Bản án 21/2017/HSST ngày 14/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUY PHƯỚC, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 21/2017/HSST NGÀY 14/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 14 tháng 7 năm 2017, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 13/2017/HSST, ngày 15 tháng 5 năm 2017, đối với các bị cáo:

1. Đỗ T, sinh năm 1965, tại thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định; trú tại thôn V, thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hoá: lớp 9/12; con ông Đỗ T1 và bà Trần Thị T; vợ là Đặng Thị A (chết), vợ kế là Lê Thị Thanh T và có 03 con lớn nhất 30 tuổi, nhỏ nhất 26 tuổi; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo tại ngoại, có mặt.

2. Trịnh Hưng D, sinh năm 1990, tại xã C, huyện P, tỉnh Bình Định; trú tại thôn L, xã C, huyện P, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Bốc vác; trình độ văn hoá: lớp 11/12; con ông Trịnh Hưng B và bà Lê Thị Thanh T; vợ là Trần Thị Kim H, chưa có con; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 12/6/2017 đến nay, có mặt.

3. Đỗ Đặng Hoàng M, sinh năm 1991, tại thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định; trú tại thôn V, thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: sửa chữa xe ôtô; trình độ văn hoá: lớp 7/12; con ông Đỗ T và bà Đặng Thị A; vợ là Lê Thị T và chưa có con; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 12/6/2017 đến nay, có mặt.

Bị hại:

1. Đỗ H, sinh năm 1979; trú tại thôn V, thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

2. Đỗ A, sinh năm 1977; trú tại thôn V, thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định, có mặt.

Người bảo vệ quyền lợi cho bị hại Đỗ A:

Bà Lê Tôn Nữ Kim Yến – Trợ giúp viên pháp lý của trung tâm trợ giúy pháp lý nhà nước tỉnh Bình Định, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 19 giờ ngày 17/6/2016, bị cáo Đỗ T cùng vợ là Lê Thị Thanh T đi đến nhà cha ruột là ông Đỗ T1 để nhờ ông T1 giải quyết mâu thuẫn giữa gia đình bị cáo với các em thì bị ông Đỗ T1 la chửi, đuổi ra khỏi nhà. Nghe vợ chồng bị cáo Đỗ T đến nhà thì Đỗ H chạy về, hai bên cãi nhau và Đỗ H dùng tay xô đẩy, dùng chân đạp vào bụng, làm bị cáo Đỗ T ngã. Con rể của bị cáo Đỗ T là Nguyễn Hữu T ở ngoài đường chạy vào nói với Đỗ H: “Mầy ngon thì đánh tao nè”, thì Đỗ H chạy ra sau nhà lấy một cây sắt dài khoảng 1,5m đánh vào đầu Nguyễn Hữu T một cái, gây chảy máu. Thấy vậy bị cáo Đỗ T cầm cây, bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M là con của bị cáo Đỗ T cầm cây và bị cáo Trịnh Hưng D là con của chị Lê Thị Thanh T cầm cây sắt chạy vào và bị cáo Đỗ T dùng cây đánh 02 cái trúng vào tay và 01 cái trúng vào đầu Đỗ H. Đỗ H bỏ cây sắt, chạy vào nhà đóng cửa lại thì bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M lấy cây gỗ và cây sắt của Đỗ H bỏ lại đập nhiều cái vào cửa, nhưng Đỗ H không ra nên các bị cáo bỏ đi về.

Đi được một đoạn khoảng 15 mét, thì Đỗ A cũng là em của bị cáo Đỗ T lấy một khúc cây gỗ đuổi theo đánh bị cáo Đỗ T một cái trúng vào vai và đánh bị cáo Trịnh Hưng D hai cái trúng ở tay. Bị cáo Trịnh Hưng D cầm cây sắt đánh lại Đỗ A trúng vào tay và chân, bị cáo Đỗ T chạy đến giật cây sắt từ tay bị cáo Trịnh Hưng D và cùng với Đỗ A đánh nhau. Hai bên đánh qua đánh lại thì bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M từ phía sau chạy lại ôm kéo Đỗ A ngã xuống đất và bị cáo Đỗ T dùng cây sắt đánh nhiều cái vào chân, vào đầu Đỗ A. Thấy Đỗ A bị chảy máu chị Lê Thị Thanh T chạy lại ôm kéo bị cáo Đỗ T ra không cho đánh nữa. 

Sau khi bị đánh, Đỗ H và Đỗ A được người nhà đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định điều trị cho đến ngày 24/6/2016 thì xuất viện. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 129/2016/PY-TgT ngày 27/7/2016 và số 130/2016/PY-TgT, ngày 27/7/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Định kết luận Đỗ H bị tổn hại sức khỏe là 05% và Đỗ A bị tổn hại sức khỏe là 13%.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ một cây sắt tròn dài 155cm, đường kính 2m, một đầu đính khuyên hình ovan; một cây gỗ dài 125cm.

Tại phiên tòa bị cáo Đỗ T, bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M và bị cáo Trịnh Hưng D khai có cùng nội dung là vào khoảng 19 giờ ngày 17/6/2016, vợ chồng bị cáo Đỗ T đến nhà ông Đỗ T1 để trình bày về việc vào sáng ngày 17/6/2016 Đỗ D đốt rác trước quán của bị cáo, khói bay vào quán làm ảnh hưởng đến việc buôn bán thì bị ông Đỗ T1 chửi và điện thoại gọi Đỗ H về. Đỗ H về đuổi vợ chồng bị cáo Đỗ T ra khỏi nhà và dùng chân đạp vào bụng, làm bị cáo Đỗ T ngã ra ngoài ngõ.

Nguyễn Hữu T ở ngoài đường chạy vào thì bị Đỗ H dùng cây sắt đánh trúng vào đầu, gây chảy máu, nên bị cáo Đỗ T và bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M cầm cây, bị cáo Trịnh Hưng D cầm cây sắt chạy vào dí đánh H. Bị cáo Đỗ T dùng cây đánh vào tay và vào đầu Đỗ H, Đỗ H bỏ cây sắt chạy vào nhà đóng cửa lại, nên các bị cáo đi về. Đi một đoạn khoảng 15 mét thì Đỗ A dùng khúc cây chạy theo đánh bị cáo Đỗ T và bị cáo D, nên bị cáo D cầm cây sắt đánh lại. Bị cáo Đỗ T giật cây sắt của bị cáo D và đánh qua, đánh lại với Đỗ A thì từ phía sau bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M ôm kéo Đỗ A ngã xuống đất và bị cáo Đỗ T dùng cây sắt đánh nhiều cái vào chân, vào đầu Đỗ A cho đến khi chị Lê Thị Thanh T kéo ra.

Bị hại Đỗ H khai: Vào khoảng 19 giờ ngày 17/6/2016, nghe tin gia đình bị cáo Đỗ T mang cây, rựa đi đến nhà cha ruột là ông Đỗ T1 thì anh chạy về nhà. Thấy vợ chồng và con, rể bị cáo Đỗ T la chửi, nên anh đuổi và dùng tay xô bị cáo Đỗ T ra ngoài đường. Khi anh lấy cây sắt đánh trúng vào đầu của Nguyễn Hữu T thì các bị cáo Trịnh Hưng D, Đỗ Đặng Hoàng M và Đỗ T cầm cây, cầm rựa nhào đến đánh anh. Anh bỏ cây sắt chạy vào phòng ngủ đóng cửa lại, các bị cáo ở ngoài đập cửa nhưng anh không ra, sau đó sự việc như thế nào anh không biết.

Bị hại Đỗ A khai: Vào khoảng 19 giờ ngày 17/6/2016, nghe tin gia đình bị cáo Đỗ T đánh Đỗ H thì anh lấy khúc cây trong ngôi nhà hoang chạy ra đánh bị cáo Đỗ T và bị cáo Trịnh Hưng D. Trong lúc anh đứng đối diện với bị cáo Đỗ T thì có người từ phía sau ôm vật anh ngã xuống để cho bị cáo Đỗ T đánh anh.

Bản cáo trạng số 16/QĐ-KSĐT ngày 09/5/2017, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã truy tố các bị về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận:

Lúc bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M và bị cáo Trịnh Hưng D nhào vô giằng co, giật cây sắt của Đỗ H thì bị cáo Đỗ T dùng cây gỗ đánh Đỗ H, gây thương tích. Sau khi bị Đỗ A dùng khúc cây đánh, bị cáo Đỗ T và bị cáo Trịnh Hưng D dùng cây sắt đánh lại Đỗ A. Trong lúc bị cáo Đỗ T cầm cây sắt, Đỗ A cầm cây đánh qua, đánh lại thì bị cáo M ôm vật Đỗ A ngã xuống đất và bị cáo Đỗ T dùng cây sắt đánh Đỗ A cho đến khi Lê Thị Thanh T kéo ra.

Do đó Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo về tội: "Cố ý gây thương tích" theo khoản 2, Điều 104 của Bộ luật hình sự. Bị hại có lỗi và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các bị cáo đã nộp 5.000.000đ để bồi thường thiệt hại cho những người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, p khoản 1 Điều 46 và Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Đỗ T từ 9 tháng đến 12 tháng tù; áp dụng thêm Điều 60 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M và bị cáo Trịnh Hưng D từ 6 tháng đến 9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Về xử lý vật chứng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tịch thu tiêu hủy các công cụ mà các bị cáo dùng để gây án. Về dân sự đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho các bị hại.

Các bị cáo thống nhất với Tội danh mà viện kiểm sát truy tố và trong lời nói sau cùng các bị cáo đều xin lỗi người bị hại và xin được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện Tuy Phước, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại xuất trình tài liệu, chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; Bị cáo, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại và bị hại không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Sự việc Đỗ H đánh anh Nguyễn Hữu T và các bị cáo dí đánh Đỗ H có ông Đỗ T1 là cha của các bị hại, đồng thời là cha, là ông nội của các bị cáo chứng kiến. Sự việc bị hại Đỗ A cầm cây rượt đánh bị cáo Đỗ T và bị cáo Trịnh Hưng D có chị Lê Thị T và chị Lê Thị Thanh T chứng kiến. Còn hành vi của bị cáo D dùng cây sắt đánh Đỗ A; bị cáo M ôm vật Đỗ A ngã xuống để cho bị cáo Đỗ T dùng cây sắt đánh có chị Lê Thị Thanh T thấy và chính chị là người kéo bị cáo Đỗ T ra.

Vật chứng mà cơ quan điều tra thu giữ, được các bị cáo, bị hại xác nhận và vị trí thương tích để lại trên cơ thể của bị hại, cùng với cơ chế gây ra thương tích là do vật tày gây ra, nên có căn cứ xác định: Sau khi Nguyễn Hữu T bị Đỗ H dùng cây sắt đánh vào đầu thì bị cáo Đỗ T cầm cây, bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M cầm cây, bị cáo Trịnh Hưng D cầm cây sắt dí đánh Đỗ H và bị cáo Đỗ T là người dùng khúc cây đánh vào đầu Đỗ H. Khi các bị cáo từ nhà ông Đỗ T1 ra về thì Đỗ A cầm khúc cây đánh bị cáo Đỗ T và bị cáo D, nên hai bị cáo này dùng cây sắt đánh lại. Trong lúc bị cáo Đỗ T và Đỗ A đang đối diện đánh qua, đánh lại thì bị cáo M từ phía sau chạy tới ôm kéo Đỗ A ngã xuống đất để cho bị cáo Đỗ T dùng cây sắt đánh Đỗ A, nên lời buộc tội của bị hại và đại diện Viện Kiểm Sát đối với các bị cáo là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Xét tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đều là những người có khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả của hành vi đó sẽ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Nhận thức được vậy, nhưng vì muốn giải quyết mâu thuẫn với những người bị hại bằng vũ lực, nên các bị cáo vẫn thực hiện. Quá trình thực hiện hành vi bị cáo Trịnh Hưng D dùng cây sắt, bị cáo Đỗ T và bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M dùng khúc cây cùng nhào vô dí đánh Đỗ H, nhưng chỉ có bị cáo Đỗ T đánh được Đỗ H; sau khi Đỗ A dùng cây đánh bị cáo Đỗ T và bị cáo Trịnh Hưng D thì bị cáo D dùng cây sắt đánh lại trúng Đỗ A ở chân, bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M từ phía sau nhào đến ôm vật Đỗ A ngã xuống đất và bị cáo Đỗ T dùng cây sắt đánh Đỗ A nhiều cái gây thương tích ở vùng chân và vùng đầu.

Theo kết luận của tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Định thì Đỗ H bị tổn hại sức khỏe do bị đánh là 05%, Đỗ A bị tổn hại sức khỏe do bị đánh là 13%, nhưng vì các bị cáo sử dụng cây sắt, khúc gỗ rắn, nặng là những loại hung khí nguy hiểm để đánh bị hại, nên hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được qui định tại khoản 2, Điều 104 của Bộ luật hình sự.

[4] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm trong hành vi của từng bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Đây là vụ án có đồng phạm, nhưng các bị cáo hành động tự phát, không có ai rủ rê, lôi kéo ai, nên hình phạt căn cứ vào hành vi gây thiệt hại của từng bị cáo. Thương tích của bị hại Đỗ H do bị cáo Đỗ T gây ra, thương tích của bị hại Đỗ A chủ yếu do bị cáo Đỗ T cầm cây sắt đánh gây ra, bị cáo Trịnh Hưng D chỉ đánh một cây trúng vào chân, bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M ôm vật Đỗ A cho bị cáo Đỗ T đánh, nên hình phạt áp dụng cho bị cáo Đỗ T phải nghiêm khắc hơn.

Trong thời gian chuẩn bị xét xử các bị cáo đã tự nguyện nộp 5.000.000đ để bồi thường thiệt hại cho bị hại; các bị cáo đều khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, thiệt hại mà các bị cáo gây ra cho bị hại không lớn và phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của bị hại và tại phiên tòa bị hại bãi nại, yêu cầu Tòa cho các bị cáo hưởng án treo.

Do đó cần cho các bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ qui định tại điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự và áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt các bị cáo mức án dưới khung hình phạt. Các bị cáo có nhân thân tốt, có việc làm ổn định và có nơi cư trú rõ ràng, nên áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự cho các bị cáo hưởng án treo, như đề nghị của những người bị hại là cần thiết, nhằm để hàn gắn lại tình cảm anh em, chú bác trong cùng gia đình, tránh xung đột dẫn đến hậu quả không tốt về sau.

[5] Xét về vật chứng của vụ án:

Một cây sắt tròn có chiều dài 155cm, đường kính 2cm; một khúc gỗ dài 125cm, thiết diện 4cm x 2,5cm, là những công cụ mà các bị cáo và bị hại dùng để đánh nhau, nên căn cứ Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên tịch thu, tiêu hủy.

[6] Xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Đỗ H yêu cầu các bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường các khoản thiệt sau: Tiền công lao động 500.000đ/ngày, trong 8 ngày là 4.000.000đ; tiền công lao động của vợ chăm sóc trong thời gian nằm viện 8 ngày, mỗi ngày 300.000đ; tiền xăng vợ lên xuống bệnh viện là 300.000đ; tiền mua thịt, sữa để bồi dưỡng trong 8 ngày là 2.400.000đ; tiền thuốc, viện phí, tiền ăn tại bệnh viện là 4.248.000đ và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần khoản 10.000.000đ.

Sau khi xem xét các chứng từ do bị hại Đỗ H cung cấp, Hội đồng xét xử xác định như sau: Tiền thuốc, tiền viện phí có hóa đơn hợp pháp là 3.416.000đ (1); tiền thuê phương tiện chở đi cấp cứu 300.000đ là hợp với thực tế (2); bị hại làm nghề bốc vác hàng mỗi ngày 300.000đ là phù hợp với giá thuê ở địa phương, nên chấp nhận và thu nhập bị mất trong 8 ngày là 2.400.000đ (3); bị hại là người có lỗi trước và thương tích của bị hại không lớn, chỉ có 6%, nên buộc các bị cáo phải chịu một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 3.000.000đ là phù hợp (4). Các yêu cầu khác không phù hợp với pháp luật nên không chấp nhận. Vậy tổng số tiền buộc các bị cáo phải bồi thường cho người bị hại Đỗ H là: (1) + (2) + (3) + (4) = 9.116.000đ, chia phần: Bị cáo Đỗ T 5.116.000đ, bị cáo Trịnh Hưng D 2.000.000đ và bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M 2.000.000đ. 

Đỗ A yêu cầu các bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường các khoản thiệt hại sau: Tiền thuê phương tiện đưa đi cấp cứu 300.000đ; tiền thuốc, viện phí, tiền ăn trong thời gian nằm viện là 4.682.363đ; tiền thuốc bổ, tiền bồi dưỡng sức khỏe và các chi phí hợp lý khác là 1.600.000đ; tiền thu nhập thực tế bị mất trong 8 ngày là 2.400.000đ; tiền xăng cho người chăm sóc bị hại là 300.000đ; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bị hại là 2.400.000đ và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 15.000.000đ. Các bị cáo yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét lại vì mức yêu cầu của các bị hại qúa cao.

Sau khi xem xét các chứng từ do bị hại Đỗ A cung cấp, Hội đồng xét xử xác định như sau: Tiền thuốc, tiền viện phí có hóa đơn hợp pháp là 3.712.000đ (5); tiền thuê phương tiện chở đi cấp cứu 300.000đ là hợp với thực tế nên chấp nhận (6); bị hại làm nghề chạy xe Ba-gác chở hàng mỗi ngày 300.000đ, có xác nhận của chủ hàng nên chấp nhận và thu nhập bị mất trong 8 ngày là 2.400.000đ (7); tỉ lệ thương tích của bị hại là 13%, nhưng bị hại có lỗi trước, nên buộc các bị cáo phải chịu một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 4.500.000đ (8). Các yêu cầu khác của bị hại không phù hợp với pháp luật nên không chấp nhận. Vậy tổng số tiền buộc các bị cáo phải bồi thường cho người bị hại Đỗ A là: (5)+(6)+(7)+(8) = 10.912.000đ, chia phần: Bị cáo Đỗ T 5.912.000đ, bị cáo Trịnh Hưng D 2.500.000đ và bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M 2.500.000đ.

[7] Ngày 04/7/2017 bị cáo Đỗ T đại diện cho các bị cáo đã nộp 5.000.000đ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuy Phước để bồi thường thiệt hại cho những người bị hại, nên tiếp tục tạm giữ để đảm bảo cho việc thi hành án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo Đỗ T, Đỗ Đặng Hoàng M và Trịnh Hưng D đều phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 2, Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 60 của Bộ luật hình sự:

-Xử phạt bị cáo Đỗ T 01 (một) năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 (hai) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày14/7/2017).

-Xử phạt bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M 6 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

-Xử phạt bị cáo Trịnh Hưng D 6 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Đỗ T và bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M cho UBND thị trấn D, huyện T, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Giao bị cáo Trịnh Hưng D cho UBND xã C, huyện P, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú, thì thực hiện theo khoản 1, Điều 69 Luật Thi hành án hình sự 2010.

Căn cứ Điều 227 của Bộ luật tố tụng hình sự: Tuyên trả tự do cho bị cáo Trịnh Hưng D và bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M ngay sau khi kết thúc phiên tòa, nếu các bị cáo trên không bị giam, giữ về một tội phạm nào khác.

Về vật chứng:

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự: Tuyên tịch thu tiêu hủy 01(một) cây sắt tròn có chiều dài 155cm, đường kính 2cm; 01 (một) khúc gỗ hình chữ nhật dài 125cm, thiết diện 4cm X 2,5cm theo biên bản tạm giữ vật chứng ngày 18/6/2016 và ngày 15/8/2016 của cơ quan điều tra công an huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Các vật chứng trên Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đang tạm giữ theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 09/5/2017.

Về dân sự:

Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự, Điều 590, Điều 288 của Bộ luật dân sự:

- Buộc các bị cáo phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho Đỗ H với số tiền là 9.116.000đ (Chín triệu một trăm mười sáu ngàn đồng). Chia phần: Bị cáo Đỗ T 5.116.000đ (Năm triệu một trăm mười sáu ngàn đồng), bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M 2.000.000đ (Hai triệu đồng), bị cáo Trịnh Hưng D 2.000.000đ (Hai triệu đồng).

-Buộc các bị cáo phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho Đỗ A với số tiền là 10.912.000đ (Mười triệu chín trăm mười hai ngàn đồng). Chia phần: Bị cáo Đỗ T 5.912.000đ (Năm triệu chín trăm mười hai ngàn đồng), bị cáo Đỗ Đặng Hoàng M 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm ngàn đồng), bị cáo Trịnh Hưng D 2.500.000đ (Hai triệu năm trăm ngàn đồng).

Tiếp tục tạm giữ 5.000.000đ (Năm triệu đồng) mà bị cáo Đỗ T đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phước, theo biên lai thu tiền số 03746 ngày 04/7/2017, để đảm bảo cho việc thi hành án.

Về án phí:

Căn cứ Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí tòa án: Buộc mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm để sung Ngân sách nhà nước.

Kể từ khi có đơn yêu cầu Thi hành án của bên được thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành các khoảng đã tuyên, thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, ứng với khoảng tiền không thi hành.

“Trường hợp Bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự”.

Về quyền kháng cáo:

Các bị cáo, những người bị hại có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

263
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2017/HSST ngày 14/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:21/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuy Phước - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về