Bản án 19/2018/HS-ST ngày 13/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN HỒNG BÀNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 19/2018/HS-ST NGÀY 13/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 13 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 07/2018/TLST-HS ngày 13 tháng 02 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 19/2018/QĐXXST-HS ngày 30 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo:

Nguyễn Kim T, sinh ngày 01 tháng 6 năm 1971 tại Hải Dương. Nơi cư trú:  Phố AL, phường SD, quận HB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 4/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T và bà Phạm Thị C; có vợ là Lưu Thị Hồng N; tiền án, tiền sự: Không; được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20 tháng 12 năm 2017; có mặt.

- Bị hại: Anh Hoàng Văn H; sinh ngày 12 tháng 01 năm 1972; nơi cư trú: Phố ĐV, phường TC, quận HB, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Anh Nguyễn Lê H1; vắng mặt;

2. Chị Lưu Thị Hồng N; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ ngày 12 tháng 9 năm 2017, anh Hoàng Văn H đến nhà bị cáo Nguyễn Kim T tại phố AL, phường SD, quận HB để lấy tiền công xây dựng nhà. Lúc này trong nhà T có anh Nguyễn Lê H1 và vợ bị cáo là chị Lưu Thị Hồng N. Ngồi tại bàn uống nước, giữa bị cáo và anh H không thống nhất được một số hạng mục xây dựng và phương thức tính tiền công dẫn đến đôi co và có lời lẽ xúc phạm nhau. Khi hai bên đứng dậy sô bàn ghế thì T dùng tay phải cầm chiếc ấm pha trà bằng sứ để trên bàn ném trúng vào mặt anh H làm rách da chảy máu ở vùng gò má trái và T tiếp tục lấy điếu cày bằng tre để dưới bàn đánh từ trên đầu xuống nhưng anh H giơ tay trái lên đỡ nên trúng vào khuỷu tai trái. Sau đó anh H1 và chị N vào can ngăn và đưa anh H đi bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp điều trị vết thương.

Tại Bản kết luận giám định số 502/2017/TgT ngày 19/9/2017 và Công văn bổ sung số 148/CV/2017 ngày 28/12/2017 của Trung tâm giám định pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của anh H như sau: "Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do vết thương gò má trái có kích thước nhỏ, không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng thẩm mỹ gây nên là 02%; tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do vết thương nhỏ khuỷu tay trái gây nên là 01%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích trên gây nên theo phương pháp cộng lùi và làm tròn số là 03%. Các thương tích trên có đặc điểm do vật tày có góc cạnh cứng tác động trực tiếp gây nên".

Tại Cơ quan điều tra, bị cáo T thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Lời khai của bị can phù hợp với lời khai người làm chứng; Biên bản khám nghiệm hiện trường, thương tích để lại trên người bị hại; vật chứng thu giữ; kết luận giám định thương tích và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ.

Theo lời khai của bị hại thì T là người dùng điếu cày đánh còn anh Nguyễn Lê H1 là người cầm ấm trà ném. Tuy nhiên qua đối chất giữa anh H với bị cáo Nguyễn Kim T, anh Nguyễn Lê H1 và chị Lưu Thị Hồng N thì chỉ có bị cáo là người trực tiếp dùng tay cầm ấm trà bằng sứ và điều cày gây thương tích cho anh H.

Về vật chứng: Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 điếu cày màu nâu, không có nỏ điếu, một đầu bọc kim loại màu trắng chiều dài 57cm, đường kính rộng 4cm; 01 số mảnh vụn bằng sành sứ sáng màu là hung khí Nguyễn Kim T gây thương tích cho anh Hanh

Về trách nhiệm dân sự: Sau khi xảy ra vụ việc, bị cáo T đã bồi thường cho anh H số tiền 13.000.000 đồng. Trong giai đoạn điều tra anh H yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm số tiền 30.000.000đ đồng gồm: Tiền công lao động trong những ngày nghỉ làm, tiền thuốc mua ngoài và tiền thuê người chăm sóc anh H tại bệnh viện nhưng hai bên không thỏa thuận được.

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận đã thực hiện toàn bộ hành vi của mình như nội dung nêu trên; người bị hại trình bày việc các bên đã bồi thường xong toàn bộ tiền viện phí, tiền thuốc và các chi phí khác là 13.000.000 đồng.

Tại phiên tòa, bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi tố, đồng thời yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm số tiền 30.000.000đ đồng, gồm: Tiền công lao động trong những ngày nghỉ làm, tiền thuốc mua ngoài và tiền vợ nghỉ làm chăm sóc anh H. Ngoài ra bị hại không cung cấp được chứng cứ để chứng minh anh H1 là người cầm ấm trà ném bị cáo và xác nhận lại chỉ có bị cáo T là người trực tiếp gây thương tích cho bị hại.

Người làm chứng khai nguyên nhân phạm tội là do hai bên có to tiếng dẫn đến xúc phạm, tranh cãi nhau; chỉ có bị cáo T là người trực tiếp dùng ấm trà và điếu cày để gây thương tích cho bị hại.

Bản cáo trạng số 10/CT-VKS, ngày 06/02/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng truy tố bị cáo Nguyễn Kim T về tội "Cố ý gây thương tích " quy định tại  điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tại phiên toà, Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo như nội dung bản Cáo trạng. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng khoản 1 Điều 134; Điều 36; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; xử phạt bị cáo với mức án từ 09 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ; giao bị cáo cho ủy ban nhân dân phường SD, quận HB, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Anh Hoàng Văn H đã cung cấp chứng từ, hóa đơn điều trị thương tích cho anh là: 10.932.335đ. Gia đình bị cáo đã bồi thường 13 triệu đồng. Ngoài ra anh H còn yêu cầu bị cáo T phải bồi thường thêm số tiền 30.000.000 đồng, bao gồm tiền thuốc mua bên ngoài (không có hóa đơn) là 6.000.000 đồng; tiền nghỉ làm là 25 ngày x 350.000đ/ngày = 8.750.000 đồng, tiền nghỉ làm của vợ anh H để chăm sóc anh H 25 ngày x 250.000đ/ngày = 6.250.000 đồng. Tổng cộng là 15.600.000 đồng, nhưng anh H vẫn yêu cầu T phải bổi thường 30.000.000 đồng.

Xét thấy tỷ lệ thương tích của anh H là 03% là không lớn, tại giấy chứng nhận ra viện thì anh H chỉ nằm điều trị tại bệnh viện 10 ngày. Căn cứ vào điều 48 BLHS, các Điều 584, 585, 590 Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị quyết 03 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao tuyên buộc bị cáo bồi thường cho anh H và vợ mỗi người 10 ngày công với số tiền 6.000.000đồng (anh H 10 ngày x 350.000đồng = 3.500.000đồng; vợ anh H 10 ngày x 250.000đồng = 2.500.000đồng); đối với tiền thuốc mua ngoài không có hóa đơn và tiền anh H yêu cầu thêm nhưng không cung cấp được hóa đơn và chi phí hợp lý nên không chấp nhận.

Về xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 điếu cày màu nâu, không có nỏ điếu, một đầu bọc kim loại màu trắng chiều dài 57cm, đường kính rộng 4cm; 01 số mảnh vụn bằng sành sứ sáng màu không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Bị hại không bổ sung lời luận tội của Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố. Nói lời sau cùng: Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

- Về tố tụng:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an quận Hồng Bàng, Điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, đại điện của bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

- Về tội danh:

[2] Về chứng cứ xác định bị cáo có tội: Lời khai của bị cáo tại phiên tòa khẳng định: Khoảng 19 giờ ngày 12 tháng 9 năm 2017, tại gia đình bị cáo, sau khi không thống nhất được số tiền công xây dựng nhà nên giữa bị cáo và bị hại đã xảy ra mâu thuẫn, có lời qua tiếng lại và cãi nhau. Bị cáo T có hành vi dùng điếu cày bằng tre và ấm pha trà gây thương tích cho anh H với tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 03%.

Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa thống nhất và phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan Điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng; được chứng minh bởi vật chứng của vụ án đã được thu giữ và Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 502/2017/TgT ngày 19/9/2017 và Công văn bổ sung số 148/CV/2017 ngày 28/12/2017 của Trung tâm giám định pháp y Hải Phòng kết luận thương tích của anh H như sau: "Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do vết thương gò má trái có kích thước nhỏ, không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng thẩm mỹ gây nên là 02%; tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do vết thương nhỏ khuỷu tay trái gây nên là 01%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích trên gây nên theo phương pp cộng lùi và làm tròn số là 03%. Các thương tích trên có đặc điểm do vật tày có góc cạnh cứng tác động trực  tiếp gây nên".

Bị cáo có hành vi dùng điếu cày tre và ấm trà gây thương tích cho anh H làm giảm 03% sức khoẻ, theo quy định tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003, các vật trên nếu sử dụng để tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công thì được coi là dùng hung khí nguy hiểm.

Như vậy có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo đã đủ cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi đó đã xâm hại đến sức khoẻ của công dân và gây mất trật tự trị an xã hội nên cần phải được xử lý thỏa đáng.

[3] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4] Về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Tại phiên tòa cũng như tại giai đoạn điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo đã cùng gia đình thăm hỏi, tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại. Ngoài ra bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, h, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) nên cần áp dụng đối với bị cáo khi quyết định hình phạt.

- Về tình tiết định khung hình phạt:

[5] Về áp dụng hình phạt đối với bị cáo:

Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra trước 0 giờ 00 phút, ngày 01 tháng 01 năm 2018. Khi lượng hình, Hội đồng xét xử phân tích so sánh các điều khoản tương ứng tại khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định một hình phạt tương đương so với khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Do vậy cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo.

Trong vụ án này, người bị hại không rút yêu cầu khởi tố bị cáo nên bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với hành vi của của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ (như phân tích ở mục [4]), bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, Hội đồng xét xử xét thấy không cần phải bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù; chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên, có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ theo điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo; bên cạnh sự giáo dục của Chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục đồng thời thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

[6] Về việc khấu trừ thu nhập của bị cáo: Xét bị cáo không có việc làm, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có thu nhập nên miễn khấu trừ thu nhập theo qui định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo.

[7] Về trách nhiệm dân sự trong vụ án:

Theo tài liệu chứng từ có trong hồ sơ thì tổng chi phí điều trị và toàn bộ tiền tiền thuốc, giám định thương tích, ảnh, chứng nhận thương tích là 10.848.335 đồng (bị hại đã được thanh toán bảo hiểm y tế là 6.524.935 đồng theo số thẻ bảo hiểm GD4310109802724).

Bị cáo đã bồi thường cho bị hại 13.000.000 đồng. Hội đồng xét xử thấy mức bồi thường trên là cao hơn chi phí thực tế, nhưng do bị cáo tự nguyện, hơn nữa việc bồi thường này có lợi cho bị hại nên cần ghi nhận. Hai bên đã giải quyết xong tại giai đoạn điều tra nên Hội đồng xét xử không xem xét về số tiền này.

Việc tại phiên tòa bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm số tiền 30.000.000đ đồng, gồm: Tiền công lao động trong những ngày nghỉ làm, tiền thuốc mua ngoài và tiền người chăm sóc bị hại tại bệnh viện. Hội đồng xét xử thấy rằng đối với yêu cầu thêm này, bị hại không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu này. Tuy nhiên thực tế bị hại có điều trị tại bệnh viện 10 ngày (từ ngày 12 tháng 9 năm 2017 đến ngày 21 tháng 9 năm 2017), theo bị hại trình bày thì thu nhập của bị hại là 350.000đồng/1 ngày và của vợ của bị hại là 250.000đồng/1 ngày. Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu, buộc bị cáo phải bồi thường thêm cho người bị hại số tiền là 6.000.000 đồng (350.000đồng/1 ngày x 10 ngày = 3.500.000đồng và 250.000đồng/1 ngày x1 0 ngày = 2.500.000đồng). Bị cáo tại phiên tòa cũng đồng ý bồi thường thêm cho người bị hại số tiền là 6.000.000 đồng.

[8] Về xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra đã thu giữ 01 điếu cày màu nâu, không có nỏ điếu, một đầu bọc kim loại màu trắng chiều dài 57cm, đường kính rộng 4cm; 01 số mảnh vụn bằng sành sứ sáng màu không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

[9] Theo lời khai của bị hại tại Cơ quan Điều tra thì T là người dùng điếu cày đánh còn anh Nguyễn Lê H1 là người cầm ấm trà ném. Tuy nhiên qua đối chất giữa anh H với bị cáo Nguyễn Kim T, anh Nguyễn Lê H1 và chị Lưu Thị Hồng N thì chỉ có bị cáo là người trực tiếp dùng tay cầm ấm trà bằng sứ và điều cày gây thương tích cho anh H. Tại phiên tòa bị hại không cung cấp được chứng cứ để chứng minh anh H1 là người cầm ấm trà ném và không có ý kiến gì.

[10] Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 584; Điều 585; Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, xử phạt: Nguyễn Kim T 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ về tội "Cố ý gây thương tích". Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân phường SD, quận HB, thành phố Hải Phòng nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao Nguyễn Kim T cho ủy ban nhân dân phường SD, quận HB, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm kết hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Miễn việc khấu trừ thu nhập cho bị cáo; bị cáo phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án hình sự.

Bị cáo phải bồi thường cho người bị hại số tiền là 6.000.000 đồng.

Căn cứ  Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Tịch thu tiêu hủy 01 điếu cày màu nâu, không có nỏ điếu, một đầu bọc kim loại màu trắng chiều dài 57cm, đường kính rộng 4cm; 01 số mảnh vụn bằng sành sứ sáng màu đã thu giữ.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án;

Bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 300.000 (ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án đối với bị cáo và bị hại đều có quyền kháng cáo.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

189
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2018/HS-ST ngày 13/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:19/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Hồng Bàng - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về