và thực hiện hành vi phạm tôi là có căn cứ, các bị cáo không phạm tội với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 572/2007/HSPT ngày 26/6/2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xử phạt bị cáo L 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, ngày 30/8/2010, bị cáo chấp hành xong hình phạt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự quy định. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Người bị kết án đương nhiên xóa án tích trong thời hạn 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến năm năm. Như vậy, hành vi thực hiện phạm tội của bị cáo L không thuộc trường hợp tái phạm.

Do đó, kháng cáo của người bị hại đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng các tình tiết tăng năng: Phạm tội có tính chất chuyển nghiệp; phạm tội thuộc trường hợp tái phạm; phạm tội gây hậu quả nghiệm trọng; phạm tội có tổ chức đối với bị cáo L là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[3] Xét kháng cáo của người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo L; kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo L, D và P, Hội đồng xét xử xét thấy: Mức hình phạt 07 năm tù đối với bị cáo L, 05 năm 06 tháng tù đối với bị cáo D và 04 năm tù đối với bị cáo P là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành hành vi phạm tội, vai trò của từng bị cáo và hậu quả mà các bị cáo gây ra. Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm cơ bản đã áp dụng đúng, đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 46 và Điều 47 năm 1999 đối với bị cáo P. Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ hình phạt nào mới. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo L của người bị hại. Cần giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm.

Riêng bị cáo D chỉ phạm tội với 2 tình tiết định khung tăng nặng "dùng hung khí nguy hiểm" và "có tính chất côn đồ" quy định tại các điểm a và i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 và 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "tái phạm nguy hiểm" quy định tại g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo D phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng "tái phạm nguy hiểm" là sai. Vì, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng "tái phạm nguy hiểm". Mặc dù, bị cáo D được bỏ tình tiết định khung tăng nặng "tái phạm nguy hiểm” nhưng mức hình phạt trên vẫn là phù hợp. Cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Xét thấy, sau khi thực hiện hành vi phạm tôi, Phạm Phước N bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra ban hành Quyết định truy nã, Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can; Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự; Quyết định tách vụ án hình sự là có căn cứ theo quy định các Điều 34, 60 và 117 Bộ luật tố tụng hình sự. Cấp sơ thẩm không nhận định việc cơ quan điều tra tách vụ án để điều tra truy tố, xét xử Phạm Phước N sau là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

[4] Về phần trách nhiệm dân sự: Xét thấy, thương tích 57% của người bị hại là do các bị cáo gây ra đồng thời các bị cáo khai nhận Phạm Phước N là người trực tiếp dùng dao chém đứt lìa cổ bàn tay của người bị hại, tuy nhiên, sau khi thực hiện hành vi phạm tôi, N bỏ trốn nên Cơ quan điều tra ban hành quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can; Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự; quyết định tách vụ án hình sự. Như vậy, trong vụ án này Phạm Phước N chưa bị tuyên bố có phạm tội hay không (chưa xác định có lỗi). Đáng lẽ, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc các bị cáo L, D, P và T phải bồi thường cho người bị hại đồng thời giành quyền khởi kiện cho các bị cáo yêu cầu Phạm Phước N phải có trách nhiệm thanh toán lại phần mà các bị cáo bồi thường cả phần của N nhưng cấp sơ thẩm tuyên buộc N phải liên đới trách nhiệm trong cùng vụ án là không đúng quy định. Ngoài ra, người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đó có yêu cầu bồi thường giảm sút sức lao động do bị mất một tay, đáng lẻ cấp sơ thẩm phải yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện việc giám định tỷ lệ giảm sút sức lao động của người bị hại thì mới đủ căn cứ pháp lý tính thiệt hại về giảm sút sức lao động. Bản án sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường tiền giảm sút sức lao động cho người bị hại một lần đến hết tuổi lao động là không đúng quy định pháp luật. Bởi lẻ, các bị cáo không đồng ý bồi thường một lần, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật (bút lục 488). Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường một lần là trái nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận được quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự. Hơn nữa, tiền công, tiền lương thường phải được thanh toán theo giờ, ngày, tháng chứ không được thanh toán một lần đến hết tuổi lao động. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo không kháng cáo, viện kiểm sát không kháng nghị, người bị hại tự nguyện rút kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự nên Hội đồng xét xử không xem xét, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Xét thấy, tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại tự nguyện rút một phần kháng cáo về trách nhiệm dân sự, xét việc rút một phần kháng cáo là tự nguyện nên cần áp dụng khoản 3 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ một phần kháng cáo của người bị hại về trách nhiệm dân sự.

[5] Xét quan điểm bào chữa của luật sư đối với bị cáo L và quan điểm bảo vệ của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[6] Về án phí: Do không được chấp nhận kháng cáo nên các bị cáo Trần Đình L, Hoàng Văn D, Nông Văn P phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự.

[1] Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Đình L, Hoàng Văn D, Nông Văn P và kháng cáo của bị hại Phạm Đình K – Giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh và mức hình phạt.

Áp dụng khoản 3 Điều 104, các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt bị cáo: Trần Đình L 07 (Bảy) năm tù, về tội “Cố ý gây thương tích”.Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 23/9/2017.

- Xử phạt bị cáo: Hoàng Văn D (Tên gọi khác: D Kim) 05 (Năm) năm 06 (Sáu) tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 24/9/2017.

Áp dụng khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999; các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 và khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt bị cáo: Nông Văn P 04 (Bốn) năm tù, về tội “Cố ý gây thương tích”.Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 24/9/2017.

Kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xem xét kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm đối với Bản án số 24/2018/HSST ngày 23/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

- Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 3 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự, đình chỉ một phần kháng cáo của người bị hại về trách nhiệm dân sự.

[2] Về án phí: Các bị cáo Trần Đình L, Hoàng Văn D, Nông Văn P, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1040
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 214/2018/HS-PT ngày 05/07/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:214/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về