Bản án 19/2020/HS-ST ngày 07/05/2020 về tội trộm cắp tài sản, chứa chấp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ BỈM SƠN, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 19/2020/HS-ST NGÀY 07/05/2020 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN, CHỨA CHẤP TÀI SẢN, TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ

Ngày 07 tháng 5 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Bỉm Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 17/2020/TLST-HS ngày 20 tháng 3 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 18/2020/QĐXXST-HS ngày 24 tháng 4 năm 2020 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Trần Văn D, sinh ngày 02/3/1993, tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 6, xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Lao động tự do; văn hóa: 9/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông: Trần Văn D (đã chết), con bà: Nguyễn Thị Q; bị cáo chưa có vợ, con; tiền sự: không; tiền án: 02 tiền án - Ngày 20/12/2013 bị Tòa án nhân dân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 24 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 25/02/2014 bị Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 24 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt của hai bản án buộc bị cáo phải chấp hành là: 48 tháng.

- Ngày 06/11/2015 bị Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xử phạt 18 tháng tù về tội “ Trốn khỏi nơi giam giữ”. Ngày 01/12/2018 chấp hành xong hình phạt tù ra trại trở về địa phương.

Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 30/11/2019 đến nay hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

2. Họ và tên: Mai Hoàng B, sinh ngày 09/5/1994, tại Thanh Hóa; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn Yên Phú, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Lao động tự do; văn hóa: 10/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông: Mai Văn H, con bà: Nguyễn Thị Nh (Đều còn sống); bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 02/12/2019 đến ngày 11/12/2019 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt

3. Lê Thành A, sinh ngày: 23/5/1984, tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Mường; tôn giáo: Không; con ông: Lê Châu T, con bà: Trịnh Thị T (Đều còn sống); bị cáo chưa có vợ, con; tiền sự: không; tiền án: 01 tiền án Ngày 02/3/2007, bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt 15 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 28/01/2018 chấp hành xong hình phạt tù, ra trại trở về địa phương sinh sống.

Nhân thân: Ngày 07/12/2004 bị Công an thị xã Bỉm Sơn xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong khoảng thời gian từ ngày 02/8/2019 đến ngày 29/10/2019, Trần Văn D đã thực hiện 02 lần trộm cắp tài sản có tổng giá trị: 47.135.000đồng.

Vụ thứ nhất:

Khoảng 20 giờ ngày 01/8/2019, Trần Văn D sau khi đi chơi về đã thuê nhà nghỉ tại nhà nghỉ Trúc Linh thuộc thôn 4, xã Quang Trung thị xã Bỉm Sơn để nghỉ cùng chị H (là bạn gái D). Đến khoảng 15 giờ ngày 02/8/2019 Diễn muốn lên thành phố Thanh Hóa chơi nhưng không có tiền nên D đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản của chị H. Lợi dụng lúc chị H đang ngủ, D đã trộm cắp 01 chiếc điện thoại di động samsung glaxy A50 màu xanh và số tiền 1.400.000 đồng của chị H đang để trên bàn trong phòng ngủ. Sau khi trộm cắp được tài sản D đã mang chiếc điện thoại đến cửa hàng điện thoại Thành Trung ở tiểu khu 6, thị trấn Hà Trung bán cho chị Tăng Thị N (chủ cửa hàng) được số tiền 3.200.000 đồng. Toàn bộ số tiền trộm cắp được và tiền bán điện thoại D đã tiêu xài cá nhân hết.

Ngày 16/8/2019, Hội đồng định giá tài sản thị xã Bỉm Sơn định giá mô phỏng kết luận:

- Một (01) điện thoại di động nhãn hiệu Samsung glaxy A50 A505 Blue, mua mới ngày 27/5/2019, đang hoạt động bình thường. Có giá trị tại thời điểm bị chiếm đoạt ngày 02/8/2019 là: 6.550.000 đồng (sáu triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng);

- Tiền mặt: 1.400.000 đồng (Một triệu bốn trăm nghìn đồng);

Tổng giá trị tài sản Trần Văn D trộm cắp là: 7.950.000 đồng (bảy triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Vụ thứ hai:

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 29/10/2019, D đang đi bộ lang thang ở gần khu vực chợ Bỉm Sơn thì nảy sinh ý định vào trong các ki ốt chợ xem có sơ hở để trộm cắp tài sản. Khi đi vào đến ki ốt hướng tây bên trái (ki ốt số 24) của gia đình chị Đào Thị H, D thấy có một lỗ hổng ở phía trên, quan sát không thấy ai trông coi nên D đã trèo qua đường lỗ hổng vào bên trong, thấy có một tủ kính để rất nhiều đồng hồ các loại. D dùng tay cậy tấm kính ở mặt trên của chiếc tủ kính rồi lấy đồng hồ trong đó ra bỏ vào một chiếc túi D lấy ở trong quán. D không biết cụ thể lấy được bao nhiêu đồng hồ và những loại đồng hồ gì. Sau đó D trèo qua lỗ hổng đi ra ngoài. Sau khi ra ngoài D để số đồng hồ lấy được ở một góc bên kia đường rồi tiếp tục đi lại chỗ ki ốt số 28 của gia đình chị Trần Thị H cách ki ốt số 24 khoảng 20m. Tại ki ốt số 28, D dùng chiếc tua vít (lấy được ở ki ốt số 24) cậy một chiếc khóa ở góc trên của ki ốt. Sau khi bẻ được khóa cửa D đẩy cửa cuốn lên vào bên trong thấy một tủ kính để nhiều đồng hồ các loại. D dùng tua vít để cậy kính bên trong của tủ kính thì kính vỡ. D dùng tay vơ số đồng hồ bên trong tủ kính, số lượng và đặc điểm đồng hồ D không nhớ rõ. Đồng thời, D lấy thêm 13 chiếc kính các loại để ở trên giá để kính phía trên bờ tường. Sau đó D đi ra chỗ để đồng hồ vừa trộm cắp được ở ki ốt số 24 và tìm được một bì tải màu trắng gần đó, D bỏ hết số tài sản vừa trộm cắp được vào bì tải và xách bộ đi ra đường quốc lộ 1A đến nhà Lê Thành A. D gọi A mở cửa, A ra mở cửa thì thấy D đi một mình trên vai khoác một chiếc bì tải màu trắng. Khi vào nhà A, D bảo A xăm hình tiếp cho D, A hỏi D: “có tiền chưa mà săm tiếp”, D bảo A “hay là lấy đồng hồ”, A chưa nói gì thì D đổ chiếc bì tải màu trắng ra sàn nhà. A thấy rất nhiều đồng hồ đeo tay khác nhau và rất nhiều chủng loại. A hỏi D: “đồng hồ lấy ở đâu mà nhiều thế” thì D nói: “đồng hồ lấy trộm ở Bỉm Sơn” rồi D ngồi ngay tại sàn nhà A đếm đồng hồ, tại đây D đếm được 160 chiếc đồng hồ các loại. Sau đó D nhờ A bán số đồng hồ trên A nói: “không biết chỗ bán”, thì D nói để D đi bán chỗ khác. Lúc này A bảo D “để lại cho A 10 chiếc đồng hồ, lúc nào có tiền đến mà lấy”, D đồng ý nên A đã tự chọn trong số 160 chiếc đồng hồ ra 10 chiếc đồng hồ cả nam, nữ, A không nhớ cụ thể chủng loại và màu sắc như thế nào. Sau đó D bỏ toàn bộ số đồng hồ còn lại vào bì tải rồi đi ra ngoài, ra đến hè, D quay lại bảo A cho D mượn 01 chiếc túi, A lấy trong phòng ra một chiếc túi vải dạng túi đựng máy tính xách tay đưa cho D, D bỏ toàn bộ số đồng hồ vào chiếc túi A đưa rồi đi ra khỏi nhà A.

Khoảng 04 ngày sau D quay lại nhà A vào buổi tối và bảo A trả lại cho D 05 chiếc đồng hồ, A đã trả lại cho D 05 chiếc đồng hồ nam bằng kim loại, 05 chiếc còn lại A để ở nhà, A cho bố một chiếc, mẹ một chiếc, 02 chiếc để trong phòng ngủ còn một chiếc A đi cắm tại cửa hàng của chị Đặng Thị Th ở khu phố 2, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn được 200.000đ để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Ngày 02/12/2019, Cơ quan CSĐT công an thị xã Bỉm Sơn khám xét thu giữ tại nhà A (04) chiếc đồng hồ các loại, còn 01 chiếc A đã chuộc lại của chị Đặng Thị Th và giao nộp cho cơ quan điều tra.

Sau khi đưa cho A 10 chiếc đồng hồ, số còn lại D bỏ vào túi xách mang về phòng trọ ở Cầu Cừ, huyện Hà Trung, D lấy ra 05 chiếc đồng hồ cho chị H (bạn gái D), một số chiếc bị mất, thất lạc ở phòng trọ. Số đồng hồ còn lại khoảng 09 giờ sáng ngày 01/11/2019, D gọi điện cho Mai Hoàng B để hỏi vay tiền, B nói không có tiền, thì D nói với B “có ít đồng hồ cần bán”, lúc đó B đang học nên hẹn D chiều gặp. Đến 15 giờ chiều cùng ngày B gặp D, lúc này D mở chiếc túi xách cho B xem, bên trong có rất nhiều đồng hồ đeo tay nam, nữ các loại. B hỏi D “đồng hồ ở đâu?”, D nói “đồng hồ của em trai D trộm cắp được”, D nhờ B bán hộ D số đồng hồ trên nhưng B nói với D, B sẽ mua lại số đồng hồ trên với giá 1.500.000 đồng, D đồng ý, B đưa cho D 1.000.000 đồng, còn lại 500.000 đồng B đã trừ số tiền D đã nợ B trước đó. Khi nhận đồng hồ của D, B đếm được 140 chiếc đồng hồ nam, nữ các chủng loại B không nhớ cụ thể từng loại.

Sau khi mua được đồng hồ của D, B đem về nhà cho người nhà và bạn bè sử dụng, số còn lại B để ở nhà và chưa bán được chiếc đồng hồ nào. Ngày 02/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn bắt giữ và khám xét khẩn cấp nơi ở của Mai Hoàng B thu giữ: 82 chiếc đồng hồ đeo tay các loại. Quá trình điều tra những người được B cho đồng hồ đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan CSĐT 07 chiếc, Chị H đã giao nộp 04 chiếc, còn lại 01 chiếc chị H đã cho một người bạn ở Nam Định nhưng người này sau đó đã đi đâu không rõ nên không thu được để giao nộp cho cơ quan điều tra. Tổng số đồng hồ thu được: 98 chiếc các loại.

13 (mười ba) chiếc kính mắt D đã ném trên đường đi ở khu vực sông cầu Lèn thị trần Hà Trung, cơ quan CSĐT không thu hồi được.

Ngày 06/01/2020, Hội đồng định giá tài sản thị xã Bỉm Sơn định giá kết luận: Tổng giá trị của 98 chiếc đồng hồ trên ở thời điểm hiện tại là: 22.190.000 đồng (hai hai triệu một trăm chín mươi nghìn đồng). Trong đó thu của Mai Hoàng B 89 chiếc đồng hồ các loại trị giá: 20.030.000 đồng.

Ngày 20/01/2020, Hội đồng định giá tài sản thị xã Bỉm Sơn định giá kết luận:

05 chiếc đồng hồ thu giữ của Lê Thành A có giá trị tại thời điểm bị xâm hại là:

1.200.000 đ (một triệu hai trăm nghìn đồng) và kết luận định giá mô phỏng 05 chiếc đồng hồ mà D đã lấy lại của A có giá trị tại thời điểm bị xâm hại là: 1.250.000 đồng (một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng). 62 chiếc đồng hồ và 13 chiếc kính mắt không thu hồi được do Trần Văn D và Mai Hoàng B làm thất thoát có tổng giá trị tại thời điểm bị xâm hại là: 16.995.000đồng (mười sáu triệu chín trăm chín lăm nghìn đồng).

Tổng giá trị tài sản Trần Văn D trộm cắp là: 39.185.000 đồng (ba mươi chín triệu một trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Tại bản cáo trạng số 20/CT-VKS-BS ngày 19/3/2020 Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã truy tố các bị cáo:

- Trần Văn D về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 điều 173 Bộ luật hình sự;

- Mai Hoàng B về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 điều 323 Bộ luật hình sự;

- Lê Thành A về tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 điều 323 Bộ luật hình sự;

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

- Điểm g khoản 2 điều 173; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Văn D từ 30 đến 36 tháng tù;

- Khoản 1 điều 323, điểm b,i, s khoản 1 điều 51; Khoản 1,2,5 Điều 65/ Bộ luật hình sự, xử phạt Mai Hoàng B từ 09 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 đến 24 tháng.

- Khoản 1 điều 323, điểm s khoản 1 điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52; khoản 1 điều 53, điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Thành A từ 06 đến 09 tháng tù.

Về hình phạt bổ sung: Đề nghị không phạt tiền đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo D phải bồi thường cho chị Ksor H’ giá trị chiếc điện thoại là 6.550.000 đồng và số tiền mặt 1.400.000 đồng. Tổng cộng buộc D phải bồi thường cho chị Ksor số tiền 7.950.000 đồng Và cho chị Đào Thị H số tiền 06 chiếc đồng hồ x 250.000đ/chiếc = 1.500.000 đồng; cho chị Trần Thị H số tiền 05 chiếc đồng hồ x 250.000đ/chiếc = 1.250.000 đồng và 13 chiếc kính mắt thời trang x 115.000 đ/chiếc = 1.495.000 đồng. Tổng cộng buộc D phải bồi thường cho chị Trần Thị H số tiền 2.745.000 đồng.

Về án phí: đề nghị buộc các bị cáo nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, lời khai của bị cáo, biên bản phạm pháp quả tang, vật chứng thu được, kết luận giám định,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, điều tra viên; VKSND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi của các bị cáo:

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo Trần Văn D, Mai Hoàng B và Lê Thành A đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như bản Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Lời khai nhận tội của các bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai và báo cáo của người bị hại, phù hợp với lời khai người làm chứng, các vật chứng thu giữ được và các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập hợp lệ, đủ cơ sở kết luận:

Từ ngày 02/8/2019 đến ngày 29/10/2019, Trần Văn D có hành vi lén lút, lợi dụng sơ hở của người bị hại không trông coi, quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản có tổng giá trị 47.135.000 đồng. Cụ thể, ngày 02/8/2019 D trộm cắp điện thoại và tiền của chị H, tổng trị giá 7.950.000 đồng; ngày 29/10/2019, D trộm cắp 160 đồng hồ đeo tay nam, nữ các loại, 13 kính mắt thời trang của chị Đào Thị H (chủ ki ốt số 24) và chị Trần Thị H (chủ ki ốt số 28) , tổng giá trị tài sản là 39.185.000 đồng.

Mai Hoàng B có hành vi tiêu thụ 140 chiếc đồng hồ các loại do D trộm cắp có trị giá 32.780.000 đồng.

Lê Thành A có hành vi chứa chấp 10 chiếc đồng hồ các loại do D trộm cắp có giá trị 2.450.000 đồng.

Đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự, hành vi nêu trên của bị cáo Trần Văn D đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”. Do bị cáo đã tái phạm chưa được xóa án tích về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn khỏi nơi giam giữ”, nên lần phạm tội này của bị cáo được xác định là trường hợp tái phạm nguy hiểm. Tội phạm và hình phạt áp dụng đối với bị cáo D được quy định tại điểm g khoản 2 điều 173. Hành vi của Mai Hoàng B đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, hành vi của Lê Thành A đủ yếu tố cấu thành tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”. Tội phạm và hìn h phạt áp dụng đối với bị cáo B và A quy định tại khoản 1 điều 323 Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn truy tố bị cáo ra xét xử theo tội danh và điều luật đã viện dẫn là có căn cứ pháp lý.

[3] Xét tính chất vụ án:

Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, bị cáo D đã thực hiện hành vi một cách táo bạo, lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo không những xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn gây tâm lý hoang mang và làm giảm lòng tin trong nhân dân, gây ảnh hưởng xấy đến trật tự trị an xã hội. Tài sản mà bị cáo chiếm đoạt có giá trị tương đối lớn 47.135.000 đồng. Vì vậy, HĐXX cần xử lý nghiêm minh đối với bị cáo Trần Văn D, như thế mới có thể giáo dục bị cáo cáo thành công dân tốt và có tác dụng phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Mai Hoàng B và Lê Thành A nhận thức rõ hành vi trộm cắp tài sản của Trần Văn D. Tuy nhiên, các bị cáo không phản đối. Mặt khác B còn đồng ý mua lại 140 chiếc đồng hồ với mục đích để cho anh em bạn bè sử dụng và bán lấy tiền tiêu xài cá nhân, A thì cũng giữ lại 10 chiếc đồng hồ để làm tin (vì D đang nợ tiền A), sau đó A cho bố mẹ sử dụng và cắm lấy tiền tiêu xài cá nhân. Hành vi của bị cáo B và A biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng do hám lợi nên vẫn thực hiện hành vi phạm tội, chứng tỏ các bị cáo coi thường kỷ cương pháp luật. Để giáo dục các bị cáo Ba và An thành công dân tốt cho xã hội HĐXX cần xử lý nghiêm khắc đối với các bị cáo.

[4] Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và vai trò của các bị cáo:

Về tình tiết tăng nặng:

Bị cáo Trần Văn D có một tình tiết tăng nặng là “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 điều 52 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Lê Thành A có một tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 điều 52 do bị cáo có một tiền án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” chưa được xóa án tích nay lại tiếp tục phạm tội.

Bị cáo Mai Hoàng B không có tình tiết tăng nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ: Các bị cáo đều có chung một tình tiết giảm nhẹ là quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo quy định tại điểm s khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự. Bị cáo B có thêm hai tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại điểm b, i khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự.

Vì vậy, khi lượng hình HĐXX áp dụng giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt để các bị cáo thấy được đường lối chính sách của pháp luật Nhà nước, từ đó cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Về vai trò của các bị cáo: Trong vụ án có 03 bị cáo tham gia, nhưng trước khi phạm tội các bị cáo không có sự bàn bạc thống nhất với nhau. Do đó không phải là phạm tội có tổ chức mà là đồng phạm giản đơn và độc lập với nhau về hành vi. Bị cáo D là người chủ mưu và là thực hành tích cực nên có mức hình phạt cao nhất, bị cáo B và A là những người biết rõ tài sản do trộm cắp mà có nhưng do hám lợi nên phạm tội nên mức hình phạt thấp hơn so với bị cáo D.

Căn cứ vào các quy định của BLHS, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, HĐXX xét thấy, cần thiết phải cách ly bị cáo D và A ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có đủ điều kiện để cải tạo giáo dục các bị cáo trở thành người lương thiện.

Còn đối với bị cáo B có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó, không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ điều kiện giáo dục bị cáo thành người công dân có ích cho xã hội và phù hợp với quy định tại khoản 1, 2 Điều 65 BLHS.

[5] Về hình phạt bổ sung: Xét thấy các bị cáo đều không có công an việc làm ổn định, không có tài sản riêng nên không cần thiết phải áp dụng hình pạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo là phù hợp với các quy định tại khoản 5 Điều 173; Khoản 5 Điều 323 BLHS.

[6] Về trách nhiệm dân sự: - Chiếc điện thoại sam sung glaxy A50 A505 Blue chiếm đoạt của chị Ksor H’N, D bán cho chị Tăng Thị Nh, khi mua chị Nh không biết là tài sản do phạm tội mà có, chị Nh đã bán chiếc điện thoại trên cho một người giới thiệu là Triệu Văn L ở Hà Giang, Hà Trung nhưng không xác định được tên, tuổi cụ thể của người này nên hiện nay chưa thu hồi được. Theo Hội đồng định giá mô phỏng chiếc điện thoại Sam sung glaxy A50 A 505 có giá trị 6.550.000 đồng. Nay, chị Ksor yêu cầu bồi thường, vì vậy buộc D phải bồi thường cho chị Ksor H giá trị chiếc điện thoại là 6.550.000 đồng và số tiền mặt 1.400.000 đồng. Tổng cộng buộc D phải bồi thường cho chị Ksor số tiền 7.950.000 đồng.

- Số tài sản D lấy trộm tại ki ốt 24 và ki ốt 28 cơ quan CSĐT Công an thị xã Bỉm Sơn đã trả lại cho người bị hại chị Trần Thị H 80 chiếc đồng hồ; chị Đào Thị H 18 chiếc đồng hồ, 51 chiếc đồng hồ còn lại trong tổng số 140 chiếc đồng hồ B mua của D không thu hồi được, ngày 10/02/2020 Mai Hoàng B đã bồi thường tương ứng với số tiền 12.750.000 đồng (mười hai triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) chị H và chị H thống nhất mỗi người nhận lại số tiền: 6.375.000 đồng và tiếp tục yêu cầu Trần Văn D phải bồi thường thiệt hại đối với số đồng hồ không thu được (11 chiếc đồng hồ) và 13 chiếc kính mắt theo quy định của pháp luật. Tại bản tự khai ngày 28/4/2020 và tại phiên tòa người bị hại chị Đào Thị H và chị Trần Thị H yêu cầu Trần Văn D tiếp tục bồi thường số tài sản trộm cắp của gia đình các chị mà chưa thu hồi được. Cụ thể: Chị H yêu cầu D bồi thường cho chị 06 chiếc đồng hồ, chị H yêu cầu D bồi thường 05 chiếc đồng hồ và 13 chiếc kính mắt.

Tại bản kết luận định giá tài sản mô phỏng ngày 20/01/2020 của Hội đồng định giá tài sản UBND thị xã Bỉm Sơn kết luận: 62 chiếc đồng hồ nam, nữ các loại (trong đó có 11 chiếc đồng hồ chị H và chị H yêu cầu D bồi thường có giá trị tại thời điểm hiện tại là bình quân 250.000 đ/chiếc; 13 chiếc kính mắt thời trang các loại có giá trị bình quân là 115.000 đ/chiếc.

Vì vậy, buộc D phải bồi thường cho chị Đào Thị H số tiền 6 chiếc đồng hồ x 250.000đ/chiếc = 1.500.000 đồng;

Buộc D phải bồi thường cho chị Trần Thị H số tiền 05 chiếc đồng hồ x 250.000đ/chiếc = 1.250.000 đồng và 13 chiếc kính mắt thời trang x 115.000 đ/chiếc = 1.495.000 đồng. Tổng cộng buộc D phải bồi thường cho chị Trần Thị H số tiền 2.745.000 đồng.

[8] Về những vấn đề khác: Những người được D, B và A cho đồng hồ, tuy nhiên khi được cho những người này không biết là tài sản do phạm tội mà có nên không xử lý đối với những người này là đúng theo quy định của pháp luật.

Chị Đặng Thị Th là người đã cho A cầm cố 01 chiếc đồng hồ lấy 200.000đồng, tuy nhiên khi cho cầm cố chị Th không biết là tài sản do phạm tội mà có nên không xử lý đối với chị Th là đúng theo quy định của pháp luật.

[9] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Bị cáo được kháng cáo bản án theo điều 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ điểm g khoản 2 điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự ( Đối với bị cáo D);

- Căn cứ khoản 1 điều 323, điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 khoản 1 điều 53; Điều 38 Bộ luật hình sự (Đối với bị cáo A);

- Căn cứ khoản 1 điều 323, điểm b,i, s khoản 1 điều 51; khoản 1,2,5 Điều 65 Bộ luật hình sự (Đối với bị cáo B).

Tuyên bố:

Bị cáo Trần Văn D phạm tội “Trộm cắp tài sản”;

Bị cáo Lê Thành A phạm tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”;

Bị cáo Mai Hoàng B phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” Xử phạt :

1. Bị cáo Trần Văn D 40 (Bốn mươi) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam (30/11/2019)

2. Bị cáo Lê Thành A 06 (Sáu) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

3. Bị cáo Mai Hoàng B 10 (Mười) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 20 (Hai mươi) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 07.5.2020.

Giao bị cáo Mai Hoàng B cho UBND xã Hà Tiến, huyện Hà Trung quản lý, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại điều 56 BLHS.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hưởng án treo đến cư trú để giám sát, giáo dục.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục chuyển hồ sơ thi hành án treo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hưởng án treo đến cư trú để tổ chức việc thi hành án theo quy định tại Điều 62 của Luật này và thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

* Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào các điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự.

Buộc bị cáo Trần Văn D phải bồi thường cho chị Ksor H số tiền 7.950.000 đồng; bồi thường cho chị Đào Thị H số tiền 1.500.000 đồng; bồi thường cho chị Trần Thị H số tiền 2.745.000 đồng.

Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án, nếu các bị cáo không thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 và 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Về án phí: áp dụng điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, điểm a khoản 1 điều 23, điều 26, điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng áp phí, lệ phí Tòa án buộc bị cáo Trần Văn D phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 610.000 đồng (làm tròn số) án phí dân sự sơ thẩm; các bị cáo Mai Hoàng B và Lê Thành A mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: áp dụng điều 331, 333, bị cáo có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (07/5/2020).

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

306
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2020/HS-ST ngày 07/05/2020 về tội trộm cắp tài sản, chứa chấp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Số hiệu:19/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Bỉm Sơn - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về